[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 17
Sau cuộc giải phẫu, khi tỉnh dậy, tôi biết rằng mình chưa chết. Mình không chết được. Người ta chỉ là mình ngạt thở thôi. Điều đó không có gì giống cái chết cả. Đó chỉ là phương pháp hóa học làm cho ta mê đi để cuối cùng không còn cảm giác gì nữa. Sau đó ta có cảm tưởng giống như say rượu nhưng chỉ khác một điều là lúc nôn mửa thì chẳng có gì tháo ra ngoài trừ mật xanh, và vẫn không thấy dễ chịu gì hơn.
Một lát sau tôi nhận ra Gage và cô hỏi:
- Bây giờ anh cảm thấy như thế nào?
- Tốt hơn – tôi đáp.
- Bác sĩ đã làm một công việc kỳ diệu trên đầu gối của anh.
- Lâu không?
- Hai tiếng rưỡi đồng hồ.
- Tôi có nói sảng không?
- Anh không có nói gì cả. Đừng nói chuyện nữa. Nằm yên đi.
Tôi thấy khó chịu trong người và Catherine có lý, tôi chẳng chú ý gì đến cô y tá đêm hôm đó cả.
Giờ đây bệnh viện đã có thêm ba thương binh nữa. Một cậu ở Georgia thuộc Hồng thập tự, gầy yếu, bị sốt rét. Một cậu ở New York trông bảnh trai nhưng cũng gầy ốm bị mắc bệnh sốt rét vàng da. Còn cậu thứ ba là một cậu bé can đảm tìm cách tháo hạt nổ trên một quả đạn pháo để làm kỷ niệm. Đó là loại đạn mà bọn Áo sử dụng trong vùng núi non – sau khi đạn nổ, tên lửa bay đi và nổ tung khi chạm phải một vật gì.
Mấy cô y tá kia rất mến Catherine Barkley, nàng luôn luôn nhận trực đêm. Đôi với các bệnh nhân sốt rét, nàng không phải làm gì nhiều, còn cậu bé đã tháo đầu đạn tên lửa là bạn của chúng tôi, không khi nào cậu ta bấm chuông ban đêm, trừ khi có việc cần kíp lắm. Nhờ thế chúng tôi được gần gũi nhau trong những lúc nàng rỗi. Tôi yêu nàng tha thiết và nàng cũng say đắm yêu tôi. Ban ngày tôi ngủ và khi thức giấc chúng tôi viết thư cho nhau nhờ tay cô Ferfuson chuyển giao. Cô Ferguson thật tử tế. Tôi không biết gì về cô ngoài trừ cô có một người em ở sư đoàn 52 và một người nữa ở Mesopotamia. Cô đối xử rất tốt với Catherine. Có một lần tôi hỏi nàng:
- Sau này cô có đến dự đám cưới chúng tôi không, cô Ferguson?
- Biết bao giờ anh mới lấy vợ.
- Biết đâu đấy!
- Chẳng bao giờ anh cưới vợ cả.
- Tại sao không?
- Hai người sẽ giận dỗi nhau trước khi lấy nhau.
- Không, chúng tôi không làm thế đâu.
- Thời gian còn dài mà.
- Chúng tôi không giận dỗi với nhau đâu.
- Vậy thì anh sẽ chết. Người ta sẽ giận nhau hoặc là chết. Luôn luôn thế, không bao giờ cưới nhau được cả.
Tôi nắm tay cô Ferguson.
- Đừng chạm vào tôi – cô bảo – Tôi không khóc đâu. Biết đâu hai người sẽ được toại nguyện. Nhưng hãy coi chừng, anh đừng làm khổ nàng đấy nhé. Nếu anh làm khổ nàng, tôi sẽ giết anh đấy.
- Tôi sẽ không làm khổ nàng đâu.
- Được rồi, nhưng coi chừng đấy. Tôi mong mọi việc đều êm đẹp. Anh hạnh phúc đấy chứ?
- Vâng, chúng tôi hoàn toàn hạnh phúc.
- Đừng cãi nhau, và đừng làm khổ nàng nhé.
- Không đâu.
- Nhưng nhớ coi chừng giữ gìn cẩn thận đấy. Tôi không muốn thấy nàng có con trong thời loạn ly này đâu nhé.
- Cô Fergy, cô tốt bụng quá.
- Đâu có gì. Thôi đừng nịnh. Chân anh thế nào?
- Rất tốt.
- Còn đầu anh? – cô xoa nhẹ mấy đầu ngón tay trên đầu tôi. Tôi có cảm giác như kiến bò ở chân ấy.
- Không đau gì cả.
- Một vết như thế này có thể làm cho anh điên được. Thế anh không cảm thấy đau đớn gì cả à?
- Không.
- Anh may thật. Viết thư xong chưa? Tôi còn phải xuống đây.
- Đây rồi – tôi bảo.
- Anh nên bảo nàng nghỉ gác đêm một thời gian. Nàng đã quá mệt nhọc rồi đó.
- Được rồi, tôi sẽ bảo nàng.
- Tôi muốn gác đêm thay nàng, nhưng nàng không chịu. Mấy cô kia thì thích để cho nàng gác như vậy lắm. Anh nên để cho nàng nghỉ ngơi một thời gian đi.
- Được rồi.
- A, cô Van Campen có nói bóng gió về việc anh ngủ quá trưa.
- Mặc cô ta chứ!
- Tốt hơn anh nên để nàng nghỉ gác đêm một thời gian.
- Tôi cũng muốn thế.
- Không, anh không muốn thế đâu. Nhưng nếu anh làm được việc đó, tôi sẽ phục anh nhiều hơn.
- Được rồi, tôi sẽ bảo nàng nghỉ.
- Tôi không tin đâu.
Ferguson lấy bức thư rồi đi ra ngoài. Tôi bấm chuông. Một lát sau cô Gage bước vào hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Tôi muốn nói chuyện với cô chứ không có gì. Cô nghĩ xem cô Barkley có nên nghỉ gác đêm một thời gian không? Trông cô ấy có vẻ mệt kinh khủng. Sao cô ấy lại phải gác đêm mãi thế?
Cô Gage nhìn tôi bảo:
- Tôi là bạn anh mà. Anh khỏi phải nói với tôi như thế.
- Cô muốn nói gì, tôi không hiểu.
- Đừng làm bộ ngớ ngẩn. Bộ không phải anh muốn như thế hay sao?
- Cô dùng một ly Vermouth nhé?
- Được rồi, nhưng tôi phải đi ngay đấy.
Cô Gage lấy trong tủ ra một cái ly và chai rượu.
- Cô uống ly đi. Tôi uống bằng chai cũng được.
- Chúc sức khỏe anh – cô Gage nói.
- Thế cô Van Campen đã nói gì về việc tôi ngủ trưa?
- Cô ta chỉ càu nhàu thôi. Cô ta gọi anh là bệnh nhân ưu tiên.
- Quỷ tha cô ấy đi!
- Cô ấy không xấu bụng đâu. Cô ấy lớn tuổi và hay gắt gỏng thôi. Cô ấy không thích anh đâu.
- Tôi biết.
- Còn tôi thì trái lại đấy nhé. Tôi luôn luôn là bạn của anh. Đừng nên quên điều ấy.
- Cô rất dễ thương.
- Thôi đi, tôi biết anh thấy ai là dễ thương rồi. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn là bạn anh. Anh thấy chân thế nào?
- Đỡ lắm.
- Để tôi lấy nước khóang rưới lên đó. Chắc là ngứa lắm vì bên ngoài nóng bức.
- Cô tử tế quá.
- Có ngứa lắm không?
- Không, dễ chịu lắm.
- Để tôi sửa những bao cát này lại – Cô vừa cúi xuống vừa bảo. - Lúc nào tôi cũng là bạn anh.
- Tôi biết.
- Không, anh không biết đâu. Nhưng rồi một ngày kia anh sẽ biết.
Catherine Barkley nghỉ gác ba đêm. Khi gặp lại nàng, chúng tôi mừng rỡ tựa hồ như đã cách xa lâu lắm.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 18
Mùa hè thật kỳ diệu. Khi tôi đi được, chúng tôi cùng đi dạo bằng xe ngựa trong công viên. Tôi còn nhớ rõ cỗ xe ngựa đi chậm chạp, phía trước là lưng người đánh xe với chiếc mũ cao bóng loáng và bên cạnh tôi là Catherine. Nếu tay chúng tôi có chạm vào nhau thì chỉ cần mấy đầu ngón tay tôi chạm vào nàng cũng đủ làm cho chúng tôi ngây ngất. Sau đó, lúc tôi có thể dùng nạng để đi lại, chúng tôi dều dùng cơm ở Biffi hay ở Gran Italia và ngồi ở dãy bàn phía ngoài trên bao lơn. Những người hầu bàn tiến lại ra vào. Người qua lại tấp nập. Trên bàn, những ngọn bạch lạp cháy có chụp đèn. Về sau, chúng tôi ăn hẳn ở Gran Italia và George, chủ tiệm ăn dành cho chúng tôi một bàn riêng. Anh là một người dễ thương và chúng tôi để mặc anh lựa món ăn trong khi chúng tôi nhìn thiên hạ, nhìn dãy hành lang dài chìm trong bóng hoàng hôn và nhìn nhau. Chúng tôi uống rượu Capri ướp lạnh cùng nhiều thứ rượu khác. Ở đây họ không có bồi rượu vì lý do chiến tranh và George mỉm cười bối rối mỗi khi chúng tôi hỏi những thứ rượu thuộc loại Fresa.
- Ông thử nghĩ xem một xứ sản xuât rượu gì mà chỉ có mùi như mùi dâu! – Ông bảo chúng tôi.
- Không được sao? – Catherine hỏi – Như thế hẳn là tuyệt lắm chứ.
- Xin bà cứ nếm thử nếu bà thấy thích. Nhưng hãy để cho tôi mang một chai Margaux cho trung uý.
- Để tôi nếm thử xem đã, anh George.
- Thưa trung uý, tôi không bảo đảm thứ rượu đó. Vì nó không có mùi gì, ngay cả mùi dâu cũng không.
- Biết đâu đấy – Catherine bảo – nếu có mùi dâu thì tuyệt.
- Tôi sẽ đem lại – George bảo – Và khi bà nếm thử xong tôi sẽ cất đi ngay.
Thứ rượu đó không ngon như George bảo, nó cũng không gíống mùi dâu nữa. Chúng tôi đành uống lại Capri. Một buổi tối tôi hụt tiền, George cho tôi vay một trăm đồng “lia”. – Trung uý đừng bận tâm. Tôi rất thông cảm. Nếu trung uý hoặc bà cần tiền, tôi bao giờ cũng sẵn sàng.
Sau bữa cơm, chúng tôi đi bộ qua hành lang, qua những nhà hàng và những tiệm khác đã đóng cửa. Chúng tôi ngừng lại một tiệm nhỏ bán bánh mì thịt, lẫn cá thu và rau cải thái nhỏ và dài bằng ngón tay. Chúng tôi mua về để phòng khi đêm đói sẽ ăn. Chúng tôi gọi một cỗ xe ở ngoài hành lang, trước nhà thờ, rồi trở về bệnh viện. Đến cửa bệnh viện, ông thường trực đến đỡ tôi và cặp nạng xuống. Tôi trả tiền xe, và chúng tôi cùng lên thang máy. Catherine dừng lại ở tầng một nơi các y tá ở, còn tôi đi lên trên rồi chống nạng về phòng. Đôi khi tôi thay quần áo đi ngủ, đôi khi tôi ngồi ở bao lơn, chân gác lên ghế nhìn đàn chim én lượn trên mái nhà, để chờ Catherine đến. Khi nàng đến, tôi có cảm tưởng như nàng mới đi xa về. Tôi chống nạng theo nàng. Tôi mang hộ các dụng cụ và đứng ngoài cửa chờ nàng hoặc vào cùng phòng với nàng. Điều đó tuỳ bệnh nhân có là bạn quen hay không. Khi nàng xong việc, chúng tôi trở ra ngồi ở bao lơn trước phòng. Sau đó, tôi vào giường nằm. Khi ai nấy đều ngủ và tin rằng sẽ không còn ai gọi nàng nữa, thì nàng đến phòng tôi. Tôi thích xổ tung tóc nàng ra. Nàng ngồi trên giường không cử động chỉ trừ lúc bất thình lình cuối xuống hôn tôi, trong khi tôi xổ tóc nàng. Tôi tháo mấy cây kẹp tóc để trên giường, tóc nàng xoã ra và tôi ngắm nàng ngồi yên ở mép giường. Tôi liền tháo nốt hai chiếc kẹp cuối cùng và tóc nàng hoàn toàn xoã ra. Và khi nàng cúi đầu thì cả hai chúng tôi nằm kín dưới mái tóc nàng, làm tôi có cảm giác nằm dưới căn lều hoặc một thác nước.
Tóc nàng đẹp vô cùng. Có đôi khi tôi nằm ngắm nàng vấn tóc trong ánh sáng mờ ảo của cánh cửa sổ mở rộng. Dù là trong bóng đêm tóc nàng vẫn ngời sáng như nước lóng lánh trước bình minh. Khuôn mặt và thân hình nàng rất đáng yêu, và cả làn da mịn màng của nàng cũng vậy. Nằm cạnh nàng, tôi mơn man khắp má, trán, cằm và cổ nàng rồi bảo “Da em mịn như phím dương cầm”. Nàng xoa vào căm tôi rồi đùa “Nhẵn như giâ”y nhám và cứng như phím đàn”.
- Nhám lắm hả em?
- Không anh ạ, đùa đấy thôi.
Đêm thật tuyệt diệu. Chúng tôi chỉ cần nằm bên nhau như thế cũng đủ hạnh phúc rồi. Ngoài những lúc như thế, chúng tôi không ở bên nhau, chúng tôi cố đoán xem người kia đang nghĩ gì. Đôi khi chúng tôi đoán đúng vì có lẽ cả hai cùng lúc nghĩ đến một chuyện.
Chúng tôi thích tưởng tượng đã lấy nhau từ ngày nàng đến bệnh viện và chúng tôi tính từng ngày kể từ ngày cưới ấy. Thực ra, tôi muốn cưới nàng nhưng Catherine bảo nếu chúng tôi làm lễ cưới, họ sẽ đổi nàng đi nơi khác và chỉ một việc thi hành thủ tục cũng đủ làm cho họ để ý đến nàng ngay và điều đó sẽ làm đảo lộn cuộc sống. Chúng tôi phải làm lễ cưới theo luật pháp nước Ý và thủ tục sẽ rất phiền toái. Tôi muốn như đã cưới nhau rồi vì mỗi lần nghĩ đến việc này, tôi sợ có con, nhưng chúng tôi giả vờ như đã cưới nhau và không thèm quan tâm đến chuyện đó nữa. Thật ra, trong lòng tôi lại sung sướng vì chưa cưới nhau. Có một đêm chúng tôi bàn về chuyện đó thì Catherine bảo:
- Nhưng anh ơi, người ta sẽ đuổi em đi.
- Không chắc đâu.
- Ỗ, chắc vậy! Người ta sẽ đuổi em về nhà và lúc bấy giờ chúng ta sẽ xa nhau mãi mãi cho đến khi hết chiến tranh.
- Anh sẽ xin nghỉ phép.
- Anh không có đủ thì giờ đi Ireland rồi trở về trong thời gian nghỉ phép. Tuy nhiên em không xa anh đâu. Bây giờ chúng ta làm lễ cưới thì có lợi lộc gì đâu? Chúng ta đã cưới nhau thật rồi đấy. Thế này còn hơn là cưới nhau thật vậy.
- Anh muốn làm lễ cưới là chỉ vì em mà thôi.
- Bây giờ không còn có em nữa. Em là anh. Đừng có tách rời em ra như thế.
- Anh tưởng rằng các thiếu nữ luôn mơ ước được lấy chồng.
- Đúng rồi. Nhưng còn em, anh yêu ạ, em đã có chồng rồi. Em đã lấy anh rồi cơ mà. Em không phải là vợ ngoan sao?
- Em là người vợ rất đáng yêu.
- Anh biết không, anh yêu, đã có lần em chờ đợi ngày cưới.
- Anh không muốn em nhắc đến chuyện đó nữa.
- Anh biết chắc là em chỉ yêu có một mình anh thôi. Có nghĩa lý gì nếu có một người khác yêu em trước anh?
- Quan trọng lắm chứ.
- Không nên ghen với một kẻ đã chết, trong khi anh đã được tất cả.
- Đúng thế, nhưng anh không muốn nghe những chuyện đó nữa.
- Anh ngốc ơi! Còn em, em biết, chắc anh có hàng tá phụ nữ vậy mà em có kể gì đâu?
- Liệu chúng ta có thể làm lễ cưới riêng bằng cách này hay cách khác không? Như thế phòng khi có chuyện gì xảy ra cho anh hoặc phòng khi em có con…
- Không có cách nào khác ngoài cách làm lễ cưới theo tôn giáo hoặc theo luật pháp. Chúng ta đã làm lễ cưới riêng với nhau rồi. Anh biết không ,anh yêu, nếu em có đạo thì chuyện đó sẽ là một vấn đề quan trọng với em, nhưng em không theo đạo nào cả.
- Thế sao em đã cho anh tượng thánh Anthony?
- Vì tượng đó đem lại may mắn. Người ta đã cho em.
- Vậy là em chẳng lo buồn gì cả phải không?
- Chỉ trừ khả năng phải xa anh thôi. Anh là lý tưởng của em. Đời em chỉ có một mình anh thôi.
- Được rồi. Nhưng anh sẽ cưới em ngày nào em muốn.
- Đừng làm như là anh biến đổi em thành một phụ nữ đức hạnh, anh yêu ạ. Em vẫn là người đàn bà đoan chính. Không vì lẽ gì lại hổ thẹn khi người ta hạnh phúc và tự hào. Anh thấy có hạnh phúc không?
- Nhưng em đừng phụ anh nhé?
- Không đâu, anh yêu. Em sẽ không bao giờ phụ anh. Cứ cho là nhiều điều khủng khiếp sẽ đến với chúng ta, em đã nghĩ đến tất cả những gian nguy đang chờ chúng ta. Nhưng chuyện phụ anh, anh không phải lo.
- Anh chẳng lo gì cả. Anh yêu em tha thiết, nhưng anh chỉ là kẻ đến sau.
- Thế người đến trước ra sao?
- Người ấy chết rồi.
- Đúng. Nếu anh ấy không chết thì em đâu có gặp anh. Em không phản bội anh đâu, anh yêu. Em có nhiều khuyết điểm nhưng em rất thuỷ chung. Anh sẽ chóng chán vì sự thuỷ chung của em cho mà xem.
- Sớm muộn gì anh cũng sẽ trở lại mặt trận.
- Đừng nghĩ đến chuyện ấy trước. Anh thấy không, anh yêu, em rất hạnh phúc và chúng ta đã sống những giờ phút thần tiên. Lâu lắm rồi em không biết đến hạnh phúc và khi em thấy nó, em gần như điên lên. Có lẽ em đã điên thật. Nhưng bây giờ chúng ta hạnh phúc và chúng ta yêu nhau. Chúng ta hãy tận hưởng hạnh phúc đã. Anh có cảm thấy hạnh phúc không? Em phải làm gì để vừa ý anh bây giờ. Anh có thích em xoã tóc không? Anh có muốn chúng ta đùa không?
- Ừ, em đi ngủ đi.
- Được rồi, nhưng em còn phải đi thăm các bệnh nhân đã.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 19
Mùa hè cứ vậy trôi đi. Tôi không nhớ rõ lắm nhưng chỉ biết đó là những ngày oi bức và báo chí chỉ nói toàn chiến thắng. Tôi rất khoẻ và hai chân hồi phục nhanh chóng cho nên ít lâu sau tôi có thể dùng gậy thay thế cho nạng, và đâu gối được uốn nắn ở Ospedale, bằng máy móc và tia tử ngoại trong một căn phòng đầy gương. Tôi đến bệnh viện mỗi tuần ba buổi chiều, và trên đường về tôi thường ghé lại quán giải khát để uống và đọc báo. Tôi không la cà trong thành phố mà chỉ ước ao trở về bệnh viện lúc ở quán ra. Tôi chỉ muốn một điều là gặp Catherine. Ngoài ra tôi tìm cách giết thì giờ. Tôi thường ngủ vào buổi sáng và b buổi trưa. Đôi khi tôi đi bộ và buổi chiều đến điều trị bằng máy. Đôi lúc tôi ghé câu lạc bộ Anh – Mỹ. Tôi ngồi vào chiếc ghế tựa lớn bọc da gần cửa sổ và đọc các tạp chí. Từ ngày tôi bỏ nạng, người ta không để Catherine đi chung với tôi nữa, vì nữ y tá đi cạnh thương binh mà bệnh trạng không cần phải có người trông nom thì khó coi. Bởi thế vào buổi chiều chúng tôi không được ở gần nhau lâu. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi cũng có thể cùng đi ăn nếu có cô Ferguson đi chung. Cuối cùng cô Van Campen nhận chúng tôi là bạn thân, vì Catherine giúp cô được vô số việc. Cô cho rằng Catherine xuất thân từ một gia đình tốt và điều này ảnh hưởng đến sự ưu ái của cô. Cô coi trọng vấn đề gia đình. Chính cô cũng xuất thân từ một gia đình rất nề nếp. Hơn nữa bệnh viện luôn luôn bận rộn làm cho cô không có thì giờ rảnh. Mùa hè oi bức quá. Ở Milan này tôi quen biết nhiều người nhưng tôi luôn luôn muốn trở về bệnh viện lúc chiều tàn. Ở mặt trận, chúng tôi đã tiến dọc theo Carso, chiêm được Kuk ở phía bên kia Plava và bắt đầu đánh chiếm các cao nguyên Bainsizza. Tình hình mặt trận phía Tây không được khả quan. Chiến tranh có vẻ kéo dài. Bấy giờ Mỹ vừa tham chiến nhưng tôi nghĩ phải mất cả năm mới huấn luyện đủ quân số thiện chiến. Năm tới cũng có thể tốt mà cũng có thể xấu. Ý dùng một số quân đáng kể. Tôi không thấy tình trạng này làm sao có thể tiêp tục được. Dù cho họ có chiếm được cao nguyên Bainsizza và đỉnh San-Grabrielle thì bọn Áo cũng còn bao nhiêu là dãy núi phía sau. Tôi đã có dịp thấy những dãy núi đó. Những đỉnh cao nhất đều ở phía sau. Chúng tôi đã chiếm xong Carso nhưng hãy còn nhiều đầm lầy ở cạnh bờ biển. Napoléon đã đuổi bọn Áo về phía đồng bằng và chắc chắn không tấn công chúng trên núi. Napoléon sẽ để cho chúng xuống đồng bằng rồi tấn công ở gần Vérona. Nhưng ở mặt trận phía Tây chưa có đánh nhau thật sự. Có lẽ bây giờ không thể thắng trận được nữa. Chiến tranh có thể kéo dài mãi mãi. Có thể đây là một cuộc chiến tranh trăm năm mới. Tôi để tờ báo lên quầy rồi rời khỏi câu lạc bộ. Tôi cẩn thận bước từng bước một xuống bậc thềm rồi đi dọc lên đường Manzoni. Trước khách sạn Gran Hotel, tôi gặp vợ chồng lão Meyers vừa ở trên xe ngựa bước xuống. Họ vừa đi xem đua ngựa về. Bà vợ to béo mặc toàn sa tanh đen. Riêng ông, đó là một ông già nhỏ bé râu bạc, chống gậy đi khệnh khạng.
- Xin chào, xin chào – bà bắt tay tôi.
- Chào bạn – ông Meyers nói.
- Đua ngựa thế nào?
- Tuyệt, thật tuyệt. Tôi trúng được ba con về nhất.
- Còn ông? – tôi hỏi ông Meyers.
- Cũng khá, tôi trúng được một.
- Tôi chả bao giờ biết nhà tôi đang làm gì. Ông ấy không bao giờ nói gì với tôi cả - Bà Meyers xen vào.
- Tốt, tốt lắm – ông Meyers nói. Ông trở nên thân mật – Anh phải đến đấy. – Khi ông ta nói chuyện với bạn, bạn có cảm tưởng như là ông ấy không nhìn thấy bạn hoặc giả lầm bạn với một người nào khác.
- Vâng – tôi đáp.
- Tôi sẽ đến bệnh viện thăm anh – bà Meyers nói – Tôi có một vài món quà dành cho các con. Các anh đều là con tôi cả đấy. Phải, đúng, các anh là những đứa con thân yêu của tôi.
- Họ sẽ vui mừng được bà đến thăm.
- Ỗ,các con yêu quý. Anh cũng thế, anh cũng là một trong những đứa con của tôi.
- Tôi xin kiếu từ ông bà.
- Bảo tôi có lời hỏi thăm các cậu con trai yêu quý của tôi nhé. Tôi sẽ mang đến cho họ nhiều quà. Tôi có kẹo ngon và bánh ngọt.
- Xin chào ông bà. Họ sẽ vui mừng vô hạn khi thấy bà.
- Chào anh – ông Meyers nói – Anh hãy đến tửu quán Galleria chơi. Anh biết bàn của chúng tôi chứ? Các buổi chiều chúng tôi đều có mặt tại đó.
Tôi trở ra đường cái. Tôi muốn mua một món gì ở Cova cho Catherine. Vào đến Cova, tôi mua một hộp kẹo sô cô la, trong khi cô bán hàng gói hộp kẹo, tôi vào quán rượu. Ở đó có hai người Anh và vài viên phi công. Tôi uống một ly Martini, trả tiền rồi đến quầy hàng lấy hộp kẹo xong tiếp tục đi về hướng bệnh viện. Trước quán rượu nhỏ bên đường đi Scala, có vài người tôi quen, viên phó lãnh sự, hai người học ca nhạc và Ettore Moretti, một người Ý ở San Francisco hiện đang phục vụ trong quân đội Ý. Tôi chạm ly với họ. Một trong hai ca sĩ là Ralph Simmons, mang biệt hiệu Enrico Delcrédo. Tôi không biết anh hát hay dở ra sao, nhưng anh luôn luôn có vẻ trịnh trọng, như sắp có một biến cố khủng khiếp xảy ra. Anh đã từng hát trong vở Tosca và thành công mỹ mãn.
- Có lẽ anh chưa bao giờ nghe tôi hát cả - anh bảo.
- Bao giờ anh sẽ hát ở đây?
- Mùa thu này tôi sẽ trình diễn tại Scala.
- Tôi đoán chắc họ sẽ ném ghế vào người anh – Ettore nói – Anh có nghe người ta kể chuyện hắn bị ném ghế ở Modena như thế nào chưa?
- Láo toét!
- Tôi nghe nói anh sắp được huy chương loại nào?
- Tôi không biết. Tôi cũng không biết là tôi sắp được huy chương.
- Anh sắp được rồi. Này các cô gái ở Cova phục anh sát đất đấy. Họ nghĩ anh đã giết hai trăm tên Áo và một mình anh chiếm được căn hầm. Tôi cam đoan với anh là tôi cũng phải hành động mới được ân thưởng.
- Thế anh được bao nhiêu huy chương rồi Ettore? – Viên phó lãnh sự hỏi.
- Hắn có đủ loại – Simmons nói – Chính vì hắn mà người ta gây chiến đấy.
- Tôi đã được huy chương đồng hai lần và ba huy chương bạc – Ettore nói – Nhưng tôi chỉ được giấy chứng nhận có một cái thôi.
- Thế còn những cái kia? – Simmons hỏi.
- Bởi cuộc hành quân thất bại, - Ettore nói – Khi hành quân thất bại thì họ giữ lại tất cả các huy chương.
- Thế anh đã bị thương bao nhiêu lần rồi, Ettore?
- Ba lần bị thương nặng. Tôi bị ba vết thương. Đây thấy không? – hắn kéo tay áo lên. Nhưng vết thương là những cấp hiệu bằng bạc nằm song song với nhau trên nền đen, may đính vào vải ở tay áo dưới vai độ hai tấc.
- Anh cũng có một rồi – Ettore bảo tôi – Trông oai lắm, tôi thích đeo cấp hiệu hơn huy chương. Anh cứ tin tôi đi, ông bạn già ạ, ba cái cũng đủ nói lên điều gì đấy. Người ta chỉ cho mình thêm một cái vì một vết thương khiến mình nằm bệnh viện mất ba tháng.
- Anh bị thương ở đâu hả Ettore? – Viên phó lãnh sự hỏi.
Ettore lật tay áo lên.
- Đây này (hắn chỉ một vết sẹo đỏ nâu và bóng). Ở chân tôi đây, tôi không thể chỉ có các anh được vì tôi đang mang bít tất và ở bàn chân nũa.
- Thế anh bị trúng gì? – Simmons hỏi.
- Loại lựu đạn cầm tay. Ông biết thứ lựu đạn ấy chứ? – hắn quay sang hỏi tôi.
- Biết.
- Tôi biết bọn chó Áo ném – Ettore nói – Nó quật tôi ngã ra và tôi tưởng rằng mình đã chết ngay lúc đó, nhưng không việc gì. Tôi bắn tên chó đó một phát chết ngay tức khắc. Tôi luôn luôn mang súng trường để họ không biết tôi là sĩ quan.
- Khi anh bắn, trông thằng ấy như thế nào? – Simmons hỏi.
- Tôi chẳng biết, - Ettore đáp – Tôi bắn vào bụng nó, vì sợ nếu bắn vào đầu thì trật mất.
- Anh ở cấp sĩ quan đã lâu chưa? – Tôi hỏi.
- Hai năm. Tôi sắp lên đại uý. Còn anh ở cấp trung uý đã bao lâu rồi?
- Độ ba năm.
- Anh không lên đại uý được vì anh không biết tiếng Ý rành rọt – Ettore nói – Anh nói được nhưng đọc và viết không rành. Anh cần phải học tiếng Ý để có thể lên đại uý. Thế sao anh không gia nhập quân đội Mỹ?
- Để xem.
- Cầu trời tôi được lên đại uý. Này, Marc, lương đại uý được bao nhiêu thế?
- Không biết chắc. Vào khoảng hai trăm rưởi đô la.
- Chúa ơi, với hai trăm rưởi đô la đó tôi giải quyết được biết bao là việc. Này Fred, anh cần phải gia nhập quân đội Mỹ mới được, rồi anh tìm cách đưa tôi vào nhé?
- Được rồi.
- Tôi có thể chỉ huy một đại đội bằng tiếng Ý. Tôi cũng có thể chỉ huy bằng tiếng Anh dễ dàng.
- Rồi anh sẽ được thăng đại tướng – Simmons nói.
- Không, tôi không đủ tài sức để làm đại tướng. Một đại tướng cần phải biết nhiều chuyện. Các anh là những kẻ hay chế nhạo người khác. Các anh tưởng rằng chuyện chiến tranh là chơi sao. Đầu óc các anh không được làm đến chức cai hạng bét nữa.
- Cám ơn Chúa, tôi không làm chức cai – Simmons nói.
- Có thể một ngày kia các anh cũng phải làm nếu họ phạt tất cả các dân làm biếng như anh. Này, tôi muốn hai anh gia nhập vào trung đội của tôi. Marc nữa nhé, tôi sẽ cho anh làm lính hậu cần của tôi.
Marc nói:
- Này Ettore, anh có lòng tốt lắm, nhưng tôi e rằng anh là một tay quân phiệt.
- Tôi muốn lên đến chức đại tá trước khi chiến tranh chấm dứt – Ettore bảo.
- Nghĩa là nếu anh không chết trước.
- Tôi không bị chết đâu – Hắn đưa tay sờ mấy ngôi sao đính ở cổ áo – Thấy tôi làm gì đây không? Chúng tôi thường sờ những ngôi sao này nếu có ai nói đến chết chóc.
- Ta đi thôi Sim – Saunders vừa nói vừa đứng lên.
- Ừ thì đi.
- Chào các anh – Tôi bảo – Tôi cũng phải đi đây. Sáu giờ kém mười lăm rồi. Chào Ettore.
- Chào Fred – Ettore nói – Anh nhận được huy chương bạc thì tuyệt lắm.
- Vẫn chưa tiến hành.
- Được mà Fred, tôi nghe bảo anh sẽ nhận được chẳng khó khăn gì.
- Thôi chào anh – tôi bảo – Hãy giữ mình cẩn thận Ettore nhé.
- Ô đừng lo cho tôi. Tôi không uống rượu và cũng không chạy quanh quẩn. Tôi không thích rượu cũng không thích gái. Tôi chọn cái gì tôi thích.
- Chào anh – tôi bảo – Tôi rất vui khi anh lên đại uý.
- Không phải tôi ngồi không để được lên chức. Tôi sẽ lập chiến công để xứng đáng được lên chức đại uý. Anh biết không, ba sao cùng với hai lưỡi gươm chéo nhau và hình vương miện chính là của tôi đó.
- Chúc anh may mắn
- Chúc anh cũng vậy. Bao giờ anh trở lại mặt trận?
- Sắp rồi.
- Thế thì mình sẽ gặp nhau ở đấy.
- Chào anh.
- Chào anh. Nên tránh những việc không may nhé.
Tôi theo phố nhỏ dẫn ra một lối tắt về bệnh viện. Ettore hai mươi ba tuổi. Thưở bé anh ta được một người cậu ở San Francisco nuôi dưỡng. Khi chiến tranh bùng nổ thì anh ta đang thăm cha mẹ mình ở Torino. Anh có một người em gái cũng được gởi sang Mỹ sống chung với cậu anh. Năm nay cô ấy sắp tốt nghiệp trường sư phạm.
Ettore thuộc loại người hùng và đánh gục bất cứ ai khi anh ta tiếp xúc. Catherine không chịu nổi hắn ta.
- Chúng ta cũng biết nhiều tay anh hùng – nàng bảo – Nhưng thường thường họ điềm đạm hơn, anh nhỉ.
- Anh không để ý đến hắn ta.
- Em cũng chẳng cần để ý đến hắn ta làm gì, nếu hắn ta không quá tự phụ và không hiếu thắng. Ô, hiếu thắng đến một mức nào thôi.
- Hắn ta cũng quấy rầy anh vậy.
- Anh nói thế nghe đáng yêu lắm. Nhưng chuyện đó xá kể gì. Anh có thể hình dung hắn lúc ở mặt trận, nơi mà hắn có ích, nhưng đối với em, hắn tiêu biểu cho một hạng người mà em ghét nhất.
