Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Cổ Tích - Truyện Lịch Sử
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #11  
Old 08-29-2009, 01:23 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn

Nguyễn Nghiêu Tư, hiệu là Tùng Khê, người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Tương truyền cha ông làm nghề thịt lợn, ông lại đẻ vào tháng 10 tức tháng Hợi nên được đặt tên là Nguyễn Văn Trư và mọi người thường gọi là cậu Lợn.

Ông bản tính nhanh nhẹn, thông minh, có lần đi với bố ra đường, gặp đám rước kiệu ông Nghè vinh quy, Trư hỏi:
- Ông gì thế bố?

Người cha đáp:
- Ông Trạng!

Trư nói:
- Lớn lên con cũng làm ông Trạng!

Từ đó đi chơi với trẻ trong làng, ông đều khoe:
- Tao là quan Trạng!

Có người khách nghe được mới nói lỡm rằng:
- Trạng dở hay trạng nguyên?

Ông buột miệng đối ngay:
- Khách quen hóa khách lạ!

Cạnh làng ông là làng Yên Định đất học, có cụ đồ sang chơi, nói rằng:
- Mày là Trạng thì để ta ra câu đối xem đối có được không?

Trư ưng chịu. Nhân nhà Trư sinh sống bằng nghề thịt lợn cụ đồ bèn ra vế đối, mang đề tài lợn:
- Lợn cấn ăn cám tốn!

Lợn cấn là lợn có chửa, lợn chửa thì ăn nhiều cám tuy nhiên cái lắc léo của câu đối chính là Cấn và Tốn là hai quẻ trong Bát quái.

Trư đối ngay:
- Chó khôn chớ cắn càn!

Câu đối tuy rằng khá xấc xược, nhưng vế đối khá hay bởi vì Khôn và Càn cũng chính là hai quẻ trong Bát quái!

* Thật ra xét về luật đối thì vế đối không chỉnh lắm vì chữ "ăn" là động từ, "chớ" là trạng từ, "cám" là danh từ "cắn" là động từ. Câu đối này được gán cho Trạng Quỳnh trong truyện về Trạng Quỳnh (chú thích của Ái Hoa).

Cụ đồ thấy Trư thông minh bèn khuyên bố mẹ ông cho ông đi học. Chính cụ đồ bị ông đối xược ấy dạy ông từ năm mới 8 tuổi. Ông học rất giỏi, nghe một biết mười, lễ phép, chuyên cần, bạn học có người lớn gấp rưỡi, gấp đôi tuổi thảy đều thương mến. Những ngày trời mưa bạn thường cõng ông qua chỗ lội.

Khi ở nhà lúc nào ông cũng chăm lo đèn sách, thậm chí khi ra ao rửa bèo, ra vườn hái rau, tay vẫn cầm cái que nhọn vạch xuống đất hoặc vào lá chuối, lá khoai những chữ khó nhớ.

Đến khi biết chữ đã kha khá, thầy đồ gửi ông ra học cụ Vũ Mộng Nguyên. Cụ Nguyên người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan cho nhà Hồ mà về làng dạy học.

Ông đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông. Tương truyền đêm trước ngày thi đình vua Nhân tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng. Dân gian coi yết bảng cứ kháo nhau thành vè “Long đầu lợn-Nguyễn Văn Trư”, vua liền đổi tên cho Trạng là Nguyễn Nghiêu Tư.

Ông làm quan đến chức An phủ sứ Hàn lâm Trực học sỹ, đi sứ nhà Minh lại phong Lại bộ thượng thư, về phong Chưởng lục bộ thượng thư.

Khi Trạng vinh quy bái tổ, dân làm cái nghè ở Phù Lương thị (chợ làng Phù Lương), tức làng Giùng, chợ Giùng để đón. Nghè còn tồn tại đến thời kháng chiến chống Pháp dân vẫn gọi là Nghè quan Trạng. Khi về hưu vua phong “Thượng quốc công chí sỹ” và vợ được hàm “nhất phẩm phu nhân”.

Năm 1459 Lê Nghi Dân giết vua tiếm vị, sai Trạng đi sứ sang Tàu cầu phong. Khi đoàn sứ thần ta tới ải Nam Quan, viên quan coi cửa ải nhà Minh muốn thử trí sứ thần Đại Việt bèn treo lên cửa quan một chữ thập lớn bằng gỗ, bảo nếu đối được thì mới mở cửa đón tiếp. Trạng nói:
- Các người ỷ thế nước lớn, ngạo mạn muốn coi người Trung Hoa là “tung hoành vũ trụ”. Đã vậy thì ta phải đối lại cho chúng biết người Đại Việt chúng ta không dễ gì mà bắt nạt!

Trạng sai người bện một cái vòng tròn lớn bằng lụa tết mắc lên đầu chữ thập, cả chữ thập lọt trong vòng tròn ấy. Viên quan Tàu coi ải đọc ra ngụ ý vế đối là "bao quát càn khôn", để đối lại vế ra là “tung hoành vũ trụ”. Ông ta thầm khiếp phục, mở cửa quan nghênh tiếp sứ giả.

Vào đến Yên Kinh, Trạng vào yết kiến vua Minh. Hoàng đế nhà Minh hoạch hoẹ:

- Sao lại dám giết em mà tranh ngôi vua?

Nghiêu Tư trả lời:

- Đường Thái tông giết cả anh là Kiên Thành, em là Nguyên Cát là việc cũ của thiên triều, thì việc nước tôi ngày nay có gì là lạ?

Thấy sứ thần Đại Việt trả lời rất đúng lý nhà Minh đành chấp nhận phong vương.

Nhà vua muốn thử tài sứ giả, ngầm sai đặt trong hoàng cung quán lịch sự, đề hai chữ Kính Thiên treo ở giữa, bầy đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh đặt nghi vệ sang trọng như chỗ giường ngủ của thiên tử, để xem Trạng có dám ngồi đó không.

Khi sắp yến tiệc họ đưa Trạng và phó sứ dạo thăm cung điện rồi mới đưa đến đấy. Trạng bèn bảo phó sứ cùng ngồi lên sập thất bảo. Thấy vậy, viên quan nhà Minh ra hoạch:

- Cớ sao sứ thần lại ngược ngạo, vô lễ đến như vậy? Không trông lên trên kia xem, chỗ này là chỗ gì?

Trạng ta bình thản trả lời:

- Dám thưa, ngài lấy cớ gì cho sứ thần tôi là ngạo? Biển đề hai chữ Kính Thiên 敬 天, chiết tự ra là kính nhị nhân 敬 二 人 (chữ thiên 天 là trời, tách ra thành hai chữ nhị nhân 二 人 là hai người) thực hẳn là ý quý quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi hai sứ thần xa lại. Ngài dạy thế chúng tôi phải tuân theo. Vả nghe cổ nhân có nói: “Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực”. Tôi nghe Thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà sứ giả nước xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh nghi mà không lại nữa.

