Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 11-28-2012, 03:02 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default Suối nguồn - Ayn Rand

Suối nguồn: Nơi khơi nguồn đam mê, sáng tạo và tình yêu cuộc sống

Cách đây 1 năm, khi ngồi một mình ở quán cafe nhỏ ngay góc đường Lý Thường Kiệt - Quận 10, tôi quen một người bạn làm bên lĩnh vực CNTT. Anh rất ít đọc sách, vì phần lớn thời gian anh ngồi lập trình, và coi máy tính như một vật bất ly thân…

Cho đến một hôm vô tình tôi thấy anh cầm trên tay một cuốn sách rất dày, thật sự dày, đọc ngấu nghiến từ trưa đến chiều ngay tại quán, không làm việc và đọc suốt cả tuần cho đến khi trang cuối của cuốn sách được gấp lại với một cảm giác mãn nguyện thể hiện rất rõ trên khuôn mặt của anh.

Tôi đã biết được tên sách là Suối nguồn và đã hỏi anh vì sao cuốn sách lại làm anh mê mẩn đủ để có thể tạm dừng công việc của mình và giành khá nhiều thời gian cho nó.

Cho đến tận thời điểm này, khi mà tôi đã có câu trả lời từ chính cuốn sách đó và khi ngồi viết những dòng này, cái cảm giác rạo rực, bất ngờ xen lẫn vui sướng khi được đọc một tác phẩm hay như vậy vẫn còn ấm nóng trong đầu tôi. Tôi dùng từ “hay” chứ không dùng từ kinh điển, tuyệt vời hay là xuất sắc bởi vì cái hay đến từ cảm giác, cảm xúc của chính người đọc chứ không phải là một mĩ từ được những nhà xuất bản hay các tạp chí gán cho cuốn sách.

“Một tiểu thuyết tràn đầy sức sống và sự thú vị… mạnh mẽ, kịch tính, mãnh liệt và rành mạch từ đầu đến cuối… một tác phẩm tuyệt vời đáng để đọc.” - Saturday Review of Literature

“Bạn không thể đọc tác phẩm tuyệt vời này mà không liên tưởng đến một số tư tưởng cơ bản của thời đại chúng ta… Bạn sẽ nghĩ đến The Magic Mountain và The Master Builder khi bạn nghĩ đến The Fountainhead (Suối nguồn).” - New York Times

Tuy nhiên nó xứng đáng với những gì người ta nói về nó, từ nội dung mới lạ, văn phong lôi cuốn và cách xây dựng nhân vật độc lập nhưng ràng buộc lẫn nhau cho đến ý nghĩa đúc kết lại từ những gì tác giả muốn truyền đạt cho người đọc. Câu văn gọn đến mức khô khan, chân thực đến độ thô ráp, toàn những mô tả trực diện sắc sảo và góc cạnh, chẳng vuốt ve nuông chìu mắt người đọc tí nào. Thế mà đã chạm vào rồi thì thật khó dứt ra. Đọc xong lâu rồi vẫn chưa hết choáng ngợp và ám ảnh. Có cảm tưởng như đây là một cuốn sách về triết học, một thế giới quan thu nhỏ, và như một bản hùng ca tôn vinh con người, những con người mà tác giả cuốn sách - nữ văn sĩ kiêm triết gia người Mỹ gốc Nga Ayn Rand (1905-1982) - hướng tới là những người sáng tạo, những người “xoay chuyển thế giới và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.” Theo tôi, cuốn sách không đứng về phía số đông, không hướng về một tập thể, nhưng mỗi một người trong số đông, trong một tập thể nào đó đều có thể thấy mình được tôn vinh, được chia sẻ. Bởi mỗi một người trong chúng ta đều từng là, đang là hoặc vẫn không ngừng cố gắng trong những nỗ lực tự khẳng định bản thân mình để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, để đi đến tận cùng bản ngã và hạnh phúc cá nhân.

