View Single Post
  #24  
Old 01-20-2010, 04:45 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Bất nhục quân mệnh

Giang Văn Minh ( 江 文 明, 1573 - 1638) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi.


Ông sinh tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ông đỗ đầu kỳ thi Hội, và Thám Hoa kỳ thi Đình năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất (tức là Đình nguyên). Ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung, Thái bộc tự khanh.

Năm Dương Hòa thứ 3, ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang Tàu cầu phong và nộp cống.

Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) triều kiến, Minh Tư Tông lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc. Đồng thời, vua Minh còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:

“Đồng trụ chí kim đài vị lục”"

Nghĩa là:


Cột đồng đến nay rêu chưa xanh

Câu này vốn nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong). Ngụ ý của vua Minh cho là nước ta vẫn còn dấu tích thuộc địa của Trung Quốc, nếu vô lễ coi chừng Thiên triều sẽ cử binh chinh phạt.


Không hề khiếp sợ, Giang Văn Minh đã dõng dạc đáp:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"

Nghĩa là:


Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ

Vế đối này thật là chỉnh, còn mang ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng, nếu vua Tàu vẫn còn mang mộng thôn tính thì kết quả cũng sẽ thảm bại như những lần trước mà thôi.

Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này có một ngôi nhà nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán Giang. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa. ‎

Ở Hà Nội hiện nay có một con đường mang tên Giang Văn Minh, nối với phố Giảng Võ và phố Kim Mã, quận Ba Đình.

(nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)





thay đổi nội dung bởi: AiHoa, 01-20-2010 lúc 08:00 AM.
Trả Lời Với Trích Dẫn