View Single Post
  #15  
Old 12-21-2011, 11:42 PM
vuongminhthy vuongminhthy is offline
Đường Tam Tạng
 
Tham gia ngày: Dec 2011
Nơi Cư Ngụ: Ngũ Đài Sơn - Nam Thiếu Lâm
Bài gởi: 1,955
Default

Hồi 10: Độc tạng Kinh Phủ (tiếp theo)
Hắc Viện.

Tối hôm đó đêm dày vô tận. Mọi người đều cùng chung tâm trạng bâng khuâng. Có nhiều thành viên bang hội mang danh phận là bậc tú tài, sắp sửa đến ngày ứng thí mà cũng chong đèn thức suốt. Bài vở thi pháp ngổn ngang nhưng họ chẳng thèm ngó nửa câu.

Trương Quốc Khải nằm yên trên giường trong trạng thái hôn mê bất tỉnh. Chốc chốc, thân thể lại xuất nhiệt. Nữ Thần Y sờ tay lên vầng trán của chàng thì cảm thấy nóng bừng. Nàng liền chạy đôn chạy đáo tìm nước và khăn lông, vắt ráo, rồi đắp lên trán hòng làm giảm nhiệt.

Lâm Tố Đình vẫn đang chờ đợi để thay ca. Nàng vừa đi lại trước thư phòng của Trương Quốc Khải vừa nhíu mày lo lắng. Hết than ngắn thở dài, nàng lấy giọt lệ thay nước rửa mặt. Và khi khóc đến cạn hết nước mắt, Lâm Tố Đình bèn đi vô từ đường chắp tay quỳ xuống khấn vái Mã Lương, bái lạy ba đại anh hào đào viên kết nghĩa, cầu xin một trăm lẻ tám vị chư hùng Lương Sơn Bạc, rồi khấu đầu với phật bà Quan Âm Bồ Tát. Chưa hết, Lâm Tố Đình còn ra ngoài hậu viên năn nỉ đấng thiên liêng ban phép màu cho tam ca của nàng.

Dưới ánh trăng vàng soi sáng đêm thu, Lâm Tố Đình giơ tay lên trời thề độc:

- Chỉ cần huynh ấy không sao thì cho dù tiểu nữ tổn thọ mười năm cũng được.

Đứng đằng xa khuất mình sau bóng thông già, Cữu Dương chứng kiến tất cả. Chàng mỉm cười cảm động tấm lòng khí khái của sư muội. Nhưng khi nghe tới khúc cuối, chàng khe khẽ lắc đầu.

Còn riêng Hiểu Lạc thì lay hoay bên cạnh lão Tôn. Nó bu theo vô nhà bếp phụ pha trà nhưng ngụ ý là giục ông lão kể cho nó nghe những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của bảy vị đương gia. Năm nay lão Tôn đã cao tuổi lắm rồi, già đến nỗi cốc đế. Bản thân ông dài lưng tốn vải nhưng ngủ không được nên đành bất đắc dĩ nhận lời Hiểu Lạc. Vả lại, ông rất thương mến đứa trẻ côi cút này, nói chuyện đời xưa với nó cũng khá thú vị. Nó còn bé thành ra nhẹ dạ, ai nói… dóc cỡ nào cũng tin. Thí dụ như là đoạn tiếp theo đây.

Đúng lúc lão Tôn hùng hồn tường thuật tỉ mỉ cuộc hành trình mạt lộ của bảy vị đương gia thì Cữu Dương đi ngang. Anh chàng ba hoa cảm thấy ngứa miệng liền bước vô nhà bếp để thêm mắm dặm muối cho mẫu chuyện đậm phần gay cấn.

Chàng đang mải mê bịa đặt nên Lâm Tố Đình đến sát đằng sau lưng cũng chẳng biết. Lâm Tố Đình đưa tay lên môi suỵt khẽ với Hiểu Lạc và lão Tôn, rồi nàng kề môi lên sát vành tai Cữu Dương tằng hắng một tiếng. Thình lình bị hù, Cữu Dương giật nảy. Chàng mất trớn tào lao, đang thao thao bất tuyệt thì ngưng bặt.

Lâm Tố Đình giơ ngón tay trỏ xỉ lòng ngực Cữu Dương. Nàng to tiếng:

- Huynh đúng là đánh chết cái nết không chừa. Xạo vừa thôi, gì mà chín mươi chín thế Thiếu Lâm võ công? Trên đời này chỉ có bảy mươi hai chiêu thức thôi ông tướng.

Chả là ban nãy vì quá suông miệng nên Cữu Dương phịa thêm hai mươi bảy đường quyền lồng vào trong bộ thất thập nhị huyền công. Hai mươi bảy chiêu chàng tự bịa cộng với bảy mươi hai chiêu chàng học được thành ra chín mươi chín chiêu. Ngặt cái là Lâm Tố Đình biết tỏng lịch sử bộ môn võ công chùa Thiếu Lâm nên miệng mồm của Cữu Dương ngã ngũ.

