View Single Post
  #17  
Old 12-21-2011, 11:44 PM
vuongminhthy vuongminhthy is offline
Đường Tam Tạng
 
Tham gia ngày: Dec 2011
Nơi Cư Ngụ: Ngũ Đài Sơn - Nam Thiếu Lâm
Bài gởi: 1,955
Default

Hồi 10: Độc tạng Kinh Phủ (tiếp theo)
Hắc Viện.

Khổ nỗi, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, cứ tò tò sau lưng. Nữ Thần Y quẹo trái. Cữu Dương quẹo trái. Sư muội cua qua bên phải. Sư huynh cũng cua sang bên phải. Nàng đi thăm bệnh nhân. Chàng vẫn đeo theo. Cả hai lẩn quẩn một vòng trên dãy hành lang dọc theo các căn phòng trọ của Hắc Viện.

Hắc Viện là cơ quan đào tạo ngành giáo dục cấp trung ương tại Giang Nam trong thời phong kiến Nho giáo. Đây vốn là nơi xuất thân của hàng nghìn cấp bậc nhân tài. Đồng thời, Hắc Viện cũng là chỗ khen tặng những vị cống sinh xuất sắc, chốn các sĩ tử đến cầu may trước mỗi kỳ thi, và còn là địa điểm tổ chức lễ hội thi thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng.

Khuôn viên Hắc Viện được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch vồ, một loại gạch khổ to dùng để xây trường thành vua chúa. Hắc Viện có tất cả ba cổng ra vào, một cổng chính và hai cổng hậu nằm ở hai bên hông. Cổng chính của Hắc Viện có tên là cổng Tinh Thái. Còn cổng hậu phía bên trái là cổng Nam Hải, và cổng hậu phía bên phải là cổng Bắc Sơn.

Riêng về phần kiến trúc của Hắc Viện thì chia thành hai khu chính thức, khu Ngoại Sử và khu Tư Thất.

Phạm vi Ngoại Sử được gây dựng gần cổng Tinh Thái. Nơi đây là chốn học đường, bao gồm giảng đường và luôn cả Tâm Thiền thư viện. Giảng đường phía đông và giảng đường phía tây thì để làm chỗ giảng dạy. Nhà giảng dạy mỗi dãy đều có tới hai mươi bốn gian. Mỗi gian có thể chất chứa đến gần hơn hai trăm học sinh. Tâm Thiền thư viện được xây cất ngay chính giữa hai giảng đường này. Bên trong thư viện lại đặt thêm kho Bí Thư để đựng ván gỗ, thân tre khô, và đồ dùng linh tinh cho việc khắc hoặc in ấn sách. Tất cả các quyển sách nổi tiếng thời bấy giờ đều được tập trung ở trung tâm văn hóa uy nghiêm này.

Hằng ngày, các vị tú tài lần lượt đến giảng đường ôn thơ thao luyện. Tới khi tan trường thì họ rời khỏi khu Ngoại Sử để lui trở về phía sau hậu viên của Hắc Viện. Họ vượt qua một khoảng sân cỏ khá rộng, đi tới những căn phòng trọ thuộc khu Tư Thất. Ở bộ phận cá nhân này, gộp tính chung cả thảy thì ngoài thư phòng nghỉ ngơi là từ đường, nhà bếp, kho chứa thuốc, nhà chứa củi, và nhà vệ sinh... Căn cứ riêng tư cũng chia thành hai dãy, đối mặt song song, tất cả đều lợp bằng ngói đồng ngói ống.

Đông Phong tư thất và Tây Phong tư thất là hay dãy nhà trọ đã được kể trên. Hai dãy nhà đó bao hàm hằng trăm thư phòng rộng rãi và thoáng mát. Tính theo tỷ lệ liệt kê của phòng trọ học sinh cư xá ở phía đông và phía tây thì cứ hễ mỗi gian là có mười người tạm trú. Hơn nữa, những căn phòng đều được xây hành lang ở đằng trước cửa. Dãy hành lang bao bọc bởi hàng chấn song bằng gỗ, nối liền nhau, chạy dài thành hình chữ nhật. Ở ngay trọng tâm của hình chữ nhật là khoảng sân lớn, bày biện đơn sơ với nhiều bộ bàn ghế đá, bồn hoa, chậu kiểng, và công viên.

Bên trong công viên có đào một giếng nước gọi là Trầm Thiên Nguyệt Thủy, tạm dịch là giếng nước tiên đình soi hình bóng trầm lặng của vần trăng. Chính Mã Lương lão nhân đặt tên này cho giếng nước. Vị thi tiên quá cố có ý hàm chỉ rằng "các học sinh của Hắc Viện là người thu nhận sự tinh túy từ mặt trăng, là kẻ hưởng quyền tiềm năng của thiên hà vũ trụ, và là kỳ tài tiếp nhận những tia sáng tri thức để nâng cao phẩm chất và giúp tô đẹp thêm nền nhân sinh văn hóa nước nhà."

Giếng nước có dạng hình thoi, với diện tích khuôn viên khoảng chừng ba mươi mét vuông. Còn đường kính miệng giếng thì ước độ cũng xấp xỉ năm mét. Chiều sâu từ miệng giếng đến đáy giếng là mười lăm mét. Chung quanh ba mặt của giếng nước đều trồng hàng rào hoa thiên lý, cao độ chừng hai mét. Mặt còn lại để trống cho tiện việc di chuyển mỗi khi dùng gàu múc nước hoặc gánh nước. Một con đường nhỏ lát gạch bên trong hàng rào bao quanh giếng đã cho phép thi nhân dạo bước. Khung cảnh tĩnh mịch gây nên cảm giác an nhàn của nơi văn vật sở đô.

Người xưa thường có quan niệm rằng giếng hình thoi tượng trưng cho mặt đất. Khi tinh hoa của trời mây chiếu vào nước thì sẽ mang đến niềm may mắn tốt lành cho các đại học sinh. Bởi thế mà mục đích chính thức của việc đào xới giếng nước này là để tạo phúc từ phong thủy.

Lúc mới vừa bắt đầu xây cất, thành giếng Trầm Thiên Nguyệt Thủy đã được xếp theo kiểu bốn hàng gạch ngang nằm xen kẽ một hàng gạch đứng. Gạch được xếp khắn khít với nhau, ngụ ý ngăn chặn đất bùn ngấm vào lòng giếng và chủ yếu là để giữ lại nguồn nước ngầm trong vắt. Những loại gạch sử dụng cho việc xây cất bao gồm gạch chân tảng, gạch hộc, hay gạch phiến. Đây là một bước ngoặc đổi đời trong kỹ thuật đào giếng vì ba loại gạch kể trên đều có tác dụng thanh lọc nước ngầm rất tốt. Ba loại gạch đó còn đem lại vị nước trong trẻo, mát và ngọt hơn so với giếng xếp bằng thứ gạch đỏ thông dùng. Nét độc đáo này rất hay tìm thấy trong tất cả các giếng cổ tại khu vực Giang Nam.

Vài năm sau, Mã Lương cho người tu bổ lại giếng nước. Lần sửa chữa này, Mã Lương yêu cầu hoán đổi số gạch bằng đá xanh, và thay vì sắp xếp như kiểu trên thì ông lại kêu nhân công xếp chéo giống hình xương cá. Lối thiết kế cực kỳ thông minh do ông sáng chế đã khiến cho giếng nước có độ bền cao hơn và chắc chắn hơn. Các tảng đá được xếp chéo theo phong cách liên hoàn đã tạo ra sự liên kết đồng tâm và vững chãi, không dễ bị phá vỡ, dù lực tác động có lớn lao như thế nào đi nữa. Điều đó được chứng minh rõ nét qua sự tồn tại nguyên vẹn của giếng nước mặc dù đã trải qua biết bao cơn địa chấn sơn long trời lở đất, và ngay cả các vụ lũ lụt lớn nhỏ tại miền đất đai nam hải thủy triều.

