Tịnh Nhi vừa nói xong, nó qùy xuống trước mặt Uyển Thanh mang hết tất cả sự thật kể lại, bao gồm cả chuyện nhà gởi thư lên dối với Thế Khiêm về Uyển Thanh, không có cách nào để liên lạc cùng nàng nên Thế Khiêm đã cho nó về dò la tin tức, rước Uyển Thanh lên kinh thành nhưng không ngờ bị thiếu phu nhân bày kế bắt nó phải mang tiền đến cho Uyển Thanh không phải để giúp đỡ mà để hủy ước, lại cho hai người tâm phúc đi theo giám sát.
Tịnh Nhi trình bày rõ ràng vợ của Thế Khiêm đã mưu mẹo thế nào để bắt chẹt nó phải làm theo, đã dùng mọi thủ đoạn để phá vỡ cuộc tình của Uyển Thanh vời chồng cho bằng được.
Uyển Thanh càng nghe càng tái mặt đi, nàng lùi lại trừng mắt nhìn Tịnh Nhi:
- Những lời mi nói hoan toàn là sự thật?
Tịnh Nhi vừa khóc vừa nói:
- Con xin bảo đảm là chẳng điều gì gian dối cả, tội con thật đáng chết.
Nhưng Uyển Thanh đã quay lại nhìn thẳng vào mắt Thế Khiêm:
- Không, ta không tin! đây là vở kịch các người dựng lên để lừa dối ta một lần nữa.
Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh vừa đau khổ vừa chua xót. Chàng nghẹn lời nói:
- Nấu không phải là sự thật, thì tại sao anh vừa được thăng chức Biện Tu ở viện hàn lâm thì phải từ quan trở về đây là gì? Nếu không phải là sự thật thì tại sao lúc cho người về rước gia đình, anh không chọn ai mà lại chọn Tịnh Nhi? Uyển Thanh! Uyển Thanh, em hãy suy nghĩ kỹ đi rồi hãy bắt tội anh.
Uyển Thanh đứng lặng, đứng như vậy thật lâu, chẳng một chút phản ứng nào cả. Rồi nàng cúi đầu nhìn xuống, bộ quần áo sặc sỡ của nàng, bất giác nàng đưa tay lên chận ngực, run rẩy, rồi khóc lớn, tiến khóc thật to, thật thảm thiết, uất hận thảm sầu. Thế Khiêm bước tới ôm chầm lấy Uyển Thanh cùng khóc với nàng. Bội Nhi và Tịnh Nhi đứng đó cũng khóc theo.
Tiếng khóc ngập đầy cả phòng. Rất lâu, rất lâu sau đó Uyển Thanh mới nguôi ngoai một chút. Bội Nhi mang nướcđến cho nàng rửa mặt. Rửa xong, Uyển Thanh vào trong thay áo, sửa soạn lại, rồi bước đến ngơài trước mặt Thế Khiêm, thở dài nói:
- Có lẽ là... Định mệnh đã quá khắt nghiệt với chúng ta.
Thế Khiêm ứa lệ nhìn nàng. Chàng thật ngạc nhiên vì qua bao năm sóng gió, đau khổ vậy mà Uyển Thanh không già mà càng lúc càng lộng lẫy. Thế Khiêm đấy đối nhìn nàng để bù lại bao nhiêu năm xa cách nhớ nhung. Chàng nắm lấy tay nàng, ân cần an ủi:
- Uyển Thanh, thôi em đừng buồn nữa, dù gì những ngày tháng cũ đó cũng đã qua rồi, từ đây về sau chúng ta sẽ làm lại tất cả.
- Làm lại được sao anh? Uyển Thanh lẩm bẩm, ánh mắt xa vời - Anh có biết bây giờ em là gì không? cái tên tuổi xấu xa kia đã làm cho con người em hoen ố rồi anh ạ!
Thế Khiêm nói:
- Anh không lưu tâm điều đó, và từ đây không còn một thế lực nào có thể chi cách chúng ta!
- Anh thật vẫn còn yêu em?
- Vâng, lúc nào cũng rất yêu em.
Uyển Thanh nhìn Thế Khiêm với cái nhìn rạng rỡ nhưng lại ẩn chứa buồn phiền. Nàng cười ngọt ngào, hạnh phúc nhưng cũng đầy ấp đắng cay. Uyển Thanh lại hỏi:
- Anh không khinh thường em sao? Anh có biết Dương Liễu Thanh Thanh ngày nay đã là liễu tàn nhụy rữa rồi chăng?
- Nhưng trong trái tim anh, em bao giờ vẫn sống mãi. Bây giờ em bị đưa đến mức này cũng là lỗi do anh chứ nào phải lỗi ở nơi em. Nếu anh có được sự sắp xếp tốt ngay từ đầu thì đâu ra nông nỗi.
- Chuyện này cũng nào đâu phải lỗi của anh.
Thế Khiêm dứt khoát nói:
- Sáng mai, anh sẽ đích thân đưa em về nhà.
Uyển Thanh cười buồn, cái cười buồn bã thê lương, nàng nói:
- Lời chân tình của anh làm em còn biét nói gì hơn nữa.
Uyển Thanh như lấy lại tinh thần, như lấy lại được sức sống. Nàng vui vẻ hẳn lên, đứng dậy ra lệnh cho Bội Nhi mang rượu vào và mang đàn đến cho nàng.
Rượu mang ra, hai người đối ẩm cùng nhau. Uống để quên hết quá khứ đau buồn, uống cho tương lai tốt đẹp. Nói chuyện véo von âu yếm.
Uyển Thanh cười thật tươi với chàng nói:
- Có rượu chẳng thể thiếu tiếng đàn. Vậy thì để thiếp đàn hát cho chàng nghe một bài, vì lâu lắm rồi thiếp chưa được hát thật lòng như hôm nay.
Ôm đàn tì bà lên, nàng suy nghĩ một lát rồi cười tiếp:
- Chàng còn nhớ lúc xưa, chúng mình từng có lời ước hẹn mùa liễu xanh không? không ngờ thắm thoát mà liễu đã thay lá sáu lần, còn thiếp thì đã tàn tạ quá rồi.
- Đừng có nói bậy, em vẫn là liễu xanh của anh.
- Anh còn nhớ bài Chương Liễu Đài không?
Thế Khiêm liền gật đầu:
- Dĩ nhiên là nhớ. Đó là một điểm tích kể lại ngày xưa Hàn Vũ có một ái cơ là Liễu Thị, vì chuyện binh bị loạn lạc nên phải xa nhau, họ Hàn cho người đi tìm, làm một bài từ có nhan đề là "Chương Liễu Đài" trong đó có đoạn "Chương đài liễu, Chương đài liễu, ngày trước xanh tươi giờ có còn? hay đã lọt vào tay người khác đoạt" phải không? Nhưng sao em lại nhắc vê bài hát đó? Uyển Thanh! ý của em là...
- Không có gì cả, anh đã biết chuyện "Chương Liễu Đài" rồi, thì hôm nay em xin đàn hát cho anh nghe một bài "Tây Hồ Liễu" nhé.
Tây Hồ liễu, Tây Hồ liễu
Xanh lá vì ai, ai có biết?
Lá xanh hoài suốt cả năm năm
Tiếc rằng người ra đi chẳng lại
Tây Hồ liễu, Tây hồ liễu
Trước quá xanh tươi, giờ tàn tạ,
Liễu vẫn còn đây
Nhưng của mọi người...
Hát xong, nàng đặt đàn xuống, đưa mắt nửa cười nửa khóc lặng lẽ nhìn Thế Khiêm. Chàng nghe lời hát, nhìn vào ánh mắt của nàng, không hiểu sao lại thấy lạnh người.
Chàng vội vã chụp lấy tay nàng xiết chặt, âu lo nói:
- Uyển Thanh! tại sao trong ngày trùng phùng của đôi ta, em lại hát bài hát bi ai như thế? Em đã nghĩ gì? chẳng lẽ em không còn tin ta ư? Nghĩ là ta khinh thị em? Trách em? Uyển Thanh ơi, sáu năm chia ly, bây giờ mới gặp lại, tất cả những khổ đau ngày cũ đã qua rồi, bây giờ là giờ phút chúng ta hưởng được hạnh phúc. Anh hứa với em, bảo đảm với em là chúng ta sau này sẽ dựng lại hạnh phúc vững bền. Uyển Thanh, em tin anh không?
Uyển Thanh cười buồn, nhìn Thế Khiêm, rồi cúi xuống mân mê tà áo, nói:
- Anh nói vậy chứ gia đình anh, liệu họ bây giờ có chấp nhận em không? Nhất là tên tuổi bây giờ của em đã nhơ nhớp thế này. Liệu gia đình chấp nhận chăng?