Theo tôi được biết suốt 60 năm sau lần xuất bản đầu tiên (năm 1943), cuốn tiểu thuyết kinh điển này đã bán được 6 triệu bản và cho đến nay, tác phẩm vẫn được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản hàng năm, đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do độc giả bình chọn (theo điều tra của New York Times). Tác phẩm đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt và có bán ở hầu hết các hiệu sách lớn. Vậy từng đó đã đủ để bạn chạy ra hiệu sách mua ngay quyển Suối nguồn về đọc chưa? Chắc là chưa. Bởi bạn có thể nói rằng, những triết lý này không mới, những cuốn sách tâm lý, xã hội chứa đựng còn nhiều nội dung hơn thế. Bạn đúng, ngần ấy chưa đủ làm nên Suối nguồn - một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới cho dù được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Chính Ayn Rand cũng đã khẳng định: “Bà viết Suối nguồn không nhằm để dạy dỗ người khác về triết lý sống và sáng tạo. Bà chỉ quan tâm đến một người thôi, là Howard Roark.” Đó là lối trả lời thông minh và chân thật. Bởi đã qua rồi cái thời mà nhà văn đứng ra biện bạch rằng tác phẩm của tôi nói lên tư tưởng nọ, triết lý kia, ủng hộ người này, đả đảo tổ chức kìa… Nhà văn càng cố biện bạch thì tác phẩm càng sớm bị rơi vào thế cô lập và càng bị phản đối bởi số đông.

Bên cạnh đó Suối nguồn còn bao gồm nhiều bài học, mà ở đó, tôi nhận ra rằng chính mình cũng đã từng sai lầm, đã từng có những suy nghĩ, định kiến thứ sinh, tiêu cực, những bài học đó không bảo rằng ta nên sống tốt hơn, nên thay đổi bản thân theo một hình tượng nào đó mà từng câu, từng chữ khiến ta phải suy nghĩ, ray rứt. Nó giúp ta tìm lại những thói quen tích cực, những khả năng sáng tạo đã bị bỏ quên hay một phần do những suy nghĩ, hành động và môi trường sống đã vô tình hạn chế vùi lấp một phần giá trị thật sự của chính mình. Những nhân vật trong sách không còn đủ lòng tin vào xã hội đương thời, tồi tàn, nhiều tệ nạn nhưng họ vẫn không dừng lại, họ không hề chịu thua nó, họ vẫn sống với cái bản năng và đức tin từ chính con người họ. Vì tình yêu và sự đam mê là cái đích cuối cùng của cuộc sống, không có tình yêu, không có đam mê thì sự tồn tại của con người còn ý nghĩa gì nữa.

Đó là những điều làm tôi khâm phục và tâm đắc, ngay thời điểm đọc xong cuốn sách hay cho đến tận bây giờ, cái cảm giác hừng hực khó tả, động lực vô hình nhưng hiển hiện từ tất cả những gì cuốn sách muốn truyền tải lại cho người đọc nói chung hay chính bản thân tôi nói riêng là một dòng suối chảy siết, nhiều gấp khúc, nhiều dữ dội, thậm chí đôi lúc còn là sự cuồng loạn đến nghiệt ngã. Đó là cuốn sách giành cho những con người có trái tim quyết liệt, tham vọng, đam mê và cháy bỏng đến tận cùng vì họ luôn có niềm tin và tình yêu mãnh liệt đối với tất cả những gì thật sự quan trọng đối với họ cho dù sự tận cùng đó phải vật vã từ trong đau đớn tuyệt vọng và phải trả một cái giá không rẻ cho chính số phận và cuộc đời họ. “Nỗi đau chỉ có khả năng xuống đến một điểm nhất định”, đây là câu nói tôi thích nhất của Howard Roak - nhân vật chính trong truyện.

Hãy đọc Suối nguồn và suy ngẫm về bản thân, suy ngẫm về cuộc sống xung quanh… tôi hy vọng là mỗi người trong các bạn khi đã hòa mình vào dòng suối đó, sẽ cảm thấy không bị lạc lõng, không bị cô lập bởi những định kiến nhất định, những lề lối khuôn khổ được định sẵn nào, mà ngược lại, nó sẽ đưa bạn hòa vào dòng sông của tuổi trẻ, rồi chảy ra biển cả bao la rộng lớn nơi khởi nguồn của sự sống, của kiến thức, của sự sáng tạo nơi mà bạn sẽ tìm được giá trị chân chính trong tâm hồn, và bản chất con người để có định hướng cho bản thân cũng như thái độ của mình đối với cuộc sống nhầm hướng đến những điều tốt đẹp hơn trên con đường bạn đang đi… Vì đối với tôi “Tất cả các dòng sông đều chảy ra biển.”

