View Single Post
  #7  
Old 06-06-2004, 07:20 AM
VietDoll's Avatar
VietDoll VietDoll is offline
Búp Bê Nhí Nhảnh
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 2,416
Default

Trên đường đến kinh, vợ của Thế Khiêm đã nghiêm khắc cảnh cáo Tịnh Nhi là tuyệt đối không được cho Thế Khiêm biết một tí gì về Uyển Thanh. Nó chỉ được báo cáo theo những gì nàng đã dặn dò. Đương nhiên là Tịnh Nhi nhất dạ nghe theo không dám cãi lời.
Vợ của Thế Khiêm tuy là người đàn bà ít học nhưng nhiều thủ đoạn. Có đủ cách để bắt kẻ dưới phải răm rắp nghe theo.
Trước kia ở quê nhà, phía trên còn có Dịch lão gia và lão phu nhân, còn bây giờ trên đường đi thì toàn quyền nàng sanh sát.
Tịnh Nhi chỉ biết tuân lệnh. Có điều ngoài mặt là vậy, nhưng trong lòng nó lúc nào cũng bứt rứt. Cái hình ảnh Uyển Thanh trong lớp vải thô với những sợi bông vải dính đầy người, rồi cảnh nghèo hèn với khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn và đôi mắt đợi chờ của Uyển Thanh. Rồi đến ánh mắt giận dữ, khổ đau, ói ra máu vì uất hận khi nghe Thế Khiêm bạc tình. Cái vuông lụa với huyết thư. Nghĩ đến là Tịnh Nhi thở dài và tự nhủ:
"Thế này là cô ấy không sống nổi đâu".
Và rồi Tịnh Nhi cảm thấy mình tội lỗi vô cùng vì là kẻ đồng lõa với sát thủ. Nó bứt rứt, buồn bã, tự trách mình sao trước đó không mạo hiểm đến Điệp Mộng Lâu tìm hiểu trước. Mà ai biểu cái số là đầy tớ làm chi? Cũng tội Dương cô nưông là con người bạc số. Nếu cô ta ở trong cảnh giàu sang thì hẳn cô đã được đàng hoàng sánh duyên cùng Dịch công tử rồi.
Bây giờ mọi sự đã trở thành chậm trễ, muộn rồi, chẳng làm sao cứu vãn được nữa.
Và rồi, đoàn người cũng về đến kinh thành. Gia đình xum họp. Mọi người rộn rã hẳn lên. Gặp mặt, tiếp đón, hỏi han, sắp xếp chiếm hết phần lớn thời gian. Thế Khiêm thấy trong đám người không có Uyển Thanh, lòng buồn vô cùng. Trước mặt vợ lại chẳng tiện hỏi, chỉ đưa mắt ngầm hỏi Tịnh Nhi, nhưng nó lại cứ gầm mặt hoặc lảng nhìn sang nơi khác, điều đó khiến Thế Khiêm càng bất an.
Đêm hôm ấy cùng vợ ở trong phòng riêng, nàng đã tự động nói trước một cách bình thản.
- Đúng ra thì em đã đưa Dương cô nương lên cùng với em, nhưng bảo Tịnh Nhi đi tìm và tìm mãi không thấy. Nghe đâu cô ta đã đi Hồ Châu, trở lại nghề cũ rồi. Thật tội nghiệp! Sau đó, khi bọn này sửa soạn lên kinh thì cô ấy lại quay về Hàng Châu, trở lại Điệp Mộng Lâu. Nghề cũ quen rồi, khó mà trách cô ta. Thôi thì mặc cô ấy vậy. Gái thanh lâu thường chẳng an phận bao giờ.
Thế Khiêm nghe vậy bán tín bán nghi, gọi Tịnh Nhi đến hỏi thì Tịnh Nhi cũng nói y như vợ của chàng đã nói. Thế Khiêm vừa giận vừa hận, hận nàng sao lại quên đi lời hứa khi xưa, hận chàng sao lại quá dễ tin tưởng những lời thề vô nghĩa kia, chàng hận rồi lại buồn, nhưng không biết thố lộ cùng ai. Trong khi vợ chàng lại rất thông minh thường an ủi chồng:
- Người đẹp trong đời này không khó kiếm đâu chàng. Chầm chậm đi em sẽ tìm một người con nhà đàng hoàng làm thê thiếp cho anh, bảo đảm là sẽ ăn đứt Dương cô nương.
Thế Khiêm không cách nào hơn là trách Uyển Thanh sao lại phản bội chàng như thế, rồi lại trách mình sao lại không thể đứng trước mặt nàng để nói lời cuối. Nhưng rồi công việc trong triều khá bận rộn, vợ nhà mới lên, rồi mọi chuyện cũng gác qua.
Và như vậy chuyện kéo dài thêm nửa năm, vợ Thế Khiêm thấy Tịnh Nhi vẫn giữ kín miệng mồn nên yên tâm phần nào và lơ là cảnh giác. Lại thấy Thế Khiêm chí thú công việc và đang được đề nghị lên chức Biện Tu Viện Du Lâm và tưởng là chàng đã quên Uyển Thanh, mà quả thật Thế Khiêm rất bận rộn nhưng chàng làm là để quên Uyển Thanh, nhờ vậy cơ hội đợi chờ lâu nay của Tịnh Nhi đã đến.
Hôm ấy, Thế Khiêm đi thăm quan khách có dẫn theo cận vệ và cả Tịnh Nhi. Trên đường về chàng lại nhớ còn quên chuyện gì đó nên bảo họ về trước, còn chàng và Tịnh Nhi quay trở lại triều đề hoàn thành việc chàng muốn làm. Vậy là chỉ còn hai thầy trò trên hai con tuấn mã. Tịnh Nhi thấy không còn ai theo dõi, nên đề nghị với Thế Khiêm:
- Gia gia, chúng ta ra ngoại ô dạo một vòng trước có được không?
Thế Khiêm ngạc nhiên hỏi:
- Để làm gì?
Tịnh Nhi cúi đầu nói:
- Con có điều muốn bẩm báo với gia gia.
Thế Khiêm nhìn thái độ của Tịnh Nhi, đã đoán được phần nào sự việc nên lặng lẽ cho ngựa đi trước. Hai thầy trò ra đến Tây Thành. Ngoài Tây Thành là ngoại ô với rừng cây. Bấy giờ là mùa thu nên cả rừng phong đỏ ối. Chủ tớ hai người thúc ngựa vào tận núi. Tịnh Nhi dừng ngựa lại, nhảy xuống, phủ phục ngay trước mặt Thế Khiêm:
- Nô tài đáng chết đã không làm tròn trách nhiệm mà Gia Gia đã giao cho. Nô tài thật đáng chết!
Thế Khiêm xuống ngựa, châu mày hỏi:
- Mi nói vậy là sao? Chuyện gì thế?
- Dạ, chuyện có liên quan đến Dương cô nương.
Thế Khiêm giật mình:
- Sao?
Tịnh Nhi bắt đầu đem hết câu chuyện kể cho Thế Khiêm nghe.
Nó đã kể hết tất cả sự việc từ chuyện Uyển Thanh vẫn ở trong ngôi nhà cũ mỏi mắt trông chờ Thế Khiêm với những khung dệt cùng bụi bông dính đầy. Cái thái độ lúc mới gặp Tịụnh Nhi, nỗi vui mừng rồi nỗi thất vọng đến độ ói ra máu.
Tịnh Nhi lấy trong người ra chiếc vuông lụa đầy chữ dâng lên cho Thế Khiêm. Chàng nghe nói lòng quặn đau, cảm thấy trời đất quay cuồng. Rồi mở vuông lụa ra, tuy huyết máu đã đổi màu, nhưng càng đọc tim chàng càng rỉ máu. Thế Khiêm nắm chặt vuông lụa trong tay, nghiến răng, mắt đỏ ngầu. Chàng thẳng tay táng cho Tịnh Nhi một bợp tay nhá lửa. Tịnh Nhi bị đánh lăn trên đất, nó lồm chồm ngồi dậy phủ phục dưới chân chủ:
- Gia gia, gia gia có giận dữ cứ đánh con, chửi con, nhưng xin người trước mặt phu nhân đừng nói lại những điều này.
Riêng phần Dương cô nương còn ở dưới quê, xin gia gia hãy tìm cách nào đó cứu cô ấy ra càng sớm càng tốt.
