View Single Post
  #5  
Old 03-27-2012, 03:46 PM
balut05 balut05 is offline
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jul 2010
Bài gởi: 10
Default vài hàng về Hát nói

Cám ơn LLT nhé , lâu nay T lang thang hoài nên ít khi ghé vào đây.
Thể loại hát nói cũng dễ học và dễ làm lắm. LLT có thể vào link này mà xem thêm.

http://www.bensongmay.net/viewdiendan.php?t=22881

Hát Nói gồm có hai phần Chính : Mưỡu và Nói.

Mưỡu.

Mưỡu gồm có hai hay bốn câu Lục Bát, dùng để mở đường vào bài Hát Nói. Có hai câu thì gọi là Mưỡu Đơn, có bốn câu thì gọi là Mưỡu Kép. Mưỡu là nhan đề của Hát Nói, cốt để trình bầy tóm tắt những ý tưởng trong bài Hát Nói.

Đây là một vài câu Mưỡu làm mẫu :

Mưỡu Đơn

Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự...anh hùng nhớ chăng.

Mưỡu Kép

Nhớ Quê Hương

Đêm khuya ai nện chuông đồng
Lắng nghe như giục tấm lòng nhớ thương.
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.

So với các thể văn khác, Hát Nói có tính cách tự do phóng khoáng, niêm luật không câu nệ, số chữ trong câu và số câu trong bài không hạn đinh chặt chẽ. Theo Dương Quảng Hàm, Hát Nói có thể coi như một biến thể cũa lục bát và song thất lục bát. Sau này lối thơ 8 chữ của phong trào Thơ Mới thoát thai ở Hát Nói mà ra.

Văn thể Hát Nói có ba đặc điểm : Bố cục, cách gieo vần, và số chữ trong câu văn.

A- Bố Cục.

Một bài Hát Nói thường gồm có 11 câu, chia làm 6 khổ.

1 Khổ nhập đề : Câu 1 và 2, mở bài.
2 Khổ xuyên tâm : Câu 3 và 4.
3 Khổ thơ hay Khổ đan : Câu 5 và 6, là hai câu thơ chữ Hán hay quốc âm (chữ Việt), thường là 2 câu thơ đối nhau
nêu ý chính của bài Hát.
4 Khổ xếp : Câu 7 và 8.
5 Khổ rải : Câu 9 và 10.
6 Khổ kết: Câu 11, tóm tắt ý chính của toàn bài.

Bài Hát Nói có đúng 6 Khổ và 11 câu như trên gọi là bài đủ khổ và là hình thức thông dụng nhất. Bên cạnh những bài đúng khổ còn có những bài Dôi Khổ và Thiếu Khổ.
Bài Hát Nói dôi khổ (thừa khổ) là bài có trên 6 khổ, những khổ Xuyên và khổ Thơ. Bài Hát dôi khổ có thể có 15 câu, 19 câu, 23 câu hoặc 27 câu (Thêm cứ 4 câu một).
Bài Hát Nói thiếu Khổ là bài Hát có dưới 6 khổ, những khổ thiếu phần nhiều là những khổ Thơ, khổ Xếp.

B - Cách Gieo Vần.

Hát Nói là một thể văn vừa có cước vận (vần ở cuối câu) vừa có yêu vận (vần ở lưng chừng câu) vừa dùng vần bằng vừa dùng vần trắc.

Cách gieo vần của bài Hát Nói, tóm tắt trong 3 quy luật :

1- Bài Hát Nói bao giờ cũng bắt đầu bằng một cước vận trắc.
2 - Sau cước vận trắc đầu tiên là hai cước vận bằng, rồi đến hai cước vận trắc, rồi lại đến hai cước vận bằng, rồi lại đến hai cước vận trắc. Cứ như vậy tiếp diễn cho hết bài hát.
3 - Bài Hát Nói tận cùng bằng cước vận bằng.
4 - Khi câu trên có cước vận trắc mà câu dưới chuyển sang cước vận bằng, thì câu dưới phải có thêm yêu vận trắc. Trái lại khi câu trên có cước vận bằng mà câu dưới chuyển sang cước vận trắc, thì câu dưới có thêm yêu vận bằng. Yêu vận gieo cách chữ cuối trong câu là 2 hay 3 chữ.
5 - Riêng hai câu của khổ Thơ, (Câu 5 và 6,)vì là hai câu thơ Luật nên không có yêu vận.
Phụ ghi:
- Thứ nhất về MƯỠU thông thường người ta dùng hai câu hay bốn câu Lục Bát làm MƯỠU . Nhưng cũng có thể dùng hai câu hay bốn câu Năm Chữ làm MƯỠU .
- Thứ hai là Cặp Đối câu 5 và 6 thường là hai câu 7 chữ Luật Thi làm vế Đối . Nhưng cũng có những bậc tiền bối dùng hai câu Năm Chữ Luật Thi làm Vế Đối .

C- Số Chữ Trong Câu Văn.

Số chữ trong câu hát không có hạn định, có thể từ 4 đến 12, 13 chữ. Cũng có những câu Gối Hạc, lối văn lắt léo, dùng đến trên 20 chữ. Nhưng khổ Kết (câu cuối cùng) bao giờ cũng chỉ có 6 chữ. Khổ Thơ thường là hai câu thơ Thất Ngôn (mỗi câu 7 chữ) hoặc ngũ Ngôn (mỗi câu 5 chữ).

Thí dụ sau đây một bài Hát Nói đủ khổ.

Hồng Hồng Tuyết Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi
Mười lăm năm thấm thoát có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu
Ngũ lãng du thì quân thượng thiếu
Quân kim hứa giá ngã thành ông.
Cười cười nói nói thẹn thùng.
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một tú thanh sơn đi lại,
Khéo ngây ngây dại dại với tình.
Đàn ai một tiếng Dương tranh.

Dương Khuê.

Bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết không có Mưỡu. Có nhiều bài tác giả không viết Mưỡu.
Sau đây là một bài không có Mưỡu Tiền nhưng có Mưỡu Hậu, tức là thêm hai câu Bát và Lục vào cuối bài. còn những bài có Mưỡu Tiền và Hậu, Những chữ tô mầu Cam là Cước Vận, chữ tô mầu Xanh lá cây là Yêu Vận.
Tặng Cô Đầu Trang

Trần Tấn Bình

Có phải cô Trang em Ấm Hiếu,
Người xinh xinh yểu điệu dáng con nhà.
Vì đâu vương lấy nợ tài hoa,
Bắt luân lạc trời già âu cũng độc,
Cha Án sát, anh thời Đốc học,
Nền đỉnh chung bỗng chốc hóa chuân chuyên.
Cất chén quỳnh nhớ bạn đồng niên,
Giục lòng khách bên đèn sa nước mắt.
Nhớ bạn thấy em như thấy mặt.
Dừng roi chầu lặng ngắt một hồi,
Đời người đến thế thì thôi.
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
Hoa xuân em giữ lấy thì.


** Đây là bài viết của TNL huynh gởi hướng dẫn ,cám ơn bài viết của huynh nhiều.

Phần nghiên cứu thêm về Phép Tiểu đối

Phép Tiểu Đối xuất phát từ Thi Pháp Thơ Đường, (sách Quách Tấn có đề cập và giảng giải khá rõ ràng) .

"Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e "
(Kiều)

Tiểu Đối dùng trong cùng một câu thơ cần chữ Đối chữ, cụm từ Đối cụm từ . Khi quan sát hai câu thơ trên sẽ thấy cả hai câu đều có Tiểu Đối .

Trong thơ Đường Luật dùng Tiểu Đối thì khó hơn một chút vì mỗi câu có 7 chữ, không chia đôi như thơ Lục Bát được . Nhưng chỉ cần có hai Cụm Từ Đối nhau trong một câu là được .
Thí dụ :

Thân già, da cóc có đau không ?
(Nguyễn Khuyến)

Thân già Đối với Da cóc . Thế là đủ .

Trường hợp hai câu thơ đi liền nhau trong Vế Đối phải có, thì chỉ cần câu sau có Tiểu Đối là được . Nhưng những vị khoa bảng thâm nho như Nguyễn Khuyến hay nhà thơ tài tử Vũ Hoàng Chương thì có những cặp Đối đều dùng phép Tiểu Đối trong cả hai câu thơ .

Thí dụ : Trong bài Thăm Quan Tuần Mất Cướp của cụ Nguyễn Khuyến, cặp Trạng 3&4 như sau .

"Lấy của, đánh người quân tệ nhỉ !
Thân già, da cóc có đau không ?

Lấy của Đối với đánh người .
Thân già Đối với da cóc .

Vũ Hoàng Chương :

"Kinh Phật chữ không là chữ sắc
Kệ người ai tiến với ai lui "

Chữ không Đối với chữ sắc .
Ai tiến Đối với Ai lui .

(Theo sách Thi Pháp của Quách Tấn, hai câu thơ này của cố thi sĩ VHC bao gồm tới 5 phép Đối ).
Ở đây chúng ta chỉ bàn về Tiểu Đối thôi .

Chúng ta cũng nên biết về phép dùng Tiểu Đối để sau này nếu gặp câu thơ có Tiểu Đối của những nhà thơ tài tử văn chương viết ra thì ta hiểu thấu và đọc một cách say sưa, thú vị hơn . Sau đó uống ly trà và rung đùi mà nói rằng "Hôm nay ta đã gặp được khách Tri Âm, người đồng điệu trong thi văn rồi" . Và ngược lại, tác giả cũng rất thích thú được biết có độc giả đã hiểu được nét bút tài hoa của mình .

Huỳnh Vũ Hoàng Tuấn
Trả Lời Với Trích Dẫn