Chân thành gửi lời cảm ơn đến tác giả của Suối nguồn - Ayn Rand, cùng nhóm dịch giả đã góp phần truyền tải nội dung cuốn sách đến người đọc một cách chân thật và rõ ràng nhất về hình thức lẫn ý nghĩa và cả người bạn đã giới thiệu cho tôi một tác phẩm để đời…

Alonehero

Ayn Rand (tên sinh Alisa Zinov’yevna Rosenbaum; tiếng Nga: Зиновьевна Розенбаум; 1905-1982) là một nhà tiểu thuyết và lý luận quốc tịch Mỹ sinh tại Nga. Bà nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan và vì đã viết một số tác phẩm như We the Living (Chúng ta thực thể sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem. Là người gây ảnh hưởng rộng lớn tới nước Mỹ hậu chiến tranh thế giới thứ 2, các tác phẩm của Rand đã tạo nên sự mến mộ nhiệt thành cũng như phê phán nghiêm khắc.

Tác phẩm của Rand nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi tấn công những gì mà bà coi là không hợp lý và phi đạo đức của lòng vị tha. Bà tin rằng con người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí; và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc người khác vì mình; và rằng không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực. Tính chất lý luận của Rand được mô tả là chủ nghĩa tiểu chính phủ (minarchism) và theo chủ nghĩa tự do (liberianism), mặc dù bà không bao giờ sử dụng thuật ngữ minarchism và ghê tởm chủ nghĩa tự do.

Mục tiêu rõ rệt của tiểu thuyết của Rand là miêu tả anh hùng của mình được lý tưởng hóa, một người có những khả năng và sự độc lập mâu thuân với xã hội, nhưng luôn bền gan quyết chí đạt được mục đích của mình.
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 11-30-2012, 10:50 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

ĐỌC và NGHĨ

(The Fountainhead)

1.
Bây giờ nhiều quảng cáo rất khéo léo để mời gọi mình đọc một cuốn sách nào đó.
Nên tôi rất ngần ngại khi bỏ tiền mua một cuốn sách khá ..dày.
Vì nhiều trang thì mình…ngon, đâu có ngán, còn khóai nữa. Nhưng tiền nhiều thì…rất ớn và còn phải rất…tiếc nếu đọc it trang rồi đành bỏ dở…vì ngán quá.
Tôi đâu phải thứ làm biếng đọc.
Nhưng thật lòng nhiều cuốn rất nổi tiếng nhiều người khen, mà mính đọc không vô!
André Maurois nói mỗi người có một cái “tạng” riêng. Nhiều tác giả lớn mà mình không thích thì cũng…đừng thèm đọc.
Chẳng hạn tôi đọc Shakespearre thì thấy hơi chán.
Nhưng đọc Dostoievsky thì…mê như điếu đổ. Dost. mà nhiều người rất mê nhưng cũng nhiều người chê là rối rắm tối tăm không hiểu nổi…
Vậy thì ráng mua Suối Nguồn (Fountainhead) của Ayn Rand và đọc thử từ từ xem thế nào.
Cái “Nhật ký đọc Suối Nguồn” này tôi vừa đọc vừa viết cảm tưởng từng phần..

2. Lời Giới Thiệu

Cái bà A. Rand này cũng thật là tay “cứng rắn” như cái nhân vật Roark của bà. rất là bất cần đời, cái “tuyên ngôn” của bà thật là mạnh mẽ. Nhiều chỗ bà nhấn mạnh lại vì sợ người ta hiểu nhẹ đi cái ý của bà. Như đọan bà nói về tôn giáo chẳng hạn. bà sợ người ta hiểu lầm bà trông cậy tin tưởng vào tôn giáo quá.

