View Single Post
  #2  
Old 05-12-2005, 06:46 AM
A_va_E A_va_E is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Apr 2005
Bài gởi: 147
Exclamation

Nghệ thuật ẩm thực và triết lý ở đời

Ai cũng biết rằng: Văn hóa ẩm thực là một biểu hiện quan trọng trong đời sống con người, nó cũng hàm chứa những ý nghĩa triết lý.

Từ xa xưa trong dân gian nước ta đã tổng kết thành câu tục ngữ: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” chủ yếu để nhắc nhở những người mới bước vào đời thì khâu đầu tiên là “học ăn”. Ở các nước khác trên thế giới, ngoài quan niệm dân gian thì các nhà chuyên môn, những người yêu thích, hiểu ẩm thực… đều bàn luận, viết những tài liệu, những cuốn sách hay về nghệ thuật ăn uống. Một trong những cuốn sách hay là cuốn “Phân tích khẩu vị” của luật sư người Pháp Jean Anthelme Brillat Savarin, được xuất bản lần đầu ở Paris vào năm 1825 có tiếng vang rất lớn. Ông cho rằng: “Chính tạo hóa giúp con người kiếm thức ăn, nuôi sống họ lại còn cho họ nếm mùi khoái lạc với các món ăn ngon.” Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao của con người, là phần thưởng của tạo hóa dành cho con người. Mỗi dân tộc trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của mình đều có phong cách ẩm thực với những đặc thù nhất định, nên vị luật sư đã nhận xét: Có thể đoán biết được phần chính yếu của số phận một dân tộc thông qua việc quan sát họ ăn như thế nào?

Đối với cá nhân riêng lẻ cũng vậy, “Hãy cho tôi biết anh thường xuyên thích ăn món gì, tôi sẽ có thêm cứ luận để nói rõ cho anh biết anh là người thế nào.” J.A.B Savarin đã phân tích quan sát và đưa ra những kết luận thú vị:

- Ăn chính là nghệ thuật: “Chúng ta dựa vào trí tuệ mẫn tiệp, tình cảm đẹp đẽ để xây dựng cuộc sống có chất lượng cao, ngày một hoàn thiện vì vậy cần phải biết chọn thức ăn ngon - một biểu hiện của chất lượng cuộc sống”. Rõ ràng là biết chọn thức ăn ngon, phù hợp với mình là cả một nghệ thuật.

- Ăn là biểu hiện văn hóa ứng xử: “Ăn uống thô tục là không biết ăn.”

Ăn soàm soạp như lợn, gắp liên tục, ăn ngấu nghiến, gây tiếng động mạnh khi va chạm các dụng cụ đựng thức ăn với thìa, nĩa, đũa, dao, tư thế ngồi xấu... đều là những điều cấm. Cha ông ta dạy: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là rất ý nhị. Có người còn cho rằng khi ăn cũng phải giữ phong độ uy vũ, mạnh mẽ, chân tình nhưng tránh thô lậu. “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” là muốn nhấn mạnh ý người nam ăn phải khỏe, tư thế vẫn tỏ rõ nam tính, còn nữ nhi trái lại phải ăn uống dịu dàng, làm dáng, thể hiện cả nữ tính yểu điệu như mèo cả trong khi ăn.

- Ăn phải đúng kỷ luật, nguyên tắc: Kỷ luật ở đây là “Khách ăn và đầu bếp phải có một phẩm chất không thể thiếu: đó là đúng giờ”. Còn nguyên tắc ăn là: Một bữa tiệc được sắp xếp theo bậc thang ăn nhẹ dần”. Thông thường qua vài món khai vị, người đãi tiệc nên thết đãi các món chính mà khách ưa thích và cuối cùng là tráng miệng bằng hoa quả, kem, nước chè, chanh …

- Ăn chính là thực hiện niềm vui sáng tạo: “Phát hiện một món ăn mới phải thấy là vui sướng như phát hiện ra một ngôi sao mới”. Tạo ra món ăn mới là một phát minh - nếu suy nghĩ được như vậy thì ẩm thực mới phát triển và thực ra nó cũng là một trong những nguồn cảm hứng vô tận cho những ai yêu nó, để tâm sức vào nghiên cứu nó.

Cuối cùng, thiết nghĩ khi chuẩn bị món ăn, người đầu bếp phải sắp xếp sao cho nguyên liệu vừa đủ với số lượng khách; nồi, niêu, xoong, chảo, bát, đĩa, thìa, dao, thớt sạch sẽ. Nấu món ăn nào trước, món ăn nào sau phải hợp lý, thứ tự, thái độ nấu nướng vui vẻ, hứng khởi. Khi dọn ăn, nên chú ý lời mời chào tiếp món ăn chu đáo, ý vị thì càng làm cho các món ăn ngon thêm bội phần. Văn hóa ẩm thực ngày được đông đảo công chúng và các chuyên gia văn hóa chú ý không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước. Và khi đời sống mọi người được nâng lên thì ẩm thực cũng là một tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống.

Trả Lời Với Trích Dẫn