View Single Post
  #24  
Old 10-27-2012, 03:05 PM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Dạo này tôi hay bị đổ mồ hôi. Không biết có phải vì căn bệnh đang mắc phải hay không. Chỉ cần nóng một chút, bí hơi một chút là mồ hôi đổ ra ròng ròng. Lúc ngủ thì khỏi nói. Thức dậy thể nào cũng ướt áo. Một ngày phải chạy đi tắm mấy lần. Còn nếu không muốn tắm tới tắm lui thì phải ngồi trong máy lạnh suốt. Bệnh ơi là bệnh, tao mừng vì mày chưa lấy mạng tao nhưng mà tao ghét mấy thứ mày gây ra quá hà.

Tôi đang đọc Bộ Bộ Tâm Kinh của một cô bé cho mượn. Mấy quyển loại này không bao giờ tôi mua. Tôi ít đọc truyện TQ, chỉ vài bộ Kim Dung, một hai quyển tiểu thuyết của các nhà văn đương đại. Lối viết của nhà văn TQ thì khá giống nhau, họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi truyền thống, văn hóa cổ xưa. Truyện trích rất nhiều thơ, điển tích xưa nhưng sự khác biệt trong cách xây dựng cốt truyện, tình tiết thì tác giả nam khác hẳn tác giả nữ. Nói như anh NBC thì tình yêu trong phim ảnh và văn học Á Châu nhuốm màu "sến". Truyện của tác giả nam thì thể nào cũng có trai tài được nhiều gái sắc mến mộ, thầm thương trộm nhớ. Còn tác giả nữ thì chỉ một giai nhân mà điêu đứng cả hoàng tộc, vị hoàng tử nào cũng tương tư nàng. Đúng là tưởng tượng thái quá. Thực tế làm gì có chuyện như vậy, bộ trên đời này ai cũng xấu hết, chỉ một người tài, một người đẹp thôi sao. Bởi vậy, mấy truyện loại này chẳng bao giờ có giải Nobel. Đó chỉ mới nói đến những truyện tương đối, cũng có thể gọi là được giới độc giả đánh giá cao. Văn học TQ giờ còn phát triển thứ văn học mạng biến thái, viết ra những truyện nhảm nhí nhắm vào tuổi mới lớn mà nội dung xoay quanh kiểu hủ nữ, sói ca gì gì đó. Đọc mấy bài bình luận về thể loại này mà ớn lạnh. Chưa biết rồi nó sẽ mang xã hội đi về đâu trong khi nhiều cô bé mới lớn phát cuồng vì loại truyện này.

Nhiều khi tôi không dám nghĩ đến xã hội VN trong khoảng 20 năm nữa sẽ như thế nào. Công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông đã mở ra nhiều thứ, kể cả mở luôn tư tưởng, đạo đức con người. Tôi thấy hình như ai cũng mở miệng than vãn về xã hội nhưng hiếm ai có hành động cải biến xã hội. Thậm chí họ còn góp phần để xã hội đi đến chỗ tệ hại hơn. Nặng nề nhất vẫn là việc nhà nghỉ khách sạn mọc lên nhan nhản ở khắp mọi nơi (mà nhiều nhất là SG) với tấm bảng to tướng: 50K/1h, 70K/2h, 120K/1 đêm. Đã có nhiều bài viết nói về những chuyện chẳng hay ho gì xung quanh nhà nghỉ. Thậm chí có lần đứng trước 1 cổng trường cấp 2, tôi nghe rõ mồn một một cậu bé học sinh lớp 8 lên giọng với chúng bạn về thành tích dắt 1 cô bé nào đó vào nhà nghỉ với giá 50K. Chỉ cần nhịn quà sáng chừng vài ba bữa là có tiền đi nhà nghỉ. Nhà văn trào phúng Hồ Anh Thái cũng từng viết trong tác phẩm "10 lẻ 1 đêm" như sau: "Chuyện ấy ngày nay hơi bị dễ. Thời gian địa điểm hơi bị dễ. Khách sạn nhà nghỉ mọc lên như nấm. Điều kiện cho thuê hơi bị dễ. Hà Nội có thành ngữ chỉ những nơi hứng lên là vào thuê phòng được ngay: ngủ Gia Lâm đâm Thái Hà, thậm chí vừa văn hoá ngủ nghê vừa văn hoá ẩm thực đặc sản đất Tràng An: chó Nhật Tân vần Hồ Tây. Con đường bên Hồ Tây mang tên một thi sĩ lãng mạn trở thành con đường phong tình, nhà nghỉ mỗi ngày đổ vào xe rác cả sọt bao cao su".

Dạo này tôi cũng không có hứng nói chuyện gì mấy với gã người tình chém gió. Thấy hết vui, hết thích rồi. Nói chuyện cứ nhàn nhạt. Chả có đề tài gì mới. Mà tôi nghĩ nếu nói chuyện hoài thì đi tới đâu? Thích nhau rồi thì đi tới đâu? Cũng chả có tới đâu hết. Nếu đã biết không tới đâu thì đặt một cục gạch tình cảm để làm gì? Phải bao nhiêu cục gạch mới nên được lâu đài tình ái? Tôi không phải là người có đức tính nhẫn nhịn. Triết lý nhà Phật chẳng phải bảo hạnh phúc là cội nguồn của khổ đau sao? Bởi vậy, tôi đâu có dại dột mà gây thêm nhiễu sự cho mình. Sống khỏe nhất là ung dung tự tại, không buồn không vui, biết chế ngự cảm xúc và không để ai ảnh hưởng đến cảm xúc của mình. Nói thì vậy thôi nhưng làm được rất khó. Xem phim gặp cảnh xúc động còn khóc sưng mắt thì nói gì tới chuyện của bản thân. Bởi vậy mới có câu "đời là bể khổ".
Trả Lời Với Trích Dẫn