3. Roark bị đuổi học.

Roark học kiến trúc. Và chàng ta bị đuổi học vì không muốn làm nhà “khảo cổ”. lý do là chàng không chịu vẽ theo các thày, dù là làm những bài thực tập phải vẽ theo những phong cách cổ điển như Gothic, Hy Lạp gì gì..nữa.
Tôi hơi giật mình vì mình tưởng bọn tây nó vẽ nhà vẽ cửa, nó theo Phục Hưng hay Hy Lạp là mình vừa sợ vừa phục. Giờ mới thấy rằng không phải vậy. Vẫn có những người phản ứng…
Cũng phải thôi. Bây giờ Việt nam ta có ai làm cái gì mà…”Tàu” rặt mình cũng đâu có ưa…
Tây nó có truyền thống từ Hy lạp La Mã, Việt có truyền thống từ Trung Hoa. Nhưng ai cũng muốn “mình là…mình”.
Việt chỉ muốn là Việt, đâu chịu là Tàu. Thì Tây cũng muốn là Tây đâu chịu là Hy La.
Nhưng cái cách của chàng Roark mới thật là…sướng!
Chàng thản nhiên. Có vẻ “bất cần đời” nhưng chàng không lộ ra cái vẻ “bất cần” đó ra ngòai. Chàng chỉ có cái vẻ thản nhiên thôi. Cái vẻ thản nhiên coi cái ý nghĩ của mình là…đương nhiên, mặc định, chẳng phải bàn cãi. Chàng cũng không tranh lụân không lý sự không thuyết phục. Cũng không giận dữ hay chua chát.
Chàng thản nhiên. chấp nhận. Không giận hờn. Không óan trách.
Ông gìa gần 60 như tôi cảm thấy phục anh chàng 20 này sát đất. hay thật, cừ thật.
Mình có dám “hiên ngang” như chàng hay không??? Chắc không quá…
Đọc phần này nhiều lần tôi phải dừng lại, ngẫm nghĩ về cái mạnh mẽ của chàng Roark.
Và nghĩ về cái khiếp nhược của tuổi trẻ mình (cái nhút nhát e dè còn dài dài tới tuổi già bây giờ).

4. Sự thành công của Keating.

Anh chàng Keating có tài, thành công, khéo léo, hay xảo quyệt. Tác giả từ từ vẽ ra theo cái văn phong Mỹ của các tác giả Mỹ từ thời Hemingway: chỉ mô tả mà không bình luận. các sự kiện tự nó nói lên, vẽ lên, hình tượng nên các nhân vật.
Không có ai hòan tòan xấu cả.
Các suy nghĩ của Keating cũng thật tự nhiên, hợp lý…Chàng chỉ khéo léo chứ không gian xảo, chỉ nhút nhát chứ không hèn nhát, chỉ cẩn thận chứ không hấp tấp.
Nhưng người ta có thể thấy sự thỏa hiệp của Keating với hòan cảnh.
Nhưng chúng ta, chính chúng ta đấy, ai không thỏa hiệp với hòan cảnh. Ai muốn quay ngược chiều với bánh xe của xã hội để bị nghiền nát???
Hạnh phúc thay cho những ai có thể thỏa hiệp.
Bất hạnh thay cho những ai không thể thỏa hiệp.
Tôi nhớ lại cuốn “Arrangement” của Elia Kazan mà trước đây bản tiếng Việt dịch là “Trở lại thiên đường”. Tôi nhớ bìa cuốn nguyên tác có hình của những mảnh ghép của trò chơi ghép hình. Và tôi nghĩ người vẽ bìa đã thể hiện rất sâu sắc ý nghĩa của câu truyện: Anh chàng vai chính đã không thể thỏa hiệp được với xã hội (Mỹ) và dù rất thành công trong xã hội, anh ta cũng quyết định lìa bỏ nó, thóat khỏi xã hội văn minh, lìa bỏ hết quyền lực của cải để đi tìm lại chính mình. “Arrangement” có thể dịch là sự sắp xếp, phối hợp, hay hòa hợp gì đó.
Cái “dòng’ tác phẩm mô tả những kẻ “đào thóat văn minh” này không phải ít ( ta nhớ tới đức Phật lìa bỏ cung diện vợ con để đi tìm giải thóat): Lưỡi dao cạo (the Razor’s Edge) của Sommerset Maugham, Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis, Câu chuyện của dòng sông (Shidarta) của Hermann Hesse, Hòang tử bé của Saint Exupery,…
Nhưng Roark không hẳn như vậy. Chàng là một nghệ sĩ.
Mục đích của chàng không phải là tìm sự giải thóat khỏi xã hội văn minh, mà là chàng muốn sự sáng tạo, sáng tạo thực sự, chống lại sự sao chép…