Viên quan nhà Minh thấy Trạng nói như đã thấu rõ gan ruột mình từ trước, vội vàng khoả lấp ngay:

- Xin quý ngài xá lỗi. Nghĩ là buổi ban đầu, thử xem ngài có phải là bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà biết trước được như thế còn hề chi?

Trong thời gian ở Trung Quốc ông lập được nhiều công lớn, nhất là việc dạy hoàng tử học, được vua Minh rất đỗi quý phục phong ông là Lưỡng quốc Trạng nguyên.


Ái Hoa

__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #12  
Old 08-29-2009, 01:24 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

NĂM HỢI NHÀN ĐÀM VỀ TRẠNG LỢN
VÀ TRUYỆN TRẠNG LỢN


NGUYỄN VIẾT CHÍNH

Trạng Lợn là một trong hai trường hợp ngoại lệ được xây dựng thành hình tượng văn học, Về nguồn gốc xuất xứ của truyện Trạng Lợn thì có nhiều tài liệu giải thích khác nhau. Theo Từ điển Hán-Việt của ông Đào Duy Anh thì Trạng Lợn là tên dân gian dùng để chỉ Nguyễn Nghiêu Tư ở nước ta học dốt lại vô hạnh mà đỗ Trạng nguyên nên người đời thường có câu: Trạng nguyên trư Nguyễn Nghiêu Tư, nghĩa là Trạng nguyên dốt như con lợn. Đúng là có Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư thật. Theo sử sách thì niên hiệu Thái Hoà thứ sáu (1448) trước khoa thi, vua Lê Nhân Tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng. Đến lúc treo bảng người đỗ trạng lại tên là Nguyễn Nghiêu Trư, người Kinh Bắc. Hỏi ra thì biết Trạng đẻ tháng Hợi, năm Hợi nên bố đặt tên cho vậy. Vua thấy tên Trạng mà như thế thì không hay nên mới đổi tên từ Nguyễn Nghiêu Trư thành Nguyễn Nghiêu Tư. Theo cụ Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng thì đương thời Thăng Long có câu: Long đầu Trư - Nguyễn Nghiêu Tư (Nguyễn Nghiêu Tư là con lợn đầu rồng), chỉ việc Tư đỗ trạng.

Nhưng trong dân gian thì hai chữ “Trạng Lợn” được dùng để chỉ những kẻ nói láo gặp thời. Vào năm Canh Thân 1920 đời vua Khải Định có ấn hành sách Trạng Lợn do Mộng Quế Thư Hiên viết đề tựa. Theo tài liệu này thì Trạng Lợn là Dương Đình Chung (tục gọi là Chung Nhi), con thứ hai của ông Dương Đình Lương làm nghề mổ lợn, quê ở Mạnh Chư (tục gọi là làng Dừa), thuộc huyện Bình Lục, Nam Hà. Vì chữ Chư đồng âm với Trư (lợn) nên gọi là Trạng Lợn – theo cách gọi phổ biến ngày xưa. Tương truyền rằng, họ Dương ở làng Dừa vốn là dòng khoa bảng. Đến đời ông Dương Đình Lương thì phải xoay ra làm nghề lái lợn, hai vợ chồng sinh được một trai nhưng lại học dốt nên lấy làm buồn phiền và ngày đêm cầu mong có được một thằng con thông minh để nối nghiệp tổ tiên. Quả nhiên bà Lương thụ thai rồi sinh ra một trai nữa, hai vợ chồng mừng lắm bày tiệc ăn mừng và đặt tên là Dương Đình Chung (còn gọi là Chung Nhi). Năm Chung Nhi lên 3 tuổi, triều đình mở khoa thi. Có một ông Trạng nguyên và một ông Bảng nhãn vinh qui về qua làng Dừa. Chung Nhi chỉ vào người mặc áo trào hỏi bố: “Ông kia là gì?, hở bố?”, “Ông ấy là quan Trạng”. Lại chỉ ông mặc áo trào đi sau: “Còn ông kia?”, “Ông ấy là quan Bảng”, “Ông nào hơn ông nào?”, “Quan Trạng hơn”. Chung Nhi liền nói với bố rằng: “Thế thì sau này con cũng làm quan Trạng”. Từ đấy, Chung Nhi thường mơ tưởng đến hai chữ “Trạng nguyên”…Một hôm có ông khách của bố đến chơi hỏi đùa Chung Nhi: “Trạng dở hay Trạng nguyên?”. Chung Nhi đáp lại: “Khách quen hoá khách lạ”. Khách ngạc nhiên về vế đối hoàn chỉnh nên khuyên ông Lương cho Chung Nhi theo học…

Còn về truyện Trạng Lợn. Theo ông Vương Thừa ÂN, truyện Trạng Lợn có cả thảy 19 hồi, diễn biến theo một trình tự chặt chẽ, qua đó dần dần hiện lên một nhân vật chính có đủ hoàn cảnh xuất thân, lý do ra đời, học hành, thi cử rồi hiển đạt thế nào. Sau khi đỗ Trạng được vua sai cầm quân đánh giặc, lấy được vợ tài sắc con quan, đi sứ Tàu ứng đối trôi chảy, sau lại hoá về trời. Trong truyện còn có một loạt nhân vật phụ, nhưng phần lớn là hư cấu, chỉ có hoàng đế Lê Thánh Tông và thầy địa lí Tá Ao là có thật!

Trong thực tế thì làng Mạnh Chư xưa nay không có họ Dương và các sử liệu cũng không hề chép ai là Dương Đình Chung đỗ Trạng làm quan như thế cả, dưới triều vua Lê Thánh Tông lại càng không có. Rõ ràng, Trạng Lợn chỉ là một nhân vật được hư cấu lên thành hình tượng văn học. Các chi tiết hài hước trong truyện rất sâu sắc đòi hỏi người đọc phải có một số kiến thức Hán Nôm nào đó mới thấy hết sự thú vị. Tác giả Trạng Lợn phải là người có học có tài nữa, nhưng không gặp thời nên rất khinh ghét những kẻ nói láo gặp thời. Ví như truyện “Dốt chữ …thành thần”: Trạng Lợn cùng hai người bạn lạ đi đến một làng nọ khi trời nhá nhem tối bèn lần vào tìm nhà trọ. Thấy ở cổng làng đề ba chữ “Thủ chư dự” (Lấy trong quẻ dự), Trạng nghe qua lại lầm qua là “thủ trư” (thủ lợn) nên báo với hai người kia là : “Tối nay, anh em ta được chén thủ lợn”. Thực ra Trạng dốt, vừa đoán mò lại không biết cả ngữ pháp tiếng Hán (thủ lợn phải là “trư thủ” chứ không phải là “thủ trư”). Không ngờ, ba người lại trọ ở nhà ông tiên chỉ, gặp ngày tế xuân, làng đem biếu ông ta cái thủ lợn, thế là…hai người kia phục lăn Trạng. Hôm sau, ba người qua một làng khác, thấy đầu làng có biển đá khắc hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa). Nhưng do mặt chữ chưa thuộc nên Trạng đọc thành “bất an” nên giục hai bạn đi vội kẻo nguy. Quả nhiên, một lúc sau trong làng có đám cháy lớn… Tiếng lành đồn xa, một hôm Trạng Lợn được vua mời vào cung để bói tìm kẻ trộm đánh cắp đồ nữ trang của công chúa. Nghĩ mãi không ra kế gì, Trạng cho mình là cái thân tội nên buột miệng nói: “Thật là quýt làm cam chịu”. Không ngờ hai tên trộm là Cam và Quýt rình nghe thấy liền ra tự thú. Từ đó Trạng càng nổi tiếng. Quá nổi tiếng nên Trạng được vua giao làm Chánh sứ sang Tàu. Tới ải Nam Quan, quan giữ ải đưa ra một cái biển trên viết chữ “Thập” rồi lấy tay chỉ Đông, chỉ Tây ngầm như thách đố. Trạng bực và nghĩ: Nó muốn dọc, muốn ngang thì ta khoanh một cái vòng tròn cho nó hết đường dọc ngang. Rồi Trạng khoanh một vòng lớn vào biển rồi đưa ra. Quan giữ ải giật mình: ý ta muốn nói là “tung hoành vũ trụ”, thế mà sứ An Nam biết mà đối lại là “bao quát càn khôn” thì tài thật…

