View Single Post
  #35  
Old 11-03-2012, 12:28 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ - Bản Kỷ Tục Biên Quyển 2

Tháng 2, Kinh sư mưa đá.
Năm ấy được mùa to.
Sai chánh sứ Nguyễn Nhân Chính, phó sứ là bọn Phạm Vĩnh Miên, Trần Khái, Nguyễn Cổn cùng với sứ thiên triều là Đô đốc Lâm Sâm vượt biển sang Phúc Kiến cầu phong với nhà Minh. Khi ấy vua Minh lên ngôi, bị người Thanh đánh phá. Bề tôi nhà Minh lại tôn lập Vĩnh Lịch Hoàng Đế. Nhà Minh sai bọn Hàn lâm Phan Kỳ mang sắc thư, cáo mệnh và ấn bạc mạ vàng sang [39a] nước ta, phong cho Thái thượng hoàng làm An Nam quốc vương. Sứ Minh cùng với bọn Nhân Chính đi đường bộ theo cửa Trấn Nam quan mà về.
Bấy giờ nước Minh loạn to. Thủ lĩnh Long Châu là Triệu Hữu Kinh bị người anh họ là Triệu Hữu Đào giết. Con Kinh là Hữu Khải cầu cứu, bèn sai Quỳnh Nham công Trịnh Lệ tiến quân lên Thái Nguyên, đánh Cao Bằng, bắt được Triệu Hữu Đào và cả gia thuộc đem về Kinh sư, dụ bảo phải hoà mục với nhau rồi cho về bản châu.
Mùa đông, tháng 10, thi Hội sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đăng Cảo 17 người.
Tháng 12, thi Điện. Vua đích thân ghi cho Nguyễn Đăng Cảo đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, Nguyễn Viết Cử đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Văn Đạt 15 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
[39b] Đinh Hợi, [Phúc Thái] năm thứ 4 [1647] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 1; Thanh Thuận Trị năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 5, bọn Nguyễn Nhân Chính đón sứ Minh đem sắc phong và ấn đến cửa quan.
Bèn sai Lễ bộ thượng thư Thiếu bảo Dương quận công Nguyễn Nghi cùng với bọn Hộ bộ tả thị lang Nguyễn Thọ Xuân, Thiêm đô ngự sử Đồng Nhân Thái, Hộ khoa đô cấp sự trung Nguyễn Sách Hiển, Đề hình Trương Luận Đạo, Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Văn Quảng đón tiếp về Kinh.
Sứ Minh làm lễ ban phong, tuyên đọc lời thề rằng: "Trẫm nghĩ, đế vương dấy lên, trước hết vỗ yên ngoài cõi; Xuân Thu nghĩa lớn, riêng lo tưởng lệ tôn vương. Xưa Hoàng tổ ta mở mang bờ cõi, chân trời, góc biển, đều thuộc bản đồ. Nước An Nam người riêng hưởng thanh giáo, lễ nhạc y quan dần dần quen nếp, chịu ơn nhà nước trăm đời, để phúc cháu con mấy kiếp. Đô thống ty Lê [40a] Hựu sớm tỏ tài lành, một niềm cung thuận, nêu đức hay chinh phục cõi hoang, mà tiếng tốt thấu vào cửa khuyết. Đương khi Long Vũ Hoàng Đế ta ngự ở đất Mân2724 , một mình nước ngươi vượt biển sang triều cống. Tuy nhà nước không quý vật xa, nhưng làm tôi dâng cống, lòng thành thờ nước lớn thực đáng khen. Nghĩ cõi xa cũng là con đỏ, ta ban đất chia phong, chính là vỗ yên người xa bằng đức. Trẫm là cháu đích tôn của Thần Tông Hoàng Đế, được thần dân trong nước suy tôn, nối giữ nghiệp lớn, cai trị muôn phương, xa thì hâm mộ truyền thống hoà hiệp của Đường đế Nghiêu, gần lại nhớ tới oai thanh gồm trị của Hán Tuyên Đế. Nay loài hôi tanh làm phản, bị cả bốn biển cùng thù. Tráng sĩ Sở Thục nổi như mây, cờ nghĩa Ngô Việt đều hưởng ứng. Tiêu diệt giặc Hồ, dẹp yên bốn cõi. Khen ngươi trung thành, trẫm rất yêu mến. Vì thế, sai quan Hàn lâm Phan Kỳ, quan Khoa đài Lý Dụng Tiếp đem [40b] phù tiết phong ngươi làm An Nam quốc vương. Ôi! Đồ phẩm phục vâng tự mệnh trời, ngọc khuê bích truyền tới con cháu. Làm vua nước ngươi, chăn nuôi dân ngươi, việc nông tang cũng thuộc đức đế; cõi xa về chầu, trấn phiên tới cống, ngọc cung cầu chớ biếng chức xưa. Trẫm nghĩ, cột đồng nhà Hán dựng lên, cõi Nam yên mãi, vua Hạ hội ở Đồ Sơn, lại thấy Trung Nguyên. Hãy kính theo!".
Tháng 6, sai quan tuyển, thảy binh lính.
Mùa thu, tháng 7, sai quan tuyển duyệt binh dân các xứ, chia thành từng hạng để định ngạch quân.
Mậu Tý, [Phúc Thái] năm thứ 6 [1648] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 2; Thanh Thuận Trị năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 5, cấm dân gian không được mạo nhận càn chức tước để trốn binh dịch2725 .
Kỷ Sửu, [Phúc Thái] năm thứ 7 [1649] , (Từ tháng 10 trở đi, Thần Tông lại lên ngôi, Khánh Đức năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 3; Thanh Thuận Trị năm thứ 5). Mùa thu, tháng 8 [41a], vua băng, không có con nối.
Mùa đông, tháng 10, Vương uỷ cho Thế tử Tây quốc công Trịnh Tạc và các quan văn võ cùng bàn tâu xin Thái thượng hoàng lại lên ngôi, đổi niên hiệu là Khánh Đức năm thứ 1.

Thần Tông Uyên Hoàng Đế (Hạ)
Canh Dần, [Khánh Đức] năm thứ 2 [1650] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 4; Thanh Thuận Trị năm thứ 4). Mùa đông, tháng 10, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Khương Thế Hiền 8 người.
Tháng 12, thi Điện, cho Khương Thế Hiền đỗ tiến sĩ cập đệ tam danh, Nguyễn Văn Lễ đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Trịnh Cao Đệ 6 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tân Mão, [Khánh Đức] năm thứ 3 [1651] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 5; Thanh Thuận Trị năm thứ 7). Mùa xuân, sao Chổi mọc ở phương đông.
Tháng 2, bấy giờ [41b] vua Minh chạy xuống đóng quân ở Nam Ninh2724 , có sắc dụ cho Vương cấp binh tượng, lương súng để giúp việc đánh dẹp.
Mùa thu, tháng 9, Lại bộ thượng thư chưởng lục bộ sự kiêm Quốc tử giám tế tửu, Hàn lâm viện sự, Thái phó Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì chết, tặng Thái tể, ban thuỵ hiệu là Hành Độ.
Mùa đông, tháng 10, nhà Minh sai quan mang sắc và ấn sang phong Thanh vương làm Phó quốc vương.
Lời sắc viết: "Trẫm nghĩ, tổ tông dựng nên bờ cõi, thanh giáo rộng ban; lấy lễ, tín đối đãi ngoại phiên để mở rộng dậu phên cho nhà nước. An Nam vương họ Lê nước người, xa ở cõi Nam, đời đời thần phục, đội đức giữ trung, luôn kính theo lệnh. Xét nguyên do được như thế, là do công của ông cha phụ quốc chính Trịnh Tráng ngươi, trước sau cùng đức khuông phù, công lao giúp dập được ghi chép [42a] lưu truyền, sớm tỏ lòng trung gian với nước. Truyền đến Tráng ngươi, công danh rực rỡ, dân chúng xiêu lòng, giúp vua đỡ dân, làm tròn chức phận, trẫm đã biết rõ. Mới rồi, trẫm đóng tại Việt Tây2727 , mưu việc khôi phục, sớm khuya lo nghĩ đã 5 năm nay. Nay các bề tôi huân cựu ở Xuyên Sở2728 lũ lượt vào giúp, đại quân đến đâu, muôn bếp khói tụ, thế quân lừng vang. Những người đem quân hộ vệ từ trước, đã lần lượt đi cả, mà Trịnh Tráng ngươi dâng biểu nộp cống, từ mùa xuân đến mùa thu, vất vả theo gót, không dám bỏ thiếu, trẫm rất khen ngợi. Tuy có nhiều kẻ chê gièm, trẫm cũng không có lòng ngờ vực. Vậy đặc ban ân điển riêng, tấn phong người làm An Nam phó quốc vương, ban cho sắc, ấn, ngươi kính nhận lấy. Ôi, triều đình đặt phiên trấn bên ngoài, cốt để vỗ yên cõi xa, mở rộng phên dậu. Lúc yên bình thì thấm [42b] nhuần đức giáo, khi đánh dẹp thì giúp đỡ minh uy. Đã là cánh, là thành, thì trong, ngoài không có khác. Ngươi nhận được mệnh ban tôn quý, phải gắng trung trinh, giúp đỡ họ Lê, giữ bền chức cống, làm phên dậu cõi Nam cho trẫm, giữ mãi đời đời. Hãy kính theo".
Nhâm Thìn, [Khánh Đức] năm thứ 4 [1652] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 6; Thanh Thuận Trị năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 3, Hoàng Nhân Dũng mưu nổi loạn, bị giết.
Nhân Dũng là tên hoạn quan được yêu, làm đến chức chưởng Tư lễ giám, thiếu bảo, tước quận công, được ban họ tên là Trịnh Lãm. Quyền lộc to quá, ngày càng kiêu căng phóng túng, ngầm mưu với thủ hạ là Trần Nhân Liễn nuôi giấu người có yêu thuật là Tuyên Đức để xướng loạn. Việc bị phát giác, đưa xuống triều thần xét tội. Nhân Dũng bị chém bêu đầu, bọn Nhân Liễn, Tuyên Đức đều bị lăng trì, thị chúng.