Lời của Tịnh Nhi như đánh bật Thế Khiêm. Chàng ngã người tựa vào thân cây già. Chàng ngước mắt lên trời hét to:
- Trời ơi! Trời! Sao ông lại nở bất công thế này?!
Tịnh Nhi khóc theo, nói:
- Gia gia ơi, tất cả lỗi này đều là do nô tài không tốt, nô tài đáng tội chết!
Chàng gục đầu không nói, một lúc sau mới tỉnh táo lại phần nào, chàng xếp bức huyết thư lại, nói:
- Thôi mi hãy đứng dậy. Chuyện này không thể trách ngươi, cũng lỗi là do ở vợ ta và cũng là do số mệnh! Nào bây giờ hãy nói cho ta rõ, có phải là từ lúc ta đi Dương cô nương không có nhận được một đồng nào của gia đình ta, cũng không hề nhận được thư của ta phải không?
- Dạ đúng, nghe nói hai chủ tớ của cô ấy chỉ sống bằng tiền dệt và thêu vải. Lúc con về đến, tất cả đồ đạc trong nhà sạch trơn.
Thế Khiêm chảy nước mắt:
- Tội Nghiệp cho nàng, phải ngậm đắng nuốt cay suốt mấy năm nay. Và bây giờ Dương cô nương đã trở về Điệp Mộng Lâu rồi?
- Vâng, đúng vậy.
Thế Khiêm đứng suy nghĩ thật lâu chẳng nói năng gì. Chàng đưa mắt về xa xa, rồi từ từ nói:
- Vậy là cô ấy vẫn còn sống, đúng không?
- Dạ đúng vậy.
Thế Khiêm gật đầu:
- Nếu vậy, chúng ta quay về phủ đi. Đến nơi ngươi không nên nói năng gì về chuyện này nghe không?
- Dạ, đội ơn gia gia.
Và rồi, sáng hôm sau, Thế Khiêm thảo tờ đơn, lấy lý do là song thân đã già yếu, chẳng ai chăm sóc trong ngoài, nên xin được từ quan trở về quê chăm nom cha me.! Hoàng thượng rất mến mộ chàng nên không cho từ quan, chỉ đặc cách cho chàng được về quê thăm cha mẹ ba năm, sau đó phải trở lên triều tiếp tục làm quan giúp đỡ triều đình.
Thế Khiêm về phủ là chuẩn bị hành lý, vợ chàng ngạc nhiên hỏi:
- Em vừa lên kinh không bao lâu mà chàng đã xin phép về quê, thế này là thế nào??
Thế Khiêm giận dữ nhìn vợ, hỏi lại:
- Em có biết bốn chữ tam tòng tứ đức là gì không? Anh muốn về quê, còn em... em không muốn thì cứ ở lại đây!
Vợ của Thế Khiêm nghe vậy sợ hãi, không dám cãi lời hoặc hỏi thêm gì cả.
Bên bờ Tây Hồ, dương liễu một lần nữa lại xanh.
Uyển Thanh bây giờ đã trở về nghề cũ đến nay đã đầy nửa năm. Tên tuổi của nàng còn vang dội hơn xưa. Đó là nhờ khi từ lúc trở về Thanh đã cởi bỏ cái lớp áo kiêu sa thủ tiếc, nàng đã buông lơi tất cả và luôn trữ tình như một cánh bướm, khiến khách mày râu phải đảo điên vì nàng. Tài sắc vẹn toàn, nào là tài cầm kỳ thi họa, tửu đều có đủ, hỏi gái thanh lâu nào còn theo kịp. Sự quyến rũ của nàng làm biết bao mệnh phu. phu nhân ghen tức.
Uyển Thanh trở thành một danh kỹ ở Hàng Châu. Nàng sống là chỉ để trả thù bọn đàn ông quên ân phụ nghĩa. Và lúc đó, Dịch Thế Khiêm từ kinh đô trở về.
Tối hôm ấy tại Điệp Mộng Lâu đám gia nhân vào bẩm báo.
- Có Dịch công tử đến!
- Dịch thiếu gia đến!
Uyển Thanh đang tiếp khách trên lầu, đó là những thương gia lắm tiền nhiều bạc, đang cười nói vui vẻ thì nghe bên ngoài ồn ào, sau đó lại nghe ba tiếng "Dịch thiếu gia" lọt vào tai, nàng ngẫn người ra, hỏi:
- Dịch thiếu gia nào vậy?
Bội Nhi vội vã chạy ra rồi chạy vào nói:
- Là Dịch Thế Khiêm!
Uyển Thanh tái mặt. Cơn uất nghẹn đang dâng lên cổ, nhưng rồi lấy lại bình tĩnh, nàng cười nói:
- Thì em hãy ra mời Dịch thiếu gia vào chung vui!
Bội Nhi chạy ra cũng thản nhiên nói:
- Dịch thiếu gia, tiểu thơ nhà tôi mời công tử vào chung vui.
Thế Khiêm lòng trăm mối. Buồn vui có, không để ý đến ngoại cảnh. Vừa nhìn thấy Bội Nhi là vui mừng gọi:
- Bội Nhi!
Bội Nhi giả vờ không để ý hoặc nghe gì cả, bỏ đi vào trong. Thế Khiêm chỉ còn biết đi theo vào. Vừa đến nơi thì chàng đã sững sờ, Uyển Thanh trong bộ áo màu đỏ kiêu sa bó sát thân, đang ngồi trên đùi một ông khách, tay nâng ly rượu và miệng cười lả lơi. Màn kịch đó làm Thế Khiêm súyt ngất. Chàng vội lùi ra sau mấy bước, nhưng chưa kịp bao xa thì Uyển Thanh đã trông thấy, nàng liếc nhanh về phía chàng nói:
- Dịch thiếu gia, mời vào chung vui. Bội Nhi em, hãy gọi Mộng Châu ra đây, để hầu rượu cho công tử, nghe không?
- Vâng...
Thế Khiêm không rút lui, liền nói nhanh với Bội Nhi:
- Nếu tiểu thơ em có khách thì thôi, để tôi qua ngồi phòng bên chờ vậy.
Uyển Thanh bước tới gần Thế Khiêm, lấy tay kéo Thế Khiêm lại, giả vờ nói:
- Làm vậy coi sao được? Ai lại không biét Dịch thế gia đây là tân khoa tiến sĩ, mà đến đây quả là "phước phần" cho chúng tôi. Không thể để chờ được. Phải được tiếp đón ngay. Nào Bội Nhi, em hãy mang rượu ra đây mừng Dịch công tử ba chung!
Thế Khiêm châu mày, lòng đau như cắt. Trong hoàn cảnh này, có lời cũng không thể nói được. Trước mặt chàng Uyển Thanh càng ra sức lả lơi, bọn khách được một dịp mê tít. Uyển Thanh như con thoi, từ tay người khách này đến khách kia rồi mới có rượu đến tay Thế Khiêm. Nàng ép chàng uống cạn ba ly, bản thân nàng cũng uống khá nhiều rượu. Uống xong lại cười một cách lả lơi. Thế Khiêm ngồi đó mà như ngồi trên lửa đỏ. Nhưng chàng biết là phải dằn lòng, phải bình tĩnh. Chàng lặng lẽ ngồi nhìn Uyển Thanh. Nàng như chú ý về cái nhìn của Thế Khiêm nên càng lả lơi hơn, lòng Thế Khiêm càng đau, càng hối hận.
Cuối cùng đám khách kia cũng say khướt, lại biết thân thế của Thế Khiêm không phải vừa, nên họ đều rút lui cả.
Tiệc tan, trong phòng còn lại Uyển Thanh, Bội Nhi, và Thế Khiêm. Uyển Thanh ra hiệu cho Bội Nhi, nó nhìn rồi đến trước mặt Thế Khiêm nói thật bình thản:
- Dịch thiếu gia có cần ở qua đêm không? cứ cho biết. Nếu muốn thì theo lệ cứ để tiền lại, chúng ta có thể tính giá cả rõ ràng. Thiếu gia có mang theo tiền chứ?
Thế Khiêm hết nhìn Bội Nhi rồi nhìn Uyển Thanh. Miệng như nghẹn lại, không nói được gì. Một lúc sau chàng mới quay mặt ra ngoài cửa, gọi thật to:
- Tịnh Nhi!
Tịnh Nhi vội bước vào.
Thế Khiêm giận dữ nói:
- Hãy nói sự thật cho Dương cô nương biết, lần trước ta sai mi về quê để làm gì?
- Dạ để đón Dương cô nương về kinh.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn