Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Cổ Tích - Truyện Lịch Sử
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #91  
Old 03-10-2013, 04:09 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần IV - Thông minh, tài trí và sức khỏe (tt)

GÁI NGOAN DẠY CHỒNG


Ngày xưa có một người nhà giàu, vợ chết sớm, chỉ có độc một người con trai, đứa con vốn người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền, biết rằng của cải của mình sẽ có một ngày đội nón ra đi mà thôi. Bởi vậy, ông mới tính chuyện kiếm cho con một người vợ khôn ngoan đảm đang, để may chi nó sẽ ngăn chặn tay chồng, bảo vệ một phần nào cơ nghiệp. Nghĩ vậy, ông cất công đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng đi đã nhiều nơi mà vẫn chưa thấy một người nào vừa ý.

Một hôm, đến một vùng kia, nhân mỏi chân, ông nghỉ lại một gốc cây bên đường. Ông bỗng thấy ở một cây táo gần đấy có một bọn trẻ đang tranh nhau trẩy ăn. Một chốc sau, một cô gái tuổi chừng đôi tám, cũng đến trẩy táo. Ông mới lân la lại gần hỏi xin ăn. Lúc này, táo chín đã bị bọn người trước trẩy hết, chỉ còn những quả xanh, nhưng cô gái cũng cố chọn lấy những quả ương ương đưa cho khách.

Thấy cô gái tốt bụng, ông ta nghĩ: -"Sởi lời, trời gởi của cho, quăn co trời gò của lại. Chỉ có người nào tốt bụng với mọi người mới xứng đáng được hưởng giàu có sung sướng''. Bởi vậy ông bèn tìm đến nhà cô gái, giả làm một người lỡ độ đường xin nghỉ trọ một tối. Và rồi ông được gia đình cô gái ân cần tiếp đãi.

Để thử xem cô gái có khôn ngoan không, ông lân la làm quen với nàng. Khi biết cô sắp đi chợ, ông đưa ra một quan tiền, nhờ mua hộ cho mình "một nắm gió, một bó lửa". Cô gái chẳng nói thẳng rằng, mua về cho ông một cái quạt và một con dao đánh lửa. Thấy thế, ông thầm khen ngợi, nhưng vẫn định thử thêm cho biết.

Qua ngày mai ông dậy sớm, giở tay nải đưa cho cô gái mấy bát gạo nếp, nhờ nàng thổi giúp cho mình một nồi vừa cơm vừa bánh để ăn và đem đi ăn đường. Cô gái không từ chối, vội lấy gạo ra vo. Trước khi cho vào nồi, nàng bớt lại một ít giã làm bột vắt bánh rồi hấp luôn vào cơm. Khi nàng bưng ra, ông già lấy làm vừa ý, cho là con người đó đủ cả đức hạnh, khôn ngoan, đảm đang ít có. Bèn quyết định trở về sửa lễ hỏi cho con trai làm vợ.

* * *

Đứa con trai của ông từ ngày có vợ lại càng thêm lêu lổng, hắn thường bỏ nhà đi đánh đàn đánh đúm với bọn vô lại, làm cho ông hết sức buồn. Và điều làm cho ông lo lắng nhất là hắn thỉnh thoảng lại trộm tiền của ông, khi dăm bảy quan, khi một vài vác, tung vào cuộc đỏ đen. Mặc dù ông đánh đập, mặc dù vợ khuyên lơn, nhưng hắn chứng nào vẫn giữ tật ấy. Dần dần ông buồn phiền thành bệnh. Một hôm, biết mình sắp chết, ông gọi con dâu đến bên giường dặn nhỏ:

- Nay cha đã gần đất xa trời. Chồng con là một thằng "phá gia chi tử", cơ nghiệp này chỉ còn một sớm một chiều mà thôi. Cha rất thương con xấu số. Từ lâu cha làm ăn dành dụm, có để được một hũ vàng chôn ở sau vườn. Vậy cha cho riêng con hũ vàng đó, đừng cho chồng con biết. Sau này, chồng con có thật sự ăn năn hẵng giúp cho nó làm lại cuộc đời.

Đứa con trai ông sau khi người cha qua đời, lại càng chơi bời mặc sức. Vợ hết khuyên lơn đến cầu khẩn, hắn chẳng những không nghe, lại còn phũ phàng với vợ. Mỗi lần thua bạc, hai người lại càng xô xát. Nhiều lần vì vợ cản trở, hắn đánh đập vợ không tiếc tay và làm nhục nàng trước mặt mọi người. Một hôm để khỏi vướng, hắn viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác rồi đuổi nàng ra khỏi cửa.

Từ đó: hắn phỉ chí tung hoành không một ai dám cản. Quả như lời đoán của bố hắn, mấy chục mẫu ruộng đều lần lượt "nướng" vào sòng bạc. Hết ruộng vườn tới nhà ở, chẳng bao lâu tất cả cái cơ nghiệp mấy đời truyền lại tiêu sạch sành sanh. Cuối cùng, không một đồng dính túi, không một nghề cầm tay, hắn đành bỏ làng mạc quê quán đi lang thang khắp đầu đường xó chợ, ngửa tay ăn xin qua ngày.

Lại nói chuyện người đàn bà sau khi bị chồng đuổi, bèn đổi tên họ tìm đến trấn thành mở một ngôi hàng nước. Sau ít lâu, kiếm được một số tiền nhỏ, nàng bắt đầu buôn hàng tấm. Số vốn của nàng ngày một lớn dần lên. Một hôm, gặp hai em bé mồ côi đi ăn xin, nàng thương tình đưa về nuôi làm con, coi như ruột thịt. Cuộc đời dần dần nở hoa trước mắt nàng. Trong một dịp đi kiếm củi, hai con nàng nhặt được một khúc gỗ mục, về chẻ ra thấy có mấy thoi vàng. Có vốn lớn lại có tài kinh doanh nên chẳng bao lâu nàng trở nên giàu có: nổi tiếng trong trấn. Tiền bạc tuôn về như nước. Tuy sống sung sướng nhưng nàng vẫn ở một thân một mình. Thấy nàng giàu có, nhiều kể ngấp nghé muốn "gá nghĩa Châu Trần", nhưng người đàn bà ấy nhất thiết từ chối mọi lời đường mật. Mặc dầu người chồng bạc bẽo và mặc dầu mười lăm năm xa cách, nàng vẫn không quên được tình xưa nghĩa cũ. Đã nhiều lần nàng thuê người lần đi các chợ búa phố phương dò hỏi, nhưng tin tức của chồng càng hỏi càng bặt tăm.

* * *

Năm ấy, sau mấy tháng hạn, lúa khoai chết dần chết mòn trên những cánh đồng nứt nẻ. Giá gạo cứ lên vùn vụt. Ngoài đường, người đi xin ăn kéo từng đoàn. Người đàn bà lúc này đã là bà chủ hiệu. Bà xin phép quan trên cho mình đem tiền gạo ra phát chẩn cho kẻ khó. Làm như thế, nàng còn mong một khi thấy yết thị dán khắp thôn xóm thì chồng mình tất sẽ lần mò về, nếu hắn còn sống. Y như thế thật, ngày bắt đầu phát, nàng đã thấy bóng dáng của chồng ngồi ở xa xa, lấp ló trong đội quân lĩnh chẩn. Đúng là hắn. Từ ngày bắt đầu cầm bị gậy đến nay, hắn vẫn chưa có cách gì để sống khá hơn và đỡ hèn hạ hơn trước. Bây giờ nghe nói có phát chẩn, hắn vội mò đến đây và ngồi về đầu hàng phía tả. Thế nhưng khi phát, những người giúp việc cho bà chủ hiệu lại được lệnh phát từ phía hữu lại. Khi sắp sửa đến lượt hắn thì bọn họ tự nhiên nói lớn: - "Hôm nay đã hết gạo, mời bà con về đợi đến ngày mai!". Hắn buồn bực trở ra. Qua ngày mai, hắn cố tìm đến thật sớm, ngồi vào đầu hàng bên hữu. Nhưng hắn không ngờ những người phát chẩn hôm nay lại bắt đầu phát từ phía bên kia. Lúc sắp phát đến hắn thì chúng lại giơ thúng không lên: - "Hôm nay thế là lại hết gạo, bà con hãy đợi đến mai".

Hắn thở than cho số đen đủi, lần trở ra về. Qua hôm sau, lại lần mò đến thật sớm. Lần này hắn len vào ngồi đúng chính giữa đội quân lĩnh chẩn. Trong bụng hắn nghĩ lần này thì không thể mất phần được. Nhưng đến giờ phát hắn không ngờ người nhà của bà chủ hiệu hôm nay lại phát hai đầu phát lại và cuối cùng người không được gì cả vẫn lại là hắn. Ba lần hỏng cả ba, hắn rất ngao ngán, bèn đánh liều tìm đến dinh cơ bà chủ để xin ăn. Gặp hai đứa con gái nuôi của vợ, hắn ngả nón kêu van hết lời. Ở trong nhà, người đàn bà nhìn ra biết là chồng đã do mưu của mình mà đến đây, bèn sai người hầu ra hỏi, xem hắn có biết làm việc gì không để thuê mượn. Nghe hỏi thế, hắn vội trả lời:

- Xin ông bẩm với bà lớn rủ lòng thương cho tôi được ở hầu bà, rửa bát, quét nhà, mọi việc tôi đều xin hết sức. Chỉ cho tôi ăn ba miếng là đủ rồi!

Người nhà trở ra cho hắn biết bà chủ nhận lời. Từ đó, hắn chăm chỉ làm lụng, cố làm vừa lòng chủ. Nhưng chung quy hắn vẫn không biết chủ chính là vợ cũ của mình. Về phần người vợ cũng không để lộ một tý gì cho hắn biết, chỉ dặn hai con và người nhà đối đãi tử tế mà thôi.

Sau một thời gian, thấy hắn chịu khó làm ăn, người đàn bà mừng lắm. Một hôm, nàng cho gọi hắn lên nhà hỏi xem có biết chữ nghĩa gì không? Hắn đáp:

- Tôi lúc nhỏ được đi học có biết ít nhiều.

- Vậy từ mai trở đi anh không phải hầu hạ nữa, cho anh ở gian nhà khách dạy đám trẻ học phóng, tôi sẽ trả mỗi năm ba mươi quan.

Nghe nói, hắn sung sướng bội phần, cảm thấy lòng nhân đức của bà chủ đối với mình bằng trời bằng biển, vội nhận lời ngay. Từ đó, hắn đóng vai thầy đồ, cố sức làm cho chủ tin cậy. Nhưng người vợ vẫn thử mãi không thôi.

Một lần, gặp ngày Tết, bà chủ sai lấy tiền ra cho kẻ hầu người hạ. Nàng nói:

- Ta cho mỗi người năm quan, hãy mang đi đánh bạc cho vui, nếu hết sẽ cho thêm.

Thầy đồ ta cũng được năm quan tiền. Nhưng trong khi mọi người đem tiền nướng vào xóc đĩa bài mười, thì trái lại, hắn mang nguyên vẹn số tiền đó về gửi cho chủ. Bà chủ hỏi:

- Tại sao anh không thích đánh bạc?

Hắn trả lời:

- Bẩm bà, tôi ngày xưa vì cờ bạc mà đến nông nỗi này. Cho nên bây giờ buộc chỉ cổ tay thề rằng không đụng đến nó nữa.

Thế rồi luôn miệng hắn kể hết cho chủ nghe, từ cuộc đời cũ có ruộng nhiều, có vợ ngoan như thế nào, rồi bán ruộng đuổi vợ ra sao, cho đến lang thang đói rách, và ngày nay đã ăn năn hối lỗi. v.v... Bà chủ hỏi:

- Anh còn thương vợ nữa không?

Hắn rầu rĩ:

- Tôi đã nhiều lần dò tìm mà không thấy.

- Nghe anh nói tôi rất thương tình. Vậy tôi cho anh năm quan để anh đi tìm vợ. Nếu hết tiền mà vẫn chưa thấy, anh cứ về đây tôi sẽ cho thêm mà tìm cho ra.

Hắn mừng rỡ vâng vâng dạ dạ, mang tiền đi tìm. Nhưng sau ba tháng trở về với bộ mặt thiểu não, hắn cho chủ biết không hề thấy tung tích đâu cả, chắc là vợ đã chết.

Từ đấy, vợ thấy chồng chí tình, lại có lòng tu tỉnh, nên rất mừng. Nhưng nàng vẫn chưa ra mặt vội, chỉ an ủi hắn hãy ở lại đây, may chi sẽ có ngày hội ngộ.

Một hôm, nhân ngày giỗ cha chồng, bà chủ nhờ thầy đồ chép bài văn tế. Hắn ta ngạc nhiên và khôn xiết mừng rỡ khi thấy bài vị của tổ tiên nhà chủ chính là bài vị tổ tiên mình. Lập tức, hai vợ chồng ôm nhau khóc lóc. Rồi sau khi cúng xong, họ mời làng xóm và người nhà ngồi lại kể rõ sự tình. Ai nấy đều cho là một cuộc tái ngộ hiếm có.

Về sau, hai vợ chồng dựng vợ gả chồng cho hai con nuôi, giao cửa hiệu lại cho chúng cai quản. Sau đấy, họ dắt nhau trở về quê hương xưa, chuộc lại vườn tược nhà cửa cũ. Và sau khi đã sống yên ổn ở quê nhà, vợ mới sai đào hũ vàng của bố chồng cho mình ngày xưa lên. Nàng nói:

- Có vàng chắc gì đã có hạnh phúc. Cho nên trong những cơn túng thiếu nhất, tôi vẫn không cần đến nó.

Nói đoạn, đem số vàng ấy cúng cho đền chùa để bố thí cho người nghèo.

Từ đấy hai vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc [1] .

Câu tục ngữ:

Làm trai rửa bát quét nhà ,

Vợ gọi thì: - "Dạ , bẩm bà tôi đây !".

là do truyện này mà ra.


KHẢO DỊ


Ở đoạn ông già thử cô gái nấu cơm, người Hà-tĩnh kể:

Ông già đưa ra một bát gạo bảo cô gái nấu cho mình "cả cơm, cả cháo, cả bánh c ỗ khảo, lại cả nước chè". Cô gái liền thổi một nồi cơm, chắt ra một ít nước cơm làm cháo, rồi đốt nhiều than vần cho có cháy, lấy ra một tấm cháy tròn và giòn ở đáy nồi làm bánh cỗ khảo. Đoạn, lấy một ít cơm cháy khác rang lên rồi đổ nước vào nấu thành một loại nước chè uống rất thơm mát. Khi tất cả bưng lên. Ông già lấy làm vừa ý.

Người Hải-dương thì lại kể như sau:

Ông già đến nhà đưa ra một bát gạo đỏ nhờ nấu "tý cơm tý cháo". Trong khi người chị (truyện ở đây kể rằng nhà ấy có hai chị em) mắng ông già dở hơi "một nhúm gạo đỏ đòi nấu cả cơm cả cháo thì nấu sao được", thì cô em nhận lời. Đoạn cô lấy bát gạo nấu hơi nhiều nước. Khi sôi chắt lấy một ít nước cơm làm cháo, xong, gạo trong nồi còn lại thì cô ghế thành cơm.

Tiếp đó, ông già lại đưa ra ba đồng tiền bảo: - "Nhờ mua cho lão một cái quạt cầm tay, một cái nón đội đầu và tấm bánh ăn trưa". Cô chị lại bĩu môi chế nhạo ông già tiền đưa có ít đồ mua muốn nhiều. Nhưng cô em thì nhận lấy tiền mua về cho ông mấy tấm bánh đa (bánh đa khi nắng có thể che đầu, khi nóng nực có thể dùng để quạt khi đói có thể ăn tạm). Ông già rất xứng ý.

Ở đoạn sau, khi cưới con dâu về rồi, người Sơn-tây còn kể thêm chuyện ông già thử nàng dâu kiêng tên "Chín" của gia đình. Ông già đưa cho cô dâu chín đồng tiền, bảo đi chợ mua "chín nén nhang về cúng chín ông tượng". Đoạn bảo con trai kín đáo đi theo xem con dâu có thực sự kiêng tên không. Cô dâu đến nhà hàng nói: - "Tôi có "thất nhị" đồng tiền, bà bán cho tôi "ngũ tứ" nén nhang". Nhà hàng hiểu ý bán cho nàng đúng số. Khi về, ông già lại bảo con dâu thay mặt gia đình làm lễ rồi nấp ở một xó để xem khấn vái thế nào. Thì nghe con dâu thực sự kiêng tên đến nơi đến chốn: - "Lạy chư vị, tôi là con dâu ông "bát nhất", vợ chồng tôi có "nhị thất" đồng tiền, mua "ngũ tứ" nén nhang về cúng "lục tam" thánh tượng...".

Ông già khen dâu giỏi.

Ở truyện do người Hà-tĩnh kể còn nói đến một số thử thách khác của ông già đi kiếm vợ cho con trai.

Lúc đến một xóm nọ thấy có nhiều cô gái đi múc nước suối, để thử có người nào thông minh không, ông bèn mang đôi giày vốn cầm ở tay, vào chân để lội qua suối. Các cô thấy thế đều cười ồ cho ông già dở hơi, đường khô không đi giày lại đi vào đường lội. Nhưng có một cô bảo - "Cụ ấy, rất có ý tứ. Đường khô mắt nhìn thấy rõ không cần phải đi giày, chỉ có lội suối mới đi giày vào sợ giẫm phải gai góc, mảnh sành, mảnh chai què chân. Vậy đi giày là đúng".

Lần thứ nhất ông già chú ý đến cô gái ngoan.

Ở ngoài đường cái, ông già không che ô, nhưng khi vào đến cổng làng đi dưới bóng cây rậm, ông già lại giương ô lên che. Các cô gái lại được một phen cười khỏe. Nhưng cô kia nói hộ cho ông lão: - "Cụ ấy là người cẩn thận. Đi ngoài trời chẳng có gì đáng ngại nhưng đi dưới cây rậm, che ô là sợ con sâu con rắn rơi xuống, hoặc có con chim con chóc nó ỉa xuống đầu. Vậy che ô là đúng".

Một lần nữa cụ già chú ý đến cô gái ngoan [2] .

Tình tiết vừa kể tương tự với tình tiết trong một vài truyện của Ấn-độ:

Một người bà-la-môn đi tìm vợ cho con quan đầu triều của vua Kô-sa-la. Một hôm đi đến gần suối thấy một toán con gái sắp lội qua suối. Các cô khác đều lột giày ra cầm tay, chỉ có một cô tên là Vi-sa-ca để cả giày mà lội. Sau đó ông tiến tại hỏi, thì cô đáp:

- Trên đất, người ta có thể nhìn thấy rác rưởi, gai, đá, que nhọn, vảy cá, rắn rết, nhưng dưới nước thì chẳng thấy gì cả, vì vậy mà tôi đi cả giày.

Truyện ở vùng Ca-sơ-mia (Cachemire) cũng có một chàng trẻ tuổi con một quan đại thần (vi-dia) làm bạn đường với một nông phu già trở về làng. Dọc đường, anh này có nhiều câu nói thông minh kiểu câu đố làm lão già không hiểu nổi. Cuối cùng lão thấy khi lội qua một con suối anh ta đi cả giày. Về đến nhà, lão cho con gái mình hay là người bạn đường trẻ tuổi là một người dở hơi, đã nói những câu ngớ ngẩn, lại chẳng phân biệt chi suối với giày. Nhưng cô cho bố mình biết là anh rất thông minh, việc mang cả giày lội suối là để tránh giẫm những vật mà mắt không trông thấy có thể què chân [3] .

Người Nam Trung-bộ cũng có truyện Gái ngoan dạy chồng nhưng có một số tình tiết khác với truyện kể ở miền Bắc. Ví dụ ở đoạn người nhà giàu đi tìm dâu, thì ông ta không nhằm vào con gái nhà giàu mà tìm nhà nghèo. Ông lấy nhọ nồi và bùn bôi khắp người giả bộ nghèo khó, lại lấy giẻ rách buộc vào ống chân giả bộ ghẻ lở, đi ăn xin khắp nơi. Một hôm, gặp hai mẹ con một người ăn mày, ông trải chiếu nằm cạnh chỗ ở của họ, làm bộ rên đau. Cô gái, con người ăn mày động lòng thương, thăm hỏi và xua ruồi nhặng cho ông. Ngày hôm sau ông lại đến nằm rên đói. Cô gái nấu cơm cho ông ăn. Một hôm khác, ông làm bộ nằm mê, đánh rơi tiền quanh người, cô gái nhặt trả lại đầy đủ. Thấy con người tốt, ông mời về nhà mình, nói rõ sự thật, và sau đó cưới cô gái cho con trai làm vợ.

Ở đoạn chồng gặp lại vợ sau ba lần phát chẩn, thì chồng không đóng vai thầy đồ, mà được vợ cho đi chăn bò. Mỗi ngày vợ cho chồng một mo cơm mang đi ăn trưa. Nhưng chồng lúc này vẫn chưa hết thói cờ bạc, nên hôm nào cũng nhịn ăn, đổi mo cơm lấy tiền để đánh bạc, lúc về nói dối với vợ là đã ăn no. Một hôm vợ làm một mo cơm trong có bỏ một món đồ nữ trang bằng vàng, chồng lại bán mo cơm để đánh bạc, không biết trong đó có vàng. Khi đánh bò về vợ hỏi:

- Mo cơm đâu rồi!

- Ăn rồi!

- Có thấy gì không?

Thấy chồng ngơ ngác, vợ hiểu ra là chồng chưa động đến cơm. Tra gạn mãi mới biết là mo cơm đã gán cho một người ở đám bạc. Vợ lập tức cho người đi chuộc về, rồi dỡ nắm cơm ra cho chồng thấy vàng. Chồng từ đó hối hận, tu tỉnh thực sự [4] .

Đồng bào Tày có truyện Cô g ái ăn mày cũng là một dị bản của các truyện trên:

Xưa có một phú ông góa vợ, trong nhà có một trăm trâu, một trăm đám ruộng và mười chum vàng chôn ở gốc táo. Đứa con trai độc nhất chơi bời loang toàng không chịu làm ăn gì cả. Phú ông định tìm một người vợ đảm cho con nhưng chưa có đám nào vừa ý.

Một hôm, có hai cha con một người ăn mày đêm đến ngủ nhờ cạnh đống rơm trước cổng nhà phú ông. Cô gái thấy trong đống rơm còn sót nhiều thóc mới nhặt và nhằn từng hạt lấy gạo. Làm như vậy suốt đêm được một nhúm gần sáng dậy cô nấu cháo cho bố ăn. Bố hỏi làm gì mà có gạo, cô gái kể lại việc đã làm đêm qua. Phú ông đi qua nghe lỏm được câu chuyện, tấm tắc khen cô gái là một người hiếu hạnh và chịu khó, mới đón người ăn mày vào hỏi cô gái làm vợ cho con.

Từ ngày có vợ, đứa con phú ông lại mặc sức phá của. Về sau chê vợ hắn mang theo một số vàng bỏ nhà đi biệt. Hắn đi rất xa, theo đàn theo đúm tiêu hết vàng, và cuối cùng lưu lạc làm nghề ăn xin.

Ở nhà, phú ông buồn bực ốm nặng. Trước khi chết, ông chỉ cho dâu chỗ chôn vàng. Sau khi chôn cất bố chồng, cô dâu giao nhà cho bố đẻ, rồi giắt một ít vàng bạc và người, cải trang làm một người khác hẳn, ăn mặc rách rưới đi tìm chồng.

Sau khi tìm thấy chồng, vợ làm bộ không quen biết, giả cùng làm bạn ăn xin, lần hồi ăn ở với nhau như vợ chồng. Từ ngày ở với người đàn bà mới mà hắn không biết là vợ cũ, nhờ sức cảm hóa của vợ, hắn dần dần tu tỉnh. Để thử thách, một hôm vợ đưa cho chồng một số tiền nói dối là tiền chắt lót được, bảo thích gì cứ tiêu cho thỏa. Chồng cảm động không tiêu, từ đấy thức khuya dậy sớm làm hàng đi bán, bỏ nghề đi ăn xin.

Từ ngày có vốn liếng, chồng tỏ ý muốn về thăm nhà. Vợ cứ vờ như không biết, chuẩn bị cho chồng hành trang, trong đó có giá 500 chiếc bánh dầy cho chồng làm quà biếu bố, nhưng trong mỗi cái bánh có bỏ một ít vàng. Chồng đi rồi, vợ gửi nhà cho hàng xóm và đi đường tắt về trước. Đến nhà, vợ bỏ cải trang, trở thành người cũ. Chồng về thấy vợ, vẫn không biết là người bạn ăn xin vừa qua. Hắn tỏ lời hối hận, định cho vợ đi lấy chồng để mình trở về chỗ cũ. Nhưng vợ đã kể lại mọi việc, rồi bẻ bánh dầy cho chồng thấy vàng ở trong ruột, lại dắt chồng đào mười chum vàng ở gốc táo. Chồng mừng rỡ thương yêu vợ hơn trước [5] .

Đồng bào Cham-pa có truyện Chàng ngốc, dường như cũng là dị bản của các truyện trên:

Hai vợ chồng giàu, có một con trai ngốc, nghĩ rằng nếu họ chết đi, đứa con không làm sau giữ được của. Bèn đào một lỗ giữa vườn chôn vàng bạc, rồi trồng lên trên một cây lựu, một cây ổi, một cây vải, một cây cam và một cây dừa. Lại đúc cho con một cái roi bằng vàng có bảy khúc. Trước khi chết, họ dặn con lấy vợ; lại đọc một câu đố bảo con học thuộc, và dặn đưa câu đố ấy ra đố vợ; vợ đoán ra thì chớ, nếu không đoán được thì bỏ và đền cho một khúc roi vàng. Câu đố là: "Cái nhúc (?) ở dưới cây vải ai thấy vua ở dưới cây cam?"

Sau khi bố mẹ mất được vài năm, đứa con quả bị người ta lừa lấy hết cả của cải. Không biết cách làm ăn, hắn đành đi xin đưa ngày. Hắn lần lượt lấy ba người vợ rồi lần lượt bỏ cả ba, vì không ai đoán được câu đố. Mỗi lần bỏ vợ hắn đều đền bù bằng một khúc roi vàng. Sau đó, người ta mách cho một đám khác: một cô con gái nghèo mồ côi, đi ở cho người. Sau ngày cưới, hắn đưa câu đố ra đố. Nghe xong, người vợ liền hỏi: - "Nói vườn cũ của cha mẹ ở trước đây có hàng rào không?" - "Người ta đã phá hết", hắn đáp - "Còn cây gì không?" - "Có các cây ăn quả" - "Đưa tôi đến đấy." - "Để làm gì?" - "Cứ đưa đi, đừng hỏi". Thấy các cây, đoán biết ở dưới có của chôn, cô gái không nói gì, chỉ bảo chồng đào cây lựu lấy rễ - "Sao vậy?" - "Cứ việc làm đừng hỏi". Đào lên thấy một đống tiền, và bảo chồng lấy tiền mua một đôi trâu, một cái xe và thuê hai người lạ chở xe về. Chồng làm như lời. Vợ bảo hai người đó chặt cây rào xung quanh vườn và mua gỗ làm một cái nhà. Làm xong, bảo chồng đào các cây lên và lấy được vàng bạc. Vợ chồng Ngốc lại trở nên giàu có [6] .

Truyện Mã Sài Lao Pản của người Mèo tuy diễn biến có phần khác nhưng chắc chắn có mượn một phần cốt truyện của loại hình Gái ngoan dạy chồng:

Hai vợ chồng nhà giàu nọ chỉ có một con trai, cưới vợ cho con xong thì họ qua đời. Đứa con trai thường đi buôn xa. Một hôm, vợ hắn cho một khách buôn nước ngoài ngủ trọ trên gác. Đêm lại khách dòng dây thả những thoi bạc xuống chỗ người đàn bà dệt vải, hy vọng nàng ưng thuận. Lần lượt thả đến 100 thoi mà không ăn thua, người đàn bà chỉ cho hắn ăn rồi phục rượu say để bảo toàn trinh tiết. Khách buôn ra đi, tiếc của, tình cờ gặp chồng người dàn bà, hắn nói: - "Tôi ngủ ở nhà một cô gái nọ, nó quyến rũ tôi lấy mất một trăm thoi bạc". Nghe nói, chồng nghi cho vợ không trung thành, bèn đền bạc cho hắn rồi về đuổi vợ. Từ đây, truyện giống với truyện của ta: Vợ bỏ đi, lần hồi ra nước ngoài, ăn mặc giả đàn ông, buôn bán trở nên giàu có lớn, người vùng ấy gọi là ông chủ. Từ khi đuổi vợ, chồng trở nên buôn thua bán lỗ, của cải lần lượt phá tán. Hiểu nỗi oan của vợ, hắn bèn bỏ làng đi làm thuê, lưu lạc ra nước ngoài vô tình đến chỗ vợ ở mà không biết, nuôi thân bằng nghề kiếm củi. Một hôm vợ gặp, biết là chồng, liền mua gánh củi, dặn hàng ngày mang đến bán, ít lâu sau thuê hắn làm công ở trong nhà, nhưng không cho hắn biết mình là ai. Thấy hắn ký cóp để dành trọn, hỏi thì đáp là để đi tìm vợ, nói rồi hắn kể hết chuyện nhà và tỏ ý hối tiếc hành vi ngày xưa của mình.

Một hôm vợ thử chồng bằng cách rủ hắn đi chơi rồi rủ đánh bạc, nhưng hắn không nghe. Lần thứ hai lại thử bằng cách xin Trời cho hóa hổ rồi vác hắn lên lưng đặt vào nhà một bà góa, sau đó lại đặt vào nhà một cô gái đẹp và giàu, nhưng hắn đều không xiêu lòng. Hắn bỏ chạy về nhà "ông chủ" thì vợ đã trút lốt hổ đồng thời trút bỏ cải trang. Hắn dần dần nhận ra vợ, hai vợ chồng từ đó lại sống hạnh phúc [7] .

[1] Theo Thực nghiệp dân báo (1924) và theo lời kể của người Hà-tĩnh, Hải-dương, Sơn-tây.

[2] Sưu tầm của Thanh Minh.

[3] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren.

[4] Theo lời kể của người Phú-yên.

[5] Theo Truyện cổ Việt-bắc, đã dẫn.

[6] Theo Lăng-đờ (Landes). Truyện cổ tích Cham-pa , đã dẫn. Trong truyện này, Người kể chưa giải thích rõ ý nghĩa câu đố và do đó chắc có bỏ đi một số tình tiết hay của truyện.

[7] Theo Truyện cổ tích dân tộc Mèo . Sách đã dẫn.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #92  
Old 03-10-2013, 04:11 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần IV - Thông minh, tài trí và sức khỏe (tt)

BÀ LỚN ĐƯỜI ƯƠI


Trong vùng rừng núi miền Tuyên Hưng có giống khỉ gọi là dã nữ. Thỉnh thoảng người ta bắt được vài con đem về tập cho nói một vài tiếng người. Họ nuôi chơi làm cảnh, và quen gọi là đười ươi.

Ngày ấy ở kinh thành Thăng Long phố xá buôn bán đã mọc lên san sát. Nhiều cửa hiệu to lớn cất đủ mọi thứ hàng như gấm vóc, tơ lụa, pha lê, đồ sứ, v.v ... Bọn chủ hiệu chỉ trông nhờ vào sự mua sắm của đám quan lại. Hồi bấy giờ hàng quan võ được coi trọng, mà quan võ thì phần nhiều là người đàng trong, quê hương nhà Chúa. Vợ con họ cũng theo đòi kiểu cách nhà quan: cũng hoa tai vành cánh, cũng cáng xá, cũng con hầu, đầy tớ xúm xít từng đoàn, v.v ... Bọn chủ hiệu chỉ thích họ có mỗi một điều là khi mua hàng khai bao nhiêu họ giả bấy nhiêu, ít có sự cò kè bớt một thêm hai như bọn nhà quan xứ Bắc. Cho nên bọn chúng coi họ là khách bở, chào mời rất mực đon đả, nhiều khi cứ đưa hàng đến nhà rồi mới lấy tiền sau.

Chợt một hôm kia, trên đường phố có một cái cáng mui luyện, lá sắn buông kín mít, khiêng qua. Vẻ lộng lẫy của những người hầu: áo nỉ đỏ, cổ viền kim tuyến, làm cho người ta choáng mắt. Cáng dừng lại trước một dãy phố. Một người hầu tiến lại khúm núm bên cáng. Một lát sau, hắn tìm vào một hiệu buôn mà chủ nhân đã đón sẵn, chào mời những tiếng ngọt như mật.

Hắn nói nhỏ với bà hàng:

- Bà lớn tôi khó ở, không tiện xuống cáng xem hàng được. Bà lớn tôi muốn mua rất nhiều các thứ gấm, vóc, the, đoạn cùng một số đồ sứ, pha lê như kê trong giấy này. Vậy hiệu đây có những thứ hàng gì tốt hãy đưa để bà lớn tôi mua.

Đánh hơi thấy món hời, chủ hiệu mừng quá, vội dốc tủ đưa ra những thứ đắt tiền nhất. Hàng nào không đủ thì hắn lại sai người đến các cửa hiệu quen lấy về. Người đầy tớ hầu lần lượt mang hàng đến bên cáng để bà lớn xem và nói giá cả để bà lớn biết. Thứ hàng gì đưa vào cũng được bà lớn khen "được, được", "tốt, tốt". Chủ hiệu chưa bao giờ thấy một người khách sang dễ tính đến thế, trong lòng mừng khấp khởi, nhẩm tính tổng cộng số hàng có đến mấy trăm lạng bạc. Xong đâu đấy người hầu bảo:

- Bà lớn đây là vợ một quan lãnh mới ra kinh lĩnh chức. Dinh quan lớn tôi cách dinh quan tổng đốc mười ba ngô về phía Nam. Nhà hàng muốn lấy tiền hoặc bạc nên hãy chịu khó đến đó mà nhận.

Chủ hiệu vâng vâng dạ dạ rối rít. Thế rồi chỉ một lát sau, bọn quân hầu kẻ ôm vóc nhiễu, người cắp gấm đoạn, kẻ mang đồ lặt vặt chạy rầm rập theo sau cáng bà quan.

Đến nơi, bọn phu cáng dừng lại toan vén màn mời bà lớn xuống. Tên hầu gắt:

- Bà lớn đang ngủ! Chúng mày hãy lấy "ngạc" mà đặt cáng lên rồi đứng trông đây chờ bà lớn dậy. Chủ hiệu thì hãy vào ngồi trong hàng nước kia, đợi chúng tôi mang hàng vào để quan lớn xem đã, rồi sẽ gọi vào nhận tiền.

Sau đó, một toán mang hàng vào dinh. Chờ một hồi lâu, bọn phu cáng cũng lần lượt đi mỗi người một ngả. Cuối cùng chỉ còn trơ lại chiếc cáng với chủ hiệu. Sinh nghi, chủ hiệu bèn tiến lại gần xem sao thì vẫn nghe thấy tiếng ngáy đều đặn của bà lớn. Tuy vậy, hắn bạo dạn khẽ vén lá sắn lên xem thì thấy trong cáng chỉ có một con đười ươi mặc quần áo đàn bà bị buộc chặt với võng, chả có bà lớn nào cả. Đười ươi thoáng thấy người thì nói lên mấy tiếng "được, được", "tốt, tốt". Biết là bị mắc lừa, hắn hốt hoảng, chạy vội vào dinh thì mới hay đấy là mấy ngôi nhà, trước kia cũng là nơi đóng quân của đội túc vệ, nay bỏ hoang, phía sau có cổng bỏ ngỏ thông với các lối khác.

Sau một thời gian thuê người tìm kiếm mà không thấy tăm hơi lũ bợm đâu cả, hắn đành ôm hận trở về với chiếc cáng cũ và con đười ươi [1] .


KHẢO DỊ


Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút cũng có kể một mẹo lừa của bọn lưu manh đời Lê mạt ở kinh thành Thăng Long tương tự với câu chuyện kể trên, chỉ khác là kẻ nằm trong võng không phải là đười ươi mà là một bà già ăn mày mù. Các truyện này phần nào phản ánh thái độ của nhân dân đối với tầng lớp thương nhân, trong điều kiện một xã hội thương nghiệp không phát triển như nước ta.

[1] Theo Đại Nam đồng văn nhật báo
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #93  
Old 03-10-2013, 04:14 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần IV - Thông minh, tài trí và sức khỏe (tt)

CON CHÓ


Ngày xưa có hai mẹ con một anh chàng nhà nghèo rớt mùng tơi. Anh chàng lang thang đi kiếm việc làm nhưng chả có ai thuê cả. Mãi sau có một chủ thuyền buôn thấy anh khỏe mạnh lại biết bơi lội mới thuê làm thủy thủ. Hắn hứa cho anh cơm một ngày ba bữa và bốn mươi quan tiền trả trước. Anh chàng mừng rỡ tưởng không có hạnh phúc nào hơn thế nữa, vội cầm ba mươi quan đem về cho mẹ tiêu, còn mười quan thì mang theo định để dành may mặc.

