View Single Post
  #5  
Old 12-21-2011, 11:28 PM
vuongminhthy vuongminhthy is offline
Đường Tam Tạng
 
Tham gia ngày: Dec 2011
Nơi Cư Ngụ: Ngũ Đài Sơn - Nam Thiếu Lâm
Bài gởi: 1,955
Default

Hồi 3: Bát hiệp anh hùng

Vài hôm trước, từ Cố Cung của thành Bắc Kinh loang tin tức, “thái hoàng thái hậu sẽ cùng với Khang Hi hoàng đế xuất tuần đến núi Tây Sơn để tạ lễ Quan Thái Âm.” Sư Thái biết chuyện bèn kêu gọi Giang Nam Thất Hiệp bày mưu ám sát. Giang Nam Thất Hiệp là bảy vị anh tài có võ nghệ cao cường nhất của bang hội phản Thanh. Ngặt nỗi, âm mưu đảo chính bất thành.

Sáng ngày hôm đó, thái hoàng thái hậu xuất cung. Bà mang người cháu đích tôn tức là Khang Hi ấu chúa theo cùng. Nhưng tân hoàng đế đã được Phủ Doãn đại tướng quân tặng long bào có tẩm độc nhằm bảo vệ bản thân khi nguy cấp. Ngoài ra, còn có đội súng Tây phục kích chung quanh ngôi miếu Quan Âm. Lực lượng của đội súng Tây cũng được Phủ Doãn đại tướng quân bí mật bố trí và sẵn sàng chờ đợi để đánh úp đối phương khi lọt vào trận địa.

Bởi thế mà mưu lược ám toán của bang hội phản Thanh bị phá sản. Sư Thái vừa mới ra quân, trận vừa mới đánh, chưa kịp diệu võ dương oai thì đã phải tìm đường tẩu thoát. Trong giây phút nguy ngập, người đồ đệ thứ ba của Sư Thái là Tam Đương Gia bắt giữ được hoàng đế nhưng thấy đứa trẻ nên không đành ra tay. Ngược lại, Khang Hi rút đoản đao đâm trúng tĩnh động mạch cạnh sườn của kẻ thích khách. Độc trên long bào vì thế công tâm.

Sư Thái hết cách nên đành cắn răng hủy bỏ kế hoạch. Bà vừa phất tay ra hiệu rút lùi vừa đánh cầm chân bọn binh sĩ để cho người đồ đệ thứ bảy là Thất Đương Gia dìu Tam Đương Gia lên tuấn mã. Trong khi hai người đó an toàn rời khỏi thì bản thân của Sư Thái lại lâm cảnh nguy nan. Bà bị quân thù nã pháo, đạn bắn trúng lòng ngực. Nhưng trời không phụ người lành, Sư Thái được người đồ đệ thứ nhì là Nhị Đương Gia dùng khinh công phá vòng vây cứu bà thoát hiểm. Người đồ đệ thứ nhất là Đại Đương Gia bị địch bao vây. Chẳng ai biết hắn tìm cách nào mà cuối cùng cũng tháo chạy ra ngoài. Còn những người đệ tử khác của Sư Thái là Tứ Đương Gia, Ngũ Đương Gia, và Lục Đương Gia thì số phận không được may mắn như bà và đám huynh đệ. Bọn họ tất cả đồng loạt tử thương.

Xin cho phân tích thêm là bang phái phản Thanh gồm có vị lãnh tụ, tức là người đứng đầu, gọi là Tổng Đà Chủ. Kế đến là Thiếu Đà Chủ, người này nhậm chức chỉ huy và lãnh đạo bang hội khi Tổng Đà Chủ qua đời hay vắng mặt vì nguyên do mà ít ai lường trước được, thí dụ như lúc lâm bệnh hoặc đang thọ thương. Xếp dưới quyền của Thiếu Đà Chủ nhưng trên hàng vạn thành viên bang hội là tám vị Đương Gia. Tất cả thành viên của hội đều có thể được cân nhắc vào hàng Đương Gia nếu như họ hội tụ đầy đủ các yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là võ công. Tám vị Đương Gia đều là nhân vật võ lâm kính nể, công phu cái thế, thuộc hàng tinh thông thượng thừa.

Cũng xin nhắc đến danh phận đặc biệt của Sư Thái. Bà vốn là Trường Bình công chúa của triều Minh. Đó là triều đại độc lập cuối cùng do người Hán lãnh đạo trước khi bị thôn tính vào tay nhà Thanh của những người thắt bím tóc thuộc tộc Mãn Châu. Năm xưa, Trường Bình công chúa đi lại trong chốn giang hồ đã lấy biệt hiệu là A Cửu. Sau khi bị mất một tay, A Cửu xuất gia đầu phật nên sửa đổi danh hiệu thành Cửu Nạn. Kể từ đó, Cửu Nạn thành tâm khẩn phật. Bà một lòng xa lánh thế nhân để quy ẩn giang hồ. Tuy nhiên, ngó vậy mà không phải vậy. Thật tình mà nói thì ngọn lửa hận thù vong quốc vẫn còn cháy âm ỉ trong lòng bà. Thành thử, tu hành chỉ là cái cớ để bà che mắt triều đình, còn mục tiêu chính thức là thành lập một bang hội. Dã tâm của bà rất lớn. Trong suốt hai mươi mấy năm qua bà không ngừng thu nhận và huấn luyện đệ tử hòng phản Thanh phục Minh.

