Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 07-12-2012, 10:58 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default Thầy Lan Trong Ký ức Học Trò

Không hiểu sao trong suốt thời học trò tôi lại không được học với cô giáo, vì thế mà sau này tôi không có cái tính mềm mỏng uyển chuyển, vốn là của phái nữ? Nhưng bù lại, trong những ông Thầy của tôi có đến ba vị là nhà văn mà tôi ngưỡng mộ cả về văn tài lẫn tri thức và phong cách giảng dạy, đó là các nhà văn Doãn Quốc Sĩ với.mái tóc bồng bềnh một cách tự nhiên và “Dòng sông định mệnh” mà theo tôi là tiểu thuyết “tân lãng mạn” ấn tương nhất đối với “tạng” của tôi ; là nhà văn Vũ Khắc Khoan, người không bao giờ cười, ăn mặc rất lịch sự có phần hơi đỏm dáng và...hút thuốc Cotab không cần hộp quẹt. Và đó là nhà thơ Nguyên Sa, người để lại cho tôi không nhiều nhưng là những ảnh hưởng sâu đậm.

50 năm chẵn chòi nhưng tôi vẫn không quên ông thầy dạy triết không đầu bù tóc rối, không “gàn gàn”, trái lại Thầy rất thoáng vui vẻ hoạt bát một cách chừng mực và nhất là giảng bài nghe như lọt vào xương. Là giáo sư, tác giả những bài thơ lãng mạn một cách hiện đại nóng hổi trên báo có sức chinh phục, Thầy làm cho giờ học trở nên lôi cuốn hết sức. Riêng với tôi, kẻ trốn học thường xuyên liên tục chỉ vì toán-dốt, lý hoá-kém, vạn vật-lười, thì giờ triết là giờ duy nhất tôi có mặt. Trường Chu Văn An của tôi thời ấy rất “hách” ở chỗ, thầy nổi tiếng , trò học giỏi và nghịch hơn mọi trường khác, cũng là do “chấp nhận” cá tính ấy mà trường “kệ” cho tôi trốn học? Nhưng Thầy Lan thì bảo “Khi đi thi đừng nộp học bạ (vì tôi trốn luôn cả thi lục cá nguyệt) họ không vớt cho đâu, ráng sao cho đủ điểm”. Và tôi không rớt tú tài, may làm sao, khi vào vấn đáp trúng ngay thầy. Thay vì truy bài ngay, Thầy cười rất tươi hỏi “Có bài nào hay không ?”- nhà thơ nói trước, giáo sư Lan truy bài sau và cho tôi có 14 điểm, một điểm không cao! Không thiên vị chút nào. Từ mối quan hệ thầy trò ban đầu cho đến quan hệ sau này, Thầy luôn gọi tôi một cách trống không như vậy và lúc nào đôi mắt nhà thơ nhí nhảnh cũng thay cho cặp mắt thường là nghiêm của những người thầy. Xong tú tài tôi không gặp Thầy trong nhiều năm, làm thơ tôi thường gửi bưu điện tới các báo và từ năm 1963 tôi có bút danh mới như ngày nay và điều đó cũng dễ “nguỵ trang” cho nên đến ngay một người bạn cũ làm Tổng thư ký tờ Nghệ Thuật là nhà thơ Viên Linh, mãi về sau khi báo nhắn tôi đến hình như lãnh tí nhuận bút ngoại lệ mới nhận ra nhau. Lúc tôi ra trường, trong nhiều kỳ chấm thi Thấy trò gặp nhau, sự thân tình vẫn chưa có, khác với những nhà thơ cùng tuổi gọi Thấy là anh, tôi vẫn xưng hô với Thấy như cũ, không phải quá câu nệ mà vì quen miệng và giữa chúng tôi không có những sinh hoạt văn nghệ, không gặp nhau tại các tòa báo bao giờ.

Cho đến một ngày, chúng tôi có dịp gặp nhau hàng ngày. Đó là vào năm 1966 khi cả Thầy lẫn trò đều vào Thủ Đức đội nón sắt đi giày saut, ăn ngủ theo tiếng còi và đổ mồ hôi trong những bài tập quá sức chuẩn bị để bị lao vào chỗ giết chóc. Gặp nhau, Thầy trò thân hơn, cà phê câu lạc bộ vào những lúc có thể. Lúc ấy tôi mới nhận ra Thầy nhiều hơn: Chấp nhận bất đắc dĩ một trò chơi miễn cưỡng nhưng Thầy khó tính hơn nhiều người cùng vào quân trường tưởng, họ nghĩ khi đã mỗi người một khẩu súng thì...bình đẳng luôn về những thứ còn lại! Tôi nhận ra nhưng không nói với thấy điều này, là người tinh tế, ông giả lơ như tôi không nhận ra gì. Đó là một cái hay thuộc bản lĩnh của ông, cho nên những giây phút rảnh rang bên ly cà phê lính, Thầy trò tôi không có những than thở như người khác, những lúc như vậy Thầy cũng không nói gì về thơ mà chỉ làm như vô tình “mớm” cho tôi cách xử lý ngôn ngữ, hình ảnh trong thơ. Được biết, thời gian ở Thủ Đức là lúc Thầy và một thư ký tòa soạn tờ báo có tiếng - một cái lò luyện người viết trẻ như tôi - đang xảy ra bất hòa nặng. Có thể vì biết tôi đang viết ở đó và cũng có thể vì bản tính của ông, nên không một lần nào Thầy có nhận xét không tốt về người kia, một người tôi cũng rất yêu mến. Bị kẹt giữa “hai làn đạn...cà nông”, tôi cũng khổ tâm nhưng không một lần hé môi. Thầy có vẻ bằng lòng về sự tỉnh bơ ấy của tôi.

Hết 4 tháng của giai đoạn một, một số không nhỏ được đi ngành, tức là được chuyển sang những binh chủng chuyên môn không tác chiến như câu ở quân trường thường nói “Nhất Nhu, nhì Cụ, tam Tài, tứ Y” và Thầy rời Thủ Đức đi học ngành quân nhu. Tôi ở lại đi cho hết chín tháng để ra mặt trận thành lính tác chiến, mà cái chết có khi ở ngay dưới cái võng căng ra trong một khu vườn một vùng quê nào đó trước và cả sau khi nổ súng, “nhẹ” thì cũng có thể về trên một brancard để khi tỉnh dậy có khi thấy không còn chân tay nữa! Thật lạ lùng, trong ngày mãn khóa, cái lon chuẩn úy vừa gắn chưa ngay ngắn trên ve áo thì người ta đọc tên tôi đi một đơn vị chưa từng có ai ở Thủ Đức đi, đó là về một trung tâm nuôi dạy ...chó! Rất ngạc nhiên, băn khoăn tự hỏi không hiểu sao lại được về một chỗ “cù lần” nhưng xem ra chữ thọ thì lớn như vậy.

Dòng đời cứ đưa đẩy, tôi vẫn cứ chưa thể chấp nhận việc mình phải đi lính, tôi là một nhà giáo không phải lính nhà nghề thì tại sao lại...ra nông nỗi! Chưa kể ra đơn vị ở ngay nách Sài gòn, giáo sư chuẩn úy phải làm việc giữa lính tráng và quan mà phần đông đều...dốt không biết văn chương là gì, lúc ấy chưa tới 30 đang rất ghiền văn chương lại chưa có mối tình nào vắt vai, lòng tự ái bị tổn thương nặng nên tôi đã nghĩ thế. Một lần đi công tác về Cục Quân nhu, có việc phải vào phòng ông Cục trưởng, đọc giấy tờ tôi mang đến bỗng ông cười hỏi : Cậu là CTC hả? Có đọc thơ cậu, sao mà chán chiến tranh đến thế. Cậu là thế nào với ông Lan, ông ấy là bạn tôi đấy” “Thưa, tôi là học trò của Thầy”, ông đại tá bảo “Lan nói tôi móc cậu về đây đấy!”. Thì ra là vậy, Thầy là thế đấy, Thầy ơi!

4-8-2008
Cao Thoại Châu
http://thatsonchaudoc.com/banviet2/C...ongKyUcToi.htm
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 09:21 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.