Cữu Dương chẳng chút hổ thẹn, chắc tại vì chàng là chuyên gia mánh lối, thói gạt người đã thành tật. Thành thử, chàng đưa tay lên gãi cằm, cười cười khỏa lấp:

- Muội tới đây lâu chưa?
- Chưa lâu – Lâm Tố Đình lắc đầu - Nhưng cũng đủ để nghe huynh giở trò dóc tổ.

Đánh giá xong, Lâm Tố Đình quay sang vuốt tóc Hiểu Lạc:
- Thôi, đệ đừng tin sư huynh bá láp của đệ nữa, để tỉ nói chuyện động trời cho mà nghe. Việc này có liên quan mật thiết đến sư phụ của đệ.

Hiểu Lạc nghe Lâm Tố Đình nhắc tới sư phụ của nó, tức là Nữ Thần Y, thì lòng hồi hộp vô cùng. Nó chưa kịp gật đầu, Lâm Tố Đình đã tiết lộ:

- Hồi nãy, tỉ đi ngang thư phòng của đám học sinh, nghe hai kẻ nam nhân kháo nhau rằng Nữ Thần Y mới vừa chuẩn mạch cho viện trưởng. Nàng đoán là chàng bị bệnh lao.

- Ối!

Nghe tin dữ, lão Tôn đang đứng cạnh đó, ông chỉ kịp kêu “ối” một tiếng rồi đưa hai tay lên bụm miệng. Còn Hiểu Lạc thì e dè ngó Cữu Dương:

- Khiếp quá, sao huynh không chữa trị ngay đi?

Cữu Dương nghiêng cổ nhìn Lâm Tố Đình. Chàng tuyệt nhiên đâu có bị bệnh lao. Chàng định biện bạch thì Lâm Tố Đình lắc đầu, nói:

- Nữ Thần Y bảo hiện giờ bệnh tình của viện trưởng vô phương cứu chữa.

- Thôi chết rồi – Lão Tôn bỏ tay xuống, miệng há hốc, ánh mắt băn khoăn – Chúng ta phải tính sao đây? Tôi nghe nói căn bệnh lao này hung lắm, không phải đùa đâu. Lạng quạng là mất mạng như chơi đó.

Cữu Dương nãy giờ nghe loáng thoáng thì đã sớm đoán biết câu chuyện dẫn về đâu. Nhưng mỗi lần chàng muốn bào chữa là Lâm Tố Đình nhảy vô họng ngồi chồm hổm nên không nói được câu nào, chỉ đành khoanh tay lắc đầu ngán ngẩm.

Hiểu Lạc tới giờ trở chứng tài khôn. Bấy lâu nay nó đi theo Nữ Thần Y bôn tẩu giang hồ, bởi vậy mà cũng am tường chút ít y thuật. Nó xòe một bàn tay ra bấm từng ngón, làm động tác giới thiệu căn bệnh:

- Thế thì sư huynh bị bệnh lao phổi, lao tâm, lao lực, hay là lao não? – Hiểu Lạc hỏi Cữu Dương.

- Không phải mấy chứng bệnh lao đó! – Lâm Tố Đình trả lời dùm - Bệnh của huynh ấy là… cứ thấy con gái thì lao vào!

Lâm Tố Đình vừa đáp xong là ngay tức khắc, Hiểu Lạc cười đến nỗi nước mắt nước mũi kèm nhèm. Lão Tôn ý tứ hơn. Ông quay đầu ra phía sau lưng nhưng mặt mày tí toét. Còn kẻ nạn nhân của câu chuyện tiếu lâm thì dở cười dở khóc. Cữu Dương mới bưng tách trà lên nhâm nhi một ngụm, chưa nuốt xuống dạ dày đã cứng cổ họng, tuy không bị bệnh cũng thành bệnh. Cữu Dương ho sặc sụa, nước trà nóng bắn tung tóe lên sàn nhà.

Lâm Tố Đình thụt lùi ba bước đề phòng bất trắc. Nàng e Cữu Dương bị chọc phá, lâm cảnh đổ quạu rồi sử dụng đến chân tay, mặc dù từ xưa đến nay Cữu Dương chưa từng uýnh nhau với nhi nữ. Vả lại, Cữu Dương là người trí thức. Chàng là bậc hiền nhân. Quân tử động khẩu không động thủ.

Chợt, cả bốn người nghe tiếng hí hí như chuột rút. Hình như vang lên từ đằng sau ngạch cửa. Họ dòm ra mới hay có đám học sinh rình mò nãy giờ. Một vị tú tài thò đầu vào nhà bếp. Hắn bật ngón tay cái, la to:

- Một không!

Lâm Tố Đình so vai đắc ý. Nhóm học sinh lại được dịp bô bô:

- Với tỉ số này thì chẳng bao lâu Lâm Tố Đình cô nương sẽ chiếm mất tiêu địa vị của viện trưởng. Thôi thì viện trưởng nên chịu thiệt mà nhường chiếc ghế lại cho cô ấy, ngài hãy phủi đít bỏ về hưu đi cho rồi.

- Còn khuya! - Thình lình vang lên nhiều giọng nói khác.

Lần này, tiếng nói đó xuất phát từ đằng sau khung cửa sổ. Thì ra các vị sĩ tử của Hắc Viện phân chia thành hai phe. Phái thứ nhất lên mặt ủng hộ Lâm Tố Đình. Phái thứ nhì theo phò Cữu Dương. Bọn họ phục tùng chàng vì họ cho rằng chàng là vị Gia Cát Lượng đầu thai chuyển thế.

Cặp phe phái này gọi là Mỹ Tử và Thánh Tăng. Hai nhóm ùng ùng giao chiến, từ cổ chí kim đấu võ mồm, bên thắng xuất khẩu ngông cuồng để kẻ thua biện hộ xùi bọt mép. Nhóm Thánh Tăng, tức là nhóm của Cữu Dương, long mắt trợn tròng:

- Thì ra Lâm Tố Đình cô nương không chịu đi chăm sóc vị sư huynh đang ốm đau, cô nương đến đây kể chuyện tiếu lâm độc bá thiên hạ.

Nhóm Mỹ Tử của Lâm Tố Đình lắc đầu ngao ngán:
- Thánh Tăng ơi là Thánh Tăng, thua thì chịu thua đi cho rồi, còn bày đặt lên án chỉ chọt, trách móc lôi thôi.

Nhóm Thánh Tăng gân cổ:
- Thua sao được mà thua?

Nhóm Mỹ Tử hét lên:
- Thua!

Nhóm Thánh Tăng đâu có chịu để yên, họ hít một hơi dài, át giọng:
- Không thua!

Cãi liều đến đây hai phái định tung quyền võ còng. Hiểu Lạc ái ngại đành chen vô chính giữa xua tay phân giải:

- Thôi thì các vị hãy đấu thêm vài hiệp nữa để so tài cao thấp, đồng ý không?

Từ lúc đặt chân đến Hắc Viện học đường, Hiểu Lạc nói rất nhiều câu nhưng câu này là được nhất. Nghe nó cho ý kiến, chục cặp mắt của đám học sinh liền nhìn nhau ra ý hỏi. Sau một hồi ngắm nghía giò cẳng đối phương, chục cái miệng đó liền nhao nhao:

- Nếu thắng thì được phần thưởng gì đây?

Hiểu Lạc vỗ vỗ trán suy xét tận tường, rồi ranh ma lên tiếng:

- Hay là như thế này, viện trưởng của chúng ta và Lâm Tố Đình sư tỉ cầm đầu hai nhóm đấu một phen, nếu Lâm Tố Đình sư tỉ thua thì phải tự nguyện cho viện trưởng… hôn một cái. Và ngược lại.

Phe Mỹ Tử nghe được liền trề môi:
- Vậy là viện trưởng thắng hay thua đều được lợi, các người đừng có khôn quá nha.

Cữu Dương chen lời. Chàng cũng lắc đầu từ chối:
- Thôi miễn! Tôi không dám hôn tẩu tẩu tương lai đâu, kẻo bị sư huynh của tôi chém chết.

Cữu Dương nói vậy là nói theo tình lý hỉ nộ ái ố nhưng ngặt cái là chàng bảo thế thì chẳng khác nào bảo Lâm Tố Đình nhất định bị thua. Cho nên, người đẹp tự ái dồn dập. Nàng dẩu mỏ:

- Xì, đến tết Đông Chí huynh mới thắng được muội, đừng làm vẻ ta đây.

Tuy nàng nói vậy nhưng trong lòng nhất trí với Cữu Dương. Chàng lo lắng không ngoa, Lâm Tố Đình có hôn ước với sư huynh của chàng là Tần Thiên Nhân từ trước, lạng quạng là tiêu đời.

Mọi người còn đang phân vân thì lão Tôn lên tiếng. Nãy giờ ông ấy đứng khoanh tay bên ngoài bãi chiến, nay cũng đành cười cười phụ họa theo:

- Tôi có cách! - Lão Tôn hấp háy đôi mắt sụp mí.

Rồi không cho kẻ nào thắc mắc lôi thôi, ông lật đật nói thêm:
- Để cho công bằng, bên nào thua thì tất cả các người của nhóm đó phải hôn… cái mông của con hắc mã.

Không nghe ai phản hồi. Tất cả các vị tú tài lẫn trạng nguyên tương lai đều hoan hỉ reo hò:

- Được! Chơi luôn – Nhóm Mỹ Tử lăng xăng.
- Vui à nha! – Nhóm Thánh Tăng vỗ tay - Coi ai sợ ai cho biết!

Còn Lâm Tố Đình thì dùng bàn tay trái đập lên vai Cữu Dương. Nàng nghinh mặt:
- Lần này huynh chết chắc rồi.

