Go Back   Vina Forums > Sắc Màu Cuộc Sống > Du Lịch, Thắng Cảnh, Phong Tục Toàn Quốc > Danh Lam - Thế Giới
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 10-19-2010, 09:03 PM
VietDoll's Avatar
VietDoll VietDoll is offline
Búp Bê Nhí Nhảnh
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 2,416
Default Saint Lucia - đảo nhỏ nổi danh

Sáng ngày Thứ Năm của chuyến đi là ngày 29 tháng 4, 2010, tôi dậy sớm lúc 6:30. Hình như tôi đã bắt đầu quen với giờ giấc ở đây. Dậy sớm có lợi là mình có thể lên lầu 10 để đi một vòng tàu vừa tập thể dục, ngắm cảnh tàu cặp bến vào một hòn đảo mới. Ðây là đảo St. Lucia và nơi tàu cặp bến là thủ phủ của đảo: thành phố Castrie.


Bãi biển Reduit nơi nghỉ ngơi lý tưởng.

Từ trên tầng cao của tàu, sáng nay trời trong mây tạnh nên nhìn Castrie rất đẹp. Bên tay phải là vùng núi đồi xanh tươi, dưới bờ biển là một du thuyền to lớn của hãng P&O đang cặp bến ở đó. Ở giữa là thành phố Castrie, một thành phố nhỏ. Dọc bờ biển là một con đường có nhiều xe chạy qua lại. Bên mạn trái của tàu, chúng tôi thấy có một cảng nhỏ nơi có những chiếc du thuyền xinh đẹp và những căn nhà xinh xắn nằm ven sườn đồi. Xa xa là phi trường Castrie, nơi có một chiếc máy bay lớn đang hạ cánh. Phía dưới gần tàu là khu tiếp đón và bán hàng miễn thuế với rất nhiều cửa tiệm với mái ngói đỏ. Nhìn chung Castrie là một thành phố nhỏ, đẹp và dễ thương.

Trước khi đến St. Lucia, tôi đã tìm hiểu sơ lược về đảo quốc này như sau:
Ðảo quốc Saint Lucia (tiếng Pháp: Sainte Lucie) là một hòn đảo nằm ở vĩ độ 14 (tương đương vĩ độ của Quy Nhơn-Bình Ðịnh), trong vùng Caribbean phía Bắc nước Venezuela. St. Lucia nổi tiếng vì tuy nhỏ mà có hai người đoạt được giải Nobel. Ðó là Sir W. Arthur Lewis chiếm giải Nobel về kinh tế năm 1979 và nhà thơ Derek Walcott chiếm giải Nobel Văn Chương năm 1992.

Trái calabash, “quốc quả” của St Lucia.


Ðịa lý


St. Lucia nằm ở giữa các đảo Barbados về phía Ðông, Martinique về phía Bắc, St. Vincent và Grenadines về phía Nam. Ðảo dài 43 km, rộng 22 km. Phía Ðông đối diện Ðại Tây Dương (sóng mạnh hơn), phía Tây đối diện biển Caribbean (sóng êm hơn). Diện tích toàn đảo là 616 km2 (lớn hơn đảo Phú Quốc một chút). Ðảo này do núi lửa tạo thành nên có nhiều đồi núi. Cao nhứt là ngọn Gimie (950 mét), nhưng nổi tiếng lại là hai ngọn núi khác gần nhau có tên là Pitons cao khoảng 600 mét vì có hình dáng giống như bộ ngực của phụ nữ. Hai ngọn núi này được du khách biết đến nhiều và là biểu tượng của St. Lucia. Thủ đô của đảo là thành phố Castries.
Dân số tổng cộng của đảo quốc là khoảng 173,000 người. Trong đó 90% là người da đen, người da trắng không tới 1%, còn lại là các sắc dân khác.

Bãi biển St Lucia lúc vắng.

Lịch sử


Người Âu Châu biết đến hòn đảo trong khoảng 1492 tới 1502. Sau đó người Hòa Lan, Anh và Pháp đều tìm cách thành lập các thương trạm trên đảo để buôn bán nhưng bị người Carib địa phương chống đối vì đất đai của họ đã bị lấn chiếm.

Trong thế kỷ 17, St. Lucia lúc thì rơi vào tay người Pháp, lúc thì chịu sự thống trị của người Anh. Hai nước này đánh nhau trên mười lần để giành giựt đảo này. Do đó, nơi đây còn có tên là “Helen miền Tây Ấn” bắt nguồn tự truyền thuyết Helen of the Troy.

Một vịnh đẹp trên đảo St Lucia.

Cuối cùng thì người Anh đã thắng và hoàn toàn kiểm soát St. Lucia từ năm 1814.
Tới năm 1924 thì hòn đảo bắt đầu có chánh quyền tự trị.
Từ 1958 tới 1962 thì nằm trong Liên Bang Tây Ấn.
Cuối cùng St. Lucia được hoàn toàn độc lập ngày 22 tháng 2 năm 1979. Từ đó, ngày này đã trở thành quốc khánh của St. Lucia.


Chợ bán thực phẩm ở Castrie, St. Lucia.

Kinh tế


Trước đây, hòn đảo sản xuất chủ yếu về nông nghiệp với sản phẩm chính là chuối, ca cao, rau quả, dừa... Nhưng phụ thuộc vào nông nghiệp thì cuộc sống rất bấp bênh do nơi đây hay có bão làm hư hại mùa màng. Do đó, từ năm 1983, họ đã phát triển kinh tế theo chiều hướng gia tăng dịch vụ du lịch và ngân hàng. Nhờ đó hàng năm mức tăng trưởng khoảng 5%. Công nghệ cũng khá với các ngành may mặc, lắp ráp điện tử, xây dựng và đồ giải khát...

Lợi tức bình quân đầu người khoảng 10,000 đô la một năm.

Castries: thủ phủ của đảo St. Lucia

Thủ phủ Castries của St. Lucia chỉ có 13,000 dân. Thành phố được người Pháp thành lập năm 1650. Năm 1803, người Anh biến nơi đây thành căn cứ hải quân và xây cất đồn lính Morne Fortune trên vùng núi phía Nam Castries.

Trong Ðệ Nhị Thế Chiến, tàu ngầm của Ðức đã bắn chìm hai tàu của đồng minh tại đây.
Năm 1948 có một vụ cháy lớn đã xảy ra nơi đây. Castries ngày nay được xây lại nên có vẻ mới hơn các nơi khác trong vùng Caribbean.
Chuyến đi tắm biển và khám phá Castrie của chúng tôi:
Chúng tôi không theo tua hôm nay mà chỉ muốn đi tắm biển. Lúc 8:30 sáng, chúng tôi ra khỏi tàu. Ngay bến tàu là một khu buôn bán hàng cao cấp và hàng miễn thuế của Castrie. Ở đây bạn có thể mua kim cương, đá quý, quần áo, đồ da, hàng kỷ niệm... Có một quầy hướng dẫn du lịch nơi bạn có thể xin bản đồ của Castrie để tự khám phá. Những người mua tua của Carnival đã ra khỏi tàu từ sớm và đang chờ để lên các du thuyền nhỏ hơn như tàu Hải Tặc.


Thành phố Castrie - St. Lucia.

Ra phía ngoài, chúng tôi gặp các tay cò tua địa phương. Họ giới thiệu hai tua:
Tua ngắn: kéo dài 2 - 2.5 giờ chỉ đi vòng vòng quanh vùng Castrie.
Tua dài: kéo dài 4 giờ sẽ đi xa tới Soufriere xem thác, sulfur springs... như tàu Carnival đã giới thiệu.

Chúng tôi không đi tua nào hết mà chỉ muốn ra biển Rodney để tắm. Họ nói nếu đi taxi ra biển thì hai người 25 đô la. Còn nếu muốn chờ thêm du khách thì mỗi người chỉ tốn 6 đô la. Thấy còn sớm nên chúng tôi không vội vàng gì mà ngồi chơi, coi thiên hạ lên đường đi Soufriere. Chừng 30 phút sau, khi có được 6 người khách, xe mới khởi hành.

Anh tài xế da đen sẽ kiêm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu sơ sơ về Castrie cho chúng tôi. Ðường lộ từ bến tàu về biển Reduit Beach dài khoảng 6-7 cây số. Ðường tráng nhựa rất tốt. Hai bên đường, nhà cửa khá xinh đẹp. Bên tay phải là những nhà tư gia nằm bên sườn núi. Bên tay trái, dọc theo bờ biển là những khách sạn hay resorts sang trọng. Dọc đường chúng tôi thấy có nhiều công ty Mỹ làm ăn ở đây như Home Depot, Texaco... Tôi còn thấy có một siêu thị tân tiến nữa.

Xe chạy ngang một bãi biển vắng vẻ nhưng trông khá đẹp. Ðó là bãi Choc.
Anh tài xế cho biết thu nhập của anh một năm khoảng 40,000 đô la, tương đối cao so với mức sống trung bình của người dân ở đây. Tôi thấy ở Castrie xe taxi rất nhiều, có lẽ số du khách tới đây hàng năm rất lớn. Dọc đường từ Castrie qua Reduit Beach có nhiều trạm xe buýt để người dân địa phương có phương tiện di chuyển. Chúng tôi còn thấy có một vịnh biển nơi có nhiều du thuyền đang cặp bến ngay sau nhà của dân chúng. Nhìn bề ngoài cuộc sống và sinh hoạt ở St Lucia có vẻ tiến bộ và khá giả.
Chỉ hơn 15 phút di chuyển, xe đã vào một khu đậu xe của một khách sạn ven biển để chúng tôi vào chơi. Ðây là khách sạn Rex St. Lucian. Cây cảnh ở khách sạn này được cắt tỉa đẹp đẽ. Từ sân đậu xe, chúng tôi đi ngang một khu buôn bán hàng kỷ niệm thì ra tới biển.

Biển Reduit nằm trong vịnh Rodney. Cát biển hơi vàng và to hạt. Nước biển trong và nhìn ngang thì có màu ngọc thạch. Sóng biển không lớn, nhưng biển mau sâu chớ không lài như ở Vũng Tàu. Bãi biển dài chừng 2 km. Phía Nam vịnh là một núi thấp. Phía Bắc vịnh là khu Pigeon Island. Ðó là một hòn đảo và là một khu bảo tồn, ngày nay đã được nối vào bờ. Trên bờ, người ta đặt những hàng dù và ghế dài để du khách mướn nằm nghỉ. Một cặp ghế và dù giá 20 đô la.

Nhiều trò thể thao trên biển như chạy xe jet ski hay paracelling sẵn sàng phục vụ cho du khách nếu bạn thích. Lúc này còn sớm nên ít du khách. Ða số là những cặp du khách già. Chỉ có vài cặp trẻ mà thôi. Trời nắng đẹp nên tắm cũng thích, mặc dù cũng dễ đen da.

Xa xa ở phía Bắc, chúng tôi thấy nhiều du thuyền nho nhỏ đang ra vào cửa vịnh. Cuộc sống ở St. Lucia và vịnh Rodney có vẻ khá giả và thoải mái...
Chơi ở Rodney Bay tới hơn 11 giờ thì đã. Chúng tôi lên bờ tắm nước ngọt, hay quần áo và kêu taxi trở cho bà xã trở về tàu. Riêng tôi thấy còn sớm nên tiếp tục đi bộ ra chợ Castrie để tham quan cho biết sự tình.


Chợ Castries:


Tại bến tàu, tôi tính đi bộ ra chợ vì thấy cũng gần nhưng có một ông taxi nói nếu tôi muốn ra chợ thì chỉ cần trả 4 đô la nên tôi OK liền. Thật ra, từ tàu ra chợ phải đi vòng một eo biển nên cũng xa chừng 2 km. Ông taxi thấy tôi người Á Châu nên tưởng tôi là người Phi Luật Tân và làm phục vụ trên tàu chớ không phải là du khách. Thôi kệ, ổng muốn nghĩ gì thì nghĩ. Miễn là đưa tôi tới đúng chỗ là được rồi.

Ðường đi không xa, chỉ 7 phút sau là tới chợ. Chợ Castrie bán nhiều hàng kỷ niệm vì có nhiều du khách tới thăm viếng. Phía sau chợ mới là nơi bán các loại hàng tươi sống phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân như thịt, cá, rau cải... Ðặc biệt tôi thấy họ bán nhiều gia vị như bột nghệ, cà ri... Trong chợ cũng có nhà hàng, quán giải khát... Sinh hoạt chợ Castrie giống như chợ tỉnh lỵ ở Việt Nam, cũng hơi dơ dơ chớ không sạch lắm.

Bên hông chợ tôi thấy có một cây đặc biệt đang có bốn trái tròn như trái dưa hấu lủng lẳng trên cành. Theo bảng chỉ dẫn thì đây là cây Calabash (Crescentia Cujete). Cây này được công nhận là cây Quốc Gia (National Tree).

Castrie còn có một nhà thờ nằm cạnh một công viên tên là Derek Walcott, nhưng tôi không có thì giờ để thăm viếng vì thấy nhà cửa trong khu buôn bán này không có gì hấp dẫn hay xinh đẹp cho lắm.
Trên đường về tôi đi bộ dọc bờ vịnh. Từ đây tôi có thể thấy những ngân hàng và những công ốc cao bốn năm tầng của chánh phủ. Ngoài vịnh, chiếc du thuyền P... O đang cặp bến bên trái, chiếc Carnival bên phải, giữa vịnh, tàu nhỏ đang ra vô tấp nập nên trông cũng sinh động.
Trở về tàu ăn trưa xong cũng hơn 2 giờ. Tôi không ngủ mà lên lầu 9 để tham gia trò chơi đố vui kiến thức với đề tài Các Danh Lam Thắng Cảnh Trên Thế Giới. Ðây là đề tài tủ của tôi nên có nhiều hy vọng sẽ chiếm được giải.


Thi Ðố Vui Kiến Thức:


Cuộc thi bắt đầu lúc 3 giờ. Họ chiếu lên màn hình TV các danh lam thắng cảnh trên thế giới. Người thi phải trả lời đó là nơi nào (Where in the world are we?). Có 30 câu hỏi. Tôi trả lời đúng 28 câu, đồng hạng nhứt với hai người khác. Chúng tôi đều được thưởng mỗi người một mô hình tàu Carnival Victory mạ vàng 14K. Hai câu mà tôi không biết là: tên một thành phố của nước Nam Phi (Cape Town), và thác nước cao nhứt thế giới (Thác Angel ở Venezuela). Tôi chưa từng tới Nam Phi và Venezuela nên bí hai câu vừa nói. Nếu bạn có dịp đi chơi trên tàu Carnival thì cũng nên tham gia trò chơi lý thú này.


Ðêm thứ năm trên tàu:


Ăn tối: Tối nay tôi chọn món súp bắp cho đợt ăn chơi, sau đó là món thịt bò Chateaubrian cho món chánh và tráng miệng bằng món bánh chocolate có hạt dẻ. Mấy món ăn này tối nay đều dở. Như món thịt bò chiên, họ làm cứng quá mặc dù tôi đã dặn là chiên “medium rare.” Bà Mỹ vợ ông John kêu món cá Mahi Mahi mà bả cũng chỉ cắn sơ có một miếng rồi bỏ nguyên dĩa. Phần tôi dù dở cũng rán nuốt cho hết. Tôi thấy trên tàu này người ta bỏ đồ ăn nhiều quá, phí phạm lắm. Bà xã tôi nói giỡn chơi rằng, ở tầng hầm của tàu, người ta nên tổ chức nuôi heo bằng thức ăn thừa. Heo chắc chắn sẽ rất mập!!!

Tối nay ông John cũng kể chuyện ổng đi tua ở St. Lucia. Ông bà được đưa đi coi phong cảnh St. Lucia từ trên cao, sau đó xe chạy vòng vèo lên đỉnh núi để đến một điểm xem phong cảnh rất đẹp. Ở đó, du khách có thể thấy hai bãi biển, một bên phía Ðại Tây Dương, một bên phía biển Caribbean. Ông bà cũng đi thăm một nông trại trồng chuối. Ở đó, ngoài việc xuất khẩu chuối qua Anh Quốc, họ còn chế biến chuối thành “chip” chuối và tán nhuyễn chuối để đóng chai. Bà John khen món này ngon và mua một chai đem về Mỹ.

Ông John còn cho biết ổng biết hát karaoke và được ban văn nghệ của tàu đề nghị ông tới thử giọng, nếu được chọn, ông sẽ tham gia trình diễn vào tối cuối cùng (Thứ Bảy) trong chương trình talent show.

Xem show Vroom

8:30 tối nay có show ca vũ nhạc Vroom. Chúng tôi vào rạp trước 15 phút để được ngồi gần sân khấu. Ðây là một show về ca nhạc Mỹ theo dòng thời gian với các bản nhạc thập niên 60, 70, 80 nhắc lại những thần tượng trong nền âm nhạc Mỹ và thế giới như Elvis Presley, hay ban nhạc The Beatle. Cũng như các show trước, đây là một show ca nhạc rất linh động. Các vũ công nhảy múa liên tục, các động tác của họ rất mạnh mẽ đầy sức sống. Do y trang rực rỡ, cảnh trí, phông màn đẹp đẽ cùng với ánh sáng kỳ ảo đã làm cho show rất hấp dẫn. Thêm vào đó là và sự vỗ tay tán thưởng của khán giả nên làm cho chúng tôi cũng thấy đây là một show hay mặc dù chúng tôi không hiểu nhạc Mỹ cho lắm. Chỉ có một điều dở là âm thanh hơi lớn, nghe hơi nhức đầu. (Ông Ted mua vé phòng ngủ ở dưới rạp hát này nên tối nay ông bị mất ngủ vì quá ồn. Kinh nghiệm này cho thấy, ta không nên mua vé phòng ở ngay dưới rạp hát - thường nằm ở mũi tàu, phía trước).

Tối nay sau khi xem show ca vũ nhạc, chúng tôi la cà ở các tiệm bán đồ kỷ niệm, tiệm nữ trang một chút thì về phòng nghỉ ngơi. Ngày mai tàu sẽ đến đảo khác là đảo St. Kitts.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 10:35 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.