Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Vườn Tao Đàn > Thơ Sưu Tầm
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

 
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Prev Previous Post   Next Post Next
  #1  
Old 05-12-2004, 04:07 AM
Adieu Adieu is offline
Member
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 49
Default

Bờ sông vẫn gió
Tác Giả: Trúc Thông
(Chị em con kính dâng hương hồn mẹ)

Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
một lần cuối ... một lần về cuối thôi.
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần.
Con xin ngắn lại đường gần
một lần ... rồi mẹ hãy dần dần đi ...
***

Trong đời sống người dân miền châu thổ thì con sông là nguồn sữa phù sa nuôi dưỡng cánh đồng, mùa vụ. Ấy là xét về giá trị thời gian. Còn từ độ nhìn không gian thì hình ảnh con sông được xem là một điểm mốc hẹn mang giá trị lâu dài, có khi thành vĩnh tồn. Vĩnh tồn ngay cả khi nó bị lấp đi! Cái con sông – “Bờ sông” – xưa tiến đưa, nay đang mong đợi ở bài thơ này được Trúc Thông sử dụng với cả hai yếu tố: không gian, thời gian và lồng cộng với hai biểu tượng tinh thần là: lá ngô và làn gió. Một thời gian mang niềm thương nhớ khôn khuây, một không gian không đổi dời, một thứ tiếng gọi thao thiết đêm ngày của gió quê, và một thứ sinh thể mang cái màu sắc thiên thu đã lay động lên, hoá thượng thanh khí lên là chiếc lá ngô – nơi cõi phần ký ức. Bốn thứ lực tác động tạo hình ảnh, hình tượng này, chúng đã hoá thân vào nhau làm một - một niềm hướng tưởng duy nhất: Miền cố hương.

Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
một lần cuối ... một lần về cuối thôi.
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh...


Nỗi nhớ quê hương trong tâm tưởng người tha hương mặn mòi, da diết lắm. Người ta xưa nay hằng “chiều chiều ra đứng ngõ sau ...” khi nhìn sông thấy khói sóng lúc cuối ngày mà buồn, khi nhìn trăng sáng đẹp mà nhớ. Vâng, còn biết nói thế nào, đến cả loài cầm thú cũng đã phải “ba năm quay đầu về núi” kia mà.
Niềm tha hương ở bài thơ này, với người mẹ - người đã dành cả quãng ngày xanh tuổi trẻ cho con cháu, nay da mồi, tóc bạc, tuổi đã vào cuối hoàng hôn mà vẫn chưa thực hiện được nguyện ước cuối cùng, về thăm quê hương bản quán, mà khoảng dặm đường nào có xa xôi: “Con xin ngắn lại đường gần ...” . Lẽ thường người con đứng trước khoảng cách “đường xa dặm thẳng” mới phải mong cho “ngắn lại” chứ?! Chính từ cái “nghịch lý” này mới hoạ rõ lên cái “nghịch phận”. Tình thơ bởi thế mới sâu nặng, mới ám ảnh. Và cũng bởi thế mà không phải ngẫu nhiên, trong một bài thơ, nhà thơ đã sử dụng từ “xin” tới ba lần : Xin người hãy trở về quê; Lệ xin giọt cuối để dành; Con xin ngắn lại đường gần . Từ xin trong ngôn ngữ tiếng Việt mang đậm tính thân phận, nhân tính, Phật tính như : cầu xin, xin ăn, xin học ... Vậy nên từ này chỉ được dùng khi tấm lòng có việc chân thành hay ai cảm. Trúc Thông với tâm thi thành và ai đã sử dụng ba lần từ xin . Qua đó niềm thân phận buồn thương, lệ tình mẫu tử lung linh ngời sáng lên tính luân lý và đạo lý sâu sắc.
Sự dụng công đầy tính kỹ thuật của bài thơ cũng là một thành công cần được soi tỏ. Nếu ta thấy tổng lượng câu chữ của bài thơ là 12 câu với 84 chữ, một bài thơ có số lượng câu chữ giản thiểu như vậy, nhưng ở phần phân lượng chữ lại được nhà thơ sử dụng gia tăng, đẩy nhân đầy ắp lên. Tính cả cụm từ “một lần” thì bài thơ có những 6 chữ được sử dụng lặp đi lặp lại thành 24 lần chữ. Lặp ngôn tới tỷ lệ như vậy mà khi thưởng thức không phải người kỹ tính không dễ nhận ra. Ấy là bởi, trong một thi phẩm khi tình thơ, hồn thơ đã toả sáng lên, động vang lên, tạo ra một trường xung cảm mạnh mẽ giữa thi phẩm và người thưởng thức thì khi ấy tính hình thức, kỹ thuật đã trở thành một phương diện cấu thành, biểu đạt của nội dung nghệ thuật; tình thơ khi ấy cất cánh bay thoát ra khỏi cái “cốt – ngôn ngữ”, thơ đã đi từ cái cá thể - mang dấu vết ngôn ngữ và thân phận - đến nhập vào hợp thể, đồng vang nơi tiếng nói (thanh ngữ ) chung. Đó là nơi ẩn cư truyền nối thiêng liêng của cõi phần tâm tình, tâm linh; nơi mà kỹ thuật ngôn ngữ chỉ còn tồn tại như một lễ nghi trước bàn thơ tinh thần: Hồn thơ màu nhiệm.
Bờ sông vẫn gió thực sự là một thi phẩm có giá trị nghệ thuật của Trúc Thông góp cho kho tàng nghệ thuật thơ và thơ lục bát nước nhà.

Lời Bình: Đỗ Trọng Khơi

-------------------------------
Giại: Cái giại, một thứ bình phong đan bằng tre dựng trước hiên nhà ở những vùng quê Bắc Bộ.

__________________
thành tình nhân đứng giữa trời không
khóc mộng thiên đường ... vta
Trả Lời Với Trích Dẫn
 


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 05:21 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.