4. Cuộc hành trình của chàng bắt đầu.

Sướng thật chàng Roark.
Chàng bất cần vật chất. Chàng không sợ đói, chàng không sợ khổ. Chàng chẳng (thèm) chống đối ai. Chàng cứ đi con đường của chàng.
Và Keating dù thành công vẫn (thỉnh thỏang) thèm được như Roark.
Và tôi một “anh già” gần 60 cũng thèm được như chàng.
Vì mình tự thấy mình yếu đuối quá. Nhiều khi mình không dám là mình, mình cứ muốn uốn mình đi cho vừa lòng người khác. Arrangement. Thỏa hiệp.
Hình như Vũ Trọng Phụng có lần viết “Người ta mà có được cơm mà ăn thì sướng quá”. Roark làm thế nào mà không phải lo tới miếng ăn. Cái điều luôn ám ảnh con người trên tòan thế giới này là cái miếng ăn. Tôi muốn nâng cái câu của Vũ trọng Phụng lên một nấc “Con người ta mà không phải kiếm cơm mà ăn thì sướng quá”. Đó chính là sự giải thóat lòai người. Đó là một cách nói khác của cái câu nói cổ điển “miếng ăn là miếng nhục”. Đúng là không còn phải kiếm miếng ăn nữa thì mới tự do, mới hết cái “nguy cơ phải chịu nhục”
phải vậy không?

5. ROARK, THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG

Tác giả lựa kiến trúc làm môn nghệ thụât mà Roark thể hiện mình.
Không phải là hội họa hay văn chương.
Kiến trúc đòi sự chấp nhận của người khàc, của rất ít người , có khi chỉ một người, trước khi người nghệ sĩ được phép thể hiện mình ra bằng tác phẩm.
Nếu không được ai chấp nhận, người kiến trúc sư không thể có tác phẩm. Đó là sự nghiệt ngã của kiến trúc.
Roark luôn bị chê bởi số đông. Họa hoằn anh mới được bộc lộ tài năng mình thành một vài tác phẩm. Chỉ những tác phẩm nhỏ.
Tôi nhớ truyện The Citadel (Thành Trì) của A.J. Cronin, chuyện về anh chàng bác sĩ mới ra trường, đánh mất dần tâm hồn mình vì muốn thành công về vật chất. Đó cũng là chuyện của Keating, anh bạn thủ khoa của Roark.
Roark thì thất bại vì nghệ thuật của anh không được số đông đồng cảm.
Nhưng Keating vẫn ghen tức với thất bại của Roark.
Hay thật, trớ trêu thật.
Keatting vẫn hãnh diện với thành công của mình, dù phải dùng vài xảo thuật nhỏ, Keat thinh thỏang cũng băn khoăn về sự thiếu cao thượng của mình, nhưng anh tự thuyết phục được mình.
Nhưng anh vẫn ghen tức với tài năng của Roark, dù Roark thất bại trong một xã hội không mấy người hiểu được nghệ thuật của anh.
Keating kêu gọi Roark đầu hàng xã hội để đổi lấy thành công.
Dĩ nhiên Roark từ chối. và Keating nổi điên lên vì điều ấy.
Những đọan viết về nỗi khổ của chàng Roark thật …lẫm liệt.
Chàng như một vị thánh tử đạo!!!
Chàng như Chúa trên cây thánh giá nhìn xuống và …thương xót cho chúng sinh!!!!
Chàng không đau khổ. Chính chúng sinh mới đau khổ!!!!