Trở lại câu chuyện. Hoa Đà tái thế Nữ Thần Y rời khỏi thư phòng của vị sư huynh thứ ba là Trương Quốc Khải nhưng nàng lại bị vị sư huynh thứ bảy là Cữu Dương lẵng nhẵng theo đuôi.

Vài canh giờ trước đó, trong lúc đám học sinh cắt mạch máu để quyên huyết thì có vài người ngất xỉu nên Nữ Thần Y nóng lòng muốn đến tận thư phòng của họ hầu tiện việc chuẩn trị liều thương. Ngặt nỗi, nàng lâu nay độc hành đại đạo, thích yên tịnh một mình bắt mạch. Nay sư huynh cứ dính sát như đỉa thành ra nàng có chút cảm giác mất tự nhiên. Bởi vậy mà khi sắp sửa tới nơi thì Nữ Thần Y khựng lại. Nàng đứng chôn chân trên hành lang trước một thư phòng, nửa muốn giơ tay gõ cửa nửa muốn không. Đứng một hồi muỗi cắn, nàng liếc xéo:

- Trời đã khuya, sao huynh không đi về ngủ?

Cữu Dương biết nàng dụ khị nhưng chàng lì lợm không chịu về ngủ mà ỡm ờ hỏi lại:

- Hắc Viện này là nhà của huynh rồi, còn đi về đâu nữa?
- Thì về phòng chứ về đâu? – Nữ Thần Y cười cầu tài.

Cữu Dương giơ một ngón tay:
- Huynh muốn chờ một chút.

Chàng đã nói vậy thì nàng còn biết nói sao đây? Nữ Thần Y chỉ có thể lén lút thở dài. Nàng lôi tánh nết kiên nhẫn ra, ráng hết sức lực mà chờ một chút. Khi một chút hết hạn, nàng nghiêng đầu, nơm nớp hỏi bằng giọng phấn khởi:

- Một chút đã xong chưa ta?
- Chưa! – Cữu Dương lắc đầu - Muội cứ chờ một tí nữa đi, gần xong rồi.

Tuy chàng hứa hẹn cái khoảng thời gian quá xá là mông lung, Nữ Thần Y cũng bấm bụng đứng chờ thêm một tí. Tới khi một tí quá đát mà thấy chàng vẫn chưa chịu đi, nàng liền dùng giọng ngọt hơn đường phèn nhắc khéo:

- Một tí đã trôi qua lâu lắm rồi đó nha.

Nói xong, nàng nhoẻn miệng cười tươi như hoa. Cữu Dương bị nụ cười thần tiên đó thôi miên. Khóe miệng nàng phát ánh thiều quang rạng rỡ, giọng dịu dàng thánh thoát hơn tiếng sỏi chạm vào nhau.

Chăm chú nhìn hồi lâu, chàng cũng cười đáp trả:
- Một tí đâu mà một tí, mới có nửa tí hà.

Từ cổ chí kim, một tí hay nửa tí là thứ đơn vị thời gian chẳng ai đo được. Bởi vậy cho nên Nữ Thần Y thu hồi nụ cười, trong đầu lúc này tính kế kim thiền thoát xác. Nàng giả vờ cất bước về thư phòng của mình, chờ sư huynh rứt ra rồi mới trở lại thăm bệnh. Nhưng sư huynh của nàng tổ sư tam thập lục kế. Chàng cứ lẽo đẽo phía sau. Nữ Thần Y bực quá. Nàng thở hắt ra:

- Huynh bám theo muội làm chi?

Và Nữ Thần Y dẹp luôn tánh nết kiên nhẫn sang bên. Nàng quắc mắt ngó Cữu Dương:
- Muốn gì thì nói đại ra đi, huynh cứ theo muội hoài kỳ lắm.

Cữu Dương kỳ cục thật. Chàng chắp tay sau lưng, đáp tỉnh queo:
- Nãy mới nói rồi, muội thiệt là chậm tiêu. Hắc Viện là gia cư của huynh nên huynh muốn đi đâu thì huynh đi đó, ai mà ở không bám theo muội làm gì?

Rõ ràng đang bám theo người ta mà chối bay chối biến. Nữ Thần Y ngao ngán cái anh chàng đại luật sư tương lai. Cữu Dương là nhà chuyên gia lý sự. Chàng ưa cãi lẽ phải trái trước một sự thật hiển nhiên. Nữ Thần Y quyết không chịu thua. Nàng bắt đầu dương đông kích tây, giả vờ ngây thơ vô số tội. Nàng nói:

- Vậy thì bây giờ muội đi vô kho thuốc à.
- Đúng là chí lớn gặp nhau! – Cữu Dương cố tình trêu ngươi. Chàng reo lên - Huynh đang định đến đó.
- Đến đó chi vậy? – Nữ Thần Y hỏi độp ngay tức thì.

Cữu Dương hơi khựng lại trước câu bắt bí. “À há,” chàng thầm nghĩ, “ta đi đến đó để làm gì nhỉ? Ta đâu có hứng thú với mấy đống cây héo, cỏ khô.” Tuy do dự nhưng chẳng bao lâu thì bộ trí ranh vặt của chàng tìm ra cớ giải đáp ngay. Cữu Dương gãi cằm, nói:

- Đến đó để làm gì hả? Thì huynh đến đó để mà… phụ muội một tay.

Khỉ thật! Nữ Thần Y giật thon thót. Nàng tức muốn chết được. Cái bẫy quá là tinh vi mà chàng thoát ra một cách dễ dàng. Nàng tự nhủ “kế bắt chẹt không xong rồi, chắc phải chuyển kế khác thôi.” Và lần này, Nữ Thần Y cố tình giăng dây, nàng lắc đầu nói:

- Muội đã đổi ý, bây giờ muội muốn đi sắc thuốc.

Đúng y chang điều nàng tiên tri. Cứ hễ nàng nói cái gì thì chàng đều có cái nấy đáp lại, dù chạy đến chân trời cũng khó tránh. Từ xưa tới nay, Cữu Dương mà quyết trêu ai là trêu tới cùng. Chàng liến láu nói:

- Huynh cũng định vô bếp.
- Vô bếp làm chi? – Nữ Thần Y dẫn dụ chàng vô tròng.

Nhưng Cữu Dương có lọt tròng thật không? Chàng lanh miệng giải thích:
- Để…
- Phụ muội một tay nữa chứ gì? - Nữ Thần Y cướp lời.

Được nhắc tuồng, Cữu Dương mừng nói:
- Đương nhiên rồi!

Nghe Cữu Dương xổ câu cuối, Nữ Thần Y tưởng bở. Và ngỡ chàng sập hố, nàng liền chúm chím môi xỏ ngọt như mía lùi:
- Vậy còn lúc muội về thư phòng tắm gội thì sao? Huynh có theo phụ một tay không?

Đôi mắt của Nữ Thần Y nheo lại khi hỏi câu đó, cái câu cạnh khóe. Ai dè, Cữu Dương tỉnh bơ trả lời:

- Nể tình chúng ta đã từng quen nhau, cho nên, muội mà cần giúp đỡ thì huynh đành miễn cưỡng lôi cái thân tàn này theo muội về thư phòng để… phụ hai tay luôn!

Nữ Thần Y chết đứng khi nghe câu đối. Nhưng xám hối đã muộn. Nàng chỉ còn biết trơ mặt ra, lòng dạ vừa giận chàng vừa hận bản thân nàng. Và nàng âm thầm triết lý, “đúng là thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân.” Nghĩa là có thức khuya mới biết đêm dài hay ngắn, và có tiếp xúc, cùng làm việc, cùng chung sống thì mới hiểu rõ phẩm chất của một con người. Nhưng cái nhân hoặc cái phẩm hạnh trong ngữ cảnh này lại là cái tật sàm sỡ mới khổ đấy chứ. Nữ Thần Y thầm rủa kế hoạch mà nàng thiết lập, rủa đến tơi bời hoa lá. Nàng cố ý gài bẫy, lại vô tình sập lưới của chính mình.


Hắc Viện Tư Thất

thay đổi nội dung bởi: vuongminhthy, 04-27-2012 lúc 01:29 AM.
Trả Lời Với Trích Dẫn