Lấy Đương quận công Đào Quang Nhiêu là đô đốc, Hà quận công Lê Yến là đề đốc, [43a] bọn Đinh Văn Tả, Vũ Văn Doãn làm tham đốc vì có công biết được âm mưu phản nghịch của bọn Nhân Dũng và tố cáo trước.
Tháng ấy, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đình Chính 9 người.
Tháng 4, thi Điện. Vua thân ra đầu đề văn sách, hỏi về chính sự hay dở. Cho bọn Phùng Viết Tu hai người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Hồ Sĩ Dương 7 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Các quan triều đường xin tiến phong tước vương cho thế tử của Vương là Tây quận công Trịnh Tạc để hợp với thịnh điển nếp nhà.
Mùa thu, tháng 8, tiến phong Thái uý Tân quốc công Trịnh Tạc là Nguyên soái chưởng quốc chính Tây Định Vương.
Lời sách phong viết: "Trời yêu trao cho mệnh lớn, sinh người hiền để giúp trị công; vua trọng người có công to, ban điển lễ để tỏ tôn quý. Chọn được ngày tốt, ban cho sách vàng. Xét nghĩ: [43b] Dực vận tán trị công thần, đặc tiến khai phủ khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh chưởng quốc quyền bính tả tướng Thái uý Tây quốc công Trịnh Tạc, thông minh tính trời, nếp nhà đức vọng. Xưa Thành Tổ nối ngôi Thái Vương giúp Tiên hoàng sửa sang nghiệp lớn, xoay chuyển càn khôn. Nay sư phụ nối chí cha xưa, giúp trẫm khôi phục cơ đồ, công trùm vũ trụ. Văn võ được từ nhà dạy dỗ; trách nhiệm riêng việc nước đảm đương. Đánh dẹp các phương, yên thiên hạ có nhiều công sức; lo toan mọi việc,
vững xã tắc lập nhiều công lao. Đức vọng khắp bốn biển thoả lòng, chức vị đầu trăm quan mới xứng. Đặc sai Lễ bộ thượng thư tri kinh diên sư, kiêm Quốc tử giám tế tửu, Thiếu bảo Dương quận công Nguyễn Nghi, cầm phù tiết, mang sách vàng, ấn vàng vinh phong làm Nguyên soái chưởng quốc chính [44a] Tây Định Vương. Mong rằng: chịu ơn trọng đãi, kính giữ tiếng hay. Trung hiếu đủ mười phần, gắng giữ tròn một đạo. Thọ khang gồm năm phúc; ngôi vương dài ức năm. Giúp cho hoàng gia bền vững lâu dài, giữ cho tông xã vô cùng tốt đẹp. Vương hãy kính theo".
Quý Tỵ, [Khánh Đức] năm thứ 5 [1653] , (Từ tháng 2 trở đi đổi là Thịnh Đức năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 7; Thanh Thuận Trị năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 2, sao Chổi mọc ở phương đông. Đại xá, đổi niên hiệu là Thịnh Đức năm thứ 1.
Mùa hạ, tháng 6, định kiểu y phục trong nước, dài rộng theo thứ bậc khác nhau. Quan văn từ chức khoa, đạo, quan võ từ tước quận công được mặc áo thanh cát, đều có lá phủ đằng sau, ngoài ra, không được tiếm lạm.
Giáp Ngọ, [Thịnh Đức] năm thứ 2 [1654] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 8; Thanh Thuận Trị năm thứ 10). Bấy giờ, bộ Lại thuyên bổ các chức trong ngoài, giao xuống cho triều thần nghị bàn. Những người dự khoa sĩ vọng đỗ ba trường [44b] và con cháu công thần đều được lục dụng. Nếu có người lạm vượt, chưa đủ lệ thi Đình bãi cả.
Ất Mùi, [Thịnh Đức] năm thứ 3 [1655] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 9; Thanh Thuận Trị năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, bọn bồi tụng Lễ khoa đô cấp sự trung Quế Hài tử Lê Sĩ Triệt, Công khoa cấp sự trung Thọ Quế nam Phan Kiêm Toàn xin đặt thêm quan đốc đồng ở hai trấn dinh tả hữu để coi giữ miền biên giới và bàn cấp lương thực cho quân lính.
Tháng 3, cho Hồng lô tự khanh Quế Lâm nam Trần Ngọc Hậu làm đốc đồng tả trấn quân dinh, Lễ khoa cấp sự trung Đông Hà nam Vũ Lương làm đốc đồng hữu trấn quân dinh.
Mùa hạ, tháng 4, Nguyễn Phúc Tần ở Thuận Hoá tự xưng là Thái uý Dũng quốc công, sai bè đảng là bọn Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ đánh úp, phá được viên thuộc tướng tả trấn [45a] là Mậu quốc công Phạm Tất Toàn ở châu Bố Chính. Tất Toàn đem châu ấy đầu hàng giặc. Bọn giặc lại thừa thắng tiến đánh bọn Tả trấn Tiến quận công Lê Văn Hiểu, Hữu trấn Đông quận công Lê Hữu Đức ở miền Hà Tây, huyện Kỳ Hoa2729 . Văn Hiểu đem quân bản bộ liều sức đánh, chân trúng đạn, thế không địch nổi, cùng với Hữu Đức rút chạy. Ngày hôm ấy, Văn Hiểu, Hữu Đức và thuộc tướng hai dinh chạy ra An Trường2730 huyện Chân Phúc2731 . Bọn giặc lấn vào đất Thạch Hà. Hôm sau, Văn Hiểu và Hữu Đức lại đem thuộc tướng tiến vào đóng quân ở xã Đại Nại, huyện Thạch Hà để làm kế chống giữ.
Tháng 5, cho gọi Lê Văn Hiểu, Lê Hữu Đức và các thuộc tướng về Kinh. Đi được nửa đường, Văn Hiểu bị đau vì vết thương mà chết.
Tháng 6, xét tội thua trận, [45b] truy thu lại sắc ấn và binh dân của Lê Văn Hiểu, giáng Lê Hữu Đức làm đô đốc thiêm sự, bọn thuộc tướng Lê Thì Hiến, Trịnh Bính đều bị bãi chức tước và thu hồi dân lộc, bọn Lê Văn Hy, Vũ Bách Phúc bị truất làm binh lính, Lê Văn Dương bị sung quân. Giáng Đốc đồng Trần Ngọc Hậu làm Thượng bảo tự khanh, Vũ Lương làm Công khoa cấp sự trung Giám hộ Vũ Tự Khoát làm tham nghị xứ Nghệ An. Người châu Bố Chính là Nguyễn Tất Thú không theo Phạm Tất Toàn hàng giặc, giữ bền tiết làm tôi, cho thăng chức tước.
Tháng ấy, sai Thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng làm thống lĩnh, bồi tụng Lại bộ tả thị lang Diễn Thọ bá Nguyễn Văn Trạc làm đốc thị, Lại khoa đô cấp sự trung Nghĩa Giang nam Nguyễn Tính làm phó đốc thị, đem 18 viên thuộc tướng đến thẳng đất Nam Hà2732 xứ Nghệ An tiến đánh Thuận [46a] Hoá.
Bấy giờ có thanh gươm Công Nguyên sắc bạc, biến thành sắc đồng. Phạm Công Trứ dâng tờ khải rằng: "Đó là việc lạ, không thể coi thường mà không chú ý. Nay trong nước quen thói tô điểm văn chương. Quân sĩ đói khát mà không biết xót thương, chỉ biết đem vàng bạc mà trang sức quân khí, chuyên chuộng xa hoa, đến nỗi gươm biến thành sắc đồng. Có lẽ đó là lòng trời răn bảo, cho chóng sửa đổi để làm những việc thực sự chăng. Kính xin nhân việc này mà sửa đổi, bỏ trang sức bằng bạc, dùng bạc làm lương quân, chỉ dùng đồng hay sơn cho đồ binh khí được bền chắc, cũng có thể để ứng với điềm ấy mà làm tốt việc binh, chấn hưng việc võ bị".
Mùa thu, tháng 8, Trịnh Trượng đem đại binh tiến đến huyện Kỳ Hoa, đóng tại miền Hà Tây rồi lui về xã Lạc Xuyên2733 . Quân giặc bức sát, các quân thua chạy, vứt bỏ hết các thứ quân nhu, khí giới. Thuyền giặc vào cửa biển Kỳ La2734 . Vũ Văn Thiêm [46b] dời thuyền ra đóng ở cửa biển Đan Nhai2735 . Thuyền giặc vào cửa biển Nam Giới2736 , Nguyễn Hữu Sắc nghe tin bỏ chạy, Lê Nhân Hậu vừa đánh vừa lùi. Trịnh Trượng cùng các tướng chạy đến đất An Trường, huyện Chân Phúc đóng dinh. Lại chia quân đóng đồn ở Bắc Hà2737 từ Nghĩa Liệt2738 đến cửa biển Đan Nhai để ngăn giặc. Khi ấy, con Đặng Minh Chế là Đặng Minh Tắc đầu hàng giặc, giặc mới thừa thế tiến đến đất Bân Xa huyện Thiên Lộc2739 . Miền Nam Hà vì thế rối loạn.
Tháng ấy, Vương tâu vua sai Tây Định Vương Trịnh Tạc đích thân đem tướng sĩ các dinh tiến đánh bọn giặc.
Tháng 9, đại binh tiến đến xứ Nghệ An, đóng tại xã An Trường, huyện Chân Phúc.
Xét tội thua trận ở Lạc Xuyên. Xử chém La Đức Đại, Nguyễn Hưng Nhượng; thắt cổ giết Tạ Thế Bảo, bãi chức tước của Trịnh Bá, Lê Hữu Lễ, giáng Trịnh Trụ làm đô đốc [47a] đồng tri. Lại vì xá lại là Đỗ Công Khôi và Trần Hữu Tài quan sát chiến trận lại thiên vị, lấy lỗi làm công, đều xử chặt ngón tay. Lại xét công tội của quân thuỷ. Lấy Vũ Văn Thiêm làm tả đô đốc, phục lại chức tước cho Trương Đắc Thọ là Trình quận công, biếm chức tước của Nguyễn Hữu Sắc.
