#1
|
||||
|
||||
QuÊ HƯƠng
[IMG][/IMG]
"Quê Hương". Không biết với người ta sao nó mênh mông vậy sao mà đậm nét vậy. Còn trong tôi quê hương là những mãnh vỡ của ký ức, nhỏ nhoi, chấp vá, nhạt nhòa... ........................................ QUÊ HƯƠNG Tạp Bút Nữ Hoàng Lọ Lem Ba mươi ba tuổi rồi, mà hai chữ "Quê Hương" trong tôi mờ nhạt lắm. Nhân ảnh mờ, khái niệm cũng mờ. Không biết những người như tôi, già hơn tôi họ hoài niệm về quê hương như thế nào? Còn riêng tôi, quê hương và tuổi thơ tôi cứ như những mãnh vụn chấp vá, rời rạc. Đôi khi tôi nghĩ có lẻ ngày xưa nghèo đói quá, nặng mưu sinh quá nhưng cũng kịp nhận ra rằng xung quanh thiếu gì người họ cũng nghèo đói như mình. Nhưng hình như góc khuất tâm hồn họ, quê hương mà họ kể nó mượt mà, ấm êm trong ánh mắt, trong tư duy, trong hoài niệm... Năm tôi bảy tuổi, Ba tôi kể cho tôi nghe về quê hương, về bóng mát của cây dừa, mùi thơm của những chùm nhãn chín trên cây, ông kể tôi nghe về cây mít, cây xoài cho tới bờ lau, ngọn cỏ... Ông kể tôi nghe về các cô tôi, kể tên những đứa em họ. Chắc ông cũng đang tưởng ra cảnh tụi nó tập cho tôi bơi lội dưới bến sông trước nhà. Tôi cảm nhận về quê hương qua tiềm thức của ông, qua cái đầu non trẻ của mình, và hình như nó đẹp. Hình như tiềm thức của ba tôi cũng đẹp... Rồi ba tôi dẫn chị em tôi về quê sống thật. Nhưng sự mâu thuẩn giữa thực tế và hoài niệm của ba tôi lúc ấy là nét xóa đầu tiên để khái niệm quê hương trong tôi bắt đầu có chút nhạt nhòa. Tôi không cảm thấy bình yên khi tới gần những đứa em họ, Ba tôi nói: " tụi nó thương nhau lắm." Ờ, tụi nó thương nhau thiệt, nhưng hình như không bao gồm tôi, lúc đó tôi thấy lạc lỏng lắm, tôi thu mình dần... bôi xóa dần...mờ nhạt dần...Sau này lớn lên tôi hiểu, đơn giản chỉ vì tôi không sinh ra và lớn lên cùng tụi nó, không từng chia chung một nửa trái dừa. Tôi không thể nói "con cá gô" và không thể nhãy xuống sông lội như một con ráy cá. Ờ! Đơn giản là tôi khác tụi nó cho nên có thể trong tụi nó tôi là một cá thể lập dị, nôm na như một giọt dầu cặn nổi lềnh bềnh trong lu nước đã được lóng phèn, không thể hòa tan cũng không thể hòa đồng. Cô tôi bắt tôi gọi những đứa em họ là anh, là chị. Tôi cũng thèm được làm em tụi nó lắm chứ, tôi cô độc giữa tôi, giữa người thân của tôi. Tôi nhớ lắm có một lần, trời nhá nhem tối ,thằng em họ hơn tôi bảy hay tám tuổi gì đó hồng hộc chạy vào nhà với vẻ mặt thật háo hức, chắc mới có gì vui lắm. Lúc đó tôi đang ngồi chơi một mình trên cái chỏng nhỏ gần bếp nhà cô Sáu tôi, Nó sà đến ôm tôi và hôn lên má tôi cái chụt, nó nhìn tôi cười ấm áp. Một nụ hôn của thằng anh trai cho một đứa em nhỏ. Chỉ có vậy một lần duy nhất, sự thân thiện cũng chỉ là duy nhất, mà thèm khát tình thân đến nổi sự ấm áp ấy nằm trong tiềm thức tôi đến tận bây giờ. Đó cũng là một mãnh nhỏ mà tôi gọi là quê hương. Tôi sợ nghĩ đến những cây nhãn thơm tho, bóng dừa cao mát rượi hay liếp đu đủ đấy tấp trĩu những trái tròn. Tôi sợ nhớ những khoảng đất mênh mông, rộng lớn được tính bằng tầm bằng sào hay bằng mẫu...Tôi sợ nó vì lúc ấy những vật chất thực dụng kia đã gây nên rất nhiều bất hòa giữa ba tôi và các cô, tình thân rách toạt như lằn roi tre quất vào thân lá của một tàu đu đủ còn xanh. Như những vệt cắt ứa mũ vào thân trái còn non và như trái dừa trên cao kia cũng biết rơi nước mắt. Tôi sợ vì nó đã đẩy bật ba tôi một lần nữa phải tha hương chắc hoài niệm trong lòng ông cũng vụn vỡ lắm. Sau này lớn lên tôi cũng hiểu, đơn thuần vì nghèo đói nên mọi người tự nhiên cảnh giác và lo âu sự xâm phạm mơ hồ. Cũng có khi ba tôi đã không lớn lên cùng họ, ít khi anh em bổ chung trái mít hay chia sẻ cho nhau bóng mát sau vườn...Vô tình chung làm cho quê hương trong tôi nhỏ bé, rời rạc và có quá nhiều dọc ngang trầy trụa như những vết xóa. Cho nên thay vì nhớ về những cõi mênh mông như quê hương mọi người vẫn tả tôi lại nhớ về những việc rất nhỏ nhoi. Như tôi hay nhớ về một lần, cô tôi cho tôi một chén cơm nóng hổi chan lên chút xíu mỡ thắng đựng trong cái thố nhỏ như cái chén rồi chan thêm một xíu nước mắm tĩnh mặn chằn hà, mà sao chén cơm đó ngon thật, ngon đến nỗi hương vị đó vẫn sống hoài trong ký ức của tôi, không gian đó, khung cảnh đó, một chút nắng đó, góc bếp đó... tất cả chưa bao giờ tắt. Tôi cũng hay nhớ về cái giỏ lãi màu xanh dài thòn của ông bán thịt heo, cứ độ 8 giờ sáng là nghe tiếng kèn tò te tò te dưới bến, mỗi ngày khi nghe ông đi qua là tự nhiên tôi nuốt nước miếng và nghe bụng cồn cào đói, hồi đó ít khi được ăn thịt heo lắm, có khi một năm chỉ được có mấy lần hà. Hiếm hoi lắm mẹ tôi mới đón ghe ông, mua 2 khía hay 3 khía ( 100 hay 150 gram) thịt ba rọi buột trong sợi dây lác xách tòn teng. Chút xíu vậy thôi, dĩa thịt kho nhỏ xíu vậy thôi mà chia ra 3 bửa cơm trọn ngày mới hết, cái dĩa thịt vàng ươm sền sệt nước và có rắc chút tiêu đen. Nó cũng theo tôi đến tận bây giờ. Đôi khi muốn chia sẻ cái cảm giác ngon mà tôi biết với chồng, tôi cũng bày biện ra và kho, cũng vàng ươm mặn ngọt, cũng sền sệt nước rãi chút tiêu đen, nhìn cha con vét nồi cơm sản khoái mà tôi vẫn không vừa ý khi so sánh món mình làm với gia vị đầy đủ và dĩa thịt kho chỉ vài miếng ít ỏi của quê xưa. Nó sống trong lòng tôi như huyền thoại. Huyền thoại của tôi còn là những bửa trưa vắng ngắt, tôi ngồi nghe gió lao xao trên những cây dừa cao và canh cái vó ở bờ mương, cứ độ 15 phút là tôi rón rén giỡ vó một lần, nhiều lắm cũng chỉ là hai hay 3 con tép lóng, tôi xí gạc tụi nó bằng cục sình tròn có lăn vài hạt cám nằm gọn trong miếng vải mùng được căn ra và buột vào 4 góc. Mỗi khi giỡ vó là tôi đốt vài cọng lá dừa và nướng ngay chiến lợi phẩm cho tôi và thằng em trai nhỏ đang ngồi đói meo chầu chực. Cái dáng ốm nhom nhỏ xíu cứ ngủ gà ngủ gật khi chờ lâu, hay ngồi nhìn những con tép đỏ dần lên trên ngọn lửa mà nước miếng chãy ròng ròng của nó cũng thành một góc của quê hương tôi. Có khi tôi dẫn nó lang thang theo những bờ mương hay mé con rạch, tìm những trái dừa bị chuột khoec một lổ to nỗi dập dờ trên nước, đôi khi chị em tôi bắt được vài con cá bống dừa trong đó, cũng đốt lửa, cũng nướng tại chổ. Mùi khói đó, những vệt cắt đau điếng dưới lòng bàn chân vì đi trên những bẹ dừa nước đã được dạt xéo theo mé rạch ngày đó cũng sống trong tôi đến tận bây giờ. Ba mươi ba tuổi, Quê hương trong tôi chỉ vậy, vài mãnh vỡ lấp vá vài khoảnh khắc vĩnh hằng. Đôi khi tôi cũng chợt nhớ những đêm mưa trong căn chòi lá, vài tiếng lộp độp của những giọt đầu tiên rôi âm thanh nhặc dần... rào rạc. Hai chị em chia nhau một nửa cái mền ( vì nửa cái mẹ tôi đã cắt cho một người sa cơ bà từng gặp), cứ thằng em tôi ghị nhẹ là tôi bị phơi ra một khoảng da lạnh, tôi hay nhường phần hơn cho nó rồi lấy cái gối đắp vào chổ trống vậy mà sau này suốt một thời gian dài tôi có thói quen không nằm gối...Cũng có khi, tôi nhớ về cái dáng lom khom lam lũ của ba tôi, nhớ bộ đồ cũ sờn trên người mẹ, hay cái quần tây màu nâu duy nhất mà tôi mặc đi học từ lớp 4 đến lớp 5. Nó rách đít nên mẹ tôi vá víu lại bằng chỉ trắng vì nhà không có chỉ cùng màu, bạn bè tôi hay chọc tôi mặc quần có 2 cái tivi. Tôi cũng nhớ, không phải là một bến sông mà là bờ mương nhỏ xíu sau nhà, ba tôi móc sình bồi lên liếp cho có một khoảng mương sâu, chị em tôi hay tắm và bì bỏm tập bơi trong khúc mương đó. Vậy đó, sự vật thì nhỏ nhoi rời rạc, nhân ảnh thì mờ ảo . Cho nên, tôi không hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của hai từ "Quê Hương". Không biết với người ta sao nó mênh mông vậy sao mà đậm nét vậy. Còn trong tôi quê hương là những mãnh vỡ của ký ức, nhỏ nhoi, chấp vá, nhạt nhòa... NHLL https://www.facebook.com/NuHoangLoLe...66121973727043
__________________
Nghe trong vận chuyển đất trời Có ta- hạt bụi giữa đời phù du |
Ðiều Chỉnh | |
Xếp Bài | |
|
|