Trong lời đề tựa truyện Trạng Lợn, Mộng Quế Thư Hiên viết: “Đến như ông Trạng Lợn thì thực là quá, đĩnh ngộ không phải như cụ Mạc (Mạc Đĩnh Chi) mà đối đáp không khác gì bậc thông minh, uyên thâm không phải như cụ Trình mà bói toán tựa như người tinh, góp nhặt rặt những chuyện của người mà thành ra cái tài của mình thực là chuyện lạ xưa nay có một. Các cụ truyền người ta nhớ lại song ác ở miệng, văng vẳng ở tai, một câu gọi trạng, hai câu gọi trạng”. Truyện Trạng Lợn mượn bối cảnh và triều đại Lê Thánh Tông, một triều đại thịnh trị trong nhà nước phong kiến Việt Nam, công nhận một anh chàng dốt đặc cán mai mà đỗ trạng để chế diễu chế độ phong kiến họ Nguyễn một cách thoải mái. Dưới triều ấy, vua ấy mà còn thế thì dưới triều khác, vua khác sẽ ra sao. Triều Nguyễn có quy định không lấy ai đỗ Trạng nguyên vậy bịa ra một ông Trạng nguyên thời Lê, xuất thân lái lợn, dốt đặc cán mai tha hồ mà chế diễu, ai bắt bẻ được. Tuy nhiên, với nhân vật Trạng Lợn, là nhân vật bất tài vô tướng chỉ nhờ nói láo gặp thời mà nên danh vọng, nhưng người ta không ghét mà lại còn yêu thích. Bởi Trạng Lợn không làm điều gì trái với luân thường đạo lý cả, mà trái lại thể hiện vai trò đối nội, đối ngoại đều hay. Phải chăng đó cũng chính là tư tưởng của tác giả không muốn phủ nhận vai trò của kẻ sĩ trong mọi hoàn cảnh? Xây dựng nên một hình tượng Trạng Lợn, tác giả muốn cho ta thấy chế độ phong kiến đương thời đã đến lúc suy tàn, sụp đổ…

“Truyện Trạng Lợn là truyện không mà hoá có, có mà lại hoá không có. Bởi lẽ ở đời lúc nào lại không có những chuyện “chó ngáp phải ruồi” khi mà xã hội còn lạc hậu như thời phong kiến?” (Vương Thừa ÂN). Vâng, chuyện của Trạng không biết thực chỗ nào, hư chỗ nào. Nhưng có điều chắc chắn là, truyện Trạng Lợn đã, đang và sẽ sống mãi trong tâm thức dân gian.

NVC
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #13  
Old 08-29-2009, 01:27 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung

Họ Dương ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam (Bắc Việt) là một quí tộc có nhiều người làm quan to trong triều. Ðến đời ông Dương đình Lương thì sa sút, con cháu không nối được nghiệp cha ông, phải làm nghề bán thịt để sinh nhai.

Hai vợ chồng ông này, tuy sống trong nghề giết heo, giết bò, nhưng bản tính thực thà, phúc đức, có tiền vẫn bố thí cho những người khó ở chung quanh và thờ trời sợ phật, chớ không ác nghiệt như phần đông bạn đồng nghiệp lúc bấy giờ.

Một hôm, Dương ông đi lễ ở cái miếu đầu làng về thì gặp một ông cụ già vai đeo khăn gói, tay chống gậy, hỏi thăm tìm nhà trọ.

Dương ông đáp:

- Thưa cụ, ở đây không có quán trọ nào hết. Bây giờ trời sắp tối rồi, cụ mà đi nữa thì lỡ dỡ đường, âu là mời cụ về nhà tôi nghỉ. Tôi không có tiền nhưng đủ cơm nước đãi cụ mươi ngày.

- Nếu cụ có lòng yêu chúng tôi muốn ở lại đây chơi ít ngày.

Ông khách mừng rỡ.

- Nếu được như thế thì còn gì hay bằng.

Dương ông hẹn đưa ông khách về nhà, tiếp đãi rất chân thành, quí hóa. Cơm nước xong, ông khách hỏi chủ nhà làm gì. Dương ông cứ thực tình mà đáp.

- Không dám giấu cụ, tổ tiên chúng tôi xưa làm quan to tại triều, nhưng đến chúng tôi tài hèn sức kém nên đành phải bán thịt để sinh nhai.

Hai người trò truyện một đêm, tâm đầu ý hợp. Chủ nhất định lưu khách lại vài hôm, không ngờ ông khách lì lợm ở lại luôn ba tháng, ngày nào cũng hai bữa rượu rồi chống gậy đi chơi la cà hết gò này sang đống nọ, hết ruộng nọ lại đến ao kia.

Hóa ra ông khách đi xem địa lý, mà ông ta không ai khác hơn là ông thánh địa lý Tả Ao. Thấy Dương ông là một người phúc hậu, hiền lành Tả Ao muốn đáp ơn, quyết định ở lại liền ba tháng chính là để tìm cho Dương ông một ngôi đất quý.

Tả Ao hỏi Dương ông:

- Ông bà đãi tôi thành tâm quá, tôi cảm tạ lòng ông bà hết sức. Nay tôi tìm được một ngôi đất quý cho ông bà, vậy xin hỏi ông bà muốn gì?

Dương ông đáp:

- Bẩm cụ, tôi chẳng muốn gì cả, chỉ mong mỏi có một điều là sinh được một đứa con trai có học hơn tôi để nối nghiệp ông cha cho khỏi mang tai mang tiếng.

