#1
|
||||
|
||||
Những cây gậy biết bay huyền bí của người Dao
Bên cạnh những lễ cúng quan trọng như cúng Bàn Vương (thủy tổ của người Dao) và gia tiên, cầu may, cầu phúc… những lễ hội truyền thống lớn của người Dao ở xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) không thể thiếu những trò chơi vui nhộn. Nổi bật nhất là những trò nhảy múa trên than hồng rực lửa, hoặc đùa giỡn với những cây gậy, chiếc bàn, chiếc lồng gà… biết bay, mang đậm màu sắc Saman giáo.
Ông Triệu Chòi Hín, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Hồ Thầu cười khi khách hỏi về chuyện bí ẩn xung quanh việc nhiều người không thể ghìm nổi một cây gậy xuống đất. Ông bảo: “Trò giữ gậy tiếng Dao đọc là “Stính tờ chùi”. Nó chỉ là trò chơi thôi, giống như trò nhảy lửa vậy, không có gì huyền bí đâu”. Ở bản Tân Thành (xã Hồ Thầu), không chỉ có hàng trăm người dân địa phương, rất nhiều quan khách cùng háo hức hướng về phía giữa sân khấu trong tiếng hò reo, chiêng trống rộn ràng xem trò chơi kỳ lạ này. Giữa khu đất trống, một người đàn ông trung niên đi vòng quanh hai người thanh niên khác đang ôm ghì một thanh gỗ dài dựng một đầu xuống sát đất như ghì mũi khoan. Sau mỗi vòng, người đàn ông lại giẫm chân “thịch” một tiếng xuống nền đất, đồng thời bàn tay đập mạnh vào đầu gậy phía trên. Hai người thanh niên ra sức ghì lại không nổi. Rồi ba, bốn người cùng lao vào ghì giữ cật lực, cây gậy vẫn “bay” lơ lửng phía trên mặt đất chừng vài mươi phân. Mãi một lúc sau, cây gậy mới được vật ngã, trong tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội của mọi người. Ông Triệu Chòi Hín từng rất nhiều lần biểu diễn trò đẩy gậy cho bà con vui chơi. Ông Triệu Sành Quấy, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu khẳng định ông cũng có thể làm được trò này nhưng bản thân ông cũng không thể giải thích nổi tại sao. Ông Quấy cho biết: “Tại xã Hồ Thầu này, còn rất nhiều người có thể làm những chuyện lạ lùng hơn thế. Ví dụ như làm cho chiếc bàn lim nhấc bổng lên khỏi mặt đất, nhiều người kéo chân bàn, thậm chí nhảy lên bàn cũng không ghì xuống được". Anh Triệu Ngà Tá, Trưởng ban văn hóa xã Hồ Thầu, cũng vui vẻ góp chuyện: “Trò này có từ lâu lắm rồi, từ đời các cụ truyền lại cho con cháu, ngày nay rất nhiều người còn làm được. Tôi không thường xuyên làm trò này, nhưng làm được vì học lại từ bố tôi. Bố tôi dặn rằng, phải chọn cây gậy làm bằng gỗ, dài chừng hơn 1 mét, loại gỗ như sến đỏ, lim, càng chắc nặng thì càng tốt. Không thể làm được với loại cây rỗng ruột như vầu, nứa, tre, và cũng phải là gỗ khô chứ chặt bừa một cây gỗ tươi bên đường để chơi cũng không được”. Anh kể về một kỷ niệm ấn tượng khi ông Hin chấp nhận lời thách thức của những người phương xa đến: “Họ thách thức nhau, rằng sức họ quá thừa để giữ cây cậy nằm im dưới đất. Bố tôi nóng người, quyết định sẽ chơi không phải là trò giữ gậy thông thường mà đặc biệt hơn nhiều. Ông sai tôi lấy một chiếc chày gỗ, nhờ hai vị khách khiêng cùng ra sân một chiếc cối gỗ. Tất cả đều bằng gỗ sến đỏ, nặng chừng gần 40 kg. Buộc xong chiếc chày vào cối, hai vị khách đứng dạng chân ôm giữ chiếc chày kèm cối đó. Bố tôi đi xung quanh họ, lầm rầm đọc thần chú. Chiếc cối nặng trĩu đó từ từ lơ lửng trên mặt đất trong sự ghì giữ kịch liệt của hai người đàn ông kia. Đỏ mặt tía tai ghìm mãi không được, cả hai đành buông tay ra. Một người bị cối rơi dập cả đầu ngón chân, nhưng chỉ biết nhăn nhó cười trừ mà chẳng dám kêu đau. Họ phải tin rằng với trò giữ gậy không dễ gì dùng sức mà hóa giải được”. Ông Triệu Chòi Hín còn bảo, cây gậy không cần cầu kỳ, bẻ bên đường cũng được, rỗng ruột cũng được, nhưng phải chắc và đủ nặng. Khi mọi người đã giữ chặt, ông sẽ khấn thần linh rồi vỗ mạnh vào đầu gậy, nhấc nó cao hơn khoảng 20-30 cm so với mặt đất. Trong khoảng thời gian chừng 4-5 phút, cây gậy sẽ lơ lửng trên mặt đất, không cách gì ghìm lại được. Chỉ đến khi người ta buông tay, hoặc ông hô “thôi”, thì cây gậy mới rơi xuống. Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, ông có thể làm hàng chục lần cho bà con vui chơi. Người Dao, người Mông, người Kinh… ai tham gia cũng được, không nhất thiết cứ phải là người Dao Đỏ. “Khi gậy đã nâng lên, dẫu đám trai tráng có khỏe như vâm, nhảy cả lên lưng nhau thì cũng không ghìm xuống được. Đã có lần, mấy vị cán bộ vốn là lãnh đạo tỉnh tuổi cao, nhưng hăng hái xắn tay vào giữ gậy để khám phá bí ẩn. Nhưng cây gậy cứ bay lên, ấn mãi không xuống được, khiến các vị mệt phờ râu, phải cùng buông tay mà ngã lăn ra đất”, ông Triệu Chòi Hín vui vẻ cho biết. 1 trò chơi xuân của người Dao! Khi gậy đã nâng lên, dẫu đám trai tráng có khỏe như vâm, nhảy cả lên lưng nhau thì cũng không ghìm xuống được. Ông Trần Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện Hoàng Su Phì cho biết, ông cũng tự mình tham gia trò chơi với con mắt tỉnh táo, khoa học để khám phá các bí mật, thủ thuật, nhưng khi giữ cây gậy, cảm giác như mình đang kéo cây tre ra giữa bụi tre, có luồng xung lực nào đó ghìm giữ lại rất mạnh. Ông Nhân có cảm giác là trong không khí có cái gì âm âm, u u như cảm giác bị thôi miên, rất khó giải thích. Ông Trần Chí Nhân không ngần ngại đưa ra những câu thần chú, mà ông tìm hiểu được và chép lại khá cẩn thận. Câu thần chú đó có 5 câu gồm 40 chữ bằng tiếng Dao, tạm dịch là: “Hỡi các thần ma, hỡi tổ tiên! Nếu có linh thiêng thì khi trên ấn xuống dưới phải nâng lên. Trăm người đẩy không xuống, nghìn người nhấc không lên. Có làm được thì mới linh thiêng, ngày Tết mới vui”. Tiến sĩ Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, người từng tham gia ghi hình và tìm hiểu khá kỹ càng về trò đẩy gậy cho biết, những căn cứ khiến ông hoài nghi là không phải lúc nào thầy cúng cao tay và biết câu thần chú đó đều làm được. Người chủ trò vẫn phải hướng dẫn tư thế giữ gậy cho người chơi nắm giữ gậy theo đúng ý mình. Ông Sơn giải thích: “Điều quan trọng nhất là nếu không có sự chung tay của ít nhất hai người, thì cây gậy không tự nó “bay” lên được. Tại sao thần linh lại không để cây gậy tự nâng lên lơ lửng, mà cần có người vác giữ? Tôi cho rằng, nếu có sự tác động của con người, trong trạng thái tập trung cao độ, thì sự khéo léo, tiểu xảo của người chủ trò sẽ là yếu tố quyết định. Có nghĩa là có thể giải thích bằng kiến thức vật lí được. Khi hai người cùng cúi gập người, thẳng tay và duỗi chân để giữ hai tay vào cây gậy theo sắp xếp của người dẫn trò, thì tay người này và vai người kia đã có sự kênh giữ nhau, so le với nhau. Vai người này đang đè vào vai người kia, tay người kia đè tay người nọ, nên ai cũng có cảm giác nặng nề, bức bối. Khi chịu tác động là cái vỗ tay mạnh của thầy cúng vào đầu gậy, cây gậy sẽ bập vai, hoặc kênh tay người kia mà nâng lên mặt đất khoảng 20 cm theo cách choãi chân… Khi cả nhóm người cùng lao vào giúp đỡ hai người chơi, thường là nhảy lên lưng, lên vai họ, mà không giải quyết được nút thắt là kết cấu tay - gậy. Khi một ai đó vỗ vào đầu trên của gậy, thì lập tức cây gậy rơi ngay”. Tiến sĩ Hoàng Sơn kết luận, bản thân ông không tin có sự thôi miên hay thần linh nào nâng cây gậy. Với một kết cấu vật lý hợp lý, cùng với sự khéo léo của người chủ trò, cây gậy sẽ có cảm giác rất nặng khi hai người đang kéo xuống, thực ra là đẩy ngang. theo VTC
__________________
Canh nấm, canh chua, lại canh rau Ngồi đây nhớ ai cơm chẳng lành, Canh cải, canh sen vừa mới nấu Biết kiếm người nào ăn với anh? |
Ðiều Chỉnh | |
Xếp Bài | |
|
|