Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 02-21-2006, 02:28 AM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default



<span style="font-family:Tahoma">Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm

Biệt hiệu Hồng Hà nữ sử, người xã Giai Phạm, huyện Văn giảng, tỉnh Bắc ninh, Bắc Việt, sinh dưới triều Lê (1705) cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn.

Bà nguyên họ Lê, đến đời thân phụ là Lê Doãn Nghi mới đổi ra họ Đoàn. Tư chất thông minh, học một biết mười, bà nổi tiếng văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Mới lên sáu, đã học sách Hán cao tổ. Anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để thử sức học của em:

Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.

Rắn trắng ngang đường, ông Quý (tên vua Hán cao tổ) tuốt gươm mà chém nó.

Bà đối ngay:

Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết

Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng...

Năm 15 tuổi, học vấn tiến lên đến mức uẩn súc. Một hôm, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, bèn nói:

Đối kính họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.

Soi gương kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét.

Điểm là nét vẽ, lại là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.

Bà ứng khẩu đối ngay:

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân

Tới ao ngắm trăng, một vầng hóa hai vầng.

Luân là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại là tên. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa ra hai ông Luân.

* * *

Bấy giờ ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Tràng an tứ hổ:

-Nguyễn Duy Kỳ, người Thủy nguyên, Kiến an;

-Trần Danh Tân, người Cổ am, huyện Vĩnh bảo, Hải dương;

-Nguyễn Bá Lân, người Cổ đô ;

-Vũ Toại người Thiên lộc

Bốn người rủ nhaư tới nhà bà Điểm để so tài, Bà ra một câu đối:

Đình tiền thiêú nữ khuyến tân lang

Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu.

Tân lang là trầu cau, cùng âm với tân lang là chàng rể mới.

Bốn hổ Tràng an không đối được, tiu nghỉu cúp đuôi về.

* * *

Một hôm, bà gặp Nguyễn Công Hãng ở giữa đường Nguyễn vốn là đanh sĩ, người xã Phù chẩn, huyện Đông ngàn, tỉnh Bắc ninh, đỗ tiến sĩ năm 1700, có sang sứ Tàu năm 1718. Nguyễn yêu cầu bà làm hai câu tả cảnh độc hành (đi một mình). Bà ứng khẩu đọc luôn:

Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu

Truy tùy tả hữu cổ quăng thần

(Đàm đạo chuyện xưa nay thì có bạn gan ruột. Theo đuổi mình, bên trái, bên phải, có bày tôi chân tay).

* * *

Niên hiệu Long đức 3, 1734, đời Lê Thuần Tông, vua Tàu sai sứ sang tuyên phong, bà dùng vãn chương mà áp đảo được đại diện của "thiên triều". Từ đấy, bà lừng danh khắp trong nước.

Đặng Trần Côn, người làng Nhân mục, huyện Thanh trì, tỉnh Hà đông (Bắc Việt), một hôm cao hứng, đưa tặng bà một bài thơ, bà cười nói:

_ Trẻ con mới cắp sách đi học, đã biết gì?

Đặng hậm hực ra về, thề quyết học cho thành tài, sẽ đến rửa hận. Gặp lúc chúa Uy nam vương Trịnh Giang cấm đốt lửa trong thành ban đêm, Đặng phải đào hầm dưới đất, để thắp đèn xem sách. Công phu dùi mài này giúp Đặng mấy năm sau thi đỗ thái học sinh, nổi danh uyên bác. Đặng soạn cuốn Chinh phụ ngâm bằng Hán văn, lấy làm đắc ý, tìm đến trao bà Điểm xem, tin chắc lần này bà không chê nữa. Quả nhiên bà khen hay, và dụng tâm dịch ra quốc âm thành một áng văn tuyệt diệu

Dường như bà cũng nhân bản dịch này mà gói ghém đôi lời thầm khen tài Đặng, để chữa lại sự hắt hủi khi trước, nên hai câu kết của Đặng

Tương hội, tương kỳ, tương ký ngôn

Ta hồ! trượng phu đương như thị

theo nghĩa là: Cùng gặp gỡ, hẹn hò, cùng gởi lời thiếp mong mỏi. Than ôi, trượng phu nên như thế, bà đã dịch:

Ngâm nga, mong gởi chữ tình

Dường này âu hẳn tài lành trượng phu!

Hai chữ tài lành bà thêm vào như để nhắn tin cho ai, thật là ý nhị, chắc họ Đặng xem cũng phải lấy làm hả lòng.

Gần 30, bà về làm thứ thất thượng thư Nguyễn Kiều, tự Hao Hiên, người làng Phú xá, huyện Từ liêm (nay là phủ Hoài đức, Hà đông). Tuy là phận tiểu tinh, nhưng bà cũng được yêu vì kính trọng. Nguyễn Kiều sinh năm 1695, đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, nổi tiếng hay chữ, được các đại thần đương thời khâm phục, nên sinh lòng tự phụ, không coi ai ra gì. Bà Điểm thấy vậy bèn sai học trò đi chép đầu bài ở các trường cô tiếng mang về. Rồi đó, hai vợ chồng cùng làm mỗi người một bài. Đến lúc đem bình thì bài của ông Kiều thua, nhưng ông vẫn cố cãi bướng không chịu.

Bà Điểm vẫn kiên tâm chờ cơ hội để ngầm khuyên chồng. Gặp lúc trường Quốc tử giám mở kỳ thi, có các bậc văn nhân nổi danh chấm bài, đầu đề ra là bài phú Quốc Gia Như Kim Âu (Nhà nước vững như âu vàng), bà lại rủ chồng cùng làm mỗi người một bài. Kết quả bài của bà lời khéo ý đẹp, tứ chặt và đủ, hơn hẳn bài của ông Kiều. Bấy giờ ông Kiều mới tỉnh ngộ, biết tài của mình không bằng vợ. Từ đó hai vợ chồng hòa hợp, ngày ngày cùng nhau làm thơ, bàn chuyện cổ kim rất là tương đắc.


Năm 1746, Nguyễn Kiều được bổ đi trấn nhậm tỉnh Nghệ an, bà theo vào, giữa đường nhuốm bệnh, vừa đi đến Nghệ an thì tạ thế, thọ 41 tuổi


</span>
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 02-23-2006, 01:18 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Đoàn Thị Điểm

Trong làng văn thơ chữ nghĩa đối hoạ, không người nào không biết tới câu đối hiểm hóc tương truyền của bà Đoàn Thị Điểm đã khiến cho Trạng Quỳnh phải cả đời ấm ức khôn nguôi :
_ "Da trắng vỗ bì bạch"

Hàng trăm năm sau vẫn có những bậc tài tuấn hậu sinh vò đầu bứt tóc cố tìm cách chứng tỏ mình giỏi hơn Trạng Quỳnh. Tuy nhiên vẫn chưa ai xứng đáng là đối thủ của người nữ sĩ tài ba này.

Đoàn Thị Điểm có biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, là con của ông đồ Đoàn Doãn Nghi, quê làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (1). Anh bà là Đoàn Doãn Luân cũng là người giỏi văn thơ. Chuyện kể rằng một bữa bà đang ngồi soi gương trang điểm, anh bà chọc rằng :
_ "Đối kính hoạ mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm"

nghĩa là "soi gương, kẻ mày, một chấm biến thành hai chấm", đồng thời Điểm cũng là tên bà, nên có thể hiểu "soi gương, kẻ mày, một cô Điểm biến thành hai cô Điểm". Thật là tài tình, câu thơ mô tả cảnh hiện tại bà Điểm đang kẻ lông mày vô cùng chính xác.

Nhìn thấy ông anh đang đi ngoài sân cạnh cầu ao, trăng vàng soi bóng, bà ứng khẩu đáp liền :
_ "Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân"

nghĩa là "tới ao ngắm trăng, một vầng (trăng) chuyển ra hai vầng", mà cũng có thể hiểu là "tới ao ngắm trăng, một ông Luân chuyển ra hai ông Luân". Đối chan chát cả về ý lẫn từ, cả nghĩa đen lẫn bóng!

Lúc mới lên 5 tuổi ĐTĐ đã nổi tiếng thần đồng. Một ngày ĐTĐ đang học Kinh Thi do ông Đồ Nghi dạy, ông đồ bèn ra câu đối thử tài con gái :
_"Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi"

nghĩa là "rắn trắng cản đường, ông Quý tuốt gươm mà chém" lấy tích trong Kinh Thi Hán Cao Tổ Lưu Quý (hay Lưu Bang) lúc hàn vi say rượu chém rắn giữa đường.

Cô gái 5 tuổi không do dự, đọc câu đối ngay :
_"Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết"

nghĩa là "rồng vàng nâng thuyền, vua Vũ trông trời mà than" cũng lấy tích từ trong Kinh Thi ra. Ông đồ kinh ngạc trước tài năng sớm phát của con gái mình.

Năm 16 tuổi tiếng tăm ĐTĐ vang dội tới tận kinh đô. Quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn là thầy cũ của ông Đồ Nghi từ kinh thành tới quê ông thăm viếng cũng nhân để coi mặt và thử tài cô gái. Ở làng Giai Phạm, quan Thượng Thư được ông đồ đón tiếp trọng thể và cho con gái ra chào. Thấy cô gái đẹp, dung mạo đoan trang, ngôn từ dịu dàng, quan Thượng Thư rất hài lòng, bèn bảo đến trước mặt, đi bảy bước đọc 1 câu thơ độc hành. Điểm thong thả đi, chưa tới bước thứ bảy đã đọc ngay đôi câu thơ đối :
_"Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu
Trung tuỳ tả hữu cổ quan thần"

nghĩa là "nói chuyện xưa nay chỉ có bạn tâm phúc, kẻ theo hầu trung thành hai bên (phải, trái) chỉ có bầy tôi lâu năm".

Quan Thượng Thư nhổm người lên sửng sốt nói với ông đồ :
_ Khá khen cho con gái ông, đẹp người đẹp nết lại thông tuệ hơn người! Lời nữ nhi mà mang vẻ trang trọng uy nghi, có khí phách bậc đại nhân. Ở Thăng Long tiếng đồn đã vang dội trong hàng nho sinh học giả, nay ta mới thấy quả là không sai, lời thiên hạ truyền đi thật là xác đáng!

Quan Thượng Thư nhận ĐTĐ làm con nuôi, đưa về Thăng Long. Tiếng tăm người con gái nuôi của quan Thượng Thư càng lan rộng khắp kinh thành. Các công tử, văn nhân bị cuốn hút bởi sắc đẹp và tài năng của nàng, suốt ngày tìm tới dinh quan cầu thân. Trong số có Thái học sinh Đặng Trần Côn cũng mon men đưa thơ chọc ghẹo. Cô gái xem thơ cười nói rằng:
_ Trẻ thơ mới học, thơ từ chả bõ ngứa tai!

Côn thẹn tức trở về nhà cố công học, sau thành danh sĩ, viết ra tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm" được Điểm khen ngợi, tự tay dịch ra thơ Nôm.

Những người yếu văn dần dần bị loại hết. Chỉ còn 4 người hay chữ nổi tiếng ở kinh thành, tục gọi là "Tràng An Tứ Hổ", ở lại thi tài (2). Cô Điểm sai người hầu mang ra 1 vế đối bảo rằng nếu có người đối được thì cô sẽ ra tiếp khách. Câu đối như sau :
_"Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang"

nghĩa là : "gió nhẹ trước sân làm lay động hàng cau", nhưng cũng có nghĩa là : "trước sân cô gái trẻ mời chàng rể mới".

Câu đối hiểm ở chỗ thiếu nữ vừa có nghĩa là gió nhẹ, vừa có nghĩa là cô gái trẻ, tân lang vừa có nghĩa là cây cau, vừa có nghĩa là chàng rể mới.

Tứ Hổ nghĩ mãi không ra, trời mát mà mồ hôi xuất đầm đìa, lén rủ nhau chuồn về hết. Danh tiếng nữ sĩ càng nức Thăng Long!

Câu đối đó cho tới ngày nay chưa có người nào đối được!

AH
(1) theo Nam Hải Dị Nhân thì bà là người tỉnh Hải Dương
(2) Tràng An Tứ Hổ theo Phan Kế Bính là Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Cư và Võ Toại

Câu đối dành cho Trạng Quỳnh

Nguyễn Quỳnh là một nhân vật văn học vang danh Bắc Hà, mà nổi tiếng nhứt là lối chơi ngỗ ngược xỏ cả vua chúa và thánh thần. Quỳnh đỗ Cống Sinh (tương đương Cử nhân) nên được gọi là Cống Quỳnh. Chức danh Trạng là do dân gian xưng tụng mà có.

Truyện dân gian hay tô vẽ thêm cho nhân vật Trạng Quỳnh thành huyền thoại với mối tình thơ văn đối đáp giữa Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm, mà kẻ bị đo ván luôn luôn là Trạng Quỳnh, do đó mà uy tín bà Điểm càng tăng cao. Truyện kể rằng ông đồ Nghi mở trường dạy học rất đông học trò bởi vì ông vừa dạy giỏi vừa có tư cách sáng ngời, mặt khác ông còn có con gái đẹp mà tài văn thơ lẫy lừng nức tiếng từ nhỏ. Để gây ấn tượng mạnh đối với thầy đồ và con gái, mỗi buổi bình văn của thầy đồ, Quỳnh khăn áo tề chỉnh tới dựa gốc bàng trước cổng chăm chú nghe. Thấy lạ, thầy đồ cho học trò gọi Quỳnh vào nhà hỏi họ tên và mục đích muốn làm gì. Quỳnh xưng tên và nói mình là nho sinh muốn theo học nhưng thiếu người tiến dẫn nên không dám đường đột. Ông đồ Nghi bảo :
_ Anh là nho sinh có lòng hiếu học, nếu quyết muốn học thì ta ra câu đối này, đối được ta sẽ cho nhập học.

Quỳnh xin vâng. Ông đồ đọc :
_ "Thằng quỷ ôm cái đấu đứng cửa khôi nguyên".

Trong tiếng Hán, chữ quỷ ghép với chữ đấu sẽ thành chữ khôi. Quỳnh suy nghĩ rất nhanh rồi đáp liền :
_ "Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn".

Tiếng Hán chữ mộc chắp với chữ bàng thành chữ bảng. Thầy đồ khen ngợi Quỳnh nhận vào học. Một ngày từ phòng học Quỳnh nhìn qua cửa sổ sang phòng cô Điểm thấy Điểm vén rèm cửa sổ ngồi trước bàn, hai cửa sổ trông thẳng sang nhau. Quỳnh mở lời tán xin qua bên ấy chơi. Điểm đề nghị đọc 1 vế đối nếu đối được sẽ mở cửa mời qua, Quỳnh nhận lời. Điểm đọc :
_ "Hai người ngồi hai bên cửa sổ song song"

Chữ "song" tiếng Hán là 2, đồng âm với chữ "song" nghĩa là cửa sổ. Song song tiếng Hán có nghĩa là 2 cửa sổ lại đồng âm với "song song" là sóng đôi nhau.

Quỳnh tịt mít nghĩ mãi không ra.

Một buổi trời khuya Quỳnh trèo tường sau nhà thầy đồ định rình phòng cô Điểm, bị chó lao ra sủa. Quỳnh sợ quá leo lên cây cậy tránh. Điểm ra tựa cửa nhìn thấy Quỳnh trên cây, bụm miệng cười. Quỳnh bám mỏi tay, năn nỉ Điểm xua chó đi cho mình tuột xuống, Điểm lại đòi ra câu đối, đối được sẽ tha. Vế đối ra như sau :
_"Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, má đỏ hồng hồng".

Cây cậy gần gống cây hồng, trái cậy cũng màu đỏ, chữ "hồng" tiếng Hán là màu đỏ.

Quỳnh đối không được, bị ngồi trên cây tới gần sáng, Điểm mới ra xua chó cho xuống về nhà.

Hôm khác Quỳnh đang ba hoa với bạn học về việc trêu chọc cô hàng mật trên phố Mía thì Điểm tới, Điểm đọc luôn vế đối :
_"Lên phố MÍA gặp cô hàng MẬT, cầm tay KẸO lại hỏi thăm ĐƯỜNG".

Một vế đối có đủ mía, mật, kẹo, đường toàn là của ngọt cả ! Quỳnh và cả đám nho sinh ngây mặt không đối được.

Một lần giáp Tết, Quỳnh đi tới nhà thầy gặp trời mưa ướt lướt thướt. Điểm đang ngồi gói nem, mới mời Quỳnh ăn. Quỳnh đáp :
_ Chả thích nem, chỉ thích giò thôi !

Điểm biết Quỳnh trêu mình bèn bảo :
_ Đối được thì sẽ cho giò.

Rồi đọc :
_ "Trời mưa đất THỊT trơn như MỠ, DÒ đến hàng NEM CHẢ muốn ăn !

"Dò" đồng âm với "giò", "chả" là chẳng, lại có nghĩa là thức ăn từ thịt. Vế đối có cả "thịt, mỡ, giò, nem, chả" thì Trạng cũng đành phải thua !

AH
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 12-11-2009, 05:18 PM
ThiNgu's Avatar
ThiNgu ThiNgu is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Nov 2009
Bài gởi: 140
Default

Hehe..thầy AH lợi hại quá ta!
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 10:10 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.