Tả Ao gật đầu:

- Tưởng gì, chớ nếu chỉ có thế thì dễ lắm. Ngôi đất tôi chọn cho ông phát Trạng mà lại là Trạng không phải học. Vậy ông sửa soạn đi để tôi đặt đất cho, kẻo tôi có việc sắp sửa phải đi xa rồi.

Dương ông bèn nhờ ông Tả Ao đặt lại ngôi mộ của thân phụ ông. Táng xong được vài tháng thì Dương ông làm ăn thịnh vượng hơn trước. Thấy trời thương như thế, vợ chồng Dương ông lại càng cố tu nhân tích đức. Ðược gần một năm thì Dương bà có thai. Trong khi Dương bà có thai, Dương ông hàng ngày thấy một hiện tượng lạ.

Nguyên từ nhà Dương ông ra chợ thì phải đi qua một cái gò kêu là gò Thần Ðồng. Lần nào đi chợ về Dương ông cũng thấy trong lùm cây có tiếng trẻ con kêu the thé:

- Thầy ơi lần sau đi chợ thầy nhớ mua quà cho con nhé.

Dương Ông thoạt đầu không tin, nhưng sau thấy đứa trẻ cứ nói the thé ra như thế ông phải đáp:

- Để lần sau thầy mua quà cho con.

Dương ông không muốn nói dối, hôm sau mua quà thật. Ông gọi:

- Ðứa nào đòi quà thì ra đây mà lấy.

Tiếng đứa trẻ nói vọng ra:

- Thầy cứ để đấy, con ra lấy ngay bây giờ.

Dương ông để ý thì đi một quãng, quay lại xem, gói quà biến từ lúc nào không rõ. Từ đó lần nào đi chợ về, Dương ông cũng mua quà cho đứa trẻ. Mua được bảy mươi hai lần thì Dương bà sanh được một con trai. Về sau này, người ta tính ra thì con trai của Dương ông sống được bảy mươi hai tuổi.

Ðứa con ấy là Trạng Lợn sau này vậy.

(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #14  
Old 01-20-2010, 04:08 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)

Dương ông đặt tên cho y là Dương Đình Chung tức Chung Nhi. Tục truyền vua Thánh Tôn cũng ra đời cùng ngày với Chung Nhi cả Trạng Ăn, Trạng Vật cũng sinh năm ấy.

Nói về Chung Nhi lên ba tuổi thì triều đình mở khoa thi có hai ông Trạng Nguyên và Bảng Nhỡn vinh quy về qua làng Rùa. Chung Nhi ra xem, thấy thế, cười mà hỏi cha rằng:
- Ông kia là gì mà đội mão đẹp thế?

Dương ông đáp:
- Ông ấy là quan Trạng.

Chung Nhi hỏi tiếp:
- Còn ông kia là gì?
- Ông ấy là quan Bảng.
- Vậy trong hai ông, ai hơn ai kém?
- Quan Trạng hơn quan Bảng.
- Thế thì ngày sau con phải làm quan Trạng.

Từ đó Chung Nhi chỉ mơ ước làm Trạng Nguyên bắt trẻ con làm cờ làm quạt rước mình như rước quan Trạng vinh quy bái tổ. Có người khách lạ, thấy thế, bĩu môi, bảo :
- Trạng dở hay Trạng Nguyên?

Chung Nhi đáp:
- Khách quen hóa khách lạ.

Khách thấy đứa trẻ đáp thế, giựt mình cho là lạ, bảo Dương ông nên cho Chung Nhi đi học. Chung Nhi hỏi mẹ:
- Thầy đồ giỏi hơn Trạng Nguyên hay Trạng Nguyên giỏi hơn thầy đồ?

Mẹ trả lời:
- Trạng Nguyên giỏi hơn.

Nghe thế, Chung Nhi lắc đầu quầy quậy:
- Thế thì con không đi học thầy đồ đâu.

Mẹ khuyên:
- Muốn làm Trạng, phải đi học thầy đồ mới được.

Nghe mẹ nói vậy, Chung Nhi mới chịu cắp sách đi học.

Dương ông làm gà thổi xôi mang sang thầy đồ xin làm lễ nhập tràng cho con. Thầy bảo Chung Nhi vào lễ, Chung Nhi hỏi thầy:
- Lễ ai?

Thầy nói:
- Lễ trình đức Thánh Khổng Tử.

Chung Nhi hỏi lại:
- Thánh Khổng Tử có hơn Trạng ?

Thầy nói:
- Nhất Thánh nhì Trạng

Bấy giờ Chung Nhi mới chịu làm lễ. Lúc xong, Dương ông bảo vào làm lễ thầy. Trạng cho là thầy kém Trạng, nhất định không chịu lễ. thầy bảo:
- Tiên học lễ hậu học văn.

Trạng chịu là phải, lúc bấy giờ mới chịu lễ thầy. Thầy lại bảo:
- Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn.

Chung Nhi không bằng lòng, nói:
- Phải đòn thì con không học đâu.

Dương Ông phải dỗ:
- Con chăm học thì không can gì phải đánh !
- Thế học mấy hôm thì thành Trạng ?

Thầy đồ nực cười:
- Học dăm ba ngày thì thành Trạng.

Chung Nhi tủm tỉm cười thích lắm. Thầy đọc một câu trong Tam Tự Kinh cho Chung Nhi học "Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng".

Thầy đọc xong thì Chung Nhi quên liền mà đọc trẹo ra là: "thiên tích thong manh, thánh phù chỏng gọng" chỉ có câu ấy mà bảy tám ngày không thuộc. Thầy đồ giận lắm bắt nằm xuống đánh Chung Nhi không chịu nằm sấp, cứ nằm ngửa tênh hênh ra. Chung Nhi nói:
- "Thiên tích thong manh, thánh nằm chỏng gọng" sao thầy bắt con nằm sấp ?

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #15  
Old 01-20-2010, 04:09 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)

Một hôm thầy đi vắng, có khách vào hỏi:
- Thầy có nhà không?

Chung Nhi nói vọng ra:
- Thầy đi vắng rồi, chỉ có Trạng ở nhà thôi.

Khách cười hỏi lại:
- Trạng học đến đâu rồi ?

Trạng nói văng mạng:
- Trời đất cao sâu. Trên trời dưới đất đâu đâu cũng tường.

Khách hỏi:
- Trời là gì? Ðất là gì ?
- Trời là thiên, đất là địa. Ông không học hành gì cả hay sao mà không biết ?

Khách giận mắng:
- Con cái nhà ai, mới nứt mắt đã láo xược ?

Chung Nhi vênh mặt ra :
- Ông tưởng ông giỏi thì tôi đố ông biết trên trời có gì và dưới đất có gì ?
- Trên trời có trăng, có sao, dưới đất có núi có sông chứ gì !

Trạng - từ giờ trở xuống Chung Nhi tự xưng mình là Trạng - cười khanh khách và nói:
- Ông này không học có khác, trên trời có hai người mà dưới đất có một người học trò chứ !

Khách hỏi :
- Trên trời có hai người là ai ? Mà dưới đất có một người là ai?

Trạng lại cười diễu khách một hồi lâu mới nói :
- Hai người là nhị nhân (chữ thiên 天 có chữ nhị 二 và chữ nhân 人). Còn dưới đất có một người là Sĩ (chữ Ðịa 地 có chữ sĩ 士 ở trong)
- Người sĩ ấy là ai vậy ?
- Là Trạng chớ còn ai nữa.

Khách ra về, lòng băn khoăn suy nghĩ về thằng bé khôn ngoan. Thấm thoắt Trạng được mười ba tuổi mà học quyển "Tam Tự Kinh" chưa thuộc. Dương ông rất buồn phiền. Có bữa Trạng tự nhiên bỏ học về nhà, Dương bà hỏi tại sao thì Trạng nói:
- Tại con học hết sách rồi. Con về nhà để sửa soạn đi thi đây.

Một hôm, hai cha con đi sang làng bên mua lợn tới nhà một vị quan hồi hưu. Quan ông đang ngủ, quan bà đi vắng. Ðợi cho quan dậy, Dương ông cùng con tiến vào. Ngái ngủ, ông quan thấy người mua lợn, đứng lên lấy tay chùi ngang mắt, vuốt bộ râu rẽ sang hai bên, đoạn búi tóc rồi quay vào trong nhà.

Thấy thế, Trạng bảo cha cứ vào trong nhà mà bắt lợn, Dương ông hỏi tới sao thì Trạng đáp:
- Thì vừa đây quan đã bằng lòng rồi mà. Ngài lại nói cho biết giá cả lợn là bao nhiêu, cha không trông thấy à ?
- Quái, mày nói làm sao, chớ tao có thấy quan nói gì đâu?
- Quan không nói vì quan khinh cha con mình nghèo, nhưng quan ra hiệu bằng tay.

Bắt lợn xong, Trạng bảo người nhà quan cho Trạng nộp tiền. Người làm hỏi:
-Thế anh đã thỏa thuận về giá heo với quan rồi à? Bao nhiêu?

Trạng đáp:
- Mười tám quan.

Người nhà quan la lên:
- Mười tám quan, rẻ quá. Ta phải vào bẩm quan mới được.

Tên người nhà vào bẩm quan thực. Ngài hét lên:
- Ai bán cho nó mười tám quan đâu.

Trạng nói:
- Bẩm quan, khi nãy chúng con hỏi giá, quan gật đầu rồi lấy tay chùi ngang mắt rồi lại vuốt từ hàm rồi vuốt hai bên râu mép. Như thế chẳng là thập bát 十 八 là gì?

Quan phì cười:
- Mày nhỏ mà biện bác giỏi. Thôi, tao cũng bán cho mày.

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #16  
Old 01-20-2010, 04:09 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)

Mùa thu năm sau. Dương ông bị bệnh rồi mất. Trạng đi lang thang làng này xóm khác, hết rượu chè lại cờ bạc. Mẹ Trạng buồn lắm. Trạng nói:
- Mẹ đừng buồn. Nay mai con đỗ Trạng, tha hồ sung sướng. Mẹ cười:
- Cái thứ con có đỗ Trạng họa chăng là Trạng Ăn, Trạng Rượu, Trạng Dổ Bác, Trạng Lông Bông.

Tức quá, Trạng vào gặp mẹ xin đi thi, quyết đỗ Trạng mới nghe. Một hôm, đến làng kia, Trạng gặp hai người học trò lều chõng đi thi. Trạng chắp tay hỏi:
- Thưa, hai ông đi đâu?
- Chúng tôi trảy kinh đây. Còn ông đi đâu ?
- Tôi cũng trảy kinh. Hay là ta cùng đi cho vui.

Vì Trạng lém lắm, nên mọi tiền chi phí hai người học trò kia cũng chi đỡ Trạng. Ði đến một xóm kia thì trời tối. Có cái quán bên đường, cả ba cùng vào nghỉ đêm. Chẳng ngờ quán ấy lại là nơi tụ họp cờ bạc, đầu trộm đuôi cướp, chúng vẫn rình rập để cướp hành lý của ba nguời. Bất ngờ đêm ấy Trạng lại nằm mê, bỗng dưng hét to lên :
- Ðây rồi, bắt chúng trói cả lại cắt tiết cho ta.

Bọn trộm cướp thấy thế cắm đầu bỏ chạy. Hai người học trò nghe đầu đuôi câu truyện cảm ơn Trạng hết lời và phục Trạng là người can đảm, có biết đâu rằng Trạng nằm mê thấy lợn, đòi bắt trói lợn lại để đem làm thịt bán.

Hôm sau, ba người đi đến một làng kia, xin vào trọ đêm. Qua cổng thấy đề ba chữ "Thủ chư dự" lấy ở trong quẻ dự Kinh Dịch, Trạng đọc "thủ chư" lại tưởng nghĩa là sỏ lợn, bảo hai ông kia:
- Tối nay, anh em ta có thủ lợn đánh chén.

Hai ông kia đùa:
- Ði đường xa mà có người lại cho nhắm thủ lợn, chẳng là may lắm sao !

Ngờ đâu tối hôm ấy họ vào trọ nhà ông thủ chi, nhân ngày xuân tế, ông pha một cái thủ lợn ra mời ba người đánh chén cho vui. Hai người bạn phục Trạng biết việc sắp tới như thần và nói:
- Chắc là bác giỏi lý số tiên tri lắm mà bác giấu chúng tôi.
- Không biết tiên tri lý số sao là Trạng được.

Ðến một làng khác, thấy có một các bảng đề hai chữ "hạ mã", Trạng đọc lầm là "bất yên" (vì chữ nho hai chữ hạ mã 下 馬 và bất yên 不 焉 gần giống nhau) Trạng nói:
- Làng này bất yên.

Hai ông bạn tủm tỉm cười, không cải chính, và cũng chiều ý Trạng không vào làng ấy. Thì vừa đi qua làng một lát, cả ba nghe thấy tiếng kêu la ầm ỹ, thì ra là đám cháy, cháy một lát một nửa làng ra tro.

Lại một lần khác, đi đến một ngôi chùa kia, cả ba rủ nhau vào vãn cảnh. Nhà sư thấy ba ông cùng là thư sinh, đề nghị làm thơ tức cảnh, Hai ông kia vẫy bút đề thơ nét bút như rồng bay phượng múa, lời thơ hàm súc chứa chan, ý vị. Thấy thế Trạng nghĩ "Mình không làm thơ thì chuế". Nhưng làm thơ thì biết làm thế nào. Ðánh liều. Trạng cũng viết "Thâm tinh lập lái" những vì dốt, Trạng lại viết thành "Thâm tinh huyền lý". Nhà sư đọc xong bốn chữ thấy nét không đẹp nhưng ý vị sâu xa, đập tay vào đùi bôm bốp thán phục Trạng hết lời.
- Tuyệt tác ! Tuyệt tác ! "Thâm tinh huyền lý" tức là tình sâu xa, lẽ nhiệm mầu, hay quá ! Thật hợp cảnh nhà chùa.

Có biết đâu rằng chính ra Trạng định viết bốn chữ "thâm tinh lập lái" tức là tiếng lóng của bọn lái lợn, có nghĩa là ba quan và mười hai quan.

Nhà sư lưu ba thày ở chùa trọng đãi và ngâm không tiếc bốn chữ thần của Trạng và cũng ngâm luôn cả hai bài thơ của ông học trò cùng đi với Trạng. Trạng cúi đầu nghe và chỉ một lát thì thuộc lòng cả hai bài.

* Có mỗi câu "Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng" học mãi không thuộc, mà chỉ nghe đọc qua đã thuộc trọn hai bài thơ tuyệt tác, rõ Trạng cũng khác thường!

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #17  
Old 01-20-2010, 04:10 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)

Một hôm kia, ba người đi qua một trang trại, nhìn vào thấy một cô gái xinh đẹp tuyệt trần đang hái hoa trong vườn, có hai thị nữ theo hầu. Trạng mê quá, lập mưu từ giã hai người bạn, rồi quay lại vẩn vơ ở ngoài trang trại để tìm cách được gần người đẹp. Hỏi thăm người chung quanh thì biết giai nhân tuyệt sắc nọ là con quan trí sĩ họ Bùi. Bùi tướng công chỉ sinh được một mình nàng là con gái, đặt tên là Phấn Khanh...

Tình cờ hôm ấy, Bùi Tướng Công đang ngủ mơ màng thì nghe như có người đang đánh thức dậy và bảo "ra ngay ngoài cửa để đón quan Trạng". Tỉnh giấc Bùi tướng Công vội đi thẳng ra cổng thì thấy Trạng. Bùi tướng Công mời Trạng vào nói chuyện.

Hoảng sợ tưởng là Bùi tướng Công bắt mình giam, Trạng nói:
- Tôi là học trò, trẩy kinh đi thi nhất định lấy cái Trạng nguyên. Thấy trang trại của tướng công tươi tốt, tôi dừng chân lại ngắm chớ có tình ý gì đâu mà tướng công lại...

Vừa nằm mơ thấy có người bảo ra cổng đón Trạng bây giờ gặp ngay một người học trò trẩy kinh quyết giựt lấy cái Trạng nguyên. Bùi tướng Công tin ngay đúng người nầy là Trạng, bèn giữ lại thiết tiệc ở Uyên Ương Ðình. Rượu ngà ngà say, Trạng xúc cảnh sinh tình đọc vanh vách hai bài thơ của hai người bạn làm ở chùa mà Trạng đã thuộc lòng. Bùi tướng Công lè lưỡi chịu là thơ hay, gọi tiểu thư lấy giấy bút lên chép lại để họa vần. Tiểu thư họa vần lại, lời thơ cũng không kém phần xuất sắc.

Ưng ý quá, Bùi tướng Công bèn ngỏ ý muốn gả con gái cho Trạng. Trạng vờ khiêm tốn trả lời:
- Thưa tướng công, người con trai lấy công danh làm chính, chuyện vợ con là thứ yếu. Tướng công có lòng yêu, xin lãnh ý nhưng để cho khi nào đỗ Trạng về mới có thể tính chuyện tiểu đăng khoa.

Tướng công phục Trạng sát đất. Vào phòng riêng để nghỉ, Trạng bỗng thấy ở trên tường có một bức hoa tiên ghi mấy chữ như sau: "Bát đao phân mễ phấn", 八 刀 分 米 粉 nghĩa là "Tám dao chia bánh gạo", mặt khác chữ Phấn gồm có chữ Bát, chữ Ðao, chữ Phân và chữ Mễ. Chữ Phấn lại là tên nàng. Câu đó vô cùng khó đối! Bùi tiểu thư viết mấy chữ ấy là có ý đố ai đối được thì sẽ lấy làm chồng.

Vốn mù chữ, trong năm chữ ấy Trạng chỉ biết có chữ "Phấn" đoán là tên của tiểu thư; sẵn trên ấn có bút nghiên cũng vạch tên mình là "Chung" vào. Viết xong, nằm quèo ra ngủ. Ðến sáng, Phấn tiểu thư thấy chữ "Chung" thì tự tán ra câu đối là "Thiên lý trọng kim chung", 千 里 重 金 鍾 nghĩa là "Ngàn dặm nặng chung vàng", trong chữ Chung có các chữ Thiên, chữ Lý, chữ Trọng và chữ Kim, tên Trạng đồng thời là Chung. Nàng nức nở khen hay và cho rằng chỉ có người này mới xứng đáng là chồng nàng. Bèn bày lễ ra giữa trời cảm tạ trời đất đã run rủi cho nàng được người chồng xứng đáng. Ðoạn nàng và Trạng cùng làm lễ thề nguyền, lấy trời đất chứng cho mối duyên lành hiếm thấy.

Bùi tướng Công mừng rỡ sai đặt tiệc ở Thủy Ðình trên hồ Bán Nguyệt ăn mừng và đưa một mâm vàng cho Trạng để làm tiền lộ phí. Khi từ biệt, tiểu thư đưa cho chàng một phong thơ. Ði được một quãng đường giở ra đọc thì là một bài thơ tứ tuyệt:

Bán nguyệt chi trung tương hội sứ,
Uyên ương đình nội bá bôi thi.
Nguyện quân kiên sấn thanh vân lộ,
Tảo tháp hồi lai đan quế nhi.

Tạm dịch là:

Tại Bán nguyệt hồ gặp gỡ đây
Uyên Ương Đình nọ chuốc chung đầy
Mong chàng nhẹ bước đường mây rộng
Sớm được vinh quy thỏa dạ này

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #18  
Old 01-20-2010, 04:11 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)

Xem thơ xong hả dạ quá, Trạng quên mất cả đường đi, rồi lạc vào một cái miếu hoang ở giữa đồng. Trong miếu có một ông cụ đầu râu tóc bạc đang ngồi uống nước. Trạng mon men lại gần cụ, ông cụ hỏi:
- Trẩy kinh sao lại vơ vẩn vào đây ?

Trạng thưa là bị lạc đường. Ông cụ cầm cái gậy chọc vào bụng Trạng một cái và bảo:
- Muốn trẩy kinh, hãy ngồi xuống bóp chân tay cho lão một lát, lão sẽ chỉ đường cho.

Trạng chịu liền. Bóp chân tay xong, Trạng hỏi:
- Bẩm cụ, thế bây giờ cụ đã bằng lòng chỉ cho cháu đường vào kinh chưa.

Ông lão cười khà khà.
- Ðâu có dễ dàng thế được. Lão hỏi thực, thầy chảy kinh làm gì ?
- Bẩm, để thi lấy Trạng nguyên.
- Tốt lắm. Nhưng muốn đỗ Trạng nguyên, phải nghe lời lão.
- Thưa cụ, dạy làm sao ?
- Thầy phải cõng lão vào tại kinh thì thầy đỗ Trạng.

Trạng lại chịu liền. Cõng ông lão một lát. Trạng nghe thấy ông lão hỏi:
- Thầy vào kinh đỗ Trạng làm gì ? Sao không ở luôn Uyên Ương Ðình làm con rể Bùi tướng Công có hơn không ?

Trạng giựt nảy mình, quay lại hỏi:
- Sao cụ biết? Cụ là thần phải không ?

Ông cụ đáp.
- Ta chẳng phải là thần mà cũng chẳng phải là ma. Ta chỉ là một người đối với thầy có tiền duyên túc hải. Mai sau, ta còn có phen hậu hội. Nhưng ta bảo cho thầy biết thầy sẽ còn lận đận năm năm nữa, và hai năm nữa mới chiếm được Trạng nguyên. Năm nay muốn đậu cũng chưa được vì kỳ thi hoãn. Nhưng thầy nhớ lấy điều này: "tháng giêng năm tới thầy nhớ ra ngồi ở thành phía Ðông thấy ai gieo mình từ trên xuống thì chạy lại cứu lấy và cõng chạy ngay đi, không cần hỏi han gì cả". Nay lão hãy tạm dạy cho thày phép bói toán để làm kế sinh nhai và cũng là để tiện bề giao tiếp hầu rộng đường thi thố sau này với đất nước.

Mừng quá. Trạng chắp tay lạy cụ già và tôn làm thầy. Ông cụ dạy cho Trạng đủ các cách tiên tri bói toán. Dạy đến đâu Trạng nhớ đến đó. Thì ra từ lúc ông lão cầm cái gậy chọc và bụng Trạng, Trạng từ một người ngu dốt tối tăm đã hóa ra một người thông minh, học một biết mười. Thấy Trạng đã giỏi, ông lão mới chống gậy đi vào rừng mất tích. Còn Trạng thì mở một ngôi hàng bói toán. Tình cờ, lại gặp hai người bạn cũ. Hai người này nhờ Trạng bói cho một quẻ để biết khoa này có đậu hay chăng. Trạng gieo quẻ bảo:
- Quẻ này là quẻ quan long vô chủ, kỳ thi phải hoãn không có ai đậu mà cũng không có ai rớt.

Hai người bạn cho là Trạng nói láo. Không ngờ năm ấy hoãn thi thực. Ai cũng xanh mặt chịu là Trạng tiên tri trúng phóc như thần.

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #19  
Old 01-20-2010, 04:11 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)

Một hôm có quan thượng thư trong triều mất con thiên lý mã, nghe đồn Trạng bói cát hung đúng lắm, cho người ra mời vào dinh xem một quẻ. Thằng ăn trộm thấy quan cho người ra xem bói thì lo lắm, bèn lẻn vào nhà Trạng, đứng nghe trộm. Nguyên Trạng thấy ông thượng thư cho người đến bói, lấy làm sợ, cả đêm trằn trọc suy nghĩ không ngủ được. Gần sáng Trạng lấy quyển Tam Tự Kinh ra đọc đến câu "Mã ngưu dương kê khuyển thỉ, thử lục súc nhân sở tự" (ngựa bò dê gà chó heo, đó là sáu giống vật nuôi của người) thì đọc to lên.

Gã trộm tên là Tự, đứng nghe lỏm, thấy thầy đọc trúng tên mình, vội bỏ ra cắn rơm cắn cỏ lạy thầy đừng nói tên mình với quan thượng thư.

Trạng hét lên:
- Ừ, mày lấy cắp ngựa ngày nào và để đâu. Phải nói ngay thì tao tha tính mạng cho, không hô danh nữa.

Hôm sau, vào dinh quan thượng thư, Trạng reo quẻ suýt soa khấn vái rồi cứ lời tên trộm kể lại vanh vách. Quan thượng thư cho người đến nơi, quả thấy ngựa quý thưởng cho rất nhiều vàng bạc. Từ đó, Trạng nổi tiếng như cồn, ai ai cũng phục Trạng là Trạng bói.

Một hôm trong cung, công chúa mất đôi vòng ngọc rất quí mang từ bên Tàu về. Nghe có Trạng bói, Công Chúa cho mời Trạng vào xem một quẻ. Bí quá, Trạng "tranh thủ thời gian" bảo phải làm một cái lầu cao suy nghĩ và lạy trời lạy đất mới xem được quẻ bói này. Công Chúa cũng chịu. Trạng hẹn nửa tháng thể nào cũng tìm ra được thủ phạm. Nằm mười ngày ở trên lầu cao mà chẳng tính toán được gì mà cũng không tìm ra được mưu mẹo gì bịp công chúa, Trạng buồn muốn chết, than thân : "Mình có ngờ đâu lại đến nước này. Một thằng ăn cắp một thằng chịu chết lây, thực là quýt làm cam chịu.

Bấy giờ tên thị vệ phụ trách canh gác tên là thằng Cam. Nửa đêm thanh vắng, nghe thấy Trạng nói thế hắn sợ cuống lên, sụp xuống lạy Trạng mà rằng: "Con cắn rơm cắn cỏ xin thầy tha cho, con chết dại chơi với thằng Quýt dính líu vào trong vụ này, nhưng bao nhiêu tội lỗi là do thằng Quýt cả chứ con tuyệt nhiên là chỉ theo đóm ăn tàn mà thôi. Thầy có trị tội thì trị tội thằng Quýt, chớ phần con, con xin thề là con không có tội. Thầy hô danh con ra, đức vua mà giết con thì quả là oan uổng quá.

Cố nhịn cười, Trạng quát lên:
- Ừ, mày thú tội thì ta cũng tha cho, nhưng thằng Quýt nó ăn trộm ra sao, đôi vòng nó giấu ở đâu, mày cứ thực khai ra thì ta tha tội chết.

Thằng Cam kể vanh vách sự tình đầu đuôi cho Trạng nghe. Hôm sau, Trạng mời Công chúa lên lầu, gieo quẻ rồi cứ lời thằng Cam khai mà thuật lại. Nhà vua cho bắt thằng Quýt thì nó thú tội, không sai một mảy.

Lấy lại được đôi vòng, công chúa đem vàng bạc thưởng cho Trạng Bói. Từ đó Trạng Bói thành một vị thần, bàn dân thiên hạ đều lắc đầu lè lưỡi chịu là một vị tiên xuống hạ giới.

Một hôm có ba người đi thi, nghe thấy danh tiếng của Trạng như thế, rủ nhau sửa một cái lễ để vào xem. Lúc trò truyện, mới biết ba người ấy là những người nổi tiếng: một người là Trạng Ăn, một người là Trạng Vật, một người là Trạng Cờ.

Trạng Bói gieo quẻ xong, nói:
- Bốn chúng ta tuổi còn trẻ, đường bay nhảy còn dài nhưng số còn lận đận vài năm nữa, phải chờ thời mới được.

Bốn người ở với nhau rất tâm đầu ý hợp. Mùa xuân năm ấy. Trạng Bói nhớ lời thần dặn, rủ ba Trạng kia hằng ngày ra đứng ở cửa thành phía đông. Thì vào một đêm đông, khoảng canh ba, Hoàng cung tự nhiên bốc cháy, dân chúng nổi làm loạn, ngoài đường giặc cướp như rươi.

Thấy biến, bốn Trạng đang đứng xem thì Trạng Bói trông thấy một người mặc áo xanh, nhảy từ mặt thành xuống đấy. Trạng Bói không nói năng gì hết chạy ngay lại cõng người mặc áo xanh lên vai và chạy không quay đầu trở lại.

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #20  
Old 01-20-2010, 04:12 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)

Người ấy là Vua Lê Thánh Tôn.

Thấy có người cõng Thánh Tôn chạy trốn một bọn người mang võ khí hùa lại đuổi theo. Trạng Ăn, Trạng Vật và Trạng Cờ xông ra cản lại, thành ra Trạng Bói chạy thoát về mạn chùa Thầy.

Mấy hôm sau, tình hình lắng dịu. Trạng Bói cắt Trạng Ăn và Trạng Vật túc trực bên Gia Vương còn mình và Trạng Cờ thì hoá trang về thành xem xét sự tình. Ðến lúc bấy giờ mới biết là Lạng Sơn Vương Nghi Dân tiếm vị và sát hại trung thần, may nhờ hai ông Nguyễn Xí và Ðinh Liệt chiêu binh mãi mã, trừ được Nghi Dân. Hai vị trung thần bèn tâu Thái Hậu sai người đi tìm Thánh Tôn nhưng tìm đâu cũng không thấy.

Trạng Bói nghĩ kế, cho người môi giới với Thái Hậu mời ông vào xem bói. Trạng nói riêng với Thái Hậu đã cứu được nhà vua và hiện để ở chùa Thầy.

Mừng rỡ, Nguyễn Xí và Ðinh Liệt đem binh sĩ về chùa Thầy đón rước.

Vua Thánh Tôn phong thưởng cho hết thảy các công thần, ai cũng cảm ơn, riêng có Trạng thì cho chức tước gì cũng không lấy, chỉ xin ban cho hai chữ "Trạng nguyên".

Có quan đại thần quỳ tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, chức Trạng Nguyên chỉ dành riêng cho các bậc văn hay chữ tốt tài ba xuất chúng. Kẻ có công thì thưởng vàng bạc gấm vóc hay phong cho đến quan là cùng, không thể phong cho chức Trạng Nguyên.

Vua Thánh Tôn nói :
- Tài giỏi đến như Trạng, văn chương nào bằng ?

Ngài cứ phong Trạng là Trạng Nguyên.

Một hôm vua ngự giá đến chùa Thầy lễ tạ và ban cho các vị sư trụ trì rất nhiều vàng bạc để tu bổ lại chùa. Ðến khi sửa đến gác chuông, nhà vua đọc "Thiên lý trọng kim chung" rồi hỏi bách quan có ai đối được không. Tất cả đều đứng ra như phỗng.

Nhớ lại câu của Phấn Khanh tiểu thư, Trạng liền đọc: "Bát đao phân mễ phấn". Vua hết lời ca ngợi Trạng là bực tài học siêu phàm và bảo:
- Ta phong cho ngươi chức Trạng Nguyên quả thật là đúng quá.

Sau đó vua ban cho cờ biển, tặng rất nhiều bạc vàng và ba chữ "Chân Trạng Nguyên" cho về vinh quy bái tổ.

Ði qua trang trại họ Bùi, Trạng rẽ vào lạy nhạc phụ, làm lễ thành hôn với Phấn tiểu thư rồi về nhà lạy mẹ. Lúc đó Dương Bà đã già lắm ! Phụng dưỡng mẹ mấy tháng, Trạng và Phấn tiểu thư cùng rước mẹ vào Kinh vì có chiếu chỉ khẩn cấp. Ðến nơi mới biết nhà vua cho vời Trạng đi dẹp giặc Xiêm La.

Trạng Lợn - tức Trạng Bói - mời Trạng Vật làm tiên phong, Trạng Cờ đốc thúc thủy lộ, Trạng ăn phụ trách bộ binh. Phấn Khanh cũng lĩnh ấn, đeo gươm theo chồng đánh giặc. Ta thắng trận, hai nước Xiêm Lào chịu hàng phục, năm năm lại một lần triều cống.

Năm ấy vua Tàu sai sứ sang nước ta để phong vương cho vua Thánh Tôn. Như vua Tàu còn có ý muốn thử xem vua ta ra sao. Một hôm sứ Tàu rủ nhà vua đánh cờ. Vua lo lắm, gọi Trạng Lợn vào hỏi làm cách gì để thắng cờ. Trạng tâu:
- Bệ hạ cứ cho bầy bàn cờ ra giữa sân rồi sai Trạng Cờ ăn mặc giả làm lính che lọng đứng hầu. Trên lọng, dùi một lỗ thủng. Hễ Trạng Cờ xoay lọng, ánh nắng chiếu vào chỗ nào thì bệ hạ cứ nhắc quân đi vào chỗ ấy.

Vua khen phải sai lập bàn cờ. Quả nhiên đánh một lúc sứ Tàu bị dồn vào nước bí phải chịu thua.

Tuy vậy sứ Tàu chưa chịu thôi. Hôm sau y lấy cây gỗ lớn ngầm đem bào nhẵn đầu đuôi như nhau rồi đố vua Thánh Tôn xem đầu nào là ngọn.

Vua lại hỏi Trạng, Trạng tâu:
- Bệ hạ chớ lo, hạ thần đã có cách.

Ðêm đến bèn sai người ra phóng uế bừa bãi vào mấy cây gỗ,. Sáng, Trạng kêu rầm lên là dơ bẩn bắt khiêng gỗ ra sông rửa và dặn hễ thả xuống hấy đầu nào chìm thì đánh dấu. Khi đem gỗ về, Trạng ung dung chỉ vào đầu có dấu bảo đó là gốc.

Sứ Tầu lại càng tức, lấy cây gỗ bào nhẵn rồi sơn kín cả đi đề ba chữ "Hồ bất thực" rồi đố vua biết là cây gỗ gì:

Trạng ứng khẩu tâu vua:
- Hồ bất thực là cáo chẳng ăn, cáo chẳng ăn thì cáo đói, cáo đói thì cáo gầy, cáo gầy là cây gạo.

Sứ Tàu thua mấy lần than rằng:
- Ai ngờ nước Nam lại có nhiều nhân tài.

Từ đó, không dám giở trò gì nữa.

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 02:05 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.