Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 03-18-2006, 03:29 AM
kd_candy kd_candy is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Aug 2005
Nơi Cư Ngụ: xu*' lanh. tinh` no^ng`
Bài gởi: 268
Send a message via Yahoo to kd_candy
Default

Nói-viết về thơ. Dù dưới góc độ nào cũng là một cuộc phiêu lưu; bởi hai lý do: Một, đó là chuyện không cùng, vì lịch sử thơ dài và đan xen phức tạp. Hai, đó là một sự xúc phạm dân chủ, nói đúng hơn là chấp nhận đụng chạm, vì điểm nhìn luôn xuất phát từ chủ quan và đề cao tính chủ quan.


Vì thế, viết về thơ - dù tác giả đơn hay nền thơ chung, cũng là cách chọn lựa một điểm nhìn và chấp nhận sự cọ xát trong điểm nhìn đó. Khi nói thơ Việt, nghĩa là chúng ta đang nói tới lịch sử của một hành trình không đơn giản và không dễ kiểm soát. Như một cách điểm danh. Thì nó cũng phải bao hàm cả những tác giả, tác phẩm khuyết danh, hữu danh, đã chết và còn sống. Cho nên, theo cách của tôi, trong bài này, nói về thơ Việt nghĩa là nói đến chuyện của những người (hoặc xung quanh những người): làm thơ trẻ. Khi nói về họ, thực sự cũng chỉ với vài ý nhỏ - về một bộ phận nhỏ; những điều mà văn học chính mạch (phần đa số) ít nhìn thấy.


1. Những nhà thơ trẻ định danh tại nước ngoài


Năm 2000, có lẽ nên bắt đầu bằng sự kiện nhà thơ Mỹ gốc Việt, Mộng Lan (sinh 1970) đoạt giải thưởng Juniper, trao cho tác phẩm của tác giả trẻ được dự đoán sẽ tạo ra những ảnh hưởng rộng lớn. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà thơ gốc châu Á nhận được giải thưởng này. Năm 2001, tập thơ đó: Song of the Cicadas (Khúc ca của ve sầu) được Đại học Massachusetts xuất bản; năm sau, Mộng Lan có thơ in trong tập Best American Poetry of 2002 do nhà thơ Robert Creeley tuyển chọn; và trong năm 2003 này, vừa kết thúc một solo đọc thơ tại 11 trường đại học, do Hiệp hội các trường đại học vùng Ngũ Đại Hồ (Great Lakes Colleges Association) tổ chức. Hiện nay chị là giảng viên luân phiên (chuyên dạy làm thơ) của các trường đại học như Arizona, Stanford, Maryland... Mộng Lan cùng với Đinh Linh, Nguyễn Hoa, Barbara Trần, Linda Lê... là thế hệ thứ hai sống tại nước ngoài - với những cách tân và nhận thức mới, họ đã thực sự đem lại một diện mạo mới cho thơ-văn Việt.

Nhắc đến thơ Việt tại nước ngoài, của những người có ý hướng mới, có thể kể thêm Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hoàng Tranh, Thận Nhiên, Đinh Trường Chinh, Miên Đáng... Và cụ thể trong từng người, đều có những thông tin khá thú vị, đủ để làm những chân dung riêng lẻ như trường hợp của Mộng Lan.


2. Những nhà thơ trẻ trong nước - cùng với mạch ngầm văn bản photocopy


Nổi lên như một hiện tượng, Vi Thùy Linh, người luôn khao khát sự nổi tiếng và đang lẫn lộn trong sự nổi tiếng của mình; bởi thơ (mà cụ thể là 2 tập thơ Khát và Linh của tác giả này) nhiều khi không phải chuyện của số đông - số đông khó mà chia sẻ được -; vậy nên việc vận động để có thêm nhiều người biết, có khi cũng chẳng để làm gì. Sự định danh của một nhà thơ rất khác sự nổi tiếng của một ca sĩ thời thượng.


Dù không được nhiều sự ủng hộ trong giới (nhất là những thế hệ đi trước) nhưng tác giả này cùng với Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Tự Lập, Lê Thu Thủy, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Nguyễn Quyến, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ly Hoàng Ly, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Danh Lam... vẫn tạo được cho mình tiếng nói và vẫn được xem như những người trong cuộc. Trong cuộc vì có tác phẩm được xuất bản chính quy, được dự trại viết, hay Đại hội Những người viết văn trẻ - nghĩa là, ít nhiều họ cũng có được diễn đàn để lập ngôn và phát ngôn.


Đi chệch ra khỏi quỹ đạo một chút thì có Phan Bá Thọ, Vương Huy, Huỳnh Lê Nhật Tấn... thơ họ ít xuất hiện chính quy, nếu có xuất hiện thì cũng chưa thật với cái chất của họ... Dù ít và không thật, nhưng qua những lần xuất hiện đó, họ vẫn tạo được ấn tượng nơi người đọc. Nhưng họ không phải là những tác giả nằm trong mạch ngầm của văn bản photo. Dù Phan Bá Thọ có Chuyển động thẳng đứng, Huỳnh Lê Nhật Tấn có Tự tôi vào lá, cũng in photo. Những người thực sự nằm trong, có nhóm Mở Miệng (gồm Lý Đợi, Khúc Duy, Bùi Chát, Nguyễn Quán) và khoảng chục tác giả khác. Hoặc do không có kinh phí xuất bản, hoặc do không lấy được giấy phép xuất bản, hoặc do quan niệm về đời sống tác phẩm thay đổi... Thường thì họ in vi tính và photo ra vài chục bản tặng những người mà theo họ là có thể đọc và chia sẻ được. In roneo hay photo là một cách thức không có gì mới, nhưng in và quan niệm nó như văn bản chính thức của tác phẩm thì ít người làm như thế. Sau Của căn cước ẩn dụ của Nguyễn Quốc Chánh là tập thơ Vòng tròn sáu mặt, Mở miệng của nhóm Mở Miệng, Bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng, Xáo trộn trong ngày của Bùi Chát, Nhiệt đới cát của Phạm Mạnh Hiên... và hàng loạt những tập khác thật sự đã tạo ra một cách nhìn mới về việc công bố tác phẩm. Cái phong trào này, tạm gọi như thế, trước mắt đã giảm thiểu sự phung phí không cần thiết trong việc xuất bản một tác phẩm - mà lâu nay nhiều người lâm vào; tiếp theo, đã khu biệt và định vị được số người đọc; tiếp theo nữa, đã bắt đầu mở ra những thể nghiệm thiên về nghệ thuật, viết không còn (hoặc ít) quan tâm tới chuyện người biên tập ở nhà xuất bản nghĩ gì. Điều này có thể chưa phù hợp với những nơi khác nhưng lại rất phù hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà nhiều nhà thơ không có việc gì ổn định để làm, đa số có thu nhập rất thấp; sự giao lưu quốc tế rộng và tập thơ không còn được xem là thứ để cầu danh, là cái gì quá danh dự.

Ban đầu, việc in photo này được xem là một kiểu làm dáng về hình thức; nhưng càng về sau, nó càng tỏ ra hữu dụng và tác động được đến cách nghĩ của người sáng tác, nhất là trong giới trẻ. Nhóm Mở Miệng, sau Vòng tròn sáu mặt, họ in Mở miệng - một tập có tính cách “tuyên ngôn”; nhiều tác giả khác cũng thế; và cái kiểu này, trong mối quan hệ có tính lễ hội, họ cũng đang thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều tác giả. Tập thơ 13 (do nhóm Mở Miệng tổ chức), là cuộc gặp gỡ 13 gương mặt trẻ của thơ Việt, trong đó có những người rất mới như Nguyễn Quán, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Thúy Hằng... và một vài vệ tinh (thích cách làm mới) không ở trong tập như Lê Vĩnh Tài, Trần Kiến Quốc, Đoàn Minh Châu... Có thể nói, trong tâm thế mới, với những thể nghiệm mới, nếu có hy vọng gì đó vào việc làm cho thơ Việt khác đi thì chỉ còn cách trông mong vào đội ngũ này, khi thời gian còn đủ dài với họ. Họ là tương lai, là diện mạo mới của thơ Việt; chứ không phải là những gương mặt đang gây ảnh hưởng nhất hiện nay. Nói đến sự ảnh hưởng hiện tại, người ta vẫn nghĩ đến Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Mai Văn Phấn, Đinh Linh... và một người rất quan trọng (với những người trẻ mới cầm bút): Cù An Hưng.


3. Tác phẩm, sân chơi và một vài quan tâm khác


Dù theo dạng nào đi nữa, thì tất cả những tác giả được kể tên ở trên đều có tác phẩm của mình; 70% trong số đó có tập cá nhân và được xuất bản chính quy; 30%hoặc in chung, hoặc in photo, hoặc qua mạng Internet... Sung nhất trong nhóm trẻ, có lẽ phải kể đến Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Ngô Tự Lập... mỗi người vài tập và rất nhiều bài viết đây đó. Ít xuất hiện nhất có lẽ là Nguyễn Quán, chỉ vài bài ở nước ngoài, nhưng gây nhiều ngạc nhiên. Tập thơ xứng đáng được mang tên nhất, lại phải nhắc đến tập Song of the Cicadas của Mộng Lan, tập Bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng. Và trong những tập chung: Viết thơ, Three Vietnamese poets và 26 nhà thơ đương đại... là đáng quan tâm nhất, bởi nó thu hút được những người cùng ý hướng, hay ít ra là như thế.


Về sân chơi, ở một mức độ nào đó, từ trung ương đến địa phương, đa số các báo vẫn còn đăng tải, tổ chức thi thơ, nghĩa là thơ vẫn còn đất sống; rồi ngày thơ Việt Nam, chuyên đề thơ của báo Văn Nghệ v.v... Qua các tạp chí tại hải ngoại như Việt, Thơ, Hợp lưu, Văn, Thế kỷ 21, Quê mẹ, Khởi hành... và qua các diễn đàn trên mạng như www.tienve.org, www.talawas.org, www.tapchitho.org, hopluu.org..., nhiều vấn đề về thơ - văn hoá thơ đã được nhìn lại; cái ranh giới và cả sự e ngại giữa những tác giả trong - ngoài nước dần dần được xoá bỏ. Qua những sân chơi này, công bằng mà nói, là sự nổi lên những giọng điệu tươi và mới của thế hệ thơ sinh sau năm 1975, nơi đời sống nội tâm được đề cao, kỹ thuật thể hiện đa dạng và ý hướng chính trị bị mờ nhạt.


Cuối cùng, có lẽ là các hướng chuyển động. Một bộ phận lớn trong thơ Việt vẫn chuyển động theo hướng của thơ truyền thống, của thơ Mới nối dài về hướng này, không cần nói ra, nhưng bất cứ ai cũng có thể thấy. Một bộ phận khác, nhỏ hơn, hưởng ứng đề xướng của nhà thơ Khế Iêm, chủ bút tạp chí Thơ, triển khai chủ nghĩa Tân hình thức (New Formalism) Mỹ vào thơ Việt, gọi là thơ tân hình thức. Các tác giả của hướng chuyển động này, có Khế Iêm, Nguyễn Đạt, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường, Đoàn Minh Hải, Inrasara, Lưu Hy Lạc, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lê Thánh Thư, Nguyễn Lương Ba, Trần Tiến Dũng, Khúc Duy, Bùi Chát, Nguyễn Quán... Về tác phẩm lý thuyết, có: Tân hình thức: Tứ khúc và những tiểu luận khác (Văn mới, 2002) của Khế Iêm; về tác phẩm có 26 bài thơ tân hình thức của Lưu Hy Lạc, Đại nguyện của đá của Đoàn Minh Hải, Thơ Tân hình thức của nhiều tác giả; và rất nhiều các bài lẻ in trên tạp chí Thơ. Một bộ phận khác, cũng nhỏ hơn hướng đầu tiên, chủ yếu là những người trẻ, từ cái không khí tiền phong của thơ tự do, họ tiếp cận với chủ nghĩa hậu hiện đại (post modernism) và chuyển động trong đó, thơ họ là một cái gì đó chưa thể lường trước được, nhưng sinh động. Ý hướng này bắt đầu từ những nỗ lực phi thường của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và nhóm nghiên cứu tại Úc, sau đó trải rộng ra các diễn đàn khác, rõ nhất là tại địa chỉ www.tienve.org. Ngoài rất nhiều bài viết, bản dịch in rải rác, về lý thuyết Hậu hiện đại có Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại (NXB Văn Nghệ, 2000) của Nguyễn Hưng Quốc; Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (NXB Văn Nghệ, 2002) của Hoàng Ngọc Tuấn.


***


Tóm lại, thơ Việt những năm đầu thế kỷ XXI đang có dấu hiệu của sự chuyển động và đang tạo ra được diện mạo (dù còn mờ nhạt) cho riêng mình. Như một bữa điểm tâm tính danh, không thể nói nhiều và rộng - nhất là việc đi sâu vào nội tại của từng vấn đề và của từng tác giả. Dưới góc độ người quan sát, chắc chắn ai cũng muốn (và hy vọng thế) trong một tương lai gần, sẽ tìm ra được căn nguyên của sự trì trệ nhiều thập kỷ của một xứ sở được xem là "yêu thơ và người người làm thơ". Và cũng với hy vọng, trong nhận thức, cách nghĩ và cách làm khác đi - thơ Việt sẽ nói được tiếng của mình; để nếu được “chúng ta hãy đi xa hơn, không phải chỉ với cái mới; mà là cái không thể dự kiến được” (Henri Bergson).


( Lý Đợi )

ngưòi này nhận xét hay hum ? :)

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 10:44 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.