Trường Bình công chúa lúc rời Thành Tử Cấm đã bí mật giao du khắp nơi hòng chiêu binh mãi mã. Bà vì dốc lòng tìm kiếm các bậc nhân tài nghĩa sĩ nên quanh năm suốt tháng lăn lộn nơi chốn giang hồ để chiêu mộ nhiều vị danh nhân. Đại đa số những người được bà rất mực chú ý là đám trẻ thơ ở cô nhi viện. Bà truyền thụ võ công cho họ và quan tâm chăm sóc như người thân trong gia đình. Sau khi bà quen biết Mã Lương lão nhân thì cả hai người bắt đầu âm thầm hoạt động cướp giàu tế bần. Hai người cùng một ý nguyện phục Minh nên mở thư viện và trường học nhằm kêu gọi bằng hữu gia nhập bang phái Đại Minh Triều. Dần dần sau này, đám cô nhi lớn khôn. Bọn họ vì tôn kính nên gọi bà là Sư Thái, nhưng bà chính là Tổng Đà Chủ, vị lãnh tụ vĩ đại của bang phái phản Thanh. Bà trú ngụ ở rất nhiều nơi, cư gia thường hay bất định. Ngoài Giang Nam Thất Hiệp thì không ai biết tông tích và hành tung ẩn náo của bà.

Sư Thái vốn thu nhận nhiều đệ tử nhập môn. Trong những kẻ anh tài đó có bảy người đồ đệ được bà cất công chọn lựa, đặc biệt tâm đắc, và vô cùng ưu ái hợp thành Giang Nam Thất Hiệp. Họ là Đại Đương Gia - Khẩu Tâm, Nhị Đương Gia - Tần Thiên Nhân, Tam Đương Gia - Trương Quốc Khải, và Thất Đương Gia - Tần Thiên Văn. Còn ba người đồ đệ nữa, nhưng đã thất thủ và bỏ mạng ở miếu Quan Thế Âm. Ngoài ra, Sư Thái còn nuôi nấng một nữ nhân mười tám tuổi. Công phu của nàng không rõ hạng bởi vì nàng chưa tỉ thí với ai. Người đời chỉ biết đến danh tánh của nàng là “Giang Nam đệ nhất mỹ nhân.” Riêng các vị sư huynh trong hội thì âu yếm gọi nàng là Bát muội. Nàng là nữ thành viên duy nhất trong thất hiệp huynh đệ và cũng được xem là Bát Đương Gia của bang phái Đại Minh Triều. Hệt như Sư Thái, hành tung của Giang Nam đệ nhất mỹ nhân thường hay bất định, nay đây mai đó, thỉnh thoảng thì tạm trú ở Hắc Viện học đường. Nàng cùng với các vị sư huynh liên binh, kết nạp thành Giang Nam Bát Hiệp trấn thế giang hồ.

Đôi lời giới thiệu về các vị Đương Gia: 

Đại Đương Gia là người có võ nghệ cao thâm, tuy rằng đang khoác áo cà sa, lòng hướng phật nhưng tâm không tịnh. Chàng mặc áo tu hành mà bụng dạ toan tính, rất ranh ma, lại còn ưa thích chức vụ cao sang và trong thâm tâm luôn luôn mơ ước được trở thành đại sư trù trì.

Biệt hiệu của Đại Đương Gia là Khẩu Tâm. Hai chữ đó vốn do phương trượng của chùa Thanh Tịnh đặt cho. Ngay cả bản thân chàng cũng chẳng biết tên thật của mình là gì.

Khẩu Tâm có thân mình cao lớn, gương mặt rộng hình chữ điền, cộng với hai hàng mi mao dày và hàm râu đậm, trông bộ dạng cứ như là linh vật kỳ lân. Bá tánh bình dân chỉ nhìn thoáng qua dung mạo của Khẩu Tâm một cái cũng đủ khiếp đảm mất ăn mất ngủ. Chẳng những thế, chàng còn sở hữu thêm giọng nói dõng dạc mà nhiều lúc vang lên nghe từa tựa như tiếng chuông đồng.

Khẩu Tâm không cười bao giờ, lúc gặp đối thủ thì càng im lìm cô tịch, mục đích là để hù dọa tâm lý của kẻ đối diện khiến cho quân địch kinh thiên hồn vía. Chàng ra tay nhanh như sấm, động thủ không bao giờ nương, và chưa hề nếm mùi vị thất bại dưới tay bọn cẩu tẩu Mãn Thanh dầu chỉ một lần.

Năm mười lăm tuổi, Khẩu Tâm cùng Sư Thái mai phục ở Sơn Đông hầu chặn đoàn xe của Cao Lã. Ông ấy lúc bấy giờ đang hộ tống vợ con lên đường nhận chức quan địa phương. Sư Thái kề dao lên cổ người con trai duy nhất của Cao Lã tri huyện. Bà dùng tên nghịch tử đó để uy hiếp trong khi Khẩu Tâm đòi tên quan tri huyện nộp hết tài sản. Cao Lã đâu dám không tuân. Sau khi rời khỏi, Sư Thái bàng hoàng phát giác tên đại đệ tử lén lút cất giữ một số trân châu hạt hòng làm của riêng. Bà bèn xử theo bang pháp.

Theo quy luật của hội thì bất kỳ tên đệ tử nào có ý tham nhũng nhưng lại cam tâm hối cải thì sẽ phải chịu phạt bằng cách lau chùi nhà xí trong vòng ba tháng, ăn cơm hẩm, và ngủ chiếu đất. Mặc kệ là ai cũng không được ân xá. Nếu như phạm nhân bị phát hiện là đang gian dối, hoặc là làm trật một trong ba điều kể trên thì sẽ phải chịu phạt hai trăm trượng và bị trục xuất ra khỏi tông đường. Quy chế đó là một điều trong bộ Tam Bất Luật do Mã Lương lão nhân đặt tên. Mãi cho đến ngày hôm nay vẫn còn được tất cả các thành viên bang hội xem trọng. Tam Bất Luật gồm có:

Bất đầu phục Thanh triều
Bất bán rẻ huynh đệ, và
Bất tham nhũng gia sản

Khẩu Tâm dọn dẹp nhà xí ở Hội Minh Triều không lâu đã len lén ăn thịt chuột và uống rượu bồ đào. Ngoài Hắc Viện thì Hội Minh Triều là nơi tụ tập của Giang Nam Bát Hiệp khi có biến cố. Họ dùng pháo thủ làm tính hiệu. Khi thấy lửa bùng nổ ở Tây Hồ thì tất cả các thành viên đều về tham dự. Nơi đây, Nhị Đương Gia - Tần Thiên Nhân trở thành nhân vật chủ chốt. Chàng ngồi chiếc ghế lãnh đạo. Lẽ ra là vị trí của Tổng Đà Chủ, nhưng Sư Thái không bao giờ ra mặt mà chỉ ở bên trong âm thầm chỉ huy.

Trở lại câu chuyện của Khẩu Tâm. Có một hôm, Khẩu Tâm chưa ăn xong thịt đã nghe tiếng chân người. Vì sợ việc tu hành của mình trái phép nên chàng vội giấu đồ ăn xuống dưới ghế mây. Đệ tử bang hội đi ngang qua đã lầm tưởng chàng là vị hòa thượng tốt của chùa Thanh Tịnh.

Lúc họ mới rời gót, Khẩu Tâm chưa kịp thở phào thì phát giác đồ ăn bị một con mèo đen đánh cắp. Chàng liền huơ tay vớ cọng dây nhằm phơi áo quần, cột thành một vòng tròn nhỏ, ném trúng cổ hắc miêu và ra sức kéo. Sợi dây vòng tròn siết mạnh nên chỉ trong vòng nháy mắt thì xương cổ súc sinh gãy gọn.

Sau việc đó, Khẩu Tâm quyết định chế tạo binh khí độc đáo thiên hạ. Khoảng vài năm mày mò, cuối cùng, Khẩu Tâm đã cho ra Thiết Đầu Lôi, một thứ vũ khí cực kỳ hung tợn có hình tạng như một cái lồng chim bằng thép có xích sắt. Khẩu Tâm chỉ cần vung tay sao cho đúng mục tiêu thì chiếc lồng sẽ bay tới chụp vào đầu đối thủ. Sau khi giật mạnh sợi dây xích, nhiều cạnh nhọn từ lồng chim đâm vào cổ đối phương khiến gân xương đứt lìa. Đầu rời khỏi xác. Kinh hãi tột cùng. Trong lúc không sử dụng, Khẩu Tâm xếp Thiết Đầu Lôi lại và bỏ vào áo cà sa. Lúc ban đầu, Mã Lương lão nhân không bằng lòng với ác khí đó vì nó quá tàn nhẫn nhưng ông khuyên mãi mà Khẩu Tâm không phục. Lại nữa, Khẩu Tâm làm rất được việc, nhất là trong vấn đề tiêu trừ đám tham quan vô lại cho nên Mã Lương mới chịu thôi. Ông không màng đá động tới.


Miếu Quan Âm, Tây Sơn

thay đổi nội dung bởi: vuongminhthy, 04-26-2012 lúc 07:49 PM.
Trả Lời Với Trích Dẫn