Thuyền cất hàng, vượt biển luôn năm ngày đến một thị trấn lớn. Trên bến người mua kẻ bán chen chúc như hội. Bọn thủy thủ bảo chàng:

- Ở đây thứ gì cũng buôn được. Cứ mua một ít đưa về quê nhà bán là tự khắc có lãi.

Anh chàng xưa nay không quen buôn bán nên cầm mười quan tiền trong tay chưa biết nên mua thứ hàng gì. Bỗng chốc anh thấy có một người mang ra bến một con chó bị trói toan vứt xuống sông. Lấy làm thương, anh vội ngăn lại và hỏi duyên cớ. Người ấy cho biết chó này là của chủ mình. Hôm nay chủ đi chợ mua thịt về dọn tiệc, không rõ cắt đặt thế nào để chó ăn vụng mất cả. Chủ tức giận trói chó đánh một trận thừa sống thiếu chết rồi sai đi buông sông. Nghe kể thế, anh chàng xin mua lại con chó. Người kia cười mà rằng:

- Nó chỉ chuyên môn ăn vụng, anh mua về làm gì?

Chàng đáp:

- Thây kệ, cứ bán cho tôi đi!

Cuối cùng anh chàng xỉa ra ba quan mua lấy con chó, cởi trói cho nó, đoạn xích lại bên chỗ mình làm việc.

Sau đó một chốc, anh lại trông thấy có một người đàn bà mang một con mèo toan vứt xuống sông. Anh chàng vội ngăn lại và hỏi duyên cớ. Khi biết tội trạng của mèo cũng chỉ là ăn vụng, anh nài nỉ để con vật lại cho mình. Thấy người đàn bà khuyên can không nên mua thứ mèo xấu nết, anh không nghe và nói:

- Thây kệ! Chị cứ bán cho tôi đi!

Thế là cuối cùng mèo cũng thoát chết. Và người chủ mới của nó sau khi xỉa ra ba quan để mua, đem buộc lại gần bên con chó.

Ngồi một mình trên thuyền, thấy buồn, anh chàng bèn bỏ thuyền lên bộ đi dạo bờ sông. Bỗng chốc anh thấy có ba đứa trẻ chăn trâu bắt được một con rắn nước, toan dùng roi xử tội. Anh chàng vội chạy lại ngăn cản:

- Các em đừng đánh nó, nó là rắn nước, có làm hại ai đâu?

- Mặc kệ chúng tôi - bọn trẻ đáp - Chúng tôi bắt được nó, chúng tôi đánh, ông cản làm gì?

Thấy bọn chúng khăng khăng cố tình giết rắn, anh chàng lại dùng tiền để cứu con vật vô tội. Chúng đòi năm quan. Mãi sau anh mới bớt được một. Thế là tất cả số tiền mang theo đều lần lượt vợi đến hết. Mua được con rắn, anh vội thả xuống sông cho nó trở về xứ sở. Bọn thủy thủ khi nghe anh kể lại những việc mua bán của mình thì đều cười ngất, cho là một người khờ dại ít có. Anh chỉ ngồi lặng yên không nói gì cả.

Khi thuyền bắt đầu trở về, vào khoảng nửa đêm, anh đang chèo bỗng thấy con rắn nước bơi từ dưới sông bơi lên trao cho mình một viên ngọc và nói:

- Cha tôi là Long Vương, cảm ơn anh đã cứu mạng tôi, cho tôi đem biếu anh một viên ngọc "băng xuyên" để mời anh xuống chơi. Mang ngọc vào mình, anh có thể đi được dưới nước cũng dễ dàng như đi trên bộ.

Anh chàng nghe nói vội buông chèo đi theo rắn nước xống Thủy phủ. Quả nhiên, anh được vua Long Vương tiếp đãi rất hậu, tống tiễn ngọc vàng châu báu rất nhiều. Sau đó anh được người của Long Vương đưa về tận nhà.

Chủ thuyền thấy mất hút anh, tưởng anh đã rơi xuống nước, bèn đỗ thuyền lại, lên bộ trình với xã sở tại. Nhưng khi mọi người về đến quê hương thì họ rất lấy làm ngạc nhiên, vì anh thủy thủ trẻ tuổi đã về đến nhà ba ngày trước rồi.

Từ đó anh trở nên giàu có. Nhưng anh vẫn sống một cuộc đời bình thường với người mẹ già. Con chó, con mèo được anh cứu vẫn theo anh không rời. Về sau, anh lấy vợ. Vợ anh là một cô gái đẹp. Nàng rất thích đeo nữ trang. Thấy viên ngọc "băng xuyên" chiếu sáng một góc tủ, nàng thích lắm nên một hôm lấy trộmg mang đến cho một người thợ kim hoàn bảo đánh cho mình một chiếc ngẫn. Không ngờ, người thợ kim hoàn biết là ngọc quý ít có trong thế gian, bèn đi kiếm một viên khác tương tự như thế đánh tráo vào mà cướp lấy bảo vật.

Khi biết rõ chuyện mất cắp, anh chàng thủy thủ trở nên buồn bã. Hàng ngày anh ra bờ sông mong tìm lại con rắn nước nhưng chả làm sao gặp được. Chó và mèo thấy chủ không vui, một hôm nói với chủ xin đi tìm viên ngọc.

Đường đi đến nhà người thợ kim hoàn phải qua một con sông rộng. Không có cách gì vượt qua cả, hai con vật cứ loanh quanh ở trên bờ. Về sau chúng nó tìm được vào nhà một con rái cá. Chúng kể sự tình cho rái cá nghe và nhờ nó đưa giúp qua sông. Rái cá vui lòng gọi các bạn bè của nó đứng sát vào nhau, kết thành một cái bè cho chó và mèo ngồi lên lưng, chở qua sông yên lành.

Khi đến nhà người thợ kim hoàn, mèo bảo chó:

- Để tao trèo lên nóc nhà kêu lên mấy tiếng cho những con chó trong nhà xúm lại sủa. Thế là mày cứ đường hoàng theo cổng mà vào không ai biết.

Quả nhiên, bầy chó nhà của người thợ kim hoàn nghe mấy tiếng mèo kêu vội xông ra đuổi. Mèo dẫn chúng đi thật xa nên chó ta lẻn vào nấp dưới một cái hầm, vô sự.

Khi hai con vật gặp lại nhau, chúng tìm tòi khắp trong nhà. Tất cả của cải của lão thợ kim hoàn đều bỏ trong một cái rương xe, luôn luôn khóa kín, không dễ gì lọt vào được. Mèo bèn cố sức tìm tòi, chụp bắt được một con chuột. Chuột van lạy xin tha mạng. Mèo bảo nó dẫn mình đến gặp chuột chúa đàn. Mèo nói rõ cho chuột chúa biết việc mình đến đây, và nhờ hắn giúp mình lấy cho được viên ngọc, đổi lại, mèo hứa sẽ luôn luôn để ý không phạm đến tôn tộc nhà chuột ở đấy. Chuột chúa đàn vâng lời ngay:

- Để tôi bảo lũ con cháu, tôi tớ trong nhà khoét chiếc rương của nó ra, tìm cho các ông.

Nhưng đến khi lọt được vào trong rương, lũ chuột tìm mãi vẫn không thấy ngọc. Chuột chúa đàn ra báo lại cho mèo biết, và nói:

- Trong rương này có một cái hộp bằng bạc. Có lẽ nó giấu ngọc trong đó; cái hộp đó thì khó lòng mà gặm được.

- Vậy làm thế nào bây giờ? - Mèo hỏi.

- Chỉ có cách là chúng tôi sẽ nhờ xóm giềng hợp sức cùng chúng tôi khoét rộng lỗ thủng làm sao đưa lọt cái hộp ấy ra đây cho các ông tìm.

- Thế thì làm gấp lên đi!

Chỉ trong một đêm, cả xóm nhà chuột đã gặm nát rương, lấy được cái hộp đưa ra cho mèo. Hai con vật tìm cách phá hộp ra, quả thấy viên ngọc của chủ. Chúng vô cùng mừng rỡ.

Sau khi ra khỏi nhà người thợ kim hoàn, chó tranh mèo mang ngọc. Nhưng đến lúc sắp sửa sang sông, vì mắng nhau với một con chó khác, nên chó đã để ngọc văng xuống nước. Một con cá trông thấy ngọc sáng vội bơi tới đớp và nuốt ngay.

Thấy chó để mất ngọc, mèo giận quá mắng chó một trận thậm tệ. Chó biết lỗi, lặng thinh, cuối cùng mếu máo:

- Biết làm sao bây giờ?

Suy nghĩ một lát, mèo tìm được một kế bảo chó:

- Chúng ta sẽ tìm đến một nhà thuyền chài ở vùng này xin ở với họ. Thế rồi chờ khi họ câu được con cá đã nuốt viên ngọc thì sẽ kiếm cách cướp lấy đem về.

Chó khen mưu kế hay, bèn cùng mèo tìm đến một gia đình ông chài đang đỗ thuyền lại ở bờ sông phơi lưới. Hai con vật cỏ ra rất khôn ngoan, hiền lành nên được cả nhà đối đãi tử tế.

Mấy hôm sau, ông chài đánh mẻ lưới được một con cá chày rất lớn, mổ ruột ra, thấy có viên ngọc. Chó và mèo khấp khởi mừng thầm. Trong khi cả nhà đang trao ngọc cho nhau để xem của lạ, thì mèo lẹ làng tiến lại cọ người vào chân chủ. Nhân khi chủ sơ ý, nó nhảy lên ngoạm lấy viên ngọc và lập tức cong đuôi nhảy lên bờ chạy mất. Thấy thế, chó cũng ba chân bốn cẳng chạy theo làm mấy bố con ông chài ngơ ngác chẳng hiểu vì sao.

Lần này mèo tranh chó mang ngọc. Mèo lên mặt khôn, bảo chó:

- Lần trước ngậm bị rơi mất, lần này có cách rất hay là đội lên đầu. Sắp đến nhà rồi, chả sợ gì nữa.

Nó nói thế nào thì làm như thế.

Nào ngờ mới đi được một quãng đường, bấy giờ có một con quạ đang bay trên không trung, nhác thấy có cái gì lấp lánh trên đầu mèo, thình lình sà xuống đớp lấy rồi bay lên đậu trên cành cây cao. Thấy ngọc lại mất, chó đến lượt mắng chửi mèo rất dữ, rồi nói:

- Ngọc rơi xuống nước còn có thể lấy được, chứ bay lên trời thì đừng có hòng.

Mèo buồn rầu, nhưng ngẫm nghĩ một lát, nó lại bảo chó:

- Đúng rồi. Tao đã nghĩ ra được một kế.

Chó hỏi:

- Kế gì?

Đáp:

- Giả chết bắt quạ.

Nói xong mèo chạy xuống bờ sông uống một bụng nước đầy căng. Đoạn trở về xua chó trốn đi một chỗ, còn mình thì tới nằm dưới gốc cây phơi bụng trắng hếu giả vờ chết.

Quạ đang ngậm ngọc đậu trên ngọn cây nhìn xuống thoáng thấy có bóng con vật chết, vội vàng bay xuống toan rỉa thịt. Nhưng khi quạ vừa đáp tới thì mèo đã nhảy xổ lên vồ lấy quạ. Quạ van lạy xin trả lại viên ngọc cho mèo để được tha mạng. Mèo chỉ đợi có thế, ngoạm lấy viên ngọc, ra đi.

Lần này, cả hai con đưa ngọc về đến nhà vẹn toàn. Anh chàng thủy thủ lấy lại được món tặng vật của Long vương hết sức vui mừng. Hắn càng thêm quý mến hai con vật có tình có nghĩa [1] .


KHẢO DỊ


Ở Nghệ An, có người kể truyện Con chó, con mèo và con chuột cũng có thể là một dị bản của truyện trên.

Một người nghèo nuôi một con chuột, chuột thường sang bên nhà giàu hàng xóm kiếm ăn. Người kia hỏi chuột vì sao nhà ấy giàu. Đáp: -"Nó có một nén vàng" - "Có lấy được không?" - "Được". Chuột bèn khoét hòm tha vàng về cho chủ. Người nhà giàu mất của, thấy lỗ khoét mới sai mèo đi tìm. Mèo bắt các con chuột đến đo ở lỗ khoét thì có một con vừa tầm. Tra hỏi thì nó thú tội và nhận đi lấy về trả, có chó với mèo đi theo. Chuột lấy được trao cho mèo. Đến sông mèo để rơi vàng xuống nước. Mèo nhờ con tấy (rái cá) lặn xuống tìm hộ. Được vàng rồi, đến lượt chó mang đi. Dọc đường mệt quá, chó nghỉ dưới bóng cây. Mèo nhận việc trèo cây để canh giữ. Nhưng khi chó ngủ quên, mèo trộm lấy mang về trước, giành công một mình [2] .

Một truyện khác ở Nghệ An cũng là một dị bản thứ hai:

Có hai anh em nghèo khổ, ăn không đủ no, sống bằng rượu kê và hàng ngày đi làm thuê. Một ngày nọ họ đào được một cái bình đẹp. Anh cầm lấy xem và nói chơi rằng: -"Trời đã cho ta, ước gì được một bữa no". Hôm ấy đi làm về tự nhiên thấy hai cỗ cơm bày sẵn, anh em ăn no. Lại ước một người vợ. Sáng hôm sau quả có cô gái tìm đến làm vợ. Rồi sau ước vàng bạc của cải và nhờ vậy trở nên giàu có. Lại nuôi được một con mèo, một con chó rất khôn.

Có chủ đất làng khác nghe tin, bèn đến trộm lấy cái bình. Mất bình, anh em buồn rầu, chó mèo thấy thế bèn xin đi tìm. Đến nơi thì cửa đóng chặt không vào được. Bắt được một con chuột to, mèo bảo nó hễ lấy được bình ra sẽ tha. Chuột tìm lần đầu không thấy, lần sau khoét rương lấy được bình cho mèo. Chó mang bình lội qua sông, một con tấy (rái cá) nổi lên đột ngột làm chó hoảng sợ để bình chìm xuống sông. Mèo giả chết nằm bên bờ sông. Một con cộc bay đến bị mèo chụp, cộc phải lặn tìm bình để chuộc tội. Cuối cùng lại tìm thấy bình, cộc bèn đưa cho mèo về nộp chủ [3] .

Tương tự với truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ , ta còn có truyện Con tôm vàng :

Một người nhà giàu nuôi một con mèo. Con vật hết lòng với chủ. Một hôm chủ mất một con tôm bằng vàng, bảo mèo đi tìm. Mèo bắt một con chuột ra tra gạn. Chuột cho biết có anh thợ bạc vào lấy trộm. Mèo bảo chuột cùng đi tìm. Ở đây tình tiết của truyện giống với truyện trên kia nhưng không có chó, mà chuột thì kiêm luôn cả việc đục hòm lấy tôm vàng. Cũng không có việc nhờ rái cá đưa qua sông. Việc tìm tôm vàng dưới nước được giải quyết bằng cách dọa một con cá trong khi nó lóc lên bờ, bắt nó xuống tìm. Đoạn cuối, mèo đội tôm lên đầu bị quạ tha mất và mưu kế của mèo giả chết bắt quạ y hệt như truyện đã kể [4] .

Người Khơ-me (Khmer) có truyện Chàng Cơm Cháy rất giống với truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ của ta.

Một đứa trẻ nhà nghèo phải đi xin từng miếng cháy mà ăn, nên người ta gọi là Cơm Cháy. Cơm Cháy ở với bà. Một hôm, nó đi câu nhưng không được gì. Thần Đế Thích thương tình cho ba con cá lần lượt mắc vào lưỡi. Y như truyện của ta, khi Cơm Cháy đưa cá về thì gặp một người toan vứt xuống sông một con mèo ăn vụng của chủ. Chàng xin đổi hai con cá. Lần thứ hai cũng gặp một cảnh gần như thế, chàng đổi được một con chó. Hai con vật hàng ngày chia nhau, con đi trộm cơm, con đi trộm thịt về cho chủ.

Một hôm Cơm Cháy đem chó lên rừng lùng rùa. Bắt được hai cái trứng rất lớn, Cơm Cháy mừng lắm mang về bảo bà mượn cho mình cái nồi lớn để luộc. Không ngờ đấy là trứng của vợ Long vương đẻ ra trong một cuộc lên chơi cõi trần. Lần thứ nhất Cơm Cháy không luộc được trứng, vì người làng thấy trứng lạ không cho luộc trong làng; lần thứ hai sắp luộc thì hai trứng đã nở, có hai con rồng lật đổ nồi bò ra. Cơm Cháy bắt về bỏ vào chậu. Sáng mai thấy lớn đầy cả chậu. Đem bỏ vào vại sáng mai thấy lớn đầy cả vại, lại phải bỏ ra ao. Đến ngày thứ bảy hai con vật to lớn không thể tưởng tượng được. Cơm Cháy không đủ thức ăn mà nuôi nữa. Nhưng hai con của Long vương (Naga) ấy đã rủ Cơm Cháy về nhà chúng. Truyện còn kể, trước khi gặp bố mẹ, hai anh em còn kéo chân mẹ đang tắm và tỷ thí với cha để sau đó được nhận là con. Để trả ơn, Long vương cho Cơm Cháy một viên ngọc ước.

Cơm Cháy trở về bắt bà đi hỏi con gái vua làm vợ. Vua thách làm một nhà vàng, một cầu bạc. Cơm Cháy nhờ ngọc, có đủ mọi thứ cần thiết. Cuối cùng chàng lấy được công chúa một cách dễ dàng.

Nghe tin ở Khơ-me (Khmer) có nhà vàng cầu bạc, vua Xiêm đem quân sang cướp. Cơm Cháy xin đi dẹp, và chàng đã làm cho quân địch tan tác không còn mảnh giáp. Một tên tù binh giặc vào hầu ở nhà Cơm Cháy đã nhân lúc chàng sơ hở, đánh cắp lấy ngọc trốn về nước, nộp lên vua. Cơm Cháy bảo mèo và chó đi tìm hộ. Từ đây câu chuyện gần giống với truyện của ta.

Đại thể mèo cũng ra lệnh cho chúa chuột bảo quân lính của mình thi nhau gặm tủ sắt vua Xiêm trong có viên ngọc. Chúng gặm hăng quá nên con nào con ấy gãy cả răng, (thành ra bây giờ giống chuột chỉ còn mấy chiếc răng cửa). Được ngọc, chó giành mèo mang về, nhưng lại để rơi xuống nước lọt vào bụng cá. Mèo đến bờ sông chộp một con rái cá và bắt nó đi tìm. Rái cá tra tìm được ngay. Chó lại tranh mèo mang đi. Gặp diều, chó sủa ầm ỹ nên đánh rơi, viên ngọc lọt vào tay diều. Mèo lại phải dùng kế: bắt một con rắn hổ mang buộc nó phải mổ chết một con bò. Thấy có bò chết, diều sà xuống rỉa nhưng mèo đã rình sẵn, chộp lấy diều và bắt nó phải nhả viên ngọc. Chó lại giành mèo mang ngọc, nhưng lại đánh mất lần thứ ba. Lần này nhờ mưu mèo đưa mật biếu kiến chúa để kiến tung quân đi tìm.

Được ngọc trở lại, Cơm Cháy làm cho kẻ thù tan tác, và sau khi thắng lợi, được vua nhường ngôi [5] .

Phần nhiều các dân tộc ở Tây-nguyên đều có truyện trên nhưng mỗi dân tộc kể một khác.

Truyện của đồng bào Ca-tu thì con thuồng luồng thay cho con rắn. Anh chàng nghèo khổ trong truyện cứu được con thuồng luồng con vua Thủy tề bị đá đè phải lưng. Lúc vua Thủy tề trả ơn, nhờ thuồng luồng mách, anh xin vua quyển sách ước. Có quyển sách màu nhiệm, anh ước ra gạo, ước một con chó giữ nhà và một con mèo bắt chuột.

Lão chủ làng tình cờ đến nhà anh lục được quyển sách ước bèn đánh cắp. Mất sách, anh sai chó và mèo đi tìm. Cũng như các truyện trên, đến nơi, mèo buộc chuột phải tìm sách ước. Tìm thấy rồi hai con vật mang về, nhưng chó lội sông để cho sách ước trôi, bị cá nuốt vào bụng. Hai con vật lại đến nhà thuyền chài, xin ruột cá để lục tìm. Cuối cùng cũng lấy được sách ước đưa về cho chủ.

Đoạn sau là cuộc chiến đấu giữa chủ làng và nhân vật chính. Nhờ có sách ước, anh bắn chết chủ làng và đồng bọn.

Truyện của đồng bào Ja-rai (Djarai):

Y Rít kết bạn với một con rắn mà anh cứu khi nó sa vào bẫy của một con hổ. Rắn là con vua Thủy tề. Rắn cũng rủ anh về thủy phủ, và dặn anh cố xin cho được chiếc quạt thần mà chủ nhân của nó là một cô gái xinh đẹp. Nhờ quạt thần, anh trở nên giàu có, có vợ đẹp tức là nữ thần quạt.

Trong thời gian Y Rít đi vắng, có vua Y Oéc đưa quân đến cướp của cải, kể cả quạt thần và bắt vợ anh. Y Rít trở về quyết đi tìm, có cả mèo và chó cùng đi. Dọc đường, mèo và chó rủ được chuột bạch và nhím đi theo. Nhờ có con ốc - mà anh cướp được ở tay một con lợn thần - hút cạn nước biển, anh tới nơi ở của Y Oéc. Trước hết chuột bạch nhận công việc đi dò xét. Sau đó Y Rít chia việc: nhím đào hầm, chuột đục thùng hòm sắt để lấy quạt thần. Trong khi đó thì chó và mèo cố đùa giỡn để đánh lạc hướng Y Oéc.

Được quạt, Y Rít vượt biển cạn về nhà. Xong, anh bảo ốc trả lại nước cho biển. Rồi anh dùng quạt quạt lên: vợ anh và của cải lại trở về, cả kẻ thù của anh và của cải của y cũng bị gió đưa tới. Hắn bị anh chém làm ba khúc và chiếm lấy mọi của cải.

Anh chàng nghèo khổ nhân vật chính trong truyện của đồng bào Ba-na (Bahnar) cũng là Y Rít. Rít ở với bà. Nhân đi chợ, anh mua được con mèo gầy, một con rắn bị đánh gần chết và một con chó ghẻ. Cả mấy con được Rít nuôi dưỡng, chúng kết bạn với anh. Anh muốn có rìu và rựa. Chó và rắn đi lấy nhưng không kết quả, chỉ có mèo là thành công. Được rìu và rựa, lại nhờ chó chỉ cho một cây mai, Rít chặt về. Trong cây có một cô gái hàng ngày hiện ra nấu cơm, cho lợn gà ăn và dọn dẹp nhà cửa, sau trở thành vợ Rít.

Đồng bào Ba-na (Bahnar) còn có một truyện khác là Bót Hét có thể xem là một dạng kết hợp giữa truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ với truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán (số 48 , tập II ) của ta:

Ông Hét lần lượt dỗ các em bé nín khóc, được bố mẹ chúng cho mác, cuốc và dao. Ông lại dùng những vật này lần lượt đổi lấy một con mèo, một con chó và một con trăn đều sắp sửa bị giết vì tội ăn vụng và trộm. Những con vật ấy đi theo ông làm bạn. Nhưng con trăn là con vua Thủy tề, nó đưa Hét xuống thăm thủy phủ và được vua tặng một chiếc nhẫn thần. Từ đó ông giàu có, lấy được vợ, sống rất sung sướng.

Nhưng một hôm vợ Hét để cho tên cướp lấy mất nhẫn quý. Thấy chủ buồn, chó mèo tình nguyện đi tìm. Được thần linh chỉ cho chỗ ở của tên cướp ngoài hải đảo, chó mèo tìm cách ra đấy. Đến nơi, mèo bắt một con chuột đi tìm, chuột lấy đuôi quệt vào miệng tên cướp, tên cướp há miệng trong có giấu chiếc nhẫn, mèo lập tức lấy được đưa về. Dọc đường nhẫn cũng rơi xuống nước và nhờ sự giúp đỡ của chim bói cá, mèo lấy lại được nhận quý đưa về cho chủ [6] .

Người Bắc Ninh lại có một tập truyện dưới dạng kết hợp giữa Sự tích con dã tràng (số 15 , tập I ) với truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ :

Dã Tràng một hôm bắn chết một con rắn vợ ngoại tình, được rắn chồng tặng một viên ngọc, ngậm nó có thể nghe được tiếng loài vật (nhưng nếu để đàn bà ngậm thì ngọc sẽ tan ra nước). Một hôm, anh được đàn quạ mách chỗ có con nai chết; anh quên để bộ lòng cho quạ, bị quạ chửi, anh bắn nó, nó cắp lấy mũi tên có đề tên anh cắm vào xác một công chúa chết trôi. Vì thế anh bị bắt vào ngục. Ở trong ngục có lần Dã Tràng nghe bầy kiến gọi nhau chuẩn bị chạy lụt. Anh báo cho vua biết tin ấy kịp thời và nhờ đó giảm bớt thiệt hại cho dân. Vua hỏi chuyện anh, rồi đòi xem viên ngọc, nhưng khi ngọc quý lọt vào tay, vua chiếm đoạt luôn.

Thấy chủ than thở với vợ, chó và mèo nghe chuyện bèn tình nguyện đi tìm ngọc. Ban đầu mèo vào cung dùng đuôi ngoáy mũi vua đang ngủ, vua hắt hơi, viên ngọc ngậm trong mồm văng ra, mèo cướp lấy mang trở về, chó đòi mang thay nhưng chó tham ăn làm rơi ngọc xuống sông rồi về trước vu cáo mèo với chủ. Trong khi đó thì mèo ở lại, giúp việc cho ông chài và cuối cùng tìm được ngọc ở trong ruột cá. Được lại viên ngọc quý, Dã Tràng thưởng cho mèo, hắt hủi chó (thành ra bây giờ người ta cho mèo ăn vào đĩa bát, còn với chó thì đổ cơm xuống đất cho ăn).

Nhưng về sau ngọc tan ra nước vì vợ Dã Tràng đòi ngậm. Dã Tràng tiếc quá đi thơ thẩn ra biển rồi chết hóa thành con dã tràng hàng ngày cứ vo cát như kiểu viên ngọc [7] .

Nội dung truyện Chàng Sơn của đồng bào Mường cũng tương tự với truyện vừa kể, nhưng ở đây chỉ có mèo mà không có chó, và phần cuối diễn biến cũng có những xáo trộn và thay đổi:

Chàng Sơn nhờ cặp vợ chồng rắn trắng cho nước bọt làm tiên thuốc nên sống sung túc. Một hôm anh định bắn chết một con rắn đen để cứu rắn trắng. Không ngờ bắn nhầm phải con rắn trắng vợ. Rắn trắng chồng trước toan báo thù, nhưng sau biết ý định tốt của Sơn, bèn tặng Sơn một viên ngọc nghe được tiếng loài vật.

Một hôm, vì quên để dành bộ lòng cho quạ nên chàng Sơn bị quạ báo thù bằng cách sai chuột đến lấy trộm viên ngọc của anh. Chuột đã thành công nhờ mưu ngoáy đuôi vào mũi Sơn, khiến Sơn hắt hơi làm văng viên ngọc ngậm ở miệng lúc ngủ.

Mèo giúp Sơn đi tìm viên ngọc. Mèo tóm lấy chuột, buộc chuột phải khai sự thật. Khai xong, chuột còn bày cho mèo kế "giả chết bắt quạ". Quạ thấy mèo nằm chết, tưởng có món bở, sà xuống định mổ. Không ngờ mèo chộp được quạ, giành lấy viên ngọc, rồi đưa cho chủ. Quạ giận lắm, một hôm nhân cắp được mũi tên có khắc tên của Sơn, bèn cắm vào xác chết trôi sông. Sơn do đó bị hạ ngục. Nhưng nhờ có ngọc, Sơn đã tìm thấy ấn ngọc của vua bị mất, nên được tha và được vua gả công chúa [8] .

Truyện của người Mèo cũng tương tự hai truyện vừa kể, nhưng có thêm một ít tình tiết: khi nhân vật chính - Cù Minh Sáng - bị hạ ngục, để giải mối ngờ của vua, anh ta phải lần lượt nói cho vua biết câu chuyện của một đàn kiến, một đàn lợn và một đàn chim sẻ, v.v ... Khi vua chiếm được ngọc, không bỏ ngọc vào miệng mà bỏ vào hòm, nên để đoạt lại ngọc, mèo và chó phải nhờ đến tài đục khoét của chuột (như truyện của ta đã kể)[9] .

Ở truyện In-đô-nê-xi-a (Indonesia) thì không phải mèo với chó mà là mèo với chuột, trong đó công lao tìm nhẫn chủ yếu là của chuột.

Có hai anh em Khi-na và Ma-da cứu hai con rắn, được rắn rủ về nhà chơi và được bố rắn tiếp đãi hậu hĩ. Do hai con rắn mách, họ xin được bố rắn một chiếc nhẫn, hễ đeo vào tay thì có phép sờ vào vật gì đều biến thành vàng. Bị một người lái buôn đánh tráo mất nhẫn, hai anh em bèn nhờ một con mèo nhà đi tìm. Mèo rủ chuột cùng đi. Nhờ có chuột khoét hòm nên tìm được nhẫn mang về, nhưng mèo lại đánh rơi xuống biển, nhờ có chuột lặn xuống lấy lên. Lần thứ hai, mèo đánh rơi nhẫn xuống kẽ nứt dưới đất. Lại nhờ có chuột đào lỗ lấy lên. Nhưng lần này được nhẫn, chuột một mình mang về cho chủ [10] .

Người Miến-điện (Myanmar) cũng có truyện Những con vật biết ơn cũng là loại dị bản của truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ , nhưng ở đây một mình mèo cáng đáng công việc tìm nhẫn, còn chó thì làm việc khác.

Có bốn chàng trẻ tuổi theo học một ông thầy. Một hôm họ xin thầy giảng cho biết hậu quả của việc ăn ở tốt và tình thương đối với loài vật. Thầy kể cho họ một câu chuyện như sau:

Có bốn người đều giàu có khôn ngoan, cùng kết bạn và hứa sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Ít lâu sau, một trong ba người chết đi để lại một đứa con. Mẹ thấy con còn trẻ người non dạ, bèn bảo con đi học khôn với ba người bạn của bố.

Anh chàng đi dọc đường thấy có một người dắt một con chó, hỏi mua, người kia đòi một trăm đồng, anh không mặc cả, mặc dầu con chó gầy gò. Mua xong cho người dắt về cho mẹ. Cũng vậy, hôm khác anh mua một con mèo, rồi một con ích-nơ-mông [11] đều với giá mỗi con một trăm đồng, trả ngay không kỳ kèo, và đều bảo đưa về cho mẹ.

Chó và mèo được mẹ anh chăm sóc tử tế. Còn con vật kia bà không dám nuôi trong nhà, cho ở một góc vườn. Bà sợ nó quá, trở nên ốm o gầy mòn. Một hôm, một người Bà-la-môn coi về phần hồn của bà đến quyên giáo, thấy vậy, hỏi lý do và khi biết sự thật, bảo bà thả con thú vào rừng. Bà thả nhưng đặt bên cạnh nó một vại thức ăn có rưới dầu béo. Con vật thấy mẹ con người ấy đối với mình tốt nên mang đến tặng người con một cái nhẫn ngọc có phép cầu được ước thấy.

Được nhẫn, anh chàng ước một lâu đài bảy tầng làm cho vua và mọi người ngạc nhiên. Vua gả công chúa cho chàng.

Lấy nhau được ít lâu, một người Bà-la-môn coi về phần hồn của công chúa đến chơi vào dịp anh đi vắng. Hắn gặng hỏi về tình yêu giữa hai vợ chồng và nói nếu quả là yêu nhau thì sao chồng lại không cho vợ đeo nhẫn. Sau đó, nghe công chúa cầu xin, anh chàng nhẹ dạ tháo nhẫn đeo cho vợ, chỉ dặn chớ trao cho bất kỳ một người nào khác. Hôm khác, người Bà-la-môn lại đến xin công chúa cho y ngắm cái nhẫn chỉ trong chốc lát. Nhưng khi có nhẫn trong tay, hắn lập tức hóa thành quạ bay đến một hòn đảo giữa biển, ở trong một tòa lâu đài bảy tầng.

Mất nhẫn, chồng buồn nhưng không trách vợ. Mèo tìm cách lấy lại nhẫn cho chủ. Ở đây, cách làm của mèo đặc biệt hơn các truyện khác: mèo chờ một hôm có các nàng tiên xuống tắm ở hồ, cởi chuỗi ngọc để trên bờ, bèn trộm lấy giấu đi, buộc các nàng tiên phải làm một con đường ra đảo mới chịu trả. Đến nơi, thấy tên Bà-la-môn đang ngủ say, mèo tháo lấy nhẫn cắp về cho chủ, trong khi đó tên tên Bà-la-môn rơi xuống biển chết.

Ít lâu sau bỗng có một bọn cướp xông vào toan giết chết hai vợ chồng anh để chiếm lấy chiếc nhẫn thần. Nhưng nhờ có con chó cắn cổ tên tướng cướp làm cho bọn đồng đảng thất kinh, chạy tán loạn, cứu được chủ vô sự.

Sau đó cả ba con tranh công. Việc đưa đến công chúa Thu-đam-ma Sa-ri xử. Công chúa phán: Công của chó là hơn cả vì nó bảo vệ được tính mạng của chủ, nhưng không coi nhẹ công của hai con vật kia [12] .

Người Miến-điện (Myanmar) còn có truyện Hai người đầy tớ trung thành cũng là dị bản của truyện trên nhưng tình tiết lại khác:

Một bà góa nghèo sinh nhai bằng nghề bán bánh kẹo, đẻ được một trai đặt tên là Lười. Một hôm, Lười nằm nhà thấy có người dắt cho và mèo đi quẳng sông vì tội ăn vụng cơm vua. Thương hại, Lười lấy trộm một đấu gạo ra đổi. Mẹ về thấy hết gạo kêu trời. Lười hứa tìm cách đi làm nuôi mẹ. Ở đây, mèo và chó lại tình nguyện đi tìm một viên ngọc đỏ dưới đáy biển có pháp cầu được ước thấy. Chúng xuống thế giới dưới ấy ban đầu tìm không thấy, nhưng lại bắt được con chuột, chuột xin tha chết để đi tìm hộ. Cuối cùng cũng biết được ngọc nằm trong miệng nhà vua. Chuột cũng thò đuôi ngoáy vào mũi vua cho vua hắt hơi để ngọc văng ra. Chuột mang ngọc đến cho mèo và mèo được chó cõng lên thế giới trần gian.

Được ngọc, Lười xin mẹ hỏi công chúa cho mình. Ở đây cũng có tình tiết nhà vua hứa gả cho với điều kiện là phải có một cầu vàng một cầu bạc trước khi mặt trời mọc, nhưng lại không có đoạn cuối với tình tiết công chúa phản lại chồng như truyện trên [13] .

Người Chi-lê (Chili) có truyện Lâu đài và hoa huệ :

Có hai ông bà già nuôi cháu mồ côi, một hôm sai cháu đi bán hoa quả. Như truyện của ta, ba lần cháu đổi lấy một con chó, một con mèo và một con rắn bị trẻ đánh. Lần cuối cùng anh thả rắn ra rồi vì sợ ông bà mắng, bỏ đi tìm rắn. Đến một cái giếng thấy nàng công chúa tự xưng là con rắn nọ biến thành. Nàng biếu anh một quả trứng bé có thể cầu được ước thấy. Đem về anh ước một tòa lâu đài, và được như nguyện. Thấy anh giàu có quá sức vua kính phục gả con gái cho anh làm vợ. Nhưng vợ anh vốn có tư tình với một hắc nô, tên này xúi nàng hãy tìm cho ra bùa phép của chồng. Công chúa quả làm cho anh phải phun ra mọi bí mật và chiếm được trứng thần. Được trứng, vợ anh làm biến mất lâu đài để sống với hắc nô. Thấy mất lâu đài vua bắt anh hạ ngục, bảo trong ba ngày phải tìm lại bằng được nếu không sẽ trị tội. Mèo tìm vào nhà ngục được anh giao cho việc đi tìm lâu đài cùng với chó. Hai con đi mãi tới một đồn toàn lính chuột. Lại tới một đồn khác toàn lính mèo, chẳng ai biết lâu đài ở đâu. Lại một đồn nữa toàn lính khỉ, hỏi thì có con biết và nó dẫn đến nơi. Mèo dùng đuôi ngoáy vào mũi công chúa đang ngủ làm cho nàng hắt hơi văng trứng ra. Chó ngậm lấy mang về. Ở đây chó cũng làm rơi vật quý xuống nước sau nhờ mua được con cá nuốt quả trứng nên lại tìm lại được.

