View Single Post
  #9  
Old 08-04-2009, 12:31 PM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Người vợ Cao Ly

Đời sau vẫn còn truyền tụng huyền thoại về mối tình của Mạc Đĩnh Chi với cô gái Cao Ly (còn gọi là Triều Tiên hay Hàn Quốc). Nguyên sau khi ông và sứ thần Cao Ly cùng làm thơ đề quạt, vua nhà Nguyên khen ngợi và phong cho cả hai chức Trạng Nguyên. Được ít lâu, Trạng Cao Ly về nước có mời Trạng An Nam qua chơi nhà. Lần đầu, Mạc Đĩnh Chi ở bên Cao Ly chơi bốn tháng. Trong thời gian ấy, Trạng Cao Ly làm mối cho Mạc Đĩnh Chi một người cháu gái trong họ để làm thiếp. Mạc Đĩnh Chi đưa người thiếp ấy cùng về bên Tàu, được mấy năm thì bà thiếp ấy trở về nước Cao Ly, có dắt về hai đứa con, một trai một gái. Bà về nhà nói với anh em rằng:
_ Khi ông trạng tôi về nước An Nam có viết mấy chữ để lại cho tôi rằng: "Ngày nay tôi về nước là theo lệnh quân vương, ngày sau sang thì không có kỳ hạn nào cả. Ơn trời, chúng ta sinh hạ được hai đứa con, nhờ nàng nuôi nấng, dạy dỗ cho nên người. Về sau này nàng sẽ có nơi trông cậy, mà ta cũng không đắc tội với chúng nó là chỉ biết sinh con mà không biết nuôi, biết dạy con". Cứ như thế thì tôi không còn hy vọng ông trạng Mạc nhà tôi trở lại nữa, mà thân tôi đây bỗng dưng trở nên người vị vong rồi vậy!

Ai nghe thấy cũng phải ái ngại cho người thiếp đó mới ngoài hai mươi tuổi đầu không goá cũng thành như goá, lại thêm bên kẽ nách hai đứa con thơ, biết lấy gì nuôi nhau cho được nên người, giữ làm sao cho được toàn danh tiết? Ở vào địa vị bà thiếp ấy thật là khó khăn!

Thắm thoắt đã mười năm trời, một hôm bà thiếp ấy đang ngồi khâu vá chợt thấy Mạc Đĩnh Chi đến, bà giật mình lăn đùng ra. Ông chạy lại ôm lấy bà, gọi mãi mới tỉnh. Khi tỉnh lại rồi bà vẫn còn bâng khuâng như trong giấc chiêm bao, lại thỉnh thoảng nói một câu như mê mẩn. Ông Trạng Mạc an ủi hồi lâu thì người thiếp đó tỉnh lại. Lần này, Mạc Đĩnh Chi lưu lại ở nước Cao Ly trong sáu tháng trời. Trong khoảng thời gian ấy, ông đi du lịch gần khắp nước Cao Ly. Ông đi đến đâu , ai cũng hoan nghênh, vì ai cũng biết ông là bậc thông minh xuất chúng , lại là người rể trong nước. Ông có làm tập thơ truyền lại cho hậu thế, hiện nay vẫn còn nhiều người truyền tụng. Hết sáu tháng thì ông trở về nước, khi ấy bà thiếp vừa có mang 3 tháng. Sau đó, bà thiếp nhớ ông quá nên lập bàn thờ sống ở trong nhà, để sớm tối hương hoa cho thoả lòng hoài vọng. Cái bàn thờ sống đó chẳng qua là bà thiếp đặt ra để kỷ niệm sự thương nhớ chồng thôi , ban đầu không có nguyện khấn gì như các bàn thờ thánh khác. Đến tháng sinh con trai út, bà thiếp có biện xôi gà làm lễ ở trong bàn thờ ấy là lần đầu tiên. Khi người con trai út được một tuổi thì bị một cơn sốt mê man, bất tỉnh nhân sự, hai ba hôm không ăn uống gì được. Các thầy thuốc đến xem bệnh ai cũng nói là rất nguy kịch, không thể chữa được nữa. Bà thiếp lại sửa lễ xôi gà, đến quỳ trước bàn thờ chồng cầu nguyện vào lúc chập tối thì đến lúc nửa đêm người con trai út đã ngớt cơn sốt, đến sáng hôm sau thì tỉnh hẳn. Cả nhà ai cũng lấy làm lạ.

Từ ấy trở đi, tiếng linh ứng truyền đi khắp mọi nơi. Trước hết là một vài nhà hàng xóm xin tên hiệu ông Trạng về thờ , sau đó dần dần lan ra khắp cả châu, cả huyện, khắp cả nước không mấy nhà là không lập bàn thờ ông. Việc thờ phụng Mạc Đĩnh Chi bên Cao Ly cũng linh ứng, chẳng kém gì như thờ đức Thánh Trần ở nước An Nam .

Khi Mạc Đĩnh Chi trở về An Nam, bà thiếp chịu khó nuôi nấng, dạy bảo các con. Khi các con đã khôn lớn, dựng vợ gả chồng xong rồi, bà thường ở với người con trai út. Ở được hai năm thì bà từ biệt, đi vào chùa ở. Bà hưởng thọ 93 tuổi. Trong cửa thiền, bà ăn ở rất từ bi và độ lượng, mọi người đều cảm phục. Khi bà tịch ở chốn thiền môn, người ta lập đàn cầu nguyện cho bà rất linh đình, xưa nay chốn thiền môn chưa có đám tang nào rực rỡ, vẻ vang như thế.

Con trai cả của ông, sau này xuất thân làm quan võ, sinh được 12 người con gồm 8 trai , 4 gái. Sau còn hai ba đời đỗ đạt làm quan, nhưng không hiển hách lắm. Ngành này , phần nhiều là người giàu có. Con trai út khi được 19 tuổi thì đỗ cử nhân, không chịu ra làm quan, chỉ ở nhà làm thuốc và dạy học. Ông này sinh được 4 con trai đều học giỏi. Người con thứ 3 của ông này sinh được một người con văn võ song toàn, đã từng đánh đuổi quân Tàu , đánh đông dẹp bắc hiển hách một đời.

Ngành thứ hai này về sau sinh ra nhiều nhân tài, phần lớn là người trung hiếu, liêm khiết. Cháu đời thứ 8 có một thi sĩ, văn thơ hay nhất trong đời, không kém gì Lý, Đỗ bên Tàu. Ông có làm một bài phú về con Rùa , ngụ ý rằng nước Cao Ly tiến hoá chậm như Rùa bị các cận quốc khinh bỉ, song cách tiến hoá thong thả, vững vàng như con Rùa bò không vấp váp. Sau này các cận quốc tự phụ là linh tiệp như hùm như hổ sẽ bị non yểu tiêu diệt dần đi, dừng lại con sông Hoàng Hạc trong khoảng trời đất ngàn thu. Lời văn thanh thoát rất ly kỳ, quân đô hộ Tàu xem xong phải tấm tắc khen ngợi, rồi kể với vua Tàu, vua Tàu sai sứ sang hậu thưởng cho 100 tấm lụa và mời ông sang làm quan bên Tàu. Ông đã làm một bài trần tạ và thoái thác không chịu sang Tàu làm quan: Tôi chỉ thích yên phận làm một con rùa hèn mà không thích nghênh ngang làm một con sư tử dữ. Tôi chỉ thích làm một anh đồ mặc áo vải ở nước Cao Ly hơn là một người có thiên tư văn chương ở bên Trung Quốc.

Nếu so sánh thì ngành thứ nhiều người hiển đạt, nhiều người anh hùng hơn ngành cả. Mới ngày nào ở bên nước Cao Ly chỉ có một vết chân cụ Trạng Mạc bước tới mà dần dà nảy nở, hoá ra hàng trăm, hàng ngàn con cháu làm quan, có cả chức quan to tác động đến cả vận mệnh nước Cao Ly. Vì thế sự tôn kính, thờ phụng Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly không phải là ngẫu nhiên theo sự linh ứng "sống khôn chết thiêng".

(theo Bùi Xuân Giang)




__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn