View Single Post
  #20  
Old 08-01-2009, 01:50 PM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Cột đồng chưa xanh (tt)

Nhờ khéo ăn nói, Văn Nhân làm thân với thầy trò Dương tiểu thư một cách nhanh chóng. Nhất là Thảo Hoa, nó hỏi chuyện chàng ta liên miên và chàng ta cũng tỏ ra có kiến thức khá rộng.
_ Thưa công tử, tại sao Tết trùng cửu người ta thường lên núi chơi đến hết ngày mới về nhà?
_ À thì tích xưa truyền lại rằng có người học trò ở huyện Nhữ Nam theo học ông tiên. Ông tiên bảo anh ta rằng “ngày mồng chín tháng chín nhà ngươi phải tai hoạ, muốn tránh phải mang cả nhà lên núi, tay đeo túi đỏ đựng hạt thù du, uống rượu cúc đến tối hãy về.” Người học trò nghe lời làm theo, đến tối về nhà thấy gà vịt trâu chó trong nhà đều chết cả. Vì thế đến ngày trùng cửu người ta bỏ nhà tạm lên núi lánh nạn, sau thành thói quen.

Trúc Mai tiếp lời:
_ Người học trò tên là Hoàn Cảnh, còn thầy y là Phí Trường Phòng. Ngoài ra sách Phong thổ ký còn chép: “Đời Hạ, do vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng đế muốn răn dạy nên ngày mồng chín tháng chín giáng một trận thuỷ tai nặng, nhà cửa khắp miền cửu châu bị nước tràn ngập, nhân dân chết đắm nhiều vô kể, thây nổi đầy đồng. Chỉ những người may mắn ở trên cao mới thoát tai kiếp. Từ đấy mỗi năm đến ngày trùng cửu nhân dân lo sợ, trẻ già đùm bọc rủ nhau lên núi cao lánh nạn. Tục ấy thành lệ, đến đời Hán Văn đế cho dựng đài cao ba mươi trượng trong cungđể mỗi năm đến ngày trùng cửu vua cùng hoàng hậu phi tần lên ở chơi cho qua hết ngày ấy.” Sau đến đời Đường, trùng cửu trở thành lễ tiết, các văn nhân thi sĩ cùng nhau lên núi cao uống rượu làm thơ. Ấy là tục của Trung Hoa, sau du nhập vào nước ta.

Văn Nhân tỏ vẻ thán phục:
_ Kiến văn tiểu thư thực là uyên bác.

Thảo Hoa lại thắc mắc:
_ Kiệt vương vô đạo, hà cớ chi Thượng đế giáng thuỷ tai tàn hại lương dân? Ngài sai Thiên lôi đả y chết đi có hơn không?

Trúc Mai ngậm ngùi:
_ Từ xưa đến nay mọi tai ương hoạn nạn chỉ trút vào đầu dân đen chứ kẻ bề trên vẫn an nhiên tự tại ăn trốc ngồi cao, lại còn xem dân như thù, mặc tình bóc lột đến tận xương tuỷ. Làm dân hèn phải cơ cực lắm thay!

Văn Nhân lại nói:
_ Hình như ngày trước có vị thi nhân nào có bài thơ về tết này. Tiểu sinh nhớ mang máng mấy câu như là:
Độc tại dị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân

Trúc Mai tiếp lời:
_ Dao tri huynh đệ đăng cao xứ
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân
Đây là bài “Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ” của Vương Duy. Bạch cư Dị còn có bài “Trùng dương tịch thương phú bạch cúc” cũng hay lắm.

Rồi nàng lại ngâm:
_ Mãn viên hoa cúc uất kim hoàng
Trang hữu cô tùng sắc tự sương
Hoàn tự kim tiên ca tửu tịnh
Bạch đầu ông nhập thiếu niên trường

Văn Nhân lại tán tụng:
_ Thực quả tiểu thư tài học phi thường, tiểu sinh vô cùng ngưỡng mộ. Xin mạn phép hỏi tiểu thư có thể dịch bài thơ ra tiếng Nôm cho tiểu sinh học hỏi được chăng?
_ Tiểu nữ cũng chỉ dịch bừa thôi, công tử nghe đừng có chê cười …
_ Dạ tiểu sinh nào dám!

Tiểu thư suy nghĩ một chốc rồi ngâm lên:
_ Rực rỡ vườn hoa cúc phủ vàng
Lẻ loi một khóm sắc dường sương
Sáng nay tửu hội nào đâu khác
Tóc bạc ngồi chen trẻ mấy hàng

Văn Nhân vỗ tay khen:
_ Tuyệt diệu, quả là Tạ Nữ hồi dương, Từ Phi tái thế. Tiểu sinh nghiêng đầu bái phục.

Trúc Mai hơi đỏ mặt. Chợt nghe Thảo Hoa bảo nhỏ sau lưng:
_ Thưa tiểu thư, ai như anh Đào Long Vân kìa?

Nghe ba tiếng Đào Long Vân, tiểu thư hoảng hốt lùi lại, như thể sợ bị chàng bắt gặp mình đang đứng trò chuyện với Tống Văn Nhân. Nàng nhác thấy ở khuất sau bụi cây dường như chàng ta đăm đăm nhìn nàng không chớp thì trong dạ bất an, vội vàng kéo Thảo Hoa quay đi:
_ Chúng ta đi thôi.

Rồi tất tả vòng ra sau núi. Không rõ chuyện gì, thầy trò họ Tống cũng lẽo đẽo bước theo. Từ lúc gặp Long Vân, Trúc Mai không còn thiết trò chuyện nữa. Nàng chỉ im lặng hoặc trả lời nhát gừng những câu hỏi của Văn Nhân một cách qua loa cho xong.

Chiều tàn. Mặt trời đã hạ dưới lưng chừng núi, nép mình sau những tàng cây rậm rạp. Vài tia nắng vàng yếu ớt toả leo lét như ánh đèn mờ chốn xa xa. Người ngoạn núi thưa lần, rồi vắng hẳn. Dương tiểu thư xin cáo từ, Văn Nhân giữ lại:
_ Tiểu thư thong thả đã, chúng ta hãy ngồi đây ngắm hoàng hôn trên núi. Thật chưa có cảnh nào đẹp hơn thế nhỉ? Tiểu sinh kính mời tiểu thư cùng làm thơ vịnh để đánh dấu buổi gặp gỡ thú vị hôm nay.

_ Quá muộn rồi. Công tử cho phép chúng tôi về trước, kẻo lão bộc nóng lòng trông đợi!

Tống Văn Nhân quay sang bảo tên gia đinh:
_ Tống Đình, mi cùng cô em đây xuống núi bảo lão người nhà tiểu thư chờ thêm một chốc, tiểu thư sẽ về sau nhé.

Tên gia đinh dạ lớn, nắm tay Thảo Hoa đi liền. Sự thể xảy ra quá đột ngột, cả Trúc Mai lẫn Thảo Hoa đều kinh hoàng không ứng biến kịp. Thảo Hoa cố vùng vẫy ra khỏi bàn tay cứng như thép nguội của Tống Đình, mặt mày tái mét, mồm lắp bắp chẳng thành câu:
_ Ngươi… ngươi..., tiểu thư …

Trúc Mai gượng trấn tĩnh:
_ Đa tạ thịnh tình của công tử. Nhưng chúng tôi phải về ngay, không thì lão gia lại trách mắng.

Nàng hấp tấp chạy đến bên Thảo Hoa. Văn Nhân lắc mình một cái. Mắt nàng vừa hoa lên đã thấy y đứng chắn ngang trước mặt rồi. Đôi tròng mắt long lên toát ra vẻ thèm khát, y mất hẳn cái dáng phong lưu nho nhã của vị công tử hào hoa lúc ban ngày. Trúc Mai hãi sợ, dòm quanh không một bóng người. Nàng từ từ thối lui, lòng suy tính tìm phương đối phó.

Phía dưới sau một gộp đá vọng lên tiếng thét thất thanh của Thảo Hoa rồi tắt nghẹn như là bị bàn tay bịt ngang miệng. Bỗng nghe Tống Đình la "oái" và xuýt xoa kêu:
_ Á à, con bé này hung tợn!

Thì ra nhân lúc y bất phòng, Thảo Hoa cắn mạnh vào tay y đến bật máu tươi, y đau điếng phải buông ra. Nó vụt bỏ chạy. Tống Đình đuổi theo.

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn