Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 11-26-2008, 06:07 AM
jij_nhinhi_jij's Avatar
jij_nhinhi_jij jij_nhinhi_jij is offline
Member
 
Tham gia ngày: Nov 2008
Bài gởi: 85
Default Viếng bạn

“Viếng bạn” của Hoàng Lộc - bài thơ cảm động

Nguyễn Đình San



“Viếng bạn” là một bài thơ kiệm lời nhưng nhiều ý. Bài thơ ngắn ngủi đã cùng một lúc và rất tự nhiên vừa diễn tả được lòng căm thù quân địch sâu sắc, vừa biểu hiện được tình đồng đội, đồng chí và tình quân dân mặn nồng, thiêng liêng.

Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ

Đứa nào bắn anh đó
Súng nào nhằm trúng anh
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh!

Tên nó là đế quốc
Tên nó là thực dân
Nó là thằng thổ phỉ
Hay là đứa Việt gian?

Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như thắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt.

Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn.
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán.

Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung.

Bài thơ được bắt đầu một cách thật tự nhiên bằng việc nhắc lại một sự kiện cuối cùng trước khi bạn ngã xuống. Cái khoảng cách giữa “hôm qua” và “hôm nay” chỉ là 24 tiếng đồng hồ mà ở đây đã là một khoảng cách không thể tưởng tượng được giữa cõi sống và cõi chết.

Theo lối diễn tả thông thường, để phụ họa cho nỗi tiếc thương của người còn sống, thiên nhiên hay được “huy động” để sụt sùi, than khóc cùng con người. Người bạn còn lại chỉ lặng lẽ chặt một cành cây để “đắp cho người dưới mộ”. Cành cây phủ ở trên mộ, che cho ngôi mộ, sao lại “đắp cho người dưới mộ” được? Nhưng có lẽ không ai bắt bẻ, chất vấn về câu thơ đột xuất này, chính vì nó đã là hợp lý nhất.

Bài thơ chỉ là “Viếng bạn”, chỉ là vài phút mặc niệm bên nấm mồ của bạn, chỉ vẻn vẹn có 6 khổ thơ 5 chữ, không có điều kiện miêu tả cụ thể cái chết của bạn mà sao người đọc hình dung rất rõ cái tư thế lúc chết cùng cả cuộc đời chiến đấu trước đó của người liệt sĩ, phải chăng vì nhờ có những câu ít có vẻ là thơ: Đứa nào bắn anh đó/ Súng nào nhằm trúng anh/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/ Gọi tên nó ra anh!/ Tên nó là đế quốc/ Tên nó là thực dân/ Nó là thằng thổ phỉ/ Hay là đứa Việt gian?

Trong một khúc hát có những chỗ tình cảm trào dâng nhất hoặc lắng đọng nhất, ấy là chỗ “cao trào”. Trong khúc “Viếng bạn” này, có thể xem cao trào ở chỗ: Khóc anh không nước mắt/ mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ mà hàm răng dính chặt.

Ai đã từng nếm trải đau khổ mới thấy chí lý một điều: đau khổ đến mức không kêu than, cặp mắt cứ ráo hoảnh không một giọt lệ, lúc ấy đau khổ mới đến độ tột cùng. Nhưng có lẽ cái ấn tượng mạnh nhất đến với người đọc ở mấy câu thơ trên là nhờ tác giả đã bắt gặp được một cái âm khép “ắt”, lại là âm trắc để gieo vần ở khổ thơ thứ tư. Càng đau khổ càng ái ngại hơn khi ở nơi đây, không thể có những phương tiện bình thường nhất để khâm liệm, để chôn xác bạn, chỉ có một tấm chăn, có lẽ tấm chăn này đã nhiều dịp ủ ấm hai người, nhất lại là “của đồng bào Cửa Ngăn”. Người còn sống đã gửi theo vong linh người đã khuất vật kỷ niệm cuối cùng ấp ủ tình quân dân và tình đồng chí. Nếu cả bài thơ là màu sắc u buồn, ngậm ngùi, tưởng niệm thì đến đây đã ít nhiều được sáng lên bởi một lời khấn thờ thiết tha mà cụ thể. Hẹn “mai mốt” nhưng âm điệu của bốn câu thơ cuối cùng cho ta cảm giác như tiếng súng trả thù của người bạn còn sống đã vang lên.

“Viếng bạn” là một bài thơ kiệm lời nhưng nhiều ý. Bài thơ ngắn ngủi đã cùng một lúc và rất tự nhiên vừa diễn tả được lòng căm thù quân địch sâu sắc, vừa biểu hiện được tình đồng đội, đồng chí và tình quân dân mặn nồng, thiêng liêng. Giọng thơ thâm trầm, lắng đọng phù hợp với cảnh ngộ nhưng không bi lụy, não nề.

Một bài thơ gọn gàng, hàm xúc. Không ai nghĩ tác giả làm thơ mà chỉ thấy anh thương bạn, nhớ bạn bởi vì mọi lời lẽ chỉ là những ngôn ngữ bình dị nhất. Thế mới biết, muốn hình ảnh, âm thanh, muốn nhịp điệu, tiết tấu điệu nghệ sao chăng nữa cũng không thể thay thế tình người để quyết định sức sống lâu bền của một bài thơ. “Viếng bạn” cũng là một trong số những bài thơ hay xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thật cảm động, bài thơ ra đời chẳng được bao lâu thì chính tác giả của nó đã hy sinh trong một chuyến đi công tác. Và đã có người viếng anh khi anh ngã xuống cũng như anh từng viếng đồng đội trong bài thơ.

Đến hôm nay đọc lại “Viếng bạn” ta như thấy vẫn còn nguyên vẹn không khí và cảm xúc của cả đối tượng lẫn chủ thể sáng tạo. Người đọc không mấy nghĩ bài thơ nói đến chủ đề liệt sĩ, chỉ thấy một tấm lòng, tình cảm thật lớn lao, sâu nặng mà giản dị của những người lính chung một chiến hào – những người đã có công lớn làm nên ngày hôm nay.
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 11-26-2008, 06:09 AM
jij_nhinhi_jij's Avatar
jij_nhinhi_jij jij_nhinhi_jij is offline
Member
 
Tham gia ngày: Nov 2008
Bài gởi: 85
Default

Thơ Tú Xương - những hiện vật thời cuộc vô giá


Năm 2005 là năm kỷ niệm lần thứ 135 ngày sinh của nhà thơ Trần Tế Xương. Những dấu tích của cuộc đời ông dường như đã mai một rất nhiều, cần nhanh chóng thu thập, phục hiện để lưu giữ như những tài sản quý báu cho thế hệ sau.

Còn ngót hai năm nữa (2007) là ngày giỗ thứ một trăm nhà thơ dân tộc Trần Tế Xương. Năm nay (2005) kỷ niệm 135 năm ngày sinh.

Thơ Tú Xương là một đặc sản của thời cuộc. Thời cuộc buổi Tây sang, đánh cướp được nước ta rồi, họ hạ trại tính chuyện ăn ở lâu dài và khai thác các nguồn lợi. Họ du nhập áp đặt lối sống của họ. Họ tạo ra một thứ người Việt tôi tớ. Làm tôi tớ mà lại dị hợm. Dị hợm vì cơm thừa canh cặn, cũng dị hợm với lối sống học mót ngoại bang, từ nói năng xì xồ nói ít tiếng Tây, đến ăn uống sáng rượu sâm banh tối sữa bò.

Đấy là bọn quan lại tay sai phủ, huyện, tổng đốc, nhưng đông hơn, gặp chan chát ngoài đời và tạo nên nét đổi thay cả xã hội, lại là lớp công chức ăn lương Pháp, ấy là các thứ thông, ký, phán, tham… cho đến các thầy cẩm, thầy cò. Lớp người này sống ở các thành thị, làm nên nét đặc trưng của phố phường thời ấy.

Cái bối cảnh xã hội nhố nhăng tủi nhục ấy đã lọt vào tầm cảm hứng của Tú Xương, một người sinh và sống ở phố phường Nam Định. Xã hội Nam Định cuối thế kỷ mười chín đầu thế kỷ hai mươi hiện lên, cụ thể, chi tiết là hiện từ thơ Tú Xương. Và chỉ trong thơ Tú Xương nó mới phong phú, sinh động đủ cho hôm nay ta đọc mà còn như được chung khóc cười với tác giả.

Thơ Tú Xương thành một bảo tàng nhan nhản những hiện vật thời cuộc của riêng Nam Định và cũng là của chung điển hình cho cả nước trong cái thời bi phẫn đó. Đạo lý băng ngoại, đồng tiền lên ngôi, chất người xuống giá. Tú Xương ngửa mặt kêu trời cho cái mảnh đất Phố phường tiếp giáp với bờ sông:

Có đất nào như đất ấy không?
(…) Nhà kia lỗi phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
Keo cú người đâu như cứt sắt
Tham lam miệng thở những hơi đồng
Tú Xương bi phẫn trong bài thơ Đau mắt:
Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ
Giương mắt trông chi buổi bạc tình

Từ bệnh đau mắt đã thành nỗi đau con mắt lúc trông đời. Ông còn đau trong trái tim. Đau khi đêm vắng trong tâm trí nghe vọng tiếng gọi đò trên con sông đã lấp.

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Sông Lấp ấy là của Nam Định, nhưng tiếng gọi đò thì đã thành tiếng gọi hồn sông núi của con dân cả nước. Cái giật mình Tú Xương là cái giật mình thân phận của cả một dân tộc.

Tú Xương là nhà thơ đặc sắc của toàn dân, của mọi địa phương. Các thế hệ học trò đều học và nhớ thơ ông.

Trong các nhà thơ viết bằng thứ chữ vuông tượng hình, ông là người đầu tiên và cũng là cuối cùng, đã đưa được không khí thị dân tiền tư bản vào thơ. Ông đã mang được chất liệu, lẫn cảm xúc hiện đại của thế kỷ XX vào các câu thơ được gọi là cổ điển.

Nguyễn Khuyến, nhà thơ lớn cùng thời với ông, sinh trước ông 35 năm và mất sau ông hai năm, tài thơ cũng cao, nhưng không giàu chất sống hiện thực bằng ông, không đủ gay gắt việc đời như ông. Nguyễn Khuyến là ông đại khoa không có được cái cay đắng Trần Tế Xương, hay chữ mà lều chõng đến tám khoa, từ 1885 đến 1906, chỉ được cái tú tài.

Nỗi từng trải ấy đẻ ra cái nhìn hiện thực trào lộng vỗ mặt vào thứ khoa cử cuối mùa, đào tạo tôi tớ cho thực dân xâm lược:

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

Đầu đối với đít là nhục thì lấy động từ ngỏng mà trả thù. Hiện thực ấy là hiện thực của thành Nam, nó nhỡn tiền đối với Tú Xương, nơi có trường thi lôi thôi sĩ tử.

Một tỷ lệ lớn thơ Tú Xương là thơ nói việc đi thi, hỏng thi, gắn nhiều tên đất, tên người của Nam Định. Tú Xương khi trữ tình thì còn tiêu tao ước lệ Tam Đảo Ngũ Hồ, chớp bể mưa nguồn chứ Tú Xương khi đã hiện thực thì nhân chứng vật chứng cụ thể lắm, chi tiết đủ độ tin cậy làm hồ sơ cho lịch sử:

Ở phố hàng Song thật lắm quan
Thành thì đen kịt, Đốc thì lang

Rồi những ông lang Xán, chú ích Sinh, kẹo Thiều Châu, bánh Hanh Tụ…

Nguyên liệu tạo nên thơ Tú Xương là Nam Định. Từ Nam Định hồn thơ ông đã ôm và đất nước, bao quát một giai đoạn lịch sử. Tú Xương hộ khẩu thường trú ở phố hàng Nâu, ở phố hàng Nâu có phỗng sành.

Phố hàng Nâu bây giờ là phố Minh Khai, căn nhà số 280. Gia đình ông Trần Ngọc Thành đã ở đây từ năm 1952, căn nhà sửa chữa nhiều lần, giờ đây lại xây một căn mới phía trước. Nhưng vẫn còn giữ được căn nhà gác hai tầng của Tú Xương nằm khuất phía sau. Khách thăm xin phép vẫn được gia chủ rộng lòng cho vào thăm. Nhưng phải là người biết, chứ khách vãng lai đi qua ngoài phố không ai biết đây là nơi ăn ở của Tú Xương. Căn gác đã ọp ẹp lắm. Phải chăng người chủ thổ cư này chưa phá đi xây lại là vì trong lòng một cư dân Nam Định cũng còn lưu luyến chút hơi hướng Tú Xương.

Thơ Tú Xương đã tạo nên phần đặc sắc cho một giai đoạn thơ ca dân tộc và độc đáo hơn, nó đã thành tâm hồn của phố phường Nam Định. Những dấu tích còn lại của cuộc đời ông đã thành phần tài sản quý báu của thành phố, thành sức thu hút, thành nơi chiêm ngưỡng của đồng bào cả nước khi về Nam Định. Thời gian càng lùi xa, đời sống văn hóa của dân ta càng được nâng cao, những dấu tích ấy càng trở nên vô giá.

Nghĩ vậy nên mong muốn ủy ban tỉnh, ngành văn hóa nên mua lại căn nhà 280 Minh Khai, chỉ có 102 mét vuông đất, để rồi tôn tạo, phục hồi giữ lại nguyên dạng căn nhà cũ, gắn biển kỷ niệm, gìn giữ cho đồng bào cả nước di tích của nhà thơ và cũng là dấu vết kiến trúc một Nam Định cái thời Trời đất xoay ra phố cả làng.

Đối diện với căn nhà ở của ông Tú, bên kia đường, còn gian nhà ông ngồi dạy học. Gian nhà giột nát, người ta đã phải trùm tấm tôn lên một nửa mái ngói, nhưng vẫn còn tường vách rui mè cũ và phía trước, cuối cái sân con, còn một bức phù điêu vôi vữa hình cuộn thư, có chữ triện. Mưa nắng phôi pha nhưng vẫn đủ gợi bâng khuâng thương nhớ người xưa.

Phục chế lại nhà cửa, phục hiện và sưu tầm lại nghiên bút, lều chõng, thi cử thuở xưa, biến đây thành bảo tàng Tú Xương, bảo tàng thơ và bảo tàng việc học. Đấy không chỉ là tấm lòng chúng ta ghi ơn nhà thơ mà còn dấy nên niềm tự hào của con dân Nam Định về truyền thống hiếu học tự bao đời.

Tiếng gọi đò trong bài thơ Sông Lấp của Tú Xương làm xao xuyến mọi lòng dân Việt bởi cái âm hưởng như gọi hồn đất nước. Theo tôi đấy là bài thơ hay nhất của Tú Xương, và cũng là bài thơ của một giai đoạn lịch sử, của hồn vía Việt Nam sâu nặng.

Hai câu thơ trích từ bài này đã được các nhà quản lý văn hóa khắc trên bia mộ Tú Xương, nơi vườn hoa Vị Xuyên. Ngôi mộ được di dời từ những năm đất nước còn gian khổ. Ngày ấy có người kêu, trách ngành văn hóa: ép cụ Tú rời xa đồng ruộng, vào nằm nơi bụi bậm thị thành, vườn hoa bóng liễu, trai gái trăng hoa. Bây giờ nhìn cả quần thể kiến trúc nơi đây, một vùng trang trọng nhất của thành phố, nơi mọi du khách đều đến thăm viếng, mới thấy việc chuyển mộ Tú Xương năm ấy là có lý. Chỉ tiếc trong hai câu thơ trích, khắc quốc ngữ trên bia, có một chữ sai, nên sửa.

Trở lại bài thơ Sông Lấp, bài thơ mang hồn ông Tú. Nam Định ta nên cố định dáng vẻ tâm hồn gọi đò đêm này bằng một bức tượng Tú Xương, y phục dân tộc, chới với gọi đò. Bức tượng nhìn ra sóng nước sông Đào, bên chỗ Cầu Đò Quan thoáng đãng. Tú Xương gọi hồn nước. Chúng ta gọi hồn ông. Chúng ta tự hào truy lĩnh tài sản tâm hồn ông để lại và qua bức tượng chúng ta cũng bàn giao lòng biết ơn Tú Xương với mai sau.

Báo Tiền phong




--------------------------------------------------------------------------------
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 11-26-2008, 06:10 AM
jij_nhinhi_jij's Avatar
jij_nhinhi_jij jij_nhinhi_jij is offline
Member
 
Tham gia ngày: Nov 2008
Bài gởi: 85
Default

Bình thơ: Người bán rau





Người bán rau

Một mớ hành ta
Một mớ ngò tây
Tập tàng một mớ
Mỗi thứ dăm cây

Rau xanh như chị
Chị như rau gầy

Có người hỏi mua
Chị mừng nín thở
Sợ e khách đùa

Dăm ngàn bạc lẻ
Chợ tan lúc nào
Bước thấp bước cao
Chị về sắm tết.

THÁI HẢI

Năm mươi hai từ đơn, bài thơ ngắn gọn, giản dị, dễ đọc, dễ thuộc mà có sức lay động dữ dội. Nó là một bức tranh nhỏ, một bức tượng nhỏ, mà - như đồ chơi Matrirốtca (lật đật) của Nga - bên trong còn có những bức tranh tượng nhỏ khác.

Một mớ hành ta/Một mớ ngò tây/ Tập tàng một mớ là ba khuôn hình cận cảnh miêu tả tĩnh vật định danh: hành ta, ngò tây, rau tập tàng, và chi li tỉ mẩn đến nghiệt ngã: Mỗi thứ dăm cây. Một người nghèo vốn liếng ít ỏi?! Đương nhiên rồi. Người có chút vốn không sở hữu cái mẹt rau buồn đến thế. Chủ nhân của thứ tài sản trên đây không thể có gương mặt hồng, tươi tắn, không cài trâm vấn khăn… Một người đàn bà nghèo đến tội nghiệp, chỉ biết trồng rau, nhổ rau đi bán - mà cái phần vườn ấy chắc cũng không rộng…

Rau xanh như chị - ống kính camera sau ba cú bấm cận cảnh chuyển sang đặc tả phải hết sức chuẩn để miêu tả được cái chân dung và tâm trạng người bán rau, vừa mang tính thời sự báo chí (chân dung) và đã bước sang địa hạt nghệ thuật (tâm trạng).

Tiếp ngay đó Thái Hải bấm tiếp một cú đặc tả hoàn toàn nghệ thuật - thực ra là một bức ảnh truyền thần cao tay Chị như rau gầy. Thật tài tình, với 8 từ đơn, nhà thơ vẽ xong chân dung và thân phận người đàn bà: luống tuổi, gầy, xanh, buồn héo, nghèo và… thủ phận.

Ngay sau đó, tác giả thoát ra khỏi tâm trạng ủ dột của người bán hàng. Vì sao? Vì chị đến đây là để bán hàng, để mưu sinh, bán hàng mà cứ ỉu xìu như rau cải héo, mà xanh xao bệnh tật liệu ai dám mua đây!? “Thương trường như chiến trường”, chợ là chào hàng, mặc cả, cò cưa - chợ không có chỗ cho lòng thương hại: Có người hỏi mua/ Chị mừng nín thở/ Sợ e khách đùa. Trời ơi! Bất hạnh đến thế ư?! Một mớ rau tập tàng bán được bao nhiêu, lãi được bao nhiêu, liệu người ta có mua hay chỉ hỏi rồi đi qua mà đã khiến người đàn bà giật thót mình đến nín thở.

Kịch tính đẩy lên cao trào, và thân phận người đàn bà bán rau cũng được lột tả hết. Ba câu thơ ngắn gợi ta nhớ đến Giấc mơ anh lái đò của Nguyễn Bính: Một người chèo đò ngang cứ chiều chiều chở một thôn nữ xinh đẹp sang sông trước đây. Khi vắng khách anh nằm trên lái thuyền mơ màng, rồi mình cũng được đi học, thi đỗ trạng nguyên, vinh quy bái tổ, cùng rước nàng về: Võng anh đi trước võng nàng/ Cả hai chiếc võng cùng sang một đò. Bỗng giật mình nghe tin “ai” sắp lấy chồng, đám cưới to lắm. Nhà trai rước dâu bằng chín chiếc đò, nhà gái ăn chín buồng cau (đông lắm). Tiền chi phí tới chín nghìn quan. Ngẫm lại tài sản của mình, thử đem dạm bán: Lang thang anh dạm bán thuyền/ Có người trả chín quan tiền lại thôi. 9 đồng so với 9000 đồng, còn xa quá. Mà người ta chỉ trả chơi chứ không mua.

Cái người khách mua rau của chị đã ngã giá chưa mà chị mừng tới nín thở vậy?! Đấy là cách thậm xưng quyết liệt nhất như một cú đánh hiểm vào trái tim độc giả làm tan chảy những mảnh lòng băng giá, vô cảm nhất. Đây là một toàn cảnh hẹp, động: Người khách hàng đứng thờ ơ hỏi mua và một cảnh tâm trạng: chị mừng quýnh quáng đến nín thở. Còn nhớ câu thơ của Pêtôphi miêu tả niềm vui của một em bé sắp bị lính Đức hành hình mà cứ tưởng mình đước thả tự do…

Em mừng quýnh cả đôi chân
Nho nhỏ đôi gót son em băng liều giữa tuyết
Chiều đó em đi… Vĩnh biệt.

Thái Hải cũng thế. Chị bán rau mừng nín thở nhưng nổi mừng của chị thật thảm hại. Toàn bộ mớ rau bán được chỉ vỏn vẹn “Dăm ngàn bạc lẻ”. Bạc lẻ thì tất nhiên rồi. Nhưng người đọc còn cảm nhận được những ý ngoại ngôn, chắc nó không còn nguyên lành, không còn mới và … ướt nhoèn. Cũng mặc nhiên buổi chợ ấy có mưa bay bay, và rét.

Buổi chợ cũng được Thái Hải đặt vào thời điểm điển hình đến nghiệt ngã: Chợ tết. Dăm ngàn bạc lẻ/ Chợ tan lúc nào/ Bước thấp bước cao/ Chị về sắm tết. Ơ hay! Chợ tan lúc nào rồi cũng không biết, lại còn đi sắm tết - sắm ở đâu? Với dăm ngàn bạc lẻ và khu chợ đã vãn… Thế là, một khoảng lặng dành cho vĩ thanh của bản nhạc buồn: Một căn lều nhỏ, người đàn bà trở về (quần ống xăn ống xổ). Trong căn nhà có những đứa trẻ ríu rít mừng “mạ đi chợ về”.

Thái Hải đã thành công với bài thơ ngắn, ý tưởng mạnh và đầy lòng nhân ái. Thơ là tâm, là tình, là cảm, là cho… và, bài thơ ngắn của Thái Hải đã hoàn thành xuất sắc chức năng nghệ thuật: Lay động lòng người. Những ai từng đọc bài thơ này, một ngày giáp tết đi ra chợ gặp một người đàn bà gầy, buồn ngồi âm thầm bên mẹt rau nhỏ mà trái tim đa cảm không có một chút động cựa mới là lạ.

Theo Văn Nghệ
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 07:37 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.