Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Ma
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #101  
Old 11-08-2012, 04:23 AM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww TỔNG TẬP TRUYỆN MA CỦA NGƯỜI KHĂN TRẮNG, Quyến 47 - Hết

ĐÊM ĐỊNH MỆNH


Xe lửa chạy tuyến Sài Gòn - Phan Rang khởi hành lúc 5 giờ chiều, đáng lẽ chạy khoảng 5 tiếng thì tới nơi, nhưng xảy ra tai nạn dọc đường, nên đến gần 12 giờ đêm xe chỉ mới đỗ lại ở ga Mương Mán.
Vị hành khách lớn tuổi ngồi cạnh Thái chẳng hiểu đi đâu lúc tàu dừng chờ thông đường, mà đến khi tàu chạy lại thì không thấy bóng bà ta. Người soát vé hỏi Thái:
- Anh có quan hệ gì với bà cụ ngồi ghế này không?
Thái lắc đầu:
- Không hề quen biết. Chắc là bà ta đi quanh đâu đấy. Hoặc là xuống đất chưa kịp lên?
Người soát vé tàu quả quyết:
- Lúc tàu dừng, hành khách không một ai được bước xuống, bởi nơi đây không phải là nhà ga.
- Vậy chắc bà ta còn ở nơi nào đó trên tàu này.
- Nhưng từ hơn một tiếng đồng hồ rồi, chúng tôi đã yêu cầu hành khách trở lại yên vị để tàu khởi hành mà không hề thấy bà ta. Chẳng biết...
Anh ta lo lắng bước đi về phía toa sau, vừa lầm bầm:
- Già cả rồi, ngồi đâu thì ngồi một chỗ, đi đâu cho mất công người ta...
Anh ta vừa đi khuất thì chợt Thái phát hiện chiếc giỏ xách của bà hành khách vẫn còn để dưới gầm, anh định kêu theo, nhưng tàu chạy lắc lư, tiếng hụ còi inh ỏi nên có gọi thì anh ta cũng không nghe. Thái tự nhủ:
- Để lát nữa anh ta trở lại mình báo cũng được.
Một giờ sau, tàu đến ga Tháp Chàm. Vừa thấy anh nhân viên soát vé trở lại, Thái báo:
- Chiếc giỏ của bà ấy còn đây!
Anh nhân viên bảo:
- Anh lấy đưa tôi xem, nếu đồ đạc trong đó quan trọng thì chắc chắn bà ta còn trên xe. Tôi đã báo cho an ninh tàu rồi, người ta đang tìm kiếm.
Thái cúi xuống định lấy cái giỏ xách lên, nhưng anh giật mình:
- Ủa, nó đâu rồi?
Thái tìm đến mấy phút mà chẳng thấy gì, đến khi xem lại túi xách của mình để trên kệ cũng chẳng thấy, anh hốt hoảng:
- Cả cái túi của tôi cũng đâu mất rồi?
Trong lúc Thái luýnh quýnh tìm cái giỏ của mình thì chợt có tiếng hô hoán của ai đó phía trước:
- Sao tôi lại ngồi đây? Tôi ngồi ở toa trước mà, tôi... tôi còn có vợ nữa, cô ấy...
- Tôi cũng vậy, con nhỏ tôi ngồi bên cạnh, sao bây giờ lại...
Mọi người nhốn nháo, làm cho mấy nhân viên soát vé, phục vụ tàu rối cả lên, họ người này hỏi người kia:
- Nãy giờ có ai xếp lại chỗ không?
Người tổ trưởng toa tàu nghiêm giọng nói:
- Ai cũng ngồi theo đúng số vé, làm sao có chuyện lộn xộn này được. Yêu cầu người nào bị xáo trộn chỗ thì tự đi tìm lại đúng chỗ của mình đi.
Một lát sau thì trật tự được vãn hồi. Có người từ toa cuối đã bị đổi lên toa giữa này, mà cả người thân đi cùng và họ đều không hiểu tại sao. Có người nói:
- Từ khi chạy đến lúc này tôi không hề rời khỏi ghế, kể cả đi vệ sinh cũng không, vậy mà sao lại xê dịch chỗ kỳ cục vậy?
Ai cũng thắc mắc, nhưng chẳng một ai tìm được câu trả lời thích đáng. Một cụ già ngồi sau băng ghế của Thái bảo khẽ:
- Ma quỷ gì đó cậu ơi!
Thái quay lại nhìn ông ta thì bắt gặp một nụ cười bí hiểm. Trông mặt ông ta quen quen. Thái tự hỏi, rồi cứ mãi thắc mắc, cho đến khi tàu dừng lại ở ga lúc nào anh không hay.
- Tới rồi anh ơi! Hành lý bị mất thì xuống ga sẽ có người hướng dẫn anh cách khiếu nại.
Thái vừa đứng dậy đã kêu lên:
- Kìa, bà cụ.
Anh nhìn thấy bà hành khách già biến mất lúc nãy, giờ đang xách hai tay hai cái giỏ, trong đó có cả giỏ của mình!
- Bà ta!
Thái phóng thật nhanh xuống tàu, đuổi theo bóng bà cụ mà anh vừa thoáng thấy. Anh nghĩ mình sẽ bắt kịp dễ dàng, bởi bà ta đi khá chậm, nhưng đã ra khỏi khu vực nhà ga rồi mà Thái vẫn không tài nào vượt lên trước được. Rồi nháy mắt đã không còn thấy bóng bà ta nữa!
Vừa mệt vừa bực bội, Thái gắt lên:
- Công cốc!
Trong túi xách hầu như chứa hết những gì cần cho chuyến du lịch này, từ quần áo, giấy tờ đến tiền bạc. Hiện giờ túi quần của Thái chỉ còn lại mấy đồng tiền lẻ...
- Người lịch sự thế kia mà đi nghênh ngang giữa đường, bộ chán sống rồi sao hả?
Câu hỏi của ai đó khiến cho Thái giật mình và phát hiện ra trong lúc bực dọc anh đã đi giữa đường và đúng là đang cản ngay trước đầu chiếc xe du lịch.
- Xin lỗi.
Thái bước vội vào lề, nhưng khi vừa đặt chân lên lề thì anh đã nghe tiếng còi xe ngay phía sau lưng. Nhìn lại anh không khỏi ngạc nhiên, vì đó là chiếc xe mà anh vừa cản đường. Người trên xe đưa tay ra vẫy, vừa lên tiếng:
- Anh về đâu tôi cho quá giang!
Một giọng nói của con gái rất trong trẻo! Thái hơi bối rối:
- Tôi... tôi...
Chiếc xe dừng hẳn lại và một cô gái ngồi ở tay lái ló đầu ra:
- Không còn tiền trong túi thì chỉ có nước ngủ hè ngủ chợ thôi, lên đi!
Cửa xe phía trước mở ra, Thái hơi ngập ngừng, nhưng rồi cũng bước lên. Lúc này anh mới đưa mắt nhìn và gần như bàng hoàng khi nhận ra người lái xe là một cô gái đẹp đến nỗi Thái không thể nào tin vào mắt mình. Anh lắp bắp:
- Cô... cô...
Cô gái chỉ tay ra sau xe:
- Anh nhìn xem, có phải cái túi kia là của anh không?
Thái nhìn lại và kêu lên:
- Phải rồi, túi của tôi!
- Và còn có cả túi của bà lão nữa chứ!
Câu nói khiến Thái càng ngơ ngác, bởi bên cạnh túi của anh, có cả chiếc túi màu nâu mà lúc nãy anh nhìn thấy trên xe lửa!
- Sao... sao nó lại ở đây?
Không trả lời, cô gái nhấn ga cho chiếc xe hơi vọt nhanh về phía trước. Lát sau Thái đã nhìn thấy phong cảnh ngoại ô. Anh ngạc nhiên hỏi:
- Cô đi đâu vậy?
Nàng lại cười:
- Chứ không phải anh muốn đi tìm một người bạn thôn Vĩnh Phong sao?
Thái sửng sốt:
- Sao cô biết?
- Không phải anh đã nói chuyện với bà lão ngồi bên cạnh về mục đích chuyến đi này sao?
- Thế... cô là...
- Anh nói chuvện không nhỏ và người khác nghe được, đâu có gì lạ!
Trước hành tung kỳ lạ của cô nàng, Thái hơi lúng túng:
- Vậy ra cô có mặt trên xe lửa lúc nãy?
Cô nàng lại cười thành tiếng:
- Anh nghĩ một người vừa ngồi xe lửa lại vừa lái xe hơi được sao?
- Vậy tại sao cô biết tôi nói chuyện với bà cụ?
Cô nàng lại chỉ về hai chiếc giỏ xách:
- Anh quên là tôi đang giữ hai vật anh đang tìm sao?
Thái ngẩn người ra một lúc mới hỏi tiếp:
- Ở đâu cô có hai vật này?
Cô nàng không đáp, mà chỉ tay về phía trước:
- Tới nơi anh cần tìm rồi kìa!
Thái vô cùng ngạc nhiên khi cô ta dừng xe đúng ngay căn nhà của Phong, bạn anh:
- Sao cô biết nơi này?
- Có lẽ anh vào hỏi bạn anh thì rõ hơn!
Cô ta mở cửa xe, chờ cho Thái bước xuống lấy giỏ xách, cô nhắc:
- Anh nên lấy luôn cả cái giỏ của bà cụ!
Trong lúc Thái còn chưa kịp quyết định thì cô nàng đã với tay cầm chiếc giỏ đưa tận tay anh:
- Anh giữ đi, có lúc bà ấy tới lấy lại.
Vừa dứt lời thì nàng ta nhấn ga, chiếc xe vọt tới rất nhanh. Qua hơi gió, nàng ta nói với lại:
- Tôi tên Quỳnh Như.
Chỉ một thoáng sau thì không còn thấy chiếc xe màu vàng của cô ta đâu! Thái ngẩn ngơ:
- Kỳ lạ vậy? Cô ta là...
Anh không kịp suy nghĩ thêm, Phong đã từ trong nhà chạy ra:
- Y như rằng, cậu tới đúng giờ thật.
Thái ngạc nhiên:
- Sao cậu biết mình tới giờ này?
- Chứ không phải cậu nhắn người tới báo trước sao?
- Ủa, mình có nhắn ai đâu?
Đến phiên Phong ngơ ngác:
- Vậy bà cụ nói là quen với cậu tới đây cách một giờ là ai?
- Bà cụ? Có phải...
Phong mô tả:
- Bà ta mặc chiếc áo bà ba màu lựu chín, choàng chiếc khăn sọc xanh, nói giọng miền Trung.
Thái kêu lên:
- Chính là bà ta!
- Cậu sao vậy Thái? Cậu có việc gì với bà cụ sao?
Thái thuật lại chuyện trên xe lửa, kể cả chuyện vừa rồi với cô gái lạ:
- Mình cảm giác như đang đóng phim kinh dị, toát mồ hôi lạnh đây! Cô gái tên Quỳnh Như này còn rành cả cậu, nhà cửa của cậu nữa! Chính cô ta chở mình tới đây mà không cần ai chỉ đường, phải chăng cô ta là... bạn gái của cậu?
Phong đưa hai tay lên trời:
- Có trời mới làm chứng, mình mà có ai yêu thì... trời sập mất.
Thái hiểu bạn mình, anh ta gàn gàn, lập dị, nên lâu nay có cô nào ưa nổi, đừng nói là yêu!
- Vậy sao cô ta rành về cậu quá vậy?
Phong suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Chịu thôi. Thậm chí ở vùng này mình còn không quen ai nữa là...
Không còn cách nào hơn, Thái đành kéo cả hai giỏ xách vào nhà, bảo Phong:
- Cái giỏ kia là của bà cụ bỏ quên trên xe. Còn bà ta nữa, tại sao bà cũng biết nhà cậu, mặc dù mình chỉ nói là thôn Vĩnh Phong, nhưng đâu có nói cụ thể nhà và tên cậu, sao bà ta tìm đúng và chính xác vậy?
Phong vẫn không làm sao hiểu nổi:
- Mình chịu thôi. Mình đang định chờ cậu ra để hỏi đây!
Sau khi soạn vài thứ để mặc ngay từ giỏ xách của mình, Thái hơi lưỡng lự khi nhìn chiếc giỏ xách kia, anh hỏi Phong:
- Mình để đây chờ bà ta trở lại lấy, hay là coi thử chứa thứ gì trong đó?
Phong xua tay:
- Không nên đâu, cứ để đó.
Rồi anh ta cười bảo Thái:
- Mình ở đây từ lâu mà đâu có chuyện gì như cậu vừa gặp đâu! Có lẽ thấy cậu là trai thành phố, lại đẹp trai, hào hoa nên họ phá chơi đó thôi!
- Nhưng họ là ai mới được?
Câu hỏi làm cho Phong cũng phải im lặng. Họ nhìn nhau rồi một lúc Thái nhẹ lắc đầu bảo:
- Suy cho cùng, gặp chuyện kinh dị mà với một người đẹp thì cũng... đáng gặp lắm!
Anh chưa kịp thay đồ, đã rủ Phong:
- Cậu có xe gắn máy không, mình đi kiếm cái gì ăn, rồi ghé qua ngôi nhà cổ mà mình có ý mua, được không?
Phong gật đầu:
- Mình cũng có ý định từ lâu là sẽ ghé qua ngôi nhà đó để nhìn lại mấy pho tượng gỗ mà nghe nói người chủ trước còn để lại, rất đẹp!
- Chứ không phải để hưởng chút hơi của cô vợ anh chàng điêu khắc gia đào hoa đó hay sao!
Phong ngạc nhiên:
- Cậu cũng biết chuyện người đẹp đó sao?
- Thì chính cậu đã kể cho mình nghe lần trước đó!
Phong tắc lưỡi:
- Chỉ tiếc là lần này cậu sẽ không còn dịp để ngắm dung nhan nàng ta nữa!
- Cô nàng chuyển chỗ ở khác?
Phong đáp làm cho Thái lạnh cả người:
- Chết rồi!
Phải mất vài giây Thái mới hỏi được:
- Cô ấy nghe nói còn trẻ lắm mà, sao lại chết?
- Mình đã được gặp mấy lần, quả là trẻ và đẹp đến mê hồn! Ở xứ này có lẽ đó là người con gái đẹp nhất!
- Hồng nhan bạc mệnh!
Phong gật gù:
- Đúng là hồng nhan bạc phận! Nghe nói cô ấy chết khi mới 23 tuổi, lấy chồng được có hai năm. Thật tội nghiệp! Và có lẽ vì thế nên ông chồng mới bán ngôi nhà cổ mà ông ta đã cất công đem từ Huế vào.
- Cậu biết tên cô nàng không?
Phong lắc đầu:
- Không.
- Lý do chết, cậu biết không?
- Chỉ nghe nói mơ hồ là ngủ rồi chết luôn mà chẳng biết nguyên do nào!
- Bao lâu rồi?
Phong tính nhẩm rồi đáp:
- Chưa lâu. Có lẽ chỉ mới hơn một năm nay thôi. Ông chồng điên loạn vì cái chết đó, nên từ ấy đến nay cứ ở miết trong nhà, không tiếp ai cả! Chẳng hiểu lần này cậu tới ông ta có chịu tiếp không đây?
Chiếc xe gắn máy cà tàng của Phong đang chạy ngon trớn lại giở chứng, tắt máy giữa đường. Hai người phải hì hục sửa, phải mất nửa giờ mới tới nơi. Nhìn cảnh yên ắng của ngôi nhà thiếu hẳn sinh khí, Thái phải buột miệng:
- Ngôi nhà đẹp như thế này mà vắng bóng một người đẹp như thế quả là đáng tiếc?
Anh bước tới rung chuông, mấy phút sau mới có một người đứng tuổi bước ra dè dặt hỏi:
- Hai anh tìm gì?
Thái chủ động:
- Tôi tìm ông chủ nhà. Nhà điêu khắc Lê Long, chẳng hay đã...
Người đàn ông hơi lưỡng lự:
- Ông chủ tôi... không...
