Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #21  
Old 08-19-2007, 12:56 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Lão tiều phu hay con hạc đen
Núi Na ở thôn Quần Ngọc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có chùa xưa, tục danh là Tiên am. Phía tả có động thâm u. Đời nhà Trần, Hồ (1225-1407) có một tiều phu ẩn cư ở đấy. Người ta gọi là Hoàng My tiên sinh.
Một hôm Hồ Hán Thương đi săn đến đấy, bỗng gặp một lão tiều phu vừa đi vừa hát:
Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
Thụ thương thương
Yên tịch mịch
Thủy sàn sàn
Triêu hề ngô xuất
Mộ hề ngô hoàn
Hữu y hề chế kỹ,
Hữu bội hề nhận lan
Thát bài thanh hề bình hiểu chướng,
Điền hộ lục hề chẩm tình than.
Nhậm tha triều thị
Nhậm tha sa mã
Tri trần bất đáo thử giang san,
U thảo Tống triều cung kiếm
Cổ khâu Tấn đại y quan.
Vương Tạ phong lưu
Triệu Tào sự nghiệp,
Toán vãng cổ lai kim khanh tướng
Trạch triện đài man
Tranh như ngã trạo đầu nhất giác
Hồng nhật tam can.
Tạm dịch: (Bản dịch của Trúc Khê)
Núi Na đá mọc chênh vênh,
Cây tùm um, nước long lanh khói mờ.
Đi về hôm sớm thẩn thơ,
Mình dư áo lá, cổ thừa chuỗi hoa.
Non xanh bao bọc quanh nhà,
Ruộng đem sắc biếc xa xa diễu ngoài.
Ngựa xe võng lọng thây ai,
Nước non riêng chiếm, bụi đời khôn vương.
Áo đai đời Tấn gò hoang,
Kiếm cung triều Tống dưới làn cỏ xanh
Sự đời bao xiết mong manh,
Phong lưu Vương, Tạ, công danh Triệu, Tào
Từ xưa khanh tướng ngôi cao,
Đá mờ rêu phủ đã bao nhiêu rồi.
Sao bằng ta được thảnh thơi,
Giấc mai bừng tỉnh, mặt trời lưng không.
Hán Thương nghe hát cho đó là một vị ẩn giả, bèn truyền thị thần đi theo vào động. Thấy trên vách đá có đề hai khúc ca "Ái miên" (Thích ngủ) và khúc "Ái kỳ" (Thích đánh cờ), thị thần xin mời tiều phu về triều.
Tiều phu không bằng lòng nói:
- Nghiêm Tử Lăng không lấy chức Gián nghị ở Đông Đô mà đổi cái thú yên ba sông Đồng Lại. Khương Bá Duy không vì họa đồ của Thiên tử mà làm nhơ cái cảnh sơn thủy Bành Thành.
Sứ thần về tâu lại, nhưng Hán Thương bảo đi mời một lần nữa, mang theo một cỗ an xa, quyết mời cho kỳ được. Nhưng đến nơi chỉ thấy cửa động rêu mọc phủ cả, gai góc lấp mất đường đi, trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây:
Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,
Cao Vọng đầu khách tứ sầu
Nghĩa:
Cửa biển Kỳ La hồn sẽ dứt,
Đầu non Cao Vọng khách đeo sầu.
Sứ thần về kể lại; Hán Thương nổi giận, khiến người đến đốt núi ấy. Chỉ thấy một con hạc đen từ trong núi bay bổng lên, liệng múa giữa không trung, mà không thấy giấu tích tiều phu đâu cả.
Về sau, hai cha con họ Hồ là Quý Ly và Hán Thương đều bị xảy ra tai họa đúng như hai câu thơ báo trước của lão tiều phu.