- Anh hiểu.
- Anh hiểu thê? Thật đáng yêu. Em đã cố hết sức để có chút tình cảm với hắn, nhưng đúng là một anh chàng đáng ghét, đáng ghét thật sự.
- Hồi chiều này hắn bảo với bọn anh hắn sẽ lên chức đại uý.
- Thế à? – Catherine bảo – Được vậy chắc hắn ta khoái lắm.
- Thế em có thích anh được lên chức cao hơn không?
- Không, anh yêu à. Em chỉ muốn anh có được một chức vừa đủ để được vào ăn ở những chỗ sang trọng mà thôi.
- Thì đúng là cấp bậc của anh đó.
- Câp bậc của anh như thế là tuyệt rồi. Em không cần anh phải lên chức cao. Điều đó có thể làm cho anh bốc lên. Này anh yêu, em vô cùng hài lòng vì anh không tự phụ. Cho dù anh có tự phụ, em cũng lấy anh, nhưng có một người chồng không tự phụ bao giờ cũng dễ thở hơn.
Chúng tôi thì thầm cạnh nhau bên ngoài bao lơn. Trăng đáng lẽ đã lên rồi nhưng sương mù bao trùm thành phố nên không thấy được trăng. Chúng tôi đi vào trong nhà. Bên ngoài sương mù đã chuyển sang mưa. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt trên mái nhà. Tôi trổi dậy xem cửa sổ thấp có bị mưa tạt vào không. Nhưng mưa không hắt vào nên tôi vẫn để cửa sổ mở.
- Thế ban chiều anh còn gặp những ai nữa?
- Ông bà Meyers.
- Toàn những người kỳ lạ.
- Đúng ra thì ông ta đang phải ngồi tù tại quê nhà ông ấy. Nhưng người ta lại thả ông ta ra để cho ông chết ở ngoài.
- Và từ đó ông ta sống sung sướng tại Milan.
- Sung sướng à? Anh không hiểu đến mức nào.
- Nhưng em nghĩ phải sung sướng hơn trong tù chứ.
- Bà Meyers sắp mang quà đến đây.
- Bà ta thường mang đến những món quà rất đẹp. Thế bà ta có gọi anh là con yêu của bà không?
- Một trong những người con yêu của bà.
- Các anh là những người con yêu của bà. Bà ta rất thích những cậu con yêu đó. Lắng nghe mưa rơi kìa.
- Mưa nặng hạt quá.
- Và anh sẽ yêu em mãi mãi phải không anh?
- Phải, đúng thế.
- Và mưa rơi nặng hạt cũng không đáng ngại gì phải không?
- Phải, đúng thế.
- Vậy thì tốt lắm, bởi vì em sợ mưa.
- Tại sao?
Tôi buồn ngủ. Bên ngoài trời mưa to.
- Em cũng không biết nữa, anh yêu ạ. Khi nào em cũng sợ trời mưa.
- Còn anh thì thích mưa.
- Em thích đi dạo dưới cơn mưa. Nhưng mưa có hại cho tình yêu.
- Nhưng anh mãi mãi yêu em mà.
- Còn em, em yêu anh, dù mưa, dù tuyết, dù bão, dù gì gì đi nữa.
- Vậy à? Anh buồn ngủ quá.
- Ngủ đi, anh yêu. Dù thế nào đi nữa, em vẫn yêu anh.
- Thế thật tình em không sợ mưa chứ?
- Không, nếu có anh bên em.
- Sao em lại sợ mưa?
- Em không biết nữa.
- Nói cho anh nghe đi nào.
- Đừng bắt em phải nói.
- Nói cho anh nghe đi mà.
- Không, đừng gặng hỏi em.
- Nói cho anh nghe đi.
- Thôi được, vì anh thích. Em sợ trời mưa vì đôi khi em thấy em chết trong mưa.
- Không có đâu.
- Và đôi khi em thấy chính anh cũng chết trong mưa.
- Như thế họa may đúng hơn.
- Không, không đúng, anh yêu. Anh không bao giờ chết cả, vì em biết em có thể che chở cho anh được yên ổn. Em biết là em có khả năng. Nhưng không có ai tự che chở cho mình được.
- Thôi xin em, như thế đủ rồi. Anh không muốn nghe em nói chuyện huyễn hoặc và như một người điên đêm nay đâu. Chúng ta sẽ chẳng còn gần nhau được bao nhiêu lâu nữa.
- Đúng thế, em huyễn hoặc và điên rồ thật. Mà thôi, em không nói chuyện dại dột nữa đâu.
- Ừ, đúng là chuyện dại dột.
- Chỉ toàn là chuyện vô lý nhảm nhí. Thôi, em không sợ mưa nữa đâu. Nhất định không sợ nữa. Trời ơi, ước ao sao đừng sợ mưa nữa.
Nàng khóc nức nở. Tôi dỗ mãi nàng mới nín, nhưng bên ngoài trời vẫn mưa rả rích.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 20
Một buổi chiều chúng tôi đi xem đua ngựa, Ferguson và Crowell Rodgers cùng đi. Rodgers là anh chàng bị thương ở mắt bởi đầu đạn trái phá. Ferguson và Catherine trang điểm sau bữa ăn. Còn tôi và Crowell ngồi ở giường trong phòng đọc các tạp chí đăng tin về những cuộc đua ngựa tuần qua cùng những lời bình luận. Đầu Crowell bị băng nên anh ta không để ý lắm vào những cuộc đua này. Nhưng để giết thì giờ anh ta cứ cầm tờ tạp chí đua ngựa đọc và biết về bước đua của ngựa. Anh ta bảo ngựa chẳng có nghĩa lý gì cả.
Bốn đứa chúng tôi đến San Siro bằng xe ngựa để mui trần. Trời hôm nay thật đẹp. Xe chúng tôi chạy ngang công viên, theo đường xe điện va1 sau khi ra khỏi thành phố, vào một con đường đầy bụi bặm. Nơi đây có nhiều biệt thự rào song sắt, những khu vườn rậm rạp rộng lớn cùng những hào nước chảy và vườn rau phủ đầy bụi. Trên cánh đồng chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều nhà cửa và trang trại trù phú xanh tươi với những mương nước tưới tiêu. Những ngọn núi trồi lên ở phía Bắc. Nhiều xe chạy vào trường đua và những người gác cổng để chúng tôi vào tự nhiên không xét hỏi giấy tờ vì chúng tôi mặc quân phục. Chúng tôi xuống xem mua chương trình rồi đi qua sân cỏ vào trong trường đua. Trên sân cỏ một toán lính đứng dài theo hàng rào. Người ta dang cho ngựa quần dưới những tán cây đàng sau khán đài. Chúng tôi thấy nhiều người quen và sau khi kiếm được ghế ngồi cho Catherine và Ferguson, chúng tôi xem xét đàn ngựa.
Những con ngựa đi vòng, con sau nối đuôi con trước, đầu cúi xuống. Một trong mấy con có lông sắc tím đen, Crowell quả quyết là họ sơn nó. Nó ra đúng lúc chuông rung báo giờ lên yên. Chúng tôi kiểm trên chương trình theo số mà người nài ngựa đeo ỏ trên tay. Người ta ghi trong đó là ngựa ô thiến tên Japalac. Độ đua này dành cho những con ngựa ô từng thắng cuộc với giá hơn một ngàn đồng “lia”. Catherine bảo chắc người ta đã đổi màu lông của nó. Ferguson chịu không biết được. Tôi thì nghĩ con ngựa đó có vẻ khả nghi. Chúng tôi đều đồng ý đánh cá nó và đặt một trăm đồng lia. Trên thể lệ ghi gía tiền, nó là con ngựa duy nhất với giá một ăn ba mươi lăm. Crowell đi mua giấy cá ngựa trong lúc chúng tôi theo dõi các kỵ mã vòng lại rồi cho ngựa chậm rãi đến chỗ xuất phát.
Chúng tôi lên ngồi trên khán đài để theo dõi cuộc đua. Ở San Siro người ta không còn dùng dây để ngăn nữa. Người ta đóng những con ngựa trông có vẻ nhỏ đứng xếp hàng. Đằng xa phía cuối sân đua, người ta khoa chiếc roi ra lệnh khởi hành. Những con ngựa chạy qua trước chúng tôi. Con ngựa ô dẫn đầu và đến chỗ ngoặt nó bỏ cách xa những con khác. Nó tiếp tục sải đều như thế cho đến khi cuộc đua chấm dứt.
- Tuyệt quá phải không? – Catherine bảo – Thế thì chúng ta được cả thảy là ba ngàn đồng lia. Thật là một con ngựa hay.
- Tôi mong nó đừng đổi màu trước khi người ta trả tiền cho mình – Crowell bảo.
- Ông có trúng không? – tôi hỏi lớn về phía Meyers. Lão ta gật đầu.
- Còn tôi không trúng gì cả - bà Meyers nói – Còn các con, các con đánh cá con nào?
- Japalac.
- Thế à. Đánh con đó một trúng được ba mươi lăm đấy.
- Chúng tôi thích màu lông của nó.
- Tôi không thích. Trông nó xơ xác quá. Người ta khuyên tôi đừng đánh nó.
- Con ngựa đó không trúng được nhiều – Meyers nói.
- Người ta ghi nó giá một ăn ba mươi lăm – tôi bảo.
- Đánh nó không trúng nhiều – Vào giờ chót Meyers khuyên – Họ đổ nhiều tiền vào nó đấy.
- Ai?
- Kempton và nhiều người khác. Để rồi các anh thấy. Họ không đổi hai lấy một đâu.
- Thế chúng tôi mất ba ngàn đồng lia à? – Catherine nói – Tôi không thích những cuộc đua ngựa gian lận như thế.
- Chúng tôi trúng được hai trăm đồng lia.
- Không đáng kể. Hai trăm bạc chẳng thay đổi được gì. Tôi tưởng là đã trúng được ba ngàn đồng lia.
- Gian lận chán quá – Ferguson bảo.
- Dĩ nhiên – Catherine nói – nếu họ không gian lận, mình không bao giờ đánh con ngựa đó cả. Tuy nhiên tôi thích được ba ngàn đồng lia kia.
- Thôi chúng ta xuống uống cái gì đã rồi xem họ trả mình ra sao – Crowell bảo.
Chúng tôi đi qua chỗ họ dán bảng kết quả số ngựa trúng. Chuông rung báo hiệu họ phát tiền ngựa trúng. Con ngựa Japalac được ghi trúng 18,50 đồng lia, thế có nghĩa là tiền trúng không bằng giá vé.
Chúng tôi đến quán giải khát dưới khán đài để uống một ly whisky-soda. Chúng tôi gặp đôi vợ chồng người Ý tôi quen và ông Mc Adams, viên phó lãnh sự. Khi chúng tôi trở lại kiếm Catherine và Ferguson thì họ cũng lên theo với chúng tôi. Hai người Ý trông rất nhã nhặn và Mc Adams ở lại tiếp chuyện với Catherine khi chúng tôi quay trở xuống tiếp tục đánh cá nữa. Ông Meyers đang đứng cạnh cửa phòng bán vé cặp.
- Hỏi xem ông ta đánh cá con nào – tôi bảo Crowell.
- Ông định đánh cá con nào thế, ông Meyers? – Crowell hỏi.
Meyers rút tờ chương trình ra và lấy bút chì chỉ vào số 5.
- Chúng tôi cùng đánh số đó có phiền gì ông không? – Crowell hỏi tiếp.
- Được chứ, đánh đi. Nhưng nhớ đừng có bảo vợ tôi là tôi chỉ cho anh đấy nhé.
- Ông uống gì không ? – tôi hỏi.
- Không, cám ơn. Tôi không hề uống rượu.
Chúng tôi đánh con số 5 một trăm đồng lia, rồi chúng tôi trở lại uống thêm một ly whisky-soda nữa. Tôi thấy khoan khoái trong người. Chúng tôi gặp hai người Ý khác. Họ uống rượu với chúng tôi xong chúng tôi trở lại chỗ Catherine và Ferguson. Hai người Ý mới này lại càng kiểu cách hơn nữa, họ rất hợp với hai người Ý trước. Ai cũng nôn nao không muốn ngồi một chỗ. Tôi đưa vé cho Catherine:
- Con ngựa nào đây?
- Anh không biết. Ông Meyers chọn đấy.
- Anh không biết cả tên của nó nữa à?
- Không, em tìm trên tờ chương trình xem. Số 5 thì phải.
- Anh dễ tin người quá – nàng bảo – Số 5 thắng nhưng không trúng nhiều. Ông Meyers tức lắm.
- Phải bỏ ra hai trăm đồng lia để được hai chục. – ông ta nói – Mười hai được mười. Nhưng không sao cả. Vợ tôi thua hai chục lia.
- Để em xuống theo anh – Catherine bảo tôi.
Mấy người Y’ cùng đứng lên, chúng tôi bước xuống khán đài đi ra sân đua.
- Anh thích nơi này không? – Catherine hỏi.
- Có lẽ thích.
- Cứ cho là vui đi – nàng nói – Nhưng em, anh yêu ạ, em không thể chịu nổi những chỗ đông người như thế này.
- Chúng ta không gặp mấy ai quen ở đây.
- Vâng, nhưng hai vợ chồng Meyers này, rồi người làm ở ngân hàng với vợ của ông ta này…
- Hắn thường trả phiếu chi của anh – tôi bảo.
- Vâng, nhưng người khác cũng làm việc đó được vậy chứ. Còn bọn người Ý anh dẫn lạt thật kinh khủng.
- Chúng ta có thể đứng sau hàng rào này để xem cuộc đua.
- Được rồi, nhưng anh phải nghe em đây. Chúng ta đánh con ngựa nào chưa hề được nghe nói đến và ông Meyers cũng không cá nó nữa.
- Cũng được.
Chúng tôi đánh con “Light for me”. Con này về nhất bốn kỳ trong năm độ đua. Chúng tôi dựa vào hàng rào nhìn những con ngựa đua chạy lóc cóc trước mặt. Xa xa là những rặng núi sừng sững, phía bên kia là những cánh đồng, thành phố Milan chạy dài sau những rặng cây.
- Em cảm thấy khoan khoái lạ - Catherine bảo.
Mấy con ngựa đang trở về. Chúng vượt rào, mồ hôi nhễ nhại, mấy kỵ mã vuốt ve chúng và đến rặng cây thì nhảy xuống.
- Anh có khát không? Chúng ta có thể uống tại đây và xem đua cũng được.
- Để anh đi gọi – tôi nói.
- Để bồi mang đến cho – Catherine khuyên.
Nàng đưa tay lên gọi người bồi ở quán Pagoda cạnh chuồng ngựa. Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế sắt.
- Anh có thấy hạnh phúc hơn khi chỉ có hai đứa mình?
- Nhất định rồi – tôi đáp.
- Em cảm thấy rất lạc lõng giữa những người này.
- Ở đây mình thoải mái hơn – tôi nói.
- Vâng, cuộc đua ngựa này thật thích thú.
- Ừ, tuyệt.
- Anh yêu, em không muốn làm mất cuộc vui của anh. Khi nào anh muốn, em sẽ trở lại.
- Không, chúng ta cứ ngồi yên ở đây uống rồi sẽ đi xuống bờ sông để xem hồi đua ngựa nhảy rào.
- Anh tốt với em quá – nàng bảo.
Hai đứa ngồi cạnh nhau một lúc rồi vui vẻ gặp lại những người khác. Đó là một ngày đẹp.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 21
Vào đầu tháng Chín, đêm bắt đầu mát. Ngày cũng mát và trong công viên lá bắt đầu đổi màu. Ở mặt trận, cuộc chiến đấu không thu được kết quả gì. Chúng tôi không chiếm được San Gabrielle. Những trận đánh ở cao nguyên Bainsizza đã ngưng và giữa tháng cuộc tấn công San Gabrielle cũng ngưng nốt. Người ta không thể chiếm được nơi đó. Ettore đã trở lại mặt trận. Người ta cũng đã chở những con ngựa về La Mã cho nên không còn những cuộc đua ngựa nữa. Crowell cũng đi La Mã trước khi bị triệu hồi về Mỹ. Ở thành phố có hai cuộc biểu tình chống chiến tranh và ở Torino có một cuộc bạo động trầm trọng hơn. Tại câu lạc bộ, một thiếu tá người Anh đã nói với tôi rằng Ý đã mất một trăm năm chục ngàn người ở cao nguyên Bainsizza và ở San Gabrielle. Ông ta còn nói ngoài ra ở Carso họ còn mất thêm bốn chục ngàn người nữa. Chúng tôi cùng uống rượu và nói chuyện. Ông ta bảo “Năm nay thế là các trận đánh đã chấm dứt ở khu chúng tôi. Dân chúng đã có tham vọng quá lớn”. Ông lại thêm là cuộc tấn công ở Flanders đã thất bại. Nếu địch tiêu diệt quá nhiều như hồi đầu thì đến mùa thu sang năm quân đồng minh sẽ kiệt quệ. Ông ta lại bảo là “Chúng tôi đều kiệt quệ cả, nhưng điều đó không quan trọng, nếu chúng tôi không ngờ tới. Mà tất cả chúng tôi đều kiệt quệ thật”. Tôi hỏi ông về nước Nga. Ông ta bảo nước Nga kiệt quệ hoàn toàn, nước Áo và Ý cũng vậy. “Thôi tôi phải đi đây” – tôi nói “Tôi phải trở về bệnh viện”. “Thôi chào anh” – ông ta nói rồi vui vẻ tiếp “Chúc anh nhiều may mắn”.
Tôi ghé lại tiệm hớt tóc rồi mới về bệnh viện. Chân tôi đã lành hẳn. Tôi không ngờ chân tôi lành mau như vậy. Ba ngày trước tôi còn đi khám lại. Tôi cần phải điều trị thêm vài lần nữa. Dài theo lề đường, tôi đi trên hè phô, cố gắng không tập tễnh. Một ông lão đang ngồi cắt hình dưới cổng tò vò. Tôi dừng chân đứng ngắm ông. Hai thiếu nữ ngồi làm mẫu, ông ta cắt hình hai người chung nhau bằng kéo rất nhanh nhẹn, vừa cắt vừa nhìn họ, đầu nghiêng một bên. Hai cô gái cười khúc khích. Ông ta đưa cho tôi xem hai cái hình bóng rồi dán lên tờ giấy trắng rồi trao lại cho hai cô gái.
- Đẹp lắm – ông ta bảo – Bây giờ đến lượt trung uý chứ?
Hai cô gái vừa đi vừa ngắm hình và cười. Trông họ rất đáng yêu. Một trong hai cô làm việc ở quán rượu trước cửa bệnh viện.
- Được rồi – tôi bảo.
- Xin trung uý bỏ mũ ra cho.
- Không, tôi muốn đội mũ.
- Thế thì không được đẹp cho lắm – ông ta bảo – Nhưng như thế có vẻ quân nhân hơn – Gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên.
Ông cắt miếng giấy đen, tách ra làm đôi rồi dán hình nghiêng trên tờ bìa và đưa cho tôi.
- Bao nhiêu hả cụ?
- Không có chi cả - ông khoát tay – Tôi tặng cho trung uý đấy.
- Xin ông vui lòng nhận cho – tôi đưa cho ông tiền lẻ.
- Không, tôi thích cắt hình trung uý. Hãy đem về tặng cho cô bạn gái của trung uý đi.
- Cám ơn ông nhiều lắm, lần khác vậy.
- Tạm biệt.
Tôi tiếp tục đi về bệnh viện. Tôi nhận được một công văn và vài bức thư khác. Tôi còn ba tuần nghỉ phép dưỡng bệnh rồi lại phải trở ra mặt trận. Tôi cẩn thận đọc đi đọc lại bức công văn đó. Phải, đúng thế, giấy phép nghỉ dưỡng bệnh bắt đầu từ hôm mùng bốn tháng Mười. Khi tôi trị xong vết thương là ba tuần lễ, đi 21 ngày, vậy là tôi được nghỉ đến 25 tháng Mười. Tôi báo là tôi không về bệnh viện, tôi đi đến một nhà hàng hơi xa bệnh viện một tí, dùng cơm tại đó, đọc thư và báo. Có một bức thư của ông nội tôi gởi, gồm tin tức gia đình, những lời động viên yêu nước, một ngân phiếu 200 đô la, vài mẩu báo cắt. Một bức thư buồn bã của cha tuyên uý, một bức thư khác của người bạn phi công giúp việc cho Pháp kể chuyện đã gia nhập với một bọn hung dữ và một bức thư của Rinaldi hỏi tôi còn định chôn chân ở Milan bao nhiêu lâu nữa và hỏi thăm tin tức. Anh nhờ tôi mang cho anh mấy cái đĩa hát và kèm theo đó là một danh sách những đĩa hát anh thích. Tôi uống một chai Chianti nhỏ trong bữa ăn, sau đó lại uống cà phê và một ly cô nhắc. Tôi gấp tờ báo lại, cho mấy bức thư vào túi, để tiền thù lao và tờ báo ở trên bàn và đi ra. Về đến phòng riêng ở bệnh viện, tôi thay quần áo ngủ, khoác aó choàng ra bên ngoài. Tôi thả tấm màn che cửa nhìn ra bao lớn xuống, rồi ngồi trên giường đọc tờ báo Boston của bà Meyers mang đến cho các cậu con trai yêu quý trong bệnh viện này. Catherine mãi đến 9 giờ mới phải làm việc. Tôi nghe thấy tiếng chân nàng bước và có lần thấy nàng đi qua hành lang. Nàng đến thăm mấy phòng kia và sau cùng bước vào phòng tôi.
- Em đến trễ quá anh nhỉ? – nàng bảo – Hôm nay có nhiều việc phải làm. Anh có khoẻ không?
Tôi kể cho nàng nghe về báo chí và giấy phép.
- Tuyệt quá – nàng bảo – Thế anh muốn đi đâu nào?
- Không muốn đi đâu cả. Anh chỉ muốn ở lại đây.
- Dại lắm, anh chọn một nơi nào đi, em sẽ đi với anh.
- Em làm cách nào?
- Không biết. Nhưng thế nào em sẽ tìm được cách.
- Em tài thật.
- Không đâu. Nhưng nếu mình không mất mát gì cả thì đời mình sẽ không khổ.
- Em muốn nói gì thế?
- Không có gì cả. Em chỉ nghĩ có những trở ngại không đáng kể trước đây mà mình lại cho là lớn lao.
- Anh nghĩ em khó mà đi được với anh.
- Ồ không đâu anh ạ, nếu cần em chỉ việc xin thôi việc, nhưng sẽ không đến nỗi thế đâu.
- Chúng ta sẽ đi đâu em?
- Em không cần. Anh muốn đi đâu cũng được. Đến nơi nào mà chúng ta không quen biết ai cả.
- Chúng ta đi đến đâu cũng được phải không?
- Vâng, bất cứ nơi nào mà anh thích.
Nàng trông có vẻ bồn chồn và bứt rứt.
- Có chuyện gì thế, Catherine?
- Không, không có chuyện gì cả.
- Có, em có chuyện gì.
- Không, không có gì. Thật không có chuyện gì cả mà.
- Anh biết là co. Em yêu, hãy nói cho anh nghe đi. Em hãy nói cho anh nghe mà.
- Chẳng có chuyện gì cả.
- Nói cho anh nghe đi.
- Em không muốn. Em sợ sẽ làm cho anh mất vui và lo lắng.
- Không , anh sẽ không lo lắng.
- Thật thế ư? Chuyện này không làm cho em lo lắng nhưng em e nó sẽ làm cho anh lo.
- Không , điều đó sẽ không làm cho anh lo lắng.
- Em không muốn nói cho anh nghe.
- Có. Nói anh nghe đi.
- Phải nói à?
- Ừ.
- Em sắp có con anh ạ, gần ba tháng rồi. Anh không lo chứ? Nói cho em biết đi anh. Em van anh đấy. Anh không nên lo lắng về chuyện đó.
- Có gì đâu.
- Thật ư?
- Thật thế chứ sao?
- Em đã làm đủ mọi cách. Em uống đủ mọi thứ nhưng vô ích.
- Có gì đâu mà phải lo lắng thế.
- Em không thể không lo được anh ạ. Em không bao giờ lo về chuyện đó. Anh cũng thế. Anh không nên khổ sở hay lo lắng về chuyện đó anh nhé.
- Anh chỉ lo cho em mà thôi.
- Đấy, đó chính là điều em không muốn. Hàng ngày biết bao nhiêu trẻ con ra đời. Ai cũng có thể có con cả. Đó là tự nhiên mà.
- Em đáng yêu quá.
- Không, không, anh đừng quan tâm được việc đó nữa anh yêu. Em cố làm cho anh không buồn. Em biết em vừa làm cho anh buồn. Nhưng từ trước đến giờ em vẫn là một thiếu nữ đứng đắn chứ? Anh không bao giờ nghi ngờ gì về điều đó phải không anh?
- Không.
- Sẽ mãi mãi như vậy. Chỉ có một điều thôi là đừng lo lắng gì cả. Em thấy rõ là anh lo lắng. Đừng, đừng như thế. Anh muốn uống một tí rượu không anh yêu? Em biết là khi anh uống rượu, anh sẽ vui vẻ lên ngay.
- Không, anh đang vui và em thì rất đáng yêu.
- Không đâu. Nnưng em sẽ thu xếp mọi việc để đi cùng với anh khi anh chọn được địa điểm. Vào độ tháng Mười này thật thú vị vô cùng. Chúng ta sẽ vui vẻ anh ạ, và khi nào anh trở ra mặt trận, mỗi ngày em sẽ viết thư cho anh.
- Lúc ấy em ở đâu?
- Em chưa biết được. Nhưng có thể ở một nơi danh lam thắng cảnh nào đó. Em sẽ lo chuyện đó.
Chúng tôi im lặng một lúc lâu không nói gì. Catherine ngồi trên giường. Tôi nhìn nàng nhưng chúng tôi không đụng vào nhau. Chúng tôi ngồi cách xa nhau như là có ai bất thình lình bước vào phòng. Catherine đưa tay nắm lấy tay tôi:
- Anh không giận gì chứ hả anh?
- Không.
- Và anh cũng không cảm thấy bị ràng buộc chứ?
- Có lẽ hơi hơi thôi. Nhưng không phải bị ràng buộc bởi em.
- Em không muốn nói là anh bị ràng buộc bởi em. Đừng nói bậy bạ, anh đừng giả vờ như thế. Em chỉ muốn nói là bị ràng buộc một cách tổng quát mà thôi.
- Người ta luôn luôn cảm thấy bị giam hãm, ràng buộc đứng về phương diên sinh lý.
Nàng không động đậy, cũng không rút tay lại, nhưng tôi cảm thấy nàng cách xa tôi quá.
- Tiếng luôn luôn nghe không được êm tai.
- Xin lỗi em.
- Không có gì cả. Nhưng có điều này anh như đã biết, em đã chưa hề có con cũng như chưa hề yêu ai cho đến bây giờ…Và em đã cố gắng để trở thành con người mà anh ao ước, thế mà bây giờ anh lại nói “luôn luôn”.
- Thế em có muốn anh cắt lưỡi đi không? – tôi hỏi.
- Ồ anh yêu của em! (nàng trở lại từ thế giới xa xôi mà nàng vừa ở). – Anh đừng quan tâm đến lời em nói.
Chúng tôi lại cảm thấy gần gũi nhau. Mọi buồn bực đều tan biến.
- Thật ra chúng ta tuy hai mà một. Vậy chúng ta không nên hiểu lầm nhau.
- Đúng vậy.
- Tuy vậy điều đó vẫn xảy ra. Lắm người yêu nhau rồi chỉ vì hiểu lầm mà sinh ra cãi cọ rồi chia lìa.
- Chúng ta sẽ không bao giờ cãi cọ với nhau.
- Không, không nên cãi cọ. Bởi vì hai chúng ta là một và trên thế gian này còn có nhiều người khác nữa.
Nàng đến mở cánh cửa tủ rồi đem lại chai rượu và cái ly.
- Anh uống một tí cô nhắc nhé? Anh ngoan lắm – nàng nói.
- Không, anh cảm thấy không muốn uống.
- Một chút thôi.
- Thôi được rồi.
Tôi rót đầy ba phần ly rồi uống cạn.
- Anh uống nhiều quá. Em biết rượu mạnh là đồ uống của người người anh hùng, nhưng cũng không nên quá chén.
- Sau chiến tranh chúng ta sẽ sống ở đâu nhỉ?
- Có lẽ ở nhà mấy ông già bà lão. Ba năm nay em ngây thơ chờ mong chiến tranh chấm dứt vào ngày lễ Giáng sinh. Nhưng bây giờ em cho là sẽ không trước khi con chúng ta làm đến chức tổng tư lệnh.
- Không, nó sẽ làm đến đại tướng.
- Nếu đó là chiến tranh 100 năm, nó sẽ có đủ thì giờ chiếm được cả hai chức ấy.
- Em uống tí gì nhé?
- Không, anh uống vào thấy thích chứ em uống thì thấy chóng mặt lắm anh ạ.
- Em có bao giờ uống rượu mạnh không?
- Không anh ạ, em là một người vợ cổ lỗ.
Tôi với tay lấy chai rượu đã để dưới đất và rót thêm một ly nữa.
- Em phải đi thăm các chiến hữu của anh một chút – Catherine bảo – Anh có thể đọc báo chờ em trở lại.
- Em phải đi thật à?
- Vâng, bây giờ hoặc tí nữa cũng được.
- Vậy thì đi bây giờ đi.
- Tí nữa em sẽ trở lại.
- Anh sẽ đọc xong tờ báo này.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 22
Đêm ấy trời trở lạnh và ngày hôm sau thì mưa. Từ Ospedale Maggiore về, trời mưa to cho nên khi đến nơi tôi ướt sũng. Mưa đổ nặng hạt bên ngoài bao lơn phòng tôi và nước mưa theo gió tạt vào cánh cửa kính. Tôi thay quần áo, uống một it rượu mạnh nhưng không thấy ngon. Ban đêm tôi đau tim, và sáng đó sau bữa điểm tâm, tôi nôn mửa ra hết.
- Thôi không còn nghi ngờ gì hết – bác sĩ trưởng bảo – Này cô, cô hãy nhìn vào tròng trắng mắt hắn xem.
Cô Gage nhìn vào tròng mắt tôi. Họ bắt tôi nhìn vào trong gương. Tròng mắt tôi biến thành màu vàng, tôi đã mắc bệnh hoàng đản. Tôi nằm đau mất hai tuần vì thế chúng tôi không cùng nhau đi nghỉ ở đâu cả. Chúng tôi đã dự định đi Pallenza. Từ Milan đi Stresa dễ dàng nên ở đó có rất nhiều người quen biết. Ở Pallenza có một ngôi làng rất đẹp và có thể bơi thuyền ra các hòn đảo của những người chài lưới, đồng thời ở hòn đảo lớn nhất lại có cả tiệm ăn. Nhưng chúng tôi đã không đi được.
Một hôm tôi đang nằm trên giường vì bệnh hoàng đản thì cô Van Campen bước vào phòng. Cô mở cửa tủ ra và thấy chai rượu không trong đó. Tôi đã gởi đi cho ông thường trực rất nhiều chai không và chắc là cô ta trông thấy cho nên mới lên phòng tôi xem còn chai nào không. Phần nhiều là những chai Vermouth, Capri, Marala và vài hũ Chianti rỗng, một vài chai cô nhắc. Ông thường trực đã mang đi những chai lớn, loại chai đựng rượu Vermouth và các hũ Chianti có chèn rơm chung quanh, ông để lại các chai rượu mạnh. Cô Van Campen tìm thấy những chai rượu mạnh đó và một chai rượu mùi hình con gấu. Chai hình con gấu làm cô giận dữ nhất. Cô đưa cái chai ra ngoài ánh sáng. Gấu ngồi chồm hổm đưa chân lên. Ở đầu gấu có một cái nút và dưới đáy chai còn đóng mấy tảng thuỷ tinh. Tôi bật cười to lên.
- Rượu mùi đấy. Rượu ngon nhất từ Nga đưa sang, đóng trong chai hình con gấu.
- Tất cả những chai này đều là rượu mạnh cả phải không? – Cô Van Campen hỏi.
- Tôi không thấy gì hết, nhưng có lẽ thế - tôi đáp.
- Như thế này đã bao lâu rồi?
- Tôi mua và chính tôi đem vào. Tôi thường có các sĩ quan Ý đến thăm và tôi phải có rượu để mời họ.
- Còn ông không uống chứ? – cô hỏi.
- Có, tôi có uống chứ.
- Ồ, ông uống rượu à? – Cô nói – Mười một chai rượu hết sạch và còn cả chai rượu hình con gấu nữa.
- Rượu mùi đấy mà.
- Tôi sẽ cử người đi mua. Ông chỉ có tất cả bấy nhiêu chai hết phải không?
- Bây giờ thì chỉ có nhiêu đó.
- Tôi thương hại ông mắc phải chứng hoàng đản. Thương hại ông thật thừa!
- Cám ơn.
- Tôi cho rằng người ta không thể khiển trách ông không muốn trở lại mặt trận. Nhưng theo tôi nghĩ ông nên tìm cách nào khác hơn là tạo cho mình chứng hoàng đản bằng cách uống rượu.
- Bằng cách gì?
- Bằng cách uống rượu. Ông nghe tôi nói chứ?
Tôi không nói gì cả.
- Nếu ông không tìm cách nào khác nữa tôi lo rằng ông sẽ phải trở ra mặt trận khi hết chứng bệnh này. Tôi không tin rằng tự mình làm mắc chứng bệnh hoàng đản như thế mà ông được nghỉ phép dưỡng bệnh.
- Ồ, thật thế à?
- Vâng, tôi không tin như thế.
- Thế cô đã mắc chứng bệnh hoàng đản bao giờ chưa hả cô Van Campen?
- Chưa, nhưng tôi đã thấy có nhiều người bị rồi.
- Cô có nhận thấy bệnh nhân thích bệnh ấy như thế nào không?
- Nhưng tôi cho rằng thế còn hơn là bị ra trận.
- Này cô Van Campen – tôi nói – Thế có bao giờ cô thấy người nào tự làm cho mình bất lực bằng cách đá vào bọng đái của mình không?
Cô Van Campen không ngờ đến câu hỏi hóc búa đó. Hoặc là cô giả vờ tảng lờ hoặc là cô nên rời khỏi phòng. Nhưng cô chưa muốn đi vội bởi vì cô đã ghét tôi từ lâu và bây giờ cơ hội đó đã đến.
- Tôi biết nhiều người tự làm cho mình bị thương để khỏi ra mặt trận.
- Tôi không muốn hỏi cô như thế. Chính tôi tôi cũng thấy nhiều vết thương cố tình. Tôi chỉ muốn hỏi cô một điều là cô đã thấy người nào tự ý làm cho mình bất lực bằng cách đá vào bọng đái của mình không. Vì trong những cảm giác, thứ đó giống bệnh hoàng đản nhất. Và đó là một cảm giác tôi tin chắc ít có người đàn bà nào biết. Chính vì thế mà tôi hỏi cô là cô đã mắc bệnh hoàng đản lần nào chưa. Này cô Van Campen, vì…
Cô Campen đã rời khỏi phòng, một lát sau cô Gage đi vào.
- Anh đã nói gì với cô Campen thế? Cô ta rất giận dữ.
- Chúng tôi so sánh các cảm giác. Tôi cố gợi hỏi xem cô ta có bao giờ cảm thấy đau đẻ chưa.
- Anh ngốc. Cô ấy sẽ lột da anh ra cho mà xem.
- Cô ấy đã làm rồi – tôi nói – Cô ấy đã cắt giấy phép nghỉ dưỡng bệnh và có lẽ tìm cách đưa tôi ra toà án quân sự. Như thế thì hèn thật.
- Cô ấy không bao giờ thích anh – cô Gage nói – Vì sao thế?
- Cô ấy bảo tôi tự uống rượu cho mắc chứng hoàng đản để khỏi phải trở lại mặt trận.
- Ô tưởng gì – Cô Gage nói – Tôi sẵn sàng tin rằng anh không hề uống một giọt rượu nào cả và mọi người cũng sẽ tin như thế.
- Nhưng cô ấy đã tìm thấy mấy chai rượu không rồi.
- Tôi đã bảo anh cả trăm lần là nên vứt những chai ấy đi. Thế chúng đâu rồi?
- Trong tủ.
- Thế anh có một cái va ly không?
- Không, hãy bỏ chúng vào trong cái túi của tôi.
Cô Gage xếp chai vào túi rồi bảo “Tôi sẽ giao nó cho ông thường trực”. Nàng tiến ra cửa.
- Khoan đã – Cô Van Campen chặn lại – tôi muốn chính tay tôi lấy mấy chai này đi – Ông thường trực đi theo cô ta – Ông hãy mang những thứ này đi – cô ta bảo – Tôi muốn đưa cho bác sĩ coi để làm bản báo cáo.
Cô ta khuất dần trong hành lang. Ông thường trực mang chiếc túi mà ông biết rõ trong đó đựng những gì.
Chẳng có việc gì xảy ra ngoài việc mất giấy phép cả.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 23
Vào buổi tối, ngày tôi trở lại mặt trận, tôi dặn ông thường trực giữ cho tôi một chỗ trong chuyến xe lửa từ Turin đến. Xe lửa khởi hành vào lúc nửa đêm. Xe từ Turin đến Milan vào khoảng mười giờ rưỡi đêm và ngừng tại đó cho đến lúc khởi hành. Người ta phải túc trực ở đó lúc xe đến để giữ chỗ ngồi. Ông thường trực cùng đi với bạn, là một xạ thủ súng máy nghỉ phép, trước kia là thợ may. Họ cho rằng đi cả hai chắc sẽ giữ được chỗ cho tôi. Tôi đưa cho họ tiền để họ mua vé vào ga và nhờ họ giữ giùm hành lý của tôi, gồm một túi lớn và hai cái túi dết.
Vào khoảng năm giờ, tôi từ giã tất cả mọi người trong bệnh viện rồi ra đi. Ông thường trực để hành lý của tôi ở chỗ ông và tôi bảo tôi sẽ đến ga trước nửa đêm một chút. Vợ ông gọi tôi là “ngài” và khóc. Bà lau nước mắt, bắt tay tôi rồi khóc nữa. Tôi vỗ vai, bà lại càng khóc thêm, bà đã từng vá quần áo cho tôi. Bà mập và lùn, gương mặt vui vẻ, tóc bạc trắng. Khi bà khóc thì gương mặt bà nhăn nhúm lại. Tôi xuống quán rượu ở góc đường vào trong ngồi nhìn ra cửa sổ và chờ đợi. Bên ngoài trời tối và lạnh, sương mù phủ kín. Tôi trả tiền rượu nho và cà phê rồi nhìn ngắm người qua lại nhờ ánh sáng nơi cửa sổ. Khi nhìn thấy Catherine, tôi gõ nhẹ vào cửa sổ. Nàng trông thấy tôi liền quay lại và mỉm cười, tôi ra ngoài đón nàng. Nàng choàng áo khoác ngoài màu xanh đậm, đội chiếc mũ da mềm. Chúng tôi thả bộ trên hè phố dọc theo các quán rượu, qua khu chợ, lên đường cái rồi băng qua cửa ngọ môn, đến khu nhà thờ. Chúng tôi đi qua đường sắt xe điện và thấy nhà thờ từ xa trỗi lên trong sương mù trắng xóa, ướt át. Bên trái chúng tôi là các cửa tiệm buôn bán sáng choang và cửa vào viện bảo tàng. Ở đây sương mù dầy đặc và khi chúng tôi đến trước nhà thờ tôi có cảm giác nó đồ sộ và mặt đá ướt đẫm sương.
- Em muốn vào không?
- Không – Catherine đáp.
Chúng tôi lại tiếp tục đi. Trong bóng tối nơi vòm cửa đá một người lính đang đứng với cô bạn gái. Chúng tôi đi ngang qua họ, họ ôm chặt lấy nhau, dựa vào tường đá và anh trùm cô trong chiếc áo choàng.
- Họ cũng giống như mình – tôi bảo.
- Không ai giống như mình cả - Catherine trả lời. Ý nghĩ này làm nàng không vui.
- Phải chi họ có chỗ để đi.
- Thế họ cũng chẳng hạnh phúc hơn.
- Anh không biết. Ai cũng phải có một nơi để ẩn náu.
- Thế thì họ luôn luôn có nhà thờ - Catherine bảo.
Chúng tôi vượt qua họ. Bây giờ chúng tôi ở bên kia quảng trường và ngắm nhìn nhà thờ. Trong sương mù nó trông đẹp lạ thường. Chúng tôi dừng lại trước cửa hàng da. Trong tủ kính có trưng bày ủng, ba lô, giầy trượt tuyết. Các thứ hàng được sắp riêng ra, ba lô để ở giữa, ủng một bên, và bên kia là giày trượt tuyết, da đen bóng như yên ngựa đã dùng rồi. Ánh đèn điện phản chiếu lấp lánh trên mặt da đen bóng.
- Biết đâu ngày nào đó chúng mình có dịp trượt tuyết.
- Hai tháng nữa sẽ có trượt tuyết ở Murren – Catherine bảo.
- Vậy ta đến đó nhé?
- Vâng – nàng đáp.
Chúng tôi tiếp tục đi qua những cửa hàng khác và rẽ xuống con đường bên cạnh.
- Em chưa bao giờ đi qua con đường này cả.
- Đây là con đường anh đi đến bệnh viện – tôi trả lời.
Con đường hẹp. Chúng tôi đi qua bên tay phải. Trong sương mù dày đặc, nhiều người qua lại. Đây cũng có các cửa hiệu và quầy hàng tràn ngập ánh sáng. Chúng tôi nhìn vào cửa kính gian hàng bán pho mát. Tôi đứng trước cửa hiệu bán vũ khí.
- Vào đây một tí, anh phải mua một khẩu súng.
- Súng loại nào?
- Súng lục.
Chúng tôi bước vào cửa tiệm. Tôi cởi giây thắt lưng để trên quầy với một bao súng không. Sau quầy có hai người đàn bà, họ mang ra nhiều súng lục cho tôi xem.
- Phải vừa cái bao này mới được – tôi vừa nói vừa mở bao súng. Đó là một thứ bao bằng da xám, tôi đã mua lại để mang trong thành phố.
- Mấy khẩu súng này có tốt không hả anh? – Catherine hỏi.
- Khẩu nào cũng giống nhau cả. Tôi thử khẩu này được không? – tôi hỏi một bà.
- Ở đây không có chỗ để thử bắn – bà ta bảo – Nhưng khẩu súng này rất tốt. Với khẩu súng này ông không bao giờ bắn trượt cả.
Tôi lên cò rồi bắn thử, lò xo hơi cứng nhưng rất trơn. Tôi nhắm và bấm cò một lần nữa.
- Súng này đã được dùng rồi. Súng này là của một sĩ quan thiện xạ.
- Thế ra bà đã bán cho ông ấy à?
- Vâng
- Thế làm sao bà có nó lại được?
- Người cần vụ của ông ấy bán lại.
- Biết đâu bà chẳng lấy lại súng của tôi như thế - tôi bảo – Giá bao nhiêu đây?
- Năm chục đồng “lia”. Gía rất rẻ.
- Thôi được. Tôi muốn mua thêm hai gắp đạn và một hộp đạn.
Bà ta cúi xuống quầy hàng lấy những thứ ấy ra.
- Ông có cần gươm không? Tôi có vài cây đã dùng rồi, giá rẻ lắm.
- Tôi sắp sửa ra mặt trận.
- Ô, thế thì ông không cần gươm.
Tôi trả tiền, cho đạn vào súng, đút súng vào bao, nạp đạn dư vào hai gắp nhét vào hai túi dư nhô lên trên bao súng rồi tôi móc nó vào thắt lưng. Tôi nghe nằng nặng ở đai lưng vì có khẩu súng lục. Đến bây giờ tôi vẫn còn nghĩ là luôn luôn mang bên mình một khẩu súng lục.
- Thế là bây giờ mình võ trang đầy đủ rồi. Đó là điều luôn luôn phải nhớ làm trước. Người lấy khẩu súng kia của anh đã nằm viện rồi.
- Khẩu súng này chắc là thứ tốt chứ? – Catherine hỏi.
- Ông còn cần chi nữa không ạ? – bà bán hàng hỏi.
- Không biết nữa, chắc là không.
- Khẩu súng có giây giật đấy.
- Tôi đã thấy.
Bà ta có vẻ muốn nài bán thêm món gì nữa.
- Ông không cần còi ư?
- Chắc là không.
Bà ta chào chúng tôi và chúng tôi bước ra ngoài. Catherine nhìn lại cửa tiệm. Bà bán hàng nhìn theo chúng tôi và cúi đầu chào một lần nữa.
- Mấy miếng gương nhỏ gắn vào mẩu gỗ kia để làm gì thế hả anh? – nàng hỏi.
- Để gài bẫy chim. Người ta đặt nó ra ngoài đồng, những con chim sơn ca thấy lấp lánh sẽ đến và người ta bắn nó.
- Thật là những người tài giỏi – Catherine nói - Ở Mỹ anh có bắn chim sơn ca không anh yêu?
- Chẳng bao giờ.
Chúng tôi băng qua đường và lên phía bên kia.
- Bây giờ em cảm thấy dễ chịu hơn – Catherine bảo – Khi mới bắt đầu đi, em cảm thấy buồn vô cùng.
- Khi ở bên nhau chúng mình luôn luôn thấy sung sướng.
- Thì lúc nào chúng mình lại chẳng ở gần nhau.
- Ừ, nhưng nửa đêm anh phải đi xa rồi.
- Đừng nhắc đến nữa, anh yêu.
Chúng tôi vẫn bước đều. Sương mù làm cho ánh đèn trở nên vàng vọt.
- Anh có mệt lắm không? – Catherine hỏi.
- Thế còn em?
- Em chả sao cả. Đi bộ như thế này vui chứ?
- Phải. Nhưng không nên đi lâu quá.
- Vâng.
Chúng tôi rẽ sang con đường không có ánh đèn. Tôi dừng lại ôm hôn Catherine. Trong khi hôn, tôi thấy tay nàng ôm chặt lấy vai tôi. Nàng núp trong áo choàng của tôi khiến cho áo che kín cả hai. Chúng tôi đang đứng dựa vào bức tường cao bên đường.
- Chúng ta đi đâu đi – tôi bảo.
- Vâng – Catherine đáp.
Chúng tôi tiếp tục đi dài theo con đường đến phố rộng xuôi theo con kênh. Phía bên kia có một bức tường gạch và nhà cửa. Trước mặt chúng tôi ở phía ngoài đường có một chiếc xe điện chạy qua cầu.
- Chúng ta có thể đi xe ngựa ở gần cầu kia – tôi bảo.
Chúng tôi đứng trên cầu trong màn sương mù để chờ xe. Nhiều chiếc xe ngựa chạy ngang qua chở đầy hành khách trên đường về nhà. Một chiếc xe ngựa chạy đến nhưng trong xe đã có vài người khách. Sương mù đã biến thành mưa.
- Chúng ta đi bộ hay đi xe điện vậy anh nhỉ? – Catherine hỏi.
- Sắp có chiếc xe khác bây giờ. Ở đây có nhiều xe chạy qua.
- Một chiếc xe đang đến kìa – nàng bảo.
Người đánh xe ngựa cho xe chạy chậm và dừng lại, hạ tấm bảng kim loại trên chiếc đồng hồ tính tiền xuống. Mui xe được căng lên và trên quần áo người đánh xe lấm tấm vài giọt mưa. Chiếc mũ bóng loáng của anh lấp lánh dưới cơn mưa. Chúng tôi ngồi nép vào trong xe và dưới mui xe rất tối.
- Anh bảo xe chạy đến đâu?
- Đến nhà ga. Chúng ta có thể vào khách sạn trước nhà ga.
- Đi như thế này à? Không hành lý gì cả liệu họ có chịu không?
- Được chứ - tôi đáp.
Đoạn đường đến nhà ga rất dài và chạy qua những phố nhỏ dưới trời mưa.
- Tí nữa chúng ta sẽ ăn tối chứ? – Catherine hỏi – Em đang đói đây.
- Chúng ta sẽ ăn tối trong phòng.
- em không có gì để thay mặc cả. Ngay cả áo ngủ cũng không.
- Mình sẽ mua một cái – Nói xong tôi quay ra người đánh xe – Cho xe trở về Via Manzoni.
Anh ta gật đầu và cho xe rẽ sang con đường bên trái. Đến con đường lớn, Catherine tìm một cửa hiệu.
- Đây này – nàng bảo.
Tôi bảo người đánh xe dừng lại. Catherine xuống xe, đi qua lề bên kia và vào cửa hiệu. Tôi ngồi dựa lưng trong xe chờ, trời mưa và tôi ngửi thấy mùi đường xá ẩm ướt cùng mùi ngựa dưới trời mưa. Nàng trở ra với một gói đồ trên tay, bước vội lên xe, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình.
- Em hoang phí quá anh ạ - nàng nói – nhưng chiếc áo này đẹp lắm.
Tới khách sạn, tôi bảo Catherine ngồi chờ trong xe còn tôi đi vào nói chuyện với viên quản lý. Khách sạn hãy còn nhiều phòng. Tôi trở ra trả tiền xe rồi cùng Catherine vào khách sạn. Chú nhỏ mang hộ gói đồ cho chúng tôi, viên quản lý đưa chúng tôi về phía thang máy. Đâu đâu cũng có màn nhung đỏ và ánh đồng sáng chói. Viên quản lý khách sạn theo chúng tôi vào thang máy.
- Thưa ông bà định dùng bữa tối trong phòng ạ?
- Vâng, mang hộ thực đơn lên nhé – tôi nói.
- Ông dùng món gì đặc biệt không? Thịt rừng và khoai chiên?
Chiếc thang máy vượt qua ba tầng, đến mỗi tầng nó phát ra một tiếng “cách”. Sau một tiếng “cách” nữa, nó dừng lại.
- Thế thịt rừng ông có thịt con thú gì?
- Có chim trĩ, có gà lôi.
- Ông cho gà lôi.
Chúng tôi đi dọc theo hành lang. Tấm thảm đã mòn. Có nhiều phòng đóng cửa. Viên quản lý dừng lại và mở một cửa phòng.
- Đây, một phòng rất đẹp.
Chú nhỏ đặt gói đồ trên bàn giữa phòng. Viên quản lý mở màn cửa.
- Bên ngoài sương mù nhiều quá – ông ta nói.
Phòng được trang hoàng bằng thảm đỏ, trong phòng có rất nhiều gương, hai ghế dựa, một cái giường lớn có phủ tấm trải bằng sa tanh. Một cánh cửa thông sang phòng tắm.
- Tôi sẽ gởi thực đơn lên – người quản lý nói. Ông ta cúi chào rồi đi ra.
Tôi tới bên cửa sổ nhìn ra ngoài rồi kéo tấm màn nhung lại. Catherine đang ngồi trên giường nhìn chiếc đèn treo bằng thuỷ tinh. Nàng đã bỏ mũ ra, mái tóc nàng óng ánh dưới ánh đèn. Nàng soi mình trước gương treo trong phòng. Trông nàng không được vui. Nàng để áo choàng trên giường.
- Có chuyện gì thế em yêu?
- Đây là lần đầu tiên em cảm thấy mình như là một cô gái ăn chơi – nàng bảo.
Tôi trở lại cửa sổ kéo màn sang một bên và đứng nhìn ra bên ngoài. Tôi không hề nghĩ là chuyện lại có thể xảy ra như thế.
- Nhưng em đâu phải là một cô gái ăn chơi.
- Em biết lắm anh ạ. Nhưng cảm thấy mình như thế đâu có hay ho gì – giọng nàng khô khan và đều đều.
- Chỉ có khách sạn này là tốt nhất thôi – tôi bảo.
Tôi nhìn ra cửa sổ. Phía bên kia quảng trường có ánh đèn của nhà ga. Trên đường xe ngựa qua lại tấp nập, tôi nhìn thấy cả cây cối trong công viên. Ánh đèn từ khách sạn phản chiếu trên lề đường ướt át. Chẳng lẽ bây giờ lại cãi vã với nhau sao? Tôi thầm nghĩ.
- Đến đây với em đi anh – giọng Catherine trở lại bình thường – đến đây với em đi anh. Em ngoan lại rồi.
Tôi đưa mắt nhìn về phía giường. Nàng mỉm cười. Tôi tiến đến bên giường cạnh nàng và hôn nàng.
- Em là người vợ đáng yêu của anh.
- Vâng, em lúc nào cũng là của anh cả - nàng bảo.
Khi ăn xong chúng tôi cảm thấy vui vẻ hơn và sau đó thật là hạnh phúc. Trong phút chốc căn phòng như trở thành nhà riêng của chúng tôi. Gian phòng của tôi ở bệnh viện trước kia cũng gần như là nhà riêng vậy.
Catherine vắt chiếc áo của tôi trên vai nàng suốt bữa ăn. Chúng tôi đang đói nên ăn rất ngon, chúng tôi uống hết một chai Capri và một chai St Estephe. Tôi uống nhiều còn Catherine cũng uống, nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm cho nàng trở nên vui vẻ. Trong bữa ăn người ta dọn cho chúng tôi thịt gà lôi với khoai chiên và hạt dẻ nấu, sau cùng là món tráng miệng.
- Phòng đẹp đấy – Catherine nói – Chúng ta có thể ở đây suốt thời gian nghỉ tại Milan chứ?
- Phòng này trông buồn cười nhưng cũng dễ chịu.
- Tội lỗi là một điều thú vị - Catherine bảo – Những người lăn mình vào tội lỗi dường như thích thú lắm. Tấm màn nhung đỏ thật thích hợp, còn những chiếc gương này cũng hấp dẫn.
- Em quả là một thiếu nữ có tâm hồn cao cả.
- Em tự hỏi ở trong một gian phòng như thế này, sáng ra khi tỉnh dậy, mình sẽ có cảm tưởng gì nhỉ. Nhưng đây quả là một gian phòng tráng lệ.
Tôi rót ra thêm một ly rượu St Estephe.
- Em muốn chúng ta sa vào tội lỗi thật sự - Catherine bảo – Những gì chúng ta cùng làm có vẻ ngây thơ và giản dị. Em không tin chúng ta đã làm những điều xấu.
- Em cao cả quá.
- Em chỉ khao khát thôi. Và em khao khát đến cực độ.
- Em cũng chỉ là một người đàn bà mà thôi.
- Anh nói đúng. Em cũng chỉ là một người đàn bà. Không ai hiểu điều đó ngoài anh.
- Có một lần, lúc anh mới gặp em, anh đã nghĩ về em suốt một buổi chiều. Anh đã mơ có một ngày nào đó chúng ta cùng đưa nhau đến một khách sạn lớn ở Cavour và tưởng tượng những việc sẽ xảy ra ở đấy.
- Anh liều quá nhỉ. Đây không phải là khách sạn ở Cavour đấy chứ?
- Không, nếu là ở Cavour người ta sẽ không tiếp mình.
- Rồi có ngày họ sẽ tiếp mình. Nhưng chính nhờ thế mà mình khác hẳn anh ạ. Em không bao giờ mơ tưởng gì cả.
- Em không bao giờ nghĩ đến điều gì khác cả à?
- Một tí thôi – nàng nói.
- Em tôi ngoan lắm.
Tôi rót một ly rượu vang nữa.
- Em chỉ là một cô gái thôi – Catherine nói.
- Thoạt tiên anh không nghĩ thế, anh cho rằng em điên.
- Em cũng có hơi điên một tí nhưng em không điên một cách quá phức tạp. Em chưa bao giờ làm phật ý anh phải không anh yêu?
- Rượu là tuyệt nhất – tôi bảo – Rượu làm cho em quên những gì không tốt đẹp.
- Vâng – Catherine bảo – Nhưng rượu cũng đã làm cho ba em mắc bệnh phong rất nặng.
- Cha em còn sống à?
- Vâng, nhưng ông mắc bệnh phong rất nặng. Anh sẽ không bao giờ có cơ hội gặp ông. Còn anh, cha anh còn không?
- Không, chỉ có bố dượng.
- Em sẽ có thể đến thăm ông được không?
- Em không bao giờ có dịp gặp ông đâu.
- Chúng ta hạnh phúc như thế này em không hề quan tâm đến điều gì khác nữa. Em rất sung sướng được làm vợ anh – Catherine nói.
Người bồi đến dọn dẹp các thứ. Một lúc sau yên lặng đến mức chúng tôi nghe tiếng mưa rơi. Dưới đường một chiếc xe hơi bấm còi.
Tôi khẽ đọc
“Sau lưng tôi vẫn hàng nghe
thời gian sải cánh lăm le đến gần”
- Em biết bài thơ đó – Catherine bảo – Đó là một bài thơ của Marvell. Nhưng tả một cô gái không được sống chung với người bạn trai.
Tôi thấy đầu óc sảng khoái và tỉnh táo nên muốn bàn đến những vấn đề cụ thể hơn.
- Em sẽ sanh ở đâu?
- Em chưa biết nữa. Em sẽ tìm chỗ nào tốt nhất.
- Em làm sao có thể lo hết mọi việc?
- Em lo được chừng nào hay chừng đó. Anh đừng bận tâm lo nghĩ làm gì đến chuyện đó anh ạ. Chúng ta còn thì gờ có nhiều con trước khi chiến tranh chấm dứt.
- Gần đến giờ khởi hành rồi.
- Em biết. Chúng ta sẽ đi ngay nếu anh muốn.
- Không.
- Thế thì đừng bận tâm nữa anh nhé. Từ nãy đến giờ anh rất đáng yêu nhưng bây giờ anh bắt đầu lo lắng rồi.
- Anh sẽ không lo nghĩ nữa. Em sẽ viết thư cho anh thường xuyên chứ?
- Mỗi ngày anh nhé. Họ có kiểm duyệt thư anh không?
- Họ không biết tiếng Anh nhiều cho nên không nguy hiểm.
- Em sẽ làm cho họ điên đầu lên – Catherine bảo.
- Nhưng đừng quá lắm em nhé.
- Không, chỉ một tí thôi.
- Chắc đến giờ phải đi rồi.
- Phải đấy anh ạ.
- Anh không thích rời khỏi căn nhà đẹp đẽ này của chúng ta.
- Em cũng thế.
- Nhưng mà phải đi.
- Vâng, chúng ta không bao giờ được ở tại ngôi nhà của chúng ta lâu cả.
- Một ngày kia chúng ta sẽ ở lâu.
- Em sẽ có một ngôi nhà đẹp cho chúng ta khi anh trở lại.
- Có lẽ anh sẽ trở lại ngay.
- Có thể anh sẽ bị thương, chỉ một tí ở chân thôi.
- Hoặc ở vành tai.
- Không, em muốn tai anh vẫn như thế này.
- Hay ở chân?
- Chân anh đã bị thương sẵn rồi.
- Thôi phải đi em yêu ạ.
- Thế anh đi trước đi.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 24
Chúng tôi xuống lầu mà không dùng thang máy. Thảm trải cầu thang đã mòn. Tôi trả tiền bữa ăn tối mà người ta đã dọn lên. Người hầu bàn dọn các thức ăn khi nãy đang ngồi cạnh cửa. Lúc chúng tôi đi ra hắn đứng phắt dậy rồi cúi đầu chào. Tôi theo hắn qua phòng bên cạnh để trả tiền phòng. Viên quản lý xem tôi như bạn thân nên không chịu lấy tiền trước, nhưng khi hắn đi vắng thì hắn không quên dặn người hầu bàn đứng túc trực ở cửa chờ tôi để cho tôi không thể nào đi ra mà không trả tiền. Tôi cho rằng việc đó vẫn xảy ra luôn mà ngay cả trước đây đối với bạn của hắn. Mà thời giặc gĩa người ta có nhiều bạn.
Tôi nhờ người bồi đi tìm cho chúng tôi một cỗ xe ngựa. Hắn đỡ hộ tôi gói đồ của Catherine rồi che dù đi ra. Ở cửa sổ nhìn ra chúng tôi thấy hắn băng qua đường dưới trời mưa tầm tã. Chúng tôi đứng bên cạnh phòng nhìn mưa đợi hắn.
- Em cảm thấy thế nào hả Catherine?
- Buồn ngủ.
- Còn anh, anh cảm thấy bụng trống rỗng và đói lắm.
- Anh có mang theo gì để ăn không?
- Có, trong túi dết.
Chiếc xe ngựa chạy đến và dừng lại, đầu cúi xuống trời mưa. Anh bồi bước ra khỏi xe, che dù và đi về phía khách sạn. Chúng tôi đón anh ta ở cửa và cùng che dù đi xuống con đường ướt át đến chỗ xe đậu bên lề đường. Nước chảy mạnh hai bên vệ đường.
- Gói đồ của hai ông bà để ở trong xe – người bồi nói.
Hắn che dù đứng đó cho đến khi chúng tôi bước lên xe, tôi không quên tặng hắn ít tiền.
- Rất cám ơn. Chúc ông bà vui vẻ.
Người đánh xe ra roi, ngựa bắt đầu bổ vó, người bồi quay trở về khách sạn. Xe chạy xuống đường rẽ sang trái, rồi vòng sang phải và đến trước nhà ga. Có hai người lính mang súng trường đứng dưới ánh đèn tránh mưa. Ánh đèn chiếu lấp lánh trên mũ họ. Nước mưa trong vắt phản chiếu ánh đèn sân ga. Một người phu khuân vác từ trong sân ga bước ra, đôi vai gầy nặng trĩu những hạt mưa.
- Không – tôi bảo – không, cám ơn. Tôi không có gì để nhờ đến anh.
Hắn trở lại núp mưa dưới cổng hình cung. Tôi quay sang Catherine, gương mặt nàng khuất sau bóng tối của mui xe.
- Chúng ta nên chia tay nơi đây.
- Em không thể nào vào trong được ư?
- Không. Giã biệt em, Catherine.
- Anh bảo người đánh xe đưa em về bệnh viện được không?
- Được.
Tôi bảo người đánh xe đưa nàng về bệnh viện. Hắn gật đầu.
- Từ biệt em. Em ráng giữ gìn sức khoẻ và lo cho con nhỏ của chúng ta em nhé.
- Giã biệt anh yêu.
- Giã biệt.
Tôi bước đi dưới trời mưa. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Catherine nhoài người ra ngoài, tôi thấy khuôn mặt nàng dưới ánh đèn. Nàng mỉm cười đưa tay vẫy, chiếc xe lên dốc, Catherine chỉ tay về phía cổng tròn. Tôi nhìn theo chỉ thấy hai tên lính và chiếc cổng vòng cung. Thì ra ý nàng muốn bảo tôi đi vào đó để tránh mưa. Tôi đi vào trong và đứng nhìn chiếc xe xa dần. Xong, tôi đi qua nhà ga để xuống sân ga.
Ông thường trực tìm tôi ở sân ga. Tôi đi theo ông vào trong toa xe lửa. Tôi phải lách người mở lối đi ở hành lang để đến chỗ anh xạ thủ súng máy ngồi trong góc một toa xe. Chiếc ba lô và hai túi dết của tôi để trên túi lưới phía trên đầu anh ta. Có nhiều người đứng trong hành lang. Nhiều người nhìn chòng chọc khi chúng tôi bước vào. Xe lửa không đủ chỗ ngồi cho nên ai nấy đều hằn học. Anh lính sử dụng súng máy đứng lên nhường chỗ cho tôi. Có ai vỗ nhẹ vào vai tôi, tôi nhìn quanh. Đó là viên đại uý pháo binh cao gầy, có một vết sẹo lớn dưới quai hàm. Nhìn thấy tôi qua cửa kính hành lang, anh ta bèn bước vào trong toa.
- Ông muốn gì? – Tôi hỏi.
Tôi quay người lại và quan sát anh ta. Anh ta cao lớn hơn tôi, khuôn mặt gầy gò dưới vành mũ và vết sẹo hãy còn mới, bóng loáng. Mọi người trong toa xe đều đưa mắt nhìn tôi.
- Ông không có quyền làm như thế - anh ta bảo – ông không có quyền dùng một người lính để giữ chỗ cho ông.
- Tôi làm đó.
Anh ta nuốt nước bọt, tôi thấy cục yết hầu của anh ta chạy lên xuống. Anh lính xạ thủ súng máy đứng tại chỗ. Những người khác nhìn qua cửa kính. Trong toa không ai nói gì cả.
- Ông không có quyền làm thế. Tôi đã đứng đây hai tiếng đồng hồ trước khi ông đến.
- Ông muốn gì?
- Chỗ ngồi này.
- Tôi cũng thế.
Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn và cảm thấy cả toa đang nhìn tôi chòng chọc có vẻ phản đối. Tôi không trách họ. Họ có lý nhưng tôi cũng muốn có chỗ ngồi. Tuy nhiên không ai nói gì cả.
“Ồ mình cũng chẳng cần”. Tôi nghĩ.
- Xin mời đại uý ngồi – tôi bảo.
Anh lính súng máy đã xê qua một bên và tên đại uý cao lớn ngồi xuống. Hắn nhìn tôi với vẻ tức giận nhưng dù sao hắn cũng đã có chỗ ngồi.
- Lo giùm tôi một chỗ khác – tôi nói với anh lính.
Chúng tôi bước ra hành lang. Tàu đông quá và tôi biết khó mà tìm được một chỗ. Tôi biếu ông thường trực và anh lính mười lia. Họ đi dọc theo hành lang và xuống sân ga, vừa đi vừa nhìn vào các toa nhưng chẳng còn lấy một chỗ trống nào.
- Đến Brescia sẽ nhiều người xuống – ông thường trực bảo.
- Đến đó họ lại còn lên thêm nữa – anh lính súng máy bảo.
Tôi từ biệt. Hai người bắt tay tôi rồi đi. Cả hai đều có vẻ buồn. Ngoài hành lang mọi người đều đứng cả lúc tàu chạy. Tôi nhìn ánh đèn nhà ga và quảng trường. Trời vẫn mưa, chỉ một lát sau các cửa kính đều ướt khiến cho không thể nhìn ra ngoài được. Sau đó tôi nằm lăn ra ngủ ở hành lang. Tôi đã cất kỹ cái ví đựng tiền và giấy tờ vào áo trong và quần đùi sát người. Tôi ngủ suốt đêm, chỉ thức dậy khi đến ga Brescia và Verona, lúc hành khách lên lại ngủ tiếp. Tôi gối lên một chiếc túi còn tay thì ôm chiếc kia và để người tôi có thể chạm vào cái ba lô. Ai muốn đi thì phải bước qua tôi vậy. Hành khách nằm ngủ la liệt trên sàn ở hành lang. Nhiều người khác đứng tì tay trên song cửa sổ hoặc tựa lưng vào cửa toa. Chuyến tàu này luôn luôn đông khách.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 25
Trời sang thu. Cây cối trơ trụi lá và đường xá lầy bùn. Từ Udine tôi đi xe ôtô đến Gorizia. Chúng tôi gặp những xe khác trên đường. Tôi nhìn cảnh vật hai bên. Những cây dâu trơ trụi lá, cánh đồng ngả màu nâu. Những chiếc lá úa rụng từ những hàng cây xơ xác rơi xuống mặt đường có nhiều người đang làm việc. Họ lấy đá chất đống cao bên đường giữa các hàng cây để lấp ổ gà. Chúng tôi thấy thành phố phủ một lớp sương mù che lấp cả núi. Chúng tôi qua sông, nước sông dâng cao. Trên núi trời đã mưa mấy ngày qua. Chúng tôi đi vào thành phố, trước tiên qua mấy xưởng máy, nhà cửa và biệt thự, tôi thấy có thêm nhiều nhà bị trúng bom trên con đường hẹp. Chúng tôi gặp một chiếc xe Hồng thập tự Anh. Người lái xe đội mũ lưỡi trai, khuôn mặt gầy gầy, nước da màu đồng…Tôi không quen hắn. Tôi bước xuống xe ở quảng trường lớn trước toà Đô chính. Người lái xe trao ba lô cho tôi. Tôi khoác ba lô trên lưng, treo lủng lẳng hai chiếc túi bên hông và đi vào toà biệt thự. Tôi không cảm thấy như người đi xa mới được trở về nhà.
