Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 01-03-2011, 11:56 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default Bi kịch của người trí thức nghèo trong Đời Thừa

Bi kịch của người trí thức nghèo trong Đời Thừa

--- Hà Minh Đức ---


Trong sáng tác của Nam Cao thời kỳ trước 1945, tác giả đặc biệt quan tâm miêu tả người trí thức nghèo. Họ là nhân vật chính trong tiểu thuyết "Sống mòn" và nhiều truyện ngắn có giá trị: "Nước mắt", "Mua nhà", "Đời thừa", "Cười", "Quên điều độ", "Trăng sáng", "Nhỏ nhen", "Cái mặt không chơi được". Người trí thức nghèo trong xã hội cũ ở những tác phẩm của Nam Cao thường là những người có bản chất lương thiện, gần với người lao động. Họ có ý thức về công bằng xã hội và đều có những mơ ước về sự nghiệp. Nhưng cuộc đời cũ đã không cho phép thực hiện những mơ ước và đẩy họ vào những cảnh sống tù túng, bế tắc phải kiếm sống, chạy theo miếng cơm manh áo. Nhìn chung họ ít bị biến chất nhưng rất vất vả để giữ được phẩm chất lương thiện của mình. Các nhân vật như Hộ trong "Đời thừa"; Thứ trong "Sống mòn"; Điền, Hải và nhiều nhân vật khác như y, hắn trong các truyện ngắn khác. Hộ trong "Đời thừa" là một kiểu trí thức nghèo tiêu biểu. Hộ cũng như các nhân vật trí thức nghèo khác đều mang bi kịch vỡ mộng, Hộ cũng có một mơ ước đẹp trong cuộc đời và trong sự nghiệp văn chương. Ở tuổi thanh niên, Hộ say sưa, chăm chỉ học hành: "Đói rét không có nghĩa lý gì với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn". Hộ là một nhà văn mong ước có một sự nghiệp văn chương: "Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời". "Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu!".

Nhưng rồi Hộ đã hoàn toàn thất bại, cái mơ ước cao siêu ấy vĩnh viễn không bao giờ đến và cả những mong ước nhỏ bé cũng không thực hiện được. Có thể nói toàn bộ thời gian dồn vào kiếm sống, sống vất vả và nhiều lúc cũng tầm thường, nhỏ nhặt: "Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?". Chuyện cơm áo lúc này không chỉ là chuyện riêng đối với nhân vật của Nam Cao mà dường như chung cho cả giới văn nghệ sĩ. Xuân Diệu đã từng than thở:

"Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ"


Và Hàn Mặc Tử cũng trong một tâm trạng gần gũi:

"Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?"


Đi sâu vào nghề nghiệp, Hộ cũng phải chịu đựng bi kịch về nghề văn. Trong tuổi trẻ Hộ là một nhà văn có những suy nghĩ đẹp về nghề nghiệp, Hộ cho nghề văn là một nghề cao quý, người viết phải có trách nhiệm với ngòi bút, phải thể hiện phần cao đẹp của tâm hồn mình, có thế tác phẩm mới có giá trị, mới đem lại niềm vui và tình cảm đẹp cho mọi người. Lòng mơ ước về một sự nghiệp văn chương gắn với trách nhiệm của nghề văn. Qua truyện ngắn "Trăng sáng", Nam Cao nêu lên quan hệ giữa văn nghệ và cuộc sống với trách nhiệm của nhà văn. Với "Đời thừa", Nam Cao qua nhân vật Hộ đề cập nhiều vấn đề sâu sắc về nghề văn. Văn chương không thể theo đường mòn mà phải sáng tạo. "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Hộ cũng có những suy nghĩ sâu sắc về chuẩn mực và giá trị của một tác phẩm văn chương. Hộ cho rằng một tác phẩm có giá trị không thể chỉ dừng lại ở việc miêu tả bề ngoài của xã hội hoặc thu lại trong phạm vi một địa phương nhỏ hẹp: "Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương tính bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn". Nghĩ như thế nhưng rồi vì hoàn cảnh phải kiếm sống, Hộ phải viết một cách vội vàng để làm cho có tiền, và kết quả là tác phẩm văn chương không tránh khỏi nghèo nàn nhàm chán. Hộ đau đớn vì nghề nghiệp: "Hắn chính là một kẻ bất lương. Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo... Hắn chẳng đem lại một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa". Bi kịch của Hộ chính là ở chỗ nhận thức được sự nghèo nàn nhạt nhẽo của những trang viết, khác với nghề văn chân chính là phải sáng tạo. Hộ phải chịu đựng bi kịch của đời thừa. Điều rất khổ tâm đối với Hộ mặc dù biết rằng mình phải viết vội, viết cẩu thả để kiếm sống, không xứng đáng với nhà văn chân chính nhưng Hộ vẫn say mê văn chương: "Chính tôi làm cái thân tôi khổ, tôi mê văn quá nên mới khổ". Hộ vẫn tha thiết yêu quý nghề: "Tuy khổ thì khổ thật nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi chưa chắc tôi đã đổi".

Về cuộc sống riêng, Hộ cũng không có được một gia đình hạnh phúc. Đây cũng là bi kịch chung của nhiều trí thức nghèo; nhiều cặp vợ chồng không hòa hợp hay xảy ra mâu thuẫn mà nguyên nhân chính là sự nghèo khổ kéo dài. Khởi đầu Hộ cũng có một gia đình hạnh phúc. Hộ đã xây dựng gia đình theo một tinh thần cưu mang độ lượng: "Từ bị tình nhân bỏ với một đứa con vừa mới đẻ (...) Giữa lúc ấy thì Hộ mở rộng đôi cánh tay ra, đón lấy Từ. Hộ nuôi Từ, nuôi mẹ già, con dại cho Từ. Hộ nhận làm bố cho đứa con thơ". Từ biết ơn và đền đáp lại bằng một tình yêu trung thành: "Từ yêu chồng bằng một thứ tình yêu rất gần với tình của một con chó đối với người nuôi".

Hộ chỉ sung sướng được ít lâu vì gia đình bé nhỏ nhưng nguồn chi tiêu lại lớn, Hộ hiểu rõ giá trị của đồng tiền và nỗi tủi đau của một người đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. "Hộ điên người lên vì phải xoay tiền. Hắn còn điên lên vì con khóc. (...) Hắn trở nên cau có và gắt gỏng" và dần trở thành một kẻ sống bất thường, lúc thì yêu thương vợ con, lúc thì cáu kỉnh đập phá: "Ngày mai... mình có biết không? Chỉ ngày mai thôi! Là tôi đuổi tất cả mẹ con mình ra khỏi cái nhà này... Tôi đuổi tất, không chừa một đứa nào (...) Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ nữa, con mẹ là mình ấy cũng đáng vật một nhát cho chết nốt...".

Hộ rơi vào bi kịch và những bế tắc của gia đình không dễ tìm ra lối thoát. Hộ vốn chủ trương triết lý tình thương và gia đình của Hộ là nguồn yêu thương gần gũi nhất của Hộ. Hộ không thể ác được. Cái ác chỉ thoáng đến trong ý nghĩ là Hộ đã hối hận, Hộ yêu thương vợ con, chăm sóc và lo lắng khi vợ đau ốm, vồ vập hôn hít con khi chỉ xa chúng một vài ngày: "Hắn tưởng tượng ra cái cảnh lũ con háu ăn và đói khát, rón thịt bằng tay và ăn những miếng bánh thật to, miệng phụng phịu và môi bóng nhờn những mỡ. Cái cảnh thô tục và cảm động!

Nhân vật Hộ phải chịu đựng nhiều bi kịch của người trí thức nghèo, Nam Cao miêu tả rất sâu sắc tâm trạng xúc động, đau đớn, xót xa của nhân vật và họ không thể thoát ra cảnh ngộ của mình trong cuộc đời cũ. Đó là bi kịch chung của xã hội thực dân phong kiến đã gieo rắc đến nhiều cuộc đời và nhiều số phận khác nhau, người trí thức nghèo phải đau đớn chịu đựng trong cảnh ngộ riêng của mình. Trong các truyện ngắn của Nam Cao về người trí thức nghèo thì "Đời thừa" là sáng tác giàu kịch tính và tập trung nhiều bi kịch hơn cả. Cùng một lúc nhân vật trí thức nghèo phải chịu đựng nhiều bi kịch: bi kịch vỡ mộng, bi kịch về nghề nghiệp và cả bi kịch nhỏ trong gia đình. Nhiều lúc Hộ tỏ ra thiếu bình tĩnh, giận dữ, chán nản... nhưng cuối cùng thì Hộ vẫn là người tốt. Nhà văn vẫn hướng về cái đẹp, người chồng vẫn thiết tha yêu thương vợ con. Cái đáng trách, đáng phê phán suy ra chính là cuộc đời cũ bất công khắc nghiệt.



ST
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 06:05 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.