__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #22  
Old 08-19-2007, 12:56 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Hà Đông sư tử
Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng.
Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt:
Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,
Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.
Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.
Tạm dịch:
Ai hiền bằng thầy đồ Long Khâu,
Đọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu,
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.
"Hà Đông sư tử" chỉ người đàn bà ghen dữ tợn.
Tô Đông Pha dùng hai tiếng "Hà Đông" là mượn câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Quý Thường cũng họ Liễu. Và tiếng "Sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu Thị, vừa chỉ Quý Thường là một tín đồ đạo Phật.
Tú Xương trong bài thơ vịnh cảnh lấy lẽ, có câu:
Hậu hạ đã cam phiền cát lũy,
Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông.
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #23  
Old 08-19-2007, 12:57 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Lá thắm đưa duyên
Triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước được tuyển vào cung để làm cung nữ. Họ là những giai nhân bạc mạng, đi chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn tủi, sầu đau trong chốn thâm cung.
Nhà vua có cả tam cung, lục viện, hàng ngàn cung nữ phi tần toàn bực diễm kiều, tài sắc cả. Mỗi đêm ngủ ở cung nào, nhà vua phải nhờ xe dê đưa đến. Xe dừng trước cung nào thì nhà vua vào cung ấy. Có những nàng hằng năm không được đoái hoài, đành chịu cảnh cô phòng giá lạnh.
Đời Đường (618-907), đời vua Hy Tông có nàng cung nữ tuyệt sắc tên Hàn Thúy Tần sống cảnh lẻ loi buồn bực trong thâm cung, nên thường nhặt những chiếc lá đỏ (hồng diệp) rồi đề thơ lên trên lá, thả xuống ngòi nước:
Nước chảy sao mà vội?
Cung sâu suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ lá thắm
Trôi tuốt đến nhân gian.
Nguyên văn:
Lưu thủy hà thái cấp
Cung trung tận nhật nhàn.
Ân cần tạ hồng diệp.
Hảo khứ đáo nhân gian.
Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể Tướng Hàn Vinh tên Vưu Hựu vốn kẻ phong lưu tài tử, thơ hay, chữ tốt, chỉ hiềm một nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể Tướng họ Hàn. Đương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Hàn bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ mới vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng bẻ một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung.
Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương,
Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường.
Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước,
Gởi cho ai đó nói không tường.
(Bản dịch của Phan Như Xuyên)

Người cung nữ họ Hàn thường ngồi nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá trở vào của người không quen biết, mới đem cất vào rương son phấn.
Ba năm sau, nhà vua sa thải một số cung nữ, trong đó có Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể Tướng họ Hàn để chờ thuyền trở về quê cũ, bỗng gặp Vưu Hựu. Hai người trò chuyện, ý hợp tâm đầu. Tể Tướng họ Hàn thấy cả hai đều xứng đôi vừa lứa nên làm mối thành duyên giai ngẫu.
Đêm tân hôn, Hựu chợt mở rương của vợ thấy chiếc lá của mình ngày xưa. Lấy làm lạ lùng, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được cho vợ xem. Thì ra cả hai lại giữ hai chiếc lá của nhau. Cho là thật duyên trời định.
Cổ thi có bài: (*)
Một đôi thi cú theo dòng nước
Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy.
Mừng bấy ngày nay loan sánh phụng
Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai.
Nguyên văn:
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy,
Thập tải ưu tư mãn tố hoài.
Kim nhật khước thành loan phượng lữ,
Phương tri hồng diệp thị lương môi.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
hay:

Dù khi lá thắm chỉ hồng,
và:

Nàng rằng hồng diệp xích thằng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
"Lá thắm", "Hồng diệp" đều do điển tích trên.


< Sửa đổi bởi: sweet -- 8.4.2007 14:13:12 >
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #24  
Old 08-19-2007, 12:57 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Lam Kiều
Lam Kiều là một cái cầu bắc trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây bên Tàu, tương truyền là nơi tiên ở.
Đời nhà Đường, triều Mục Tông (821-825), có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chõng đi thi bao lần đều hỏng. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán định sang ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng đáp một chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, sắc nước hương trời, con người đoan trang, thùy mị. Bùi sinh cảm mến, mong được giao duyên, mới mượn thơ thay lời, nhờ con nữ tỳ của giai nhân đưa hộ:

Kẻ Hồ, người Việt còn thương nhớ,
Huống cách người tiên chỉ bức mành.
Ví được Ngọc Kinh cùng nối gót,
Xin theo loan hạc đến mây xanh.
(Bản dịch của Phan Như Xuyên)

Nguyên văn:
Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng,
Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
Thắng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ,
Nguyện tùy loan hạc nhập thành vân.

Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mỉm cười.
Nhưng thơ đi mà tin chẳng lại, Bùi rất lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi đò sắp ghé bến, Bùi bỗng tiếp được thơ do con nữ tỳ của giai nhân đưa đến:

Uống rượu Quỳnh Tương trăm cảnh sinh,
Huyền Sương giã thuốc thấy Vân Anh.
Lam Kiều vốn thật nơi tiên ở,
Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh.

Nguyên văn:

Nhất ẩm Quỳnh Tương bách cảnh sinh,
Huyền Sương đảo tận kiến Vân Anh.
Lam Kiều tự hữu thần tiên quật,
Hà tất khí khu thượng Ngọc Kinh.
Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi; nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều đã thoáng mất. Nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh, mà hỏi dò người, tìm đến Lam Kiều.
Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt mỏi, mồ hôi nhuễ nhoại. Ghé vào hàng nước, nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão chủ quán bảo người con gái đem nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng vẻ tựa Vân Kiều. Bùi hỏi, thì ra nàng là em của Vân Kiều, tên Vân Anh.
Bùi Hàng mừng rỡ, cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại cả hai bài thơ. Bà lão cười, bảo:
- Hẳn là con Vân Kiều muốn xe duyên em nó cho cậu đó.
Bùi nghe nói lấy làm hớn hở. Nhưng bà lão cho biết là hiện bà có cái cối, song thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền Sương, nếu Bùi tìm được chày thì bà sẽ gả Vân Anh cho.
Bùi Hàng bằng lòng. Nhưng đi tìm mãi khắp nơi mà không biết ở đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết. Tưởng hoàn toàn thất vọng, chàng đi lang thang. May mắn, một hôm, chàng gặp được tiên cho chiếc chày ngọc. Thế là duyên thành.
Sau cả hai vợ chồng Bùi Hàng đều tu thành tiên cả.
Những tác phẩm cổ văn của ta có nhiều đoạn dùng điển tích này:


Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
(Đoạn trường tân thanh)


Chầy sương chưa nên cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
(Đoạn trường tân thanh)


Chốn Lam Kiều cách nước mây,
Bùi Hàng chưa dễ biết đây chốn nào?
"Lam Kiều" chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ gặp duyên tốt đẹp... như gặp duyên với tiên.
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #25  
Old 08-19-2007, 12:57 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Đào yêu
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn thuật cảnh Thúy Kiều sang thư phòng người yêu là Kim Trọng, khi chàng này sắp sửa không còn giữ vẻ đứng đắn, Kiều mới khuyên ý trung nhân, có câu:
Rẽ cho thưa hết một lời đã nao!
Vẻ chi một đóa yêu đào!
Vườn hồng khi dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào bực bố kinh,
Đạo tùng phu lấy chữ trinh làm đầu."

Thưa rằng: "Đừng lấy làm chơi,
"Yêu đào" nguyên lấy chữ "Đào yêu" trong kinh Thi. Thơ "Đào yêu" gồm ba chương:
I
Đào chi yêu yêu,
Thước thước kỳ hoa.
Chi tử vu qui,
Nghi kỳ thất gia.
II
Đào chi yêu yêu,
Hữu phần kỳ thật.
Chi tử vu qui.
Nghi kỳ gia thất.
III
Đào chi yêu yêu,
Kỳ điệp trăn trăn.
Chi tử vu qui.
Nghi kỳ gia nhân.

Tạm dịch:
I
Mơn mởn đào non,
Rực rỡ nở hoa.
Cô ấy lấy chồng,
Êm ấm cửa nhà.
II
Mơn mởn đào non,
Lúc lỉu quả sai.
Cô ấy lấy chồng,
Êm ấm nhà ai.
III
Mơn mởn đào non,
Lá xanh rườm rà.
Cô ấy lấy chồng,
Thuận với người nhà.
(Bản dịch của Lê Văn Hòe)
"Yêu đào" tức là cây đào non mơn mởn. Người ta ví một người con gái dậy thì đến tuổi lấy chồng với "Yêu đào".
Trong "Đoạn trường tân thanh", đoạn Kim Trọng và Thúy Kiều tái hợp, Thúy Vân khuyên chị kết duyên lại cùng Kim Trọng, cũng có câu: "Đào non, sớm liệu, xe tơ kịp thì"

__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #26  
Old 08-19-2007, 12:57 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Động Đào Nguyên
Đào Nguyên còn gọi là động Bích.
Đây là chỗ tiên ở.
Tương truyền đời nhà Tấn (265-419), có người chài cá ở huyện Vũ Lăng, một hôm chèo thuyền đi ngược ven theo bờ suối. Càng đi xa chừng nào thì thấy có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống. Đến một quãng, bỗng thấy trước mặt hiện ra một rừng đào. Hoa đào đỏ rực rỡ làm cho ngư phủ càng thấy say sưa thích thú. Định co người ở gần đấy nên bỏ thuyền, lên bờ. Vượt qua rừng đào, đến một ngọn núi. Dưới chân núi có một cửa hang nhỏ hẹp, vừa chui được một người. Bên trong thấp thoáng có ánh sáng.
Gợi tính tò mò, chàng lách mình vào cửa hang. Lúc đầu, cửa hang còn hẹp, sau rộng dần, rồi cả một thế giới hiện ra: ruộng vườn tươi tốt, nhà cửa thôn ấp liên tiếp nhau; tiếng gà, tiếng chó nghe rõ mồn một; thanh niên thiếu nữ đều say sưa công việc đồng áng. Trên mặt mọi người hiện nét vui tươi chất phác hồn nhiên. Người già, con trẻ đều có vẻ ung dung thanh thản.
Những người ở đây thấy chàng ngư phủ thì lấy làm kinh ngạc hỏi: làm sao đến được chốn này? Ngư phủ trình bày sự thực. Các bực phụ lão đem vợ con ra chào mừng khách lạ, dọn cơm rượu đãi khách. Ngư phủ ăn uống lấy làm ngon lạ, vì tuy cơm rượu mà tính chất khác thường.
Những bực phụ lão lại nói:
- Tổ tiên chúng tôi tránh loạn đời Tần, đem cả gia đình vào ở đây, từ đó cách biệt với bên ngoài. Hiện nay, chúng tôi không còn biết nhà Hán, huống hồ là nhà Ngụy, và nhà Tấn.
Cuối cùng, họ lại dặn ngư phủ: sau khi ra khỏi chốn này, xin đừng cho ai biết có họ ở đây.
Người đánh cá ở chơi một hôm rồi xin cáo biệt.
Từ đời nhà Tần (221 trước D.L.) đến nhà Tấn (419 sau Dương lịch) mà họ đến đây tránh nạn kể ra có trên sáu trăm năm. Người đánh cá cho mình may mắn đã được gặp tiên. Nên khi trở về, nhiều người đến thăm hỏi, trước còn tìm cách giấu nhưng cuối cùng chuyện thấu đến quan Thái Thú sở tại, ngư phủ đành phải thuật cả việc lại.
Có tính hiếu kỳ, viên Thái Thú sai người đi theo chàng ngư phủ tìm lại động Đào Nguyên, nhưng hai người bị lạc đường đành phải trở về.
Trong truyện "Hoa tiên" của Nguyễn Huy Tự có câu: "Nào hay là khách Đào Nguyên đã về".
Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du đoạn thuật lại lời Thúy Kiều nói với Kim Trọng trong khi nhà vắng, nàng lén sang chỗ ở của chàng, có câu: "Xắn tay mở khóa động Đào".
"Động Đào" là động Đào Nguyên, Kiều dùng lối thậm xưng, đề cao chỗ ở của tình nhân như một cõi tiên; và nàng cũng vinh hạnh được vào... cõi tiên ấy.
Trong "Tần cung nữ oán Bái Công văn" của Nguyễn Hữu Chỉnh (?) có câu: "Nếu tuổi xanh chẳng nhuốm bụi hồng, chiếc ngư phủ đã đưa vào động Bích".
"Động Đào", "Đào Nguyên", "động Bích" đều do điển tích trên.

__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #27  
Old 08-19-2007, 12:58 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Mười bài thơ đoạn trường
Thúy Kiều, con của viên ngoại họ Vương, người ở Bắc Kinh. Nàng yêu kiều diễm lệ, có một thái độ phong lưu, tính thích hào hoa, thích âm luật, sở trường về hồ cầm. Vốn đa cảm, giàu tình, nàng sáng tác bài "Bạc mệnh oán" để hát theo khúc hồ cầm, khi gảy lên nghe rất não nùng, ai cũng sa nước mắt.
Một hôm, nhân tiết Thanh Minh, Thúy Kiều cùng hai em đi tảo mộ và nhân tiện xem hội Đạp Thanh. Lúc trở vê, Kiều nhìn bên dòng nước có một nấm mồ hoang cô lạnh, hỏi ra mới biết đó là mồ của nàng ca nhi tên Lưu Đạm Tiên. Trước sống mua vui cho khách làng chơi, chết làm ma không chồng trong nấm mồ vô chủ.
Kiều cảm động, rơi nước mắt, khóc cho kiếp hồng nhan.
Về nhà, đêm khuya vắng vẻ, nàng cảm thấy một nỗi buồn man mác xâm chiếm cõi lòng. Nghĩ phận người lại nghĩ phận mình, hay kiếp hồng nhan rồi phải chung mạng bạc!
Nàng tựa ghế thiu thiu, rồi ngủ say lúc nào không biết. Giữa lúc ấy, thấy một thiếu nữ tiến đến chào và hỏi rằng:
- Này chị Thúy Kiều, đương lúc ngày xuân phơi phới sao không hỏi liễu tìm hoa, mà lại chịu ngủ ở nhà như vậy?
Kiều nghe nói, vội vàng đứng dậy, sửa áo đón mời, nhìn thấy thiếu nữ má đào, môi hạnh, dáng điệu như tiên. Sau khi hai bên cùng ngồi, Kiều vội hỏi:
- Chẳng hay nương tử ở tại cung nào mà xe loan thình lình hạ cố đến đây?
Thiếu nữ tươi cười đáp:
- Thiếp đây nào phải ai đâu xa lạ, nhà thiếp ở phía tây cầu bên dòng nước chảy. Chiều nay chị đã vãng qua, sao mà mau quên như thế? Hôm nay, thiếp ở trong "Hội đoạn trường", trước mặt Giáo Chủ, thiếp có khen đến tài hoa của chị. Giáo Chủ rất vui mừng và cho biết rằng chị cũng có chân trong hội ấy. Rồi người trao cho thiếp mười cái đầu đề đoạn trường, bảo đem lại cho chị vịnh. Vậy yêu cầu chị thảo ngay để cho thiếp xếp vào tập "Đoạn trường sách".
Kiều hỏi:
- Em xin lãnh ý, nhưng xin chị cho biết Đoạn Trường Giáo Chủ là ai? Có thể đưa em đến yết kiến được không?
Thiếu nữ mỉm cười đáp:
- Lúc này chị không cần hỏi kỹ, một ngày khác, chị sẽ hiểu rõ đấy mà.
Đoạn, nàng trao tập đầu đề. Kiều tiếp lấy, mở ra xem. Đây là mười đầu đề: Tích đa tài, Liên bạc mạng, Bi kỳ lộ, Ức cố nhân, Niệm nô kiều, Ai thanh xuân, Ta kiển lộ, Khổ linh lạc, Mộng cố viên, Khốc tương tư.
Kiều xem xong, vui vẻ nói:
- Đầu đề rất hay, vậy em xin thảo ngay. May bài của em chiếm khôi nguyên trong tập, thì khỏi phải phụ công chị giới thiệu.
Vừa nói vừa viết thao thao bất tuyệt. Chỉ trong giây lát, đủ cả mười bài từ khúc theo lối hồi văn:

I
Tích đa tài

Tờ oanh nỡ bỏ hoài,
Hợp hoan ngày tháng phổ cho ai?
Tương tư mình gác để ngày mai.
Để ngày mai!
Tiếc cho tài!

II
Thương bạc mạng

Đêm đêm một mình lạnh,
Nhà vàng nghe nói để A Kiều
Một mặt nghe chừng khó hân hạnh.
Khó hân hạnh!
Thương bạc mạng!

III
Thương kỳ lộ

Khúc đường quanh co thật khó đi,
Đường khổ chưa bằng tâm em khổ!
Một bước sai thời ngàn bước lỡ!
Ngàn bước lỡ!
Thương kỳ lộ.

IV
Nhớ cố nhân

Tóc bạc nhưng tình vẫn chưa thân!
Cần gì trước phải lên tận mây xanh!
Cưỡi xe đội nón mới là chân
Mới là chân!
Nhớ cố nhân!

V
Nhớ cô hầu!

Soi gương hồn biến đâu?
Ta thấy ai vẫn còn than thở!
Son phấn thôi đừng giễu cợt nhau.
Giễu cợt nhau.
Nhớ cô hầu!

VI
Xót thanh xuân

Cành hoa giống mỹ nhân,
Xuân sắc núi rừng, ôi đẹp đẽ!
Muốn mượn mưa xuân tưới hoa thần.
Tưới hoa thần!
Xót thanh xuân!

VII
Than cảnh ngộ

Giấc mơ tỉnh rồi đó,
Đâu phải gặp ai cũng kêu thương.
Chỉ vì lầu son lối cũ chưa tỏ.
Lối cũ chưa tỏ!
Than cảnh ngộ!

VIII
Khổ linh lạc

Thân nầy hết đường bước,
Lìa cành hoa rụng khắp đông tây.
Nhạn lạc đàn bay quanh hiên trước.
Quanh hiên trước!
Khổ linh lạc!

IX
Mơ vườn xưa

Hồn về cậy ai đưa?
Cảnh cũ cúc tùng không thấy nữa.
Bạch vân phương thảo lặng như tờ.
Lặng như tờ!
Mơ vườn xưa!

X
Khóc tương tư

Nghẹn ngào đã nhiều khi,
Lòng đau không giữ nổi tiếng khóc.
Đất cũ tình thâm luống sầu bi.
Luống sầu bi!
Khóc tương tư!


Thúy Kiều viết xong 10 bài, trao lại thiếu nữ. Xem qua, thiếu nữ tấm tắc khen rằng:
- Quả thực mỗi chữ khác gì ôm mối hận. Nếu đem vào tập "Đoạn trường", chắc rằng sẽ đoạt giải nhất.
Đoạn thiếu nữ đứng dậy, từ giã. Kiều nói:
- Hôm nay chị đã có lòng chiếu cố, đôi ta ắt có tiền duyên, sao lại nỡ vội vàng như vậy? Vả lại lần này ly biệt, biết bao giờ lại được gặp nhau.
Thiếu nữ nói:
- Nếu chị tình thâm mà thiếp cũng không tình bạc, thì sông Tiền Đường đó, ta sẽ hẹn về sau.
Nói xong đi thẳng.
Kiều chạy theo giữ lại thì bỗng có trận gió làm khua động bức mành. Nàng sực tỉnh, mới hay là giấc chiêm bao.
Về sau, Kiều phải 15 năm lưu lạc, thân thế lắm nỗi đoạn trường. Cuối cùng trầm mình dưới sông Tiền Đường, ứng như điềm mộng.
Truyện trên viết theo Thanh Tâm Tài Nhân. Cụ Nguyễn Du dựa theo, viết thành quyển "Đoạn trường tân thanh" bằng thể lục bát. Đoạn này, Nguyễn Du diễn tả:
Này mười bài mới, mới ra,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.
Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên vẩy đủ mười khúc ngâm.
"Mười khúc ngâm" tức 10 bài "đoạn trường" đó.


__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #28  
Old 08-19-2007, 12:58 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Khúc Hậu Đình Hoa
"Hậu Đình Hoa" nghĩa là "Hoa ở sân sau". Đây là một tập thơ chọn lọc rồi phổ thành âm điệu cho các cung nữ, phi tần hát của Trần Hậu chủ đời Hậu Trần, thời Nam Bắc triều (420-587).
Trần Hậu chủ (583-587) tên Trần Thúc Bảo, là một ông vua nổi tiếng tài tử phong lưu. Hậu cung lúc nào cũng có hàng ngàn mỹ nhân tuyệt sắc. Trong số đó có hai nàng là Khổng Quý Tần và Trương Lệ Hoa được nhà vua sủng ái.
Hai nàng Quý Tần và Lệ Hoa chẳng những có sắc đẹp lộng lẫy, người mẫn tiệp lại có tài thi phú, thường cùng Hậu chủ cùng các bực thi văn tài danh trong triều xướng họa mỗi khi có yến tiệc linh đình.
Vì yêu người đẹp tài hoa nên Hậu chủ phải tổn phí nhiều tiền của, cho dựng trước điện Quang Chiếu ba tòa lầu lớn. Ba tòa lầu này dùng toàn bằng gỗ trầm hương. Cửa lớn, nhỏ đều dát toàn ngọc ngà, rèm châu, trướng gấm lộng lẫy. Ba lầu ấy đặt tên là Lâm Xuân, Kết Ỷ và Vọng Tiên (có bản chép là Vọng Xuân).
Dưới lầu, trồng toàn cây quý, hoa lạ, ngào ngạt mùi hương. Lại chất đá xây thành núi gọi là núi Nghinh Phong; tháo nước làm thành hồ gọi là hồ Ngoạn Nguyệt.
Hằng đêm, Trần Hậu chủ bày yến tiệc, họp các mỹ nhân uống rượu tại lầu Lâm Xuân cùng với các học sĩ ngâm thơ xướng họa. Một khi có những bài thơ hay, thích, nhà vua cho chép lạai thành tập và phổ vào khúc đàn để những cung nữ hát xướng suốt đêm, nên được gọi là Trường Dạ Ẩm.
Những bài thơ, những khúc nhạc lả lướt ấy được chép thành 3 tập là: Nghinh Xuân nhạc, Ngọc Thu và Hậu Đình Hoa. Riêng tập Hậu Đình Hoa toàn sưu tập những bài bay bướm, bóng bẩy, dâm đãng. Chính Trần Hậu chủ cũng làm một khúc hát Hậu Đình Hoa:
Nguyên tác là:

Lệ vũ phương lâm đối cao các
Trân trang điểm chất bản khuynh thành,
Ánh hộ ngưng kiều sa bất tiến,
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh.
Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lệ,
Ngọc thu lưu quang chiếu Hậu Đình.
Nghĩa:

Bóng rợp hương thơm chốn lâu các,
Nghiêng thành vẻ đẹp với mầu tươi.
Ngoài cửa dịu dàng khoan dạo bước
Trước màn chào đón mỉm môi cười,
Má hồng tựa đóa hoa đầy móc
Cây ngọc sân sau chiến sáng ngời
(Bản dịch của Phan Thế Roanh)
Suốt đêm ngày, Trần Hậu chủ bỏ cả việc triều chính, say sưa bên cạnh Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần và những mỹ nữ ca hát bên tiệc rượu làm cho đất nước càng suy đồi.
Vua nhà Tùy (589-617) là Văn Đế thừa dịp nhà Hậu Trần suy vi, sai tướng Lý Uyên và Dương Tố đem quân sang vây Đại Thành. Giữa lúc ấy, Trần Hậu chủ còn đương say khươt trên lầu Kết Ỷ.
Quân Tùy đánh phá, đột nhập thành. Quân Hậu Trần chạy tán loạn. Có người phải lấy nước đổ vào mặt Trần Hậu chủ cho tỉnh dậy và yêu cầu ra hàng để cứu quân lính khỏi chết oan. Hậu chủ nói:
- Sau lầu, trẫm có đào sẵn giếng sâu.
Đoạn, Hậu chủ dắt Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần và độ mươi mỹ nhân khác đến giếng, ôm nhau nhảy xuống tránh nạn.
Quân Tùy lùng tìm nhà vua trong nội cung không thấy, liền ra sau điện Cảnh Dương, thấy có giếng sâu và có tiếng người thì thầm ở dưới, liền cho thả dây xuống dò. Bỗng thấy dây nặng, chúng lấy làm lạ, kéo lên.
Thì ra hai nàng tiên tuyệt sắc Khổng Quý Tần và Trương Lệ Hoa nắm đầu dây ấy mà lên. Một tên lính già chỉ hai nàng nói:
- Trần Hậu chủ chết và mất nước cũng vì hai ả này ta chẳng nên mó đến.
Quân Tùy nghe nói liền đâm chết cả hai người đẹp vứt xác xuống giếng, lấp đá lại. Giếng ấy về sau gọi là giếng "Son Phấn".
Riêng về Trần Hậu chủ, có sách nói là được cứu sống, nhưng sau thấy quân sĩ giết mấy hai nàng Khổng, Trương nên buồn rầu, sinh bịnh nhớ thương mà chết.
Nhà Hậu Trần bị diệt vong, người ta cho rằng sở dĩ nước mất nhà tan cũng do khúc hát "Hậu Đình Hoa" ấy, vì có tính cách ủy mỵ, dâm dật. "Hậu Đình Hoa" chỉ về khúc ca vong quốc.
Đỗ Mục, một thi hào nổi tiếng đời nhà Đường (618-907), nhân một đêm ghé thuyền trên bến Tần Hoài, gần một quán rượu. Đêm đã khuya, hơi sương mù như khói tỏa trên mặt nước. Bãi cát chiếu sáng lồng trong ánh trăng xanh. Bấy giờ trong quán, khách còn đang say sưa ăn uống, bên cạnh những ả buôn son bán phấn hát xướng để mua vui cho khách. Lắng nghe giọng hát réo rắt bên kia sông đưa sang, Đỗ Mục xúc cảnh sinh tình:

Khói bay, nước lạnh, khói trăng pha,
Thuyền đậu sông Tần cạnh Tửu gia.
Hận nước gái buôn không biết rõ,
Cách sông còn hát "Hậu Đình Hoa".
(Bản dịch của Quốc Ấn)
Nguyên văn:

Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng "Hậu Đình Hoa".
Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều ở nước ta, cũng có câu:

Vườn Tây Uyển khúc trùng thanh dạ,
Gác Lâm Xuân điệu ngã Đình Hoa.
Thừa ân một giấc canh tà,
Tờ mờ nét ngọc, lặp lòe vẻ son.
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #29  
Old 08-19-2007, 12:58 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Gương vỡ lại lành
Trung Quốc, đời nhà Trần, người hầu cận Thái Tử là Từ Đức Ngôn có tình với Nhạc Xương công chúa.
Khi nhà Trần suy loạn, Từ bảo công chúa:
- Nước mất, nàng tất lọt vào nhà quyền quý. Nếu tình duyên chưa dứt thì còn có ngày được gặp nhau.
Đoạn, bẻ tấm gương làm đôi, mỗi người giữ một mảnh hẹn nhau đến ngày thượng nguyên sẽ đem gương đến kinh đô bán để tìm nhau.
Bấy giờ, giặc đánh vào đế đô. Từ chạy thoát, còn công chúa bị tướng giặc là Việt Công bắt ép làm vợ. Đến ngày rằm tháng giêng, Từ đem mảnh gương ra chợ bán, thấy có người cùng bán một mảnh gương giống của mình. Lấy hai mảnh gương ghép lại thì liền nhau như một. Từ bèn gởi cho người bán gương, nhờ đem về cho chủ mảnh gương ấy và kèm theo một bài thơ:

Người đi gương cũng đi,
Gương về người chưa về.
Chị Hằng đâu chẳng thấy,
Chỉ thấy ánh trăng lòe.
Nguyên văn:
Cảnh dữ nhơn câu khứ,
Cảnh quy nhơn vị quy
Vô phục Hằng Nga ảnh,
Không lưu minh nguyệt huy.
Nhạc Xương công chúa đọc thơ khóc rống lên. Việt Công hỏi, công chúa thuật lại cả. Việt công lấy làm cảm động, thương tình bèn cho cả hai người tái hợp.
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du có câu:


Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #30  
Old 08-19-2007, 12:59 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Giấm chua
"Giấm chua" để chỉ đàn bà ghen.
Hoàng đế nước Kim rất yêu quý hai nàng cung phi là Lệ Cẩm tây cung và Ngọc Sương ái phi. Hoàng hậu lấy làm ghen tức nhưng vì thấy nhà vua quá sủng ái hai nàng, nên đành phải câm lặng.
Khi nhà vua lâm trọng bịnh, trước giờ lâm chung, trối lại với hoàng hậu cùng quần thần là khi nhà vua chết, phải chôn sống hai nàng ái phi theo vua.
Vài hôm sau, nhà vua chết. Hoàng hậu tuân theo di ngôn của nhà vua, nhưng bà lại nghĩ rằng: nếu chôn hai vị phi tần tuyệt sắc nguyên vẹn này thì khi xuống âm cung, nhà vua lại cũng âu yếm say sưa hai nàng như trước. Cái cảnh giao hoan này như diễn ra trước mắt hoàng hậu càng làm cho máu ghen thêm sôi sục hơn nữa. Bà quát tháo ầm ĩ, truyền cung phi thị vệ khoét đôi mắt, xẻo mủi, cắt đôi má mơn mởn của hai nàng Lệ Cẩm và Ngọc Sương. Làm như thế cốt để xuống âm cung, nhà vua sẽ ghê tởm mà không dám nhìn đến nữa.
Nhưng, hoàng hậu ngắm nghía thấy hai nàng còn đẹp. Mất mắt, mất mũi, mất má đào nhưng nước da hai nàng vẫn trắng nõn nà, thân hình cân đối, diễm lệ làm bà vẫn còn ghen. Bà mới nghĩ ra một cách làm hủy hoại tiêu mòn nhan sắc của hai nàng mới hả lòng. Bà đem ngâm hai nàng vào chum giấm chua rồi mới cho chôn theo nhà vua. Bấy giờ, hoàng hậu mới yên tâm.
Trong "Lư phu nhân truyện" có chép:
Đời nhà Đường (618-907), Phòng Huyền Linh làm đến chức Tể Tướng, có vợ là Lư Thị. Ông một niềm yêu mến vợ vô cùng, không lấy một tì thiếp nào cả. Người ngoài cho thế là tại ông sợ vợ ghen.
Vua Đường Thái Tông muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi nàng vào và bảo:
- Theo phép thường, các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.
Lư Thị nhất quyết không bằng lòng. Vua nổi giận, gắt:
- Nhà ngươi không ghen thì sống, ghen thì chết.
Đoạn sai người đưa cho một chén giấm, giả làm chén thuốc độc, phán rằng:
- Nếu vậy thì phải uống chén thuốc độc này.
Lư Thị không ngần ngại chút nào, cầm chén uống ngay.
Vua thấy thế, nói:
- Ta cũng phải sợ, huống chi là Huyền Linh.
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn nói về Kiều khi ở với Thúc Sinh, nàng biết chàng đã có vợ nên lấy làm lo cho thân phận mình mà tha thiết nói với Sinh:


Như chàng có vững tay co,
Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.
Thế trong dầu lớn hơn ngoài,
Trước hàm sư tử gửi người đằng la.
Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
Giấm chua lại tội bằng ba lửa hồng.
"Giấm chua" chỉ sự ghen tuông của người vợ cả.
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 01:15 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.