6. MốI TÌNH CủA CHÀNG ROARK

Đọc về Roark và Dominique tôi nhớ chuyện “Mặt trăng và Đồng 6 xu” (the Moon and Sixpence) của S. Maugham viết về danh họa Paul Gauguin (dưới tên tiểu thuyết là chàng C. Strikland). Strickland chỉ có tình dục chứ không có tình yêu, anh ta hòan tòan dửng dưng với tình yêu. Anh ta chỉ say mê sáng tác và bỏ hết, quên hết mọi sự, có khi gần chết đói mà vẫn…cóc cần.
Maugham không nói quá. Tôi có được đọc một ấn phẩm in lại nhật ký của Gauguin (viết tiếng Pháp, dịch ra tiếng Anh) ông ta viết (lâu rồi, nhớ đại khái): “Đừng nói tình yêu (với tôi), nói tiếng đó tôi (cười) rụng răng mất!!!”.
Maugham tả Gauguin rất ngang tàng, bất cần đời, gần 40 tuổi đột nhiên bỏ vợ con ở London trốn qua Paris để…vẽ (Ở London ai cũng nghĩ cha này bỏ vợ trốn đi với tình nhân), rồi sau bỏ Paris qua Tahiti sống với thổ dân để…vẽ tiếp.
Khi không còn tiền mua vải làm tranh ông vẽ những tác phẩm cuối cùng của mình trên vách. Khi gần chết ông đốt luôn căn nhà đó. Ông chẳng cần ai thưởng thức tác phẩm của mình! Roark còn thua Gauguin ở chỗ này!! Là vì kiến trúc là làm cho người khác dùng nên vẫn còn cần sự chấp nhận của ít nhất là một người…
Mối tình của Roark và Dominique ban đầu chỉ là “tiếng gọi” của thể xác.
Thì đã sao? Thể xác cũng có tiếng nói của nó chứ.
Và nhiều khi tiếng nói đó cũng có trọng lượng. Nó có thể…định hướng cho tình thần. Đâu phải là điều lạ vì dù sao thể xác cũng có một lịch sử hình thành rất lâu trước tinh thần.
Thể xác đủ…thông minh để tìm kiếm cho mình một đối tượng xứng đáng…
Có thể nó có lầm lẫn, nhưng nó vẫn có thể đúng.
Tinh thần thì cũng vậy thôi, có thể sai và có thể đúng. Phải không???

7. Nghệ thuật của A. Rand

Khi mô tả những con người thực, tầm thường, không lý tưởng A. Rand chứng tỏ tài năng của mình. Keating. Toohey, và Wynand sống động hơn nhiều so với hai nhân vật “lý tưởng” là Roark và Dominique.
Điều đó hiện ra rõ rệt khi A. Rand phải mô tả một Wynand “bắt đầu trở nên lý tưởng” . Khi đó Wynand có vẻ… không thật nữa. A. Rand tỏ ra hơi …đuối.
Người ta nói nhiều khi nhân vật thóat ra khỏi tác gỉa là người sinh ra nó. Các tác giả khôn ngoan thường phải “nhượng bộ” nhân vật của mình đề nó phát triển tự nhiên, theo đúng bản chất của nó. Nếu cứ cố gò nó theo ý của mình thì nhiều khi sẽ… hụt tay, tác phẩm sẽ …sượng, không chín nổi.
Nhưng có lẽ với Wynand thì Rand đã cố ý rẽ ngang khi cho Wynand trở thành nhân vật chính diện liều mạng bênh vực Roark trong một thời gian, rồi cuối cùng mới cho Wynand đầu hàng, quay trở lại bản chất của mình. Và đó là lý do để Dominique từ bỏ ông.

8. Tuyên ngôn của Ayn Rand

Nghệ sĩ phải thể hiện chính mình!
Các tác phẩm luận đề thường thất thế ở điểm này (hay đắc thế, tùy bạn), là vì nó cố gắng nói lên một tuyên ngôn của tác giả. Điều đó thường làm nghệ thuật của nó bị hạn chế.
A. Rand cho tuyên ngôn của mình lên tiếng trực tiếp quá.
Nếu so với “Mặt trăng và sáu xu” thì truyện của Maugham “nghệ thuật” hơn.
Nhưng đổi lại, Suối nguồn có tiếng nói dõng dạc hơn.
Cái tuyên ngôn vì cá nhân người nghệ sĩ là cả một vấn đề lớn.
Nghệ sĩ có thể chống lại cả thời đại của mình chăng?
Nghệ sĩ và quần chúng, cái mối tương quan ấy là thế nào?
Một vấn đề hình như đã cũ…nhưng vẫn luôn luôn mới…
Và người ta vẫn phải tiếp tục suy nghĩ về nó.
Có lẽ mãi mãi…


Ngô Văn Long
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 06:12 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.