Có lẽ ông ta muốn nói là không có ở nhà, nhưng lúc đó có tiếng người vọng ra từ trong:
- Mời các ông ấy vào. Họ là khách đến mua nhà đó mà!
Thái giật mình, nhìn vào trong thì bắt gặp một người đàn ông tuổi trên dưới năm mươi, cao gầy, có gương mặt khắc khổ. Người quản gia nói khẽ:
- Ông chủ đó. Mấy ông là ngoại lệ, chứ từ hơn một năm nay ông ấy không tiếp ai ở nhà cả.
Thái và Phong được chủ nhà tiếp tuy không niềm nở lắm, nhưng cũng khá lịch sự, Phong phải lên tiếng nói rõ:
- Tôi là Phong, còn bạn tôi là Thái. Tôi là người ở tỉnh này, đã từng biết ông đôi lần ở các cuộc triển lãm. Cách đây khoảng sáu tháng, tôi có nghe người bạn nói rằng ông có ý muốn bán ngôi nhà này, nên hôm nay dẫn người bạn tới xem.
Giọng chủ nhà buồn hiu:
- Tôi là Lê Long, như anh biết rồi đó. Đúng là tôi có ý bán ngôi nhà này, mặc dù khi xây dựng nó thì tôi tính sẽ mãi mãi cùng với nó...
Phong muốn nói, nhưng biết nói ra sẽ khiến chủ nhà không vui, nên anh kịp ngừng lại. Nhưng hình như đọc được ý nghĩ của anh, chủ nhà lên tiếng:
- Từ khi nhà tôi mất thì tôi không còn thiết gì nữa! Bởi còn sống trong ngôi nhà này ngày nào thì tôi sẽ nhớ... nàng đến... đi theo cô ấy thôi.
Thái đề nghị:
- Xin phép ông, tôi đốt cho bà nén nhang được không ạ?
Ông ta gật đầu:
- Anh cứ tự nhiên. Cám ơn anh.
Thái bước tới chỗ bàn thờ, nhìn vào bức chân dung trên đó, anh thảng thốt kêu lên:
- Cô ấy!
Chủ nhà ngạc nhiên:
- Anh vừa kêu gì?
Thái ấp úng:
- Dạ... dạ...
Thái ngập ngừng cũng phải, bởi người trong di ảnh với cô gái lái xe mà anh gặp sáng nay giống nhau như hai giọt nước!
- Đây là... bà nhà? Xin lỗi, bà nhà tên là... là...
- Quỳnh Như!
- Trời ơi!
Tiếng kêu thảng thốt của Thái khiến cho nhà điêu khắc Lê Long kinh ngạc:
- Cậu sao vậy?
- Quỳnh Như! Tôi mới gặp bà ấy sáng nay!
Ông chủ nhà bật đứng dậy, sự kích động khiến cho ông ta run rẩy:
- Cậu... cậu nói... cậu nói...
- Tôi mới gặp cô ấy sáng nay. Cô ấy lái chiếc xe màu vàng, mặc chiếc áo màu hồng nhạt và...
Lê Long chặn ngay lại:
- Đúng là cô ấy, nhưng cậu mới gặp sáng nay là nói dối! Cậu nói dối!
Không ngờ ông ta lại kích động dữ dội như vậy, nên Phong phải nói chen vào:
- Bạn tôi đi xe lửa từ Sài Gòn ra, khi xuống xe thì gặp một phụ nữ lái chiếc xe như mô tả, người đó... không biết có phải là bà nhà không, nhưng bạn tôi thấy giống với người trong ảnh này lắm...
Thái nói:
- Cô ấy còn xưng tên là Quỳnh Như nữa!
Lê Long vùng thét lên vừa xua tay:
- Các anh đi ngay khỏi nhà tôi! Đi ngay!
Cơn kích động làm cho ông ta co quắp người lại, run lên từng hồi... Thái nháy mắt cho Phong rồi nhẹ nhàng rút lui...
***
Suốt mấy ngày ở lại nhà Phong, thú tiêu khiển duy nhất của Thái là uống rượu và đi lang thang quanh phố. Phong bận một số việc riêng nên không thường đi với bạn đây đó như đã hứa. Thái tính trở về Sài Gòn, nhưng do cái giỏ xách của bà cụ, nên anh nấn ná lại để mong được gặp khi bà trở lại lấy món đồ bỏ quên đó. Nhưng đã ba ngày rồi mà chẳng hề thấy bóng dáng bà ta đâu. Sáng sớm nay, Thái bảo Phong:
- Trưa nay có lẽ mình về đây.
Phong bàn:
- Sao cậu không chờ vài hôm nữa để mình tiếp xúc lại với tay điêu khắc đó thử xem. Lần này mình có cách...
Thái chán nản:
- Mình mất hứng thú với tay đó. Vả lại, chuyện cô nàng đã làm cho mình choáng váng. Mình không thể nào tỉnh táo lại mỗi khi nhớ tới cuộc gặp gỡ với nàng ta. Rồi mình lại nghĩ tới lão chồng gàn dở ấy nữa...
Phong động viên:
- Mình có người chú, ông ấy chơi thân với tay điêu khắc gia ấy, để mình nhờ chú ấy nói chuyện...
Thái không hào hứng lắm, nhưng cũng nghe theo bạn. Anh rủ Phong:
- Bữa nay cậu rảnh không, tụi mình đi biển tắm chơi.
Phong nhìn đồng hồ tay:
- Trưa nay mình có việc làm cho bà già, hay cậu lấy xe mình đi chơi, chiều về tụi mình nhậu một bữa!
Thái từ chối lấy xe:
- Mình không quen chạy xe ở vùng này, để mình đi bộ, rồi gọi xe lam. Chiều gặp lại.
Lững thững một mình, Thái đi quanh chợ một lúc, vừa ngoắt chiếc xe lam thì chợt anh giật mình khi thấy chiếc xe hơi màu vàng bữa trước trờ tới!
- Cô nàng!
Thái căng mắt nhìn, nhưng khi xe tới ngang chỗ anh dừng lại thì Thái chợt kêu lên:
- Là ông!
Người lái xe không phải người đẹp bữa trước, mà lại là nhà điêu khắc Lê Long! Ông ta mở cửa xe ra, bảo:
- Cậu lên xe, tôi có việc muốn nói!
Phong vừa tò mò, vừa sốt ruột, nên leo lên ngay không cần khách sáo. Quay đầu xe lại, Lê Long nói ngắn gọn:
- Cậu về nhà tôi, ta nói chuyện về ngôi nhà mà cậu muốn mua.
Thái muốn hỏi thêm, nhưng thấy ông ta lạnh lùng, im lặng, nên anh cũng nín thinh luôn. Cho mãi đến khi xe về tới nơi. Lần này không có người quản gia, mà tự lão Lê Long phải mở cổng, cho xe vào tận sân, rồi mời Thái:
- Cậu vào đây, nhà bữa nay chỉ còn mỗi mình tôi.
Thái hơi ngạc nhiên khi thấy trên bàn ăn đã dọn sẵn một mâm thức ăn với hai chiếc ly và chai rượu vang đỏ.
Anh chưa kịp hỏi thì lão Long đã giải thích:
- Tôi ở nhà một mình nên đã làm sẵn để mời cậu. Tôi muốn xin lỗi về hành vi bữa trước. Cậu đừng từ chối...
Thái áy náy:
- Thật ra tôi mới là người có lỗi. Tôi chạm vào nỗi đau của ông...
Lê Long xua tay:
- Bỏ chuyện ấy đi, bây giờ ta uống với nhau, rồi bàn đến chuyện mua bán ngôi nhà. Nào, mời cậu!
Thái độ lão ta cởi mở, khác hoàn toàn với bữa trước. Thái nghe nhẹ nhõm, anh nâng ly:
- Xin uống với ông một ly!
Chỉ trong vòng mười lăm phút mà hai người đã uống cạn chai rượu vang, Lê Long hứng chí, đứng lên vừa nói:
- Phải uống rượu mạnh mới được! Bữa nay gặp cậu, chuyện mua bán ra sao chưa biết, nhưng đã tri kỷ thì ta, phải uống cho say mới thôi!
Ông ta bước vào trong, lát sau trở ra với chai Martell trên tay:
- Cậu dùng thứ này được chứ?
Thái gật:
- Được. Mà nếu không biết uống thì hôm nay cũng phải uống cùng ông mới phải đạo! Nào!
Họ uống như đôi tri kỷ lâu ngày gặp lại nhau. Trong suốt bữa nhậu đã đôi lần Thái muốn đề cập lại chuyện bà vợ ông ta, nhưng lần nào cũng vậy, khi vừa định mở miệng thì Thái cứ lắp bắp, không nói được.
- Cậu bảo rằng cậu đã gặp vợ tôi phải không?
Câu hỏi bất ngờ như thấu tâm can người khác của lão ta, khiến Thái giật mình:
- Tôi... tôi nói...
- Sở dĩ hôm đó tôi bị kích động mạnh khi nghe cậu nói là bởi có mặt cậu gì đó bạn của cậu...
- Đó là Phong, người bạn thân.
- Dẫu là bạn thân của cậu, nhưng tôi cũng không muốn cậu ta chen vào chuyện riêng tư của rôi. Từ khi Quỳnh Như mất thì tôi có phát nguyện, hễ ai nhìn thấy cô ấy thì phải chết! Lời nguyền đó đáng lý đã phát huy tác dụng ngay hôm ấy, nếu không có cậu...
Thái tròn mắt kinh ngạc:
- Ông... ông nói thật?
Lão ta bỗng cười một tràng dài, tiếng cười chẳng giống một con người bình thường! Thái nghe mà phát lạnh sống lưng, anh suýt để rơi ly rượu đang cầm trên tay!
Cũng may, vừa khi ấy có tiếng ai gọi ơi ới ngoài cửa. Lão Lê Long im lặng và ra dấu cho Thái cũng không được lên tiếng. Ai đó sau khi gọi liền mấy tiếng thì bỏ đi. Thái thắc mắc:
- Họ gọi người quản gia của ông mà, sao ông ta không lên tiếng?
- Anh ta chỉ lên tiếng khi nào tôi cho phép! Trong nhà này là vậy, không ai được tự tiện nói năng những gì mà tôi không muốn!
- Kìa ông...
Lão ta đưa ly rượu lên lần nữa, mời mà như ra lệnh:
- Nào, uống hết!
Cứ thế, mỗi lần lão ta hô "nào, uống hết" thì y như là Thái phải nâng ly lên nốc cạn, không cách nào từ chối được! Qua nửa giờ, cả chai rượu mạnh đã cạn. Thái đã mềm môi, nên khi ly rượu cuối cùng vừa nốc xong thì cũng là lúc anh gục xuống bàn. Trong mơ hồ, Thái cảm giác như có bàn tay thật mát mịn sờ lên khắp người...
***
Thái giật mình khi nhìn thấy người ấy xuất hiện trước mặt, anh thảng thốt kêu lên:
- Cô... có phải là cô không?
Nàng ta vẫn giữ nụ cười quyến rũ, vô cùng mê đắm:
- Người ta sờ sờ trước mắt mà còn phải hỏi! Nếu không phải là em thì là ai? Có muốn em xưng lại tên họ không, Quỳnh Như, nhớ chưa nào...
Thái vẫn còn lúng túng:
- Nhưng... nhưng mà...
- Đã tới nhà người ta uống rượu đến say khướt thế này mà còn chưa biết lỗi sao! Đàn ông các người đều giống như nhau cả, cứ gặp nhau là chè chén, say xỉn, chẳng còn biết gì khác!
- Nhưng chính ông nhà đã mời tôi...
- Ông nhà? Nghe đến người đó là em lợm giọng! Anh ta chỉ biết sống cho mình thôi, đồ ích kỷ!
Thái hơi bất ngờ trước thái độ của cô nàng, anh dè dặt hỏi lại:
- Cô vừa nói đến ông Lê Long?
Bất thần nàng thét lên:
- Đừng nhắc tên người ấy trước mặt tôi! Anh mà còn nhắc thì... thì đừng trách em!
Bình thường nàng nói năng dịu dàng, quyến rũ, nhưng lúc này tự dưng chất giọng biến đổi khác thường, chanh chua, hung ác chẳng khác nào ác quỷ!
- Cô... cô...
Thái không kịp hỏi thêm đã bị cô nàng chụp lấy tay kéo mạnh. Bàn tay ấy lạnh buốt, nhưng có cái gì đó chạy sang cơ thể, khiến anh như bị cuốn theo, không tự chủ được. Nàng kéo Thái vào phòng riêng, lạnh lùng bảo:
- Anh phải giúp em trả thù những gì lão ta đã gây ra cho đời em! Anh phải yêu em!
Thái hốt hoảng:
- Không! Không được...
Thái định vùng ra, nhưng bàn tay nàng đã siết chặt hơn anh tưởng, nên chẳng làm sao thoát được, chỉ còn biết lắp bắp nói:
- Ông ấy... ông ấy giết tôi chết!
Nàng phá lên cười:
- Đến anh mà cũng sợ tên ác tặc đó sao! Lão ta chỉ nói cái miệng thôi, chứ có làm gì được mà sợ. Nào, ta hãy tận hưởng!
Nàng kéo mạnh tay, Thái bị bổ nhào vào trong phòng tối đen như mực! Chẳng thấy gì ngoài tai nghe tiếng sột soạt của y phục cởi ra! Nỗi sợ hãi khiến Thái phải năn nỉ:
- Xin cô tha cho, nếu lão mà biết thì tôi chết ngay tại đây! Vừa rồi lão ta còn hăm dọa...
Giọng nàng đanh lại:
- Anh đã biết tôi đang là một hồn ma chứ gì? Vậy giữa tôi và anh ta, anh sợ ai, nói đi?
- Tôi... tôi...
Đang nói, Thái bị một bàn tay mát lạnh chụp ngang miệng, kèm theo hơi thở như băng giá phả vào mặt, cùng giọng nói xoáy vào tai:
- Lão ta nói đúng, đáng lý ra anh và bạn anh đã phải chết ngay khi bước vào ngôi nhà này cách đây mấy hôm. Lần đó sở dĩ lão để cho anh sống là bởi lão ta sợ em, chứ nếu không thì đố ai khi đã nhìn thấy em mà lão ta để yên! Lão ta ghen đến bệnh hoạn, ghen đến điên cuồng, ghen đến nhẫn tâm giết vợ mình, rồi ướp xác để trong nhà, ghen đến...
Lời nói còn tiếp tục, nếu lúc ấy Thái không vô tình chụp tay vào mặt cô ta. Thái kêu thét lên:
- Trời ơi, cô!
Bàn tay của Thái vừa mới chạm vào bộ mặt toàn xương, chứ không phải mặt hoa da phấn!
- Tôi... tôi van cô! Xin cô...
Nàng cười như pha lê vỡ:
- Chưa thấy anh chàng nào bạc nhược như anh! Ai đời được người đẹp ôm trong tay, nằm trong phòng vắng mà không dám làm gì cả. Anh có còn là đàn ông hay không?
- Tôi... tôi...
- Đã nói rồi, không phải sợ gì lão ta cả, khi anh ở gần em! Mà nói thật, lúc này anh có sợ, có muốn thoát ra khỏi đây để không phải thực hiện việc cùng em trả thù lão ta thì cũng không xong. Một khi Quỳnh Như này đã muốn thì không ai từ chối được.
Thái lại bị kéo ghì xuống chặt hơn, anh có cảm giác như toàn thân mình đang bị đóng dính vào thân thể nàng. Càng lúc hơi lạnh từ đó chuyền sang. Thái bắt rùng mình rồi lịm đi...
***
Bị rơi từ trên giường xuống khá đau, nên Thái choàng tỉnh. Anh ngơ ngác nhìn quanh và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện mình đang nằm trên sàn nhà của một căn phòng khá rộng, mà khắp nơi chỗ nào cũng đầy những tượng bằng đủ chất liệu, từ đồng, đá và thạch cao.
- Phòng làm việc của nhà điêu khắc!
Lúc này Thái mới nhớ lại chuyện đã qua, anh đưa tay sờ khắp người và còn nguyên cảm giác của một cuộc vận động thân thể với cường độ mạnh!
- Cô nàng!
Thái chồm dậy nhìn quanh lần nữa, không hề có... giường nệm nào ở đây, tuy nhiên mùi hương quyến rũ của phụ nữ như còn phảng phất chung quanh. Anh thử lên tiếng:
- Cô ơi! Quỳnh Như ơi!
Không có lời hồi đáp. Qua hương thơm còn rất đậm, Thái đoán có lẽ nàng ta mới rời nơi đây không lâu, nên anh bước chậm quanh những pho tượng và định sau khi ngắm một lượt, sẽ trở lại những phòng khác của ngôi nhà. Việc tự dưng mình ở trong phòng này không khiến Thái quan tâm nhiều bằng những pho tượng mà anh đang thấy, hầu như tượng nào cũng giống nhau ở khuôn mặt, vì hình như nó được tạc theo mẫu của cùng một người!
- Quỳnh Như!
Đến một pho tượng bằng thạch cao, lớn bằng kích cỡ người thật mà vừa nhìn là Thái đã kêu lên, bởi nó y như một Quỳnh Như bằng xương bằng thịt đang ngồi đó!
- Ai đây!
Thái vừa kêu vừa bước lùi mấy bước, bởi ngay trước mắt anh, chỗ dưới chân pho tượng có một bộ xương người trong tư thế phủ phục!
Còn chưa hết bàng hoàng thì chợt Thái nghe có tiếng người sau lưng:
- Cậu là người đã tới đây hôm trước phải không?
Người hỏi Thái là anh quản gia mà Thái đã từng gặp. Anh ta rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn Thái trong y phục xốc xếch của một người mới ngủ dậy.
- Cậu... cậu qua đêm ở đây?
Thái lúng túng:
- Tôi... tôi uống rượu với ông chủ, rồi say...
Anh quản gia tròn mắt kinh ngạc:
- Uống với ông chủ nhà này?
- Từ đêm qua...
- Chết rồi!
Nghe anh ta kêu lên thảng thốt, Thái ngạc nhiên:
- Anh sao vậy?
- Câu đó phải để tôi hỏi cậu mới phải! Cậu có sao không chứ?
Thái không muốn thuật lại chuyện mình với Quỳnh Như, anh chỉ nói:
- Tôi mới bàn với ông chủ chuyện mua ngôi nhà này, rồi ông ấy làm tiệc mời tôi nhậu. Lúc ấy không thấy anh...
Anh quản gia nói một câu làm cho Thái lạnh cả người:
- Anh đã nhậu với hồn ma mà không biết!
Thái ngơ ngác:
- Anh nói gì?
Chỉ tay vào bộ hài cốt dưới chân pho tượng, anh ta nói:
- Người mà cậu nói đang quỳ ở đó!
Thái tưởng mình nghe lầm:
- Anh nói gì? Ông ta...
Anh quản gia giọng bình tĩnh:
- Bữa trước thấy cậu nói chuyện với ông ấy tôi định cho cậu biết mà không kịp. Lúc cậu bị ông ấy đuổi thì tôi mừng, bởi nếu không thì cậu và cậu bạn đã không còn mạng! Ông ấy đã chết từ lâu rồi. Người gặp cậu bữa đó chẳng qua chỉ là...
- Hồn ma phải không?
Nhìn pho tượng, Thái hỏi:
- Tại sao ông ta chết bên pho tượng thế này mà chẳng ai chôn cất?
Anh quản gia thở dài:
- Thật ra tôi là người đã mai táng cho ông ấy đàng hoàng, nhưng ông ấy không chịu. Hễ đem hài cốt chôn thì thế nào ông ấy cũng phản ứng, nổi điên hành tôi đến chết lên chết xuống, nên cuối cùng tôi phải đem xương cốt đặt lại đúng chỗ lúc ông ấy chết mới yên!
Ngừng lại một lúc, anh ta kể tiếp:
- Cách đây bốn năm, cô Quỳnh Như là vợ của ông ấy đột ngột ngã bệnh và qua đời thì ông ta như điên như khùng, cứ gào khóc rồi uống rượu, cho đến khi say khước và gục bất cứ đâu. Ông ấy điên vì mất vợ! Nhưng cũng chính vì ông ấy mà cô Quỳnh Như mới chết!
Câu chuyện rối rắm, Thái đang định hỏi thêm thì bất ngờ anh quản gia khựng lại, hai mắt trợn ngược và... máu tươi trào ra hai bên mép anh ta.
- Kìa, anh sao vậy?
Thái chỉ kịp đỡ cho anh ta khỏi bị ngã. Người anh ta mềm nhũn, bất động...
Hiểu ra, Thái lẩm bẩm:
- Là hồn ma!
Tuy đoán việc anh quản gia bị như thế là do động tới hồn ma nhà điêu khắc, nhưng Thái vẫn không nao núng, anh vẫn lên tiếng như nói với người còn sống:
- Người ta chỉ kể lại sự thật, sao lại hại anh ấy!
Đáp lời Thái là những cơn gió rít bên ngoài vườn.
Thái lại càng nói to hơn:
- Tôi muốn cô Quỳnh Như lên tiếng đi, có phải cô để cho ma quỷ trong nhà này lộng hành, giết bất cứ ai nói đến chuyện giữa hai người sao? Nếu cần thì cứ hại tôi đi, chứ đừng giết con người tội nghiệp này!
Thái vừa nói xong thì cảm giác như đang tuyên chiến với hiểm nguy, anh thu hết nghị lực, đứng trân người và chờ đợi... Vài phút trôi qua mà vẫn chưa thấy có hiện tượng gì khác lạ... Cuối cùng, anh thở hắt ra và nói rất rõ ràng, câu nói như dành cho Quỳnh Như:
- Tôi tôn trọng cô và không hề có ý gì khác, vậy cô Quỳnh Như hãy tỏ rõ mình không là một hồn ma xấu đi, bằng cách là báo cho tôi biết tôi phải làm gì lúc này. Nếu cô muốn đuổi tôi đi thì cứ làm cho tôi ngã văng ra cửa, nếu không tôi sẽ ở lại đây và hôm nay sẽ làm mâm cơm cúng cô!
Thái chờ đợi bị văng ra khỏi cửa. Nhưng đến hơn một phút sau mà anh vẫn còn đứng vững chỗ đó. Anh nhẹ giọng bảo:
- Cám ơn cô Quỳnh Như. Tôi sẽ làm như đã hứa!
Thái sờ ngực anh quản gia, thấy vẫn còn thở, nên vội kéo anh ta ra ngoài. Trong nhà lúc ấy không có ai khác, Thái phải chạy đi ra phố gần đó tìm mua lọ dầu. Khi anh trở về thì cũng may là anh chàng quản gia cũng vừa tỉnh lại. Anh ta chỉ tay ra ngoài chỗ bờ rào và nói:
- Cậu nên gặp người đó...
Thái ngạc nhiên:
- Gặp ai?
- Bà ta vừa quay đi, người mặc áo nâu đó!
Thái nhìn ra và kêu lên:
- Hình như là bà cụ bữa trước trên xe lửa!
- Cậu không cần phải đuổi theo làm gì, tôi biết nhà bà ấy. Ngày nào bà cũng tới đây, đứng ngoài nhìn mà.
- Bà ta cũng là ma?
- Không. Bà ấy chính là... mẹ của cô Quỳnh Như!
Thái hoài nghi:
- Bữa trước trên chuyến xe lửa bà ta đã biến mất như ma, tôi nghĩ...
- Không, bà ấy vẫn còn sống. Là người mẹ đau khổ, kể từ khi cô Quỳnh Như chết thì bà suốt ngày cứ tới đây, nhưng lão Lê Long không cho vào nhà, khiến bà ấy phải lang thang ngoài cửa, khi thì khóc, khi thì chạy đi làm bất cứ điều gì con gái nhờ làm!
Muốn đi tìm người đàn bà đó, nhưng nhớ lại lời hứa với vong của Quỳnh Như vừa rồi, Thái bảo:
- Rồi anh phải chỉ cho tôi nhà của bà cụ. Còn bây giờ tôi phải đi lo bữa cơm cúng cái đã!
Anh quản gia nói nhanh:
- Chuyện làm cơm cậu cứ để tôi. Còn cậu, nên tìm ngay bà cụ đi, lúc nãy tôi thấy bà ấy chạy nhanh vì sợ cậu nhìn thấy đó!
Anh ta ghi địa chỉ cho Thái rồi gượng đứng dậy, mặc dù còn rất yếu...
Thái bước nhanh ra cửa, hướng theo lối đi của bà cụ lúc nãy.
Nhà cũng không xa, chỉ mất hơn mười phút là đã tới. Cẩn thận hơn, Thái nhẹ đẩy cửa vào tránh gây ra tiếng động, cứ sợ bà cụ lại chạy mất. Nhưng thật bất ngờ, lúc anh còn đang bước nhẹ thì chợt có tiếng nói phía sau:
- Vào nhà thì cứ đường đường chính chính mà đi, việc gì phải rình mò như vậy anh chàng si tình!
Vừa quay lại thì Thái đã phải ngớ người ra, bởi người đang đứng đó chính là bà mẹ của Quỳnh Như! Bà ta không nhút nhát bỏ chạy, mà trái lại còn nói huyên thuyên:
- Cậu tới đây sao không đem cái giỏ trả lại cho tôi?
- Cái giỏ đó đang ở nhà bạn cháu. Hôm đó bà làm cháu đứng ngồi không yên. Mà sao bà biết nhà bạn cháu mà mang tới?
- Ở Vĩnh Phong ai mà không biết nhà bạn cậu. Cậu quên là nhà tôi và con gái tôi cũng ở Vĩnh Phong này hay sao? Hôm đó cậu đã tiết lộ tung tích mình, bảo sao tôi không tò mò...
Bà bỏ đi vào nhà, lát sau lấy ra cái giỏ đưa cho Thái:
- Thật ra đây chính là giỏ của cậu!
Thái nhìn thấy chiếc giỏ, anh ngạc nhiên:
- Giỏ đồ này là của bác, cháu đang giữ ở nhà bạn cháu mà?
Bà cụ cười:
- Nhưng bây giờ nó đang ở đây, thì cậu cứ biết nó là của cậu đi!
Thấy Thái ngây người ra, bà cụ bảo:
- Thôi, không làm cậu thắc mắc nữa, giỏ này là của tôi, nhưng tôi cố ý để quên lại trên tàu là để gửi cho cậu. Bộ mấy hôm nay cậu không mở nó ra xem à?
Vừa nói, bà tự tay mở giỏ ra. Thái giật mình:
- Pho tượng đồng này là chân dung của Quỳnh Như, sao bác để trong giỏ làm gì?
- Cậu chưa mở ra xem nên chưa biết những gì kèm theo đây. Cứ lấy ra và đọc đi!
Thái nhận một xấp giấy tờ từ tay bà cụ, anh lật từng trang xem và kêu lên:
- Sao thế này!
Trong tất cả giấy tờ về chủ quyền ngôi nhà cổ của vợ chồng Quỳnh Như thì đều ghi chuyển quyền sở hữu cho... Thái! Tên anh rành rành ra đó, bên dưới giấy tờ đã có công chứng hẳn hoi!
- Bác, sao lại...
Bà cụ hiền từ:
- Tôi lên xe là làm theo ý của con gái tôi. Nó chết rồi, nhưng vong linh nó biết rằng nó sẽ thuộc về ai và những gì của nó sẽ phải chuyển cho người còn sống!
Thái xua tay:
- Không được đâu bác! Cái này là sở hữu của vợ chồng cô ấy! Cô ấy có chồng...
Giọng bà cụ chùng xuống:
- Chồng con gì thằng ấy! Ngày trước do thất bại trong làm ăn nên vợ chồng tôi thiếu nợ một số tiền lớn, mà chủ nợ chính là thằng điêu khắc gia đó. Nó bắt ép chúng tôi phải gả con gái mình cho nó khi con Quỳnh Như mới có mười sáu tuổi! Tội nghiệp con nhỏ, không hề yêu, mà thật ra cũng chưa biết yêu là gì... vậy mà phải về làm vợ!
Bà phải ngừng lại để khóc, rồi mới kể tiếp:
- Nó làm vợ mà như ở tù. Bởi thằng nọ nó ghen tuông, ích kỷ đến lạ lùng! Hầu như nó nhốt con nhỏ trong nhà, không cho bước ra ngoài nửa bước! Nó ghen với bất cứ ai tới nhà, ghen cả với bà con anh em của Quỳnh Như. Trong số này có cả cậu...
Thái ngơ ngác:
- Sao lại có cháu? Từ nào đến giờ cháu chưa hề quen biết cô Quỳnh Như. Cháu chỉ mới tới nhà cô ấy lần đầu hôm vừa rồi!
Bà cụ thở dài:
- Cũng tại tôi. Cách đây hơn năm năm, lúc đó con Quỳnh Như chưa có chồng, trong một lần nói chuyện với mẹ cậu Phong, bạn cậu, bà ấy có nhắc tới cậu, bảo rằng cậu vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc, đang còn độc thân...Lúc ấy tôi đang muốn tìm người gả con Quỳnh Như để tránh cho nó cảnh phải về làm vợ một người lớn hơn nó mấy chục tuổi, nên tôi có nhờ mẹ Phong giới thiệu cậu...Bà ấy chưa tiện giới thiệu, mà chỉ lấy bức ảnh của cậu tặng cho Phong, đưa cho tôi xem. Tôi lấy ảnh đó đem về cho Quỳnh Như xem, nào ngờ khi vừa trông thấy ảnh thì nó đã reo lên rằng cậu mới là nhân duyên của nó! Lúc đầu tôi cũng không tin, nhưng liên tiếp nhiều ngày liền, lúc nào Quỳnh Như cũng tơ tưởng đến cậu, cứ một hai đòi đi gặp cậu. Tôi chưa kịp giúp nó thì nhà của Lê Long đã thúc hối và đưa sính lễ qua đòi cưới ngay! Món nợ chúng tôi sẽ được xóa nếu tôi đồng ý cho con gái mình lên xe hoa với hắn! Thế là...
Bà kể đến đó thì gục đầu khóc nức nở...
Thái ngập ngừng một lúc rồi mới dám hỏi:
- Sao bác biết cháu ngồi tàu ra Phan Rang mà lên đó đón chứ?
- Không phải tôi biết, mà chính con Quỳnh Như. Từ lúc chết đi nó hiển linh, cứ hiện về với tôi, nhờ tôi làm hết chuyện này đến chuyện nọ. Hôm đó chính nó nhắc tôi đi vào Sài Gòn, mua vé tàu về Phan Rang, chỉ tôi biết cậu sẽ ngồi đâu, để tôi lên ngồi kế bên. Mục đích là gửi cho cậu mọi thứ trong cái giỏ này, bởi nó biết trước là cậu sẽ ra Phan Rang để mua ngôi nhà của nó. Và nó cũng biết thế nào thằng điêu khắc gia Lê Long cũng ngăn cản, nên nó đã làm trước mọi thủ tục giấy tờ, nhất quyết giao cho cậu tài sản còn lại đó.
- Sao cô ấy không giao cho bác hay người nhà của lão Lê Long?
- Tôi đã nói rồi, nó yêu cậu, nó quả quyết là cậu với nó có nhân duyên tiền định, nên giá nào nó cũng chỉ giao cho cậu thôi!
Thái còn đang ngẩn ngơ, chưa quyết sẽ nhận hay không nhận số giấy tờ thì bà cụ đã giục:
- Cậu về nhà đó ngay đi, không chỉ để cúng cơm cho nó, mà để giúp nó chôn cất bộ hài cốt dưới chân tượng đi.
- Nhưng... anh quản gia nói rằng...
- Trước đây thì khác, bây giờ khác rồi. Cậu về đó rồi sẽ biết!
Thái đành phải xách giỏ đồ đi trở lại ngôi nhà cổ. Vừa tới nơi, anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh chàng quản gia đang khệ nệ khiêng bộ xương người ra ngoài.
Anh ta bảo:
- Vừa rồi đã xảy ra một cuộc đấu khẩu dữ dội giữa họ với nhau. Cuối cùng ông chủ Lê Long phải chịu thua. Nhưng khi bó tay, ông ấy đã tính đốt ngôi nhà này chứ không giao nó cho người khác! Tuy nhiên, chính hồn ma cô Quỳnh Như đã kịp ra tay trước, cô ấy khống chế được kẻ đã kiềm chế mình bấy lâu nay, khiến cho ông Lê Long phải chịu bỏ đi. Bây giờ hài cốt của ông ta chỉ còn nắm xương tàn, chứ không phải hồn ma trấn giữ ngôi nhà này nữa. Cậu có thể vào nhà một cách tự nhiên, hình như cô Quỳnh Như đang đợi cậu...
Thái rụt rè bước vào nhà, anh ngạc nhiên với mâm cơm đã đọn sẵn ở giữa nhà:
- Anh làm tất cả những món này?
Anh quản gia lắc đầu:
- Không phải. Chính cô Quỳnh Như đã làm chờ cậu! Cô ấy đang ở trong phòng đặt pho tượng mà lúc nãy cậu đã ở đó.
Thái bước vào và rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy thay cho pho tượng thạch cao lúc nãy, bây giờ là... một người bằng xương bằng thịt đang ngồi. Người đó là Quỳnh Như!
- Cô... cô còn sống?
Nàng cười thật mê đắm, cất giọng nhẹ như hơi gió:
- Em vẫn là hồn ma. Nhưng từ bây giờ em chỉ là hồn ma của anh thôi! Cứ nhìn và khi nào cần thì em hiện về như thế này, chứ đừng chạm vào người em!
Thái nhìn chăm chăm vào nàng. Nhưng trong phút chốc, bóng hình đó đã như làn sương khói, biến mất, chỉ còn lại cái bệ đặt tượng và... mùi hương cơ thể đến ngất ngây...


BỐN OAN HỒN TRONG NGÔI NHÀ HOANG


Thiện hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy bốn chiếc áo dài với bốn màu khác nhau được phơi dài theo dây giăng trước sân. Không phải một lần, mà có đến ba bốn buổi sáng rồi, lần nào đi ngang qua đây Thiện cũng nhìn thấy đúng bốn chiếc áo đó. Người ta phơi cho khô hay cố tình trưng bày nó trước mắt thiên hạ?
Gợi tính tò mò, sáng hôm nay Thiện dừng lại khá lâu trước bờ rào, nhìn vào bên trong. Đây là một ngôi nhà tuy không rộng lắm, nhưng có được một khoảng sân trồng rất nhiều hoa, được cắt tỉa công phu. Như vậy chứng tỏ gia chủ là người khéo tay, có óc thẩm mỹ và... chắc chắn đó là một phụ nữ!
- Cậu tìm ai?
Câu hỏi của một người lớn tuổi khiến Thiện giật mình quay lại, anh lúng túng trước một ông cụ trọng tuổi:
- Dạ... cháu chỉ tò mò... cháu nhìn mấy chiếc áo dài đẹp trong kia...
Sợ ông ta hiểu lầm:
- Cháu không có ý gì, chỉ bởi thấy mấy chiếc áo đẹp quá, mà lại...
- Mà lại phơi hết ngày này sang ngày khác chứ gì!
Không ngờ ông ta đọc được ý nghĩ của mình, Thiện cười bảo:
- Dạ...
Ông cụ nhanh nhẹn mở cổng:
- Mời cậu vào nhà chơi.
Hơi bất ngờ, nhưng làm sao Thiện từ chối được khi anh có dịp để hiểu thêm về ngôi nhà này, nên anh đáp một tiếng khẽ:
- Dạ.
Rồi bước theo vào trong. Thiện cứ nghĩ sẽ gặp vài người nữa trong nhà, nhưng anh hơi lạ khi nghe ông cụ bảo:
- Già ở đây một mình, nên rất cần có người để nói chuyện cho đỡ buồn. Chắc nhà cậu ở gần đây?
Thiện hỏi lại:
- Bác ở đây một mình? Nhưng sao...
- Sao lại có áo dài để phơi hả? Của con Út...
Rồi ông giải thích thêm:
- Nó không có đây, nhưng để lâu sợ bị ẩm, nên tôi đem ra phơi.
- Vậy mà cháu cứ nghĩ...
Ông già cất tiếng cười lớn:
- Cứ nghĩ trong nhà chắc là có một vài giai nhân phải không!
Thiện hơi ngượng, anh nói để chữa thẹn:
- Dạ, dẫu sao thì chủ nhân đi vắng của những chiếc áo cũng là những giai nhân!
Ông cụ nhìn Thiện với sự thích thú:
- Nói chuyện với cậu rất vui, chẳng hay cậu làm nghề gì mà ngày nào cũng đi bộ qua đây?
- Dạ... nếu nói là thất nghiệp thì cũng không sai! Bởi cháu đang nghỉ dưỡng dài hạn...
Ông già gật gù:
- Cậu chưa gì mà đã giống như tôi rồi! Nào, mình uống tách trà để nhìn bạn đồng liêu chứ!
Thấy ông vui vẻ nên Thiện cũng dạn dĩ hơn:
- Xin phép bác, cháu tò mò muốn hỏi, cô Út ở nhà đi học hay đi đâu ạ?
Hình như ông cụ đã chờ câu hỏi đó, ông đáp ngay:
- Nó đi học, nhưng lười nên ít khi chịu về thăm già này lắm. Có lẽ tại nơi này buồn quá, không thích hợp với tuổi trẻ.
Ông lại hỏi Thiện:
- Hằng ngày cậu đi bộ qua đây rồi tới đâu nữa?
- Dạ, tới ngôi nhà bỏ hoang trong cánh rừng kia.
Câu nói của Thiện vừa dứt thì bất ngờ ông cụ đứng bật dậy, mặt thất sắc:
- Cậu... cậu không được tới đó! Cậu không...
Thấy thái độ của ông, Thiện kinh ngạc:
- Kìa, bác sao vậy? Ngôi nhà ấy là thế nào?
- Nó... nó là...
Rồi trước sự ngơ ngác của Thiện, ông ta vụt chạy ra cửa và biến mất! Đứng thừ người ra một lúc, Thiện đành phải bước ra. Anh không quên khép cửa lại cẩn thận trước khi nhắm hướng mà mỗi ngày mình vẫn tới. Tác phẩm viết dở đang cần khung cảnh tịch liêu của ngôi nhà hoang để hoàn thành...
Đi được vài mươi bước, chợt Thiện nhớ là nhà chưa khóa cửa, mà như ông cụ nói, không có ai ở nhà, lỡ trộm đạo vào nhà thì sao? Chuyện anh tới ngôi nhà hoang trễ một chút thì đâu có sao... Do vậy Thiện quay trở lại, dự tính ngồi đợi.
- Ủa, mấy chiếc áo dài?
Không thấy bốn chiếc áo phơi ở sân nữa, Thiện tắc lưỡi:
- Xong rồi, bị trộm hết rồi!
Thiện hối hận là vừa rồi mình quá hấp tấp và bây giờ biết nói sao khi ông cụ trở lại? Anh còn thừ người ra thì chợt mắt sáng lên khi nhìn thấy bốn chiếc áo đã được xếp thẳng thớm để trên bộ đi-văng!
- Ủa...?
Thiện chưa tin là thật nên bước tới sát bên nhìn kỹ. Đúng là bốn chiếc áo đã phơi ngoài dây trước sân, không sai!
- Có ai trong nhà không?
Thiện lên tiếng gọi, nhưng không ai trả lời. Thắc mắc trong đầu Thiện càng tăng khi anh nhìn kỹ hơn, trên mỗi chiếc áo dài đều có đặt một chiếc khăn tay màu trắng tinh! Hương thơm từ những chiếc khăn tỏa ra nức mũi, chứng tỏ ai đó mới vừa ở đây xong!
Sự tò mò thôi thúc nên Thiện lấy từng chiếc khăn lên xem, anh thấy trên góc từng chiếc khăn đều có thêu tên khác nhau: Mai Hương, Lan Hương, Cúc Hương, Quế Hương.
- Bốn chiếc áo của bốn cô gái!
Thiện quả quyết như vậy, bởi qua phân định mùi hương, anh nhận thấy có bốn mùi khác nhau. Vả lại cầm bốn chiếc áo lên, so từng chiếc có kích cỡ không hoàn toàn giống nhau.
- Họ là bốn chị em?
Xâu chuỗi lại những sự việc, từ sự thảng thốt của ông cụ cho đến sự xuất hiện của ai đó trong nhà này, Thiện có ngay kết luận:
- Có gì không ổn trong chuyện này!
Và không còn lo ngôi nhà đang mở cửa, Thiện bước nhanh ra ngoài, đi về phía ngôi nhà hoang.
Tới nơi, Thiện ngạc nhiên khi thấy tất cả cửa nẻo đều bị khóa từ bên ngoài, khác với sự bỏ hoang như từ mấy hôm nay anh vẫn thấy và ra vào tự nhiên.
Hiểu là ông cụ đã làm, Thiện càng thắc mắc về ông ta hơn. Anh tự hỏi: Ông ta sợ mình phát hiện điều gì trong nhà chăng?
Từ mấy hôm nay, Thiện không hề để ý gì ngôi nhà này, bởi có một việc mà thiên hạ thường quan tâm khi vào ngôi nhà hoang nào đó, đó là sợ ma! Mà đối với Thiện, anh không hề có ý niệm gì về điều ấy. Bởi nếu có thì anh đã không chọn nơi như thế này để viết văn!
Không nhìn thấy ông cụ ở đó, Thiện đoán ông ta đã trở lại nhà sau khi ngăn không cho anh vào ngôi nhà này. Anh tự nhủ: Mình sẽ có dịp trở lại nhà ông ta. Nhà của tứ mỹ nhân kia!
- Cậu Hai, có phải cậu thường tới đây ngồi ngoài gốc cây kia làm việc không? Có người gửi cậu cái này.
Người vừa hỏi vừa đưa cho Thiện cái phong bì là một cư dân ở gần đó. Thiện ngạc nhiên hỏi:
- Ai đưa cho chị?
- Một cô gái, tôi có hỏi tên nhưng cô ấy không nói. Dặn tôi phải đưa tận tay cho cậu khi cậu tới đây.
- Lâu chưa chị?
- Mới đây thôi, cô ấy vừa đi thì cậu tới.
- Nãy giờ chị có thấy một ông lão tới đây khóa cửa hay không?
Chị nọ lắc đầu bảo:
- Người khóa cửa là một cô gái, chứ không phải ông già. Chính cô này...
Thiện bóc bì thư ra, anh thấy nét chữ con gái rất đẹp, chỉ có mấy dòng: "Vào nhà người ta mà không xin phép, suýt nữa đã bị ông già bắt gặp. Lần sau chừa nhé! Chìa khóa giấu ở dưới chậu hoa phù dung bên trái cửa ra vào. Mỗi lần sử dụng xong ngôi nhà, nhớ khóa cửa lại và đặt chìa khóa vào vị trí cũ!"
Thiện đọc xong thư định hỏi thêm chị kia, nhưng khi ngẩng lên thì chẳng còn thấy chị ta đâu!
- Kỳ lạ!
Thiện bắt đầu phải suy nghĩ về những điều kỳ quặc ở đây...
***
Phải mất hơn một buổi, Thiện mới nhìn thấy bốn chiếc áo dài xuất hiện trên dây phơi. Điều làm cho anh ngạc nhiên nhất là không nhìn thấy người ra phơi, mà chỉ trong nháy mắt cả bốn chiếc áo đã xuất hiện. Lạ một điều nữa là từ ngày hôm qua tới giờ cả ông cụ cũng không có mặt?
Rình cả một buổi mà cũng không thấy được người nào, Thiện hơi nản, anh lần mò sang những ngôi nhà gần đó dò hỏi, nhưng hầu như ai nghe anh hỏi câu:
- Chị có biết những ai ở trong ngôi nhà bên đó không?
Thì hầu như chục người như một chỉ lắc đầu. Duy nhất có một chàng trai đáp được một câu:
- Nhà đó không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chờ gặp họ rồi hỏi.
Hình như mọi người đều muốn lảng tránh nói về ngôi nhà ấy, nên khi mặt trời sắp lặn mà vẫn chưa có kết quả gì, Thiện đành lững thững đi bộ về nhà. Vừa đi tới góc đường, chợt nghe có hai thanh niên vừa đạp xe vừa bàn tán với nhau:
- Bốn con nhỏ bữa nay hát hay hết chê luôn! Bọn chúng nó mặc bốn chiếc áo dài khác màu nhau mà hài hòa, bắt mắt dễ sợ! Nhất là con Quế Hương, nó mặc chiếc áo màu tím nhìn thấy phát mê!
Thiện giật nẩy người, anh gọi to:
- Này, hai anh!
Hai chàng trai nghe kêu thì giật mình dừng xe lại, Thiện chạy đến bên hỏi dồn:
- Hai anh vừa nói có cô Quế Hương gì đó hát ở đâu?
Nhìn Thiện, đoán anh không phải người bản xứ, nên một trong hai anh chàng nói:
- Ở Đà Lạt này mà bây giờ anh còn đi lang thang ngoài đường, không vào phòng trà nghe nhạc thì còn phí phạm nào bằng! Cô Quế Hương là ca sĩ trong ban tứ ca Hương Bốn Mùa, anh từng nghe chưa?
Thiện lẩm bẩm:
- Mai Hương, Lan Hương, Cúc Hương và Quế Hương...
Hai anh chàng cùng reo lên:
- Anh biết rồi đó, họ chính là thành viên của ban Hương Bốn Mùa đó. Tới mà nghe đi, đêm nay nghe nói họ sẽ hát riêng tặng cho ai đó mấy bài về Đà Lạt hay lắm! Tối qua tụi này xem rồi, nên bữa nay không định tới...
Họ vừa nói xong thì đạp xe đi ngay. Thiện hỏi với theo:
- Phòng trà ở đâu?
Một người cười to, nói vọng lại:
- Tới Đà Lạt mà không biết phòng trà ở đâu thì về nhà đi cha nội!
Quả thật là Thiện chưa hề đi phòng trà ca nhạc bao giờ, nên phải dò hỏi. Người chạy xe đêm chỉ rất rành rẽ:
- Ở đây có hai phòng trà, nhưng lớn và đông khách nhất là ở Palace, tôi sẽ đưa cậu tới đó!
Trên đường đi, Thiện gợi chuyện:
- Anh có bao giờ nghe nói về các ca sĩ phòng trà không?
Hình như Thiện đã khơi đúng mạch, nên anh chàng lái xe tuôn ra một hơi:
- Dân sành điệu phòng trà xứ này ai mà không mê bốn ca sĩ là chị em ruột!
- Họ là bốn cô Hương?
- Đó đó, anh biết rồi mà còn hỏi!
- Thật ra tôi cũng chỉ nghe người ta nói thôi. Anh đã từng gặp mặt họ chưa? Chắc anh cũng đã biết nhà? Giới chạy xe mà, người nổi tiếng nào mà không từng đi xe của các anh đôi lần?
Anh lái xe lắc đầu:
- Riêng bốn cô này thì khác. Chưa bao giờ họ đi xe của chúng tôi. Mà ngay cả giới vương tôn công tử xứ này cũng thế, đã có biết bao chàng trồng cây si, tối nào cũng tới phòng trà ngồi say mê nghe các nàng hát, để mong tan giờ đón đưa các nàng về nhà mà chưa một chàng nào toại nguyện!
- Chắc là đã có người làm việc đó rồi?
Anh chàng gật gù:
- Đúng là có người đưa đón!
Thiện chép miệng:
- Chắc là một đại gia giàu sụ, hay là...
Anh tài xế ngắt ngang:
- Một cụ già tuổi trên bảy chục. Ông ta lái chiếc xe hai mã lực cổ lỗ sĩ, cà tàng nhất thành phố này!
- Vậy sao các nàng chịu?
- Bởi... ông ta là bố của các cô ấy!
Thiện thở phào:
- Vậy mà tôi cứ tưởng...
- Tới nơi rồi cậu. Nếu vào nghe nhạc lát ra có đi xe thì nhớ tôi, tôi đậu ở đây chờ!
Trước khi xuống xe, Thiện còn hỏi thêm:
- Nếu ông già chạy chiếc xe hai mã lực cũ mèm thì sao xe anh bốn mã lực, không thử đuổi theo một lần xem nhà cửa các cô ấy ở đâu? Như bữa nay chẳng hạn, lát nữa anh đợi sẵn, khi các nàng ra, tôi sẽ nhờ anh bám theo nhé.
Anh tài xế lại lắc đầu:
- Có nhiều người thử làm rồi, nhưng chẳng một ai thành công! Không hiểu chiếc xe cũ mèm đó chạy bằng xăng gì, mà không xe nào theo kịp. Lão già đó lái về hướng ngã ba chùa rồi mất dạng. Đêm nào cũng thế!
Nhìn đồng hồ tay, anh chàng giục:
- Cậu vào đi kẻo lỡ mất bài "Ai lên xứ hoa đào". Cô em Út sẽ hát trước bài đó!
- Trong số bốn cô, cô nào là Út, cô nào là chị cả?
- Cô Út là Quế Hương, cô chị cả là Mai Hương.
- Cám ơn anh. Anh nhớ chờ tôi ở đây nhé!
Thiện theo dòng người bước vào bên trong. Do đi có một mình nên Thiện được xếp ngồi ở một bàn đơn, nằm ở một góc xa với sân khấu. Anh định xin đổi chỗ, nhưng vừa lúc ấy người phục vụ bước tới cạnh, nói khẽ vào tai Thiện:
- Bàn này có người đặt trước cho anh đó. Có một đóa hoa hồng để sẵn đó, người ta gửi riêng cho anh. Anh là Thiện?
Thiện ngạc nhiên lắm, anh lẩm bẩm:
- Mình đâu có quen ai ở đây?
Định quay lại hỏi thêm thì người phục vụ đã đi tự lúc nào rồi! Thiện cầm cành hoa hồng lên, anh thấy có mảnh giấy kèm theo: Khi về nhớ đi thẳng về ngôi nhà hoang. Chị em tôi cần gặp. Mai Hương.
- Đúng là họ rồi!
Và càng đúng hơn khi vừa lúc đó, người được giới thiệu ra hát là Quế Hương với bài "Ai lên xứ hoa đào". Cô nàng mặc chiếc áo dài màu tím than nổi bật và đẹp như cô gái liêu trai!
- Chiếc áo này!
Thiện không dằn lòng được nên đã kêu to lên, khiến cho vài người ngồi gần phải quay sang nhìn vào anh. Rồi một ai đó nói:
- Đêm nào cô ấy cũng mặc đúng chiếc áo màu này, nhưng mình không thấy nhàm chán. Trái lại...
Khi nàng cất giọng thì hầu như cả khán phòng đều im phăng phắc! Giọng nàng trong trẻo mượt mà, như quyện vào lòng người, khiến bài hát quá nổi tiếng này đã hay lại càng quyến rũ hơn, làm thiên hạ say đắm như quên cả không gian, thời gian...
Bản nhạc dứt rồi, thiên hạ vỗ tay rào rào, vậy mà Thiện như còn mê ngủ, anh ngây người ra và khi chợt nhớ đã là người vỗ tay sau cùng! Tiếng vỗ tay lạc điệu ấy đúng ra đã làm cho những người ngồi chung quanh khó chịu, tuy nhiên họ lại hưởng ứng, vỗ tay thêm lần nữa!
Chương trình hằng đêm của phòng trà này còn có gần chục ca sĩ khác, nhưng hầu như khán giả chỉ say mê nghe phần trình diễn của bốn chị em tên Hương. Người cuối cùng ra hát là Mai Hương. Thiện chăm chú nhìn còn kỹ hơn nhìn người em hát trước. Bởi cô nàng là người ký tên dưới lá thư mời Thiện tối nay...
Tuy nhiên, Thiện hơi thất vọng, bởi khi ra hát, cô nàng lại choàng kín hầu như cả gương mặt bằng một chiếc khăn choàng lớn. Kèm theo là lời cáo lỗi của người xướng ngôn viên:
- Hôm nay do một tai nạn, nên cô Mai Hương không thể xuất hiện trọn vẹn trước quý vị, xin quý vị thông cảm!
Mọi người hình như không chú ý lắm đến dung mạo của Mai Hương, mà có người còn nói:
- Đến đây là để nghe cô này hát, chứ đâu phải xem dung nhan!
Mai Hương được yêu cầu hát đến lần thứ hai. Khi bản nhạc chấm dứt thì cánh lái xe taxi và các tài xế xe nhà đều nháo nhào lên, bởi họ biết, đây là thời điểm mà đêm nào cũng chờ đợi: Xem tận mắt dung nhan bốn cô, cũng như bắt đầu cuộc đuổi theo chiếc xe hai mã lực đang chờ sẵn.
Thiện chưa ra vội bởi anh ngại chen lấn, chợt cô phục vụ lúc nãy xuất hiện, cô kéo tay Thiện đi ngược dòng người về phía cửa hậu, nơi dành riêng cho các ca sĩ tới và ra về. Anh chưa kịp hỏi thì cô nàng đã bảo khẽ:
- Hôm nay anh sẽ là người lái xe!
Thiện chưa kịp có ý kiến gì thì anh đã được đẩy lên chiếc xe Citroen hai mã lực. Đúng là chiếc xe cũ ngoài sức tưởng tượng của Thiện. Anh vừa ngồi sau tay lái thì đã nghe một giọng nói hơi lạ:
- Cứ lái với tốc độ tối đa, đừng bao giờ nhìn lại phía sau nhé!
Thiện biết lái xe, nhưng chưa bao giờ anh phải lái trong tình trạng như chạy trốn thế này. Bởi vậy khi vừa nổ máy thì anh hơi lúng túng... định cho xe ra khỏi lối đi hẹp dẫn từ hậu trường ra ngoài, nhưng bỗng dưng chiếc xe chồm lên, trong khi Thiện không hề nhấn ga!
- Không!
Thiện phải ôm vô-lăng thật chặt, cứ sợ xe va phải những người đi bộ hai bên. Xe ra tới cửa, có hàng chục xe khác đã nổ máy, sẵn sàng lao theo. Chợt có mấy người kêu lên:
- Sao trên xe không có bốn cô nàng!
Thiện muốn quay lại nhìn, nhưng hầu như cổ anh không thể cử động.
- Nhanh lên!
Thiện lại nghe tiếng người nói phía sau, chứng tỏ đang có người ngồi trên băng sau.
- Nhanh lên nữa!
Lần giục này là giọng nói khác. Thiện hầu như chỉ ôm tay lái chứ không hề nhấn ga, vậy mà xe lại lao vun vút với tốc độ kinh hồn! Điều này thật kỳ lạ, bởi chiếc xe cũ kỹ này đâu thể nào chạy đến tốc độ như thế này được?
Chỉ một lúc sau thì đã nghe có tiếng reo lên:
- Tới rồi!
Thiện hoàn hồn, anh nhìn ra và giật mình khi nhận khi trước mặt mình lúc này là ngôi nhà hoang mà anh tới mỗi ngày! Đây là khu vực vắng, hầu như không có nhà cửa chung quanh, mà ngôi nhà lại không có đèn, cũng may là trời đang có trăng non, nên trong bóng tối lờ mờ Thiện vẫn có thể nhận ra ngôi nhà...
Nhớ lại lời dặn lúc nãy trong bức thư ngắn, Thiện đánh bạo lên tiếng hỏi:
- Các cô bảo tôi về đây để làm gì?
Không nghe tiếng trả lời. Thiện hỏi lại lần nữa:
- Cô là cô Mai Hương phải không?
Vẫn im lặng...
Quên cả lời cảnh báo lúc nãy, Thiện quay lại nhìn và... ngơ ngác kêu lên:
- Đâu cả rồi?
Không có ai ngồi ở băng sau cả! Thiện cất tiếng hỏi lớn hơn:
- Các cô đâu rồi?
***
Cuối cùng, anh mở cửa xe bước xuống nhìn quanh. Trời lờ mờ, đủ cho Thiện nhìn thấy lối mòn dẫn vào ngôi nhà. Lưỡng lự một lúc, rồi anh bước chậm vào. Cửa mở như đang có người trong đó.
Thiện chưa dám bước hẳn vào thì như có bàn tay ai đó đẩy nhẹ, khiến Thiện lọt hẳn vào bên trong và...
- Ủa, sao lại...
Bên ngoài nhìn vào không thấy đèn, nhưng khi vừa vào trong thì ánh sáng lại bừng lên, chiếu sáng cả gian phòng rộng. Một bàn tiệc đã bày sẵn, thật linh đình!
- Mời!
Chỉ có tiếng nói mà không thấy người. Trong khi đó thì Thiện nhận ra có sự chuyển động chung quanh, giống như nhiều người đi tới đi lui! Anh đánh bạo lên tiếng:
- Phải các cô là chủ nhân những chiếc áo dài mà tôi đã thấy?
Có người phá lên cười, giọng cười trong trẻo:
- Đã biết rồi mà còn hỏi! Nào, ta nâng ly!
Chiếc ly trước mặt Thiện đã được rót đầy, mùi bia thơm phức, khiến anh không thể từ chối được, cầm lên nhấp một hớp thử. Nhưng chẳng hiểu sao, Thiện lại uống một hơi cạn!
- Vậy mới được chứ! Hôm nay anh là người khách duy nhất tụi này mời về đây để dự ngày giỗ mà từ lâu rồi tụi này chỉ thui thủi một mình...
- Giỗ? Mà giỗ ai vậy?
Có một nàng hỏi lại:
- Theo anh thì giỗ ai?
Rồi không đợi anh trả lời, một giọng khác lại nói:
- Giỗ cả bốn chúng tôi.
Thiện đã chuẩn bị tư thế từ trước, bởi anh đã xác định họ không là những người bình thường, nhưng lúc này anh cũng chới với:
- Cô... các cô nói...
Một nàng cười:
- Anh sợ rồi phải không? Nếu sợ thì có quyền rút lui. Coi như chúng tôi lại một phen thất vọng vậy...
- Tôi... tôi không...
Ánh sáng vụt tắt, chỉ còn lờ mờ ánh trăng non chiếu qua cửa sổ. Bỗng Thiện hít được mùi thơm cơ thể của phụ nữ ngay bên cạnh. Với ánh trăng đó cũng đủ cho anh nhìn thấy vây quanh anh lúc này là bốn người! Họ vui vẻ:
- Như thế này hài lòng chưa?
Rồi một người kể lể:
- Anh nói đúng, bọn này là chủ nhân bốn chiếc áo dài mà anh đã thấy. Sở dĩ tụi này phải bày ra phơi áo như thế là để gợi cho anh sự tò mò... để anh một lần bước vào đó và cho anh biết là tụi này có hiện diện!
Một nàng khác chen vào:
- Anh muốn biết tại sao nơi đây cũng là nhà tụi tôi mà không xuất hiện gặp anh nơi đây? Chỉ bởi ông cụ không cho. Anh thấy đấy, chỉ khi nào ông cụ bị lừa phải chạy đi khóa cửa ngôi nhà hoang thì bọn này mới được thoát ra và tự do như bây giờ. Tội nghiệp ông cụ lắm, chỉ vì thương yêu tụi này nên mới canh chừng cẩn mật như thế. Bây giờ thì ông không còn có dịp nữa rồi...
Thiện giật mình:
- Ông ấy sao rồi?
- Vĩnh viễn không trở lại đây nữa! Và anh từ nay sẽ được chọn để chăm sóc cho chị em chúng tôi. Kể cả việc lái xe chúng tôi đi hát mỗi đêm!
- Kìa, các cô...
- Chị Mai, anh ta từ chối kìa!
- Để em Quế thuyết phục đi, chắc là anh ta không từ chối đâu!
- Ờ, phải đó, chỉ có em Quế thôi!
Giọng một người trong trẻo hơn, mà người đó lại ngồi sát bên Thiện:
- Hai chị Lan, Cúc sao cứ ép người ta mãi thế! Chị Mai...
Người ngồi bên phải của Thiện chính là người được gọi là chị Mai, mà Thiện đoán là họ gọi chữ đầu của tên, lên tiếng:
- Em Quế, là phần em đó!
Bấy giờ cô ngồi phía tay trái của Thiện mới chịu tuân lời, bất thần cô nàng chụp lấy tay Thiện và giữ chặt:
- Cô em Út nhà này chưa từng gần đàn ông, mà hễ biết là giữ chặt luôn, đố thoát được!
Những người kia phá lên cười, trong lúc Thiện điếng hồn, định rút tay lại thì không được nữa. Một cảm giác kỳ lạ len vào cơ thể anh và chỉ trong một thoáng, người Thiện như bị lấy hết sinh lực, chẳng làm sao khác, đành phải ngồi trân người chịu trận. Một cô ngồi giữa có vẻ ganh tỵ:
- Chị Mai thiên vị, cái gì cũng cho Út hết, còn em đây chi! Bộ chị không nhớ, chính em là người bị thiệt thòi nhất từ nào đến giờ đó sao!
Người được gọi là chị Mai vội lên tiếng:
- Không lôi thôi nữa, lão gia mà trở về thì hư hết mọi chuyện bây giờ!
Nghe vậy nên cả mấy cô đều im lặng, chứng tỏ uy của cô chị cả rất lớn. Lát sau chính Quế Hương lên tiếng, nói vừa đủ cho Thiện nghe:
- Trong nhà này không có việc cãi lời. Anh nên làm theo để được sống và viết. Mục đích của các chị là muốn được anh viết về bọn này. Bởi vậy trong vô số người từng tới đây, chúng em chỉ chọn mỗi mình anh thôi!
Thiện giật mình:
- Viết? Các cô bảo tôi viết cái gì?
Chị cả hỏi lại:
- Anh không phải là nhà văn chuyên viết chuyện ma quỷ đó hay sao? Bọn này chính là những âm hồn, những người lâu nay luôn bị người trần thế nhìn với cái nhìn lệch lạc. Nên hôm nay tụi em muốn qua anh, nói cho mọi người hiểu rằng, thế giới âm phủ cũng giống như dương thế, có người tốt kẻ xấu. Bọn em chết oan, làm oan hồn chịu bao thiệt thòi, lại còn mang tiếng là quỷ ma, yêu tinh nữa! Anh hãy sống với bọn này đi, rồi sẽ hiểu có phải như vậy không?
Cô Út Quế Hương giọng phấn khởi lắm:
- Hôm nay đúng là ngày giỗ của bốn chị em. Đồng thời cũng là ngày... vui trăm năm của riêng em! Nào, ta nâng ly rượu mừng đi!
Những tiếng chạm ly chan chát mà Thiện cũng phải tham gia. Anh uống cạn liên tiếp ba ly và bắt đầu hứng chí, quên cả thực tại:
- Mừng các cô!
Một cô nàng, hình như là Lan Hương lên tiếng:
- Sao là các cô? Phải gọi là chị cho đàng hoàng chứ!
- Ờ, phải đó, bây giờ chúng ta đều là chị!
Họ cười vang cả nhà, trong khi Thiện thì đờ người ra. Bỗng cô chị cả nhắc:
- Ta cắt chiếc bánh ra đi, coi chừng lão gia về đó!
Cô Cúc Hương nhanh tay cắt chiếc bánh đặt giữa bàn, chia đều cho từng người, vừa lên tiếng:
- Đây là bánh cưới con Út với anh chàng này. Ủa mà quên, phải gọi là dượng Út chứ! Nào, ta ăn bánh rồi chờ nghe dượng Út nó nói vài lời chứ!
- Phải đó! Phải đó! Dượng nó lên tiếng đi chứ!
Thiện luýnh quýnh:
- Tôi... tôi không...
Cô Út không nói, mà bất thần đứng lên kéo theo Thiện. Anh chàng hoàn toàn thụ động, chỉ biết bước theo. Ba cô ngồi lại đều che miệng cười và một cô nói:
- Con nhỏ từ nào đến giờ không biết đàn ông là gì, lại hành động bạo nhất! Nó... đi động phòng đó!
Cô chị cả giọng nghiêm túc:
- Nó làm đúng thì phải ủng hộ chứ! Phần của Út xong rồi, còn chúng ta thôi...
Mấy tiếng sau cùng cô nói với giọng buồn hiu, khiến cho hai cô kia bỗng khóc òa lên!
Gian phòng rộng của ngôi nhà hoang lúc này đầy ắp tiếng khóc. Vậy mà nếu ai đứng bên ngoài thì sẽ không nghe được gì...
***
Mặc dù có bao nhiêu chuyện rắc rối, kỳ lạ quanh bốn cô ca sĩ phòng trà, nhưng không vì thế mà lòng ái mộ dành cho họ bị giảm sút. Mà trái lại, sự cuồng nhiệt càng tăng. Có lẽ ở đời thiên hạ luôn thích những chuyện vượt ra ngoài ranh giới của sự bình thường. Một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều chuyện chung quanh bốn cô gái được thêu dệt, đi đâu người ta cũng nghe bàn tán, nhất ở các quán cà phê.
Một buổi sáng, một anh chạy xe ngựa nói và cả chục người vây quanh nghe:
- Mấy người biết không, tôi thấy có một anh chàng được cả bốn cô nàng mê như điếu đổ, cùng vây quanh như muốn bắt xác anh ta! Họ đã cho tay già kia "de" rồi!
- Làm sao anh thấy được? Hay cũng chỉ đồn thổi như mấy người kia thôi!
- Tôi canh đón khách ở cửa phòng trà, nên mọi diễn biến ở đó tôi đều rành rẽ cả. Hôm qua tôi thấy anh chàng trẻ măng lái xe cho họ đi, mà cả bốn cô đều vui như Tết! Đặc biệt lần này ba cô ngồi sau, một cô ngồi trước bên cạnh anh chàng lái xe đó, xem ra tình tứ lắm! Làm cho mấy tay vương tôn công tử si tình ấm ức lắm, họ thề sẽ trị cho anh chàng lớn mật kia một trận. Mà tối nay trận đòn thù đó sẽ diễn ra, coi đã mắt luôn!
Một vài người lớn tuổi nghe vậy phản đối liền:
- Sao để chuyện ấy xảy ra được chứ! Ỷ đông hiếp yếu mà coi được sao!
Chỉ tay vào chỗ đậu xe, anh ta bảo:
- Mọi hôm chiếc xe hai mã lực của họ đều đậu ở đó, sao bữa nay không thấy? Hay là anh chàng kia nghe chuyện đã chuồn mất rồi!
- Chưa tới giờ vãn hát mà. Mới có 9 giờ mà, còn hơn một tiếng nữa.
- Hồi ông già còn lái xe thì giờ này ông ta đã đem xe tới đậu chờ sẵn. Mà cũng lạ nghe, cỡ như bốn cô ấy thì muốn đi xe sang trọng cỡ nào không có, mắc gì phải nhét trên chiếc xe cà tàng đó? Mà anh chàng trẻ tuổi nữa, xem ra anh ta chỉ là tài xế thôi, chứ không phải là "bồ bịch" gì! Ai lại chọn bồ nghèo kiết xác như vậy!
Đang bàn tán xôn xao, chợt anh chàng đánh xe ngựa kêu lên:
- Lũ côn đồ tới rồi đó!
- Lũ nào?
- Thì mấy thằng được vài tay công tử si tình đeo đuổi theo bốn cô nàng thuê để thanh toán anh chàng lái xe kia. Họ kéo cả chục tên, kiểu này anh chàng kia không xong rồi!
Mọi người đưa mắt nhìn thì quả thấy có gần chục tên đầu gấu đang dàn hàng ngang chỗ đầu hẻm từ hậu trường ra.
Lúc ấy tiếng đàn hát bên trong cũng vừa tắt. Đã tới giờ tan hát. Cửa trước khách bắt đầu ra về. Những ca sĩ khác cũng tuần tự ra theo. Chờ mãi, đến hơn mười một giờ mà vẫn không thấy bốn cô bước theo cửa hậu trường, mấy tên côn đồ ngạc nhiên:
- Ủa, sao nó không ra?
Chúng táo tợn xộc vào tận bên trong thì mới ngẩn người ra, bởi đèn trong phòng trà đã tắt hết. Không còn một ai.
Bọn hơn chục tên cùng chạy ra, một tên nói to:
- Hôm qua tao đã nhìn thấy thằng lái xe đó đi ra từ ngôi nhà hoang ở cánh rừng phía thác Cam Ly, tụi mình lên đó tìm nó!
Họ ào ào phóng xe đi khiến nhiều người lo lắng:
- Không khéo bọn quỷ sứ này hại người ta mất. Mình phải báo nhà chức trách chứ!
Nhưng họ đâu làm cách nào theo kịp lũ côn đồ có tiếng là hung hãn này. Cả bọn phóng nhanh và chẳng mấy chốc đã tới bên ngoài ngôi nhà hoang. Ngôi nhà chìm trong bóng tối như thường lệ và không có biểu hiện nào chứng tỏ bên trong có người...
Nhưng tên đầu sỏ vẫn quả quyết:
- Ngôi nhà này tụi bay có nhớ không?
Câu hỏi của hắn làm cho bốn trong số gần chục tên đi theo giật mình! Một tên nói:
- Nhà này... hồi đó mình đã...
- Tụi bay nhớ rồi đó! Hồi bốn, năm năm trước, tụi mình hụt ăn một vụ ở đây, khi con mồi đã nằm trong tầm tay rồi mà lại để sổng mất!
Một tên có tham gia vụ đó, nói rành rọt hơn:
- Hồi đó đại ca phân công em lo chặn đường rút lui của vợ chồng tên chủ nhà này và lũ con gái còn bé của họ. Em chặn kín lối ra, không để ai thoát, nhưng đột nhiên nhà bốc cháy làm em không hiểu chuyện gì? Mà lửa cháy như vậy cũng có nghĩa là số tiền lớn của vợ chồng tên chủ nhà mới bán đất có được đã ra tro! Mình hụt ăn mà chỉ biết nhìn lửa để rồi tức trào máu thôi!
Tên đầu sỏ giọng hậm hực:
- Vì chuyện đó mà tao bị đàn anh đuổi việc, chê tao vô tích sự!
Tên đàn em nói:
- Chẳng riêng gì đại ca, cả bọn em cũng điêu đứng theo. Đàn anh của mình lúc đó ác, nhưng nghĩ lại ông ta điên lên cũng phải, bởi hỏng ăn vụ đó làm ông ta thua trắng bạc tỷ. Từ đó ông ấy bị phá sản và biệt tăm luôn!
Tên đại ca rít lên:
- Lão ta phá sản thì tao cũng vào tù! Ra tù rồi tao mới rõ là trong vụ đó không phải là vụ cướp tiền như lão nói và nhờ bọn mình làm đâu. Họ triệt hạ lẫn nhau đó! Tụi bay biết chủ nhà này là ai không? Lão ta cũng thuộc hàng đại gia như đàn anh của mình. Hôm đó lão đem về đây một số tiền lớn, chuẩn bị vụ làm ăn gì đó. Đàn anh của mình tính phỗng tay trên nhưng không thành, và sau đó còn bị họa lây bởi một cuộc phản đòn kỳ lạ, mà nghe đâu do chính chủ nhà này ra tay!
Tên kia ngạc nhiên:
- Nghe nói vụ cháy nhà bữa đó đã thiêu rụi cả nhà ông ta gồm ông ấy và bốn đứa con gái mà, lấy đâu mà trả thù đàn anh mình?
- Mấy hôm nay âm thầm theo dõi bốn con ca sĩ phòng trà đó, và hôm nay tới đây tao mới vỡ lẽ, vụ hỏa hoạn đó không làm chết tụi nó. Bằng chứng là bốn đứa con gái ấy giờ đây đã lớn lên, đã làm say đắm hầu hết con trai thành phố này!
Tên đàn em hốt hoảng:
- Phải vậy không đại ca?
Tên đại ca quả quyết:
- Chắc chắn là như vậy, nhưng qua vụ đó rồi hình như nhà họ khánh kiệt, phải sống âm thầm, nghèo khổ, đến đỗi cả bốn đứa con gái đều phải đi hát kiếm sống!
- Có lẽ là vậy...
Chúng đang ba hoa thì chợt đèn trong ngôi nhà hoang bật sáng choang đồng thời cánh cửa nhà mở rộng ra, cùng với một giọng nói to:
- Tới thì vào đi chứ, mấy thằng con đồ. Tao đã chờ bọn bay từ lâu lắm rồi!
Nghe giọng nói, tên đại ca giật mình:
- Ai như là... là lão ta? Lão Bá Đạt!
Một tiếng cười sang sảng vang lên:
- Mày vẫn còn nhớ phải không? Tao đây, kẻ mà hôm đó tụi bay định vào giết để cướp của vẫn còn đây!
Cả lũ giật mình, nhưng lúc ấy tên đại ca đã gầm lên:
- Ngày xưa chưa hạ được lão thì hôm nay tao sẽ giết lão trước, rồi chiếm cả bốn đứa con gái lão sau! Nào, xông vào tụi bay!
Chúng vừa tính chạy vào thì như bị ai đó nắm từng thằng ném mạnh vào nhà! Lần lượt có tám tên nằm lổn ngổn ở phòng khách ngôi nhà. Lúc này khi nhìn lên, tên đại ca mới hốt hoảng kêu lên:
- Ủa, sao lại có... có anh ở đây nữa?
Đứng giữa nhà ngoài ông cụ lên tiếng nãy giờ, còn có một người đàn ông khác mà tên nọ vừa gọi bằng anh. Ông này nhẹ giọng bảo:
- Tụi bay vẫn không chừa bản chất côn đồ! Ngày xưa cũng vì nghe lời xúi của bọn bay nên tao mới định ra tay hại anh Tám đây, việc không thành, nhưng hậu quả thì cả anh Tám và tao cùng nhận. Chỉ có tụi bay là ẵm trọn số tiền công thực hiện mưu đồ! Giờ tụi bay còn tính gì nữa đây? Vẫn ăn tiền của mấy tên công tử háo sắc, định hại con gái nhà này nữa phải không? Tụi bay lầm to rồi, hại họ không được đâu! Cỡ như tao mà còn làm ma vất vưởng đầu đường xó chợ đây, nữa là...
Ông ta nói xong quay sang ông cụ:
- Tôi xin lỗi tuy có muộn màng, nhưng vẫn phải xin lỗi. Chuyện ngày xưa chính tôi cũng gánh hậu quả thảm hại. Nhà cửa tiêu tan, vợ con ly tán. Ngay như thằng con đầu của tôi, tới giờ này cũng không biết ở đâu...
Ông cụ đưa tay chỉ vào trong nhà vừa nói:
- Nó đã tới đây trước ông!
Vừa lúc ấy Thiện từ trong bước ra, đi bên cạnh một cô gái cực đẹp mà vừa trông thấy ông cụ đã reo lên:
- Quế Hương, con!
Ông định chạy tới ôm cô gái, nhưng chợt nhớ ra, đã khựng lại và nói:
- Nó bây giờ đã là hồn ma, làm sao có thể gần người trần như tôi được!
Ông chỉ sang Thiện, hỏi:
- Ông không nhận ra con trai mình sao?
Lúc này người đàn ông mới ngơ ngác:
- Thiện... Thiện đây sao?
Thiện khựng lại, kêu lên:
- Cha!
Thiện định chạy tới, nhưng cha anh đã xua tay:
- Cha đã là người cõi âm, cha con ta chỉ có thể nhìn nhau thôi.
Giờ đến lượt ông cụ giải thích:
- Ngày xưa lúc ông thuê tụi này tới cướp nhà tôi thì cả nhà tôi gồm bốn đứa con gái đều chết trong lửa đỏ, chỉ mình tôi là thoát. Tôi sống với nỗi căm hận ông vô cùng, thề là sẽ đòi cho được món nợ đó! Bốn đứa con tôi thành ma, ở trong ngôi nhà hoang này và chúng nghe theo tâm nguyện của tôi, sẽ chờ một ngày nào đó rửa hận giúp tôi. Ngày ấy đã tới khi thằng con trai giang hồ của ông mò tới đây, như một định mệnh xô đẩy nó tới! Đầu tiên tôi lệnh cho hồn ma mấy đứa con tôi dụ cho thằng này vào tròng, rồi giết đi. Nhưng các con tôi chưa chịu, chúng có ý dụ cho tất cả những đứa từng tham gia vào cuộc thảm sát ngày trước phải lộ mặt. Cho nên mới có việc chúng nó đi hát, bởi chúng biết lũ côn đồ này thường tụ tập quanh những tụ điểm ăn chơi. Và các con tôi đã đúng khi bọn này hôm nay đã dẫn xác tới! Duy có một điều diễn ra ngoài ý muốn của tôi, nhưng biết làm sao hơn...
Ông nói tới đó thì nhìn sang con gái Út và Thiện, nhẹ lắc đầu. Trong lúc Thiện lên tiếng:
- Con đâu biết gì chuyện này. Con tới đây chỉ là tình cờ. Và ngày nay...
Ông cụ thở dài nói:
- Oan gia nghiệp chướng thế nào mà hôm nay con gái Út tôi lại đi yêu thằng con kẻ thù của cha nó, trời ơi!
Quế Hương quay sang hai người đàn ông:
- Con muốn anh Thiện khi viết về các oan hồn sẽ có nhận xét khác với thiên hạ xưa nay. Con yêu anh chân tình mà!
Vừa khi ấy ba cô gái cùng xuất hiện một lượt. Mai Hương lên tiếng:
- Lâu nay ba con luôn thúc giục tụi con phải trả thù, và tụi con cũng có ý như vậy. Nhưng từ khi gặp Thiện thì ý nghĩ đó dần tan biến đi. Qua Thiện, chị em chúng con nghĩ rằng, thù hận đâu giải quyết được gì. Vả lại, một người như cậu ấy thì đâu đáng phải bị trừng phạt. Đáng trừng trị chăng là lũ người này đây!
Cô đưa tay chỉ vào chín tên đang bò lê dưới sàn. Ông cụ cha cô cũng đồng tình:
- Lũ này thì không thể tha thứ được!
Bọn côn đồ kêu lên inh ỏi:
- Xin tha cho chúng tôi! Chúng tôi không dám nữa!
Nhưng cả bọn đã bị hất tung ra ngoài cửa, đồng thời chính ông bố Thiện cũng lên tiếng:
- Bọn này để cho tôi.
Thoắt một cái ông ta đã biến mất. Cùng lúc cả chín tên du đãng ngoài kia cũng biến mất theo.
Ông cụ quay sang các con, giọng trìu mến:
- Các con bây giờ tự lo được rồi. Hãy yêu thương nhau, nhất là phải chăm sóc cho thằng này...
Dứt lời, ông bước ra ngoài và đi nhanh. Thiện định gọi lại thì Quế Hương đã nói:
- Anh quên là ba còn có ngôi nhà, nơi chúng em phơi áo để dụ anh bữa trước. Ông cụ sẽ ở đó nhang khói cho mẹ chúng em. Còn chúng mình thì ở đây...
Mai Hương ra giọng chị cả:
- Tuy sống với bốn hồn ma, nhưng chỉ được quyền với mỗi con Út của chúng tôi thôi nhé!
Quế Hương nói khẽ đủ cho Thiện Nghe:
- Nếu có dịp nào đó, anh cũng nên làm mai cho ba chị có mối, cho vui...
Thiện cười gượng... Nhưng thật ra, sau một đêm làm chồng người cõi âm, anh đã hiểu được thế nào là lạc thú...


CÔ GÁI CÂM TRONG NHÀ HOANG


Nhìn bức ảnh chụp ngôi biệt thự có tên là Hoa Hồng, Bình ngạc nhiên:
- Nhà cửa như thế này mà bỏ hoang à?
Dự gật đầu:
- Chẳng những bỏ hoang mà bố tao còn định bỏ luôn ấy chứ?
Bình xí một tiếng:
- Phí của trời! Không ở được thì bán cho người ta ở!
Dự lại lắc đầu:
- Ông già tao là dân kinh doanh mà, cái nào bán được thì ổng bán sạch, đâu để mày nhắc! Chỉ có điều là chẳng ai dám mua ngôi nhà đó!
Bình ngạc nhiên:
- Tại sao?
- Bởi chẳng một ai vào ở đó được quá một đêm!
Bình ngửa cổ ra cười một hồi, khiến Dự cũng phải bực mình:
- Mày không tin lời tao nói hả? Hay là chê ông già tao nhát gan?
Bình nghiêm giọng:
- Chê ông già thì tao không dám, nói ông nhát gan cũng chưa chắc, chỉ có điều mày là thằng phải đáng cười nhất!
Bị chạm tự ái, Dự hất hàm hỏi:
- Mày coi thường tao hả? Vậy nếu là mày, liệu mày có dám vào ở trong ngôi nhà mà ma lộng như gánh hát đó không?
Bình lại cười ha hả:
- Mày mà cũng nói giọng như đàn bà đó, nghĩ cũng lạ!
Dự thách:
- Mày nói ngon, vậy có dám lên đó ở vài hôm không?
Bình nhìn bạn nheo mắt:
- Cá gì nào?
Dự lớn tiếng:
- Cá với mày chi phí cả chuyến đi, hai bữa nhậu linh đình ở thành phố!
Bình đưa tay ra bắt thật chặt với bạn:
- Nhận lời mày liền! Vậy bao giờ thực hiện?
- Mày muốn liền bây giờ cũng được! Sẵn lát nữa ông già có chuyến đi lên Phú Riềng, mày có thể cùng đi. À mà không, tao nói ông già để chiếc hai ngựa cho mày lái lên đó, để rồi nếu chạy làng thì có xe mà về! Tao cá mày ở lại đó hai ngày đêm. Ở một mình hay đem theo bạn gái hay bất cứ ai! Đây, tao đưa trước cho mày số tiền dư sức tiêu xài trong vòng một tuần!
Bình nhận chìa khóa chiếc xe Deux cheveaux (hai ngựa) và xua tay:
- Tiền tao không cần. Miễn là mày mua cho tao thức ăn đủ ăn trong một tuần, cả thức uống có men càng tốt!
Dự tán thành ngay:
- Được, tao sẽ cho người đi mua và để sẵn trên xe cho mày. Trong ngôi nhà đang có đầy đủ nào tủ lạnh, bếp ga và còn có hai kết bia "con cọp" đã mấy tháng rồi chưa uống!
- Tốt! Tao sẽ đi ngay. Mày báo tin về nhà cho má tao hay là tao vắng nhà khoảng một tuần đến mười ngày!
Dự nheo mắt:
- Tao bảo đảm là chỉ nội trưa mai thôi là mày bỏ của chạy lấy người về đây!
Trước khi ra lấy xe, Bình còn nói chắc nịch với bạn:
- Hai ngày sau tao sẽ mời mày lên chơi và nhậu trên đó một trận cho đã đời luôn!
- Chúc mày... không tháo chạy!
Khoảng nửa giờ sau thì Bình lên xe lái đi với đầy đủ lương thực được chuẩn bị sẵn. Dự nhìn theo bạn lắc đầu ái ngại...
Khi Bình đi một quãng khá xa rồi Dự mới chợt nhớ, anh chặc lưỡi:
- Mình quên nói cho nó biết, nếu chứng đau tim của nó còn thì không nên tham gia vụ này!
Ông Đoan, cha Dự sau khi biết chuyện Bình nhận thách đố, ông trách con:
- Con dại quá, đố chi chuyện nguy hiểm đó. Chính cha đã từng bị gần đứng tim ngay trong ngôi nhà đó và hơn một chục người vào đó ngủ đều không kịp mặc đồ khi chạy ra khỏi nhà! Lần này thằng Bình e rằng chịu không nổi...
Dự có hối tiếc cũng đã muộn, anh hỏi lại cha:
- Cụ thể là ma quỷ trong nhà đó ra sao cha?
Ông Đoan kể lại mà như còn sợ sệt:
- Có một cô gái mà bất cứ chỗ nào trong nhà mình cũng gặp cô ta cả! Mà không phải gặp suôn đâu, hễ là đàn ông con trai thì thế nào cũng bị đè khi đang ngủ. Mà chẳng phải chỉ đè, nó còn... còn... khiến nam nhân trở thành... phế nhân! Một lần cha suýt bị...
- Nghe chú Tư tài xế nói, bất cứ ai nằm trên giường đều bị hất tung xuống sàn. Đang tắm trong phòng tắm thì bị trấn nước đến tắt thở luôn, phải không cha?
- Đó chỉ là một trong những điều ghê rợn! Người ta nói khi xây ngôi nhà đó, cha bị người ta yểm do khu đất đó có người tranh giành. Ban đầu cha không tin, nhưng qua thời gian, những gì xảy ra trong đó cha mới tin là đúng!
Dự bắt đầu lo lắng cho bạn. Anh nhìn đồng hồ tay và đoán phải ba bốn tiếng nữa Bình mới tới ngoài đó, vùng giữa Bà Rịa đi Đất Đỏ. Trên đó có bắt điện thoại, nên khi Bình lên tới nơi thì Dự sẽ gọi, bảo rằng cha anh ra lệnh cho Bình phải quay về gấp. Có như thế Bình mới chịu về.
Đến gần 10 giờ, tức thời gian mà Dự cho là Bình đã tới nơi, anh quay điện gọi. Chuông bên đầu dây bên kia reo dài, đến lần reo thứ ba thì có người nhấc máy. Dự hỏi:
- Bình hả? Cậu lên tới lâu chưa, cha mình...
Nhưng đầu dây bên kia có một giọng cười cất lên, kèm theo câu nói:
- Xin chào!
Dự hoảng, run giọng hỏi lại:
- Cô... cô là ai? Còn bạn tôi...
- Bạn anh chết rồi!
Dự buông máy xuống gọi lớn:
- Cha ơi!
Ông Đoan hình như đã lên đường đi Phú Riềng rồi. Dự càng quýnh lên, anh định bỏ mặc điện thoại đó, chạy ra ngoài, nhưng trong điện thoại còn có tiếng người nheo nhéo. Cuối cùng anh phải cầm lên và áp vào tai, bên kia vẫn giọng cười lúc nãy và giọng nói như xé lụa:
- Con trai hả? Sao không lên đây chơi, mà ở đó gọi hoài!
Dự không còn chịu đựng nổi, anh dập điện thoại xuống và nói gần như mếu:
- Mình hại thằng Bình rồi!
Suy nghĩ mãi, cuối cùng Dự gọi điện sang nhà cha Bình, báo tin dữ. Vừa nghe tin là cha mẹ Bình kêu thét lên, họ kêu taxi qua ngay nhà và hầu như không kịp hỏi đã khóc ré lên. Dự phải trấn an họ:
- Để cháu kể lại mọi chuyện đã.
Ông bà Thái, cha mẹ Bình, ngồi chăm chú nghe Dự kể chuyện. Họ lo sợ nhưng vẫn muốn biết thêm:
- Trong điện thoại báo tin là thằng Bình bị giết, mà ai giết?
Dự đành phải khai thật:
- Thưa hai bác, ngôi nhà đó có ma. Con có nói mà Bình không tin, một hai đòi lên cho bằng được! Hay tin nhưng đã quá khuya rồi mà nhà không còn chiếc xe nào, nên cháu định sáng mai mới lên đó sớm!
Bà Thái khóc òa lên:
- Bình ơi, con sắp cưới vợ rồi, sao mà dại quá vậy con!
Ông Thái nhìn đồng hồ rồi chép miệng:
- Đã mười hai giờ rồi.
Chợt có chuông điện thoại reo vang. Dự tính cầm lên nghe, nhưng còn sợ, trong lúc chuông đã reo tới lần thứ ba. Ông Thái sốt ruột quá nên bốc lên nghe đại.
- A lô... Bình hả? Con hả Bình? Có phải là con không?
Bên kia đầu dây nói liên tục mà bên này ông Thái hình như vẫn chưa tin là con mình, nên ông rụt rè... Dự phải chụp lại ống nghe rồi hỏi:
- Phải Bình không?
- Bộ mày cũng không nhận ra giọng của tao nữa sao thằng khỉ gió. Tao, Bình đây. Tao đã ra tới nơi gần hai tiếng rồi, tao vừa mới tắm xong, đang làm cơm, sắp ăn. Ngôi nhà tuyệt vời lắm, nếu có thêm em nào nữa cùng ở thì nhất trần đời!
- Mày... mày thật hả Bình? Sao hồi nãy tao gọi điện thì ai đó nói mày... chết rồi? Có phải hồn ma mày không vậy?
Bên kia Bình cười, vẫn giọng cười hô hố như thường lệ:
- Tao đang mong gặp cái em nào như mày nói để mời ăn cơm cùng đây, mà không thấy!
- Bình, mày nói thật tao nghe, mày không sao chứ?
Lại vẫn giọng cười ngạo mạn của Bình:
- Nếu có sao thì tao đâu gọi được cho mày. Vừa rồi nghe như giọng ba tao?
- Ừ, ba má mày đang ngồi đây lo lắng cho mày. Họ cứ tưởng...
Dự đưa lại ống nghe cho ông Thái, ông mừng quá, giọng run run:
- Bình hả con? Con không sao là ba má mừng rồi! Vậy sáng mai về sớm, đừng ở ngoài đó nữa!
Họ mừng vô hạn trước tin vui này. Chỉ có Dự là lo. Tuy đã biết Bình không hề gì, nhưng việc anh trực tiếp nghe giọng nói lạ trong điện thoại đã khiến cho Dự thẫn thờ suốt đêm hôm đó...
***
Đã qua một đêm ngủ yên trong ngôi nhà ma, Bình sảng khoái hẳn khi tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau. Anh tự nhủ:
- Như vầy thì có gì đâu ghê gớm?
Bình vốn lạc quan tếu, nên anh lại nghĩ, hay là mình với ma quỷ hạp nhau, nên ai cũng bị ma nhát, còn mình thì ma lại ưa?
Nằm nướng thêm một lúc nữa Bình mới rời khỏi giường, việc đầu tiên theo thói quen của Bình là tắm, anh nhớ đêm qua sang nước từ lu nước mưa bên ngoài vào đầy hồ nhỏ bên trong nhà tắm, nên nghĩ là sáng nay mình sẽ tha hồ tắm táp một trận cho đã thèm. Tuy nhiên, khi vào nhà tắm thì Bình hơi ngạc nhiên, bởi hồ nước cạn khô. Anh chán nản:
- Chắc hồ bị thủng rồi, uổng công mình!
Bình lại phải xách xô đi chuyền nước. Nhưng khi ra tới hồ nước mưa lớn phía ngoài, lại một lần nữa anh kinh ngạc, bởi hồ không còn miếng nước nào!
- Ủa, hồi đêm mình thấy còn hơn nửa hồ mà, đâu có lý nào?
Anh nhìn quanh, không phát hiện dấu vết nước thoát ra, cũng không thể ai đó trong một đêm lại có thể múc hết nước trong hồ này đi? Bình bắt đầu bực bội. Bởi ở đây thiếu cái gì thì khắc phục được, chứ còn thiếu nước thì chịu.
Bình suy nghĩ mãi, cuối cùng anh quay số điện thoại của Dự, định hỏi anh chàng về cách lấy nước để dùng, bởi anh ta là chủ nhà thì chắc sẽ biết cách...
- A lô, Dự hả...
Nhưng ở đầu dây bên kia một giọng nữ cất lên:
- Tắm chưa hả anh chàng ngạo mạn?
Bình giật mình, anh hỏi lại:
- Ai vậy? Có Dự ở nhà không cho tôi nói chuyện...
- Có Bích thôi, chứ không có Dự!
- Bích nào, tôi cần gặp Dự!
Bỗng có một tiếng nổ lớn, gần xé màng nhĩ của Bình phát ra từ trong ống nghe! Khiến cho Bình làm rơi ống nghe xuống, lảo đảo lùi ra xa. Trong phút chốc mắt anh hoa lên và suýt ngã chúi về phía trước.
Cố trấn tỉnh, Bình cầm lại ống nghe và lần này anh nghe giọng nói từ bên kia khá quen thuộc:
- Mày gọi tao hả Bình?
Giọng của Dự! Bình mừng quá, anh định hỏi bạn về giọng nữ lúc nãy, nhưng kịp ngừng lại, anh chỉ hỏi:
- Tao muốn hỏi mày lấy nước ở đâu để xài?
Dự đáp ngay:
- Nghe ba tao nói cái hồ chứa nước chứa đến hơn mười ngàn lít, một chục người xài vài ba tháng vẫn chưa hết.
- Hết sạch rồi!
Dự ngạc nhiên:
- Sao lại hết được? Mới hôm rồi Tư tài xế ghé lại thì vẫn thấy còn gần đầy hồ mà. Hay là ai đã lén vào múc xài hết rồi! Thôi, mày đi bộ ra ngoài xóm nhờ người ta chở nước tới xài đỡ đi...
Bình định đặt ống nghe xuống thì Dự hỏi:
- Còn dám ở nữa không?
Nghĩ bây giờ mình kể thêm những bất tiện thì anh ta sẽ cười ngạo, nên Bình cất tiếng cười ha hả:
- Ở đã quá trời, ngu gì về!
Sau đó Bình mò ra xóm nhà cách đó khoảng vài trăm mét. Anh ngạc nhiên khi hầu như nhà nào cũng đóng kín cửa, hoặc có mở cửa thì lại không có người. Phải mất gần một giờ Bình mới tìm thấy một ông già đang ì ạch đẩy chiếc xe bò, bởi con bò ốm đến nỗi bước đi không muốn vững. Chặn ông ta lại, Bình lễ phép hỏi:
- Thưa bác, ở đây có ai có thể nhờ đi lấy nước về xài không ạ?
Ông già ngừng tay lại thì con bò già cũng đứng lại, vì hình như nó không đủ sức đi một mình. Ông ngước nhìn Bình rồi hỏi:
- Cậu ở đâu?
Bình chỉ tay về ngôi nhà lớn duy nhất trong xóm này:
- Dạ, cháu mới về ở ngôi biệt thự của ông Dương Đoan.
Vừa nghe đến đó ông già lắc đầu ngay:
- Nhà đó thì thiếu gì nước, cần gì phải đi lấy nước giếng chi cho mệt!
Ông ta định cúi xuống đẩy tiếp, nhưng Bình đã bất ngờ kéo ông ta lại:
- Ai lại đẩy chiếc xe bò khi có bò kéo! Nè bác, hay là bác biết chỗ lấy nước, bác hãy giúp đi, con trả bác tiền hút thuốc!
Chẳng nói chẳng rằng, ông già tiếp tục đẩy xe đi. Nhưng đi được mấy bước chợt ông lên tiếng:
- Cậu có cần người ở giúp việc không?
Đang cần một thứ mà ông ta lại hỏi thứ khác, trong lúc bực mình. Bình đáp đại:
- Cần, ông có ai thì dẫn tới!
- Có. Con gái tôi.
Bình hơi giật mình:
- Con gái ông... mà bao nhiêu tuổi?
- Mười tám!
Bình lại một phen ngơ ngác:
- Mười tám... sao bác không để cô ấy phụ đẩy xe mà cho đi làm với người khác?