- Anh sẽ không để cho em chịu một sự dằn vặt nào nữa. Anh sẽ không để họ bức hiếp em! Anh sẽ xây một tòa nhà ở cạnh Tây Hồ này. Một ngôi nhà khang trang bề thế, trong vườn sẽ trồng đầy các loài dương liễu, và sẽ đặt tên cho nó là "Thanh Thanh Viên". Anh và em sẽ sống ở đấy, cả ngày chúng ta ngâm thơ vịnh nguyệt, bơi thuyền trên hồ, sống kiếp thần tiên. Rồi sau khi mãn hạn nghỉ phép, anh sẽ đưa em về kinh đô.
- Thế còn vợ chánh của anh?
Thế Khiêm nghe nhắc đến vợ mình, nét mặt giận dữ:
- Bà ấy muốn làm gì thì làm. Tình nghĩa vợ chồng của anh với bà ta đã cạn kiệt rồi!
Uyển Thanh an ủi:
- Anh không nên nói vậy! anh không nên cắt đứt tình nghĩa vợ chồng giữa anh và chị ấy! chúng ta không thể nào trách chị ấy được, vì thương chồng nên chị ấy mới ghen...
- Thôi! em đừng nói tốt cho bà ta nữa. Anh dứt tình không phải vì sự ghen hờn của bà ta mà là những thủ đoạn mà bà ta đã dùng!
- Thế còn cha mẹ của anh? chẳng lẽ vì một cô gái thanh lâu mà anh phải lỗi đạo làm con?
Uyển Thanh không đợi Thế Khiêm trả lời, nàng cười thật hiền hòa, nói:
- Thôi kệ đi, chúng ta đừng nói gì đến chuyện đó nữa. Vì lần này thì em đã tin là anh sẽ sắp xếp mọi việc thỏa đáng. Em tin anh và sẽ chờ đợi. Nào bây giờ mình cạn thêm ly nữa đi anh.
Uyển Thanh lại rót đầy một ly đưa cho Thế Khiêm. Chàng bắt đầy say, bắt đầu buông lơi những lo âu và nắm lấy tay nàng, cùng cười vui vẻ. Họ cùng nhau khóc, cùng nhau cười, cùng nhau nâng ly....cuối cùng cả hai cùng say. Mà khi Uyển Thanh say thì đôi má càng hồng, mắt càng long lanh. Nàng hát:
Ân cần nâng ly
Rượu kia chưa uống má đã hồng
Dưới bóng trăng già dương liễu rũ
Quạt nồng ấm lạnh lời ca vang
Từ ly biệt mong ngày tái ngộ
Mộng tương phùng, rồi lại có nhau
Đêm nay hãy uống tàn ly rượu
Để thấy tương phùng chỉ mộng thôi!
Đêm đã khuya... Đêm Xuân thường ngắn, tiệc rượu hay :Dng tàn. Uyển Thanh lấy tay Thế Khiêm, bịn rịn nói:
- Thế Khiêm, cuộc trùng phùng hôm nay, em không biết là thật hay mơ, nhưng sống ở đời miễn có được một người tri kỷ, là có chết cũng vui cười. Nói chi một gái thanh lâu như em, có được người yêu quý như anh thì coi như kiếp này đã mãn nguyện lắm rồi.
Thế Khiêm không vui, nói:
- Tại sao lại nói những điều đau đớn trong lúc này?
Uyển Thanh vội vã giả lả:
- À, không phải, chỉ bởi vì hôm nay em quá vui thôi. Bây giờ anh hãy ở đây chờ em, để em vào phòng ngủ sửa soạn chăn màn, song sẽ mời anh vào.
- Không sao, em bảo Bội Nhi chuẩn bị cũng được, cần gì phải đích thân em đi làm?
- Không được anh ạ, em muốn đích thân làm chuyện đó!
Nói xong, nàng nhìn Thế Khiêm thật lâu, rồi cười với chàng một nụ cười thật âu yếm chứa chan tình cảm, rồi quay người đi vào trong.
Thế Khiêm ngồi ở phòng ngoài chờ thật lâu, mà bên trong vẫn không nghe động tịnh gì. Lúc đầu chàng nghĩ có lẽ là sau khi sắp xếp chăn màn xong, Uyển Thanh đã phải thay áo rồi chải tóc... Thế Khiêm muốn mọi chuyện từ đây về sau hoàn toàn tốt đẹp nên không quấy rầy nàng... Nhưng chờ đợi lâu quá nên thấy lo lắng, rồi đâm ra nghi ngờ. Thế Khiêm đứng dậy lớn tiếng gọi vào trong:
- Uyển Thanh!
Bên trong vẫn yên lặng. Bội Nhi nghe tiếng gọi của Thế Khiêm, hớt hãi chạy vào.
- Chuyện gì vậy công tử?
- Uyển Thanh ở trong đấy lâu quá! ta thấy rất lo...
Thế Khiêm vừa nói vừa bước tới đẩy cửa. Nhưng cửa bên trong đã khóa, linh tính cho chàng biết là có chuyện không hay. Chàng đập cửa hét to:
- Uyển Thanh! Uyển Thanh!
Bên trong vẫn không tiếng trả lời. Bội Nhi sợ hãi liền bảo thêm mấy người đến phá cửa. Cửa mở. Mọi người nhìn thấy Uyển Thanh treo cổ trên đà cao. Chiếc ghế đã ngã. Bên trên bàn có một mảnh giấy, trên đó viết mấy chữ thảo nhanh.
Thân đà hoen ố
Chẳng thể hầu chàng
Chỉ còn cái chết
Để báo tri ân.
Mọi người vội vàng mang ghế đến kéo Uyển Thanh xuống, khi mọi người đỡ Uyển Thanh xuống, nàng đã tắt thở tự bao giờ.
Thế Khiêm cầm mảnh giấy trên tay, đó là những lời sau cuối của đời nàng, chàng quỳ xuống bên nàng không khóc không nói gì cả. Mọi thứ với chàng bây giờ là khoảng hư vô.
Bội Nhi khóc nức nở bên cạnh xác chết của Uyển Thanh. Tịnh Nhi cũng có mặt ở đấy, nó nhìn chầm chầm vào xác của Uyển Thanh.
Ba ngày sau, Thế Khiêm an táng Uyển Thanh bên bờ Tây Hồ.
Trước khi hạ huyệt thì Bội Nhi chạy đến bên quan tài, nghẹn ngào nói:
- Tiểu thơ, Bội Nhi sẽ theo hầu hạ cô mãi.
Vừa nói xong, Bội Nhi đập đầu vào quan tài tự vận chết theo cô chủ.
Thế Khiêm chỉ còn biết thở dài:
- Nào có ai ngờ ở chốn thanh lâu lại có kỳ nữ như Uyển Thanh, cũng chẳng có ai ngờ thêm một nô bộc trung thành như Bội Nhi.
Lúc làm lễ an táng những người đã chết, Thế Khiêm không khóc, cũng không lộ vẻ gì là xúc động. Chàng rất bình thản, chôn hai chủ tớ trong một nấm mồ. Trước mộ, Thế Khiêm trồng một cây liễu nhỏ vớ tấm mộ bia.
Trên bia chẳng viết gì cả ngoài bốn chữ "Dương Liễu Thanh Thanh".
Sau ngày mai táng chủ tớ của Uyển Thanh được hai hôm, Thế Khiêm và Tịnh Nhi chẳng biết vì sao đi đâu mất tích. Dịch Phủ đã huy động người đi tìm họ khắp bốn phương mà vẫn tìm không được.
Có người nói thấy hai thầy trò Thế Khiêm đã vào chùa tu, nhưng người của Dịch Phủ tìm khắp mọi chùa mà vẫn tìm không thấy. Cũng có người nói thầy trò Thế Khiêm đã vào chốn rừng sâu bí hiểm. Nhưng thế gian này có biết bao là rừng núi, biết tìm nơi đâu?
Tóm lại là từ đó về sau Thế Khiêm đã không quay về nhà.
Và người cha già từng mơ ước con mình phải trở thành rồng đã phải mất con. Cũng như người đàn bà hiểm độc muốn độc chiếm chồng đã từ đó phải sống kiếp một người quả phụ bất đắc dĩ.
Trên đời này, những chuyện như vậy rất thường xảy ra, bạn không thể nói là họ làm vậy là đúng hay sai. Nhất là khi bạn ở vào cái thời buổi khác thời cũ. Đúng, Sai? chẳng biết! có điều bi kịch hay xảy đến như thế.
Ngày qua ngày, năm thêm năm, thời gian xóa mờ đi chuyện cũ. Ký ức cũng không rõ ràng. Rồi người ta cũng dần quên nàng con gái mang tên Dương Uyển Thanh và quên cả mối tình đẫm lệ đó. Riêng các hàng liễu bên bờ Tây Hồ thì cứ mãi thay lá. Nấm mộ và chiếc bia theo thờí gian chẳng được người chăm sóc nên đã chìm sâu giữa đám lau sậy cao và sau đó lặn mất. Bây giờ chẳng ai còn biết nó nằm ở đâu. Chỉ biết là, cách bờ hồ một khoảng gần đoạn mười tám suối Cửu Khê có một cây liễu thật lạ lùng. Ngày tháng trôi đi, nó không hề rụng lá, mà mãi mãi xanh biếc tốt tươi!
HẾT
__________________
|