Được trứng anh chàng cho vua thấy tội lỗi của công chúa và hắc nô. Anh nhờ trứng giải chúng về nộp vua còn mình thì đi tìm công chúa rắn. Cuối cùng hai người lấy nhau [14] .

Người Xác-tơ (Sartes) ở Trung Á có truyện Chàng đánh cá trở thành vua phần nào giống chuyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ (ở đoạn cuối) và truyện Bốn anh tài (ở đoạn giữa).

Hai cha con một người đánh cá, một hôm câu được một con cá vàng. Không nghe lời can của cha, người con đem dâng vua, được vua cho làm cận thần. Bọn quan triều đình không ưa anh đánh cá, xui vua bắt anh đi tìm một chậu thủy tinh để "có thể ngắm cá từ mọi phía". Anh hẹn bốn mươi ngày. Về nhà bị cha mắng, nhưng rồi cha cũng bảo đến nhà cô nhờ cô giúp. Cô anh là một mụ phù thủy. Cô nuốt cháu vào bụng rồi nhả ra thành quả cây để cho lũ con mình khỏi ăn thịt. Sau đó, đợi khi lũ con ngủ say cô lén thức đứa thứ hai dậy, bảo nó đưa anh đến nhà người bà con để xin chậu. Được chậu đưa về, vua khen anh và thăng chức. Bọn quan trong triều đình lại xui vua bắt anh đi tìm một cái giường vàng để "nằm ngắm cá". Cũng như lần trước, anh lại đến nhờ cô. Được giường mang về, vua cho anh làm quan đầu triều. Bọn quan ghen ghét lại xui vua bắt anh đi tìm một công chúa đẹp nhất thế giới để chia sẻ hạnh phúc với vua trong việc nằm giường ngắm cá. Cô anh lại sai con mình đưa anh đi tìm. Dọc đường anh gặp một chàng khỏe hai tay cầm hai cây lớn ném như ném cầu. Anh tỷ thí với hắn, nhấc bổng hắn lên rồi ném xuống đất mạnh đến nỗi hắn ngập đến thắt lưng. Thấy hắn xin tha, anh kéo lên cho đi theo. Lần lượt gặp người thứ hai tài ăn, tay cầm một cái gương, hễ có vật nào đi qua rọi gương vào là bị quay chín rồi chui tọt vào mồm hắn, ăn bao nhiêu cũng không đủ no. Người thứ ba tài uống cạn nước sông, anh đều thắng họ trong những cuộc đấu và rủ họ đi theo.

Cả bốn người đến một hòn núi cắm đầy đầu lâu, trên đỉnh có một cái trống lớn. Anh bảo người thứ nhất đánh trống. Tiếng trống làm rung trời chuyển đất, làm chết chim chóc thú vật. Một bà già bước ra bảo muốn tìm công chúa phải thực hiện ba điều: một là biến ngàn cân sắt thành bột với cái búa gỗ. Anh sai người thứ nhất làm xong ngay. Hai là, nuốt một đống rác rưởi và giẻ rách đầy một sân. Người bạn đường thứ hai giúp anh ngốn hết. Ba là, chui vào một cái lò khổng lồ mà bà lão đã đun nóng trong bốn mươi ngày. Người bạn đường thứ ba nốc cạn nước sông phun vào, cả bọn vào tắm ở trong vô sự, lại giục bà lão đun thêm kẻo rét. Cuối cùng, bà lão trao cho anh một cái hoa thần có thể cầu được ước thấy.

Sau khi chia tay với những người bạn đường, anh cứu một con mèo, một con chó và cho chúng đi theo. Từ đây truyện phát triển gần giống với truyện Miến-điện kể trên. Khi đi tới gần nước của công chúa, anh đặt hoa vào miệng ước có lâu đài nhà cửa, thành lũy, có người hầu kẻ hạ như một vương quốc. Anh chọn một số người đóng vai sứ giả đến yêu cầu vua nước ấy nếu muốn yên ổn hãy gả công chúa cho mình. Vua đòi sính lễ là một tòa lâu đài lơ lửng giữa không trung. Nhờ có bông hoa nhiệm màu, anh làm được ngay. Vua đành phải gả nhưng buộc anh nán lại vài tuần.

Có một hoàng tử con vua nước láng giềng vốn cũng muốn lấy công chúa, nay được tin này, bèn rao trong nước ai có cách gì bắt công chúa về sẽ trọng thưởng. Một mụ già xin đi. Mụ đến trước lâu đài làm bộ đói khát, được anh cho ăn uống và nghỉ lại. Rồi mụ làm quen với công chúa, bảo công chúa hỏi chồng làm cách gì mà có tòa lâu đài lạ như thế. Công chúa nghe lời, cuối cùng trộm hoa thần đưa cho mụ xem. Được hoa, lập tức mụ ước chuyển lâu đài về nước hoàng tử, bỏ anh chàng cùng chó và mèo lại.

Thấy chủ than thở, chó và mèo xin đi tìm. Mèo vào thành khi mọi người còn đang ngủ. Nó dùng đuôi ngoáy vào mũi làm mụ già hắt hơi văng bông hoa ngậm trong mồm ra. Mèo chộp lấy mang về. Ở đây cũng có tình tiết mèo đánh rơi hoa xuống sông, nhờ có chó kêu gọi vua loài nhái và vua loài cá bảo thần dân của nọ đi tìm. Một con cá đã vô tình nuốt hoa thần, bèn nhả ra trả cho chó. Hai con lại mang về cho chủ. Chàng đánh cá lại ước cho lâu đài trở về chỗ cũ. Anh giết mụ già, giết luôn cả hoàng tử và đưa công chúa về cho vua mình. Nhưng công chúa chỉ biết anh là chồng mà không chịu lấy vua. Câu chuyện kết thúc bằng tình tiết: công chúa có một cây roi thần, khi vua ra đón, liền dùng roi biến vua thành một con lừa đực. Lừa đực vừa trông thấy một con lừa cái thì đuổi theo ngay. Còn công chúa và chàng đánh cá thì trèo lên ngai vàng [15] .

Một truyện ở đảo Cor-xơ (Corse) cũng có diễn biến phần nào giống với truyện vừa kể nhưng đã loại bỏ nhiều tình tiết rườm rà. Ở đây công lao lấy lại vật mầu nhiệm là của chuột.

Một mẹ một con nuôi một gà mái, mỗi ngày nó đẻ cho một trứng. Con là Jô-van-ni, mỗi ngày kiếm củi bán ở chợ vừa đủ tiền mua bánh về ăn với trứng làm thức ăn. Họ cứ sống như thế. Một hôm gặp ngày hội, con bàn bán quách con gà. -"Thế thì ăn bằng gì?" mẹ hỏi - "Con sẽ làm bó củi rõ to là có thức ăn". Bèn đưa gà ra chợ bán cho một mục sư. Mục sư mua, nhờ anh mang về hộ. Dọc đường anh nghĩ: -"Ta nuôi gà mà chẳng được ăn, bèn cắt lấy cái đầu. Tự nhiên trong cổ gà thòi ra một chiếc nhẫn. Anh đeo và ngón tay, nhẫn bỗng nói: -"Sai tôi đi!". Anh biết là nhẫn màu nhiệm. Sau khi đưa gà cho nhà mục sư, anh về nhà sai nhẫn dọn một bữa ăn, rồi lại sai làm một cái nhà đẹp trước cung vua, có đủ tiện nghi sang trọng. Công chúa nhìn sang, lấy làm ngạc nhiên, bảo vua cha mời chủ nhà ấy sang thết đãi, Jô-van-ni bắt nhẫn soạn một bữa thịnh soạn để đáp lễ. Công chúa yêu anh, hai bên lấy nhau sung sướng.

Mục sư về hỏi đầy tớ mới biết gà đã mất vật quý bèn đem một hôm đầy nhẫn ngọc vừa đi vừa rao: -"Nhẫn cũ đổi nhẫn mới không?". Công chúa không biết chiếc nhẫn của chồng là mầu nhiệm bèn đổi quách. Trong khi ấy chồng cùng vua đi săn vắng. Mục sư được nhẫn, sai nhẫn làm biến mất nhà của Jô-van-ni. Anh chàng này cất công đi tìm. Gặp một bà già, anh hỏi chỗ ở của mục sư. Bà già không biết, giới thiệu anh với một người chị. Người này biết được mục sư hiện đang ở giữa biển. Người đó lại cho anh một con mèo, bảo mèo bắt chuột mới có cách lấy lại nhẫn thần. Anh bắt được vua chuột dọa nếu không tìm được nhẫn sẽ cho mèo ăn thịt. Vua chuột cho hội họp toàn dân lại. Thiếu mặt một con chuột cái què. Khi tìm được con này, nó xin một cuộn chỉ và một quả bầu. Nó buộc một đầu sợi chỉ vào cây ở đất liền, một đầu vào bầu. Đoạn, ngồi vào quả bầu rơi ra biển. Đến nơi nó nấp đưới giường mục sư. Đến tối, mục sư bỏ nhẫn vào mũi. Chuột cũng dùng đuôi ngoáy, mục sư hắt hơi, nhẫn văng ra. Chuột bèn tha ngay lên quả bầu và kéo sợi chỉ để trở về. Về đến nơi đưa cho vua chuột. Vua chuột trả lại cho Jô-van-ni. Jô-van-ni cho phép chuột được tự do cư trú (vì vậy ngày nay chuột có mặt ở khắp nơi).

Jô-van-ni tìm vợ và bố vợ, trả lại con mèo cho bà già, đoạn về tìm lại mẹ, đưa mẹ về sống với nhau sung sướng [16] .

Có một loạt truyện cũng có thể coi là dị bản của truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ , tuy rằng các nhân vật chó và mèo đã được thay thế bằng những con vật khác. Một vài truyện tiêu biểu:

Truyện của người Ca-ma-ôn, ở gần núi Hy-mã-lạp (Himalaya):

Một nàng tiên trở thành vợ một hoàng tử bị vua cha đuổi, một hôm đến gội đầu ở con sông gần một thành phố. Con vua xứ ấy sau đó đi tắm bắt được sợi tóc dài của nàng. Hắn nói với vua cha rằng mình muốn lấy một người có tóc như thế. Vua sai quân đi bắt nàng tiên về. Hoàng tử chồng nàng tiên tìm đến cung vua, có mang theo một con nhái và một con rắn - những con vật chịu ơn - một con dưới dạng một bà-la-môn, một con dưới dạng một phó cạo. Để trừ khử anh, vua ra lệnh cho anh phải lấy cho được một cái nhẫn mà vua sai người hầu quẳng xuống sông, nếu không sẽ bị bắn vào đầu. Người phó cạo trở lại hình nhái nhảy xuống gọi vua nhái cùng lũ nhái rồi huy động cả vua và triều thần, cuối cùng tìm được chiếc nhẫn. Vua toan đánh nhau với chồng nàng tiên nhưng bị người bà-la-môn trở lại hình rắn, cắn chết.

Truyện của người Ý (Italia):

Một ông vua già theo lời xúi giục ra lệnh cho Li-vơ-rét-tô phải đi bắt công chúa Ba-li-san-dra về cho mình. Dọc đường, theo lời dặn của một con ngựa thần, anh đã cứu được một con cá và một con chim ưng. Anh bắt được công chúa, nhưng trước khi lấy ông vua già, công chúa bắt anh phải mang về một cái nhẫn mà mình đánh rơi ở sông và đi tìm một lọ nước thần có phép hồi sinh. Nhờ cá và chim ưng, anh đã lấy được hai thứ trên. Ba-li-san-dra giết anh, cắt ra làm nhiều mảnh quẳng vào chảo. Đoạn nhúng tất cả vào lọ nước hồi sinh. Tự nhiên, anh chàng trở dậy đẹp và khỏe hơn trước. Thấy vậy, ông vua già nhờ công chúa làm cho mình trẻ và khỏe lại. Công chúa giết và quẳng xác xuống hố, sau đó lấy Li-vơ-rét-tô [17] .

Về mô-típ người cứu rắn và được rắn đền ơn bằng cách đón về nhà tặng vật màu nhiệm, xem thêm truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán (số 48 ) và truyện Giáp Hải (số 149 , tập IV ).

[1] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn

[2] Theo Bản khai của thôn Hướng-dương

[3] Theo Bản khai của tổng Thanh-xuyên

[4] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Truyện cổ nước Nam B. Chim muông

[5] Theo Péc-sơ-rông (Percheron). Sách đã dẫn.

[6] Theo Truyện cổ Ba-na, tập II, đã dẫn. Giống với truyện Ba-na, người Nga cũng có truyện Chiếc nhẫn thần. Nhân vật chính cũng cứư được một con chó, một con mèo và một con rắn. Con rắn đưa anh ta xuống một vương quốc dưới đất và xui anh xin vua cha cho một chiếc nhẫn thần. Có nhẫn, anh bảo mẹ đi hỏi con vua, và nhờ nhẫn, anh có đủ mọi món mà vua thách cưới. Nhưng công chúa không ưa anh, tìm cách lấy trộm nhẫn thần rồi ước cho anh mất hết cả, còn mình thì ước đến xứ sở nhà chuột. Chó và mèo nhận nhiệm vụ đi tìm. Mèo bắt vua chuột phải tìm cho ra. Chuột dùng đuôi ngoáy vào mũi công chúa chiếm được nhẫn. Nhưng khi mang về, nhẫn cũng bị rơi xuống sông. Nhờ được vui tôi nhà tóm tìm, lấy lại, cuối cùng hai con vật mang về cho chủ.

[7] Do Ngô Thương Ẩn sưu tầm

[8] Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam , tập II.

[9] Theo truyện cổ dân tộc Mèo , đã dẫn

[10] Theo Truyện cổ tích In-đô-nê-xi-a.

[11] Một loại chồn chuyên ăn gián

[12] Theo Truyện cổ tích Miến-điện

[13] Theo Miến-điện dân gian cố sự

[14] Theo Tạp chí dân tộc học và truyền thống dân gian , tập IV (1923).

[15] Theo Da-sác-cô (Zacharko). Truyện cổ tích Xác-tơ , tạp chí Muy-dê-ông (Le Muséum), tập 39 (1926).

[16] Theo Đơ-la-ruy (Delarue) và Tơ-ne-dơ (Tenèze). Truyện cổ dân gian Pháp , quyển II.

[17] Theo Cô-xcanh (Cosquin). Nghiên cứu văn học dân gian (tìm hiểu sự thiên di của các truyện cổ dân gian và điểm xuất phát).
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #94  
Old 03-10-2013, 04:18 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần IV - Thông minh, tài trí và sức khỏe (tt)

NGƯỜI HỌ LIÊU VÀ DIÊM VƯƠNG


Ngày ấy có dòng họ Liêu, không hiểu do nguyên cớ nào mà người trong họ thường bị nạn chết non. Bọn lính tráng của Diêm vương luôn luôn để ý rình mò dòng họ này, hễ thấy người nào chừng quá ba mươi tuổi là bắt đi ngay. Người nào may mắn có sót lại thì cũng chỉ đến bốn mươi là hết hạn. Bởi vậy, những ai trót sinh vào nhà họ Liêu thường bảo nhau cứ đến ba mươi tuổi là trối trăng và sắm hòm ván sớm đi, nếu không là y như vất vả.

Ngày ấy, cũng lại có một ông lão họ Lã sống được hơn ba trăm tuổi. Tuy tuổi nhiều mà sức ông vẫn khoẻ, hàng ngày ông vẫn ra ngồi ở bờ biển câu cá. Nhưng ông lão ít nói, không thích giao thiệp với ai.

Bấy giờ trong họ Liêu có một người, thấy cả họ mình chịu số phận như vậy thì tức lắm. Cho nên ông ta quyết kiện Diêm vương bằng được. Ít lâu sau, năm ông ba mươi mốt tuổi quả đến lượt bị lính Diêm vương đến gõ cửa. Ông xin họ cho mình thong thả một tí, nhưng bọn lính xông bừa vào lôi ông đi. Ông chỉ còn biết trối lại với con một câu là bỏ vào áo quan cho mình ít tờ giấy và đốt cho mình một ít tiền. Rồi đấy ông tắt thở.

Khi xuống đến âm phủ, ông xin vào yết kiến Diêm vương nhưng bọn quỷ không cho. Sẵn có giấy bút, ông viết một lá đơn kiện rồi sẵn có tiền, ông đút lót cho bọn quỷ nhờ chuyển lá đơn ấy đến tận Diêm vương.

Quả nhiên chỉ ít lâu sau, Diêm vương cho quỷ sứ triệu ông vào cung. Gặp Diêm vương, ông tâu bày rõ ràng nỗi khổ tâm của dòng họ mình, rồi ông nói:

- Tâu bệ hạ, cớ sao bệ hạ bất công đến thế! Có người chỉ được sống có ba mươi năm như chúng tôi. Trái lại, lại có người như ông già họ Lã ba trăm tuổi rồi mà vẫn sống trơ trơ thế mãi.

Diêm vương nghe nói thì ngẩn người ra, không ngờ lũ quan dưới quyền mình lại làm việc cẩu thả như thế. Nhưng vua cũng không vui lòng vì có người đến bới xấu ngay trước mặt mình. Vua làm mặt giận nói:

- Làm gì có người sót sổ như vậy. Mày chỉ nói càn. Nếu mày tìm đủ bằng chứng, tao sẽ xá tội cho cả họ nhà mày. Bằng không thì chớ trách ta phũ tay!

Nghe nói, họ Liêu rất mừng nhưng cũng rất lo, vì ông chưa biết làm cách nào cạy miệng ông lão họ Lã bản tính kín đáo ấy để ông ta tự khai ra. Khi đưa tên quỷ sứ đến chỗ ông lão ngồi câu, ông bỗng nghĩ ra được một cách, bèn bảo quỷ sứ nấp ở sau hòn đá, rồi một mình tiến đến trước ông lão, chắp tay chào và hỏi:

- Thưa cụ, cháu nghe nói đời ông nội cháu có tìm được ở bờ biển này một hòn đá nổi lên mặt nước, hòn đá ấy đặc biệt có nhiều hốc, nhiều rêu, nhiều màu sắc, lúc nào cá cũng xúm quanh, câu được nhiều lắm. Nhờ thế mà từ đời ông nội cháu rồi đến đời cha cháu có của ăn của để. Bây giờ đến đời cháu không hiểu tại sao không thấy hòn đá ấy nữa; tìm xuôi tìm ngược mãi vẫn không ra. Vậy cụ thường ngồi câu ở đây có thấy hòn đá ấy trôi đi đâu, bảo giúp cho cháu biết để cháu kiếm ăn.

