Go Back   Vina Forums > Câu Lạc Bộ Giao Lưu > Góc Thành Viên > Trai vs Gái - Thành Viên Tán Dóc
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 09-11-2009, 08:39 PM
NhoDeRoiQuen NhoDeRoiQuen is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Sep 2009
Bài gởi: 132
Default Tâm tình bạn gái: Làm gì khi chồng sắp cưới bảo cứ ‘ cho ’ ?

Sưu Tầm chia sẻ :


Tâm tình bạn gái: Làm gì khi chồng sắp cưới bảo cứ ‘ cho ’ ?


Thưa bà Hồng Hạnh,

Cháu là Trần Thu Huyền, năm nay được 27 tuổi. Cháu đã đính hôn và sẽ cùng anh ấy làm đám cưới vào Tháng Mười tới, thiệp cưới đã in và gởi đi cho thân bằng, quyến thuộc hết cả rồi. Có điều, trong những lần hò hẹn riêng với nhau, nhất là những lần đi chơi xuyên bang và ngủ chung với nhau trong một phòng khách sạn, ảnh hay biểu cháu hãy cứ “cho” ảnh đi. Và ảnh nói, “trước sau gì mình cũng là vợ chồng mà!” Cháu thì chưa chịu, cứ dùng dằng mãi, vì vẫn còn e ngại sao ấy, tuy thật lòng cũng muốn lắm chứ mà lại không dám, cô ạ... Vậy cô khuyên cháu phải làm sao đây?

Trả lời cháu Thu Huyền,

Trước hết, cô xin được coi cháu là một phụ nữ bình thường như mọi người khác, tức là một phụ nữ không bị chi phối bởi bất cứ lời khấn hứa đặc biệt nào về thể xác và tâm hồn hoặc bị ràng buộc bởi những lề luật tôn giáo đặc biệt nào, bởi vì, đối trước vấn đề này, những thành phần vừa kể sẽ hành động theo đúng những gì đã cam kết và khấn hứa riêng mà không cần phải nghe theo những lời khuyên bảo hay cố vấn tâm lý của những chuyên gia như bà Hồng Hạnh là người cháu đang vấn kế.

Vậy thì, lời khuyên của cô là, khi nhận được đề nghị của người chồng sắp cưới muốn cháu “cho” chàng trước mà không cần phải đợi tới đêm tân hôn, cả hai phản ứng đồng ý và không đồng ý chìu theo ý muốn của người chồng tương lai từ phía người con gái như cháu đều có thể chấp nhận được, xét cả về mặt tình cảm lẫn về mặt luân lý.

Về mặt tình cảm, khi tình yêu đôi lứa đã đến độ chín muồi để hai người có thể sẵn sàng làm lễ thành hôn với nhau như trong trường hợp này thì chuyện “cho” nhau là hợp lý và còn có thể được coi là một diễn tiến đáng khuyến khích giữa đôi bạn tình trong ý hướng làm thăng hoa tình yêu vốn đã tươi đẹp của mình mà không cần phải đợi cho đến giây phút chính thức, trong đó cao điểm là một lễ cưới tuyệt vời dẫn đến đêm “động phòng hoa chúc” thần tiên như nhiều cặp đã và đang làm. Về mặt luân lý - và cả về mặt pháp lý nữa - không có gì sai trái khi những cặp không bị ràng buộc về mặt tình cảm hay hôn phối với một người thứ ba mà bấy lâu từng tha thiết yêu nhau và nay muốn bày tỏ tình cảm âu yếm với nhau như vợ chồng thực thụ ít lâu trước ngày tân hôn.

Nhưng nếu cháu cảm thấy chuyện “cho” người mình yêu một cách “sớm sủa” như thế là chuyện không nên làm thì cũng không sao cả, và cô nghĩ đây cũng là một điều hợp lý mà thôi. Xã hội nào cũng có những nguyên tắc luân lý và tâm-sinh lý liên quan đến tình yêu và cuộc sống lứa đôi, và theo tập quán Việt Nam thì người con gái nên tránh những hành động liên hệ tới tình dục với người chồng tương lai của mình, tức là phải biết chờ đợi và biết “gìn vàng giữ ngọc” cho đến đêm tân hôn trong ngày cưới là giây phút vẫn được đôi bên coi là “thiêng liêng” và “duy nhất” trong cuộc sống lứa đôi.

Nhưng, cháu có biết không, điều kỳ diệu là quan niệm có tính “bảo thủ” này lại được chia sẻ một cách nhiệt tình nơi các cặp trai gái theo đạo Chúa, nhất là bên Công Giáo trên xứ sở này. Theo chỗ cô biết, ít nhất cũng có hai phong trào và nhóm hoạt động nổi bật trong giới thanh niên, thiếu nữ theo đạo Chúa coi chuyện giữ gìn trinh tiết -không phải chỉ về phần người con gái mà cả về phần người con trai nữa - cho đến ngày cưới nhau là một chuyện hợp đạo lý và phải làm. Ðó là The Virgin Lips Movement (Phong Trào Giữ Làn Môi Trinh Nguyên) và nhóm True Love Waits (Tình Yêu Chân Chính Là Biết Ðợi Chờ). Trong số các lập luận quy về chuyện phải chờ đợi cho đến ngày tân hôn mới khởi sự “cho” nhau, có quan niệm cho rằng hành động làm tình phải được coi là mối gắn bó tinh thần chỉ có thể xảy ra giữa một người nam và một người nữ đã thật sự cưới nhau mà thôi cùng với quan niệm rằng nếu mình đã chờ đợi được cho tới ngày đôi lứa đính hôn với nhau thì tại sao lại không ráng chờ đợi thêm một thời gian (ngắn) nữa cho tới ngày cưới nhau hãy làm “chuyện ấy”?

Nơi đây, cô xin trích dẫn một vài đoạn thư mà các độc giả người Mỹ chính mạch gởi lên Internnet để đáp ứng câu hỏi “có ai để mất trinh tiết trước ngày cưới hay không?” được đưa ra để thăm dò ý kiến những người theo đạo Chúa:

-“Tôi là một người theo đạo Chúa và không phải là kẻ còn trinh. Tôi vẫn còn sống với người đàn ông mà tôi hiến dâng trinh tiết của tôi. Dưới một khía cạnh nào đó thì tôi nuối tiếc thật, nhưng dưới một khía cạnh khác thì tôi lại không tiếc gì. Chúng tôi đã yêu nhau và đã ở bên nhau từ 3 năm rồi... Thật sự tôi cũng chẳng biết liệu làm tình với người mình yêu và sẽ cùng nhau sống trọn cuộc đời có phải là chuyện tội lỗi hay không. Nhưng tôi nghĩ Chúa thấu hiểu hết cả, và tôi không nghĩ chuyện đó lại giống như là chuyện có những kẻ chỉ cần cùng nhau ái ân qua một đêm thôi. Tuy thế, tôi thật sự nghĩ rằng nếu hiến dâng trinh tiết được cho nhau vào đêm tân hôn vẫn là điều gì rất đặc biệt, và như thế thì các bạn phải biết chờ đợi thôi, vì các bạn đã đính hôn với nhau rồi mà!” (Kenlie)

-“Người đàn ông ấy sẽ gắn bó với bạn hơn nếu anh ta chưa nếm thử được cái hương trinh của bạn trước đêm tân hôn. Khi tôi viết những dòng này cho bạn thì có ba phụ nữ trong sở làm, tất cả đều theo đạo Chúa, vừa bảo tôi nhắn với bạn là bạn phải chờ đợi thôi. Họ bảo rằng cả thế giới đều giống nhau về chuyện này: sau cuộc làm tình, người đàn ông sẽ lại lao đầu vào chuyện tìm kiếm một phụ nữ khác. Vậy bạn ơi, hãy cứ chờ cho tới ngày bạn thành hôn. Còn nếu chàng ham muốn quá thì hãy bảo chàng cưới bạn ngay đi.” (Ibrahim J)

-“Một tháng nữa thì tôi sẽ làm đám cưới. Tôi cùng ở vào hoàn cảnh giống như bạn: vị hôn thê còn trinh, nhưng tôi không còn. Và tôi hết sức tiếc chuyện này. Tôi ước phải chi tôi đã giữ mình được cho vị hôn thê của tôi. Theo ý kiến tôi, bao lâu mà bạn còn gìn giữ được cho người mà bạn sẽ cùng sống bên nhau trọn đời thì chuyện bạn có làm đám cưới với người đó hay không chẳng phải là điều hệ trọng cho lắm. Nhưng vị hôn thê của tôi lại nghĩ rằng hôn nhân khiến cho chuyện vợ chồng trở thành một cái gì ‘chính thức,’ và tôi tôn trọng quyết định của cô nàng.” (Kevin A.R.T.)

Sau hết, cô xin nhắc cho cháu nhớ lại câu chuyện xưa này: Trong truyện Kiều viết ra cách nay 200 năm, tức là đã xưa lắm rồi, tác giả là đại thi hào Nguyễn Du có nói tới niềm hối tiếc chân thật của nàng Thúy Kiều khi phải bán trinh cho gã Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha khỏi cảnh tù tội thay vì đem hiến dâng cho người yêu là chàng Kim Trọng trong một cuộc lén cha mẹ hẹn hò với nhau mà cả đôi bạn tình đều cảm thấy lòng rạo rực yêu đương nhưng chỉ vì Kiều cứ lo sợ hão huyền cho nên nàng đã lỡ từ chối không “cho” chàng Kim vào lúc ấy:

“Biết thân đến bước lạc loài,

Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung!”

Cô cũng xin nói cho cháu biết là, cho tới nay, một câu hỏi khá lý thú đã được nêu lên mà vẫn chưa hề được giải đáp một cách dứt khoát, đó là nàng Kiều muốn “bẻ nhụy đào” để đem hiến dâng cho chàng Kim vào lúc nào đây, trước hay sau khi hai người chính thức làm lễ cưới nhau dưới bàn thờ tổ tiên?

Bà Hồng Hạnh
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 04:27 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.