Công cuộc "đổi mới" ở Việt nam diễn ra như thế nào?
Khác với Liên xô cũ và Trung Quốc, ở Việt nam không có ai là "kiến trúc sư của "đổi mới" cả. Đảng Cộng sản Việt nam chưa có ai như Goóc-ba-chốp (M. Gorbachew)[17] cũng chưa có ai như Đặng Tiểu Bình[18]. Đảng Cộng sản Việt nam, vì bó buộc, phải thoát ra khỏi cảnh "đói nghèo tập thể" mà bất đắc dĩ đi vào "đổi mới". Do "đổi mới" một cách bị động, nên "đổi mới" nửa vời, cầm chừng với đầy mâu thuẫn chồng chéo nhau. "Đổi mới" khá rõ về kinh tế, nhưng "đổi mới" chậm chạp, đầy lo sợ về chính trị. Thực hiện kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, nhưng không công nhận quyền sở hữu cá nhân về đất đai (theo Hiến pháp, mọi đất đai thuộc về toàn dân). Thực hiện kinh tế nhiều thành phần, nhưng sở hữu quốc doanh vẫn là chủ đạo, chiếm 60% tổng sản phẩm công nghiệp hàng năm. Đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo. Bầu cử vẫn là "đảng chọn dân bầu v.v... Những người bất đồng chính kiến vẫn bị bịt miệng, quản thúc, giám sát và giam giữ. Tự do báo chí bị từ chối.
Do "đổi mới không mạnh dạn, không chủ động, không hài hòa và toàn diện, nên tuy có một số kết quả rõ về mặt kinh tế, công nghiệp phát triển ít nhiều, sản xuất dầu thô, gạo, cao su, cà phê... tăng khá, nhưng các mâu thuẫn xã hội, chênh lệch giàu nghèo, bất công giữa các vùng càng tăng. Đặc biệt hai năm nay tốc độ tăng trưởng chậm lại, đầu tư từ nước ngoài đình đốn, khách du lịch giảm, nông dân bất mãn dẫn đến những cuộc đấu tranh lan rộng ở 128 xã thuộc riêng tỉnh Thái Bình và cả vùng đồng bằng sông Hồng (các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Sơn Tây, Thanh Hóa...) trong tháng 5 và 6.1997.
Đảng Cộng sản Việt nam vẫn bị quá khứ đè nặng. Họ vẫn tụng niệm chủ nghĩa Mác-Lênin, rêu rao trung thành với chủ nghĩa xã hội, tổ chức kỷ niệm trọng thể Cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 80 ở Hà Nội...
Quan hệ Mỹ-Việt hiện nay ra sao và có triển vọng như thế nào?
Đã có một số tiến triển. Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt nam đã bãi bỏ từ năm 1994, quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa vào giữa năm 1995. Đại sứ của hai nước đã nhận nhiệm vụ. Các cuộc thương lượng về việc Mỹ chấp nhận Việt nam được hưởng tối huệ quốc trong quan hệ buôn bán Mỹ-Việt đang được tiến hành. Việc giúp đỡ nhau để giải quyết các vấn đề tồn tại có liên quan đến tù binh chiến tranh và quân nhân Mỹ mất tích ở Việt nam (POW-MIA) đang tiến triển có khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn lắm trắc trở. Trắc trở lớn nhất là Hà Nội nhìn sang Oa-sinh-tơn với đôi mắt đầy nghi kỵ. Họ chưa dứt khoát giở sang trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Họ lập luận: "Mỹ đang có thái độ hai mặt". Mỹ vừa muốn mở rộng quan hệ buôn bán, giao dịch kinh tế để phục vụ quyền lợi của Mỹ, lại vừa muốn đảng Cộng sản Việt nam phải thực hiện dân chủ, đa nguyên, đổi mới mạnh hơn cả về kinh tế lẫn chính trị. Hà Nội cho rằng, việc các nước, trong đó có Mỹ, ép Việt nam thả tù chính trị, lên án Việt nam vi phạm nhân quyền là can thiệp vào chủ quyền của Việt nam. Việt nam rất muốn Hoa Kỳ dành cho qui chế tối huệ quốc (MFC) trong giao thương, nhưng lại sợ nguy cơ "diễn biến hòa bình", chủ yếu là đến từ phía Mỹ, có thể lật đổ chế độ của họ. Hà Nội nhìn Oa-sinh-tơn với con mắt vừa muốn là bạn, vừa có mặc cảm cho là kẻ thù nguy hiểm.
Về chiến lược ngoại giao, trong đảng Cộng sản Việt nam đang có phân hóa. Giới lãnh đạo :Dp bu muốn xu hướng gắn bó toàn diện với Trung Quốc phải là chính, do chung một chế độ chính trị độc đảng, cùng tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng nói là theo chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng "đổi mới" theo một kiểu. Vấn đề xâm lược, xung đột chiến tranh như năm 1979 là chuyện eũ, chuyện lịch sử, tạm thời cho vào quá khứ. Ngược lại, có một số cán bộ ngoại giao, cán bộ kinh tế, cán bộ trẻ cùng đông đảo nhân dân lại muốn quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ cũng như với các nước phương Tây, trong đó nên nặng hơn về Mỹ và phương Tây, vì tiềm lực kinh tế, tài chính của các nước đó lớn, kỹ thuật hiện đại, khả năng đầu tư dồi dào; họ chỉ rõ rằng chính Trung Quốc cũng phải cầu cạnh để có quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Xu thế này có chiều hướng tăng thêm với thời gian, gắn liền với xu hướng đòi đổi mới cả về chính trị một cách rõ ràng. Triển vọng lâu dài trong quan hệ Việt-Mỹ là thuận lợi.
Tôi lạc quan ngay cả đối với tương lai không xa. Vì trong thời "mở cửa" hiện nay, giao lưu trong và ngoài nước đã mở rộng, thông tin từ thế giới dân chủ tràn vào không có cách nào ngăn chặn hay sàng lọc nổi. Nếp sống, nếp nghĩ mới thấm dần vào xã hội theo nhiều tốc độ khác nhau. Văn nghệ sĩ, trí thức, nhà kinh doanh, tuổi trẻ... tiếp thu nhanh nhất.
Trong đảng cộng sản tiếp thu chậm, chậm nhất là bộ phận lãnh đạo bảo thủ. Ngày càng có nhiều cán bộ trẻ, có tài năng đi học ở Mỹ, Ca-na-đa, ở các nước châu Âu, úc, có học bổng hoặc tự túc. Họ tiếp thu sâu sắc nếp sống dân chủ ở các nước đó... Lợi thế nói trên không nhỏ; bà con người Việt ở nước ngoài về thăm nhà, khách du lịch từ Mỹ và phương Tây vào Việt nam cũng góp phần đáng kể cho xu thế dân chủ hóa ở trong nước.
Về POW-MIA ý kiến của ông ra sao?
Cuối năm 1991, theo lời mời của ủy ban đặc biệt về tù binh chiến tranh và người mất tích của quốc hội Hoa Kỳ, tôi có trình bày ý kiến riêng của tôi tại quốc hội. Tôi nói rõ thái độ của tôi là nói lên sự thật mà tôi biết, không thêm bớt. Không phải giới lãnh đạo trong nước lúc ấy có thái độ vu cáo, chụp mũ tôi là "phản bội", "phản động mà tôi nói sai về họ.
Tôi cho rằng, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, thái độ của Hà Nội trong vấn đề trao trả tù binh là rõ ràng: trả gọn, trả hết tù binh Mỹ để nhận đủ, nhận hết người của mình. Tôi là ủy viên chính thức đoàn miền Bắc, còn là người phát ngôn chính thức của đoàn, tôi được đọc các bức điện hàng ngày dịch điện mật mã được đánh đi từ Hà Nội cho đoàn ở trong sân bay Tân Sơn Nhất (trại Đa-vít), chỉ đạo cụ thể việc thi hành Hiệp định. Đó là những bức điện của ông Lê Duẩn, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt nam, ông Phạm Văn Đồng chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, đại tướng Võ Nguyên Giáp... Trước đó, tôi đã có dịp đến tất cả trại tù binh Mỹ (ở Hà Nội, Hà Tây), gặp gần hai trăm tù binh Mỹ, viết một cuốn sách phóng sự về tù binh Mỹ và nhiều bài báo về đề tài này. Bạn thân tôi, đại tá Nguyễn Thúc Đại cùng học một lớp với tôi khi còn trẻ ở Huế, là cục trưởng Cục địch vận, trong đó có phòng quản lý trại tù binh, nên tôi hiểu khá rõ. Tôi gần như được tự do đọc hồ sơ mật về tù binh Mỹ ở các trại giam, do các trại trưởng, thường là cấp trung tá và thiếu tá mà tôi là đại tá, họ nể tôi, họ đưa cho tôi đọc.
Tôi có nói rõ số tù binh Mỹ mất tích nhiều vì máy bay của họ bị bắn rơi nhiều vẻ. Có chiếc đâm xuống biển, nhiều chiếc rơi vào rừng rậm ở Tây Bắc, miền Trung và bên Lào, nơi rất ít dân cư, đường xá ít. Rừng nhiệt đới rậm đến nỗi cách xa chừng hai trăm mét đã không thấy xác máy bay và xác người. Mưa, nắng, lũ, lụt... làm mất vết tích. Chính chúng tôi có một trực thăng chở sĩ quan Việt nam và Liên xô gần mười người bị rơi vì tai nạn ở vùng tây Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1984 mà huy động cả trực thăng, bộ binh, dân quân địa phương đông đảo đi tìm hàng tháng mà không thấy một dấu vết nào. Tôi đã đề xuất là nên yêu cầu phía Việt nam đưa ra các sổ sách gốc nhập trại, cấp phát đồ dùng, các báo cáo hàng tháng của các trại, các tài liệu của các ban biên tập lịch sử tỉnh, đảng bộ địa phương, các ban sưu tầm hiện vật bảo tàng tỉnh, huyện, vì việc bắn rơi máy bay Mỹ, bắt tù binh Mỹ được coi là chiến công nổi bật của các tỉnh, huyện..., thì có thể căn cứ vào đó mà biết thêm một số trường hợp. việc này sau đó đã được thực hiện.
Liệu có việc đưa tù binh Mỹ sang Liên xô không?
Theo tôi biết là không! Vì tôi có qua Mát-xcơ-va một số lần, có lần ở trong đoàn quân sự cấp cao mà không hề nghe nói đến chuyện này. Hơn nữa, Liên xô sẵn có tùy viên quân sự ở Hà Nội, trong đó có sĩ quan quân báo tại chỗ. Họ rất quan tâm thu lượm tin tức về vũ khí mới, chiến thuật của không quân Mỹ và những tin tức quân sự khác qua sĩ quan không quân Mỹ bị bắt. Theo lệnh trên, Bộ tổng tham mưu và Cục địch vận sẵn sàng giúp đỡ họ, cho họ gặp tù binh, thông báo cho họ biết những tin tức phía Việt nam khai thác được, không cần phải đưa tù binh sang Liên xô.
Khi ông Bô-rít En-xin (Boris Eltsin)[19] sang Mỹ năm 1995 có nói rằng, Liên xô có giữ tù binh Mỹ, Lầu năm góc hỏi ý kiến tôi qua điện thoại vào ban đêm, tôi trả lời ngay rằng: tôi tôn trọng tổng thống En-xin, nhưng trong vấn đề này tôi nghĩ ông ta đã nói một điều không có thật. Sau đó, Lầu năm góc cám ơn tôi và cho biết sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va cũng cùng một ý kiến như vậy.
Vậy về những ý kiến của nhà nghiên cứu Stê-phan Mo-rítx (Stephan Morris) liên quan đến các tài liệu mật được tiết lộ từ kho lưu trữ ở Mát-xcơ-va, ông đánh giá thế nào?
