Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 01-03-2011, 11:59 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default Người phụ nữ trong thơ nôm

Người phụ nữ trong thơ nôm

--- Nguyễn Duy Hoàng ---


Ai viết hay, hoặc đâu là những trang hay về phụ nữ trong lịch sử văn học Việt Nam trước thế kỷ XX? Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương? Vậy là câu trả lời xem ra có vẻ cân đối không nghiêng về phía nào trong hai giới.

Chọn sâu hơn vào một tầng vừa để so sánh - nếu chỉ để Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, tôi nghĩ cũng sẽ không ai phản đối. Phải để cả hai, chứ khó chọn một - như một sự bổ sung, bù đắp cho nhau.

Thúy Kiều, trong sự tác thành của Nguyễn Du, ấy là một hình tượng bất hủ trong lịch sử văn học dân tộc. Có nhà nghiên cứu nêu nhận xét: những nhân vật lý tưởng trong Truyện Kiều đều mang tính ước lệ. Kiều (Làn thu thủy, nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh), Kim Trọng, Từ Hải,... Còn các nhân vật phản diện thường nghiêng về bút pháp hiện thực: Tú Bà (Thoắt trông nhờn nhợt màu dạ..), Mã Giám Sinh, Sở Khanh... Nhận xét đó tôi nghĩ cơ bản là đúng, nhưng chưa phải tuyệt đối đúng. Theo tôi hiểu, chân dung Kiều, đời sống tâm lý và tình cảm bên trong của Kiều thực sự và cụ thể biết bao!

Kiều trong tỏ tình với Kim Trọng:

Hoa hương càng tỏ thức hồng
Đầu mày, cuối mắt càng nồng tấm yêu


Kiều khi thất thân với Mã Giám Sinh:

Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung


Kiều sau trận đòn tàn bạo của Tú Bà:

Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa


Kiều trong tri ngộ và tri âm với Từ Hải:

Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
Cùng nhau trông mặt cả cười


Kiều trong tái hồi Kim Trọng:

Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa


Trong hình ảnh Kiều có đủ biết bao nhiêu là số phận, là cảnh ngộ: một trang tuyệt sắc, một người tình tuyệt vời, một người con chí hiếu, một bạc phu nhân đường bệ, một "con đĩ" - "sống làm vợ khắp người ta", thế mà từ sông Tiền Đường trở về, đáp lại lời cầu xin của Kim Trọng, nàng vẫn có thể nói:

Chữ trinh còn một chút này
Chằng cầm cho vững lại giày cho tan


Chữ trinh, với Nguyễn Du, với Kiều, và với cả thế giới Truyện Kiều đã trở nên lung linh đa nghĩa.

Tóm lại, Thúy Kiều - đó là sự kết tinh của tài và tình, của tình và hiếu, của tài hoa mà mệnh bạc, của những oan khổ, chịu đựng không mấy được bù đắp của người phụ nữ trong xã hội trung cổ Việt Nam và phương Đông.

Như vậy, dẫu tất cả mọi ước thúc và quy lệ ngặt nghèo của văn chương cổ điển, Nguyễn Du vẫn đạt được một chân dung Kiều tuyệt vời là sinh động, gắn bó và làm say mê biết bao thế hệ bạn đọc từ các bậc trí giả đến quảng đại quần chúng dân dã.

Còn Hồ Xuân Hương - đó lại là một sự sống phi thường khác. Hồ Xuân Hương - người tự vẽ bức chân dung tinh thần của mình, và qua mình mà đạt một khái quát sâu xa về chân dung và số phận của người phụ nữ.

Con người đó nói về mình và về người, nói với mình và với đời trong biết bao là giọng điệu: diễu cợt, chì chiết, sầu oán, cay chua, phẫn uất, nanh nọc, khinh thị:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

...

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?

...

Đầu sư há phải gì bà cốt
Bá ngọ con ong bé cái nhầm

...

Ai về nhắn nhủ phương lòi tói
Muốn sống đem vôi quét giả đền

...

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ

...

Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.


Hồ Xuân Hương người kết tụ sự phản kháng, sự chống trả, có cả thắng thế và thất thế của người phụ nữ trong đối diện với quân quyền, nam quyền, và thần quyền, nhưng vẫn biết bao là ngọt ngào, là dịu mát, là đầy nữ tính:

Quả cau nho nhỏ miếng giầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi


Cứ thế, với Hồ Xuân Hương, ta có thể đi vào chỗ thâm sâu những nguyện ước và khao khát - kể cả những khao khát tưởng như không tiện nói nhất, của người phụ nữ trong chồng chất những ước thúc và kiềm tỏa của luân lý lễ giáo và thiết chế xã hội phong kiến phương Đông.

Vậy là, với Kiều một bên và người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương một bên, có thể bước đầu hoàn thiện một chân dung tinh thần của người phụ nữ trong giới văn học Trung đại.

Hai gương mặt sáng giá, hai đỉnh cao của văn học Việt Nam đều thuộc về thế kỷ XIX. Có nghĩa là phải sau một chặng đường dài chín thế kỷ văn học Nôm dân tộc mới có thể hội nhập được các điều kiện cần thiết cho sự xuất hiện một chân dung ấy, với sự sống bên trong ấy, với những nét tính cách ấy.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong thời điểm kết thúc văn học Nôm để chuyển sang văn học Quốc ngữ đã xuất hiện hai gương mặt thơ tiêu biểu là Yên Đỗ và Tú Xương. Yên Đỗ đến sớm hơn Tú Xương 35 tuổi và về muộn hơn Tú Xương 2 tuổi, nhưng trong tiếp nhận của bạn đọc, hai người cứ như là cùng thời. Họ còn là người đồng hương. Cùng thời và đồng hương nhưng thế giới các cảnh quan và tâm trạng trong thơ họ lại rất khác nhau. Yên Đỗ- đó là sự tĩnh lặng của làng quê, còn Tú Xương - trong huyên náo của kẻ chợ. Kể cũng hơi lạ - quê Bình Lục của Nguyễn Khuyến chỉ cách Nam Định, nơi có phố Hàng Nâu của Tú Xương vào mươi cây số, thế mà thế giới thơ ông sao mà hiu quạnh thế:

Trong tối đua bay đóm lập lòe

...

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo


Đến có thể nghe rõ tiếng cá động ở bờ ao:

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Còn thế giới thơ Tú Xương thì đầy ồn ào và sắc màu:

Chí cha chí chát khua giầy dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là

...

Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ
Hai ả tròn xoe đứng múa bông


Khác nhau là thế, nhưng hai nhà thơ kiệt xuất cuối cùng của nền thơ Nôm dân tộc lại đã để lại cho hậu thế hình ảnh hai bà vợ rất ấn tượng, vốn đã được kết tinh trong ca dao và bây giờ đi vào văn thơ cổ điển.

Nguyễn Khuyến trong câu đối khóc vợ: "Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quay cồng, tất tả chân nam chân siêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc."

"Bà đi đâu vội đấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm".

Bà vợ của bậc đại khoa, ba lần Thủ khoa, Tam Nguyên, của đại quan Tổng đốc Sơn - Hưng- Tuyên, mà tuyệt không có chút đài các, mệnh phụ, như rất dễ dàng nhận diện nơi các bà án, bà Tuần trong văn chương Quốc ngữ vài chục năm sau - bà cứ là người chân đất lam lũ như tất cả người phụ nữ của đồng quê, nội cỏ Việt Nam.

Tú Xương chưa phải làm câu đối khóc vợ như Nguyễn Khuyến, nhưng lại đã có lúc làm thơ tế sống vợ. Bà vợ Tú Xương ở phố xá Nam Định, nên đã có dáng vẻ một cư dân thành thị, sống theo lối chạy chợ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi nấng năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông


(...)

Tú Xương trào phúng tất cả, kể cả tự trào. Nhưng riêng ở bài thơ này sao mà xót xa và thắm thiết đến thế, một nỗi thương cảm, một tình yêu, một tâm sự biết ơn trong toàn bài, và đọng lại rất sâu ở mom sông, ở lặn lội thân cò, ở eo sèo mặt nước....

Tú Xương, người từng có thơ về các thú chơi, trong đó có thú chơi cô đầu:

(...)

Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa
Chỉ e rày nắng mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình


Nhưng tôi cứ nghi ngại - đó là chuyện nhà thơ đùa cợt, hoặc cường điệu cho vui, còn chuyện thực, tình thực rất mực nguyên vẹn vẫn cứ là dồn tụ ở nơi bà Tú, vợ một ông Tú mà xoay trở, mà bươm chải, mà vất vả biết bao trong cuộc mưu sinh để nuôi ông chồng "dài lưng tốn vải", tám khoa thi vẫn hỏng, và cả đàn con - "một đàn rách rưới con như bố"...

Kết thúc thế kỷ XIX và mở đầu thế kỷ XX trong toàn cảnh bề bộn và sôi động bao nhiêu khuynh hướng của nền thơ dân tộc, tôi vẫn không sao quên hình ảnh hai người vợ, thuộc trong số chân dung chỉ đôi nét chấm phá mà gây bao ấn tượng. Hai người vợ như là nỗi hoài nhớ cả một thời xưa, vừa như là sự báo hiệu cho một cuộc giao thời Đông - Tây, giao thoa mới - cũ.



ST
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 08:14 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.