Mùa đông, tháng 10, sai Tả đô đốc Ninh quận công Trịnh Toàn2740 làm thống lĩnh, Bồi tụng thiêm đô ngự sử Phụng Trì nam Lê Đình Dự làm đốc thị, Giám sát ngự sử Trịnh Thế Tế làm phó đốc thị, Đô đốc đồng trị Đương quận công Đào Quang Nhiêu làm đốc suất; Bồi tụng Hộ khoa đô cấp sự trung Thọ Lĩnh bá Phan Hưng Tạo làm đốc thị, Giám sát ngự sử Nguyễn Tá Tướng làm phó đốc thị, Đô đốc thiêm sự Đông quận công Lê Hữu Đức làm đốc suất, Bồi tụng Công khoa cấp sự trung Thọ Quế nam Phan Kiêm Toàn làm [47b] đốc thị. Lại sai Tả đô đốc Lũng quận công Vũ Văn Thiêm đốc suất thuỷ quân, lấy Lại bộ hữu thị lang Thọ Lâm nam Dương Hồ làm đốc thị, chia đường đánh giặc. Khi tiến đến đất Kỳ Hoa thì quân giặc tự rút lui.
Tháng 11, bọn Trịnh Toàn, Đào Quang Nhiêu, Lê Hữu Đức rút quân về An Trường. Tây Định Vương hạ lệnh cho các tướng đem quân về Kinh, lưu lại Vũ Văn Thiêm làm trấn thủ, Dương Hồ làm đốc thị, Đào Quang Nhiêu làm đồn thú, Phan Hưng Tạo làm đốc thị, lĩnh các tướng dưới quyền đóng dinh ở An Trường, huyện Chân Phúc. Lại sai thuộc tướng là Đề đốc Nam quận công Thân Văn Quanh, tham đốc Lại quận công Mẫn Văn Liên, cai đội là bọn Nguyễn Văn Khuê, Lê Văn Tiến, Lê Văn Hy đóng đồn ở Tiếp Vũ (tên xã), Lăng quận công Lại Thế thì đóng đồn ở Minh Lương (tên xã)2741 để chống giữ bọn giặc.
[48a] Tháng 12, lấy Trịnh Toàn làm thiếu bảo, mở dinh gọi là Tả dực nội quân, ban cho ấn của dinh.
Bính Thân, [Thịnh Đức] năm thứ 4 [1656] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 10; Thanh Thuận Trị năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, bọn Thân Văn Quanh, Mẫn Văn Liên, Nguyễn Như Khuê, Lê Văn Tiến, Lê Văn Hy bị giặc đánh úp thua chạy. Bọn giặc thừa thắng lại ra sông Tam Chế2742 giáp đánh thuỷ quân. Vũ Công Quang xông lên trước giáp trận, liều sức phá giặc. Lê Sĩ Hậu tiếp cứu; dồn sức bắn trúng voi giặc. Vũ Văn Thiêm sai Phạm Công Thắng lên bờ bắn kẹp vào, chém được ngà voi giặc. Tháng ấy, xét công. Cho Sĩ Hậu làm đề đốc, Công Quang làm tham đốc, Trình Phú hầu.
Sai Thiếu bảo Trịnh Toàn thống lĩnh các tướng trấn giữ Nghệ An, bọn Vũ Văn Thiêm, Đào Quang Nhiêu đều thuộc dưới quyền. Lấy Lại khoa đô cấp sự trung Ngô Sĩ Vinh và Binh khoa cấp sự trung Vũ Vinh Tiến [48b] làm đốc thị.
Mùa hạ, tháng 5, giặc vào cửa biển Nam Giới đánh úp. Bọn Lê Sĩ Hậu, Nguyễn Hữu Sắc, Bùi Sĩ Lương, Thái Bá Trật đều thua chạy, bỏ cả thuyền ghe, súng đạn, khí giới. Giặc lại vào cửa biển Đan Nhai. Bọn Văn Thiêm sức không địch nổi cũng bỏ thuyền chạy. Giặc ập tới vây Đào Quang Nhiêu ở xã Hương Bộc, huyện Thạch Hà, Trịnh Toàn đốc các tướng tiến lên, bày trận ra sức đánh. Thấy thế giặc đương hăng, Toàn lấy cờ bản mệnh trao cho Đốc thị Dương Hồ. Hồ sôi sục lòng trung nghĩa, cưỡi voi lên trước, vẫy các quân thẳng tiến. Toàn đốc thúc quân kỵ xông lên đánh. Thế là bọn Quang Nhiêu mở toang cửa luỹ ra đánh. Giặc thua chạy. Quan quân đánh kẹp vào đất Đại Nại (Đại Nại là tên xã, thuộc huyện Thạch Hà), đuổi giết rất nhiều giặc, thu được voi ngựa, khí giới, súng đạn nhiều không kể xiết. Toàn lại đem [49a] thuộc tướng về đóng ở An Trường2743 .
Tháng [5] nhuận, xét công thắng trận ở Đại Nại. Phong Trịnh Toàn làm khâm sai tiết chế thuộc thuỷ bộ chư dinh kiêm hành hạ phủ trị Nghệ An đạo phó đô tướng thái uý Ninh quốc công, mở phủ Dương Uy; Đốc thị Dương Hồ làm Công bộ tả thị lang Thọ Lâm bá, Ngô Sĩ Vinh làm Quang lộc tự khanh, Lý Hải hầu, Phạm Hưng Tạo làm Thái bộc tự khanh Thọ Lĩnh hầu, Vũ Vinh Tiến làm Hộ khoa đô cấp sự trung Lệ Hải tử. Thăng Đào Quang Nhiêu làm thiếu bảo, Lê Thì Hiến làm đô đốc đồng trị, Nguyễn Nghĩa Chẩn, Mẫn Văn LIên làm đô đốc thiêm sự; Đặng Thế Công, Hoàng Nghĩa Giao, Đinh Văn Tả, Lê Văn Tiến, Đào Thế Tiên, Lê Văn Long, Mai Văn Hiếu làm đề đốc; Ngô Văn Sĩ, Lê Đăng [49b] Nhiệm, Lê Công Triều làm tham đốc. Cho Nguyễn Hữu Tá tước quận công. Lấy Dương Quỳnh, Nguyễn Thế Tế, Nguyễn Tiến Kiên làm thự vệ sự.
Lại xét tội thua chạy. Giáng Vũ Văn Thiêm làm hữu đô đốc, Nguyễn Văn Yến làm tham đốc, đều thu lại một nửa số binh dân. Bãi chức tước của Nguyễn Hữu Sắc. Bọn Lê Sĩ Hậu, Trương Đắc Thọ, Nguyễn Đức Dương, Đỗ Lễ vì liều sức đánh lâu, nhưng quân trơ trọi không chống lại được nên được miễn tội. Truy xét những người chết trận. Tặng Doãn Năng là đô đốc đồng tri Táo quận công, cấp ruộng tế, dâng lộc, cho lập đền thờ. Tặng Bùi Sĩ Lương làm tham đốc Thọ quận công; Thái Bá Đào làm thự vệ sự Diễn quận công; Nguyễn Văn Tú là đề đốc Thông quận công, đều cấp ruộng tế và dâng lộc để thờ.
Lấy thế tử của Tây Định Vương là Trịnh Căn làm phó đô tướng thái bảo Phú quận công, mở [50a] dinh gọi là Tá quốc dinh ban ấn Tá Quốc tướng quân; con thứ là Trịnh Đống làm thiếu phó Vũ quận công, mở dinh gọi là Trung khuông quân, ban ấn của dinh; Trịnh Kiều làm thiếu bảo Văn quận
công. Cho Trịnh Lệ làm phó đô tướng thái bảo Thọ quận công, Trịnh Tu làm phó tướng thiếu uý Tấn quận công.
Tháng 6, sai Tá quốc dinh phó đô tướng Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn thống lĩnh các tướng đến xứ Nghệ An hiệp đồng với Ninh quốc công Trịnh Toàn đánh giặc.
Ngày 18, tiến đến An Trường đóng dinh. Cho Thái bộc tự khanh Phan Hưng Tạo và Lễ khoa cấp sự trung Dũng Xuyên nam Trần Văn Tuyển làm đốc thị.
Tháng 9, sai Thái bảo Thọ quận công Trịnh Lệ làm thống lĩnh, Hình khoa cấp sự trung, Hộ khoa cấp [50b] sự trung Phùng Viết Tu làm đốc thị, đều đem sở thuộc đến Nghệ An tiếp ứng.
Mùa đông, tháng 10, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đình Trụ 6 người.
Tháng 11, các quân đồn trấn đều tiến qua Nam Hà. Ninh quốc công Trịnh Toàn đóng quân ở Quảng Khuyến, Thái bảo Phú quốc công Trịnh Căn đóng quân ở Bạt Trạc (Quảng Khuyến và Bạt Trạc là tên hai xã thuộc huyện Thiên Lộc), đều sai các quân đào hào đắp luỹ, chia giữ các nơi hiểm yếu, bí mật sai người đi dò thám tình hình giặc để biết rõ hư thực. Khi ấy, Tiết chế Trịnh Toàn cậy công tự phụ, ngầm có ý khác, ngày đêm vỗ nuôi tướng sĩ, phân phát bạc vàng, không có hạn độ, rồi tự tiện đem quân về Trường An. Thống lĩnh quan phó đô tướng Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn dò biết ý Toàn, cũng đem các quân về Phù Long (tên xã, thuộc huyện Hưng Nguyên) sửa sang [51a] dinh luỹ để xem động tĩnh.
Tháng 12, thi Điện, cho bọn Nguyễn Đình Trụ đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Đinh Dậu, [Thịnh Đức] năm thứ 5 [1657] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 11; Thanh Thuận Trị năm thứ 13). Mùa hạ, tháng ?, ngày 16, Đại nguyên soái thống quốc chính thượng chủ sư phụ công cao thông đoán nhân thánh Thanh Vương mất. Truy tôn phong làm Nghị Vương, thuỵ hiệu là Long Tự.
Bấy giờ Trịnh Toàn âm mưu phản nghịch đã lộ. Thủ hạ là Trịnh Bàn, Trương Đắc Danh sợ vạ đến mình, trốn trước đầu hàng giặc, do đó, quân lính tan rã, các thuộc tướng đều hướng theo dinh Tá quốc cả. Toàn không biết làm thế nào, mới sai người mang voi ngựa khí giới bản bộ dâng tại cửa quân và có ý xin đoái thương. Quan thống lĩnh là Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn nhân lấy lẽ thuận nghịch xưa nay [51b] dụ bảo và nói: "Việc đã như thế, phải tự mình về cửa khuyết đợi mệnh". Toàn nghe nói, trong lòng sợ hãi, tự liệu không thể khỏi tội, mới miễn cưỡng về Kinh. Bèn giao xuống cho đình thần xét hỏi, rõ hết tội trạng. Vương cho Toàn là người chí thân, không nỡ giết, bèn tâu xin an trí trong ngục.
Trước đó, Trịnh Toàn ngầm mưu làm loạn ở trong, lại có giặc Nguyễn xâm lấn ở ngoài, lòng người nao núng, vận nước gian truân. Bấy giờ Thống lĩnh quan phó đô tướng Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn giỏi mưu hùng đoán, trấn phục lòng người, cho nên ngăn chặn ác nghịch lúc manh nha, tiêu diệt giặc cướp khi hung dữ, khiến cho lòng người không lay, nước nhà yên tĩnh. Thế thái sơn, bàn thạch từ đây càng thêm vững vàng.
Tháng 5, lấy Lê Thì Hiến làm hữu đô đốc và bãi chức tước của Ngô Sĩ Vinh, vì Thì Hiến biết [52a] bỏ Trịnh Toàn về với dinh Tá quốc trước, còn Sĩ Vinh làm đốc thị mà không tố cáo trước.
Lấy Hoàng Nghĩa Chẩn làm đô đốc đồng tri. Tháng ấy cho thống lĩnh quan phó đô tướng thái bảo Phú quận công Trịnh Căn kiêm phủ trị xứ Nghệ An, thiêm sai Phạm Kiêm Toàn làm đốc thị.
Tháng 6, Thống lĩnh quan phó đô tướng Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn sai bọn Lê Thì Hiến, Hoàng Nghĩa Giao, Đặng Thế Công đều đem các quân chia đường vượt sông. Thì Hiến ra quân theo đường chính, bên tả thì Nghĩa Giao, bên hữu thì Thế Công, đều tiến quân đánh giặc ở đất Nam Hoa (Nam Hoa là tên xã, thuộc huyện Thanh Chương)2744 . Thì Hiến và Nghĩa Giao mới đánh một trận đã phá được luỹ giặc. Các quân tranh nhau lập công tiến sâu vào, hàng ngũ lộn xộn, tự động vỡ chạy. Giặc thừa thế đuổi đến bờ sông. Thống lĩnh quan phó đô tướng Thái bảo [52b] Phú quận công Trịnh Căn sai lính
nội hầu bắn vào, giặc vì thế phải rút lui. Đặng Thế Công ở chi bên hữu bắn ngang vào cự chiến. Bọn Mai Văn Hiếu, Lê Sĩ Hậu cũng sai thuỷ quân lên bờ ứng cứu. Giặc phải thua chạy.
Mùa thu, tháng 7, xét công thắng trận ở Nam Hoa. Cho thăng chức tước theo thứ bậc. Lấy Đặng Thế Công làm hữu đô đốc, Mai Văn Hiếu làm đô đốc đồng tri, Nguyễn Thụ, Cao Tài, Lê Sĩ Hậu đều làm đô đốc thiêm sự; Ngô Văn Sĩ, Nguyễn Tiến Kiên, Nguyễn Đức Dương làm tham đốc. Cho Lê Công Triều tước Bạt quận công. Đàm Cảnh Đề tước Tiến quận công, Nguyễn Như Khuê tước Bá quận công. Phục lại tước cũ Phố quận công cho Trịnh Bính. Cho Lê Phái làm đề đốc, Bùi Sĩ Trinh làm thự vệ sự.
Tháng 9, mưa gió to, bật cây đổ nhà. Nhân dân các huyện ở Thanh Hoa và miền dưới Sơn Nam [53a] bị hại, lúa má bị đổ cả.
Lại bộ thượng thư tri kinh diên sư kiêm Quốc tử giám tế tửu Thiếu phó Dương quận công Nguyễn Nghi chết, tặng thái phó, ban thuỵ hiệu là Cung Ý. Nghi cùng cha là Thục được tiến cử cùng một lúc, làm quan trong sạch, thận trọng, trải các chức quý hiển mà chỉ chuộng thanh liêm, giản dị, chăm lo việc bồi dưỡng nhân tài. Người đương thời ai cũng kính trọng.
Mùa đông, tháng 10, gia phong Thống lĩnh quan phó đô tướng, Thái bảo Phú quận công Trịnh Căn làm thái phó; Trịnh Đống làm thiếu uý.
Tháng 11, gia ân cho các quan văn võ điều được thăng chức 2 bậc, tước 1 bậc.
Mậu Tuất, [Thịnh Đức] năm thứ 6 [1658], (Từ tháng 2 trở đi đổi là Vĩnh Thọ năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 12; Thanh Thuận Trị năm thứ 14). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Nguyễn Tích làm tham thị ở Tá quốc dinh, Trịnh Đăng Đệ làm phó tham thị, cùng với Trần Văn [53b] Tuyển, Phan Kiêm Toàn đều hiệp đồng bàn giúp việc quân.
Tháng 2, đổi niên hiệu, lấy năm ấy làm Vĩnh Thọ năm thứ 1. Đại xá.
Mùa hạ, tháng 5, bấy giờ tiền bạc thường dùng trong nước, quan dân phát, nộp, mua bán, quen thói theo nhau kén chọn quá lắm, đến đây mới cấm: từ nay không được kén chọn. Người mua hàng cũng không được dùng lẫn tiền kẽm, tiền thiếc hay tiền gãy sứt. Từ đấy tiền hàng lưu thông, công tư điều tiện.
Khi ấy, dùng binh lâu ngày, tiêu dùng tốn kém. Hạ lệnh trong nước ai nộp thóc thì tuỳ theo số thóc nộp nhiều ít mà bổ quan chức theo thứ bậc khác nhau.
Tháng 6, viên quan lang ở sách Trọng Hợp, huyện Quỳnh Lưu là Công Cẩn ngầm có lòng khác, lẻn đưa bọn giặc đi tắt theo chân núi đến xã Dương Hiệp, huyện Đông Thành. Dân địa phương rối động. Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn sai bọn Lê Văn Hy và Lưu Thế Canh đánh tan. Công Cẩn sau [54a] lại dồn tụ lại. Lại sai bọn Phạm Thạnh, Đàm Cảnh Khải đem quân đánh bắt được, đóng cũi giải về Kinh sư.
Mùa thu, tháng 7, giặc vượt sông, xâm lấn xã Mỹ Dụ, huyện Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Tá vì quân trong trại ít, không địch nổi, thua chạy. Lê Thì Hiến đem tướng hiệu sở thuộc hợp sức đánh, quân giặc lui về; bị chết đuối rất nhiều. Bèn bãi chức tước của Nguyễn Hữu Tá.
Tháng 8, xét công thắng trận ở Dương Hiệp. Cho Lê Văn Hy tước Hải quận công. Lấy Lưu Thế Canh và Lê Khắc Tông làm tham đốc, Phạm Thạnh làm đề đốc, Đàm Cảnh Khải làm tham đốc.
Tháng ấy, giặc vượt sông qua xã Bạch Đường, huyện Nam Đường2745 , Đào Quang Nhiêu đem quân chống giữ. Khi ấy Hoàng Nghĩa Chẩn đi đánh giặc ở Đông Thành, trở về gặp giặc mà không biết ứng cứu, xử tội thắt cổ chết.
Mùa đông, tháng 10, sai quan khảo hạch các cống sĩ có đức vọng trong nước. Lấy đỗ hạng ưu bọn Nguyễn Thạnh, Đặng [54b] Duy Tinh, Nguyễn Duy Đoán 3 người, hạng trung bọn Hoàng Trực 19 người, đều ban cho bạc và áo, bổ nhiệm các chức trong ngoài theo thứ bậc khác nhau.
Tháng 11, sai Bồi tụng Nguyễn Năng Thiệu làm tham thị ở dinh Tá quốc.
Tháng 12, Thống lĩnh quan Thái phó Phú quận công Trịnh Căn sai đốc suất Đào Quang Nhiêu đem bọn Lễ Thì Hiến, Đặng Thế Công cùng với Phó tham thị Trịnh Đăng Đệ chia đường tiến đánh giặc ở xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn. Các đạo quân mở cờ dong trống mà tiến, giao chiến với giặc. Bọn giặc thua chạy, thu được thắng lớn. Đặng Thế Công chậm chạp ở sau, không được gì cả.
Kỷ Hợi, [Vĩnh Thọ] năm thứ 2 [1659], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 13; Thanh Thuận Trị năm thứ 15). Mùa xuân, tháng giêng nhuận, xét công thắng trận ở Tuần Lễ. Lấy Đào Quang Nhiêu làm phó tướng, thiếu uý, mở dinh gọi là Tả khuông quân, ban cho ấn dinh; [55a] Trịnh Đăng Đệ làm Hồng lô tự khanh, Lễ Phái tử; Lê Thì Hiến làm thiếu bảo; Đinh Văn Tả, Đàm Cảnh Kiên, Đào Thế Tiên, Lê Văn Đăng đều làm đô đốc đồng tri. Ngoài ra đều được thăng chức theo thứ bậc khác nhau. Giáng Đặng Thế Công làm đô đốc thiêm sự, vì cớ rụt rè không biết ứng cứu tiếp chiến.
Tháng 2, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Lê Thức 20 người.
Mùa hạ, tháng 4, thi Điện. Cho bọn Nguyễn Quốc Trịnh, Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Văn Thực 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Mai Trọng Hoà 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Duy Chất 15 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 6, Nguyễn Đức Dương có tội bị giết. Đức Dương đóng đồn ở bờ sông, thông đồng mua bán với giặc, việc bị phát giác, xử tội chém.
Tháng 9, ngày mồng 2, tôn phong Nguyên soái chưởng [55b] quốc chính Tây Định Vương làm đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng sư Tây Vương.
Lời sách văn viết: "Kính cẩn như Ngu Thuấn để lo nghĩ sự cơ, mong đến thái hoà thịnh trị; thể theo sách Chu Quan mà ban cho sắc mệnh, lấy nghĩa quý trọng mà tôn sùng. Chọn được ngày lành, ban xuống sắc mệnh. Kính nghĩ. Dực vận tán trị công thần nguyên soái chưởng quốc chính Tây Định Vương Trịnh Tạc, anh hùng hơn đời cổ, trung hậu theo nếp nhà. Khiến ta nay khôi phục cơ đồ, trong sửa chính sự, ngoài dẹp di địch, là nhờ có chủ soái giúp yên xã tắc. Công trùm vũ trụ, đức sánh đất trời. Danh vọng đã khắp đến nhân dân, tước vị nên ở bậc Vương thượng. Đặc sai đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Công bộ thượng thư Dĩnh Xuyên hầu Nguyễn Hậu Quyến cầm phù tiết mang sách vàng, ấn vàng tiến tôn làm Dực vận tán trị công thần đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng [56a] sư Tây Vương. Mong rằng: Nhận được ân hậu, kính giữ tiếng hay, giúp đỡ nhà vua muôn năm bền mãi. Lâu dài nghiệp chúa, muôn thuở khôn cùng. Vương hãy kính theo".
Mùa đông, tháng 10, vua đích thân hỏi thi khoa Đông các. Lấy đỗ bọn Nguyễn Đăng Cảo, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Thiêm, Phạm Duy Chất, Bùi Đình Viên 5 người, bổ làm các chức Đông các đại học sĩ, học sĩ, hiệu thư.
Canh Tý, [Vĩnh Thọ] năm thứ 3 [1660] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 14; Thanh Thuận Trị năm thứ 16). Mùa hạ, tháng 4, cấm các đại thần văn võ và tướng sĩ các dinh cơ không được thác cớ bắt người trong Kinh kỳ.
Tháng 5, có chiếu sửa duyệt hộ tịch.
Bọn Tham tụng Dương Trí Trạch, Phạm Công Trứ dâng sớ nói về việc thuế khoán làm trường và cung đốn các thứ cho trường thi Hương, nên đơn giản kiệm ước, để bớt phí tổn cho dân. Lại dâng sớ nói rằng: [56b] Thuật trị nước là có văn, có võ, đạo trí trị phải thưởng phạt công minh. Các võ tướng phải xông pha chống giặc, bảo vệ nước nhà, nếu biết ước thúc nghiêm minh liều mình gắng sức, để làm nên sự nghiệp công lao thì tuỳ theo mức độ công lao mà xét thưởng. Nếu có kẻ dùng dằng nhát sợ, hành quân trái luật thì trị tội theo quân pháp. Luật khuyến khích, răn trừng như vậy, thật đã rất nghiêm. Còn văn thần thì phải giúp vua, thương dân, để tô điểm thái bình. Nếu biết thận trọng thanh liêm, chăm việc, ngay thẳng, công bằng, xứng với chức vụ thì tuỳ theo chính tích tốt đẹp ra sao mà khen thưởng. Nếu có ai thừa hành công việc hoặc xét hỏi kiện tụng mà không sửa đổi lỗi trước, lại bẻ cong luật pháp, ăn của đút lót, để chậm quá kỳ hạn, xét xử không đúng, vào bè kết đảng, vì ân nghĩa riêng mà nhận lời thỉnh
thác, làm nhiều điều nhũng nhiễu, đến nỗi nát chính hại dân, [57a] tội nhẹ thì xử giáng bãi chức, tội nặng thì xử theo quân pháp, để trừ bỏ thói tệ, giữ nghiêm phép nước. Vua2746 nghe theo.
Tháng ấy, cấm lấy người nhỏ yếu để tăng quân. Giảm bớt các khoản biểu, bài thuộc hộ khẩu.
Mùa thu, tháng 8, Nguyễn Phúc Tần ở châu Hoá sai bè lũ là bọn Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ vượt sông xâm phạm Mỹ Dụ (tên xã, thuộc huyện Hưng Nguyên).
Trịnh Kiêm thua chạy, Trịnh Lương chỉnh đốn binh mã chống đánh. Em Lương là Trịnh Đường chết tại trận. Giặc nhân thế bức tới Hoa Viên (tên xã)2747 . Thống suất Trịnh Đống sai bọn Hoàng Nghĩa Giao tiếp chiến, phá được. Giặc bị chết đuối rất nhiều, lui về chiếm giữ Nam Hà.
Tháng ấy, sai bọn Mẫn Văn Liên, Trịnh Liễu, Trịnh Thế Khanh đều đem quân bản bộ vào xứ Nghệ An thuộc Thống lĩnh quan sai phái đi đánh giặc.
Bấy giờ, thế giặc hung dữ, cách sông đối luỹ với quan quân. Thống lĩnh quan Phú quận công [57b] Trịnh Căn nghĩ ra một kế dành thắng lợi. Trước hết dàn bày thế trận cho giặc không biết phòng bị mặt nào.
Tháng 9, ngày 11, sai thuộc tướng là Lê Thì Hiến và Hoàng Nghĩa Giao cùng bọn tham thị Trần Văn Tuyển, Phan Kiêm Toàn đều đem tướng hiệu chia làm hai đường: Bọn Hoàng Nghĩa Giao từ Âm Công (tên xã, thuộc huyện Hưng Nguyên) vượt sông mà tiến; bọn Lê Thì Hiến qua cửa biển Hội Thống mà tiến, đồng thời ước hẹn đến nửa đêm thì tiến đánh. Mờ sáng, Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn thân đem đại binh lên núi Dũng Quyết2748 , chỉnh bày thế trận, đường đường uy vũ hiên ngang, xem xét quân cơ, chia sai quân tiếp chiến.
Bấy giờ bọn Nghĩa Giao và Kiêm Toàn vượt sông trước, chia sai tướng dưới quyền là bọn Nguyễn Đức Trung, Đàm Cảnh Khải tiến đánh tướng giặc Chiêu Vũ, cầm cự nhau ở xứ Hối Giang, tự đem tướng hiệu đánh phá luỹ giặc, đến thẳng núi An Lạc. [58a] Tiên phong Trần Công Bách liều sức đánh bị chết. Bọn Vũ Bách Phúc, Lê Văn Hy, Lưu Thế Canh thấy thế lùi chạy. Đinh Đức Nhuận, Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Hoàng chết tại trận. Giặc thừa thế vây kín bốn mặt. Bấy giờ Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn vội sai thuộc tướng là bọn Trần Tiến Triều, Ngô Đình Xuân, Đỗ Lịch, Cao Huân đem lính nội hầu dưới quyền mình tiến đánh. Lại sai các đội thuỷ binh tiến qua bờ sông, hướng vào giặc bắn liên tiếp từ giờ Tỵ đến giờ Thân. Bọn giặc thua chạy. Khi ấy, bọn Thì Hiến, Văn Tuyển qua cửa biển Hội Thống, từ Tả Ao (tên xã) huyện Nghi Xuân tiến đánh gấp quân giặc. Thuộc tướng Mẫn Văn Liên chết trận. Bọn Mai Văn Hiếu, Trịnh Liễu, Phạm Thanh, Dương Quỳnh, Trịnh Thế Khanh lùi dần.
Bọn Thì Hiến, Văn Tuyển thúc quân thẳng tiến, phá được luỹ mạnh của giặc, phóng lửa đốt cháy doanh trại địch, [58b] đuổi đến xã Hoa Viên (thuộc huyện Nghi Xuân). Bọn giặc thấy bóng là tan vỡ. Bắt được voi ngựa, khí giới nhiều không kể xiết. Giặc thu tàn quân lui về giữ Nghi Xuân (tên huyện)2749 .
Tháng ấy, truy tặng Mẫn Văn Liên làm thiếu bảo, Trần Công Bách làm hữu đô đốc, Đặng quận công; Đình Đức Nhuận làm đề đốc Dực quận công; Nguyễn Đức Nhuận làm đề đốc Ân quận công; Nguyễn Hoàng làm tham đốc Kiên Vinh hầu, đều truy phong làm phúc thần, lập đền thờ để nêu công chết trận. Giáng Mai Văn Hiếu làm đô đốc đồng tri, Trịnh Liễu làm đề đốc, Phạm Thạnh làm tham đốc, Dương Quỳnh làm thự vệ sự. Bãi chức tước của Trịnh Thế Khanh, Lê Văn Hy, Lưu Thế Canh. Chém Vũ Bách Phúc. Đều là trị tội họ lùi chạy mà Bách Phúc tội nặng hơn.
Trước đó, đảng giặc đương hăng, quan quân cầm cự với giặc đã lâu. [59a] Đến đây, thống lĩnh quan Phủ quận công Trịnh Căn hội các tướng bàn rằng: "Ta là gốc của nước, nhận uỷ thác chuyên việc
đánh dẹp, việc nhà quyền nước đều là trách nhiệm của mình, đến nay đã 6 năm mà chưa dẹp yên được, lòng ta rất hổ thẹn. Các ngươi có kế sách gì hãy trình bày cả ra".
Các tướng đều nói: "Minh công ra lệnh thế nào, chúng tôi đâu dám không tuân theo. Song cho được vạn toàn, không gì bằng mưu tất thắng của minh công".
Được một lát, các tướng đều lui ra. Còn một mình Công Bách ở lại sau, lại xin vào gặp. Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn cho gọi vào nhà riêng. Bách nhân đó nói: "Nay muốn phá giặc, nếu không xông vào nơi nước sôi lửa bỏng, ra vào chỗ nguy hiểm thì sao giành được chiến công toàn thắng? Nếu chỉ người này người kia nói khoe lời hão thì rất ít thành được việc".
Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn nói: "Ý ngươi muốn thế nào?".
Bách trả lời: "Lập Sơn (ở huyện Nghi Xuân) là [59b] chỗ phải cố tranh lấy, lấy được Lập Sơn trước thì phá giặc dễ thôi!".
Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn nói: "Ta từng lên núi Dũng Quyết xem kỹ hình thế, vẫn chú ý đến núi ấy. Nay những điều người nói chính là chữ "hoả" trong bàn tay của người xưa"2750 .
Bách nhân đó xin làm tiên phong. Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn khen chí của Bách và cho làm. Đến khi đại quân qua sông, Bách một mình đến Lập Sơn trước. Giặc thấy ít quân, đem hết quân tới vây. Bách xông pha trong đám gươm giáo, quyết chí đánh, rồi bị hại. Bách là người nghiêm khắc, cương chính nhưng khảng khái có đảm lược, người đương thời ai cũng tiếc (Bách người xã Thiêm Lộc, huyện Ý Yên, nguyên họ Trần, được ban họ Trịnh).
Mùa đông, tháng 10, sai Trịnh Kiểm cùng với bọn Trần Lương Nho, Lê Tôn, Trịnh Phác, Trịnh Uy, Phạm Phúc Thiêm, Trịnh Tuyên, Cao Diên đến Nghệ An, biên thuộc vào Tá quốc dinh của Thống lĩnh quan, cho sai đi đánh giặc. Sai Lê Sĩ [60a] Triệt làm tham thị ở Tá quốc dinh, Trịnh Thế Tế làm phó tham thị, Hồ Sĩ Dương làm đốc thị ở Trung khuông quân dinh, Thân Toàn làm đốc thị ở Tả nội quân dinh (Trung khuông là dinh hiệu của Trịnh Đống, Tả nội là dinh hiệu của Trịnh Kiền).
Hạ lệnh trong nước đắp đường thiên lý để tiện việc đi lại.
Tháng 11, ngày 17, Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn sai bọn thuộc tướng Lê Thì Hiến, Hoàng Nghĩa Giao; tham thị Lê Sĩ Triệt, Nguyễn Năng Thiệu chia đường đi đánh giặc. Thì Hiến, Sĩ Triệt từ bờ biển qua đất Cương Gián (tên xã, thuộc huyện Nghi Xuân) tiến đi; bọn Nghĩa Giao, Năng Thiệu theo đường bộ qua các nơi Lũng Trâu, Mạn Trường (tên xã, thuộc huyện Thiên Lộc) tiến đi. Lại hạ lệnh cho thống suất và đốc suất các đạo điều chỉnh bị quân dưới quyền, ngày đêm cố sức đánh công kích bốn mặt. Tiếng thanh la và tiếng trống vang trời. Thế giặc rối loạn lung tung không biết trở tay ra sao.
[60b] Ngày 18, bọn Thì Hiến, Sĩ Triệt phá được quân giặc ở đất An Điềm (tên xã, thuộc huyện Thiên Lộc).
Ngày 19, bấy giờ, bọn Thì Hiến, Sĩ Triệt, Nghĩa Giao, Năng Thiệu hội quân tiến đánh, lại phá được giặc ở Phù Lưu Thượng (tên xã, thuộc huyện Thiên Lộc). Tướng sĩ thừa thắng đánh dấn, lại cả phá quân giặc, chém được rất nhiều thủ cấp giặc, thu được voi ngựa, khí giới của giặc nhiều không kể xiết. Giặc thua to chạy trốn, ta thu phục được hết 7 huyện Nam Hà. Hôm ấy, Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn cho chạy ngựa về dâng tờ báo tin thắng trận, đại lược nói: Nay trên nhờ uy trời, tuân theo mưu lược của miếu đường, ngày 17 tháng này, chia sai tướng sĩ do hai đường tiến đánh. Ngày 19, đánh nhau to với giặc ở đất Thiên Lộc, ba quân cố sức tranh lên trước, bọn giặc thấy bóng là vỡ chạy. Ta chém thủ cấp giặc, bắt sống binh sĩ giặc, thu được [61a] voi ngựa, khí giới của giặc dâng trước cửa quân nhiều không kể xiết. Hiện nay đương đem đại binh thẳng tiến, thừa thắng ruổi dài, xin tâu trước tin thắng trận.
Tin thắng trận đưa về, Vương mừng lắm, tâu cho vua biết. Các quan đều vào chầu mừng.
Ngày 21, Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn đích thân chỉ huy các viên thống suất, đốc suất và quân các đạo thẳng tiến ruổi dài, đến tận cửa biển Nhật Lệ, cho quân nghỉ, hồi đồng các tướng, bàn xét các cấp chiến công, làm bản dâng lên2751 .
Truy xét công những người chết trận. Tặng Đô đốc thiêm sự Quảng quận công Đào Thế Tiên làm thiếu bảo, cấp ruộng thờ2752 , cho dân lập đền thờ (Thế Tiên người xã Ngọc Trục, huyện Từ Liêm).
Tháng 12, sai bọn Nguyễn Quốc Khôi, Nguyễn Công Bích, Phạm Duy Chất, Nguyễn Tông Lễ mang sách vàng tới trong quân, phong Thống lĩnh quan phó đô tướng Thái phó Phú quận công [61b] Trịnh Căn làm Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiểm tổng chính bính Thái uý Nghi quốc công, mở phủ Lý Quốc, ban ấn bạc.
Lời kim sách viết: "Lên ngôi vua để coi dân, rộng mở vận thái bình thịnh trị; theo phép vua mà ban lệnh, kính xét nghĩa quý trọng tôn vinh. Chọn ngày tháng tốt, ban sắc mệnh lành. Nghĩ rằng: Phụng sai Thống lĩnh phó đô tướng Thái phó Phú quận công Trịnh Căn, bản tính nhân hậu, tài lược anh hùng. Nay ta nhờ chủ soái, trên giúp đức, dưới vì dân, giữ nước nhà thêm cơ nghiệp; khen người dòng nhà vương, văn người theo, võ giặc sợ, yên xã tắc thực nhiều công lao. Đức vọng đã thoả lòng dân khắp nước, tước vị phải đứng trên cả các quan. Đặc sai Tham tụng Lễ bộ thượng thư Yên quận công Phạm Công Trứ cầm phù tiết, mang sách vàng, ấn bạc, gia [62a] vinh phong làm Lý Quốc phủ khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bổ chư dinh kiêm tổng chính bính thái uý Nghi quốc công. Ngươi hãy kính theo thành mệnh, lập nhiều công to. Trông coi việc nước, thống lĩnh các quân, việc lớn nhỏ kính vâng xử quyết; quả quyết một lòng, giúp vua rèn đức, nền trị bình tới khắp trong ngoài. Để đáp lại lòng ta tin dùng, cho thoả lòng vương phụ uỷ thác. Cho cơ đồ nhà vua dài mãi, để sự nghiệp nhà vương lớn thêm. Ngươi hãy kính theo!".
Tân Sửu, [Vĩnh Thọ] năm thứ 4 [1661] , (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 15; Thanh Thuận Trị năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, Tiết chế thái uý Nghi quốc công Trịnh Căn đem quân về Kinh, lưu lại Đào Quang Nhiêu làm trấn thủ, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương, Trịnh Thì Tế làm đốc thị, đem các tướng đóng ở đất Hà Trung, huyện Kỳ Hoa.
[62b] Tháng 3, ngày 18, Tiết chế thái uý Nghi quốc công Trịnh Căn tiến đến phủ Đại Khánh, trấn Thanh Hoa, thấy gần đến kỳ thi Hội, sai trước thuộc tướng là Lê Thì Hiến, Hoàng Nghĩa Giao cùng với bọn Tham thị Phan Kiêm Toàn tiến về Kinh trước để kịp theo hầu kỳ thi.
Ngày 28, Thái uý Nghi quốc công Trịnh Căn về đến Kinh sư, tới điện đình lạy chào. Vua vui mừng ân cần khen ngợi, uý lạo. Đến khi vào phủ lạy chào vương phụ, Vương mừng lắm, yên ủi về việc xông pha sương tuyết lâu năm, tiễu trừ nghịch tặc, thu phục bờ cõi, không phụ lòng uỷ thác.
Thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Trần Xuân Bảng 13 người. Đến khi thi Điện, cho Đặng Công Chất, Đào Công Chính, Ngô Khuê 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân; Trần Xuân Bảng, Lê Trí Bình 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Lê [63a] Nhân Kiệt 8 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Mùa hạ, tháng 4, xét công dẹp giặc thu lại bờ cõi. Thăng Lê Thì Hiến làm phó tướng thiếu uý, mở dinh gọi là Tả trung quân, ban ấn dinh; Hoàng Nghĩa Giao làm phó tướng tả đô đốc. Lại cho bọn Trần Văn Tuyển, Nguyễn Năng Thiệu, Phan Kiêm Toàn có công bàn mưu bày kế, thăng Văn Tuyển làm Ngự sử đài đô ngự sử Xuyên quận công, Năng Thiệu làm Ngự sử đài phó đô ngự sử Dương quận công, Kiêm Toàn làm Lại bộ hữu thị lang Thuỵ quận công. Lại cho Lê Sĩ Triệt làm tham thị có công, thăng làm Hộ bộ tả thị lang Quế Hải hầu. Ngoài ra còn 26 viên thuộc tướng khác là bọn Lê Văn Long, Lê Văn Tiến, Lưu Thế Canh, Trần Công Vệ đều được thăng chức tước và thưởng cấp dâng lộc theo thứ bậc khác nhau. Lại cho là Trịnh Đống, Trịnh Kiền [63b] được sai đi thống suất chia giữ chỗ hiểm yếu có công, thăng cho Trịnh Đống là thái phó, Trịnh Kiền làm thiếu uý.
Tháng 6, gia phong Hộ bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị giảng chưởng Hàn lâm viện sự Thiếu bảo Bạt quận công Dương Trí Trạch làm Lại bộ thượng thư quốc lão thái bảo cho về trí sĩ.
Sai triều thần định lại chế độ phẩm phục, hành nghi, đồ dùng của tước công và các quan văn võ.
Tháng 10 nhuận, Thượng sư Tây Vương cho là giặc Phúc Tần tuy bị thua tan trốn chạy về, nhưng vẫn chưa chịu đầu hàng, nộp cống, bèn đích thân phù đại giá của hoàng thượng đi đánh. Ủy cho Tiết chế thái uý Nghi quận công Trịnh Căn đốc quân đến thẳng cửa biển Nhật Lệ, sai Phó tướng thiếu uý Đào Quang Nhiêu làm thống suất, bọn phó tướng thiếu uý Lê Thì Hiến, Tả đô đốc Hoàng Nghĩa Giao đều làm thống suất, bọn bồi tụng Lê Sĩ Triệt, Trịnh [64a] Thì Tế, Thân Toàn làm đốc thị, chia ba đường tiến đánh.
Nhâm Dần, [Vĩnh Thọ] năm thứ 5 [1662] , (Từ tháng 9 trở đi là Vạn Khánh năm thứ 1; Minh Vĩnh Lịch năm thứ 16; Thanh Khang Hy năm thứ 1). Mùa xuân, nước đầm xã Thịnh Liệt cạn khô đến hơn một khắc.
Tháng 2, xuống chiếu đem quân về. Khi ấy, Nguyễn Phúc Tần dựa vào thế hiểm cố thủ. Đại binh đến đóng lâu ngày, lương thực rất thiếu, hơn nữa, khí nóng đương dữ, ở lại lâu không tiện, bèn dụ các tướng đem quân trở về.
Tháng 3, xa giá về đến Kinh sư. Lại thấy giặc Mạc ở Cao Bằng đóng quân ở huyện Thất Tuyền làm náo động dân địa phương, bèn sai Phó tướng thiếu uý Vân quận công Trịnh Kiền làm thống lĩnh, Thiêm đô ngự sử Phùng Viết Tu làm đốc thị đem quân tiến đánh. Bọn giặc nghe tin chạy trốn.
Đông các đại học sĩ Nguyễn Đăng Cảo bị bãi chức. Cảo nổi tiếng về văn chương, nhưng tính hạnh khác thường, làm quan hay lập dị [64b] không thận trọng giữ chức, vì thế phải bãi chức.
Mùa hạ, tháng 5, sai Tham tụng Lễ bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ thiếu bảo Yên quận công Phạm Công Trứ trông coi dân tạo lệ của Quốc tử giám để phục dịch. Bấy giờ điện đường và cung tường trong ngoài của nhà Quốc học nhiều chỗ dột nát, hoang rậm, Công Trứ sửa sang thêm, nên quy mô chế độ dần dần lại lộng lẫy. Lại cứ đến ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng, thì đại hội các học trò để học tập. Từ đấy, nho phường được thêm dóng dả, nhân tài nhiều người thành đạt.
Phó tướng tả đô đốc Hoàng Nghĩa Giao chết. Nghĩa Giao là bậc tướng giỏi, con nhà gia thế, trung nghĩa trí dũng, vâng mệnh đi đóng giữ lâu ngày, nhiều lần phá trận giặc; có công với nước. Đến đây chết, thọ 40 tuổi, tặng thái bảo, ban thuỵ hiệu là Dũng Lược, được phong làm phúc thần, lập đền thờ cúng. (Nghĩa Giao người xã Hoàng Vân, huyện Kim Động).
Sai bọn Bồi tụng Hồ Sĩ Dương [65a] lên cửa quan đón tiếp sứ thần phương Bắc.
Mùa thu, tháng 7, quan trí sĩ Dương Trí Trạch chết, tặng thái tể.
Tháng 8, trời mưa lâu không ngớt.
Tháng 9, vua nhiễm bệnh ung thư, xuống chiếu đổi niên hiệu là Vạn Khánh năm thứ 2. Đại xá.
Khi ấy, vua chưa khỏi bệnh, nhân có chỉ dụ Thượng sư Tây Vương rằng: "Ngày trước, vì con nối chưa có, nên lấy người họ khác là Duy Tào lập làm hoàng thái tử. Nay nhân lo việc về sau, trên sợ anh linh của thánh tổ thần tông ở trên trời, không dám đem ngôi lớn khinh suất phó thác cho người khác. Duy Tào hãy phế đi, cho theo về họ mẹ. Nay con đích là Duy Vũ 9 tuổi, dần đã trưởng thành, mong nhờ Vương giúp đỡ nên người để nối nghiệp lớn, yên lòng thần dân.
Vương cho là việc này rất hệ trọng, liền sai các quan văn võ đều vào thềm son đợi mệnh, rồi uỷ cho bọn Tham tụng Lễ bộ [65b] thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ thiếu bảo Yên quận công Phạm Công Trứ, Hữu đô đốc kiêm thái giám Bái quận công Lê Viết Đăng. Hằng quận công Lê Đăng Tiến vào chỗ vua năm để trực tiếp nhận cố mệnh. Vua khẩn khoản hiểu dụ hai ba lần, như lời dụ trước. Bọn Công Trứ đem lời vua dặn nói lại cho Vương biết. Thế rồi Vương và các quan tôn lập hoàng tử Duy Vũ làm hoàng thái tử, phế Duy Tào làm thứ nhân theo về họ mẹ.
Lại sai Hồ Sĩ Dương cùng với bọn Hàn lâm đãi chế Nguyễn Danh Thực lên cửa quan đợi mệnh.
Ngày 22 vua băng.
Thiêm đô ngự sử Phùng Viết Tu bẻ cong phép nước, ăn của đút lót. Việc phát giác, xử tội thắt cổ chết. Thừa chính sứ Sơn Tây Quách Đồng Đức cũng vì tội hối lộ bị bãi chức. Án có liên quan đến đồng tri phủ Trương Văn Lĩnh, khi còn trị nhậm ở phủ Quốc Oai có nhận của đút, phải xử [66a] tử. Văn Lĩnh đã ngoài 70 tuổi cũng đem hành hình, người đương thời ai cũng thương.
Mùa đông, tháng 11, hoàng thái tử lên ngôi hoàng đế. Đại xá. Lấy năm sau làm Cảnh Trị năm thứ 1.
Ban chiếu rằng: "Ta nghe: đạo trời vận chuyển ở trên, phải phát ra khí âm, móc nhuần để muôn loài tươi tốt; làm vua lên ngôi buổi mới, tất ban xuống phúc lành, ơn rộng, cho tỏ khắp gần xa. Chốn chốn hiểu thông, nơi nơi nghe biết. Nước nhà ta, dựng nước lấy nhân, được dân có đạo. Thái Tổ Cao Hoàng Đế lấy võ dẹp loạn, lấy văn giữ nước, nhờ hiền thần mà mở rộng quy mô sáng nghiệp; liệt thánh hoàng đế, dùng nhân cố kết, lấy lễ duy trì, dựa đức lớn mà giữ vững cơ đồ đã sẵn. Dẫu nhất thời gặp ách gian truân, song vận cả trùng hưng lại tới. Trang Tông Dụ Hoàng Đế, Trung Tông Vũ Hoàng [66b] Đế dấy quân khởi nghĩa, thu phục Kinh thành, mà tôn lập nhà vua đều do Thế Tổ Thái Vương mưu thần kế giỏi, Thế Tông Nghị Hoàng Đế, Kính Tông Huệ Hoàng Đế hoàn thành nghiệp lớn, đóng tại Trung Châu, mà phù trì chính thống dựa nhiều Thành Tổ Triết Vương đức thánh công cao. Quy mô sáng hơn cả người xưa, cơ nghiệp truyền mãi cho con cháu. Đến hoàng phụ ta, vâng chịu mệnh cả, nối giữ nghiệp to. Trên theo quy mô của thánh tổ thần tông sáng nghiệp thủ thành, kính tuân cương kỷ; trước nhờ công lao của Văn Tổ Nghị Vương giữ gìn giúp đỡ, dấy vận trị bình. Đức trung chính muốn cương kiện tiến lên; học cao mình mong bồi dưỡng thêm tốt. Thực nhờ Đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng sư Tây Vương hun đúc đào tạo nên đức tốt tinh thuần và Khâm sai tiết chế các xứ [67a] thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng chính bính Thái uý Nghi quận công giúp rập khuyên can mà nên chính trị tốt đẹp. Bốn mươi tư năm, vô tri mà trị, ức triệu dân đều sống thoả lòng. Nay vừa khi tuổi già sức mỏi, lo việc lớn ký thác con côi. May nhờ Đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng sư Tây Vương đức trung thành đã rõ, công giúp sức có nhiều, y lời khải của phủ Tiết chế, theo lời xin của đại thần văn võ trăm quan, tôn lập trẫm lên ngôi hoàng đế. Trẫm đương có tang, tự nghĩ tuổi nhỏ khó gánh vác nổi. Song lại nghĩ tới ngôi lớn của tông miếu, gánh nặng của xã tắc, không thể từ chối, phải kính cẩn tôn thừa. Nên ngày tháng này, năm này đã lên ngôi hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm Quý Mão sang năm làm Cảnh Trị năm thứ 1. Mong nhờ đại thần văn võ trăm quan sửa sang giúp đỡ, cho nên [67b] đức tốt, để giữ trọng trách của trời đất tổ tông phó thác, để thoả lòng thần dân trong ngoài trông mong. Ôi, lên ngôi báu, nay ban chính lệnh sáng tươi; trải ức năm, cơ nghiệp lâu dài còn mãi. Bố cáo gần xa, thảy đều nghe biết".
Sai Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Danh Thực cùng với bọn Hộ khoa cấp sự trung Gia Thọ nam Nguyễn Đình Chính lên cửa quan đón tiếp sứ thần và nhận lĩnh các thứ bạc lụa ban thưởng và tờ sắc dụ của Bắc triều. Tháng 12, đem về đến Kinh sư.

Chú thích:
2686 Bọn Phan Ngạn chiếm giữ cửa Đại Yên, tức cửa Liêu sau này. Hoàng nhân thể, xin đem quân bản bộ đi dẹp loạn, rồi thừa cơ, theo đường biển trở về Thuận Hoá, nhưng còn để lại ba người con để làm con tin.
2687 Càn Thống (1593 - 1625) là niên hiệu của Mạc Kính Cung.
2688 Tức Trịnh Kiểm.
2689 Nguyên văn là "tế trung thiên chi nghiệp", ở đây, hẳn là khắc in sai chữ "hưng" thành chữ "thiên". Nên sửa là "tế trung hưng chi nghiệp".
2690Trung Đô : tức là thành Thăng Long.
2691Sông Thiên Đức : tức sông Đuống ngày nay.
2692Xứ Ông Mạc : tức là ô Đống Mác ngày nay.
2693Cửa sông Hoàng Giang : nay là ngã ba Tuần Vường hay ngã ba Vàng.
2694 Theo Cương mục q.31 thì quận Nam là Nguyễn Dụng (chính tên là Nguyễn Nhiệm, vì tránh huý của Tự Đức, nên chép là Dụng), con Nguyễn Miễn. Cha Miễn là Nguyễn Thiến, đầu hàng chúa Trịnh năm 1550. Sau khi Thiến chết, Nguyễn Miễn cùng anh là Nguyễn Quyện lại trở về với họ Mạc.
2695Nam Dương : tức Nam Dương hầu là tước phong của Nguyễn Nhiệm, có chỗ còn gọi là quận Nam.
2696 Bản dịch cũ không ghi sự kiện này.
2697Huyện Yên Việt : sau là huyện Việt Yên, nay thuộc tỉnh Hà Bắc.
2697 Tức Mạc Kính Khoan.
2698Yên Dũng : tên huyện, nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
2699Giặc Xuân Quang : có lẽ chỉ đảng của Trịnh Xuân.
2700 Hoà lục ngũ, quẻ Khôn trong Kinh Dịch có câu: "Hoàng thượng nguyên cát" nghĩa là xiêm màu vàng rất tốt. Vì quẻ Khôn chỉ đạo làm tôi, hào ngũ là tượng vua, mà vàng là sắc ở giữa, xiêm là vật trang phục ở dưới, nên ý câu này là vua đối đãi rất tốt với người dưới.
2701 Quẻ Sư trong Kinh Dịch có câu "Vương tam tích mệnh" nghĩa là vua ban mệnh tới ba lần, tỏ ý đặc biệt yêu quý.
2702 Tức Nguyễn Kim.
2703 Tức Trịnh Kiểm.
2704 Tức Trịnh Tùng.
2705 Tức Trịnh Tráng.
2706 Theo Cương mục q.31 và Đại Nam thực lục tiền biên thì lần ra quân này, Trịnh Tráng sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5000 quân đi tiên phong, còn mình thì đem đại quân thuỷ, bộ tiến sau, đem cả vua Lê cùng đi. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Dật đem bộ binh ra chống cự và hoàng tử Trung đem thuỷ binh tiếp ứng. Quân Nguyễn phản công rất mạnh, quân Trịnh bị tổn hại nhiều. Lại có tin đồn rằng ở Bắc, bọn Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp làm loạn. Trịnh Tráng phải rút quân về.
2707 Huyện Thiên Lộc sau là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
2708 Chỉ sự kiện năm 1623, Trịnh Xuân mưu phản bị giết, Trịnh Tùng chết, cha con Trịnh Đỗ mưu phản, Trịnh Tráng dẫn vừa rút về Thanh Hoá, sau lại đánh ra Thăng Long khôi phục cơ nghiệp.
2709Đền Thuỵ Hương : tức đền Chèm, ở huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.
2710Núi Hoàng Sơn : tức núi Nham Cát, huyện Nông Cống, Thanh Hoá.
2711Hậu Trạch công : là tước phong của Đặng Huấn. Đặng Huấn có con gái là Đặng Ngọc Vũ làm thái phi của Trịnh Tùng, sinh ra Trịnh Tráng (theo Bdc).
2712 Nguyên văn "lưỡng Bột" : tức hai làng Bột: Bột Thượng và Bột Hạ. Làng Bột Thượng là quê của Nguyễn Lại. Ý nói Lại bộ thuyên đủ các chức, thì Lại được nhiều tiền đút lót, đủ để mua hết ruộng đất hai làng Bột.
2713 Theo Cương mục Q.31, núi Long Tuyền thuộc huyện Đồng Hỷ, trấn Thái Nguyên.
2714Núi Đa Bút : núi thuộc xã Đa Bút, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.
2715Huyện Phụng Hoá : sau là huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
2716 Đầm xã Thịnh Liệt tức là Đầm Sét.
2717 Bản dịch cũ chép là xứ Thanh Hoa.
2718 Nguyên văn là "Đinh ưu vị tất". Đinh ưu chỉ việc để tang cha mẹ.
2719 Theo Cương mục và Đại Nam thực lục tiền biên thì lần tiến quân này, Trịnh Tráng được Nguyễn Phúc Á là con thứ 3 của Nguyễn Phúc Nguyên hứa làm nội ứng. Nhưng quân Trịnh đợi hơn 10 ngày, không có tin của Phúc Á, sau sinh trễ nải. Quân Nguyễn do Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Hữu Dật chỉ huy, tung quân ra đánh, quân Trịnh thua to.
2720 Cảnh Thống là niên hiệu của Lê Hiến Tông (1498 - 1504). Năm Cảnh Thống thứ 6 là năm 1503.
2721 Theo Cương mục Q.31 và Đại Nam thực lục tiền biên thì cánh quân Trịnh Lệ tiến vào Nam Bố Chính, giết được trấn thủ của chúa Nguyễn là Bùi Công Thắng. Trịnh Tráng đem đại binh tiến vào Bắc Bố Chính, đóng ở xã An Bài (sau là xã Thuận Bài, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) sai Trịnh Đảo đánh Trung Hoà (sau là xã Mỹ Hoà, huyện Quảng Trạch), nhưng thất bại.
2722Ninh Giang : khúc sông Đáy ở khoảng xã Minh Sơn, gần chùa Trầm, ở phía tây Hà Nội.
2723Chúc Sơn : tên xã, thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
2724 Đất Mân thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Nhà Minh khi ấy bị quân Thanh đánh, phải chạy xuống miền nam, đóng ở Phúc Kiến.
2725 Theo Cương mục Q.32 và Đại nam thực lục tiền biên thì tháng 2 năm này (1648) Trịnh Tráng huy động số quân thuỷ bộ vào đánh chúa Nguyễn Phúc Lan.
2726Nam Ninh : tên phủ, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
2727 Việt là đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) của Trung Quốc, ở đây chỉ Quảng Tây.
2728 Xuyên, Sở là vùng phía nam Trung Quốc.
2729Huyện Kỳ Hoa : sau là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Cương mục Q.32 và Đại Nam thực lục tiên biên đều chép là bọn Lê Văn Hiểu đóng ở Hà Trung (bấy giờ Hà Trung là trấn lỵ của Nghệ An). Toàn thư chép là Hà Tây là lẽ lầm.
2730An Trường : tên xã, nay là khu vực thành phố Vinh.
2731Chân Phúc : sau là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
2732Nam Hà : chỉ miền phía nam sông Lam.
2733Lạc Xuyên : tên xã, thuộc huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
2734Kỳ La : cửa biển thuộc huyện Cẩm Xuyên, còn gọi là cửa Nhượng Ban.
2735Đan Nhai : tức cửa Hội Thống hay Cửa Hội, cửa sông Lam đổ ra biển.
2736Nam Giới : tức cửa Sót, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
2737Bắc Hà : chỉ vùng đất phía bắc sông Lam.
2738Nghĩa Liệt : tên xã ở chân núi Lam Thành (còn gọi là rú Thành) khi ấy là trấn thị của xứ Nghệ An.
2739Thiên Lộc : sau là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
2740Trịnh Toàn : là con út của Trịnh Tráng.
2741 Các xã Tiếp Tu và Minh Lương thuộc huyện Thiên Lộc, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
2742Sông Tam Chế : khúc sông Lam chảy qua xã Tam Chế, huyện Nghi Xuân.
2743 Sử nhà Nguyễn như bộ Đại Nam thực lục tiền biên miêu tả trận này như một thắng lợi của chúa Nguyễn.
2744 Xã Nam Hoa sau là xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
2745Huyện Nam Đường : nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ Tĩnh.
2746 Nguyên văn là chữ "thượng"; có thể hiểu là vua, cũng có thể hiểu là chúa (Trịnh Tạc).
2747 Nay là xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
2748Núi Dũng Quyết : tức núi Quyết ở Bến Thuỷ, thị xã Vinh, tỉnh Nghệ An.
2749 Về trận này , Đại Nam thực lục tiền biên chép chi tiết hơn.
2750 Tào Tháo đem trăm vạn hùng binh tiến công nước Ngô. Tướng Ngô là Chu Du dựa vào sông Trường Giang, lập phòng tuyến Xích Bích để chống giữ, Chu Du cho mời Gia Cát Lượng, khi ấy là sứ thần của Lưu Bị vào hỏi kế phá quân Tào. Gia Cát Lượng thưa: "Tôi và tướng quân đều viết vào lòng bàn tay xem kế sách có giống nhau không". Kết quả là cả Chu Du và Gia Cát Lượng đều viết vào lòng bàn tay mình một chữ "hoả" nghĩa là dùng hoả công. Câu này ý nói mưu kế của hai bên trùng hợp nhau.
2751 Theo Đại Nam thực lục tiền biên: thì trong chiến dịch này, tướng Nguyễn là Nguyễn Hữu Tiến thấy quân Trịnh phản công thắng lợi, nhân bất hoà với Nguyễn Hữu Dật, bèn quyết định rút quân về.
2752 Nguyên văn là "cấp tự sự". Chữ "sự" có lẽ là do chữ "điền" viết lẫn.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn