Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 06-22-2006, 02:20 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Nhất Thiết Vi Tâm Tạo


Ngày xưa, có hai người bạn thân cùng nhau đi chơi. Khi họ đi ngang qua một ngôi chùa Ấn Độ, chợt nghe trong chùa có tiếng niệm "Bhagavadgita" là một bộ kinh nổi tiếng của Ấn Độ. Một người bạn mới nói với người kia rằng: "Này! Này! Chúng ta hãy vào chùa nghe kinh." Sau đó cả hai cùng bước vào; một người ở lại nghe kinh, còn một người nhìn qua nhìn lại, rồi bỏ ra ngoài tìm các cô kỹ nữ ở lầu xanh.

Người bạn đến lầu xanh một hồi rồi cũng thấy chán, sau đó cảm thấy hối hận và xấu hổ, lòng thầm nghĩ: "Áy da! Mình thật là bậy, thật là đáng xấu hổ, nghe giảng kinh không nghe, lại tới những nơi như thế này! Bạn mình hiện giờ đang nghe kinh, công đức vô lượng, còn mình thì trụy lạc ở chốn lầu xanh này, thật là đáng tội!" Anh ta cảm thấy mình thật đáng tội, thật đáng xấu hổ, cho nên muốn trở lại ngôi chùa để nghe kinh. Nhưng khi anh đến, thì buổi giảng kinh cũng vừa xong. Trong lòng anh vô cùng ân hận, về nhà ray rứt mãi mấy ngày.

Trong lúc người bạn đang ở lầu xanh hối hận, thì người bạn ngồi nghe kinh trong chùa nọ, tâm không sao yên để nghe giảng (Sư Phụ cười), đầu óc cứ nghĩ mãi: "Thật là chán, tại sao ngồi đây nghe kinh. Bây giờ bạn mình đang du hý vui chơi, hưởng những giây phút tuyệt vời, còn mình lại ở đây nghe người ta giảng kinh, chán chết đi được!" (Sư Phụ cười) Và anh ta cứ nghĩ như vậy cho nên trong lòng càng đau khổ.

Rồi một thời gian, hai người này đều qua đời. Tử thần đến nhà của người bạn nghe kinh, kéo anh ta xuống địa ngục; còn đến nhà người bạn đến lầu xanh đưa anh ta lên thiên đường (Sư Phụ cười). Quý vị có biết tại sao không? Không biết à? "Đó là do nhất thiết vi tâm tạo!" Thượng Đế không phải chỉ nhìn vào hành động của chúng ta, Ngài còn nhìn vào tâm chúng ta. Có những lúc nhìn hành vi của một người, chúng ta không hiểu rõ họ có phải thật sự như thế không, chúng ta cần phải nhìn vào tâm họ thì mới chính xác, lòng người lại rất khó lường; có những lúc bề ngoài trông thật lịch sự, nhưng trong lòng lại không tốt; có những khi trong tâm một người rất tốt, nhưng trông bề ngoài không như thế.

Cũng vậy, trong số đồng tu chúng ta có những người có quá khứ không hay lắm, có những người vẫn còn là những tay đàn anh, có những cô vẫn còn là tay đàn chị (Sư Phụ và mọi người cười), có người giết người, có người làm những chuyện xã hội không dung thứ nổi, nhưng sau này họ hối hận, tìm cách tịnh hóa bản thân, thành tâm tu hành, rồi nghiệp chướng của họ cũng được tiêu trừ. Có những người tuy cả đời không làm chuyện gì xấu, nhưng cứ lượn tới lượn lui, không chịu ngồi thiền, gặp Sư Phụ cũng không cảm thấy gì quý trọng, liếc qua một cái rồi bỏ đi, sau đó lại đi tìm Minh Sư khác, đi shopping - đi dạo phố, chúng ta có thể gọi họ là những người "dạo núi"! Bởi vì hầu hết các vị Minh Sư đều ở trong núi (Sư Phụ cười); họ từ núi này trông sang núi nọ, trông ngọn núi kia xanh hơn, đẹp hơn. Bởi vì tu hành không thật sự thành tâm, cho nên làm việc gì cũng không thành tựu.

Vì vậy không phải bề ngoài chúng ta trông có vẻ ngoan ngoãn dễ thương, rồi chúng ta có thể gạt được Thượng Đế. Chúng ta không thể gạt được Thượng Đế, bởi vì gạt Thượng Đế là tự gạt chính mình. Chúng ta tự hiểu mình muốn điều gì. Vả lại khi chúng ta làm việc gì, lòng không thành tâm, bản thân sẽ hiểu một cách rõ ràng.

Quý vị đã đọc qua những câu chuyện về các vị Minh Sư thời xưa, có những người rất lạ lùng, chẳng hạn như Tế Công. Nghe nói ông ăn thịt uống rượu, cả ngày nhậu nhẹt say sưa, đi đứng nghiêng ngửa, không có một chút phong độ. Rồi còn có một vị Kim Sơn Hoạt Phật, ông cũng là một hòa thượng kỳ quặc (Sư Phụ cười), ngày tối lang thang vất vưởng, cũng không có chút tư cách nào v.v.... Nhưng họ tu hành, tự biết đẳng cấp của họ; không những bản thân họ biết, mà Phật Bồ Tát cũng biết. Cho nên những người tu hành chúng ta khó phán đoán từ bề ngoài, nhưng trong tâm chúng ta chúng ta hiểu rõ mình có thành tâm hay không. Nếu chúng ta không biết, Phật Bồ Tát cũng biết. Không thể dựa vào sự biểu diễn bề ngoài mà người ta sẽ tin tưởng, không hẳn là như thế! Thượng Đế sẽ biết cách phán đoán.

Chúng ta tu hành, điều quan trọng nhất là thành tâm. Có những người đến cộng tu, tuy ngồi yên một chỗ, nhưng tâm của họ không ở đó. Cho nên Sư Phụ mới bảo quý vị: Đến chỗ cộng tu, thân khẩu ý phải thanh tịnh (Sư Phụ cười); nếu không, ngồi ở đó không có công đức đâu, còn tệ hơn những người ngồi nhà thiền mà thành tâm. Mỗi ngày ngồi thiền rất thành tâm, khiêm tốn, sẽ được nhiều công đức nhiều hơn (Sư Phụ cười). Nhưng đi cộng tu đương nhiên công đức rất nhiều, bởi vì sự thành tâm của người khác cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Ví dụ, đến đây thấy hàng trăm, hàng ngàn người cùng nhau chuyên tâm tọa thiền, thấy mọi người thiền rất chăm chỉ, mình cũng cảm thấy xấu hổ nên cũng ráng tọa thiền một lát (Sư Phụ cười), ngồi một hồi, tự nhiên cũng có công đức vì đầu óc được tịnh hóa và chuyên tâm.

Còn Vĩ Đại Hơn Sư Phụ


Có một vị Minh Sư thuộc giai cấp Bà La Môn. Ở Ấn Độ có rất nhiều giai cấp, Bà La Môn là một trong những giai cấp khá cao. Vị Minh Sư này rất nghèo, ông có một người đệ tử bán vải, vị đệ tử này rất giàu có, nhưng là một người rất bần tiện, đầu óc hẹp hòi.

Có một ngày, vị Minh Sư Bà La Môn này cần một mảnh vải, vừa bền, vừa đẹp để gói những pháp khí của ông, ví dụ như chuông, mõ, kinh điển v.v... Người tu hành Brahmin của Ấn Độ rất trọng những pháp khí này. Cho nên ông mới đến nhà người đệ tử bán vải giàu có nọ, hỏi anh ta có thể cho ông một mảnh vải như thế không.

Người đệ tử nọ nghe xong mới nói với thầy mình rằng: "Không có! Sư Phụ, xin lỗi! Nếu Ngài đến sớm một chút, thì con nhất định có loại vải đó. Nhưng Ngài lại đến quá trễ, vừa rồi con mới bán cho người ta, bây giờ không còn loại vải tốt đó nữa. Xin lỗi!" Sau đó anh còn nói tiếp: "Nhưng con sẽ nhớ là Ngài muốn loại vải này, con sẽ nhớ, xin Ngài hãy thường nhắc con, lúc có con sẽ tặng Ngài." Tuy nhiên, luôn luôn là không có (Sư Phụ cười).

Có một ngày vị Minh Sư nọ trở lại, lần này vợ của người đệ tử giàu có này ở phía sau lén nghe, bà ta bèn cùng với người làm đuổi theo vị Minh Sư của chồng mình, hỏi vị Minh Sư rằng: "Vừa rồi Ngài yêu cầu điều gì mà chồng tôi không tặng cho Ngài?" Vị Sư Phụ của chồng bà mới kể lại đầu đuôi câu chuyện, nói rằng ông cần một mảnh vải đắc tiền để gói những pháp khí của ông, nhưng chồng của bà nói không có loại vải này. Người vợ của người đệ tử nọ liền nói: "Ngài đừng lo, sáng mai Ngài nhất định sẽ có, không phải một miếng, mà là hai miếng, con xin hứa với Ngài."

Hôm đó sau khi chồng của bà bán vải trở về nhà, người vợ mới hỏi: "Anh đã đóng cửa tiệm chưa?" Người chồng liền nói: "Đóng rồi." Người vợ nói: "Bây giờ anh hãy mau trở lại tiệm, mang hai mảnh vải nọ về đây cho em." Người chồng hết sức kinh ngạc hỏi: "Ồ! Tại sao lại gấp như thế? Ngày mai anh đem về cho em được không? Anh nhất định có, nhưng mà ngày mai có được không?" Người vợ nói: "Không được, bây giờ em muốn hai mảnh vải ấy, ngay bây giờ! Có phải là anh không muốn cho em không? Phải không? Hả?" Người chồng đương nhiên nói: "Không phải, không phải! Anh đi ngay, anh đi lấy ngay! OK!" Tội nghiệp người chồng giàu có nọ, bây giờ anh ta không phải nói chuyện với người Sư Phụ hiền lành ngờ nghệch nữa, mà là nói với người vợ vĩ đại của mình.
Cho nên người Trung Quốc của chúng ta mới gọi vợ là "Thái thái" có không? Không phải là "Đại đại" mà thôi, mà là "Thái thái"! Không phải một chữ "thái"! "Thái dương" chỉ có một "thái", mà quý vị gọi một nửa kia của quý vị là "Thái thái", hai chữ "thái", chứng tỏ rằng không còn gì to lớn hơn nữa! Ngay cả quốc vương cũng chỉ là "Đại vương" mà thôi, mà quý vị gọi vợ mình là "Thái thái". Nghe lời gọi như thế thì biết rằng người Trung Quốc tôn trọng phụ nữ như thế nào, tôn trọng vợ của họ ra sao. Cho nên vợ mới vừa mở miệng, là anh ta lập tức đi ra tiệm, cho dù trời đã tối rồi, anh vẫn trở lại tiệm mở cửa, mang về hai mảnh vải đẹp mà vợ anh cần.

Trời tờ mờ sớm ngày thứ hai, vợ của anh ta mới cho người nhà mang hai mảnh vải này đem đến cho vị Minh Sư, bà còn viết vài hàng trên một mảnh giấy nhỏ cho vị Minh Sư rằng: "Sư Phụ, sau này Ngài cần điều gì hãy nói với con, bảo đảm Ngài sẽ có, không cần phải hỏi chồng của con." (Sư Phụ và mọi người cười) Điều này cho thấy người vợ nọ còn vĩ đại hơn vị Sư Phụ nữa. Thế giới là như thế, xin lỗi! Sự thật rất khó nghe, nhưng (Sư Phụ cười) có tình trạng như vậy xảy ra! Đôi khi có những tình trạng như thế.

Cũng giống như nhiều đồng tu của chúng ta, sau khi Tâm Ấn rồi, nói rằng: "Xin lỗi Sư Phụ! Vợ con không cho con ăn chay," (Sư Phụ cười) Sư Phụ không dám hỏi tiếp nữa. Quý vị nghe lời ai đây? Rất rõ ràng mà! (Sư Phụ cười) Sau đó đời đời kiếp kiếp cứ nghe lời vợ, như thế Minh Sư đến đây có ích gì? Rất nhiều người hỏi Sư Phụ: "Phật Bồ Tát rất từ bi, tại sao không đến để giúp tất cả mọi người Tâm Ấn?" Cho dù Tâm Ấn rồi cũng vô ích, phải không? Họ không nghe lời quý vị! Tốt nhất là mỗi người có một hướng đi cho mình, và có một cách sống cho mình.


Chân Chính Cúng Dường Thượng Đế


Ngài Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại đạo tràng Tây Hồ, Formosa
Ngày 5 tháng 1, 1995 (Nguyên văn tiếng Anh)

Đây là một câu chuyện về thờ phượng bằng tâm. Thờ phượng bằng tâm có nghĩa là người đệ tử không nên dựa vào bề ngoài, như là hoa tươi, nhang đèn, chuông trống, tượng Phật v.v... để thờ, và cũng không cần cúng dường thực phẩm.

Quý vị có nhớ Arjuna không? Trong sách Bhagavadgita có nhắc đến Arjuna là đệ tử của Krishna. Arjuna rất thích những nghi thức bề ngoài vừa dài vừa lâu để thờ phượng Thượng Đế. Ông đã xây một gian nhà riêng biệt để thờ cúng, ông thắp hàng ngàn ngọn nến, mọi vật trang hoàng đều bằng bạc. Mỗi ngày mất vài giờ để tế lễ Đức Shiva. Ông có thể ngồi cầu nguyện đến mấy tiếng, mang đến cả xe hoa tươi đến phủ đắp lên tượng Thần Shiva. Quý vị có biết Thần Shiva không? Ông là một vị thần Ấn Độ, Ấn Độ có ba vị thần nổi tiếng: Thần Phạm Thiên, thần Vishnu, và thần Shiva. Thần Shiva là vị thần của sự hủy diệt. Thật ra ông chỉ hủy diệt gian tà, chứ không bao giờ hại người lương thiện.

Arjuna có một người anh tên là Bhima. Ông chưa bao giờ đến đó để lễ bái, cũng không bao giờ đến chùa, mà chỉ đến Miaoli thôi (mọi người cười và vỗ tay). Ông có một thói quen là trước khi dùng cơm tối, nhắm mắt vài phút. Chỉ nhắm mắt vài phút trước khi dùng cơm tối mà thôi, trong tâm bày tỏ lòng tôn kính Thượng Đế. Có thể ông ta cúng dường hoặc niệm năm câu. Arjuna nghĩ rằng mình là một người hết sức thành kính sùng bái Thượng Đế, và nghĩ rằng Bhima, anh của ông không có lòng thành, cho nên ông coi Bhima không ra gì (mọi người cười).

Tôn giả Krishna khám phá được cung cách của Arjuna, ông muốn dạy cho người đệ tử của ông một bài học xứng đáng, để người này ý thức được sự sai lầm của mình. Ông bèn rủ cùng ông đến núi Kailash du lịch. Cung điện của thần Shiva được đặt trên núi này.

Trên đường đi, hai người gặp một người đang đẩy một chiếc xe chất đầy các loại hoa. Arjuna mới hỏi người ấy mang hoa đi đâu. Nhưng người đẩy xe không trả lời, chỉ chăm chú làm công việc của mình. Tôn giả Krishna mới nói với Arjuna rằng: "Mình đi theo ông ta xem thử có chuyện gì?" Arjuna đồng ý, nên cả hai đi theo người đẩy xe nọ. Sau đó hai người thấy người đẩy xe chất hoa xuống thành một đống hoa rất lớn, lớn như núi đồi của đạo tràng Tây Hồ vậy. Sau đó hai người lại thấy hàng trăm chuyến xe chất đầy hoa cùng đổ đến một nơi, khiến đống hoa nọ cao như núi, tất cả đều là hoa tươi.

Arjuna càng thêm tò mò. Sau cùng không dằn lòng được nữa, ông bèn hỏi người chở hoa rằng: "Xin cho biết đoàn xe hoa này từ đâu đến vậy?" Nhưng người nọ không trả lời. Arjuna hỏi đi hỏi lại mấy lần, cuối cùng có một người trả lời: "Thưa quý nhân, xin đừng làm phiền chúng tôi! Chúng tôi rất bận rộn, không có thời giờ nói chuyện với người khác. Chúng tôi chỉ mới mang đến bảy trăm năm mươi chuyến xe hoa mà thôi, trong chùa vẫn còn có bảy trăm năm mươi chuyến xe khác đang chờ chúng tôi mang đến. Tất cả số hoa này là từ Bhima, người con của Pandu, hôm qua đã cúng dường Thượng Đế của chúng tôi. Hiểu không?"

Điều này có nghĩa là cả núi đầy hoa này chỉ mới là một nửa số hoa mà họ phải mang đi, một nửa kia vẫn còn để một nơi nào đó trong chùa. Tất cả số hoa này là từ Bhima, anh của Arjuna, một người mà Arjuna cho là lười biếng, không bao giờ đi chùa, không bao giờ biết dùng hình thức bên ngoài để thờ kính Thượng Đế, không bao giờ biết làm gì cả, cũng không biết mang hương hoa đến cúng bái Thượng Đế, con người mà Arjuna xem thường, cho là một người vô dụng, không có lòng thành với Thượng Đế.

Bây giờ chỉ còn bốn tiếng nữa là đến giờ Bhima kính lễ Thượng Đế ngày hôm nay, và chúng tôi phải chở tất cả số hoa này trong khoảng thời gian đó. Mỗi ngày Bhima lạy Thượng Đế thì có cả một núi hoa mang đến đây.. Cho nên mỗi ngày họ phải chở số hoa như vậy do ông cúng dường.

Arjuna nghe qua thấy ngạc nhiên, nên hỏi lại: "Ông nói là Bhima hay Arjuna? Ông chắc là ông không nói sai chứ? Có lẽ ông muốn nói là Arjuna, phải không? Là Arjuna, không phải Bhima! Hãy nghĩ lại đi ông bạn, ông nhầm rồi. Tên của người đó là Arjuna, Arjuna, A-R-J-U-N-A, nhất định là như thế!" Người nọ trả lời: "Ồ! Đừng nói tới Arjuna. Không, không, không, không, không! Tuyệt đối không phải là người đó! Chính là Bhima mới có được nghi thức thờ lạy long trọng như thế này, không phải là người em Arjuna, chỉ thờ lạy bề ngoài mà thôi".

Tình cờ lúc đó có một người mang một giỏ hoa đi qua, Krishna mới cố ý hỏi người ấy, ông ta quả tình cố ý chứ không phải là không biết: "À! Anh bạn ơi, hoa này do ai cúng dường vậy?" Quý vị đương nhiên biết câu trả lời là gì rồi. Người nọ trả lời rằng: "Hoa này là do một người ở địa cầu hay dùng bề ngoài để cúng dường ngày hôm qua, tên ông ta là Arjuna (mọi người cười). Ông này chỉ thờ lạy bằng hình thức thôi, không thật lòng phụng sự và thương yêu". (Mọi người cười) Chỉ có một giỏ hoa mà nói cả ngày.

Arjuna mắc cở cúi đầu, nói với Krishna rằng: "Ôi, Krishna, Thanh Hải Vô Thượng Sư (mọi người cười), tại sao Ngài lại đưa con đến đây? Chúng ta hãy rời khỏi nơi đây ngay lập tức! Lẽ ra ở nhà Ngài có thể cho con biết khuyết điểm của con, sự khoe khoang của con, sự giả dối của con, sự ngụy tạo của con, như thế sẽ đỡ phiền phức và ít chuyện hơn. Con nhìn nhận rằng con cứ nghĩ là sự thờ phụng của con là cao cả nhất, nên con coi thường Bhima, nhưng bây giờ con đã hiểu rõ lòng chân thành phụng sự của Bhima, dù là dẫu trong thời gian tọa thiền ngắn ngủi vẫn cao quý hơn sự sùng bái của con, chỉ suốt ngày cố tình làm cho người khác thấy". Krishna nghe xong lặng lẽ mỉm cười.

Cho nên ở trong ngôi chùa không có chùa này, chúng ta không gặp phiền phức như phải đốt hương, dâng hoa, hoặc đánh chiêng khua trống v.v... Chúng ta chỉ cần thành tâm và lòng phụng sự bên trong là đủ rồi. Đó là lý do vì sao Sư Phụ bảo quý vị phải chú tâm tọa thiền, đừng biểu diễn bề ngoài nhiều, đừng lạy Sư Phụ hoặc bất cứ một vị Phật nào. Nếu bên trong của quý vị thấy được Phật, lúc đó muốn lạy thì lạy; nhưng Phật không kỳ vọng điều này, điều Ngài mong muốn là quý vị hãy thờ phụng chính mình. Như thế quý vị mới có thể tìm được Phật Tính, và thành Phật, đồng nhất thể với Thượng Đế; tìm được Bản Tánh vinh quang của quý vị, để giúp đỡ cho mình và giúp đỡ cho các chúng sanh khác, đó mới là kỳ vọng của Phật.


Hải Tặc Thành Thánh Nhân


Thanh Hải Vô Thượng Sư kể tại Formosa, ngày 30 tháng 8, 1989 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)

Đây là một câu chuyện Phật giáo. Long cư sĩ là một trưởng giả giàu có, tài sản của ông vô số kể. Một ngày nọ, sau khi gặp được một vị Minh Sư, ông ngộ được rằng sự giàu có của ông không khác gì độc dược, có thể gây nguy hại cho bản tính và làm quyến rũ lòng tham con người. Cho nên ông dự định đem toàn bộ tài sản của ông chất đầy lên một con thuyền lớn, rồi giong thuyền vượt sóng ra khơi, đem tất cả tài sản này dìm vào lòng biển. Ngay vào lúc ông đang chuẩn bị đem tài sản đổ xuống biển, thì đột nhiên năm trăm tên hải tặc từ đâu xuất hiện và toan tính cướp thuyền ông. Long cư sĩ đương nhiên không hề tõ vẻ sợ hãi, ông đứng trên khoang thuyền chờ họ lên. Khi những tên hải tặc chưa lên thuyền, Long cư sĩ đã nói với họ: "Các vị muốn lấy, hãy cứ lên lấy và mang đi tất cả." Cả bọn hải tặc lấy làm ngạc nhiên, từ trước đến nay chưa bao giờ thấy một thương thuyền nào, gặp hải tặc đã không sợ, mà còn mời lên thuyền cho hết của cải nữa. Họ mới hỏi Long cư sĩ rằng: "Sao ngươi thật khác với người ta, tại sao bảo bọn ta lấy hết tài sản mang đi mà không hề lộ vẻ luyến tiếc, không một chút đau lòng?"

Long cư sĩ trả lời: "Có gì phải sợ hãi, có gì phải lưu luyến chứ, khi tôi biết rằng những thứ của cải này chẳng khác gì độc dược, lẽ ra tôi muốn mang chúng đem đổ biển, nay các vị thấy chúng hữu dụng thì tôi xin tặng cho các vị."

Năm trăm tên hải tặc này sau khi nghe Long cư sĩ giải bày xong, vô cùng sửng sốt liền quỳ xuống sám hối, muốn theo ông ta học đạo. Long cư sĩ đương nhiên hết sức vui mừng đón tiếp họ, ông đem tất cả tài sản này về mang tặng cho chùa và cúng dường cho năm trăm vị "A-La-Hán" này, sau đó năm trăm người hải tặc này đều trở thành hòa thượng và tất cả đều tu hành đến quả vị A-La-Hán.

Chỉ Khai Ngộ Một Nửa

Từ trong câu chuyện này, chúng ta có thể rút tỉa ra được bài học: Sở hữu tài sản cũng không phải là chuyện xấu. Khi chúng ta thấy Long cư sĩ trong câu chuyện định đem toàn bộ tài sản đổ xuống biển, chúng ta nghĩ rằng: Chao ôi! Người này thật là khai ngộ, thật là hay. Nhưng khi chúng ta xem đoạn cuối câu chuyện, ông đem tài sản cúng dường cho năm trăm vị hòa thượng, biến họ từ kẻ đạo tặc sang thầy tu, Sư Phụ nghĩ rằng làm như thế càng hay hơn. Ông đem tài sản đổ biển là một việc làm khai ngộ quả không sai, nhưng chỉ mới khai ngộ một nửa, bởi vì ông vẫn còn lòng chấp trước, vẫn còn lòng phân biệt, vẫn còn phán đoán cái gì tốt cái gì xấu. Lúc đó sự suy nghĩ của ông tương đối cực đoan, ông nghĩ rằng tu hành rồi, nên bỏ đi tất cả, sở hữu tài sản là điều không tốt. Khi vẫn còn lòng phân biệt như thế, chứng tỏ rằng sự khai ngộ chưa đạt đến một trăm phần trăm.

Một người khai ngộ chân chính, đối với họ không có một vật nào là xấu, vật nào họ cũng có thể dùng được. Vị Long cư sĩ này nếu không gặp năm trăm tên hải tặc này ngoài biển, thì ông cũng chưa được hoàn toàn khai ngộ. Trông bề ngoài thì dường như Long cư sĩ đã độ cho năm trăm tên hải tặc, nhưng theo Sư Phụ, chính năm trăm người hải tặc đó đã độ Long cư sĩ! (Mọi người cười và vỗ tay) Tại sao vậy? Nếu như không có năm trăm tên hải tặc đó, Long cư sĩ vẫn còn chấp vào sự phân biệt tốt xấu, ông nghĩ rằng phải buông bỏ tài sản mới là điều phải, mới không bị ràng buộc, mới chính là một người khai ngộ, người có đạo đức, không còn quyến luyến hồng trần, không còn đam mê tài sản. Khi ông gặp được năm trăm người hải tặc, ông mới tỉnh ngộ, ông hiểu được tài sản vốn không tốt cũng không xấu, có thể dùng tài sản để giúp đỡ cho năm trăm người tu hành, như thế không tốt hơn sao? Cho nên có của cải cũng không phải là chuyện xấu, cần xem chúng ta dùng nó như thế nào.

Nếu chúng ta có rất nhiều tài sản, nhưng không biết xử dụng một cách hữu hiệu, thì chúng ta cũng không hơn gì những tên hải tặc. Ví dụ có một người có rất nhiều tiền, địa vị rất cao, nhưng người này đã lợi dụng địa vị và quyền lực để áp bức kẻ cô thế, làm thương hại người ta, vậy cũng chỉ là tên bá đạo. Còn một người khác lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khổ, không tiền, bị chèn ép đến đường cùng, bị quan quyền áp bức quá đáng, lòng tức giận nổi dậy, đi phá hoại tài sản của người khác, loại người này cũng không đến nỗi tệ hơn người giàu có nói trên. Cho nên chúng ta phải xem cho rõ ràng, phải biết phán đoán trước những hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau. Người có tiền, có chức vị không nhất định là người tốt, cũng không nhất định là người có phước báo. Người nghèo khó, thiếu thốn, hoặc bần cùng, cũng không nhất định là người xấu. Cho nên đức Phật mới có thể độ hai kẻ ác tặc thành người tu hành, Long cư sĩ mới có thể mang năm trăm người hải tặc về cúng dường, về sau họ đều trở thành những vị hòa thượng.

Mọi Vật Đều Hữu Ích

Nếu quý vị đọc Tây Du Ký, quý vị sẽ biết Đường Tam Tạng là một vị hòa thượng rất lương thiện và trang nghiêm, nhưng ba người đệ tử của ngài ai trông thấy cũng không khỏi khiếp đảm! Một người thì mũi dài tai bự, một người thì lông lá đầy mình, còn một người thì xâu đầu lâu làm chuỗi đeo. Người bình thường thoáng nhìn thấy họ là sợ muốn ngất xỉu, nhưng Đường Tam Tạng không sợ, ông nhận họ làm đệ tử, chính ba người này đã hết lòng ủng hộ Đường tăng sang Tây Phương thỉnh kinh thành công. Nếu như không có ba người mặt mày hung dữ này, Đường Tam Tạng rất có thể không đi tới Tây Phương nổi. Bất cứ điều gì cũng hữu ích. Vì diện mạo của ba người này trông rất hung dữ, nên yêu quái vừa mới thấy đã hoảng kinh, ngay cả yêu quái cũng ớn yêu quái (Sư Phụ và mọi người cười). Cho nên nếu chúng ta thấu hiểu được pháp luật của vũ trụ, biết được bí mật của tạo hóa, chúng ta có thể biến mọi vật trở nên hữu dụng.


Sự Phát Đạt Chân Chính


Thanh Hải Vô Thượng Sư kể tại đạo tràng Tây Hồ, Formosa
Ngày 23 Tháng 10 Năm 1994 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)

Có một phú ông rất giàu có. Ông mời một nhà sư tên Sunka đến giúp viết cho ông một cặp đối liễn. Vào thời xưa, khi căn nhà mới xây xong hoặc vừa khai trương cửa hàng, người ta thường tìm những người viết chữ đẹp, có tu hành, có một chút tiếng tăm, viết dùm những câu đối cho họ để hy vọng gia đạo may mắn. Câu chuyện này có lẽ là của Nhật Bổn. Viên phú ông nọ mời một pháp sư đến viết cho cặp đối liễn và nói với vị này rằng: "Xin ông viết câu gì, giúp cho họ hàng nhà tôi, đời này sang đời kia đều phát đạt, con cháu đời đời truyền nhau sự giàu có." Thế là nhà sư bèn hạ bút viết rằng: "Cha chết, con chết, cháu chết." Nhà sư viết như thế. Phú ông và người nhà của ông hết sức bàng hoàng giận dữ, không hiểu tại sao nhà sư lại viết như thế? "Nhà chúng tôi mới xây, mời ông đến viết cho câu liễn chúc lành, sao ông lại viết cả nhà tôi đều chết?" (Mọi người cười) "Ô! Tại sao ông lại trù ếm chúng tôi."

Nhà sư bình tĩnh trả lời cho họ: "Ô! Ông không biết, tôi không phải giỡn với ông, tôi hỏi ông, nếu con của ông chết trước ông, đó là điều không tốt phải không? Không phải ông sẽ đau khổ và thương tâm lắm sao? Nếu cháu của ông chết trước con ông, cũng là điều không tốt phải không? Làm sao mà nối dõi tông đường, tài sản và công việc làm ăn của ông làm sao phát đạt? Làm sao có người tiếp tục kinh doanh? Cho nên tôi mới nói cha chết rồi mới đến con, sau đó cháu mới chết, cũng đâu có sai!" (Sư Phụ cùng mọi người cười và vỗ tay) "Chết theo thứ tự thông thường như thế thì tài sản của ông, công việc làm ăn của ông mới có cơ hội phát đạt!" Ông còn nói đây mới là sự phát đạt chân chính.

Sớm muộn gì rồi ai cũng chết! (Sư Phụ cười) Người trong thế gian này đều sợ chết, vừa nghe đến chết là sợ! Sự thật không có gì đáng sợ, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ chết, có đến thì có đi! Điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ chết như thế nào (Sư Phụ cười). Chúng ta hiện nay mỗi ngày đều chết, cũng không có gì đáng sợ! Mỗi ngày lúc tọa thiền, linh hồn ra đi để lại thân thể ở lại, đó cũng là một cách chết, cho nên chúng ta không có gì để sợ! Những người bình thường bên ngoài khi nghe đến chết là sợ hãi! Đặc biệt nhất là khi chúng ta đi dự những bữa tiệc cưới, nếu quý vị nói ra một tiếng "chết", quý vị không có rượu uống nữa! (Mọi người cười)

Chết là một chuyện rất bình thường. Chúng ta đến đây để học một thời gian mà thôi, đại khái khoảng sáu mươi năm, bốn mươi năm, có người bốn ngày, có người bốn tuần lễ, tùy bài vở của quý vị dài bao nhiêu. Như vị thiền sư vừa rồi, có lẽ bài vở cần phải học rất lâu, cho nên sống đến một trăm hai mươi tuổi. Có những người về nhà rất mau, có những trẻ sơ sinh vừa mới sinh ra đã học xong bài vở rồi, sau đó liền ra đi! Người lớn chúng ta không biết, thấy con nít chết thì khóc lóc. Sự thật đối với chúng rất tốt, hiểu không? Thế gian điên đảo, chết không phải là điều xấu, chỉ sợ rằng lúc chết, chúng ta học chưa xong bài vở của mình, phải trở lại thêm một lần, rồi lại phải chết lần nữa, rất phiền phức. Cho nên chúng ta chỉ nên chết một lần là đủ, nếu không đời đời kiếp kiếp sẽ phải trở lại, những thói quen cũ chưa rửa sạch, lúc trở về lại mang thêm những thói xấu mới, đời đời kiếp kiếp tích lũy quá nhiều thói xấu rồi trở thành một người xấu, có nhiều thói không hay. Mới xuống tương đối còn ngây thơ, chỉ có một hai chứng bệnh. Nếu như cứ xuống mãi, không rửa sạch những thói quen trước đây, lại học thêm những thói quen xấu hơn trong cõi trần này, cứ thêm hoài vào, càng ngày càng nặng nề, đến lúc phải dùng lửa của địa ngục mới có thể rửa sạch những phẩm chất xấu, lúc đó gọi là đọa địa ngục.

Sự thật đây là một hệ thống tiến hóa, cũng như có những dụng cụ của chúng ta không còn sử dụng được, hoặc là dùng lâu rồi không còn dùng tiếp nữa, thì đem nó đốt đi, hoặc là nấu cho nó chảy ra, làm một vật mới trở lại. Chẳng hạn như một chiếc xe quá cũ, thì đem nấu chảy thành một khối sắt, sau đó đem khối sắt này chế tạo thành những dụng cụ mới. Chúng ta cũng thế, nếu làm không tốt, có lúc Thượng Đế sẽ nấu chúng ta thành một khối, từ khối ấy Thượng Đế tái tạo chúng ta thành một công cụ tương đối mới lạ và hoàn mỹ hơn. Cho nên địa ngục hay thiên đường đều là công cụ của tạo hóa, giúp chúng ta tiến hóa, giúp chúng ta tiến bộ. Nếu chúng ta không tiến bộ, tạo hóa sẽ giúp đỡ. Địa ngục chính là một phương thức để giúp chúng ta tiến bộ.
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 03:39 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.