Ông ta lại cúi xuống đẩy xe tiếp, có lẽ nghĩ Bình đã từ chối. Chợt Bình chạy theo và nói:
- Được đó bác. Hay là bác cho cô ấy tới rồi giúp cháu đi lấy nước trước đã...
Bây giờ ông lão mới ngừng hẳn việc đẩy xe, ông cười lần đầu tiên với Bình, hai hàm chỉ toàn nướu, chứ không còn chiếc răng nào, giọng thật thà:
- Nhưng tôi nói trước, con gái tôi nó bị câm. Cậu có chịu mướn không?
Thảo nào. Bình nói thầm, và sau cùng anh gật đầu:
- Dạ được. Cháu mướn người làm chứ đâu phải mướn để nói chuyện đâu.
Ông già lại nói:
- Thường người câm thì bị điếc, vậy cậu liệu có nói chuyện được với nó không?
- Dạ...
Thấy Bình lưỡng lự, ông già chợt cười thành tiếng:
- Nói vậy chứ con nhỏ nhà tôi còn nghe được chút đỉnh. Cậu cứ nói chuyện nhỏ nhẹ với nó là nó nghe theo liền.
Bây giờ tới phiên Bình phá lên cười:
- Bác mới nói cô ấy chỉ nghe được chút đỉnh mà lại bảo nói nhỏ cho cô ấy nghe, là sao?
Ông già bảo:
- Tôi nói thật đó. Con gái tôi rất nhát, mỗi lần nghe ai nói chuyện lớn tiếng là nó khóc và bỏ chạy ngay. Do vậy trời phú cho nó cách nhìn nhép miệng của người đối diện mà đoán ra câu nói của người đó. Chỉ yêu cầu mỗi khi nói chuyện cậu phải bước tới gần, để nó nhìn.
Đúng là quá bất tiện, tuy nhiên lúc này anh cần có nước, nên gật đầu đại:
- Thôi cũng được. Bác cứ cho cô ấy tới đi, rồi cháu sẽ coi cách cô ấy làm việc mà tính tiền công.
- Được rồi, cậu cứ đi đâu chơi đi, lát nữa về nhà sẽ có nước cho tắm! Mà nè, con gái tôi ban ngày không ra khỏi nhà, do nó mặc cảm về bệnh tật. Nó chỉ tới để giúp cậu vào ban đêm, có được không?
Bình cũng đành phải gật đầu, tuy nhiên anh cũng dặn:
- Riêng hôm nay thì cháu cần có nước tắm bây giờ.
- Tôi đã nói rồi, khi cậu về nhà thì đã có nước tắm! Cứ mỗi tối nó tới, dù cậu ngủ rồi nó vẫn làm, như dọn dẹp nhà cửa cho cậu, giặt giũ áo quần. Cậu nhớ khi nào cần lắm mới nên thức dậy gặp nó, đừng làm nó giật mình.
Bình vừa gật đầu mà vừa chép miệng:
- Lại rắc rối đây...
Ông già lại lẳng lặng đẩy xe đi. Nhìn cảnh ông cùng con bò ta có thể hình dung ra cảnh người già đi xuống âm phủ! Bình thở dài rồi lững thững đi trở về nhà...
Quãng đường từ đó về ngôi nhà không xa, nên Bình chỉ đi một lúc là tới và lần này anh thật sự sững sờ, bởi trước mắt anh, hồ nước đã đầy trở lại!
- Cái gì vậy?
Anh không tin vào mắt mình nên tận tay thọc vào trong nước và khi cảm nhận đó là nước thật thì mới ngẩn người ra...
- Không thể hiểu nổi!
Anh vừa tắm mà vừa nghĩ tới lời thách đố của Dự. Thì ra ma là như thế này đây! Nhưng ông lão vừa rồi là người thật chứ đâu phải ma, mà tại sao ông ta lại biết khi Bình trở về nhà thì nước sẽ đầy trở lại? Phải chăng người ở vùng này đã quá quen với những chuyện như thế này rồi?
Tắm táp xong Bình nghe bụng cồn cào, anh bước tới mở chiếc tủ lạnh cũ mèm ra, trong đó ngày hôm qua lúc mới tới anh đã dồn hết những thức ăn dự trữ vào, hôm nay sẽ dùng từ từ...
- Ủa, kỳ vậy?
Cả một tủ đầy những món như xúc xích, thịt nguội, trứng và cả hai tảng thịt bò lớn nữa, Dự đã cho người nhà đi mua để Bình mang theo và rõ ràng anh đã cho hết vào đây, anh còn kiểm từng món nữa mà. Bây giờ sao lại biến mất hết, hầu như chẳng còn gì?
- Không thể tin nổi... chẳng lẽ ai vào trộm hết?
Cũng có khả năng đó, bởi lúc nãy đi Bình không khóa cửa. Thở dài chán nản, Bình lẩm bẩm:
- Lại phải nhờ người đi mua thức ăn khác rồi!
Nhưng cái gay go là sáng nay lấy gì để ăn bữa điểm tâm? Bình đành phải mặc lại áo, định đi ra ngoài để tìm quán xá gì đó, ăn đỡ. Nhưng khi bước ra tới ngõ, anh thấy có một con thỏ trắng nằm thoi thóp ở đó. Con vật vừa đẹp vừa dễ thương, Bình cúi xuống đỡ nó lên thì nhận ra ở đùi sau của nó bị một mũi tên của ai đó bắn, còn ghim chặt.
- Dã man thật!
Rất nhẹ tay Bình nâng con thỏ và định đưa nó vào thềm nhà, nơi đó anh sẽ tìm cách lấy mũi tên ra. Nhưng vừa khi ấy anh lại nghe tiếng chim kêu rất gần, tiếng kêu ra vẻ đau đớn lắm! Nhìn xuống đất và một lần nữa anh phải kêu lên:
- Tội nghiệp chưa!
Một con chim khá lớn, đang nằm sải cánh, máu nhuộm đỏ cả một bên cánh của nó, đúng là cũng đang bị thương! Bình quên ngay cơn đói, anh lại nâng con chim lên và cùng lúc đem hai con vật tội nghiệp vào hiên. Một cách nhẹ nhàng, Bình kéo mũi tên ra khỏi đùi con thỏ. Nó kêu ré lên đau đớn, nhưng sau đó nằm im đi, kiệt sức, nhưng có vẻ đã không còn nguy hiểm nữa. Đến con chim thì vết thương của nó không nặng lắm, nhưng do trúng ngay cánh nên hầu như nó không còn cử động được nữa, Bình phải dùng khăn sạch lau máu cho nó, rồi cột cố định vết thương.
Sợ nhà có mèo, nên sau khi chăm sóc kỹ vết thương rồi Bình mang hai con vật vào phòng riêng của mình, đặt chúng lên giường tấn gối, mền chung quanh. Xong đâu đó rồi anh mới đi.
Phải lội bộ khá xa Bình mới tìm được một quán nước, nhưng ngoài cà phê ra, chỉ có vài cái bánh ú, Bình đành phải ăn tạm. Vậy mà anh ăn ngon lành, vừa ăn vừa khen:
- Ngon chưa từng thấy!
Thấy anh ăn ngon như đã nhịn đói lâu ngày, chị chủ quán hỏi:
- Cậu ở đâu tới, chứ đâu phải người xứ này phải không?
Bình thú thật:
- Tôi mới tới ở chơi ngôi nhà hoang của ông Dương Đoàn, chị biết nhà đó?
Vừa nghe nói chị ta đã tròn xoe mắt, hỏi:
- Cậu không biết gì sao dám ở đó?
Bình biết chị ta muốn nói điều gì, nên anh cười bảo:
- Nhà có ma chứ gì!
Chị chủ quán ra vẻ nghiêm trọng:
- Ma thật chứ không phải chơi đâu! Từ ba bốn năm nay nhà đó bỏ hoang, ông chủ đó hồi trước làm giàu nhờ xứ này, cất nhà đó lên cũng như đồn điền ở đây, vậy mà cuối cùng phải bỏ đi biệt, không thấy léo hánh về nữa!
Bình giả vờ hỏi:
- Ma làm gì mà người ta sợ dữ vậy?
- Cái cậu này không biết trời đất gì hết. Ma nhát, ma hại người chứ làm gì!
Rồi chị ta hạ thấp giọng kể:
- Hồi đầu, lúc ông chủ Đoàn bỏ đi, ông ấy có nhờ người xứ này vào ở giữ nhà, nhưng cả bọn người vào đều hộc máu xém chết cả bốn, nên từ đó đến nay không ai dám ở nữa. Cậu không nên ở lâu...
Bình vẫn giọng nửa đùa nửa thật:
- Thiên hạ sợ không dám ở thì mình ở! Tôi định sau khi ở vài ngày thử xem, nếu được tôi về đây ở luôn, kiếm vợ xứ này, chị thấy có được không?
Chị chủ quán rùng vai, lắc đầu:
- Nghe cậu nói mà phát ớn lạnh rồi! Mà thật tình cậu ở đó mà không gặp rắc rối gì sao?
Bình cười cười:
- Tôi cũng đang muốn gặp ma một lần thử coi, ma đẹp xấu thế nào mà tiếc là suốt từ hôm qua tới giờ chưa gặp được!
Bình ăn xong còn mua thêm mấy cái bánh ú và hỏi:
- Chị có thể nấu cơm cho tôi ăn vài bữa được không?
Sau vài giây suy nghĩ, chị ta đáp:
- Nấu thì được, nhưng cậu phải ra đây ăn, chứ tôi không đem tới nhà đó được.
- Cũng được. Mỗi bữa tôi sẽ ra đây ăn.
Chợt nhớ ra, Bình nói:
- Hay là thế này, bữa nào tôi ra không được thì chị gửi cho ông già đánh xe bò thường đi ngang đây, được chứ?
Chị chủ quán ngạc nhiên:
- Ông già nào? Ở đây làm gì có ai đánh xe bò. Xứ này chỉ có xe ngựa thôi, xe bò làm sao leo dốc nổi?
- Có mà. Một ông lão với chiếc xe bò do con bò già kéo qua đường này, tôi mới gặp hồi nãy. Ông ta còn nói là có cô con gái câm nữa...
Bình nói chưa dứt lời thì chị chủ quán đã đứng vụt dậy, khiến cho cái bàn Bình đang ngồi ăn bị đổ sang một bên! Chị ta lắp bắp:
- Cậu... cậu gặp ông ta? Cậu gặp...
Bình ngạc nhiên:
- Chị sao vậy?
Sự sợ hãi làm cho da mặt chị ta tái mét, giọng run run:
- Không xong rồi cậu ơi... ông già đó tôi nhớ ra rồi... ông ta chính là cha của cô gái mà ngày xưa đã chết trong ngôi nhà ấy. Đó là ông già Tư, là người làm vườn cho nhà ông Đoàn. Ông ta có cô con gái mười tám tuổi, cũng giúp việc trong nhà đó... Rồi một hôm người ta hay tin cô gái câm đó treo cổ chết trong đó!
Bình không để chị ta nói hết, đã chặn ngang:
- Sao cô ta chết?
- Tôi không rõ, chỉ có ông già Tư cha cô ta mới biết. Bởi vậy ông ta mới nổi điên, xách dao rượt chém ông chủ Đoàn, thiên hạ cho rằng ông ta bị sốc trước cái chết của con nên điên, nên bảo vệ để ông Đoàn thoát thân. Tuy nhiên sau đó ông ta không ở trong ngôi nhà đó nữa, mà đem xác con gái để trên một cái cộ, dùng một con bò kéo, chở xác con đi khắp nơi kêu oan, nói rằng con mình đã bị người ta giết! Hỏi ai giết thì ông ta không nói, chỉ ngửa mặt lên trời khóc rống lên! Từ đó ngôi nhà ấy bỏ hoang, do ông Đoàn cũng không dám ở, bởi ma hiện như tôi vừa kể lúc nãy!
- Vậy ông chủ nhà có dính gì tới cái chết của cô gái câm kia không?
Chị chủ quán hình như cảm thấy mình kể tới đó là quá nhiều, nên vội lắc đầu, từ chối nói tiếp. Bình bắt đầu hoang mang, nên đứng dậy đi về mà không đề cập tới chuyện nhờ nấu cơm nữa.
Vừa về tới cổng ngoài Bình đã có linh tính như điều gì đó khác thường vừa xảy ra trong nhà. Anh nhẹ nhàng mở cổng, bước từng bước vào trong... Nhưng chẳng thấy có gì khác thường, nên Bình thở phào, anh bước vào phòng riêng định thay đồ rồi bắt đầu một ngày trong ngôi nhà hoang.
Tuy nhiên...
Vừa đẩy cửa phòng bước vào, Bình đã khựng lại và kêu lên:
- Cô là ai?
Trên giường của anh có một cô gái mặc quần áo toàn trắng đang nằm ôm hai con vật bị thương mà Bình đã cứu lúc nãy. Cô ta nhìn Bình với đôi mắt thân thiện. Bình lặp lại câu hỏi:
- Cô là ai?
Bấy giờ cô gái mới ngồi lên, cất giọng thật trong trẻo:
- Đây là những lời nói đầu tiên trong đời tôi, bởi từ nhỏ tôi đã bị câm cho tới lúc chết. Mà khi đã chết rồi thì đâu có dịp nói chuyện trực tiếp với ai. Chào anh, tôi là con ma giữ nhà này! Đúng hơn là ở nhà này để chờ ngày đòi nợ!
Bình nghe lạnh từ sống lưng, anh hơi mất tự nhiên:
- Cô... cô chính là con gái ông già Tư?
Cô ta bước xuống giường, vẫn nhìn Bình với nụ cười:
- Đúng là tôi phải giữ lời hứa giữa cha tôi với anh, tôi phải tối tối tới đây để giúp anh công việc nhà... Nhưng giờ đây thì không thể rồi, tôi vừa mới đòi được món nợ mạng sống mà tôi phải chờ đợi bấy lâu nay. Con nợ của tôi đang ở trên lầu, lát nữa anh lên sẽ biết là ai. Còn anh, đúng ra anh cũng đã phải trả giá cho sự ngạo mạng lẫn liều mạng của mình! Nhưng vừa rồi, bằng tấm lòng nhân hậu, bằng nghĩa cử của một con người không có máu ác, qua việc anh cứu hai con vật yêu của tôi, nên tôi tha cho anh. Vậy sau khi giải quyết xong chuyện cái xác trên lầu, anh có thể đi hay ở tại ngôi nhà này là tùy anh, tôi không có quyền ngăn anh nữa. Mà suy cho cùng, anh là người xứng đáng làm chủ ngôi nhà này hơn.
Cô ta nói xong định bước ra ngoài, nhưng khi tới ngang cửa, cô ta quay lại nói tiếp:
- Anh cũng nên rõ câu chuyện mà bà chủ quán kể cho anh nghe lúc nãy. Người hại tôi chết chính là ông chủ họ Dương tên Đoàn! Chính lão ta đã cưỡng hiếp tôi rồi ngụy tạo cái chết treo cổ của tôi! Tôi làm ma chỉ để đòi mạng lão ta, nhưng lâu nay lão trốn biệt, giờ mới vác xác về đây chịu tội...
Cô ta thoắt cái đã không còn thấy bóng!
Bình vội chạy lên lầu thì thấy có một gian phòng mở toang cửa, anh nhìn vào và thét lên:
- Bác Đoàn!
Thì ra ông Dương Đoàn, cha của Dự đã treo cổ chết tự lúc nào rồi!
Vừa khi ấy từ dưới nhà có tiếng chuông điện thoại reo vang. Bình chạy xuống nghe và nhận ra giọng của Dự ở đầu dây bên kia:
- Bình hả? Ba mình vừa điện thoại về cho hay sáng nay ông sẽ ghé lại chỗ cậu đó. Ông có vẻ kích động lắm, có gì cậu coi chừng ông ấy với. Mình sẽ lên ngay trưa nay.
Bình định báo tin cho bạn, nhưng Dự đã cúp máy.
Đứng lặng người một lúc, cuối cùng Bình nói đủ cho mình nghe:
- Đúng ở đây có ma thật...


HẾT
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 03:05 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.