Cữu Dương giơ tay phủi… bụi trên vai, miệng hỏi Hiểu Lạc:
- Đấu thế nào đây?

Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trẻ nít, Hiểu Lạc mới được Cữu Dương thỉnh ý. Nó khoái chí đến nỗi cười tít mắt, vừa cười vừa vạch kế sách:

- Tỉ số bây giờ đang một không nghiêng về phe Mỹ Tử. Vậy thì để cho trận chiến được cao trào, chúng ta hãy đấu thêm hai hiệp tiếp theo, gồm có tỉ thí văn thơ, nếu vẫn bất phân thắng bại thì sẽ ra đề câu đố.

Theo ý kiến hội đồng, hai phái sẽ nêu ra một người đại diện. Nhóm Thánh Tăng đang bị nhóm Mỹ Tử dẫn đầu số điểm nên nhóm Thánh Tăng được ưu tiên xuất quân trước. Họ cử một nhân sĩ đọc bài thơ mà chủ đề là do phe Mỹ Tử đưa ra. Bên phe Mỹ Tử sẽ phải làm một bài đáp trả, chủ đề do phe đối lập quyết định. Bên nào có tỉ số câu thơ nhiều hơn mới được tất thành.

- Ra đề mau đi chứ?

Bị phe Thánh Tăng giục, nhóm Mỹ Tử đưa mắt ngó Lâm Tố Đình. Nàng ngoắc tay ra hiệu cho cả bọn tụ tập lại một đống, lầm rầm to nhỏ, khua tay múa chân loạn xị:

- Thường thường các bậc Thánh Tăng hay nhát gái nên chúng ta sẽ sử dụng chiêu này - Lâm Tố Đình xù xì với nhóm người của nàng.

Cuối cùng, được Lâm Tố Đình thuyết phục, cả đám Mỹ Tử quay mặt lại bảo nhóm Thánh Tăng:
- Thách các người làm một bài thơ định nghĩa nụ hôn.

Phe Thánh Tăng nghe xong thì y hệt. Họ tụm năm tụm bảy xì xầm một hồi với viện trưởng Cữu Dương rồi bầu người thủ lĩnh tên là Thiết Lâm ra chiến trận.

Lần này đến phiên băng đảng Mỹ Tử càu nhàu:
- Lẹ lên đi! Đã dốt mà còn bày đặt chơi chữ, làm chúng ông đứng chờ muốn rã cặp giò.

Thiết Lâm nghe hối thúc, không mau lẹ thì thôi, còn cố ý chần chừ cho bỏ ghét. Chàng sửa cổ áo, và ưỡn lòng ngực lép kẹp để làm tướng tá oai vệ thêm. Đã đời, chàng mới lim dim nhắm mắt, nói:

- Nghe cho kỹ rồi học hỏi nè.

Tuyên giáo xong, Thiết Lâm hùng hồn đọc:

Hôn vợ gọi là hôn thê
Hôn chồng gọi là hôn phu
Hôn người nào đó gọi là hôn nhân
Hôn cái… mông của con tuấn mã gọi là hôn thú

Thiết Lâm đọc tới đây thì ai cũng cười ầm nhưng chàng vẫn dửng dưng và phớt lờ đọc tiếp:

Mới hôn xong gọi là tân hôn
Mơ hôn được người nào đó gọi là hôn uớc
Hôn thêm cái nữa gọi là tái hôn
Hôn hai cái một lượt gọi là song hôn
Ðang hôn nửa chừng bị xô ra gọi là ly hôn
Hẹn ngày sẽ hôn gọi là hứa hôn
Vua hôn ái phi gọi là hoàng hôn
Hôn từ giã gọi là từ hôn
Vừa hôn vừa ngửi gọi là hôn hít
Khoái hôn gọi là hôn mê
Hôn cách không gọi là hôn gió
Hôn anh lính chiến gọi là hôn quân
Hai người cùng phái hôn nhau gọi là trùng hôn
Hôn xong rồi lại xua đuổi người ta đi gọi là từ hôn
Hôn liền tù tì không chịu ngưng gọi là liên hôn
Không muốn người ta hôn mình gọi là miễn hôn!

Phe Mỹ Tử dỏng tai lên nghe bài thơ và âm thầm nhẩm đếm. Họ xuýt xoa:
- Chà! Không đến nỗi tệ lắm. Có tới những hai mươi câu dài lằng nhằng.

Phe Thánh Tăng biết địch đang phục sát đất nên lên mặt:
- Có tuyệt hay là không? Nếu các vị muốn bái sư thì chờ trời sáng nhé.

Phe Mỹ Tữ chìa cùi chỏ:
- Miễn cưỡng nghe thì cũng tàm tạm.

Có kẻ tức khí định kéo quần văng bậy:
- Bái sư cái mốc xì!

Cữu Dương chẳng thèm gây gổ chi cho mệt. Chàng ngồi rung đùi cười tủm tỉm, tay móc cây quạt trắng phẩy phe:
- Bây giờ tới phiên chúng tôi ra đề, các người cố gắng làm một bài đáp trả nhé?

Rồi Cữu Dương hất đầu ra hiệu, đám thi sĩ Thánh Tăng cùng chu môi:
- Các người biệt danh là Mỹ Tử, vậy thì hãy làm một bài thơ định nghĩa của danh từ “tử” nha?
- Quá dễ! - Cả bọn Mỹ Tử nãy giờ ngậm miệng chờ đề thi, nay được sổ lồng nên láu táu vọt miệng.

Phe Thánh Tăng cười khảy:
- Dễ thì đọc đi.
- Đọc thì đọc chứ, là là …Đợi tí đã!

Nhóm Mỹ Tử khựng lại, trán nhăn tít, ấp úng một hồi mà chẳng tiết ra được câu nào. Họ bèn chụm đầu bàn tán xôn xao với Lâm Tố Đình. Xong, họ bảo Tân Quý đứng lên làm anh khùng, ý lộn, anh hùng. Tân Quý chẳng thèm sửa bộ lôi thôi. Chàng thư sinh lập tức nhấn giọng đọc hối hả như là đang trả bài triết lý:

Chết trong chùa gọi là tự tử
Chết một cách lãng xẹt gọi là lãng tử
Bị chấy rận cắn chết gọi là… chí tử

Lại có tiếng chuột rút vang lên từ bốn phương tám hướng. Mấy người bên phe Thánh Tăng đang cố tình chế giễu một cách hóm hỉnh nhằm phê phán. Nhưng Tân Quý phủi tai lời châm biếm chua cay. Cái đầu của chàng không ngừng đánh nhịp:

Cha chết gọi là phụ tử
Mẹ chết gọi là mẫu tử
Em chết gọi là đệ tử
Vợ chết gọi là thê tử
Thầy giáo chết là sư tử
Học trò chết là sĩ tử
Binh lính chết gọi là quân tử
Bị đánh bầm dập mà chết gọi là nhừ tử

Tân Quý đọc xong câu này thì vò đầu bứt tai trong đau đớn. Phe Thánh Tăng cười toe:

- Mới có mười một câu thôi nha, còn nhiều câu nữa mới thắng cuộc à.
- Chờ tí đi, làm gì dữ vậy? - Phe Mỹ Tử cau mày nhăn nhó.

Lâm Tố Đình thấy sắp bị thua nên lật đật cứu bồ:

Chết mà bị chặt ra từng khúc gọi là thái tử
Không ốm đau mà chết gọi là mạnh tử
Chết khi mọi việc đã hoàn tất gọi là chu tử

Nàng sáng tác được ba câu thì ngẹn họng. Lần này, không chỉ người đẹp mà cả hai phe cũng bóp muốn móp cả trán. Những câu định nghĩa sao mà hiếm quá. Mãi một lúc, phe Mỹ Tử mới rặn thêm một câu:

- Đang đi tè mà chết gọi là tiểu tử

Thêm một lúc nữa, mới được một câu nữa:
- Người to lớn chết gọi là khổng tử

Phe Mỹ Tử làm thơ đến đây thì tắc tị. Họ bực dọc trong lòng, tâm còn chưa tin cả đám tú tài hợp sức mà không cách nào nghĩ ra thêm vài câu nữa. Họ đứng yên, ráng suy ngẫm một hồi. Ngặt nỗi, đầu óc xoay như chong chóng. Họ nhìn nhau và thở dài kết luận:

- Thôi, chúng ta bó tay chịu thua cho xong vậy.

Tỉ số được sang bằng, một một. Và lẫn trong sự sung sướng của phe Thánh Tăng là thấp thoáng những gương mặt trúng tà ủ rũ của phe Mỹ Tử.

Bây giờ là trận quyết định cuối cùng, mỗi phe ra đề câu đố. Phe nào xoay trở thành công hiệp này xem như thắng cuộc.

Nhưng trước khi trận ác chiến bắt đầu thì hai phe được nghỉ giải lao. Họ dùng khoảng thời gian một khắc để mà tính toán thử xem phải đố câu nào. Cữu Dương khoái thầm, gì chứ đố nhau là chàng trúng mánh. Gia Cát tái lai lừng danh võ lâm. Chàng là vua giải câu đố lẫn các bài toán hóc búa. Xưa nay thiên hạ vô địch thủ!

Một khắc trôi qua. Hai phe to nhỏ xong. Ai về chỗ nấy. Phe Mỹ Tử nôn nao:

- Chúng tôi sẽ ra đề câu đố trước.
- Xin mời các người chỉ giáo! - Phe Thánh Tăng lịch sự dang tay.
- Hãy đợi đấy – Lâm Tố Đình nói chắc.

Và nàng nháy mắt với đám học sinh. Họ bắt được tín hiệu thì nhanh nhẩu tra khảo trí thông minh của địch:

- Đố nè, cái gì tay trái cầm được còn tay phải cầm không được?
- Dễ ẹc! Là tay phải, có vậy cũng đòi đố - Phe Thánh Tăng đáp ngay. Họ chẳng cần nhờ Cữu Dương trợ giúp.

Đến lượt đám Thánh Tăng:
- Đố tiếp nè, có một đàn chuột điếc đi ngang qua, hỏi có mấy con?

Lần này tới phiên phe Mỹ Tử bĩu môi khi dễ:
- Tưởng gì, lúc chưa lọt lòng đã biết câu này. Điếc là hư tai, hư tai là hai tư, tức là hai mươi bốn con chuột.

Sau hiệp thi đố thứ nhất thì thắng bại bất phân. Nhóm Thánh Tăng nắm chủ quyền ra đề hiệp nhị:
- Hãy chứng minh bốn chia ba bằng hai?

Các vị học sĩ của bên Mỹ Tử trố mắt nhìn nhau, đầu óc tính toán lập phương trình chớp nhoáng.

- Sao lại như thế được? – Lâm Tố Đình vò đầu - Bốn xu tiền chia cho ba người thì đâu thể nào mỗi kẻ nắm hai xu?

Nàng cùng đám học sinh phân tích lâu thật lâu mà trí não như tơ vò, càng gỡ càng thêm rối. Đã vậy, đám Thánh Tăng còn la lối, cố ý làm địch thủ phân tâm:

- Chịu thua chưa? Nghĩ ngợi gì dông dài lâu lắc thế?

Lâm Tố Đình len lén ngó Cữu Dương. Nàng thấy chàng đắc ý liền chun mũi:
- Câu đố này kỳ khôi, chắc huynh bịp bợm rồi, phải không?

Cữu Dương hất đầu về phía chuồng ngựa ngoài hậu viên:
- Bịp bợm đâu mà bịp bợm, muội nhận thua thì huynh giải mã cho mà nghe.

- Đúng rồi, chịu thua đi – Nhóm người phe chàng chu mỏ hôn gió chụt chụt.

- Xì! – Lâm Tố Đình chìa nắm đấm ra - Còn chưa biết ai hơn ai, phe muội mà thua câu này thì phe huynh phải giải xong câu đố của chúng tôi mới được xem là thắng trận.

Cữu Dương bẻ lóng tay răng rắc, giọng chắc như cua gạch:
- Huynh đây sẵn sàng.
- Được rồi – Lâm Tố Đình gật đầu chịu thua – Huynh nói đi.

Nhưng sư huynh của nàng không nói, Cữu Dương giơ hai ngón tay lên không trung búng chóc một cái, đám đệ tử của Thánh Tăng đồng thanh:

- Bốn chia ba là tứ chia tam, tức là tám chia tư thì bằng hai.

À! Thì ra là chơi nói lái. Vậy mà phe Mỹ Tử giải không ra. Họ tức mình quá xá, rồi chuyển qua tức người. Tức xong, họ e dè cho câu cuối cùng.

Lâm Tố Đình rù rì với phe Mỹ Tử:
- Phải chọn chiêu nào thách đố đây?

Nàng vừa hỏi vừa cắn môi, đôi mắt lưu tinh sáng chói nhìn mấy chàng thư sinh. Họ thấy gương mặt nàng đượm nét đăm chiêu thì cũng lo lây. Bình thường mọi hôm, trong đầu của họ có hằng trăm câu đố nhưng tối nay họ tra xét mãi mà vẫn không tìm ra câu vừa ý. Không khéo sẽ mất mặt với nhóm người của Cữu Dương, mai này lại phải nghe bọn chúng ca cẩm trên đầu trên cổ.

Đúng lúc thập tử nhất sinh, phe Lâm Tố Đình sắp sửa bị thua một màn trông thấy thì cứu nhân xuất hiện. Vị cứu tinh có giọng nói êm như giọt mưa thu:

- Hiểu Lạc, đệ hãy pha nước ấm đổ vào đây.

Nữ Thần Y bước vô, hai tay bưng thao nước. Nàng dịu dàng bảo đệ tử. Cả đám nam nữ đứng trong nhà bếp đang bận chú tâm. Kẻ ra đề, người giải đố, thình lình nghe tiếng du dương thì giật bắn cả lên.

Trong lúc Hiểu Lạc và lão Tôn lay hoay pha nước thì Lâm Tố Đình chộp cổ tay của Nữ Thần Y để mà tố giác:

- Huynh ấy chơi ăn gian – Lâm Tố Đình ám chỉ Cữu Dương - Cô phải thanh lý môn hộ cho chúng tôi.

Nữ Thần Y mới vừa thân chinh vô bếp, chưa rõ đầu cua tai nheo ra làm sao thì đã nghe mách lẻo. Nàng lùng bùng lổ tai. Nhưng khi nàng nhìn phớt qua các bộ mặt đang chảy dài thì chợt hiểu.

- Chắc là nhóm Mỹ Tử lại sa cơ? – Nữ Thần Y nhỏ nhẹ hỏi - Các người đang thi thố gì vậy?

Nhóm Thánh Tăng vọt miệng trả lời thay:
- Phe Mỹ Tử sắp nêu ra câu đố cuối cùng. Nếu chúng tôi giải được thì bọn họ phải ra ngoài kia hôn cái mông của con tuấn mã.

Nữ Thần Y bặm môi nín cười:

- Gay cấn đến thế sao?
- Bởi vậy nên cô phải giúp tôi - Lâm Tố Đình giãy nảy - Chúng ta là tri kỷ.
- Đình Đình muốn tôi giúp thế nào? - Nữ Thần Y bồn chồn hỏi lại.
- Tôi muốn cô hãy giúp tôi…
- Ra hôn cái mông của con hắc mã! - Cữu Dương phá đám.

Nghe giọng chàng hí hửng chen ngang, mọi người cười rầm rộ. Lâm Tố Đình cũng bịt mồm, nhưng tiếng hi hi vẫn thoát ra từ kẽ tay. Chỉ riêng Hiểu Lạc là không dám vô lễ với đấng ân sư. Nó chỉ âm thầm cười nụ.

Nữ Thần Y chẳng thèm để ý giọng điệu trơ trẽn. Nàng đưa tay vén tóc sang một bên, hỏi Cữu Dương:

- Nhưng phe Mỹ Tử còn chưa ra câu đố, huynh chắc chắn sẽ giải được sao?
- Lẽ đương nhiên! – Cữu Dương đập tay lên ngực.
- Tự tin quá ta – Lâm Tố Đình trề môi - Nhỡ huynh không tìm ra câu trả lời thì chỉ có nước mất cái mặt.

Nhóm Thánh Tăng nghe Lâm Tố Đình nói thế thì bất phục. Họ bênh viện trưởng chầm chập:

- Không có nhỡ nhiếc gì hết trơn hết trọi!
- Để rồi coi - Lâm Tố Đình hừ giọng chống chế - Tôi dám thách, mấy người chưa chắc giải được câu đố của Nữ Thần Y.

Lâm Tố Đình cố tình nói vậy. Nàng đang gày bẫy. Và nghiễm nhiên cách này có hiệu quả chính đáng, ngay cả Cữu Dương cũng mắc câu thì đương nhiên đám Thánh Tăng trúng kế khích tướng. Họ kêu ca nhí nhố:

- Chúng tôi chấp luôn cả Nữ Thần Y. Cô ấy có ngon thì cứ việc ra đề.

Cữu Dương chìa tay lập thệ:
- Dám cá không?

Phe Mỹ Tử lộn ruột:
- Có ăn được đâu mà ngon?

Lâm Tố Đình lắc đầu so vai:
- Muốn cá xuống đìa có cá.

Rồi phe Mỹ Tử quay sang dụ dỗ vị lang y giang hồ:
- Nữ Thần Y cô nương theo phe chúng tôi nhé? Cô hãy ra câu đố cho họ biết thế nào là lễ độ!

Nữ Thần Y là bạn chí thân chí cốt của Lâm Tố Đình nên vì tình vì nghĩa đành a dua. Sau khi nhận lời tương trợ, nàng ngẩn đầu ngó trần nhà suy tư.

Trong lúc Nữ Thần Y bận quan sát không trung thì cả đám người hồi hộp quan sát nàng. Trong lòng họ tự hỏi bộ óc đa mưu của nàng đang tính kế gì bất hủ? Nhoáng một cái, Nữ Thần Y ngoắc Lâm Tố Đình lại gần, thì thầm bên tai. Lâm Tố Đình nghe tới đâu đầu gật gù tới đó, bàn tay của đệ nhất mỹ nhân xoe xoe lọn tóc một cách tâm đắc. Đến khi Nữ Thần Y nói xong thì Lâm Tố Đình hất tóc qua vai.

- Các người ngoáy tai nghe cho kỹ nha, tôi không có lặp lại đâu à! – Lâm Tố Đình bảo nhóm người của Cữu Dương.

Đám Thánh Tăng liếm môi hối thúc:
- Đang vểnh tai lên đây.

Lâm Tố Đình cười mím chi cọp, nói:
- Đố các người câu này, viện trưởng thích chơi cái gì mà càng chơi càng ra nước?

Nữ Thần Y có trí khôn ngoan. Nàng thừa biết Cữu Dương là Gia Cát tái lai. Anh chàng mưu mô xảo nguyệt. Nếu phe Mỹ Tử đem câu thông minh trí tuệ ra đố thì chắc chắn không qua được bộ não siêu phàm của chàng. Còn những câu đố dân gian nói lái thì lại càng quá dễ.

Nữ Thần Y đành tìm cách vạch sơ hở. Nàng quyết định nhắm ngay huyệt đạo, đâm một nhát trí mạng đúng trúng phóc nhược điểm của chàng. Chỗ yếu đó có liên quan đến vấn đề nhi nữ.

Cữu Dương bản chất phong lưu. Ngay từ thời khai thiên lập địa, chàng đang đi phía trước mà thấy con gái phía sau là trái tim nhảy loạn cào cào. Lại nữa, ai cũng biết chàng tài giỏi nhất là lúc ba hoa chích chòe tán tỉnh. Bởi vậy cho nên, khi chàng nghe câu đố này thì hồn phách tiêu tán, đầu óc sáng suốt bỗng chốc tối thui. Cữu Dương bị đánh bại rồi thì còn lại nhóm Thánh Tăng. Đám người này chân ướt chân ráo, chưa đủ tài nghệ để đấu với Nữ Thần Y.

Đám Thánh Tăng cố gắng nghĩ ngợi thêm chút nữa. Đến phút cuối thì chịu. Họ buồn tình quay sang nhìn viện trưởng. Nhưng sư tôn của họ chẳng hơn họ bao lăm. Ngoài suy nghĩ tầm bậy tầm bạ thì chàng chẳng phăng được tí đầu mối nào cả.

Phía đối diện, Lâm Tố Đình thầm khâm phục bản lĩnh của Nữ Thần Y. Vị tri kỉ tâm giao này liệu việc còn hơn thánh nhân, đoán đúng tim đen ngay chóc. Quả thật, Cữu Dương nghe đố xong thì:

- Không có chơi đố bậy à nha!

Sau khi nhảy cẫng lên, chàng nhỏ tiếng:
- Chắc muội không muốn huynh giải đáp um xùm trước mặt bao người chứ hả?

Cữu Dương nói với Lâm Tố Đình nhưng ngụ ý hỏi Nữ Thần Y. Lâm Tố Đình biết sư huynh của nàng sập bẫy mỹ nhân kế nên bật cười hả hê. Cữu Dương điên tiết nhìn cái miệng đang há ra hết cỡ.

- Hai người đố câu tầm xàm – Cữu Dương thẳng thừng tuyên bố.

Vào lúc đó, Hiểu Lạc bưng ấm nước nóng rót vô thao nước lạnh. Nữ Thần Y liền dùng tay khuấy nhiệt độ cho đều. Nàng đang bận bịu nên chưa kịp thanh minh. Chỉ có mình Lâm Tố Đình xua tay rối rít:

- Đâu có tầm xàm. Chỉ tại huynh đầu óc dơ bẩn thôi.
- Đó rõ ràng là câu nói tục! - Cữu Dương một mực khăng khăng.

Lâm Tố Đình chém tay vào không khí, giọng quả quyết:
- Nói tục đâu mà nói tục, câu này đố những kẻ trí thức đàng hoàng!
- Trí thức cái này này! - Cữu Dương chìa nắm đấm.
- Huynh thua đi, muội nói cho nghe! - Lâm Tố Đình chỉ mặt – Nếu mà là câu nói tục thì từ nay về sau muội sẽ… đi bằng đầu cho huynh coi.

Bị thách thức, Cữu Dương tức khí:
- Huynh thua đó, muội nói nghe thử nào!
- Là chơi… cờ đó ông tướng ơi! Càng chơi cờ càng ra nước.

Bị hai cô nàng lém lỉnh cho vô xiếc, Cữu Dương hết lời. Chàng cứ tưởng câu đố này nghiêm cấm trẻ em dưới vị thành niên. Trong khi chàng gật gù một cách tâm phục khẩu phục thì phe Mỹ Tử cùng Lâm Tố Đình chộ:

- Không biết nãy giờ viện trưởng của chúng ta suy nghĩ đến đâu rồi?
- Chắc đang nhớ Tiểu Tường cô nương.

Mỗi người xúm vào trêu một câu làm Cữu Dương quê mấy cục. Chàng ngẩn người ra đấy mà đứng im. Mãi cho đến khi Nữ Thần Y bưng thao nước bỏ đi từ đời tám hoánh thì chàng mới bừng tỉnh. Cữu Dương tức tốc dẹp trò đố nhau. Chàng hối hả khua chân đuổi theo sư muội, lúc này đang trở gót vào thư phòng của Trương Quốc Khải.

Ở trong nhà bếp giờ còn sót lại Lâm Tố Đình, Hiểu Lạc, lão Tôn, và hai nhóm học sinh. Trận ác đấu này thắng bại chưa phân. Phải chờ đến khi nào mới loan đao phục hận?

Hai phe đảng vẫn đứng đó lườm nhau, nhưng biết làm sao được? Nam nhân vật chính lui ghe rồi đành phải mãn tuồng thôi.

- Đúng là đáng tiếc - Lâm Tố Đình hậm hực nói.


(Còn tiếp)

thay đổi nội dung bởi: vuongminhthy, 04-27-2012 lúc 01:05 AM.
Trả Lời Với Trích Dẫn