Ông Mo-rítx nhiều lần gặp tôi ở Mỹ và ở Pháp, cũng nhiều lần gọi điện thoại và viết thư cho tôi về vấn đề này. Lầu năm góc cũng gửi tôi các tài liệu lưu trữ ở Mát-xcơ-va và cử sĩ quan chuyên về vấn đề POW-MIA nhiều lần gặp tôi. Hai tài liệu: Báo cáo của tướng Trần Văn Quang trước Bộ Chính trị ngày 26.6.1972 và báo cáo của ông Hoàng Anh, bí thư Trung ương đảng Cộng sản Việt nam tại Hội nghị Trung ương lần thứ 20 (khóa 3) tháng 12.1970 và tháng Giêng năm 1971 Cục quân báo Bộ Quốc phòng Liên xô đều có dưới dạng bản dịch tiếng Nga (không có nguyên bản tiếng Việt) và được xếp vào loại tuyệt mật.
Báo cáo của tướng Trần Văn Quang không nói đến tù binh Mỹ, mà chỉ cho biết từ ngày 30.3.1972 đến tháng 6 năm ấy đã có gần 200 máy bay Mỹ bị hạ ở miền Bắc. Còn máy bay "ta" bị mất 27 chiếc. Báo cáo của ông Hoàng Anh cho biết con số 785 phi công Mỹ bị bắt trên miền Bắc, nhưng chỉ có 368 người (50%) là đưa tin công khai. Một báo cáo khác của tướng Trần Văn Quang mới cực kỳ quan trọng, làm Stê-phan Mo-rítx giật mình. Đó là trích đoạn 6 trang bản báo cáo của Phó tổng tham mưu trưởng, trung tướng Trần Văn Quang tại cuộc họp bộ Chính trị ngày 15 tháng 9 năm 1972" (bản dịch tiếng Nga của Cục quân báo bộ Quốc phòng Liên xô), cho biết tổng số tù binh Mỹ ở Việt nam, Lào, Căm-pu-chia là 1.205 người. Theo báo cáo, số phi công Mỹ bị bắt ở Việt nam là 767 người, gồm số bị bắt ở miền Bắc là 624 và bị bắt ở miền Nam là 143. Số quân nhân Mỹ khác bị bắt ở miền Bắc là 47 người, đưa số tù binh Mỹ ở miền Bắc lên 671 người. ở miền Nam, tổng số tù binh Mỹ là 143 phi công cộng với 283 quân nhân các loại khác là 426 người. Do đó, tổng số tù binh Mỹ bị bắt ở cả hai miền Nam và Bắc Việt nam là 671, cộng với 426 người là 1.097 người.
Số tù binh Mỹ bị bắt ở Căm-pu-chia là 65, ở Lào là 43, tổng cộng số bị bắt ở cả ba nước là 1.205 người.
Trên miền Bắc Việt nam, số tù binh cấp tá của Mỹ bị bắt là 275, gồm 7 đại tá, 85 trung tá và 183 thiếu tá.
Bản báo cáo còn phân tù binh Mỹ bị bắt làm ba loại về chính trị và tinh thần. 372 người có quan điểm phải chăng, không "tiến bộ" cũng không "phản động". 368 có quan điểm "tiến bộ", có thể được thả trước hết. Còn lại 465 người có quan điểm "phản động". Tất cả tù binh sĩ quan cấp cao (sénior officers) giữ quan điểm "phản động.
Điều đáng chú ý là, gắn liền với bản báo cáo này là 8 trang tóm tắt (đánh máy bằng tiếng Nga) của trung tướng Liên xô I-van-su-tin (Ivanshutin), Cục trưởng Cục quân báo thuộc Bộ Tham mưu quân đội Xô viết, nhắc lại những con số quan trọng về số lượng tù binh Mỹ ở Việt nam, Lào, Căm-pu-chia, về "những tài liệu quan trọng mà Việt nam đã thu được về quân đội Mỹ, trang bị chiến đấu các loại vũ khí Mỹ, kể cả vũ khí hóa học". Cho đến nay, ba tài liệu trên đây thật, giả ra sao vẫn chưa có kết luận dứt khoát.
Tướng Giôn Véc-xây (John Vessey), nguyên tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ (former Chairman of the U.S. Joint Chiefs of Staff) đã sang Hà Nội gặp tướng Trần Văn Quang. Phía Việt nam dứt khoát phủ nhận bản báo cáo trên, nói rằng lúc ấy (năm 1972) tướng Quang ở miền Nam, không hề có mặt ở Hà Nội và cũng không mang chức vụ Phó tổng tham mưu trưởng. Thêm nữa, năm 1972 cấp quân hàm của tướng Quang là thiếu tướng, chứ không phải là "trung tướng.
Tôi đọc rất kỹ cả ba tập tài liệu trên và rất phân vân để tìm ra sự thật. Không thể nói một cách chủ quan rằng chính quyền Việt nam hay nói dối, nói dối "thành thần", hoặc nói dối "không hề biết ngượng" (vì cho rằng đánh lừa được địch là ưu điểm, là tài ba vì mục đích chính nghĩa...) để kết luận, họ cũng nói dối trong vụ này. Cũng không thể cho rằng đảng Cộng sản Việt nam vốn phụ thuộc vào đảng Cộng sản Liên Xô, luôn coi Liên xô là ông anh cả, để kết luận rằng đấy là "tài liệu thật", Việt nam đã "thủ tiêu" nhiều tù binh Mỹ (vài trăm người??) và chắc chắn Việt nam có gửi tù binh Mỹ sang Liên xô.
Không thể suy luận khiên cưỡng, dễ dãi như vậy được. Chỉ có thể đặt ra những giả thuyết (supposition). Có người còn đưa ra vụ Sta-lin thủ tiêu hàng chục nghìn sĩ quan Ba Lan ở rừng Ka-tin (Katyn), mà mấy chục năm sau dư luận mới biết để nói rằng Việt nam cũng đã làm việc tương tự như vậy?
Tôi rất phân vân trong việc nhận xét tài liệu trên, vì:
- Tôi biết rất rõ tướng Trần Văn Quang hồi ấy ở chiến trường miền Nam, khi ông làm Tư lệnh mặt trận Thừa Thiên-Huế một thời gian dài và không còn trách nhiệm gì ở Bộ tổng tham mưu. Vấn đề tù binh Mỹ thuộc trách nhiệm của Tổng cục Chính trị, chứ không thuộc Bộ tổng tham mưu. Nếu cần báo cáo vấn đề này với Bộ Chính trị thì tướng Song Hào hoặc tướng Lê Quang Đạo, lúc ấy là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, mới là những người thích hợp. Các con số ghi trên báo cáo chênh lệch quá lớn với con số tù binh Mỹ được trao trả sau Hiệp định Paris tới 591 người. Làm sao có thể chênh lệch đến con số gần 600 người được Về báo cáo của ông Hoàng Anh, hồi ấy, ông đặc trách về nông nghiệp. Làm sao ông lại có thể báo cáo vấn đề quân sự, trong đó có vấn đề tù binh, tại cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương đảng". Trong báo cáo của ông, khi đề cập đến vụ "Xét lại-chống đảng, có ghi rằng: "đã có mười sáu ủy viên Trung ương đảng ở trong nhóm cơ hội chủ nghĩa này", và có kể tên: "Lê Liêm, Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh, Song Hào"... Theo tôi được biết và được nghe phổ biến chính thức, ba ông Lê Liêm, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh là đúng, còn ba ông Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp và nhất là Song Hào thì là sai, mà trong văn kiện của đảng thì không thể sai đến vậy. Số ủy viên Trung ương "chống đảng" chưa bao giờ lên quá con số 5 người, theo phổ biến chính thức. Một văn kiện đảng không thể sai đến như vậy được. Trong báo cáo của tướng Quang, có nêu một vài viên tướng của Sài Gòn nhưng tướng Ngô Du lại viết sai là "Ngô Đình Du, có lẽ lầm với một nhân vật dân sự là Trương Đình Du chăng!? Nếu là báo cáo thật của tướng Quang, thì ông không thể nhầm lẫn tên của hai nhân vật ấy được.
|