Ông cụ Lã thấy có người nói chuyện kì khôi mới quay lại mắng:

- Cái anh này chỉ nói điêu. Đã ba trăm năm nay lão ngồi câu ở đây chưa hề thấy có một hòn đá nào biết trôi cả. Thôi anh đi đi, cho lão làm việc!

Người họ Liêu chỉ cần có chừng ấy, vội cáo từ lui ra rồi cùng quỷ sứ trở về. Diêm vương cứng lưỡi, vì bằng chứng đã rõ ràng. Từ đó dòng họ Liêu không bị quỷ sứ ám ảnh nữa nên đỡ bị nạn chết non hơn trước. [1]

[1] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[2] Édités par Institut d’Études historiques en plusieurs volumes, Hanoi, 1961, 2 éd., 2 volumes parus: 221 p. et 196 p. in- 12.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #95  
Old 03-14-2013, 01:02 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần V - Sự tích anh hùng nông dân

PHẦN V

SỰ TÍCH ANH HÙNG NÔNG DÂN


CỐ GHÉP


Ngày xưa, ở dưới chân núi Hồng-lĩnh về phía Đông nam, có một xóm nhỏ gồm mấy gia đình đánh cá. Họ luôn sống giữa những tiếng gầm thét của sóng biển. Nhưng không may, một ngày kia, một trận bão lớn đã cuốn đi khá nhiều nhân mạng cùng thuyền mảng và lưới chài xuống thuỷ phủ. Những người sống sót hết đường sinh nhai, đành rủ nhau ngày ngày lên núi kiếm củi đem về bán ở chợ. Đó là nghề ít vốn nhất nhưng lại là nghề mệt nhọc nhất đối với họ, vì sườn núi phía họ ở mọc dựng đứng như bức tường, muốn leo núi với gánh củi trên vai không thể không đi đường vòng ngoắt ngoéo qua bao nhiêu thôn xóm khác. Thành ra, rừng thì gần nhưng đường thì lại quá xa. Cho nên mọi người ước làm sao có một con đường từ xóm thẳng lên núi để đi được nhanh chóng.

Bấy giờ trong xóm có một ông lão nhà nghèo sống với vợ con trong một túp lều. Người ta gọi ông là cố Đương, là vì hễ gặp việc gì khó khăn, bất kì việc của ai, ông đều ra đương lấy và quyết làm kì được. Thấy việc trèo núi phải đi đường vòng rất xa, cố Đương cho là việc vô lý hết sức. Thường những lúc rảnh rỗi, ông vẫn một mình lần mò bám đá leo cây để tìm con đường đi kiếm củi gần nhất.

Nhưng mỗi khi đứng trước sườn núi cheo leo ông vẫn bực mình, nghĩ bụng: - " Nếu không ghép đá thành bậc thang thì đừng có hòng vượt lên khỏi mấy cái dốc này! " . Ông đem ý ấy hỏi vợ. Vợ ông cho là việc rồ dại. Ông hỏi thử một vài người làng, họ đều lắc đầu bảo:

- Không được đâu cố Đương ạ! Chúng ta còn phải lo miếng ăn hàng ngày đã chứ!

Cố Đương trầm ngâm bảo họ:

- Cứ mỗi lần phải đi " năm xóm cây đa, ba xóm cây thị " để vào nơi lấy củi, tôi lại muốn lộn tiết lên được!

Năm tuần trăng trôi qua. Nghề kiếm củi đã trở nên nghề chính của mấy gia đình đánh cá thất bại kia. Họ đã yên tâm với nghề nghiệp mới. Chỉ trừ có cố Đương là chưa thật yên tâm. Một hôm cố bảo vợ:

- Từ ngày mai trở đi, bà gắng đi kiếm củi một mình. Còn tôi, tôi sẽ tìm cách trổ một con đường mới lên núi. Ngày nào tôi làm xong, hai vợ chồng mình tha hồ đi củi.

Người vợ vốn biết tính chồng hễ nói là làm, nhưng lần này thì bà hết sức can ngăn:

- Ông đừng có địch với vua, đừng có đua với trời. Già kề miệng lỗ rồi chứ còn trẻ trai gì nữa đâu!

Nhưng cố Đương an ủi:

- Bà đừng lo! Biển kia rất rộng người ta cũng vượt được. Dãy Giăng-màn rất cao người ta cũng trèo qua. Bạt núi này thành đường thực ra không khó. Một mình tôi cũng làm được. Bà hãy chịu khó ít lâu. Mai kia ta sẽ đi đốn củi gấp đôi gấp ba hôm nay, lúc ấy cả xóm chúng ta sẽ sung sướng.

- Ông định ghép bao lâu thì xong?

- Không nói trước được. Một năm chưa xong thì hai, hai năm chưa xong thì bốn. Nếu tôi chết đi mà vẫn chưa làm xong thì sẽ có người khác tiếp tục...

Thế là từ hôm đó, cố Đương ngày ngày mang một mo cơm lên núi. Ông bạt đất. Ông nhổ cây. Ông khiêng đá. Và ông ghép đá thành con đường tam cấp hướng thẳng lên núi. Công việc biết bao nặng nề! Nhưng quả không có gì cản được cái chí con chim hồng chim hộc. Ông càng làm càng khoẻ, càng nhọc càng hăng. Cứ thế trong năm sáu tuần trăng, ông vẫn sớm đi tối về như không biết mỏi là gì. Người vợ không nhịn được nữa, một hôm kêu lên:

- Tội gì để cho mình ông đầu tắt mặt tối, cả nhà ông nheo nhóc rách rưới như thế. Ốc mang mình ốc chưa nổi lại còn mang cả cọc! Đường làm thành thì ai cũng đi, đâu có riêng mình ông. Thôi! Từ nay ông đi đâu thì đi, đừng có về nhà này làm gì nữa.

Nghe nói thế, cố Đương lựa lời dỗ dành vợ. Nhưng người đàn bà cố tình làm cho chồng nản chí. Bà ta nhất định không nuôi báo cô ông nữa.

* * *

Từ đấy ông thôi không về nhà, dựng một túp lều ngay bên chỗ mình làm việc. Hễ ghép được đến đâu ông lại dời lều đến đó. Thấy ông đói, những con vượn mang hoa quả đến cho ông. Thấy ông đuối sức, những con bò rừng, những con nai ghé sừng nạy những tảng đá giúp ông. Rồi những con chim thay nhau ca hát suốt ngày để cho ông quên mệt. Về sau có mấy người trong xóm cũng tình nguyện đến làm với ông. Thấy thế, cố Đương như tăng thêm sức mạnh, càng miệt mài với công việc.

Cứ như thế, sau năm lần sim có quả, cố Đương đã mở được một con đường truông ngắn nhất từ xóm mình thông lên những đỉnh cao trên dãy Hồng-lĩnh. Ông đã ghép đá thành tam cấp của ba dốc núi khó đi nhất. Dân xóm lên núi xuống núi rất tiện và từ đó họ có thể trong một ngày kiếm được mấy lần củi.

Ngày nay, ở phía Nam Hồng-lĩnh, chỗ giáp giới hai huyện Nghi-xuân và Can-lộc có một cái truông gọi là truông Vắn [1] hoặc gọi là truông Ghép. Cái tên cố Đương người ta quen gọi là cố Ghép [2] .


KHẢO DỊ


Tương tự với truyện của ta, trong cổ tích Trung-quốc có truyện Ngu Công dời núi : Xưa ở Bắc-sơn có một ông già 90 tuổi tên là Ngu Công. Ông rất bực bội vì trước nhà mình có hai hòn núi Thái-hàng và Vương-ốc ngăn trở tầm mắt không cho nhìn đến chân trời bát ngát. Ông quyết định hạ núi cho bằng. Ngày ngày ông đào núi đổ đi nơi khác. Có người cười, ngăn ông. Ông đáp: - " Tôi chết đã có con, con tôi lại có cháu, cháu tôi còn sinh nở nữa. Còn như núi thì có thêm gì đâu. Vậy thì tôi sợ gì mà không dời nó đi chỗ khác " .

Bấy giờ có thần Táo Xà thấy vậy mới tâu lên Ngọc Hoàng thượng đế, Thượng đế phục chí Ngu Công, sai hai con của Nga thị xuống giúp. Sau khi xuống, một người đội một hòn đặt ở Sóc-đông, một người đội hòn kia đặt ở Ung-nam [3] .

[1] Vắn : ngắn, tiếng Nghệ-tĩnh
[2] Theo lời kể của người Hà-tĩnh.
[3] Theo Liệt tử , thiên “Lục mệnh”.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #96  
Old 03-14-2013, 01:05 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần V - Sự tích anh hùng nông dân (tt)

ÔNG NAM CƯỜNG


Vào thời ấy chẳng rõ là thời nào, ở làng Quần-anh có một người phù thuỷ có nhiều phép thuật lạ lùng. Thường mỗi lần nằm ngủ, ông ngủ liền ba ngày ba đêm, tiếng ngáy như sấm. Tỉnh dậy một cái, người nhà đã thấy ông lật đật ra đi, không ai rõ là đi đâu.

Cũng thời kì này, nhiều nơi trong nước nổi lên đánh phù phá thành làm cho quân đội của triều đình phải đi dẹp luôn năm không nghỉ. Hành tung của ông phù thuỷ rất bí mật. Tuy nhiên, cũng có lúc vào khoảng nửa đêm, người ta nhìn ra ngoài đồng thấy âm binh của ông thao diễn rất đông mà ông là tướng cưỡi ngựa chỉ huy. Bên cạnh đó có ngọn cờ to tướng đề hai chữ " Nam cường " nghĩa là nước Nam mạnh. Bởi vậy, người ta quen gọi ông là Nam Cường.

Nam Cường hay đánh bạc, mà đánh đâu được đấy. Mỗi lần đánh, ông thường vét cả bàn. Số tiền được, không mấy khi ông đưa về nhà mà phân phát ngay cho những người nghèo ở chợ. Bởi vậy ông đi đến đâu người vây lấy ông đến đấy.

Một hôm ông đi đến chợ huyện. Ngày ấy đói kém, người ăn xin kéo nhau đi từng đoàn. Ông ghé vào một quán rượu đã thấy động đặc những người vây lấy mình. Trong đãy của Nam Cường bấy giờ không còn một đồng một chữ. Ông chợt thấy trong nhà trong, bên mâm rượu có lão lý trưởng đang ăn uống nhồm nhoàm. Hắn mới đi thu thuế về. Bên người hắn có một đãy đầy căng những tiền. Bỗng chốc Nam Cường đứng dậy bảo chủ quán:

- Phiền chủ quán cho xin một ít trấu.

Chủ quán chỉ vào bếp. Nam Cường đi vào xúc đầy đãy của mình rồi trở ra nhà ngoài dằn mạnh đãy lên chõng. Ông dằn sấp dằn ngửa năm lần bảy lượt, lần cuối cùng đã thấy tiếng kêu loẻng xoẻng. Ông cười khà khà vẫy tay bảo những người ăn xin đến gần mình, rồi thò tay vào bốc ra từng nắm tiền phân phát cho họ.

Đồng tiền cuối cùng vừa cho xong, Nam Cường cũng ung dung đi ra khỏi quán. Khi lão lý trưởng ăn xong và cất đãy lên vai, hắn hết sức ngạc nhiên thấy đãy vẫn căng phồng nhưng không nặng một tý nào cả. Mở ra, hắn thấy đầy một đãy trấu. Mặt như chàm đổ, hắn hốt hoảng chạy đi tìm thì Nam Cường đã biến mất đằng nào rồi.

Tiếng đồn về Nam Cường ngày một lan rộng. Những vụ phát tiền bất ngờ cho những người dân nghèo rất mong ngóng ông, coi ông như một vị cứu tinh. Nhưng ngược lại, bọn quan lại to nhỏ cũng rình ông như cáo rình gà mong lập công với triều đình.

Một hôm, đang lúc ông vơ tiền trên chiếu bạc thì tự nhiên thấy bốn mặt gươm giáo chĩa vào người. Bọn đầu trâu mặt ngựa xông đến rất đột ngột khiến ông không tài nào xoay trở, đành để cho chúng bắt. Sợ ông có phép xuất quỷ nhập thần, chúng mang đến một cái áo quan, bỏ ông vào, đóng nắp lại, chỉ dùi cho một lỗ để thở. Nhưng lúc khiêng về phủ, lính mở nắp áo quan ra thì không ngờ đó là một cái áo quan rỗng, chỉ còn mấy bãi nước trầu, dấu vết của phạm nhân để lại.

Quan phủ bị tẽn, giận sôi cả người. Hắn cho mời một đạo sĩ nhờ luyện cho mình một thứ bùa phép để quyết bắt cho được Nam Cường. Mấy tháng sau, được tin báo, hắn lại mật sai lính đến vây bắt. Nhưng khi chúng vào, đã thấy nhà ông vắng teo, cửa ngõ mở toang. Lính sục sạo mãi không thấy gì cả. Sau cùng chúng nghe ở ruộng lúa sau nhà có tiếng thở phì phào, chú ý nhìn xem thì chả thấy bóng người, chỉ thấy có một cây đòng đòng to gấp ba các cây đòng đòng khác. Biết đó là nơi Nam Cường ẩn, chúng bèn dùng chỉ ngũ sắc trói cả cụm lúa lại rồi nhổ lên đưa về phủ. Dọc đường chúng vẫn nghe tiếng thở phát ra từ bụi lúa nên rất yên tâm, chắc chuyến này sẽ được hậu thưởng. Bọn quan lại nghe nói bắt được Nam Cường hí hửng đến xem mặt. Nhưng khi sợ chỉ ngũ sắc vừa tháo, ông đã từ trong bụi lúa hiện nguyên hình nhảy vọt ra, chửi cho bọn chúng một thôi một rồi rồi biến mất.

Hai lần bị tưng hửng, bọn chúng nghĩ ra được một kế thâm độc là bắt vợ để truy chồng. Lần thứ ba, sau khi mật báo có Nam Cường mới trốn về nhà, bọn chúng cho rất nhiều quân lính và cả một lão đạo sĩ cao tay kéo về, quyết bắt kì được. Chúng ập đến nhà ông lúc mờ sáng. Nam Cường biết được mưu mô của chúng nên khi chúng sắp đến, ông đã kịp biến vợ thành một người bé bằng ngón tay, đem đút lên một ống tre sau mái nhà. Còn mình thì chạy vội ra sông.

Cũng như mọi lần, bọn lính sục sạo khắp xó vườn góc bếp. Nhờ có lão đạo sĩ nên một lúc sau chúng khám phá ra được trên ống tre sau mái nhà có thò ra một tí dải yếm. Chúng cầm lôi ra, người vợ Nam Cường lại trở nguyên hình. Chúng tra hỏi: - " Chồng mày đâu? " . Hỏi đến mấy lần, người đàn bà vẫn lắc đầu nói rằng không biết. Sau cùng chúng phải giở lối " kìm nóng, kìm nguội " , người đàn bà yếu đuối không thể chịu nổi mới thú thực: - " Chồng tôi hiện ở ngã ba sông trước nhà, trong một con ốc! " . Nghe nói thế, bọn quan bèn sai lính đắp chặn ba phía sông lại rồi mới ra sức tát cạn. Nhờ có lão đạo sĩ, chúng bắt được một con ốc rất to, đập vỏ ốc ra quả bắt được Nam Cường.[1]

[1] Theo lời kể của người Hà-nội, Nam-định
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #97  
Old 03-14-2013, 01:07 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần V - Sự tích anh hùng nông dân (tt)

CỐ BU


Ngày xưa ở làng Phan-xá thuộc Hà-tĩnh - một làng ngay sát nách con sông mà nước thuỷ triều vẫn lên xuống đều đều - có một người nghèo tên là Bu. Bu mới lọt lòng mẹ, người ta thấy dưới gan bàn chân có ba cái lông trắng, dấu hiệu của tài bơi lặn. Lớn lên quả nhiên ông lặn lội rất tài, có thể ở được lâu dưới nước. Không những có tài bơi lặn, Bu còn có một sức khoẻ tuyệt trần. Bu đi học võ với một ông thầy. Thấy là người có tài lạ, thầy truyền cho mười tám ban võ nghệ và các môn nhâm cầm độn toán. Bu không có chí làm quan với triều đình, chỉ đi lang thang hết xứ Đông đến xứ Đoài, ở đâu ông cũng có rất nhiều bè bạn.

Cho đến năm năm mươi tuổi, Bu đã đi hầu khắp sông hồ, nghe được nhiều, thấy được rộng. Sau một thời kì lang bạt, Bu lại trở về quê hương. Lúc này ông đã để râu, một bộ râu rất đẹp. Người ta bảo nhau: " Râu như râu cố Bu " . Ông bí mật chiêu mộ tráng sĩ, luyện tập võ nghệ, chia lương thực, có ý muốn lập nên một giang sơn riêng, lấy núi Hồng-lĩnh làm đồn trại. Nhờ có phép thuật và võ nghệ, ông hoạt động rất kín nhẹm. Lại nhờ có bè bạn ở các nơi làm tai mắt tay chân nên tuy ở trong núi sâu, Bu vẫn nắm được tình hình mọi nơi. Trong những năm mất mùa đói khát, mỗi lần có tin báo, Bu đem các tráng sĩ đến lấy thóc tiền của bọn trọc phú. Lấy xong, Bu đem chia cho tất cả những người nghèo khổ trong vùng. Bu làm rất kín đáo và chóng vánh, không giết chóc, không đốt phá, chỉ bắt buộc bọn chúng phải bỏ thóc bỏ tiền ra giúp mọi người. Cứ như thế, Bu đã cứu nguy cho không biết bao nhiêu thôn xóm đói khổ. Bọn nhà giàu sợ Bu mất mật, nhưng tất cả những người nghèo khổ coi Bu là vị cứu tinh. Quan quân tuy lùng bắt ráo riết nhưng chẳng kết quả gì. Đã hai lần chúng sắp tóm được Bu, nhưng một lần Bu nhảy xuống sông trốn thoát, một lần khác nhờ phép thuật của ông nên chúng mù tịt, chả còn tìm ra manh mối.