Tôi đi theo con đường trải sỏi ướt, vừa đi vừa nhìn toà biệt thự qua hàng cây. Các cửa sổ đều đóng kín, chỉ chừa cửa lớn còn mở. Tôi bước vào, thấy viên thiếu tá đang ngồi ở bàn viết trong một phòng trống, trên tường treo la liệt các bản đồ và các tờ giấy đánh máy.
- Thế nào, khoẻ chứ? – ông hỏi. Trông ông có vẻ già và khô khan hơn trước.
- Tôi khoẻ ạ - tôi đáp – Còn mọi việc ở đây ra sao?
- Xong cả. Bỏ hành lý ra đi và ngồi xuống đây – ông nói.
Tôi bỏ ba lô và hai chiếc túi dết xuống sàn nhà, đặt chiếc mũ lên trên ba lô. Tôi kéo chiếc ghế ở gần tường và ngồi xuống bên cạnh bàn viết.
- Mùa hè bị thất bại – ông nói – Còn anh giờ mạnh hẳn rồi chứ?
- Vâng ạ.
- Anh được thăng chức chứ?
- Vâng, cám ơn ông.
- Đâu, đưa tôi xem.
Tôi mở áo choàng đưa cho ông xem hai cái tua.
- Thế anh có nhận được huy chương không?
- Không, chỉ thấy trên giấy tờ thôi.
- Thế thì nó sẽ đến sau. Việc đó đòi hỏi nhiều thì giờ.
- Bây giờ tôi phải làm gì đây?
- Mấy chiếc xe đi hết. Có sáu chiếc đi lên hướng Bắc, Caporetto. Anh biết Caporetto chứ?
- Vâng – tôi đáp.
Tôi nhớ ra hình ảnh một thành phố nhỏ màu trắng với một gác chuông nằm trong thung lũng. Thành phố tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, có rất nhiều vòi nước phun rất đẹp ở quảng trường.
- Bây giờ chúng ta làm việc ở đó đấy. Có rất nhiều bệnh nhân. Chíến cuộc đã tàn rồi.
- Thế còn những chiếc xe kia đi đâu?
- Hai chiếc đi lên núi, còn bốn chiếc ở Bainsizza, còn hai chiếc Hồng thập tự kia thì ở Carso với tiểu đoàn ba.
- Thế bây giờ thiếu tá cần tôi làm gì?
- Nếu thích, anh có thể phụ trách bốn chiếc xe ở Bainsizza. Gino đã lên đó khá lâu. Anh chưa bao giờ đi đến đó phải không?
- Chưa.
- Tệ lắm. Chúng ta mất ba chiếc xe.
- Tôi có nghe nói.
- À, chắc Rinaldi viết cho anh.
- Thế Rinaldi đang ở đâu?
- Hắn đang ở đây, trong bệnh viện này. Hắn phải ở hết mùa hè và mùa thu.
- Tôi cũng tin là thế.
- Thật là kinh khủng. Anh không thể tưởng tượng được. Tôi thường cho là anh rất may mắn khi bị thương ngay từ đầu.
- Tôi biết thế.
- Sang năm còn tệ nữa – thiếu tá nói – không chừng họ sẽ tấn công bây giờ. Người ta nói là bọn chúng sắp tấn công, nhưng tôi không tin thế. Đã muộn rồi. Anh có thấy con sông kia không?
- Có ạ, nước sông đã dâng cao.
- Tôi không tin họ sẽ tấn công vì bây giờ mùa mưa bắt đầu, và lại sắp có tuyết. Mà này, kể chuyện các bạn đồng hương của anh đi. Ngoài anh có người Mỹ nào ở đó nữa không?
- Họ đang huấn luyện một đạo quân mười ngàn người.
- Tôi hy vọng sẽ nhận được thêm một số nữa, nhưng rồi tụi Pháp sẽ cuỗm hết. Chúng ta sẽ không còn thấy người nào ở đây nữa. Thôi được rồi, anh ở lại đây đêm nay. Ngày mai anh lấy xe nhỏ này đi đến đó và cho Gino về. Tôi sẽ cho người đi theo anh để chỉ đường. Gino sẽ nói cho anh. Anh sẽ thích thú ở Bainsizza.
- Thưa thiếu tá, tôi rất hân hạnh được trở lại với thiếu tá.
Ông mỉm cười.
- Cám ơn anh đã nói thế. Tôi đã chán ngán cuộc chiến tranh này lắm rồi. Nếu tôi ra đi thì tôi không tin rằng tôi sẽ trở về được nữa.
- Tệ đến thế cơ à?
- Phải, từ tệ biến thành nguy ngập. Thôi anh hãy đi tắm rửa và gặp anh bạn Rinaldi của anh đi.
Tôi bước ra và mang theo hành lý lên lầu. Rinaldi không có trong phòng, nhưng mọi thức của cậu ta để đó. Tôi ngồi trên giường và tháo bít tất ra. Tôi cởi chiếc giày bên phải và ngả lưng xuống giường. Tôi thấy mỏi mệt và chân phải bị đau. Nằm trên giường với một chân mang giày, trông tôi lúc đó buồn cười quá. Tôi bèn trỗi dậy tháo luôn chiếc kia và để nó rớt xuống đất. Sau đó tôi nằm trở lại trên giường. Gian phòng ngột ngạt vì cửa sổ đóng kín mít nhưng tôi quá mệt mỏi đến độ không muốn đứng dậy mở cửa. Tôi nhìn thấy hành lý của tôi bỏ một đống trong góc phòng. Bên ngoài trời đã bắt đầu tối. Nằm trên giường tôi nghĩ đến Catherine và chờ đợi Rinaldi. Tôi cố gắng không nghĩ đến Catherine chỉ trừ về đêm trước khi tôi ngủ. Nhưng giờ đây tôi đang mệt và rỗi rãi nên tôi có thể nghĩ đến nàng. Tôi đang mơ tưởng đến nàng thì Rinaldi bước vào. Cậu ta không thay đổi nhưng có vẻ gầy đi một tí.
- Thế nào em bé – Cậu ta bảo. Tôi nhổm dậy. Anh đến ngồi bên giường và choàng tay qua người tôi.
- Em bé yêu – Anh vỗ vai tôi và tôi nắm lấy hai tay anh.
- Này cưng – anh nói – Đưa đầu gối cho tớ xem nào.
- Tôi phải cởi quần mới được.
- Cứ tự nhiên đi, chỗ bạn bè với nhau cả mà. Tớ muốn xem người ta đã làm những gì cho cậu.
Tôi đứng lên cởi quần và gỡ giây treo đầu gối xuống. Rinaldi ngồi xổm trên sàn nhà và nhẹ nhàng uốn chân tôi từ đàng trước ra đàng sau. Anh đưa ngón tay xoa lên vết sẹo và để mấy ngón kia lên xương bánh chè và xoa nhè nhẹ.
- Người ta nối các khớp xương cậu lại như thế này thôi ư?
- Ừ.
- Giờ cậu trở lại như thế này là phạm tội đấy nhé. Họ phải chờ cho cử động trở lại bình thường đã.
- Bây giờ đã khá hơn trước nhiều lắm. Lúc trước đầu gối tôi cứng như khúc cây.
Rinaldi lại uốn đầu gối tôi xuống lần nữa. Tôi ngắm đôi tay của anh, anh có đôi tay thần tình của nhà giải phẫu. Tôi nhìn trên đầu anh, mái tóc chải mượt và tươm tất. Anh uốn quá mạnh đầu gối tôi.
- Ái! – tôi la lên.
- Cậu phải theo cách chữa trị bằng máy một thời gian nữa – Rinaldi bảo.
- Thế này trông còn khá hơn trước.
- Tôi biết mà em. Tớ biết nhiều về việc này hơn cậu mà – Rinaldi đứng dậy ngồi lại trên giường – Chính đầu gối thì làm rất dễ - Anh bỏ qua chuyện đầu gối – Nào, hãy kể cho tớ nghe em đã làm được những gì nào?
- Không có gì để kể hết. Mình đã sống một cuộc đời trầm lặng.
- Em có vẻ như người đã có vợ rồi. Có chuyện gì thế?
- Không có chuyện gì cả. – Tôi đáp – Thế còn anh?
- Tớ ấy à? Trận giặc này giết chết mình rồi – Rinaldi bảo – chán quá! – Anh choàng tay qua đầu gối.
- Ồ - tôi bảo.
- Thế nào? Tôi không được phép có những rung động của con người hay sao?
- Không phải. Mình ngỡ là cậu vui vẻ lắm. Có chuyện gì hãy kể cho mình nghe đi.
- Suốt mùa hè và mùa thu này mình bận việc giải phẫu. Rất bận. Những trường hợp nghiêm trọng người ta đều để lại cho mình. Chúa ơi, mình trở thành một nhà giải phẫu cừ khôi.
- Tôi thích như thế hơn.
- Tôi chẳng bao giờ nghĩ tới. Ôi Chúa ơi, tôi chẳng bao giờ nghĩ là mình mổ xẻ rất cừ.
- Rất tốt.
- Nhưng bây giờ em ơi, hết rồi. Mình không còn mổ xẻ nữa và cảm thấy như chết rồi. Cuộc chiến tranh này ghê gớm quá em ạ. Mình nói như vậy cậu có thể tin. Nào bây giờ em nói chuyện cho vui lên một tí đi. Em có mang đĩa hát về không nào?
- Có.
Đĩa hát bọc giấy, để trong bìa hộp các tông trong ba lô. Lấy nó ra cũng mệt.
- Còn về phần em, cũng không hay à?
- Ồ, ngốc ạ, không.
- Chiến tranh này thật là khủng khiếp – Rinaldi bảo – Nào chúng ta đi nhậu cho thật say, cho vui. Cậu sẽ thấy nó làm cho chúng ta phấn chấn.
- Tớ vừa mới mắc bệnh hoàng đản cho nên không uống nhiều rượu được.
- Ồ em bé, em trở lại đây với một con người nghiêm trang ý tứ thế kia à? Mình đã bảo cậu là cuộc chiến tranh này vô nghĩa. Thế sao chúng ta lại phải đeo đuổi nó chứ?
- Chúng ta sẽ uống một tí. Mình không muốn say nhưng sẽ uống một ly.
Rinaldi đi qua phòng đến bên bàn rửa mặt và quay lại với một chai cô nhắc và hai cái ly.
- Rượu cô nhắc Áo đấy – anh nói – Nhãn hiệu với bảy ngôi sao. Toàn bộ chiến lợi phẩm lấy được ở San Gabrielle đấy.
- Lúc đó anh có ở đấy không?
- Không, mình không hề ở đấy. Lúc đó mình ở đây để mổ xẻ suốt. Này em xem, đây là cái ly đánh răng cũ của em đấy. Anh giữ kỹ để tưởng nhớ đến em.
- Và nhắc nhở anh đánh răng.
- Không, mình cũng có một cái nữa mà. Mình giữ cái này để nhớ lúc trước mỗi buổi sáng em làm gì. Cứ mỗi lần nhìn tới cái ly này, mình nhớ tới chuyện em cố tẩy sạch lương tâm bằng cái bàn chải – Anh lại gần giường – Hôn mình một cái đi nào và cam đoan với mình là em không hề đạo mạo.
- Không mình không bao giờ hôn cậu. Cậu là một con khỉ già.
- Tớ biết mà, cậu là loại Anglo Saxon lý tưởng. Tớ biết cậu là thằng con trai đang bị lương tâm cắn rứt, hối hận. Mình đợi đến lúc tên Anglo Saxon đó đánh tan sự truỵ lạc của mình bằng một cái bàn chải đánh răng.
- Rót thêm rượu vào ly nữa đi.
Chúng tôi cụng ly và uống cạn. Rinaldi nhìn tôi cười.
- Tớ sẽ làm cho cậu say, móc lá gan của cậu ra và cho vào đó lá gan của một người Ý mạnh khoẻ rồi biến cậu trở thành con người như cũ.
Tôi đưa ly cho anh rót thêm rượu. Bên ngoài trời đã tối hẳn. Cầm ly rượu trong tay, tôi tiến lại mở cửa sổ. Trời đã tạnh mưa. Bên ngoài trời lạnh hơn và sương mù bao phủ các ngọn cây.
- Đừng hất rượu cô nhắc qua cửa sổ đấy – Rianaldi bảo – Cậu không uống được thì đưa cho tớ.
- Đến mà lấy – tôi bảo.
Tôi vui mừng được gặp lại Rinaldi. Hai năm nay cậu ta luôn luôn chọc ghẹo tôi và tôi lấy thế làm thích. Chúng tôi luôn luôn hợp ý nhau.
- Em đã lấy vợ chưa? – anh hỏi tôi.
Rinaldi ngồi trên giường, còn tôi đứng dựa lưng vào tường cạnh cửa sổ.
- Chưa.
- Cậu đang yêu phải không?
- Phải.
- Với cô gái người Anh đó chứ?
- Phải.
- Tội nghiệp em nhỏ, thế nàng có ngoan ngoãn với em không?
- Dĩ nhiên là có.
- Mình muốn nói là nàng có ngoan ngoãn một cách…một cách cụ thể hơn cơ.
- Im đi.
- Được rồi, mình sẽ chứng tỏ cho cậu biết mình là một người rất tế nhị, thế nàng có…
- Rinaldi, tôi van anh hãy im đi. Nếu anh muốn trở thành bạn của tôi thì anh hãy im đi.
- Mình không muốn trở thành bạn của cậu, vì mình đang là bạn của cậu kia mà?
- Vậy thì hãy im đi.
- Được rồi.
Tôi tiến lại giường ngồi bên cạnh Rinaldi. Ly cầm ở tay, hắn nhìn sàn nhà.
- Rinaldi, anh thấy như thế nào?
- Ồ, suốt đời mình gặp nhiều vấn đề thiêng liêng nhưng với em thì quá ít. Mình nghĩ cậu cũng phải có – Anh nhìn xuống sàn nhà.
- Thế em không có chuyện gì thiêng liêng sao?
- Không.
- Tuyệt nhiên một chuyện nào hết cả ư?
- Không.
- Ngay cả chuyện mẹ em và em gái em nữa ư?
- Ngay cả chuyện em gái em – Rinaldi nói nhanh. Hai chúng tôi phá lên cười.
- Thực là một con người kỳ dị - tôi bảo.
- Có lẽ mình ghen cũng nên – Rianaldi nói.
- Không, không phải thế.
- Mình không muốn nói đến loại ghen thế. Mình muốn nói chuyện khác. Cậu có người bạn nào lập gia đình rồi không?
- Có – tôi đáp.
- Mình thì không. Nhất là khi họ yêu nhau.
- Tại sao thế?
- Vì thế họ không yêu mình.
- Tại sao vậy?
- Tại vì mình là con rắn, con rắn của lẽ phải.
- Anh nhầm lẫn mất rồi. Quả táo mới là lẽ phải.
- Không, chính là rắn.
Trông Rinaldi có vẻ vui hơn.
- Khi anh không suy nghĩ sâu xa thì trông anh có vẻ khá hơn.
- Anh thích em lắm, em bé ạ. Nếu anh xét đóan chắc là em sẽ công kích. Nhưng mình biết nhiều điều mà mình không thể nói ra được. Anh biết nhiều hơn em mà.
- Phải, dĩ nhiên là như vậy.
- Nhưng em sẽ hạnh phúc hơn, cho dù có hối hận em cũng sẽ hạnh phúc hơn.
Nhưng tôi không tin thế.
- Ồ đúng mà. Đúng là sự thật mà. Còn mình, mình chỉ tìm thấy hạnh phúc khi làm việc – Anh lại nhìn xuống sàn nhà.
- Anh sẽ được toại nguyện.
- Không, mình chỉ thích có hai điều. Một, có hại cho nhiệm vụ của mình, còn một nữa thì chỉ kéo dài độ nửa giờ hoặc mười lăm phút, đôi khi ít hơn.
- Đôi khi còn ít hơn thế nữa.
- Có lẽ anh đã tiến bộ nhiều rồi đấy, em bé không biết à. Nhưng chỉ có hai điều đó và công việc.
- Rồi anh sẽ thấy những cái khác nữa.
- Không, không bao giờ chúng ta thấy gì khác hơn được nữa. Chúng ta sinh ra với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta không bao giờ thay đổi cả. Chúng ta không bao giờ được thêm cái gì mới cả. Chúng ta đã được đầy đủ ngay từ lúc đầu. Mình thích mình không phải là người La tinh.
- Điều đó không có ở người La tinh. Tôi muốn nói là tư tưởng La tinh. Anh lại quá tự hào với các khuyết điểm của anh.
Rinaldi nhìn lên và mỉm cười.
- Đủ rồi em bé, nghĩ nhiều quá phát mệt.
Lúc mới bước vào trông Rinaldi có vẻ mệt mỏi.
- Sắp đến giờ ăn rồi. Mình rất vui khi thấy cậu trở lại. Cậu là người bạn chí thân và là chiến hữu của mình.
- Bao giờ thì các chiến hữu đi ăn? – tôi hỏi.
- Ngay bây giờ. Chúng ta sẽ uống thêm một lần nữa để cho lá gan của em mạnh lên.
- Giống như thánh Paul.
- Không đúng thế. Đấy là rượu và dạ dày. Uống một it rượu cho ấm dạ dày.
- Uống bất cứ thứ gì anh có trong chai – tôi nói – và vì điều tốt lành cho bất cứ ai mà anh muốn.
- Uống để chúc mừng người bạn đời của cậu – anh nâng ly lên.
- Được lắm.
- Mình không bao giờ nói chuyện nhảm nhí về nàng.
- Đừng quá cố sức như thế.
Anh nốc cạn ly cô nhắc.
- Mình trong sạch lắm, trong sạch như em vậy. Mình cũng sẽ tìm một cô gái trẻ người Anh. Sự thực là mình biết cô ta trước em, cô gái người Anh ấy mà, chỉ có một điều là cô ta hơi cao hơn mình một tí. Một cô gái cao hơn mình thì khác gì là chị mình.
- Tâm hồn anh thật trong sạch đáng mến – tôi nói.
- Thật như vậy à? Thảo nào mà người ta gọi mình là “Rinaldi trong sạch”.
- Hay là “Rinaldi khỉ già”…
- Thôi đi em. Chúng ta hãy đi ăn vào lúc tâm hồn còn trong sạch.
Tôi tắm rửa, chải đầu rồi chúng tôi cùng đi xuống cầu thang. Rinaldi hơi chếnh choáng. Trong phòng ăn, bữa ăn còn chưa dọn xong.
- Để mình đi lấy chai rượu – Rinaldi nói.
Rinaldi lại lên cầu thang. Tôi ngồi vào bàn. Anh trở lại với chai cô nhắc và rót đầy hai ly.
- Nhiều quá – tôi đưa ly lên soi về phía ánh đèn trên bàn.
- Có thấm vào đâu với cái bụng trống rỗng. Tuyệt lắm. Như thế này dạ dày sẽ hoàn toàn bị đốt cháy. Không có gì hại cho gan cả.
- Được rồi.
- Tự huỷ hoại mình mỗi ngày một ít – Rinaldi nói – rượu sẽ làm hại dạ dày và run tay. Toàn là những việc có hại cho nghề giải phẫu.
- Anh đoan chắc như thế chứ?
- Chắc chắn như vậy. Mình không nói sai đâu. Uống đi em rồi chờ ngày bị ốm.
Tôi uống nửa ly. Ngoài hành lang tôi nghe thấy tiếng người hầu bàn kêu lên:
- Xúp đây. Xúp dọn sẵn rồi.
Thiếu tá bước vào, gật đầu chào chúng tôi và ngồi xuống. Ngồi vào bàn, trông ông ta nhỏ người.
- Có thế thôi hả? – ông ta hỏi.
Người phục vụ đặt xúp lên bàn. Ông múc đầy ra đĩa.
- Không – Rinaldi bảo – Miễn là cha tuyên uý không đến. Nếu ông ta biết có Federico ở đây, ông ta sẽ đến.
- Thế ông ấy ở đâu? – tôi hỏi.
- Ông ấy ở tiểu đoàn 307 – thiếu tá nói. Ông dùng xúp xong và lau miệng, lau kỹ bộ ria mép vểnh lên.
- Có lẽ cha sắp đến. Tôi đã gọi điện và báo cho cha biết là có anh ở đây.
- Tôi thấy thiếu không khí ỗn ào của buổi ăn chung – tôi nói.
- Phải, yên lặng quá – thiếu tá bảo.
- Để tôi gây ồn ào cho – Rinaldi nói.
- Dùng rượu chứ Henry? – thiếu tá hỏi.
Ông ta rót đầy ly cho tôi. Món mì Ý được mang vào và tất cả chúng tôi đều bận rộn với món ăn này một lát. Chúng tôi ăn xong mì thì cha bước vào. Ông trông không thay đổi, vẫn người nho nhỏ, nước da sạm nắng và khuôn mặt khắc khổ. Tôi đứng dậy siết chặt tay tôi. Ông để tay lên vai tôi và nói:
- Tôi đến ngay khi hay tin anh trở lại…
- Mời cha ngồi – thiếu tá nói – Cha đến hơi muộn.
- Chào cha – Rinaldi nói bằng tiếng Anh. Hắn nói giọng pha tiếng Anh của viên đại uý đã thường dùng để chế giễu vị linh mục.
- Chào anh, Rinaldi – cha tuyên uý đáp lại.
Lính hầu bàn mang xúp đến cho ông nhưng ông bảo ông sẽ bắt đầu bằng món mì Ý này.
- Anh mạnh giỏi chứ? – ông hỏi tôi.
- Vâng, tôi rất khoẻ. Còn cha?
- Cha uống rượu đi – Rinaldi bảo – Cha uống một tí rượu cho dạ dày dễ làm việc, đây là thánh Paul, cha biết mà.
- Phải tôi biết – vị linh mục nói với vẻ trịnh trọng. Rinaldi rót rượu vào ly.
- Thánh Paul thiêng liêng – Rinaldi nói – Chính từ thánh xảy ra mọi điều xấu xa.
Viên thiếu tá mỉm cười. Bây giờ chúng tôi đang dùng đến món ragu.
- Tôi không bao giờ dám bàn luận đến một ông thánh lúc tối trời – tôi nói.
Vị linh mục nhìn tôi mỉm cười.
- Xem tôi đây, tôi đang ngồi cạnh cha đây – Rinaldi nói – Còn những người bạn đã từng chọc phá cha đâu cả rồi. Brundi đâu? Cesare đâu? Để một mình tôi trêu ghẹo cha thôi à, không có ai phụ hoạ với tôi sao?
- Cha là một vị linh mục tốt – thiếu tá nói.
- Cha là một vị linh mục tốt – Rinaldi lặp lại – Nhưng cha vẫn là một vị linh mục, không hơn không kém. Tôi ráng làm cho bữa ăn chung hôm nay sống động trở lại như những bữa ăn trước kia. Tôi muốn làm cho Federico vui thích. Còn cha, cha hãy cút đi là vừa.
Tôi thấy thiếu tá nhìn hắn và hiểu rằng hắn đã say. Mặt anh tái đi, đường ngôi rẽ thẳng xuống vầng trán trắng xanh.
- Thế đủ rồi – vị linh mục bảo – thế đủ lắm rồi Rinaldi, hãy thôi đi.
- Cha hãy cút đi – Rinaldi bảo – Cha hãy cút đi với tất cả các công việc vớ vẩn. – Anh ngả xuống ghế.
- Hắn ta làm việc quá sức và mệt mỏi – thiếu tá nói với tôi. Ông dùng xong miếng thịt cuối cùng và dùng một mẩu bánh mì vét sạch nước sốt ragu.
- Tôi không cần gì cả - Rinaldi nói – Hãy cút đi với tất cả các công việc vớ vẩn – Anh nhìn quanh bàn ăn với vẻ mặt thách đố, mắt long lên và gương mặt xám ngoét.
- Được rồi – tôi bảo – Cút đi với tất cả các công việc ngớ ngẩn.
- Không, không – Rinaldi bảo – Em không thể nói thế. Em không nên nói thế. Tôi bảo là anh không nên nói như thế mà. Người ta khô khan, trống rỗng và không có gì cả. Không có gì để kể với anh cả. Không có việc gì nhỏ nhen chê trách cả. Tôi biết, tôi am tường khi tôi ngưng làm việc.
Cha tuyên uý lắc đầu. Người phục vụ dọn đĩa ra gu.
- Cha ăn thịt đấy ư? – Rinaldi quay sang vị linh mục – Cha không biết hôm nay là ngày thứ sáu sao?
- Thứ năm mà – vị linh mục trả lời.
Rinaldi cười lớn. Hắn rót rượu đầy ly.
- Đừng chú ý – anh nói – tôi hơi điên.
- Anh cần phải được đi nghỉ phép – cha tuyên uý bảo.
Thiếu tá lắc đầu ra hiệu cho cha tuyên uý. Rinaldi nhìn ông:
- Ông cho rằng tôi phải đi nghỉ phép à?
- Tuỳ ý anh – vị linh mục nói – Còn anh không muốn thì thôi.
- Ông xéo đi – Rinaldi nói – Họ cố tình gạt tôi ra mà. Nhưng tôi phải kháng cự.
- Thế đủ rồi – thiếu tá nghiêm nghị ngắt lời.
Người hầu bàn mang đồ tráng miệng và cà phê vào. Món tráng miệng là bánh mì nướng có trét kem. Ngọn đèn dầu bốc khói, khói đen bốc thẳng lên cửa kính.
- Mang cho chúng tôi hai ngọn bạch lạp và dẹp cây đèn dầu này đi – viên thiếu tá bảo.
Người hầu bàn đem đến hai ngọn nến đặt trên hai cái đĩa, tắt ngọn đèn dầu rồi mang đi nơi khác. Rinaldi đã im và trông anh có vẻ bình thường. Chúng tôi tiếp tục cùng nhau chuyện trò và sau tuần cà phê, tất cả đều rời khỏi phòng ăn và đi ra hành lang.
- Anh muốn nói chuyện với cha chứ? Tôi phải vào thành phố - Rinaldi bảo – Chào cha.
- Chào anh Rinaldi – cha tuyên uý đáp lại.
- Chúng mình sẽ gặp lại nhau Federico – Rinaldi bảo.
- Vâng chào anh – tôi nói – Đừng về muộn nhé.
Anh ta nhăn mặt và bước ra khỏi cửa. Thiếu tá đứng gần chúng tôi nói:
- Rinaldi làm việc quá sức và quá mệt mỏi. Thôi chào anh, Henry, anh sẽ rời khỏi nơi này trước khi trời sáng chứ?
- Thưa vâng.
- Thôi chào anh – ông nói – Chúc anh gặp nhiều may mắn. Peduzzi sẽ đánh thức anh và cùng đi với anh.
- Xin chào thiếu tá.
- Chào anh. Nghe nói sắp có một cuộc tấn công của bọn Áo, nhưng tôi không tin điều đó. Hy vọng là tin đó không đúng. Nhưng dù thế nào cũng sẽ không xảy ra trong khu vực này. Gino sẽ cho anh biết mọi thứ. Đường giây điện thoại đến giờ vẫn tốt.
- Tôi sẽ gọi điện thoại thường xuyên.
- Xin vui lòng làm vậy, chào anh. Đừng để cho Rinaldi uống nhiều rượu mạnh nhé.
- Tôi sẽ cố gắng.
- Chào cha.
- Chào thiếu tá.
Ông đi vào phòng làm việc.
[b][center][size="3"][color="Red"]GIÃ TỪ VŨ KHÍ
Chương 26
Tôi đi lại phía cửa và nhìn ra ngoài. Mưa đã dứt nhưng có sương mù.
- Chúng ta đi lên gác chứ? – tôi hỏi vị linh mục.
- Tôi chỉ có thể nán lại đây giây lát thôi.
- Vậy thì ta đi lên.
Chúng tôi đi lên thang gác và bước vào phòng riêng của tôi. Tôi nằm xuống giường của Rinaldi. Cha tuyên uý ngồi vào giường của tôi mà người cần vụ vừa sửa soạn. Trong phòng tối om.
Vị linh mục hỏi tôi:
- Sao? Anh đã khoẻ lại thật rồi chứ?
- Vâng. Chiều nay tôi mệt.
- Tôi cũng mệt nhưng không vì lý do nào cả.
- Thế còn chiến tranh?
- Tôi tin là nó sẽ chấm dứt. Tôi chẳng biết tại sao nhưng tôi cảm thấy là như thế đấy.
- Thế là thế nào?
- Anh có biết vị thiếu tá chỉ huy hiền lành của anh là thế nào không? Thế đấy, bây giờ nhiều người cũng như ông ấy.
- Chính tôi cũng cảm thấy như thế - tôi nói.
- Chúng ta đã qua một mùa hè kinh hoàng – cha tuyên uý nói – Anh sẽ chẳng bao giờ biết nó đã ra sao. Tuy nhiên anh đã ở dưới ấy và anh có thể tự hình dung ra. Nhiều người chỉ thấy cuộc chiến tranh trong mùa hè năm nay. Nhiều sĩ quan tôi tưởng không bao giờ hiểu được giờ đã hiểu ra.
- Thế rồi cục diện sẽ ra sao? – tôi vừa hỏi vừa vuốt cái chăn.
- Tôi cũng không rõ. Nhưng tôi nghĩ rằng nó không thể tiếp tục quá lâu.
- Thế thì việc gì sẽ xảy đến?
- Họ sẽ đình chiến.
- Ai?
- Cả đôi bên.
- Tôi cũng hy vọng như vậy – tôi nói.
- Anh không tin sao?
- Tôi không tin là cả đôi bên sẽ ngưng chiến trong cùng một lúc.
- Cứ cho là như thế đi. Đó là một yêu cầu quá cao. Nhưng khi tôi nhìn thấy tất cả những thay đổi đó trong lòng người là nó không thể tiếp tục được.
- Ai thắng trong mùa hè này?
- Không ai cả. – Cha tuyên uý nói.
- Bọn Áo thắng – tôi nói – Bọn chúng cố giữ không cho chiến thắng ở San Gabrielle. Như vậy là chúng ta đã thắng và bọn chúng sẽ không chịu ngừng chiến.
- Nếu họ nghĩ như chúng ta, họ sẽ ngừng chiến. Họ cũng đã đau khổ nhiều như chúng ta.
- Chẳng bao giờ kẻ chiến thắng dừng lại.
- Anh nản chí quá.
- Tôi nghĩ sao thì nói vậy.
- Như vậy anh nghĩ rằng chiến tranh sẽ kéo dài mãi mãi sao? Sẽ không có chuyện gì xảy đến phải không?
- Tôi không biết. Tôi chỉ nghĩ là bọn Áo sẽ không bao giờ ngưng chiến chừng nào bọn chúng còn thắng trận. Vì chiến bại mà người ta trở thành những tín đồ Cơ đốc giáo.
- Bọn Áo cũng là những tín đồ Cơ đốc giáo chỉ trừ người Bosni.
- Tôi không muốn nói đến tín đồ Cơ đốc giáo như nghĩa chữ. Tôi muốn nói chúng ta thất bại như đấng Cứu thế của chúng ta.
Ông lặng thinh.
- Giờ đây chúng ta hiền lành vì chúng ta bị thua. Chẳng biết đấng Cứu thế của chúng ta sẽ ra như thế nào nếu lúc bấy giờ thánh Pierre giải thoát được Người trong vườn Olive.
- Người cũng sẽ như vậy thôi.
- Tôi không tin thế.
- Anh nản lòng quá. Tôi tin là có điều gì đó sắp đến và tôi không ngớt lòng cầu nguyện. Tôi cảm thấy việc ấy sắp đến.
- Có khả năng sẽ có một việc gì xảy đến – tôi nói – Nhưng chỉ xảy đến riêng cho chúng ta thôi. Nếu họ cũng nghĩ như chúng ta thì thật tuyệt. Nhưng họ đánh bại chúng ta. Họ nghĩ khác hơn chúng ta.
- Nhiều binh sĩ cũng lập luận như chúng ta nhưng không phải vì họ bị tấn công.
- Họ bị tấn công ngay từ đầu. Họ bị tấn công ngay từ lúc người ta dứt họ ra khỏi trang trại và xung họ vào quân ngũ. Vì lý do đó người dân quê có lương tri vì họ từng chiến bại ngay từ lúc ban đầu. Hãy ban cho họ quyền lực đi rồi ta sẽ thấy lương tri của họ như thế nào.
Vị linh mục lặng thinh ra chiều nghĩ ngợi.
- Bây giờ chính tôi cũng đã chán nản quá rồi. Thế cho nên tôi cũng không còn muốn nghĩ đến những việc đó nữa. Tôi không hề nghĩ ngợi tuy nhiên khi bắt đầu nói thì tôi nói những gì hiện ra trong trí óc tôi mà chuyện đắn đo gì cả.
- Tôi đã từng hy vọng mấy điều.
- Thất trận chăng?
- Không có cái gì hơn thế cả, ngoại trừ chiến thắng. Điều này lại còn tệ hơn nữa.
- Đã từ lâu rồi, tôi ước mong chiến thắng.
- Tôi cũng thế.
- Bây giờ tôi không còn hy vọng nữa.
- Thì hoặc là chiến thắng hoặc là chiến bại chứ còn gì.
- Tôi không còn tin tưởng vào chiến thắng nữa.
- Tôi cũng thế. Nhưng tôi cũng không tin là sẽ chiến bại. Dù sao như thế sẽ có giá trị hơn.
- Thế anh tin tưởng gì nào?
- Giấc ngủ - tôi nói.
Ông đứng lên.
- Xin lỗi anh, tôi đã ở lại quá lâu. Nhưng tôi rất thích đàm đạo với anh như vậy.
- Tôi rất hân hạnh đã nói chuyện thêm một lần nữa. Tôi không có ý gì khi nói về giấc ngủ đâu.
Chúng tôi đứng lên và bắt tay nhau trong bóng tối.
- Bây giờ tôi ngủ ở tiểu đoàn 307.
- Sáng mai tôi sẽ lên trạm sớm.
- Chúng ta sẽ cùng đi dạo và chuyện trò.
Tôi tiễn vị linh mục ra tận cửa.
- Thôi anh khỏi phải xuống – ông nói – Anh trở lại đây thật quý hoá quá, mặc dù đối với anh thật không thích thú gì – Ông vừa nói vừa đặt tay lên vai tôi.
- Đối với tôi không có gì buồn phiền cả. Chúc cha ngon giấc.
- Vâng, chào anh.
Tôi đã buồn ngủ rũ ra rồi.