Một hôm, Bu bí mật về làng cũ thăm bà con họ mạc. Bọn hào lý đã đánh hơn thấy ông nên chúng cấp tốc đi báo huyện. Huyện sợ bắt không nổi nên vội vàng đi báo tỉnh. Biết Bu không phải là người tầm thường nên bọn quan tỉnh điểm ngay hai nghìn quân sĩ với hai con voi và hai lưới sắt đi suốt đêm về làng. Bấy giờ, vào khoảng canh năm, quân gia chia nhau vây bọc bốn phía trùng trùng điệp điệp. Bu đang ngủ. Mọi người sợ nguy đến ông nên vội đánh thức ông dạy bàn cách chạy trốn. Nhưng Bu khoát tay bảo họ: - " Cứ bình tâm! Ta sẽ có cách " . Đoạn ông hỏi thăm tình hình ở mọi nơi. Người ta cho biết là ở xóm phía Nam có một đám ma đang chuẩn bị kèn trống ra đồng. Bu bèn hướng về phía Nam trèo lên một cây cao, đứng im trên đó để nghe ngóng. Vừa khi đám ma đi qua, Bu liền tụt xuống xen vào đám đông, lấy vạt áo che mặt, kỳ thực là che bộ râu, giả bộ khóc lu loa. Thấy có đám ma, bọn lính rẽ ra cho đi. Nhưng khi ra khỏi vòng vây, Bu đã chìa bộ râu, cười lớn, bảo chúng: - " Tao là Bu đây! Chúng mày hãy nói với chủ tướng đừng có vây bọc mất công nữa " .

Nghe nói thế, quan quân xô nhau đuổi theo, nhưng Bu đã nhảy ngay xuống sông. Bọn quan tỉnh sai lấy lưới sắt giăng chặn hai đầu xông lại và cho hai con voi xuống giẫm. Nhưng chúng chỉ làm việc mệt nhọc vô ích vì Bu vốn là tay giỏi lặn, lặn luôn một mạch hàng trăm dặm, nên đã biến mất từ lâu.

Một lần khác, Bu đi một mình. Nhân trời tối, ông vào nghỉ ở một làng nọ. Một người dân trong làng có giỗ khẩn khoản mời Bu đến ăn. Chưa xong bữa rượu thì quan quân đã kéo về rầm rộ vây kín tất cả các nẻo. Người ta đưa ông đến một cái hầm kín. Trước khi xuống hầm, Bu còn làm phép để đánh lừa quan quân. Bu sai múc một bát nước, đặt lên một chiếc đũa rồi niệm chú bước qua. Lần này bọn quan quân có đưa theo một thầy độn. Khi sục sạo các nhà không tìm thấy Bu, bọn tướng bảo thầy độn bấm xem thử thế nào. Thầy độn giở phép của mình ra nhưng hắn bị mắc lừa vì bát nước, chiếc đũa của Bu, nên sau khi bấm xong, hắn ngơ ngác trả lời rằng: - " Thằng giặc ấy đã đi qua một chiếc cầu tre bắc qua đầm trốn thoát mất rồi! " . Bọn chúng tin lời, cho quân đi lùng sục các chỗ khác. Thế là một phen nữa, Bu lại thoát vòng nguy hiểm.

Một lần khác, Bu đang phát thóc cho dân một xóm gần bãi. Chia vừa xong thì quan quân đã bổ vây bốn mặt. Bu lại dược mọi người dẫn đi trốn ở một nơi kín. Nhưg trước khi trốn, Bu cũng xin một mảnh chiếc trùm lên người làm phù phép, khiến cho thầy độn của quan quân một lần nữa lại bị lừa, bảo rằng ông đang trốn ở một bụi lác ngoài bãi. Quân quân nghe lời tất cả đổ xô ra bờ sông. Bu thừa dịp lại trốn đi vô sự.

Quan quân cứ mấy lần tưng hửng như thế, chả làm gì được Bu. Còn Bu thì hết đi vùng này sang vùng khác, đến đâu cũng bí mật giúp đỡ dân nghèo và được họ che chở. Về sau không rõ Bu đi đâu.

Ngày nay ở động Dang trên núi Hồng-lĩnh còn có dấu vết cột cờ, thành luỹ và nền nhà, nền kho, tương truyền là đồn trại cũ của cố Bu [1] .


KHẢO DỊ


Phần đầu truyện này theo như một số người địa phương Hà-tĩnh kể lại, thì lúc trẻ nhà nghèo Bu phải làm nghề chăn vịt, thường đưa vịt đi ăn ở cánh đồng gần bờ sông. Cũng như truyện Yết Kiêu (số 72 , tập II ), một hôm vào khoảng nửa đêm, Bu thấy hai con trâu từ dưới nước lên bờ húc nhau. Thấy sự lạ, Bu vác gậy đánh đuổi. Khi trâu biến mất, Bu thấy có mấy cái lông dính ở đầu gậy. Biết đó là lông trâu thần, ông bỏ vào miệng nuốt, nên từ đó bơi lặn rất tài.

Về tình tiết này, trong Thiên-lộc huyện phong thổ chí [2] có một truyện tương tự, nhưng lại khác hẳn về kết cục:

Xưa có người tên là Trần Hồ làm nghề đánh cá, thường đậu thuyền ở ngã ba sông Hoàng. Một đêm nọ bỗng thấy một cặp trâu từ dưới nước lên bờ và húc nhau ở gần mũi thuyền. Ông bèn cầm gậy đánh đuổi, hai con trâu lặn xuống nước. Ông nhìn lại thấy có lông dính ở đầu gậy, liền nhặt lấy nhưng không nuốt như Cố Bu mà đeo vào nách. Từ đấy lặn xuống nước như đi trên đất liền, nhờ thế bắt được cá không biết bao nhiêu mà kể. Tiếng đồn ngày một rộng. Khi vua Lê Thánh Tông đi qua đấy, nghe tiếng ông, bèn gọi đến thử tài. Ông lặn ngược dòng vài dặm, bắt được một con cá lớn, bề ngang chín tấc, đem lên dâng vua. Sau đó, ông cho là còn bé, lại thả cá xuống sông, lặn xuôi dòng ba bốn dặm bắt được con cá thước tư. Vua khen ngợi. Lúc vua hỏi nguyện vọng, ông chỉ muốn được một khu đất riêng để phơi lưới. Vua bèn ban cho ông một nơi gần đó gọi là hồ Thám.

Về chỗ Bu che râu đi theo đám ma vượt khỏi vòng vây, có người kể: Bu bảo người ta bó chiếu lại như bó người chết, cất hai thủ hạ khiêng, một thủ hạ khác cầm đuốc đi trước, còn mình thì vác cuốc thuổng theo sau, làm thành 1 đám ma giả, rồi cứ thế tiến đến chỗ quân lính vây bọc, xin phép ra đồng chôn. Lính thấy có người chết, không cần căn vặn mà còn cho đi ngay, thế là mắc lừa Bu.

Về câu chuyện " qua cầu tre, nằm bãi lác " , trong sự tích Cố Nghinh cũng có tình tiết tương tự. Cố Nghinh (tức Nguyễn Hữu Nghinh) quê ở Vạn-phúc-đông (Đức-thọ, Hà-tĩnh), là người cuối đời Lê, khi nhà Nguyễn lên không chịu đi thi. Gia Long nghe tin cố học giỏi cho sứ triệu ra làm quan, song cố nhất định không chịu.Về sau Minh Mạng sai Nguyễn Công Trứ đem quân đi bắt. Ai cũng lo thay cho cố, song cố vẫn điềm nhiên. Một lần quân đến vây bọc, cố lấy một chiếc chiếu lác bước qua chậu nước, rồi vào nằm trong nhà, đắp chiếu ấy lên. Nguyễn Công Trứ đến, bấm một quẻ độn, nói rằng: - " Nghinh đã chạy qua một con sông, hiện giờ còn trốn trong một bãi lác " . Bèn cho quân vượt sông đi tìm. Ở bên này, Nghinh trốn thoát.[3]

[1] Theo Jê-ni-bren (Génibrel). Chuyện đời xưa mới in ra lần đầu hết và lời kể của người Hà-tĩnh.
[2] Của Lưu Công Đạo.
[3] Theo lời kể của người Hà-tĩnh.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #98  
Old 03-14-2013, 01:09 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần V - Sự tích anh hùng nông dân (tt)

QUẬN HE


Vào thời nhà Lê, có hai vợ chồng một nhà nghèo ở làng Đồng-lùi, sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Hữu Cầu. Thuở trẻ, Cầu mồ côi bố, người mẹ túng bấn phải cho chàng đi ở, nhưng sau cũng cố gắng cho đi học. Trong lớp, chàng là người ngỗ nghịch không chịu kém ai. Bấy giờ có một bạn học kình địch với Cầu là Phạm Đình Trọng. Hắn là người thường được thầy khen nết na chăm chỉ, nhưng Cầu thì nhất định không phục.

Một hôm thầy đi đám, có cho Cầu và Trọng cùng theo. Lúc về, nhà đám biếu thầy một cái thủ lợn. Hai người ganh tị nhau không chịu xách. Thầy liền ra một câu đối: Huề trư thủ nghĩa là "xách đầu lợn", bảo ai đối hay thì được miễn. Trọng đối lại là Phan long lân nghĩa là "vin vẩy rồng". Còn Cầu thì đối là Phá Tần diệt Sở. Thầy gõ một giáo quạt vào đầu Cầu, chê Cầu đối gì mà lại thừa chữ. Nhưng Cầu cố cãi:

- Tôi dẫu đối sai, nhưng tôi không muốn vin vẩy rồng mà lóc vẩy rồng kia!

Thầy mắng:

- Thế thì tội to đấy, không phải chơi đâu, con ạ! Cuối cùng, chàng bị thầy bắt xách thủ lợn về nhà.

Hôm khác, thầy lại ra một câu đối: Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo. Trọng đối: Tháng Giêng rét dài, tháng Hai rét lộc. Câu của Cầu là: Tháng mười sấm rạp, tháng Chạp sấm động. Thầy bảo cả hai người:

- Thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc!

Lúc ra chơi, Trọng bảo Cầu:

- Tao sẽ cầm quân tiêu diệt mày.

Cầu đáp:

- Nếu tao làm giặc thì tao sẽ đánh tan xác những đứa vào luồn ra cúi.

Được ít năm, Cầu lại đi học với một thầy đồ khác. Một hôm nhà thầy có việc phải mổ trâu thết khách, nhân ra cho học trò câu đối: Tề hoàng ngưu, Cầu đối: Trảm bạch xà. Thầy cho biết như thế là sai luật. Cầu đáp:

- Tôi chỉ nhìn vào ý mà không nhìn vào chữ. "Giết trâu vàng" chính là đối với "chém rắn trắng" đó ạ!

Thầy tấm tắc khen:

- Thằng bé này ngày sau có chí lớn. Hãy cố lên con ạ!

Nhưng rồi sau đó ít lâu Cầu bỏ văn học võ. Năm mười tám tuổi, người chàng khoẻ như voi, tiếng to như sấm, có thể hai tay cầm hai cối đá ném xa vài trăm thước. Chàng lại giỏi nghề bơi lặn, lặn suốt một hơi, từ tả ngạn sông Bạch-đằng đến bãi huyện Yên-phong mới lên.

Bấy giờ chúa Trịnh chuyên quyền làm nhiều điều bạo ngược, trăm tình nghìn tội đều đổ vào đầu dân. Dân tỉnh Đông rủ nhau làm giặc. Cầu cũng gia nhập vào đám giang hồ. Dần dần, chàng là bộ hạ đắc lực của Nguyễn Cừ. Bấy giờ Cừ xưng hùng một dải Hải-đông. Cừ rất yêu tài chàng, gả con gái cho và phong làm quận công.

Có lần Cầu bị quan quân bắt được. Chúng đưa chàng ra xử trảm. Sắp bị chém, chàng nói với quản ngục:

- Chém thì chém nhưng hãy lập đàn chay, dựng cột phướn cho ta lễ Phật, rồi sẽ chịu hành hình. Như thế ta sẽ thoả cái linh hồn mà không quấy nhiễu ai nữa.

Bọn quan quân nghe nói cũng sợ, bèn cho lập đàn bên sông. Cầu được cởi trói, thong thả vào lễ Phật rồi trèo lên đài, quan quân vây bọc kín ở dưới. Chúng thấy Cầu chắp tay niệm "nam mô" hai tiếng rồi vụt một cái, đã thấy đâm đầu xuống sông. Chúng hốt hoảng rải quân vây đón hai đầu, nhưng tìm mãi không được. Trong khi đó thì Cầu đã lặn suốt theo dọc sông hơn ba mươi dặm mới bỏ lên bộ. Khi quan quân biết, thì chàng đã cướp được một con ngựa chạy như bay, không còn ai đuổi kịp.

Cừ thất bại, Cầu tự lập thành một đảng riêng, tiếp tục công việc của bố vợ. Chàng đem đồ đảng chiếm Đồ-sơn làm căn cứ. Khi tế cờ, chàng bắt kỳ dịch trong làm ấy phải dọn đền thờ Thành hoàng, vứt hết bài vị của thần đi, rồi dựng bài vị mới đề danh hiệu của mình vào mà thờ. Chàng bảo họ: - "Trên có trời, dưới có đất, giữa chỉ có mình ta là hơn cả, thứ thần linh này không đáng thờ bằng ta!".

Hôm khởi nghĩa có con cá he lớn vào sông nên người ta gọi Cầu là "quận He". Thấy chàng lặn giỏi và có tài đánh thuỷ, người ta cũng tôn làm "thần cá biển". Tuy vậy, chàng đánh bộ cũng rất cừ. Hồi ấy có một con ngựa thần thỉnh thoảng cứ vào buổi trưa lại từ dưới sông hiện lên rồi lững thững tiến vào một cái miếu ở ngoài đồng. Biết là ngựa quý, Cầu đến miếu nấp định bắt nhưng ngựa lạ hơi vừa động vào đã bị nó đá. Cầu bèn lấy thóc mang đặt ở miếu rồi ngồi rình. Ngựa lúc đầu không chịu ăn. Về sau mon men tới ăn. Mấy lần như thế. Cầu bắt đầu làm quen và dần dần ngựa chịu để cho Cầu cưỡi. Ngựa thần ngày đi ngàn dặm, hang sâu khe lớn vượt qua như bay. Ngựa lại rất mến chủ. Có khi người và ngựa bị bại trận lìa nhau mấy ngày trời, nhưng chỉ một thời gian sau, ngựa lại tìm về với chủ.

Triều đình cho Cầu là giặc nguy hiểm, cố lo diệt trừ. Chúng sai một quan thuỷ đạo đốc lĩnh rất thiện thuỷ chiến đem binh thuyền đến đánh. Cầu cho mười chiếc thuyền giả cách thua chạy. Bao nhiêu quan thuyền được lệnh ra sức đuổi theo. Thuyền của Cầu lui vào bến Cát-bạc. Ở chỗ đó gió to sóng dữ, quan thuyền cao to lại nặng không tài nào lái được, bị dạt sang bờ bên Đông. Cầu chỉ chờ có lúc ấy liền đem thuyền nhẹ đến vây đánh. Quan quân tan vỡ, thuỷ đạo đốc lĩnh giơ tay chịu trói.

Nhà vua rất lo, phái mười đạo quân, cầm đầu là một viên đại tướng nổi tiếng tới đánh. Cầu tìm chỗ hiểm đặt quân phòng giữ, nhưng bề ngoài thì cho dành những quân già yếu để lừa địch. Đại tướng khinh thường, dẫn mười đạo quân tiến vào. Tiến đến đâu, quân Cầu giả thua quăng khí giới bỏ chạy đến đấy. Cầu chờ cho chúng tiến đến chỗ phải nối đuôi nhau mà đi, nổ một phát súng hiệu, quân mai phục bốn bề xông ra diện một lúc hết cả mười đạo quân. Đại tướng chỉ còn chạy thoát lấy thân.

Mãi về sau, Phạm Đình Trọng bấy giờ đã là tướng tâm phúc của chúa Trịnh, tình nguyện xin đi đánh Cầu. Trọng trước lúc xuất quân, gửi cho Cầu một vế câu đối: Thổ tiệt bán hoành: thuận giả thưởng, nghịch giả hạ (nghĩa là chữ "thổ" cắt đi một nửa ngang, nếu để xuôi là chữ "thượng", để ngược là chữ "hạ"). Ý bảo Cầu nếu thuận sẽ để yên, nếu nghịch thì tiêu diệt. Cầu nghĩ ngay vế đối gửi lại cho Trọng: Ngọc tàng nhất điểm: xuất vi chúa, nhập vi vương (nghĩa là chữ "ngọc" giấu trong mình một chấm, đưa ra là chữ "chúa", cất đi là chữ "vương"). Ý bảo ta một là làm chúa, hai là làm vua, chứ không thèm đầu hàng.

Hai bên dàn quân giao chiến luôn mấy trận, quân của Trọng bị đánh tơi bời. Nhưng Trọng cố xin chúa cho mình tập hợp quân xứ Bắc như rươi, quân xứ Đoài như trấu để vây bọc Cầu. Quân của Cầu ít, lại đóng rải rác ở cuối ghềnh đầu bãi, sau dó bị quân địch dần dần dồn lại trong vòng vây. Những kẻ xông xáo định tìm cách vượt ra đều bị chết dần chết mòn. Tình thế rất nguy ngập. Một hôm, Cầu lặn đến thuyền Trọng. Mặc dầu lính canh gác vòng trong vòng ngoài, chàng cũng bám được vào bánh lái trèo được lên quan thuyền trong đêm tối. Bấy giờ Trọng đang ngủ say. Cầu quẳng vào một bức thư đại ý nói: "Ta có thể lấy đầu nhà ngươi như thò tay vào túi lấy một vật gì. Nhưng nghĩ tình bạn đồng học nên ta tha cho. Đổi lại, nhà ngươi hãy mở cho quân ta một lối thoát". Sáng dậy, Trọng đọc thư thấy sợ quá. Hắn một mặt trưng thu tất cả các chiếu trong vùng kết liền với nhau làm một, rồi trải ra trên mặt sông để đề phòng Cầu lén đến. Mặt khác, "tương kế tựu kế" hắn mở một lối cho quân Cầu rút lui, nhưng lại phục binh đợi khi quân Cầu rút được nửa chừng thì hai mặt xông vào ập đánh. Trận ấy quân của Cầu thứ bị giết, thứ bị đắm đuối, thứ chạy trốn, tan tác khắp nơi[1]. Một bộ phận thoát được theo chủ tướng chạy vào Nghệ-an. Đến đây không may cho Cầu, thuyền bị bão lớn đắm gần hết phải bỏ lên bộ. Đi qua vùng Hoàng-mai, chàng bị thuộc tướng của Trọng bắt được. Chàng than lên: - "Nếu trời không hại ta thì lũ chó chết đừng có hòng mó đến người ta!".

Lúc Cầu bị tử hình, vợ yêu của chàng là Nguyễn Thị Quỳnh đến gặp mặt và rút dao đâm cổ, quyết theo chồng về cõi âm cho có bạn. Con ngựa của chàng cũng bỏ ăn ba ngày, rồi đi đâu mất biệt.

Ngày nay dân Đồ-sơn còn thờ Nguyễn Hữu Cầu. Người ta bày ra tục chọi trâu để nhớ lại sức mạnh vô địch của Quận He đã từng một thời làm cho quân triều run sợ. Người ta thường nói "gan Quận He" để chỉ những người nào gan góc dũng cảm.[2]

[1] Theo Phan Kế Bính. Nam hải dị nhân liệt truyện và Thực nghiệp dân báo (1924), tạp chí Nam phong (1919).

[2] Theo Phan Kế Bính. Nam hải dị nhân liệt truyện và Thực nghiệp dân báo (1924), tạp chí Nam phong (1919).
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #99  
Old 03-14-2013, 01:10 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần V - Sự tích anh hùng nông dân (tt)

HẦU TẠO


Ở làng Tuần-lễ thuộc xứ Nghệ có một anh chàng tên là Tạo. Tạo sinh ra có một nốt đỏ trong vành tai, người ta cho là có tướng lạ. Chàng chẳng những có sức khỏe như voi mà còn có mưu lược hơn người. Thưở nhỏ, Tạo đi học thường được thầy khen văn hay và viết nhanh. Nhưng anh học trò ấy chẳng thích chuyện thi cử đỗ đạt mà chỉ muốn đua sức mạnh, nên sau đó bỏ văn sang học võ. Sau mấy năm luyện tập đủ nghề khiên mộc giáo roi và binh thư đồ trận, chàng để mẹ và vợ ở nhà, đi lang thang khắp mọi miền. Chàng kết giao với nhiều bạn ở các vùng sông La, sông Lam, đi lại khoảng ngàn Trươi, ngàn Hống. Và chàng đã tai nghe mắt thấy rất nhiều những việc bất bình trong thiên hạ.

Thấy con nay đây mai đó, mẹ Tạo gọi con về, bắt phải chăm lo việc nhà. Chàng xưa nay rất thương mẹ và không muốn làm trái ý mẹ, đành trở về cày ruộng làm ăn. Nhưng tuy cầm lấy cái cày, bụng chàng còn nghĩ đến những hảo hán, bạn chàng ở bốn phương. Một hôm, trong một canh xóc đĩa, chàng thua rền: có bao nhiêu tiền để dành của mẹ, chàng trộm ra nướng sạch. Đêm ấy, vì không muốn để mẹ than phiền, Tạo tính chuyện vào nhà một tên trọc phú bên cạnh làng làm một mẻ. Nhà này đường ngang ngõ tắt, chàng đã biết hết. Cũng tưởng lọt vào êm như ru, nhưng không may cho chàng, vừa khoét vách lọt vào đã bị chúng phục sẵn chẹn bắt ngay, không kịp chống đỡ gì hết. Sa cơ, chàng bị chúng trói lại và giải lên quan.

Nhưng Tạo không để mình bị giam lâu. Ở trong ngục, chàng tìm cách bẻ được xiềng sắt rồi trèo tường vượt ra ngoài. Thấy người ta truy nã mình ráo riết, chàng không dám về nhà nữa. Chàng rủ bạn bè đi làm giặc. Từ đó, chàng làm cho bọn nhà giàu và bọn quan lại sợ mất mật. Mọi người theo chàng rất đông. Chàng tự xưng tước hầu và lập đồn trại ở truông Mây.

Nhà vua nghe tin quân truông Mây nổi loạn, sai Lê Văn Duyệt ra trấn Nghệ An tìm cách tiêu trừ. Bao nhiêu lần quan quân tiến vào truông Mây là bấy nhiêu lần bị quân của Tạo đánh cho tan tác. Lê Văn Duyệt kinh sợ bèn yết bảng treo giải một trăm nén vàng và chức tước lên cho kẻ nào bắt sống hoặc giết chết Tạo, người có nốt đỏ ở tai.

Tạo nghe tin, bèn cho quân sam đủ cờ quạt võng lọng, rồi chọn lấy năm mươi người cải trang làm một đoàn quân đặc mệnh của nhà vua phái đi thanh tra các trấn. Tạo mặc áo gấm rất oai vệ, nằm trên cáng có diềm xanh diềm đỏ, có kẻ hầu trap, hầu điếu, v,v.... rồi cả đoàn tiến vào thành Nghệ An, Quân sĩ của Duyệt thấy một đội quân gươm tuốt trần, giáo mác súng ống tề chỉnh, đi trước có một lá cờ đề hai chữ "khâm sai" thì không nghi ngờ gì nữa, vội vã rước vào rồi chạy đi báo cho quan trấn thủ biết. Lê Văn Duyệt tưởng thật ra khúm núm lạy chào, đưa Tảo cùng vào quan sảnh. Duyệt chưa nói câu nào thì Tảo đã bảo ngay:

- Nhà ngươi mấy lần ra trấn xứ Nghệ đã biết mặt Tạo ra thế nào chưa?

Duyệt cung kính đáp:

- Dạ, chưa biết mặt.

- Tao đây chính thị là Hầu Tạo. Đây, nốt đỏ trong vành tai tao đây này.

Duyệt lấm lét nhìn, kinh sợ, chưa biết nên làm thế nào, thì Tạo đã nói:

- Hãy ngồi im, hễ rục rịch tao giết. Nghe tao hỏi đây. Tao có tội gì mà treo giải bắt?

Duyệt trấn tĩnh đáp:

- Ta thay mặt triều đình làm trấn thủ một phương, ai ai cũng thán phục, chỉ có mình ngươi là không quy thuận, nên ta phải vâng lệnh nhà vua tầm nã. Bây giờ xin tặng ngươi một trăm nén vàng và ba trăm nén bạc, ngươi hãy làm bạn với ta, ta sẽ tâu nhà vua tha tội, và cho làm một chức quan.

Tạo cười, bảo:

- Nên nhớ là bọn chúng tao cũng giúp triều đình một việc rất lớn là trừ khử lũ tham quan ô lại và lũ trọc phú cướp của hại dân đây! Tao đến đây không phải vì chức quan mà cốt nói cho chúng mày biết, đừng có tầm nã nhọc công vô ích. Không những thế, chúng tao còn có thể lấy đầu chúng mày như thò tay vào túi đó thôi!

Đoạn, Tạo lại nói:

- Các ngươi cho tiền, ta xin nhận. Nào, hãy đưa mau ra đây!

Lê Văn Duyệt thấy hắn cầm lăm lăm thanh gươm thì sợ nguy đến tính mạng, đành phải sai lấy vàng bạc ra cho Tạo. Tạo sai thủ hạ nhận đủ, rồi bắt Duyệt phải đi cùng mình ra khỏi nơi nguy hiểm mới thả cho về, và nói:

- Ta không muốn giết mày mang tiếng thất tín. Hãy coi chừng cái đầu tao gửi trên cổ đó!

Được thả về dinh, Lê Văn Duyệt vừa xấu hổ vừa giận sôi gan. Hắn bắt chém ngay tên lính gác vì đã phạm tội lơ đễnh. Rồi từ đó, hắn dồn toàn lực vào việc trừ diệt Tạo. Thấy dùng binh mã đánh nhau với Tạo không nổi. Duyệt dùng đến mưu độc. Hắn sai thám tử đi dò tìm quê quán của Tạo và ra lệnh bắt gia quyến Tạo đem về dinh trấn để trả thù.

Khi bắt được mẹ và vợ Tạo, Duyệt mừng lắm. Hắn sai dựng một cái chòi rất cao, nhốt hai người lên đó để cho mọi người thấy mặt. Đoạn hắn bắn tin cho Tạo biết, nếu quy hàng sẽ để cho mẹ và vợ được yên ổn trở về, bằng không sẽ cho đầu lìa khỏi cổ. Nghe tin này, Tạo rất buồn. Chàng bảo chúng bạn:

- Đạo trời chỉ có cha với mẹ là lớn nhất. Ta một đời chưa lúc nào làm cho mẹ ta vui sướng. Nay ta ngựa cưỡi dù che mà để mẹ chết một cách oan khốc thì sống cũng bằng thừa.

Nói rồi trói tay chịu hàng Lê Văn Duyệt.

Bắt được Tạo một cách khỏe khoắn, Lê Văn Duyệt trở mặt, sai giam chàng lại chờ ngày ra pháp trường. Trong ngục tối, chàng viết những vần phú lời lẽ hùng tráng nói đến cái chí ngang trời dọc đất của mình, chỉ vì thương mẹ mà chịu chết chứ không sợ ai cả. Duyệt đọc bài phú lại càng lộn ruột, hắn sai lính hành hình ngay. Ngày chàng rơi đầu dưới lưỡi gươm của đao phủ là một ngày hết sức buồn đối với dân Nghệ: không ai là không rủa thầm Lê Văn Duyệt. Có những người bỏ cơm ba ngày vì cảm thương chàng. Nhà vua nghe lời tâu của Duyệt, không bằng lòng, lấy cớ là hắn đã tự tiện giết mất một người con hiếu, đáng lý phải chờ xin mệnh lệnh của mình. Vua bèn phạt Duyệt một năm lương! [1]

[1] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn, và lời kể của người Hà Tĩnh.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #100  
Old 03-14-2013, 01:12 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww Phần V - Sự tích anh hùng nông dân (tt)

LÊ LỢI


Hồi ấy, giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, đối đãi với dân ta vô cùng tàn ác. Không một ai là không nghiến răng chau mày. Bấy giờ có Lê Lợi nổi quân đánh bại lại chúng; nhưng trong lúc mới khởi nghĩa, quân ít lương thiếu, mấy lần bị giặc đánh đuổi, mỗi người chạy một nơi. Nhưng ông không ngã lòng nản chí. Ít lâu sau, được mọi nơi giúp của giúp người nên thanh thế lại dần nổi lên.

Một hôm, đội quân của Lê Lợi bị thua nặng. Một mình ông thoát được vòng vây chạy về một xóm kia. Nhưng một toán quân Minh đã phát hiện ra, đuổi theo rất gấp.Khi đi qua một lùm cây,ông bỗng thấy hai vợ chồng một ông lão đang be bờ bắt cá ở ruộng. Ông liền chạy xuống nói với ông lão:

- Cụ làm ơn cho tôi bắt cá ở đây với, lũ chó Ngô sắp tới bây giờ!

Ông lão cởi ngay chiếc áo đang mặc ném cho ông, và ra hiệu bảo ông cứ xuống mà bắt.

Lê Lợi vừa thò tay xuống bùn thì cả toán quân giặc đã sồng sộc chạy tới. Một đứa trong bọn nhìn quanh nhìn quất rồi dừng lại bên cạnh đám ruộng:

- Này lão kia có thấy Lê Lợi chạy qua đây không?

Ông lão lắc đầu:

- Từ khi chúng tôi tát cá ở đây chả có người nào chạy qua cả.

Trong lúc những tên giặc khác đang lục soát bờ bụi, thì Lê Lợi cũng ngẩng đầu lên nhìn theo. Ông lão quát:

- Thằng bé kia, mày không bắt đi để còn về ăn cơm, nhìn ngó cái gì?

Lê Lợi biết ý, lại cúi xuống bắt cá như cũ. Quân giặc đứng trên bờ tưởng người nhà ông lão nên không hỏi thêm gì nữa. Một chốc sau, chúng rút đi nơi khác.

Tối hôm ấy, ông lão đưa Lê Lợi về nhà mình. Một đám quân bị lạc chủ tướng lúc này cũng tìm được đến đây với Lê Lợi. Đây là một thôn ở gần núi, dân cư rất nghèo, thường ngày ăn uống rất kham khổ. Trong nhà ông lão có nuôi một con khỉ. Thấy không có gì đãi quân khởi nghĩa, mà đi mua bán thì sợ không giữ được kín tiếng, hai ông bà bàn nhau giết thịt con khỉ kho lên cho mọi người làm thức ăn, riêng Lê Lợi thì có thêm một đĩa cá chép vừa bắt được lúc chiều. Cơm dọn ra. Cả tướng lẫn quân vừa mệt vừa đói nên ăn rất ngon lành. Mờ sáng hôm sau trước khi từ giã, Lê Lợi nắm lấy tay ông lão, nói:

- Chúng tôi không bao giờ quên ơn lão. Sau này lúc nước nhà hưng phục, sẽ mong có dịp báo đền.

* * *

Lần thứ hai, Lê Lợi lại bị thua to, quân sĩ không chống nổi với lực lượng hùng hậu của giặc nên xiêu bạt mỗi người một nẻo. Lê Lợi một mình trốn về rừng già, có ba tên giặc đuổi theo sát nút. Qua một đoạn đường rẽ ông bỗng bắt gặp thây một cô gái bị giặc hãm hiếp và giết chết. Ông vẫn còn đủ thì giờ dừng lại khấn: -"Xin vong hồn nàng hãy cứu ta lúc này, ta sẽ vì nàng ra sức báo thù lúc khác".

Khấn đoạn lại chạy, nhưng bấy giờ nguy cấp quá, ông đành chui liều vào một bụi cây. Quân Minh đuổi theo đến khoảng đó thì dừng lại nhìn ngó quanh quất, chưa biết nên tìm ngả nào, chúng xuỵt chó đi sục sạo. Thấy con chó cắn vang ở phía bụi có Lê Lợi nấp, chúng liền lấy giáo thọc vào bụi, đâm phải đùi ông. Lê Lợi cắn răng để khỏi phải kêu lên, và trước khi ngọn giáo rút ra, ông vẫn không quên dùng vạt áo lau máu dính ở giáo.

Nhưng chó vẫn cứ nhằm bụi cây cắn inh ỏi. Lũ giặc tin chắc có người nấp trong đây; chung toan lao giáo vào một lần nữa, thì bỗng trong bụi nhảy vụt ra một con chồn. Chó thấy chồn lập tức đuổi theo cắn râm ran. Lũ giặc thấy vậy đánh chó và mắng: -"Chúng tao nuôi mày để săn người An-nam chứ có phải săn chồn đâu?". Và rồi chúng kéo nhau bỏ đi nơi khác. Nhờ thế Lê Lợi lại được thoát nạn.

Sau những ngày chiến đấu gian khổ, quân đội khởi nghĩa bắt đầu thu hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, quân Minh cũng tiếp tục mất hết thành nọ đến thành kia. Cuối cùng bọn giặc phải bỏ giáp quy hàng. Lê Lợi lên ngôi vua ở Thăng Long. Nhưng ông chẳng bao giờ quên những người đã cứu giúp mình và nghĩa quân ngày trước. Ông mới sai đại thần mang một mâm vàng bạc về tận nhà hai ông bà già để tặng. Song bấy giờ cả hai vợ chồng đều đã chết cả. Ông bèn sai dựng một ngôi đền ở ngay trên nền nhà cũ. Hàng năm ông bắt các quan phải tới đây làm lễ quốc tế. Cỗ cúng rất đơn giản, chỉ có một đĩa xôi, một bát thịt khỉ và một đĩa cá chép nướng, đúng như lúc hai vợ chồng lão dọn cỗ cho nghĩa quân ăn.

Còn chỗ có thây cô gái chết, ông cũng sai lập một miếu thờ vì nghĩ rằng chỉ có hồn thiêng của nàng đã hóa làm chồn đánh lạc hướng bầy chó của giặc thì ngày ấy mình mới qua cơn hiểm nghèo. Không biết tên của nàng, ông sai gọi nàng là Hộ quốc phu nhân, nghĩa là bà phu nhân giúp nước. Người ta cũng gọi là Hồ Ly phu nhân. [1]


KHẢO DỊ


Người Nghệ-An có truyền thuyết Núi Phù Lê:

Ở một hòn núi thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngày ấy có một cây đa sống lâu đến tám, chín trăm năm, ruột rỗng thành lỗ. Bị giặc Minh đánh đuổi, Lê Lợi chui vào cái lỗ ấy ẩn nấp. Giặc xuỵt chó đi tìm. Đến cây đa, chó đánh hơi và sủa mạnh. Từ trong lỗ bỗng vụt nhảy ra một con chồn. Chó đuổi theo và giặc cũng theo chân chó, nhờ vậy Lê Lợi thoát nạn. Khi bước ra khỏi lỗ một quãng thì thấy có thây một đàn bà chết. Lê Lợi nghĩ rằng chính người đàn bà ấy đã hóa thành chồn để cứu mình, bèn bảo quân chôn cất. Và khi dẹp xong giặc nước, vua phong cây đa ấy là cây Phù Lê, núi cũng mang tên ấy. Người đàn bà được phong thần, sau dân lập đền thờ. [2]

Người Nghệ- an còn có một truyện khác cắt nghĩa nguồn gốc cái tên làng Cẩm-bào (nay thuộc xã Diễn- trường, Diễn-châu, Nghệ An):

Khi đánh quân Minh, Lê Lợi có lần bị giặc đuổi, chạy qua đây. Lúc này có một người đang làm ngoài đồng. Người ấy bảo:-"Hãy cởi áo bào tôi cứu cho". Nói xong người ấy đổi áo cho Lê Lợi. Giặc đến thấy người mặc áo bào tưởng là người mà mình đang tìm bèn giết chết. Còn Lê Lợi thì lẩn vào trong xóm thoát được. Khi lên ngôi vua, ông sai đặt tên làng ấy là Cẩm-bào để nhớ ơn. Nay còn cái cầu gần ga Yên-lý mang tên ấy. [3]

[1] Theo Phạm Đình Hổ. Vũ trung tùy bút , đã dẫn.
[2] Theo Bản khai xã Thanh-tân. Cũng có người cho núi này sở dĩ mang tên Phù Lê là do công lao mẹ con bà Bạch Ngọc, hoàng hậu nhà Trần khai thác điền trang ở vùng Hương-sơn, giúp vua Lê nên có tên ấy.
[3] [3] Theo lời kể của người Nghệ-an.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 11:11 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.