![]() |
Quê Hương, Tình Yêu Và Nỗi Nhớ
![]() Về Cổ Ngư tức cảnh Mù sương lụa ảo rũ bên hồ Bàng bạc chao nghiêng ánh nguyệt nhô Liễu biếc gió lay lồng ý nhạc Sen hồng sóng gợn cuộn hồn thơ Bãi Trâu người đến chờ chim hạc Đồi Phượng khách về đợi bóng cò Trấn Vũ chùa Tây trầm khói tỏa Tao nhân lãm cảnh họa trời mơ Tiểu Vũ Vi ![]() Hà Nội Ngày Tháng Cũ Nhạc: Song Ngọc Trình Bày: Ngọc Hạ |
![]() Hồ Gươm thoáng hương xưa Ngàn năm Lục Thủy khói mờ xa Truyền thuyết Kim Quy rạng sử ta Thái tổ gươm thiêng bình định quốc Lam Sơn khởi nghĩa trấn san hà Tháp Rùa Tả Vọng chờ người đến Đền Ngọc Văn Xương đón khách qua Hoàn kiếm sang trang đời võ trị Đài nghiên bút điểm giữ yên nhà Tiểu Vũ Vi ![]() Truyền thuyết Hồ Gươm Hoàng Phúc Thắng |
![]() Mưa xuân Hà Nội Chiều Hồ Tây ngai ngái mùi mưa đất Cơn mưa phùn mát dịu hương thơm lành Hạt li ti quấn quýt cành xanh mởn Cho lòng xốn xang khoảnh khắc mong manh Đường về Cổ Ngư giăng mờ mưa bụi Mưa gọi xuân về ươm trên nụ mềm Giọt mơn man long lanh vòm hoa nõn Sưa thẹn thùng trắng muốt màn sương đêm Mưa xanh biếc nhẹ hôn lên dòng tóc Hạt mưa lất phất bâng khuâng thì thầm Lối Hoàng Hoa líu ríu chùm sao bạc Hà Nội kiêu sa trinh trắng hồn xuân Tiểu Vũ Vi ![]() Hà Nội - Mùa hoa sưa |
![]() Đường xưa hoàng ngâu còn trổ nụ vàng Vàng như áo em vướng ngõ hồn sang Vạt nắng lụa lùa ánh thu ngang phố Thả hạt tình nâu trên tóc mơn man Ghế đá công viên ngồi nhặt lá thu Bao mùa nắng lạ quạnh quẽ sương mù Em khát khao thương về một triền núi Có ngọn gió chung tình ngọt ngào ru Vàng Thu Tình Nhớ - Tiểu Vũ Vi Dưới ánh nắng hanh vàng, trong cái se lạnh đầu ngọn gió heo may, tôi ngồi lặng nhìn bức tranh thu đang chuyển màu thời gian nơi công viên thơ mộng này. Hàng cây ngô đồng đã xác xơ lá. Sắc úa vàng đã ngã sang nâu. Tôi ngắm từng chiếc lá thu lìa cành, rụng bay, xoay vần trong gió như đời người hư ảo ...Bắt một chiếc lá vàng vào trong lòng bàn tay, tôi bỗng thấy trào dâng một nỗi nhớ miên man như đang bắt lấy những hoài niệm thầm kín xa xưa đã bao năm ngủ yên trong vực sâu của tiềm thức ... Trở về giữa mùa thu cũ Phố xưa lá đã chớm vàng Nhớ em lòng dâng thác lũ Chập chùng cơn gió mùa sang ... Dòng sông u hoài qúa khứ Lạnh lùng cơn mộng tình đau Xa em thu vàng kỷ niệm Tình yêu như lá thay màu Con đường mãi xanh kỷ niệm Mai này em có qua đây Sẽ thấy mùa thu còn đó Và tình anh mãi vơi đầy Về giữa mùa thu - Khiếu Long Nàng thu tha thướt nhẹ gót hài vân du ...Đã vào thu rồi! Bây giờ là mùa thu...Như ngày xa xưa đó, cũng là mùa thu với " Lá đổ muôn chiều " còn âm vang tha thiết ... Thu xưa đẹp lắm lá ươm tình Vàng ánh màu yêu đời biếc xanh Thu nhuốm mộng mơ hương quyến luyến Cánh buồm lòng thả sóng lênh đênh Mùa thu xưa - Thu Hằng Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Miền Nam quê ngoại chỉ có hai mùa mưa nắng. Cái nắng ấm ngọt hương vị cây trái say mùa và những trận mưa Ngâu đầm đề lệ Chức Nữ gọi cầu Ô Thước đón Ngưu Lang ... Tôi chỉ biết mùa thu quê nội qua thi ca và những lời kể chuyện của Ba tôi...Từ ngày di cư vào Nam, trong lòng Ba tôi vẫn sống mãi dư âm của những "mùa thu Hà Nội ". Gió heo may thoảng đưa hương hoàng lan nhẹ bay khiến Hà Nội thoáng như phố ảo thơ mộng trữ tình. Hà Nội mùa thu Trời giăng sương mù Hồ gươm liễu rủ Cảnh đẹp nên thơ Hà Nội mùa thu- Phạm Sĩ Trung Đường Cổ Ngư nắng tơ se vàng, dát trên cỏ cây sắc áo hoàng kim, lững lờ buông thả từng cánh lá vàng úa xuống mặt nước Tây Hồ tĩnh lặng.Trên đường phố xào xạc những chiếc lá vàng quấn quýt chân người. Mùa Thu Hà Nội ấm áp trong mùi hương cốm Vòng man mác đồng quê, hương hoa sữa nồng nàn, ngây ngất phố...Mùa thu nồng hương cốm như hai dòng thơ mà tôi tình cờ đã đọc được tự thuở nào còn cắp sách đến trường: Nắng ngỏ lời yêu khiến cúc vàng Tình sen nâng cốm báo thu sang... Ba tôi thường ngậm ngùi bảo rằng "Mỗi khi bà nội các con mua một gói cốm, ngắt những đóa hoàng lan trong vườn nhà bầy lên bàn thờ, thì cũng là thu đã về đâu đó nơi đầu ngõ...Và đó cũng là lúc chuẩn bị sách vở để đến trường, để gặp lại bạn bè sau mấy tháng hè xa cách..." Ba tôi còn thương tiếc nhớ về một con đường Nguyễn Du, đường hoa sữa Hà Nội, sau cơn mưa, trong đêm phố trong trẻo lạ lùng. Những cơn mưa đầu thu làm cho hàng cây xanh mướt dọc các con phố yên ả, hiền lành bừng nhú các chùm nụ màu cẩm thạch nhạt, thanh tao, lăn tăn, lí nhí, và khi đêm phủ màn sương trong suốt lụa là bỗng xoè nở những cánh hoa mỏng bé xíu trắng dịu toả hương ướp cả không gian, quyện chặt vạn vật trong mùi thơm nồng nàn. Đó là mùi hoa sữa trinh nguyên thơm ngát hương đêm. Loài hoa riêng của nỗi nhớ da diết cả một đời người về kỷ niệm một thuở ấu thơ Hà Nội trong lòng Ba tôi... Hà Nội thu là một khát khao thèm thuồng của bao người xa quê, phải lang bạt chân trời góc bể, thậm chí dằng dặc xứ người. Mùa thu Hà nội cũng để lại trong người những dư âm khó quên...Hà Nội thu là một khát khao thèm thuồng của bao người xa quê, phải lang bạt chân trời góc bể, thậm chí dằng dặc xứ người...Những chiều cuối thu có sương phủ mờ mờ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, trời trở gió heo may se lạnh, các cô gái Hà Thành mặc áo len quàng khăn tím đi tảo bộ dưới những cơn mưa bụi nhỏ hạt. Mùa thu Hà Nội ngát thơm mùi hoa sữa lẫn hương nồng của cốm. "Mùa thu, mùa cốm vào ngay mùa hồng" (Nguyễn Bính). Cốm thơm ngon nhất vào giữa thu có lẽ nhờ sữa hạt lúa hấp thụ khí hậu của mùa thu. Hạt cốm có màu xanh thơm gói trong lá sen, buộc bằng sợi rơm vàng nhạt... Ôi sao thương nhớ mùa thu Hà Nội, khi được đi dạo trên đường Hồ Tây dưới hàng liễu rũ nghiêng mình, được ngắm vầng trăng soi bóng nước Hồ Gươm... Được nhìn sương khói mơ màng lờ lững trôi rồi quẩn quanh bên hồ nước mênh mang... Được nhấp ngụm nước chè thơm ướp nhụy sen vàng Tây Hồ và nhâm nhi thưởng thức từng hạt cốm vòng giòn tan với vị ngọt thơm ngon của hương cốm quyện với hương lá sen cho ta một cảm giác lâng lâng đê mê khó tả... Đã bao mùa thu đọng về Hà nội nhưng sao mùa thu ở thành phố cổ kính này lúc nào cũng đẹp mê ly não nùng, khiến người lữ khách chân đi mà lòng vẫn hoài mong về cố quận thương yêu… Buồn tôi ơi thiên thu còn lắng đọng giữa linh hồn mòn mỏi kiếp tha hương Sầu cô đơn chứa chan muôn ngọn sóng Tìm về nguồn qua mấy ngả đại dương Tâm sự - Dân Chu ![]() |
![]() Gửi về dấu yêu… những mùa hoa Hà Nội Em gửi về N trời xuân Hà Nội Có mai, thủy tiên với búp đào mơ Giêng hai lãng mạn rộ mùa ban tím Mênh mang nỗi nhớ một thuở đợi chờ Đầu tháng ba rì rào cơn mưa nhỏ Hà Nội li ti trắng muốt hoa sưa Đền Ngọc Sơn rực đỏ hàng bông gạo Bầy trẻ tung tăng nhớ mấy cho vừa Loa kèn tháng tư tinh khôi áo trắng Từng góc sân trường ray rứt tiếng ve Tháng năm ngọt chua mưa mùa sấu rụng Đường Cổ Ngư phượng nở báo sang hè Tháng sáu bằng lăng tím ép trang vở Những dòng lưu bút kết thúc mùa thi Tháng bẩy hồng phai những búp sen nõn Dịu dàng thanh khiết nghiêng cánh nhu mì Tháng tám Hà Nội bên màn liễu rũ Chiều Hồ Tây rạng rỡ cúc vàng thu Có sương hồng lam nhẹ trên sóng nước Lộc vừng kết hoa đăng giữa bụi mù Tháng chín ngào ngạt mùi hương cốm mới Thu đã sang cuốn chiếc lá bàng rơi Hà Nội phố nồng nàn thơm hoa sữa Tháng mười mong đợi người xa phương trời Heo may khẽ khàng ru mùa rét ngọt Đêm hoàng lan ngây ngất nhớ thương nhau Hồi chuông Thánh vọng ngân bên phố cổ Gửi về N tình yêu đẹp muôn màu PTMC Tiểu Vũ Vi 17/05/2011 ![]() Em ơi Hà Nội phố Trình Bày: Bằng Kiều |
![]() Đầu xuân trẩy hội Trẩy hội em về lúng liếng xinh Hài son bước giữa tiếng chuông kình Rừng Mơ vi vút nồng hương nguyệt Khe Yến lững lờ ngát mộng tình Thi sĩ đề thơ trao cảm mến Nữ khuê hạ bút gửi niềm tin Chùa Hương khói ảo mờ sương đất Mái cổ rêu phong đẹp dáng hình Tiểu Vũ Vi 22/02/09 ![]() Đi chùa Hương Nhạc: Trần Văn Khê Trình bày: Ý Lan |
![]() "...Đôi tay nâng lấy cơi trầu, Trước mời quý khách, sau hầu đôi bên. Em là con gái Bắc Ninh Kẻ tấn người tần, Gửi lên tỉnh Bắc cho gần yến oanh..." (Em là con gái Bắc Ninh) Hình ảnh duyên dáng của người con gái bắc đeo yếm thắm lụa đào cổ viền, vận áo the năm thân, bao thắt lưng xanh, váy sồi rủ hình lưỡi trai, chân đi dép cong, đầu chít khăn vuông mỏ quạ, đội nón ba tầm, chân bước thung thăng, nụ cười lúng liếng, ánh mắt đong đưa đưa tình…đã gắn liền với tôi từ thuở ấu thơ… Tuy tôi sinh trưởng trong Nam tại một nơi phồn hoa đô thị nhưng nửa dòng máu chảy trong người tôi mang đậm nét trữ tình lãng mạn của quê hương quan họ. Tôi là con gái Bắc Ninh. Quê Nội mà tôi chưa một lần đặt chân về thăm là một miền quê đẹp như thần thoại, nằm nép mình bên dòng sông Cầu thơ mộng, đã khơi bao nguồn cảm hứng cho các thi sĩ từ ngàn xưa đến nay. Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu, về sắc đẹp duyên dáng và tình tứ của những nàng thiếu nữ, về sự thông minh hay chữ và thành đạt của các danh thần, văn sĩ. Theo lời ba tôi kể thì, dân ca Quan họ Bắc Ninh không những là niềm tự hào, là vốn riêng của người dân Kinh Bắc, mà còn là niềm kiêu hãnh, là nét đẹp văn hoá rất riêng của người dân Việt Nam. Người ta yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ vì yêu làn điệu trữ tình, ngọt ngào và những luyến láy thể hiện được tâm tư, tình cảm rất đỗi thiết tha của tâm hồn, mà còn yêu cả những câu chữ, lời ca bộc lộ nội tâm rất mực đằm thắm, thủy chung, dào dạt nghĩa tình, văn chương tao nhã, đắm say hồn người….Tôi thường thắc mắc hỏi ba tôi tại sao người ta gọi là quan họ ? Ba tôi bảo theo như lời giải thích truyền từ đời này sang đời khác thì từ « quan họ » xuất phát từ hai từ « quan viên » và « phường họ ». Quan họ là tiếng hát “giữa hai họ nhà quan kết bạn với nhau”. Gần đây, tiến sĩ sử học Trần Đình Luyện-Giám đốc Sở Văn hóa-thông tin tỉnh Bắc Ninh giải thích: “ Quan họ tức là: Nói cái nỗi mà ta yêu nhau, yêu nhau nhưng chẳng lấy được nhau…”. Có lẽ, theo ông, vì nếu ngày xưa, những liền anh, liền chị hát quan họ mà lấy nhau, thì không thể có được những câu hát da diết nhớ thương, tình tứ, sâu thẳm đến tận tim gan con người truyền lại cho hôm nay. Tôi còn nhớ khi tôi gặp chú thím tôi từ Bắc Ninh sang Pháp chơi, tôi đã được dịp nghe chú thím tôi hát những bài quan họ thật đa tình, đầy cảm xúc. Ngồi tựa song đào Hỏi người tri kỷ ra vào vấn vương Gió lạnh đêm trường Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường, đợi ai. (Ngồi tựa song đào) Theo thím tôi kể thì cứ mỗi độ xuân về, người dân Kinh Bắc lại mở hội đón năm mới. Các liền anh, liền chị trên vùng đất Quan họ lại tụ họp cùng nhau, trao cho nhau những lời ca, câu hát sâu nặng nghĩa tình. Nhưng đến hẹn lại lên, từ 13 đến 15 tháng giêng hàng năm, từng đoàn khách thập phương lại đổ về đất Bắc Ninh để thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ và cùng nhau đắm mình trong lời ca tiếng hát tràn đầy sắc xuân của vùng quê Kinh Bắc. Trong những ngày trẩy hội này, những chàng trai cô gái say mê đồng cảm với nhau qua những bài hát trao duyên đó. Có những mối tình Quan họ đã nảy sinh, một thứ tình yêu thơ mộng nhưng không kém phần đắm đuối nồng nàn…Vì biết rằng, theo truyền thống của quan họ, các liền anh liền chị phải lòng nhau « yêu nhau nhưng không lấy được nhau », cho nên họ đã gói ghém tình cảm yêu thương của mình gửi cho người bạn lòng qua từng lời hát để nói lên sự nhớ nhung khắc khoải đợi chờ Ai làm đến nỗi dở dang Ai làm đến nỗi nhớ thương thế này. Còn đương cuộc rượu sánh bày Nỡ nào Quan họ dứt dây sao đành... (Đương vui mà về) rồi đến khi hội tàn, giã bạn từ ly trong tiếc nuối, bịn rịn, vấn vương Người về để nhớ cho nhau Người ơi để áo gối đầu lấy hơi Người về đằng ấy xa xôi Xin người nghỉ lại với tôi bên này... (Bỏ bạn sao đành) để chỉ còn lại trong ký ức một nỗi lưu luyến thiết tha về một hương vị cay nồng, ấm ngọt, hồng rực môi, má của miếng trầu cánh phượng, một ánh nhìn lúng liếng trao nhau của trai gái trong mối tình quê, về những đêm bồng bềnh trên thuyền say sưa câu hát giao duyên… ... Vì ai nhớ trộm, thương thầm Để cho con nhện giăng mùng vì ai Xưa câu: “Đá nát vàng phai” Nay duyên quan họ một hai vẫn chờ... (Nghĩa bạn, tình quê) Từ thuở ấu thơ, tôi đã yêu thích dân ca quan họ. Tôi vẫn thường rung động mỗi khi nghe ba tôi hát hay thổi sáo bài “ Người ơi, người ở đừng về”. Tuổi đời chồng chất, tôi lại thấy càng thấm thía hơn những ngôn từ thi ca đặc sắc độc đáo dùng trong lời hát quan họ. Những ngôn từ này khi thì mộc mạc thắm đượm hồn quê khi thì bóng bẩy trau chuốt, nhưng từng chữ đều chứa đầy cảm xúc, nghĩa tình và giàu về hình tượng, thi ảnh…Tỉ dụ như bài “ Nhện giăng mùng”. Chúng ta ai cũng biết con nhện thì chỉ biết giăng tơ. Hình ảnh “nhện giăng tơ” thường dùng trong thi ca để ám chỉ sự vương vấn trong tình yêu. Còn “ nhện giăng mùng” thì theo tôi ý lại phong phú hơn. “Mùng” ở đây có thể nói lên sự giăng mắc mịt mùng. “Nhện giăng mùng” khiến ta nghĩ tới sự quạnh vắng, cô đơn, thương nhớ... giăng mắc bịt bùng vây tỏa khi phải chia xa cùng người mình thương. Mong manh, nhưng suốt cả năm canh cũng chẳng vượt nổi sự vây bủa, bịt bùng ấy… Người về để nhện giăng mùng Năm canh luống những lạnh lùng cả năm Tôi cũng rất hâm mộ cách đối đáp đặc sắc về nghệ thuật sáng tạo giữa “trai tài” “gái sắc” trong dân ca quan họ. Cách đối, từ hình ảnh, hình tượng và từ ngữ đã cho ta thấy hết nét tinh hoa độc đáo của quan họ Bài 1: Lóng lánh: Lóng lánh là lóng lánh ơi! Mắt người lóng lánh như sao trên trời Tôi nhớ người lắm lắm người ơi!... Bài 2: Lúng liếng Lúng liếng là lúng liếng ơi! Miệng người lúng liếng có đôi đồng tiền Tôi với người muốn kết mhân duyên!... Tôi vẫn hằng nguyện mong được có một lần về thăm quê nội Bắc Ninh của tôi không phải chỉ để nghe hát dân ca, mà còn có thể học được cách têm trầu cánh phượng, đội khăn mỏ quạ, nhất là thấm được cái Tình của người quan họ. Người về em vẫn trông theo Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi Người về em dặn tái hồi Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai. Xin hãy cùng tôi xuôi dòng sông quan họ về hội Lim để tâm hồn mình hoà theo làn điệu mượt mà của những khúc ca quan họ rót tình trao duyên ... Ngồi Tựa Mạn Thuyền Dân ca quan họ Bắc Ninh Trình bày: Ngọc Khuê "Ngôi rằng là ngôi tựa i ơ có mấy mạn i ớ ơ thuyền là ngôi tựa có a mạn thuyền, ấy mấy đêm là đêm í hôm qua" Ngôi rằng là ngôi tựa i ơ có mấy mạn i ớ ơ thuyền là ngôi tựa có a mạn thuyền, Trăng í in là in mặt nước i ơ cũng có a càng nhìn là càng nhìn non nước càng xinh.hự là hội hư Sơn rằng là sơn thủy í ơ có mấy hữu ơ ớ tình, là sơn thủy có a hữu tinh .ấy mấy em là em nhác trông ra. Sơn rằng là sơn thủy í ơ có mấy hữu ơ ớ tình, là sơn thủy có a hữu tình Thơ ngâm là ngâm ngoài lái í ơ cũng có a rượu bình là rượu bình giải trí trong khoan, hự là hội hư Tay rằng là tay dạo i ơ có mấy cung ơ ớ ơđàn là tay dạo có năm cung đàn, ấy mấy đôi là đôi í tay em.Tay rằng là tay dạo i ơ có mấy cung ơ ớ ơđàn là tay dạo có năm cung đàn Tiếng tơ là tơ tiếng trúc i ơ cũng có tiếng trầm là tiếng trầm năn nỉ thiết tha. làm tài trai chơi chốn í ơ hà ới a là cầu hà |
![]() Trăng em mười sáu Anh mơ trăng em mười sáu Thềm mây hong tóc thẹn thùng Dòng sương ngọc luồn xuyên lá Đọng giữa môi trinh giọt rung Quen nhau trăng rằm mười sáu Áo em bốn vạt tình mê Nón quai thao nghiêng sầu lắng Tóc đuôi gà rũ hương thề Hài son quyện trăng mười sáu Có về trẩy hội Lim không? Đò qua sông mờ sương tối Anh theo nàng trống rộn lòng Đẫm tương tư trăng mười sáu Chùa Hương còn khuất nẽo xa Theo thày me chân in dấu Bỗng tiếng chuông vọng ta bà Đã lớn rồi trăng mười sáu Quãng đường đê khua bước em Anh đứng chờ bên ngõ lối Dõi nhìn theo dáng em hiền Còn đâu nữa trăng mười sáu Sáo qua đò có nhớ nhau Lồng tre biếc chờ bóng sáo Vui trăng mộng đẹp ánh màu Tiểu Vũ Vi 09/01/07 |
![]() CHIỀU YÊN TỬ SƠN Chiều sương bàng bạc rớt lưng đồi Nước biếc mây đèo ngả bóng soi Rót cạn yên hà hoa Tuệ thoảng Dắt hờ phong nguyệt tháng năm trôi Suối Vàng róc rách đàn chim lượn Thác Tử ngân vang lá trúc rơi Ngoảnh lại sau lưng làn bụi đỏ Hiên mai ngồi đón hạc lưng trời. Ghi chú: Yên Tử Sơn là ngọn núi ở gần thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi di tích của phái Thiền Trúc Lâm. Suối Vàng, Thác Tử: Là những danh lam thắng cảnh của núi Yên Tử. Tiểu Vũ Vi |
![]() Lý hoa thơm I. Năm tà vạt mỏng thướt tha bay Váy lĩnh mùa non rũ mảnh ngoài Lụa thắm một dây se mộng tưởng Yếm đào đôi giải buộc tình say Áo cài khuy bấm đai lưng thắt Khăn vấn đuôi gà tóc xỏa vai Vất vả nhọc nhằn mưa nắng đội Hương trời sắc nước chẳng hề phai II. Hương trời sắc nước chẳng hề phai Xuân nõn hoa thơm bướm lượn bay Răng nhánh hạt huyền môi lúng liếng Mày ngài mắt phượng má hây hây Vành trăng e ấp đêm từ biệt Vạt nắng thẹn thùng buổi nắm tay Khúc hát giao duyên lời hẹn ước Tình trao ý gửi mộng lành thay III. Tình trao ý gửi mộng lành thay Mấy dặm đường đê gánh nặng vai Đồng lúa mưa chiều nồng gió nội Nương cà nắng sớm ủ hương mây Lời thương năm cũ sao còn đó Tiếng nhớ ngày xưa vẫn mãi đây Chim sáo sang sông về bến lạ Hoa cau rụng trắng nát tim này Tiểu Vũ Vi ![]() Bèo Dạt Mây Trôi Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh Tình Bày: Mai Phương |
![]() Mẹ... « Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một như đường mía lau Mẹ như bể rộng trời cao Ngọt dòng suối mát sáng sao chín tầng. » (Dáng mẹ hiền - Việt Hải) Tình mẹ là biểu tượng thiêng liêng cao đẹp nhất, truyền thống thờ mẹ kính cha đã in sâu vào tâm hồn của người dân Việt và văn hóa dân tộc Việt Nam. Người dân Tây phương có ngày lễ Hiền Mẫu, tổ chức vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 dương lịch…Cũng như người dân Việt Nam có ngày lễ Vu Lan để tỏ lòng kính yêu người thân mến nhất trên đời, tức là người Mẹ của chúng ta. Mẹ là tất cả, là những gi ngọt ngào và trân quý nhất …Từ lúc cất tiếng khóc oa oa chào đời đến lúc thân xác trở về với cát bụi, không ai có liên hệ mật thiết và dịu dàng với ta cho bằng Mẹ. Không ai yêu thương và chăm sóc ta cho bằng Mẹ. Mẹ cưu mang ta chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau, nâng niu bú mớm vỗ về yêu thương… Gió mùa thu mẹ ru con ngủ Năm canh chày thức đủ năm canh Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương Ca Dao Việt Nam Mẹ vui với niềm vui của con thơ, đau đứt cả ruột gan mỗi khi chăm sóc con trẻ ốm đau, Người vui trong cái vui nhỏ bé nhất, đau khổ trong cái khổ đau lớn nhất …Suốt cuộc đời, đời mẹ đã gắn liền với đời con…Mẹ là dòng suối trong, là bóng mát dịu êm che chở và nuôi nấng ta lớn khôn, là chốn ta tựa nương tháng năm… Chỉ có trong vòng tay yêu thương của mẹ ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, thơm nồng nàn như "chuối ba hương", dịu như "xôi nếp một" và đậm đà ngọt lịm như "đường mía lau". Mẹ, Mẹ là lọn miá ngọt ngào Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau Là tiếng dế đêm thâu Là nắng ấm mương dâu Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời… (Bông hồng cài áo- Thích Nhất Hạnh) Mẹ là tình thương . Tình mẹ là nguyên thủy , là cội nguồn của mọi tình cảm thương yêu. Như dòng nước trong nguồn chảy ra, tình mẹ là bất tận. Mẹ yêu thương con, vô bến bờ, vô điều kiện. « Không có tình yêu nào hơn được tình của người thí mạng vì người mình thương. Đây mới là cách dựng xây tình yêu đích thật, bằng hy sinh quên mình » . . Trái tim mẹ chan chứa tình người, hy sinh, chịu đựng, sẳn sàng cho đi mà chẳng bao giờ chờ hồi đáp lại … Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu. Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu Tình Mẹ yêu mến như như làn gió đùa mặt hồ Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ Thương con thao thức bao đêm trường Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao Thương con khuya sớm bao tháng ngày. Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền. Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm Tiếng ru êm đềm Mẹ hiền năm tháng triền miên.... (Lòng Mẹ - Y Vân) Mẹ là vị giáo sư đầu tiên dạy cho ta biết thế nào là yêu thương, biết thể hiên tình yêu và cảm nhận tình yêu… Tục ngữ Việt nam có nói: "mất mẹ liếm lá đầu đường" …Không có mẹ trái tim ta trở nên khô héo vô tình… Mẹ là Thơ.Trong ngôn ngữ thi ca của thế giới, dân tộc nào cũng có những vần thơ chứa chan tình mẹ. Only One Hundreds of stars in the pretty sky; Hundreds of shells on the shore together; Hundreds of birds that go singing by; Hundreds of bees in the sunny weather. Hundreds of dewdrops to greet the dawn; Hundreds of lambs in the purple clover; Hundreds of butterflies on the lawn; But only one mother the wide world over. George Cooper (1820 - 1876) Mẹ chỉ một mà thôi ! Trên trời lấp lánh hàng trăm vì sao Dưới biển trăm ngàn ốc đảo xinh xắn Hàng trăm loài chim đua hót cùng nhau Trăm chú ong thảnh thơi bay trong nắng Trăm giọt sương mai chào đón ngày mới Hàng trăm cừu non nhởn nhơ trên đồi Trăm con bướm lạ đùa vui bay lượn Nhưng trên đời, mẹ chỉ một mà thôi! (Vũ Vi phỏng dịch) Mẹ là kết tinh, là nguồn sống của tất cả những thiên anh hùng ca, những đại sử thi, những trường thiên tình sử và cả trong những vần thơ đường thi đơn sơ, thâm thúy. Thế giới Đường thi là một thế giới huyền thoại thần tiên thoát tục, phong phú, đa dạng, bát ngát, vô biên, vô tận...Những bài thơ Đường Thi thường đậm nét trung- hiếu - nhân- nghĩa…Nhà thơ thời Trung Đường Mạnh Giao đã vinh danh hình ảnh người mẹ hiền qua bài « Du tử ngâm » : DU TỬ NGÂM Từ mẫu thủ trung tuyến Du tử thân thượng y Lâm hành mật mật phùng Ý khủng trì trì quy Thùy ngôn thốn thảo tâm Báo đắc tam xuân huy Mạnh Giao KHÚC NGÂM CHO ĐỨA CON ĐI XA Bản dịch của Trần Trọng San: Mẹ hiền sợi chỉ cầm tay Khâu lên tấm áo trước ngày con đi Đường kim khăng khít chinh y Sợ con chậm trễ không về lại ngay Ai rằng tấc cỏ lòng này Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân? Bản dịch của Trần Trọng Kim Mẹ từ sợi chỉ trong tay Trên mình du tử áo may vội vàng Sắp đi mũi chỉ kỹ càng Sợ con đi đó nhỡ nhàng trễ lâu Chút lòng tấc cỏ dễ đâu Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho người Hình ảnh người mẹ già chịu đựng đớn đau một đời như những bà mẹ Việt Nam, trong cảnh khói lửa triền miên ly loạn, giữa tang thương đổ nát điêu tàn, lặn lội nắng mưa, gánh nặng vai gầy sương gió, lưng còng lam lũ nhọc nhằn, chua xót đau quặn thắt ruột gan khi những người con du tử của Mẹ ra đi bảo vệ giang sơn gấm vóc, như những cánh chim bạt gió bay đi không hẹn ngày về…Mẹ già ngồi khâu chiếc áo nghĩa tình, gửi từng sợi nhớ sợi thương vào từng mũi chỉ đường kim, thầm mong manh áo có thể đủ sưởi ấm thân con trên con đường lưu lạc viễn xứ tha phương nơi đất khách quê người. Mẹ ngồi vá áo chiều nay Con đi xa thẳm tháng ngày lênh đênh Lời ru chiều vọng buồn tênh Thương con đời vẫn gập ghềnh nổi trôi Mẹ ngồi vá mảnh đời tôi Quê hương bỏ lại rã rời đớn đau Chiều giang hồ biết về đâu Chí trai chưa thỏa ngậm sầu thiên thu Mẹ ngồi hiu hắt lời ru Để nghe uất hận giam tù đời con Giọng hò buồn đến héo hon Mùa trăng viễn xứ đau mòn đời qua (Lời mẹ ru chiều-Khiếu Long) Mẹ là câu ca dao, là tiếng hát ru hời. Từ khi còn nằm nôi, lời ru của mẹ dắt dìu con thơ chập chững vào đời. Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ Năm (ơ) canh chày, Năm (ơ) canh chày, thức đủ vừa năm Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con Con hời là con hỡi, con hỡi con hời Con hỡi con hời, hỡi con! (Ru con- Dân ca Nam Bộ) Hình ảnh người mẹ hiền đong đưa võng, ru con trong những buổi trưa hè oi bức hay trong những đêm trường, vò võ thức đủ năm canh cho ta thấy tình yêu của mẹ sâu diệu vợi, bao la như biển cả, êm ả như tiếng sáo chiều thu, ngọt ngào như cơn mưa đồng nội: Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh, lạy trời mưa tuôn Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình Trịnh Công Sơn Tình mẹ như hơi thở sưởi ấm lòng các con trong những ngày lữ thứ xa quê hương. Trên bước chân phiêu dạt xứ người, thời gian âm thầm trôi qua những tháng ngày phiền muộn nhớ thương, tưởng nhớ về mẹ luôn âm ỉ trong lòng từng đứa con du tử Thấm thoát ra đi mấy độ rồi Nhớ về quê mẹ mãi không thôi Bao năm xa vắng lòng ray rứt Nấc nghẹn tuôn trào lệ đắng môi Mẹ ơi, con yêu nhớ mẹ nhiều Âm thầm lăng lẽ dạ xót xa Phố lạ gi ờ đây con lỡ bước Lẫn thẫn lang thang mỗi sớm chiều… (Nhớ mẹ - TVV) Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Có bao giờ ta quên được những nụ cười hiền hoà, những ánh mắt trìu mến của Mẹ đã dành cho ta? Cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, trái tim chúng ta sẽ vẫn còn rộn ràng xúc động khi nghe tên Mẹ, vì mẫu tử là tình yêu vĩnh cửu. Tất cả đều là hiện thân của mẹ. Cám ơn mẹ đã là mẹ của con và đã yêu thương con…Giờ đây con cũng đã là mẹ , con đã hiểu thế nào là tấm lòng của mẹ . Nơi phương xa, con thành tâm dâng về mẹ lời nguyện chúc bình an…Con gái vẫn yêu mẹ suốt đời! Mẹ chờ con gái đã lâu Lấy chồng xứ lạ đêm thâu nhớ nhà Bây giờ ở xứ người ta Nguyện cầu cho mẹ tuổi già bình yên… (Nửa đêm nhớ mẹ - thơ Việt Hải) Viết tại Paris, ngày 14/5/2006 Vũ Tuyết Như (Tiểu Vũ Vi) ![]() Dòng tâm tình này Vi kính dâng lên Mẹ ...Cám ơn Mẹ đã suốt đời tận tụy vì chồng và các con ... Thương tặng N, cám ơn tấm lòng yêu thương bao la của Mẹ đã hy sinh vất vả một thân một mình nuôi lớn các con nên người... Thương tặng đến những người Mẹ ... Mẹ yêu Tiếng Hát : Lâm Thuý Vân |
![]() Lòng Mẹ Tác giả: Y Vân Trình bày: Hương Lan- Xuân Mai Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào, Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào, Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu. Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ. Thương con thao thức bao đêm trường, Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày. Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn. Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền. Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền. Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm. Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên. |
![]() LỜI MẸ RU CHIỀU Mẹ ngồi vá áo chiều nay Con đi xa thẳm tháng ngày lênh đênh Lời ru chiều vọng buồn tênh Thương con đời vẫn gập ghềnh nổi trôi Mẹ ngồi vá mảnh đời tôi Quê hương bỏ lại rã rời đớn đau Chiều giang hồ biết về đâu Chí trai chưa thỏa ngậm sầu thiên thu Mẹ ngồi hiu hắt lời ru Để nghe uất hận giam tù đời con Giọng hò buồn đến héo hon Mùa trăng viễn xứ đau mòn đời qua Khiếu Long ![]() Lời Mẹ Ru Chiều Thơ: Khiếu Long Nhạc: MiênDu Đà Lạt Trình Bày: Quang Minh |
![]() Nhớ Mẹ Thấm thoát ra đi mấy độ rồi Nhớ về quê mẹ mãi không thôi Bao năm xa vắng lòng ray rứt Nấc nghẹn tuôn trào lệ đắng môi Mẹ ơi, con yêu nhớ mẹ nhiều Âm thầm lặng lẽ dạ xót xa Phố lạ giờ đây con lỡ bước Lẩn thẩn lang thang mỗi sớm chiều Năm tháng xuân sang hằng ấp ủ Thầm mong dáng mẹ quá đi thôi Giao thừa xứ lạ không hơi ấm Đón Tết nhớ người mắt lệ rơi Nơi ấy, mẹ chờ trong khắc khoải Đứa con thơ biệt xứ bao ngày Bánh chưng mẹ gói con hằng thích Se thắt trĩu lòng nỗi đắng cay Hôm sớm mẹ cầu xin khấn nguyện Con trẻ quê người vẫn bình yên Lau khô dòng lệ hoen đôi mắt Mộng ước cho con xóa muộn phiền Tiễn đưa năm cũ vẫn quê người Con ngồi tưởng nhớ những ngày son Ngậm ngùi buồn tủi thương về mẹ Một bóng già nua trông đợi mỏi mòn Nhớ nhiều thương lắm tình cao cả Vất vả gian truân cả kiếp người Thơ này con viết dâng về mẹ Nguyện chúc tuổi già vẫn thắm tươi… Tiểu Vũ Vi |
![]() MẸ TÔI Sáng tác : Nhị Hà Trình bày : Như Quỳnh Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại Cầu mong con mình có một ngày mai Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan Không than không phiền dù lâm hoạn nạn Lòng tin con mình xứng thành người dân Chiều chiều, bên liếp lều tranh Mẹ tôi đứng đợi đàn con Trước gió tóc trắng loa xòa Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương Lòng người mong ước ngày sau Đàn con xứng thành người dân Nhưng nay con đã nên người Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa Công ơn sinh thành ngày nao đền trả Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên |
Những dòng tâm tình cho mẹ ![]() Hôm nay 08/05 là ngày Lễ Hiền Mẫu ở hầu hết mọi nơi trên thế giới nhưng lại không ở nơi tôi sinh sống...Ở bên Pháp vinh danh Lễ Mẹ vào ngày 29/5. Sáng nay khi thức giấc, mở máy tôi thấy trong hộp điện thư của mình đầy dẫy những lời chúc cho ngày Lễ Mẹ...Tự nhiên trong lòng tôi lại náo nức những niềm vui...Tự nhiên tôi lại thèm nghe tiếng của Mẹ, mặc dầu ngày hôm qua hai mẹ con đã nói chuyện với nhau qua điện thoại gần cả nửa tiếng đồng hồ...Mẹ tôi cười âu yếm nói bảo rằng: - Con bé này mới sáng sớm đã tìm mẹ làm nũng rồi hở? Lại có món gì không làm được nữa đây? Quả thật mẹ tôi thiệt hiểu con gái của mình...Ở nhà tôi chỉ có hai chị em gái...Em gái tôi và ngay cả các em trai tôi giỏi bếp núc bao nhiêu thì tôi tuy là chị cả nhưng lại đoảng bấy nhiêu...Tôi thường bảo: - Ai bảo mẹ cưng con quá cứ xuống bếp là bị đuổi lên cho nên giờ cái gì con cũng hông biết như ngày mẹ về với ba vậy.... Vì thế mà mẹ tôi sau này thường hay dạy tôi làm bếp qua điện thoại... Mẹ tôi năm nay đã bước vào tuổi 71 nhưng đối với chúng tôi lúc nào mẹ cũng trẻ và đẹp... Cả cuộc đời mẹ tôi lấy chồng khi còn học lớp đệ nhi...Mẹ mang thai tôi khi học đệ nhất...Có tôi rồi, mẹ bỏ dỡ dang việc học để làm người vợ đảm đang và người mẹ hiền...So với mẹ, tôi thấy mẹ tôi là người đàn bà rất can đảm, thay chồng nuôi lớn 6 đứa con...Chồng đi chinh chiến đánh trận ngoài xa, ở nhà mẹ tôi hẩm hiu một mình chăm sóc cho bầy con...Lúc nào cũng phập phồng lo cho chồng với những nguy hiểm trước đường tên mũi đạn ngoài trận tuyến, rồi phải lo lắng mỗi khi các con đau ốm...Sanh con năm một, một đứa đau là cả bầy đều đau...Và còn nỗi đau nào hơn khi trái tim người mẹ nát tan nhìn đứa con vừa tròn thôi nôi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mình...Nước mắt chảy ngược vào lòng để còn tiếp tục đứng vững cho chồng và cho đám con còn lại... Những năm tháng mà thật sự tôi gần gũi với mẹ nhất, chia sẻ với mẹ nhiều nhất là những năm ba tôi đi tù cải tạo...Sài gòn thất thủ, ba tôi tù đày để lại một người đàn bà bơ vơ với sáu đứa con thơ dại chưa một lần sống ngoài chợ đời... ...Cô bé nhìn mẹ mình càng ngày càng tiều tụy mà lòng đau như dao cắt. Mẹ cô về làm vợ từ khi còn là nữ sinh trung học. Cả đời mẹ cô chưa bao giờ phải lo lắng đi kiếm ăn. Bây giờ tương lai mù mịt, chồng không biết bị bắt giải về đâu, đàn con thì nheo nhóc. Lấy gi , làm gi mà nuôi con đây? Mẹ cô bé nhận đồ về gia công. Bà nhìn các con lớn nhỏ đều phụ vào làm mà thấy lòng như ấm lại. Bà thương cô con gái đầu lòng của mình sức khỏe thiệt mong manh mà lúc nào cũng ráng chống đỡ giông ba bão tố chẳng hề kêu ca nửa lời... ...Những tháng ngày sau đó là những chuỗi ngày sống trong cơ cực đầy khủng hoảng. Cô bé từ một "vị tiểu thơ " đài các đã bắt đầu nếm hầu hết các mùi vị khổ đau .Trên đôi vai gầy bé nhỏ, cô bé đã gánh vác cả gia đình thay mẹ nuôi, dạy dỗ, chăm sóc các em trong những ngày tháng mà mẹ cô bé, vì đau thương quá độ sau lần thăm nuôi ba cô bé lần đầu tiên, đã ngã bệnh và phải nằm chữa trị ở viện lao Hồng Bàng . Với cái tuổi chưa tròn trăng mười sáu đầy thơ mộng, cô bé đã thay ước mơ mình bằng nước mắt, mồ hôi và buồn tủi...[Trích Ngày ấy quen nhau - Tiểu Vũ Vi] Những năm tháng mẹ tôi nằm ở Hồng Bàng thật là hãi hùng...Tôi không biết mẹ tôi ở đâu cho nên tôi đã len lén đạp xe theo sau xích lô đưa ông ngoại vào thăm me...Ngoại tôi đến thăm mẹ nhưng chỉ nói chuyện với mẹ tôi qua song cửa sắt của bịnh viện vi sợ truyền nhiễm...Tôi nhìn mẹ mà lòng nghe đau quặn thắt...Kể từ buổi chiều đó tan học xong trong vòng suốt ba tháng chiều nào tôi cũng đạp xe một quãng đường dài từ Couvent vào thăm mẹ...Tánh tôi bướng bỉnh và tôi cũng hiểu tính mẹ tôi...Tôi không sợ bị lây vi tôi yêu mẹ hơn cả chính bản thân mình...tôi tin Chúa sẽ phù trợ cho tôi thoát nàn...Và tôi đã cùng mẹ vượt qua chặng đường gian nan ấy...Năm đó tôi chỉ mới vừa tròn 14 tuổi đời... Cũng vì những ngày tháng ấy sau này cứ mỗi lần tôi bị cơn sưng phổi hành hạ, nằm viện, mẹ tôi cứ ám ảnh bảo tại Mẹ mà phổi tôi bị yếu...Tôi vì thể chất yếu đuối như Hàn Ni cho nên suốt cả đời mẹ lúc nào cũng phải lo lắng vì tôi...Nước mắt mẹ tôi rơi mỗi lần tôi ngất, hay khi nhìn thấy tôi khổ đau; mẹ vui với nụ cười của tôi và các em... Dạo sau này, ba tôi mới vừa nong tim hai lần, mẹ tôi trông nhiều mệt mỏi...Nhưng khi tôi có dịp về thăm, thì mẹ vẫn không cho tôi làm gì cả, chỉ bảo tôi ráng nghỉ ngơi lấy lại sức để xuống dưới đi trực tiếp...Niềm vui của mẹ tôi lúc nào cũng là, chồng, con và cháu...Mẹ tôi yêu chồng yêu luôn lý tưởng của chồng, từ lúc ba tôi trong Dù hay sau này hoạt động chính trị ở hải ngoại...Tôi nhìn mẹ tôi việc nhà đã mỏi mệt nhưng vẫn vui vẻ tham gia làm cơm tiếp vận đến khuya mới về...Tôi thấy cuộc đời làm vợ, làm mẹ, làm người phụ nữ yêu nước " giặc đến nhà đàn bà phải đánh" của Mẹ rất trọn vẹn và có ý nghĩa... Trong ngày Lễ Hiền Mẫu, tôi lại nhớ đến N ... Tôi ước mẹ tôi cũng có được tuổi thọ như má của N, được con cái phụng dưỡng chăm lo tận tình như N đã làm; lo cho Mẹ từng chén cháo, có giấc ngủ yên, có sức khỏe tốt ...Hầu như cuộc sống hàng ngày của N đều theo nhịp điệu của cuộc sống của mẹ ... Những ngày má N nằm viện, nhìn N đau lòng lo lắng bối rối trước cơn đau đang hành hạ mẹ, tôi nghe lòng mình buốt nhói…Mỗi buổi sáng, con đường từ nhà đến bệnh viện lất phất những chiếc lá cuối mùa úa tàn bay bay, N tâm sư với tôi bảo rằng cảm thấy mẹ mình thêm một tuổi, thêm một già hơn, hơi sức mỏi mòn như ngọn đèn lu mờ trước gió… Tôi ngồi design hình má để minh họa cho thơ N, nhìn mẹ hiền thân yêu tiều tụy sau một tháng nằm trên giường bệnh, nước mắt tôi bỗng tuôn dài... Lời thơ của N như xoáy vào trong tim tôi... ![]() Buổi Sáng Pomerado Buổi sáng đường vào bệnh viện Mùa đông đầy những lá vàng Mẹ ngồi mắt nhìn xa thẳm Gió buồn hiu hắt mùa sang Mẹ đã suốt đời mưa nắng Nuôi con nên vóc nên người Hy sinh cả thời son trẻ Quên mình quên tuổi đôi mươi Rồi cũng một ngày cách biệt Đời phù du cõi đi về Nhưng sao lòng con đau buốt Nhìn mẹ như tỉnh như mê Con biết một ngày mất mẹ Mất đi hình bóng dịu hiền Không còn lời thương trìu mến Giữa đời đầy nỗi sầu miên Cúi đầu dâng lời khấn nguyện Lên chúa với cả nỗi lòng Mẹ con xin người che chở Ngày về bên chúa hoài mong Khiếu Long 02/09 Thắp nến bình an tôi cùng với N chấp tay khấn nguyện tạ ơn và nguyện cầu cho hai người mẹ hiền đã suốt một đời hy sinh trọn vẹn cho chồng cho con được sống trường thọ, bách niên giai lão, an vui và khỏe mạnh.... - Mẹ ơi, con gọi Mẹ chỉ để nói con yêu Mẹ nhiều lắm.... Tiểu Vũ Vi |
![]() Mẹ của anh Thơ: Xuân Quỳnh Nhạc: Trịnh Công Sơn Trình Bày: Thùy Dương Phải đâu mẹ của riêng anh Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi Mẹ tuy không đẻ không nuôi Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong Ngày xưa má mẹ cũng hồng Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau Bây giờ tóc mẹ trắng phau Để cho mái tóc trên đầu anh đen Đâu con dốc nắng đường quen Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần Thương anh thương cả bước chân Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao Lời ru mẹ hát thuở nào Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh Nào là hoa bưởi hoa chanh Nào câu quan họ mái đình cây đa Xin đừng bắt chước câu ca Đi về dối mẹ để mà yêu nhau Mẹ không ghét bỏ em đâu Yêu anh em đã là dâu trong nhà Em xin hát tiếp lời ca Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn Hát tình yêu của chúng mình Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng Giữa ngàn hoa cỏ núi sông Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ Chắc chiu từ những ngày xưa Mẹ sinh anh để bây giờ cho em. Xuân Quỳnh |
![]() Ba tôi Nhị thủ Ba tôi tóc điểm tháng năm dài Cung kiếm nửa đời vẫn nặng vai Đất Mẹ điêu linh niềm tủi hận Dân oan thống khổ nỗi ai hoài Trung quân ái quốc tròn ơn nước Đuổi giặc công thành vẹn chí trai Dâu bể thăng trầm đời nếm đủ Phù du một kiếp thoáng mây bay Mây bay gió giạt nhẹ long hồng Khắc khoải niềm riêng nỗi nhớ mong Ngó lại giang san sầu tủi hổ Trông về cố quốc lệ hờn vong Ly hương đất khách không mòn chí Viễn xứ quê người chẳng ngã lòng Tuổi bảy mươi hai còn lận đận Đáp lời sông núi thỏa tang bồng Tiểu Vũ Vi |
![]() Tình Cha Nhạc và Lời : Ngọc Sơn Tiếng Hát : Quang Lê Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương Ngọt ngào như giòng nước tuôn đầu nguồn Suốt đời vì con gian nan, Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi Cha già dấu yêu Và con nhớ mãi những ngày tháng qua Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha, gian khổ ngày đêm chăm lo Mong muốn con được lớn khôn Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh Và Cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài Nhè nhẹ hôn con và Cha khẽ nói: Này con yêu ơi... Con hãy nhớ.. hãy nhớ... lời Cha sống cho nên người và con hãy chớ bao giờ dối gian Nghèo thì cho sạch rách sao cho thơm! Những lời của Cha năm xưa Con nguyện ghi sâu trong tim Cha hỡi Cha già dấu yêu... |
![]() Thương về quê anh Bên bờ lạ nhớ dòng Thủy Lam Anh về Hồng Lĩnh gió núi ngàn Chùa Hương sương phủ mờ xuyên lá Ngàn thông vi vu khúc tiên mang Em nhớ anh âm thầm phố vắng Hà tĩnh dậy muộn có đẹp xinh Còn thơm hương đồng óng tơ nắng Còn tiếng hò sớm gọi bình mình Vòng nắng bên gối ru tròn giấc Sợi thương sợi nhớ ủ đóa môi Anh đem xứ Nghệ tình chất ngất Gửi về em hương quê ngọt đời Anh có về Cổ đạm làng vắng Nghe ca trù nhớ tiếng tranh em Hò ví dặm giữ người phiêu lãng Trên sông La sóng nước tình thêm Anh như dòng sông xuôi nguồn cội Chở cho em vần thơ quê hương Tình Xuân Diệu đậm vào mạch sống Hay bóng Kiều đổ cầu đoạn trường Em vẫn chờ anh bên phố cũ Đêm khuya nỗi nhớ đọng canh thâu Sầu tương tư hoen trên gối ngủ Đợi anh về chung mộng tìm nhau Tiểu Vũ Vi 18/12/06 |
![]() Nhớ Huế Trong tôi Huế thắm một trời mơ Tường đá rêu phong bóng phủ mờ Trăng rụng dòng Hương gieo điệu cảm Sương giăng núi Ngự trải vần thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ ngân hồi nhớ Nhịp trống Đông Ba vọng khúc chờ Tôn Nữ chao nghiêng vành nón mới Cho hồn lãng tử mộng vu vơ Tiểu Vũ Vi 08/10/07 ![]() Nhớ Huế Vân Khánh |
![]() Theo em qua cầu Tràng Tiền Cầu Tràng Tiền mười hai nhịp cầu duyên Chiều Đồng Khánh thướt tha tà lụa tím Quai lõng, nón bài thơ, vành chao nghiêng Cho tôi lãng tử si tình Tôn Nữ Em Huế dịu dàng trong thơ Nguyễn Bính Suối tóc mượt mà như nước dòng Hương Một tiếng “dạ…thưa” chân tôi luýnh quýnh Nhịp guốc qua cầu trăm nhớ ngàn thương Em là Huế mơ màng bến sông Trăng Cho Mặc Tử tương tư o thôn Vỹ Còn tôi mộng tưởng ôm bóng nàng Hằng Đắm trăng đáy nước say ảnh kiều mị Em rất Huế hỡi người em Nam Phổ Em kiêu sa e ấp dáng công nương Mưa sụt sùi sầu vương lên khóe mắt Khách đa tình qua cầu theo dáng hương Tiểu Vũ Vi 04/09/06 ![]() Tình Huế Ca sĩ Vân Khánh |
![]() Hương Giang dạ khúc Đêm về ánh tỏa Hương Giang Trăng nghiêng chén bạc nhỏ hàng lệ sương Bên bờ liễu rũ soi gương Thơm trong gió thoảng trầm hương nồng nàn Trên sông đủng đỉnh thuyền nan Nghe hò mái đẩy tình tang ru hời Thi nhân say bút tung lời Thiên tiên một cõi tuyệt vời dòng Hương Đêm về lấp lánh Hương Giang Trăng cài áo lụa tơ vàng đẹp xinh Dòng Hương duyên dáng lung linh Như O con gái tự tình đêm trăng Mơ màng sương khói mây giăng Tóc thề buông xỏa đón vầng bán cung Phím đàn gieo khúc não nùng Rối lòng lữ khách muôn trùng vấn vương Đêm về kiều mị Hương Giang Gửi hồn theo tiếng thở than nguyệt cầm Lặng nghe sông núi thì thầm Trăng màu cổ độ trăm năm đợi chờ Sông Hương nước chảy lững lờ Thả trôi trên sóng vần thơ cung đàn Khắc sâu từng nét đài trang Sông Hương, núi Ngự…dâng tràn nhớ thương Tiểu Vũ Vi ![]() Hương giang tôi còn chờ Tiếng Hát : Quang lê |
![]() chuyện chiếc cầu đã gẫy Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng Trình Bày: Thanh Thúy - Băng Tâm Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu Giờ êm ái quen nghe tiếng hò Ngự Bình Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh như lòng người dân lành Cầu đưa ta đi sớm trưa tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa Hết lòng gìn giữ nhịp cầu nối liền tình người đẹp đời mai sau Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa Dập dìu trong tay chan chứa tình thương Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường Áo trắng về trắng cầu quê hương Mỗi lần chiều tan trường Cầu quen đưa bao chuyến xe Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu Nước dưới cầu vẫn trong veo Như cuộc tình duyên nghèo Tình yêu ta như nước trong Dù qua mấy sông vẫn một lòng Thương người nhìn qua đầu cầu Hứa hẹn ngọt ngào tình bền duyên lâu Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôị Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau |
![]() Nhớ về Huế Nhớ về Huế mộng mơ màu áo tím Cầu Tràng Tiền guốc khua nhịp kiêu sa Chao nghiêng vành nón thướt tha tà lụa Tóc huyền buông xỏa lụy khách hào hoa Nhớ về Huế sương mờ giăng Núi Ngự Một giải tơ vàng rủ xuống dòng Hương Mái nhì mái đẩy, thuyền trôi lờ lững Vọng khúc Nam Bình da diết luyến thương Nhớ về Huế xanh hàng cau thôn Vỹ Sông trăng cổ độ òa trắng đêm thâu Trải sóng thi ca, ươm tình Tôn Nữ Lồng trong đáy nước rụng rơi nhánh sầu Nhớ về Huế những con đường Đại Nội Cửa Thượng tứ tường đá phủ rêu phong Vẳng vào thinh không hồi chuông Thiên Mụ Gọi vào tiền kiếp hồn thiêng Tiên Rồng Nhớ về Huế ngọt ngào mùi hương bưởi Xuôi Thuận an nghe biển gió ru hời Chiều Đông Ba nồng cay thơm cơm Hến Bến Vân Lâu huyền thoại vướng mây trời Ôi chi lạ chừ, răng mà nhớ rứa ! Huế lãng mạn đẹp tựa nón bài thơ… Vũ Tuyết Như (Tiểu Vũ Vi) ![]() Tiếng Sông Hương Ngọc Hạ |
![]() HUẾ, THI CA VÀ TÔI Kỳ 1: Huế - vùng đất mộng mơ, đã lắng sâu trong tiềm thức của tôi với tình cảm thân thương, đằm thắm. Hầu hết mỗi người trong chúng ta đều được một lần nghe nói đến sông Hương, núi Ngự, thôn Vỹ Dạ, chùa Thiên mụ, cầu Tràng tiền…qua những khúc tình ca đã viết về cố đô thân yêu này… Ai ra xứ Huế thì ra Ai về là về núi Ngự Ai về là về sông Hương Nước sông Hương còn vương chưa cạn Chim núi Ngự tìm bạn bay về Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ lắm chi ( Ai ra xứ Huế- Duy Khánh) Huế buồn, Huế đẹp, Huế thơ...sao lại để cho tôi trăm ngàn lưu luyến, vấn vương! Mỗi lần nghe nhắc về Huế, là mỗi lần nhớ đến Huế, là nhớ về một vùng ký ức xa xôi, nhớ đến não lòng… Những đêm dài nhức nhối trên sông Hương Thả tương tư bay bổng khắp Nội thành Như sợi khói bay tròn quanh núi Ngự ( Khói tương tư - Đỗ Hữu Tài) Huế đến với tôi lần đầu tiên khi tôi bước vào lứa tuổi ô mai đầy mộng mơ, trong mùa hè đỏ lửa 1972. Năm đó Đông Hà rồi cổ thành Quảng Trị thất thủ. Máu loang như màu phượng đỏ trên Đại Lộ Kinh Hoàng, trên con đường số 1 từ Mỹ Chánh ra Quảng trị với sự tàn sát dã man của đoàn người tản cư chen chúc. « Một người lính dù, nước mắt chan hòa, đứng lặng giữa hàng trăm, hàng ngàn xác chết, bên cạnh nững chiếc xe đạp, xe gắn náy nằm ngổn ngang, chỏng gọng…Những chiếc xe jeep, xe hồng thập tự, vết đạn xuyên lỗ chỗ. Ngọn gió Lào nóng rát mặt đẩy đưa cánh cửa xe cho thấy những xác người nằm trên băng ca…Có bộ xương em bé nằm trên bộ xương người mẹ dưới bụi gai. Có xác khô đét như người tiền sử…có xác nằm sấp, có xác nằm co…Tất cả im lặng . Không có tiếng nguời, không có tiếng chim… » (Trích đoạn « Những oan hồn trên Đại lộ Kinh Hoàng »- Trần Đức Tường) . Sau lần chứng kiến đau thương đó, Ba tôi được lệnh dời tiểu đoàn quân y về đóng quân ở cây số thứ 17 Hiệp Khánh- Phú Bài- Huế. Và mảnh đất thần kinh này bỗng dưng đã trở nên quen thuộc và thân thương với tôi… Ba tôi cũng bị "chinh phục" bởi Huế. Người thường tâm sự rằng: " Tuy rằng quê quán ở Kinh Bắc, nơi quê hương quan họ; tuy rằng sinh sống ở Sài Gòn, nhưng bây giờ có ai hỏi tôi, nơi nào ở Việt Nam tôi nhớ nhất thì tôi sẽ trả lời là "Huế". Nhiều người hỏi tôi, có mối tình nào ở miền Sông Hương, Núi Ngự. không ? Thực tình thì không phải như vậy. Có lẽ là suốt 10 năm đi lính Nhảy Dù, tôi đã đổ ra rất nhiều mồ hôi và đôi khi cả máu mình cho vùng đất thơ mộng nhưng cũng nhiều đau thương nghèo khó này..." Tôi cũng thế. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn phồn hoa đô thị nhưng lại yêu thích cố đô cổ kính này. Tuy tôi biết Huế dưới khói lửa chiến tranh tàn khốc nhưng ở đây, từ những đường mái ngói cong cong hoang tàn đổ nát của thành nội, từ những tường đá rêu phong của đền đài, chùa chiền lăng tẩm đến dòng Hương giang nước xanh biếc lững lờ trôi, và núi Ngự bình chìm trong sương khói, mơ màng với gió trăng; tất cả đều mang một nét đẹp đắm say như một bức tranh họa đồ diễm tuyệt của thiên nhiên: Đường vô xứ Huế quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…(Ca dao) Vì thế mà tôi đã quyến luyến Huế, quyến luyến một vùng đất của dáng Huế thơ, một bầu trời của chất Huế nhạc và một thế giới của tâm Huế tịnh yên nhưng quật cường bất khuất… Đi mô cũng nhớ quê mình Nhớ Hương giang nước biếc, nhớ Ngự bình trăng trong Những tháng ngày ở Huế, có lẽ do bản tính tôi đa sầu đa cảm từ hồi bé thơ cho nên dòng sông Hương có một sức quyến rũ đối với tôi một cách lạ thường. Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn Chéo qua Ngọc Trãn đến vạn Kim Long Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngã nghiêng (Ưng Bình Thúc Giạ Thị) Tôi thường thích ngồi trên những bậc thang rêu phong của chùa Thiên Mụ để ngắm nhìn sóng nước Hương Giang dưới cảnh chiều tà dần buông…Thiệt đẹp lắm ! Nhìn mặt nước óng ả những giọt nắng cuối cùng, tôi để tâm hồn mình lâng lâng vào trong một thế giới mơ huyền của mùa trăng. Rồi dưới ánh nguyệt tĩnh mịch mơ màng đó, thoang thoảng trong gió âm vang những câu hò mái nhì Huế trầm lặng u hoài. Soi bóng dòng Hương những chiếc đò chuyên chở những cung điệu Nam Ai, Nam Bình não nề ai oán nặng tình yêu thương non nước. Chiều chiều, trước bến Vân Lâu Ai ngồi, ai câu, ai sầu ai thảm Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông Thuyền ai thấp thoáng bên sông Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non… (Ưng Bình Thúc Giạ Thị) Tôi đã không biết có tự bao giờ nhưng người dân Huế thường tự hào rằng sông Hương là trái tim, là linh hồn, là chiếc nôi của văn hóa nghệ thuật độc đáo của đất nước thần kinh này…Tôi thấy sông Hương xinh đẹp dịu dàng như những o Huế, chảy vào tận đáy sâu của tâm hồn khiến cho Huế trở nên thơ. Dòng Hương duyên dáng lung linh Như O con gái tự tình đêm trăng Mơ màng sương khói mây giăng Tóc thề buông xỏa đón vầng bán cung Phím đàn gieo khúc não nùng Rối lòng lữ khách muôn trùng vấn vương (Hương Giang dạ khúc - Tiểu Vũ Vi) Và con sông đã từng chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm của Huế qua những thời đại nhục vinh trở nên nguồn cảm hứng diệu kỳ vô tận. Bao tao nhân mặc khách đã đề bút cho dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, của nghệ thuật xứ Huế này. Thi hào Nguyễn Du đã từng cảm tác về sông Hương rằng: Hương giang nhất phiến nguyệt Kim cổ hứa đa sầu Sông Hương một mảnh nguyệt Lai láng sầu cổ câm Hương giang cũng được vua Thiệu trị đề thưởng mấy dòng sau: Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ Sóng hoa do luyến kết vân anh Cây cối hai bên bờ sông còn đẫm sương Hoa trên núi còn vương vấn với mây đẹp đẽ Trên sông nước Hương Giang, đêm về là cả một thế giới đầy thơ mộng và hết sức quyến rũ, đầy dẫy những con đò tình xuôi ngược trên sông, hòa trong tiếng mái chèo khua đọng, văng vẳng một giọng hò mái nhì tình tứ, thiết tha: Thuyền về Đông Ba, thuyền qua Đập Đá Thuyền từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sềnh Lờ đờ bóng ngã trăng nghiêng Giọng hò mái đẩy nhắn tình nước non Nhà thơ Tôn Thất Phú Sĩ cũng đã từng hoài mơ được « xuôi dòng Hương Giang » Mây lơ lững trôi theo dòng nước chảy Mái chèo đưa khua dợn sóng đôi bờ Xin lặng thinh nghe giọng hò lơ lẵng Tự xa xưa như muôn kiếp ai chờ Quả thật, Huế vốn nổi tiếng với dòng âm nhạc dân gian, với những làn điệu dân ca trữ tình như điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người dân xứ Huế hiền hòa; những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang… Bước qua xứ Huế đã lâu Chưa phai kỷ niệm chìm sâu thuở nào Chân đi ghi dấu Nam Dao Trường Tiền bao nhịp tôi bao dạ sầu Tiếng tiêu vang vọng Vân Lâu Hương Giang nước biếc đêm thâu giọng hò Lời này nhắn gởi đến o Trăm thương ngàn nhớ điệu hò trong tôi. (Việt Hải- Huế, Em tôi) Bên cạnh đó, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng gọi là nhạc Lễ hay nhã nhạc như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Nhã nhạc cung đình Huế có một giá trị nghệ thuật cao được UNESCO nhìn nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nhưng tôi thì lại thích cái nét trữ tình đậm đà của ca Huế hơn…Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc và mang những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người. Ca Huế bao gồm cả hai yếu tố ca Huế và đàn Huế. Còn gì tình tứ, thơ mộng và lãng mạn hơn là xuôi dòng Hương Gìang lững lờ trên một chiếc đò ngang, rồi thả thuyền, chơi trăng, thả thơ, nghe ca Huế… (Xem tiếp Kỳ 2) Bài thơ cho Huế Thơ: Minh Đức Hoài Trinh Nhạc: Võ Tá Hân Tiếng Hát : Bảo Yến Vũ Tuyết Như Tiểu Vũ Vi |
![]() Tìm chút hương trong gió Gió lùa hương Ngự gọi bóng thu Xào xạc lá rơi cuốn bụi mù Tràng Tiền quấn quýt đôi tà tím Tóc hương thề lụy khách lãng du Đường Nội thành tường đá lặng im Mùi hương sứ phảng phất êm đềm Dốc Nam Giao mù sương gió núi Hương se lạnh thoảng nhẹ vào tim Dáng Vân Lâu… bi chừ nhớ quá Dòng Hương Giang chèo khua nhịp về Răng chiều ni nghe lòng rất lạ Giọng hò lịm thấm nỗi sầu tê Hồi chuông Thiên Mụ vọng buồn xa Như giục canh sương rộn tiếng gà Sóng Thuận An còn thơm gió biển Nồng nàn hương ấm mãi đậm đà Đêm Nam phổ vẫn sụt sùi mưa Hương Vỹ Dạ ngọt mấy cho vừa Giữa đường trăng mình em lẻ bước Mưa nhỏ giọt buồn khóc tiễn đưa Vũ Tuyết Như |
![]() HUẾ, THI CA VÀ TÔI Kỳ 2: Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng! Tương tư với nguyệt cùng mây Hỏi non nước ấy đắm say bao tình? Sông Hương - Núi Ngự là biểu tượng văn hóa, phong thổ của kinh đô Huế. Nhà thơ Bùi Giáng đã từng tâm sự rằng: « Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương ! »… Hồn xưa bóng cũ quyện mây trời Đại Nội mưa buồn lất phất rơi Điệu hát Nam Ai sầu suốt kiếp Câu hò Mái Đẩy nhớ ngàn đời Nam Giao nắng tắt vầng dương nhạt Thọ Lộc chiều buông sắc ráng vơi Đứng giữa Hoàng Thành nghe tiếng gió Xa xa Đỉnh Ngự ánh trăng vời (Thứ Lang- Hồn Huế) Huế là xứ sở thanh bình của thơ và mộng. Nói đến Huế là nói đến cái gì đó rất riêng, rất đẹp và thơ. Huế có cảnh đẹp người xinh, nhất là có những nàng Công Tằng Tôn Nữ thuộc dòng họ hoàng gia, mang những cái tên hoa mỹ điển hình của xứ Huế. Tôi rất thích những cái tên dài lướt thướt rất thơ này của những nàng Tôn nữ Huế, nào là Công Tằng Tôn Nữ Thị Trân Phương, hay Nguyễn Khoa Thụy Quỳnh Hương…Ba tôi thường đùa với tôi rằng « tên các o Huế dài như mái tóc thề… »…Mỗi lần từ căn cứ Sally Hiệp Khánh- Phú Bài, nơi đóng quân của ba tôi, vào thành nội, tôi có thói quen hay đi tảo bộ trên con đường Lê Lợi, dọc theo bờ sông Hương, ngắm những tà áo dài thướt tha bay trong gió…Từ muôn thuở, chiếc nón bài thơ cùng với tà áo dài của thiếu nữ Huế đã đi vào thi ca, trở thành một vẻ đẹp đặc trưng làm say lòng du khách… Ở đây áo tím riêng màu Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân (Vài nét Huế- Nguyễn Bính) Có một điều đã làm thắc mắc một cô bé học sinh Couvent Sàigòn như tôi, lúc nào cũng quen nhí nhảnh trong bộ đồng phục jupe xanh áo trắng, là không biết tự bao giờ tà áo dài trắng, tím cùng cánh nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố ; ngay cả khi tôi nhìn các o gánh ràng rong ngoài chợ Đông Ba cũng duyên dáng kín đáo trong chiếc áo dài Cát Tường Le mur đó Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay Nón bài thơ e lệ nép trong tay Thầm lặng bước những khi trời dịu nắng... (Bích Lan) Ba tôi thì cho rằng người con gái Huế thích bận áo dài Huế vì Huế là hiện thân của chiếc áo dài quê hương với hai vạt áo nghĩa tình “ Trường Sơn “ và “Nam Hải”. Mỗi lần nhắc đến gái Huế thì tôi lại nhung nhớ đến một tà áo dài lụa trắng đơn sơ, một mái tóc thề, một chiếc nón bài thơ mà nhà thơ Huy Cận đã từng xao xuyến ngẩn ngơ: Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong Hôm xưa em đến, mắt như lòng... Nở bừng ánh sáng em đi đến, Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng Tôi mang tâm hồn lãng mạn nên yêu màu tím của tuổi học trò…Và khi đến Huế tôi đã ngất ngây say đến một màu tím của Huế, màu tím của nhu mì, của thầm kín, của đức hạnh, của thủy chung. Nắng vương nhẹ gót hài thiếu nữ Cánh phượng hồng như dấu hiệu chia tay Em thân ơi, anh đã sống những ngày Huế tim tím ngất say tà áo ấy (Màu tím Huế nhớ nhung – Lê Trọng Phú) Và không bao giờ tôi quên được những buổi trưa hè oi ả của ngọn gió Hạ Lào, ngồi trong xe jeep của tiểu đoàn, tôi đã lặng nhìn say sưa những tà áo tím duyên dáng Đồng Khánh, che nghiêng vành nón, suối tóc thề xỏa vai dịu dàng thướt tha bước khoan thai trên cầu Tràng tiền Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân Hay là tại nón bài thơ ai đội Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên Môi ai cười vành nón lá che nghiêng Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ (Một lần về thăm Huế - Yên Sơn) Chiếc áo với hai tà bay lửng lơ cuốn quít theo làn gió trông thật thơ mộng, thật trữ tình …Hình ảnh này đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ, phong phú hóa kho tàng thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh trong văn học nghệ thuật Việt Nam như thi sĩ Nguyên Sa đã ngất ngây gửi hồn trong hai tà áo người tình: Có phải em mang trên áo bay hai phần gió thổi một phần mây hay là em gói mây trong áo rồi thở cho làn áo trắng bay ? Nguyên Sa (Tương Tư) Cái duyên dáng của người con gái Huế được thể hiện qua mái tóc thề buông dài xỏa kín bờ vai. Có lẽ vì thế mà ba tôi thích tóc tôi lúc nào cũng để dài chấm lưng. Mái tóc thề của nàng Tôn Nữ Huế , thơm thoang thoảng mùi dạ lan, biểu tượng nét nguyên trinh của thuở áo trắng học trò vừa chớm biết yêu đương. Một làn thu ba sâu vời vợi phảng phất một chút tình Huế u buồn. Một nụ cười như đóa hàm tiếu e ấp thẹn thùng dưới vành nón lá che nghiêng… Mái tóc thề xỏa trên bờ vai Cho tôi nhung nhớ tháng năm dài Nón lá nghiêng che đôi mắt ngọc Cho tôi thờ thẩn mộng thiên thu Đóa hồng tươi bờ môi son đỏ Mắt nhung huyền đài các mộng mơ Dáng hồn nhiên sơn ca tình ái Em mỉm cười ngây dại nắng vàng tơ (Vương Ngọc Long- Huế ngọc) Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho bao nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ phải ngẩn ngơ rồi nhung nhớ đến đi tìm Một ngày mùa đông chân về Huế Đi lang thang tìm mái tóc thề Mà ngày xưa khi chiều đánh mất Để vơi sầu giây phút tái tê. (Đông Hòa- Duyên áo tím) để rồi suốt cả đời luôn vấn vương một tà áo tím thướt tha trên bến sông Hương Chiều qua sông Hương Lòng bao vấn vương Một tà áo tím Tím cả sông Hương (Tím Huế- Phạm Sĩ Trung) Con gái Huế không chỉ đẹp về hình dáng mà còn đẹp cả trong giọng nói thỏ thẻ nhẹ nhàng, thiệt “ mặn mà có duyên “. Những tiếng « dạ, thưa… » ngọt lịm làm cho người nghe dù chỉ một lần đã thấy vấn vương suốt cả đời Giọng em vang tự trời quê Huế Nhẹ thoáng, xanh veo, mà xốn xang Nồng cháy như mồi thông núi Ngự Giọng em nửa thực, nửa mơ màng Chỉ một lần nghe đủ nhớ đời… (Huy Cận- Giọng em) Những ngôn ngữ kỳ lạ của Huế, đã từng làm cho tôi một thời chới với, nào là “mô, tê, răng, rứa”,“bên ni, bên nớ“, “chua choa “ hay những tiếng “hỉ“ gieo cuối câu làm cho tiếng nói của người dân Huế mang âm hưởng của nhạc, thật trầm lắng, du dương và gọi tình…Có lẽ vì thế, tuy rằng ba tôi là trai Bắc Ninh, mẹ tôi là gái Bến Tre, nhưng tôi lại có một giọng nói phảng phất âm hưởng của Huế…Có lẽ vì tôi gắn bó và quyến luyến Huế cho nên tôi đã không biết học nói theo tiếng Huế tự bao giờ. Tôi còn nhớ đã đọc một bài thơ viết về Huế từ thập niên năm mươi của một nữ sinh lớp đệ tam trường Đồng Khánh; bài thơ gói trọn hết cái nét dí dỏm dể thương của ngôn ngữ Huế giàu nhạc điệu, đầy thi vị: Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc Ngó chi tôi đồ cỏ dại hoa hèn Nhìn chi tui hình đom đóm trong đêm Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch Tui mơ ước có bao giờ tuyệt đích Tui van xin răng mà cứ làm ngơ Rồi ngó tui chi lạ rứa hững hờ Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch (Huế chi lạ rứa) (Xem tiếp Kỳ 3) Huế Thương Trình Bày: Vân Khánh Viết tại Paris, một đêm nhớ Huế 2/6/2006 Vũ Tuyết Như (Tiểu Vũ Vi) |
![]() Huế rịm tím tình thơ Dịu dàng chiều thu lặng Hoàng hôn xuống dòng Hương Thiên Mụ ngời mây tím Bóng ngã loang trên đường Em nghiêng chao vành nón Tim tím áo tà bay Tóc lùa hương theo gió Mùi bằng lăng ngây ngây Hài son tung tăng bước Lụa là em thướt tha Cầu cong sao lỗi nhịp Thẫn thờ tím chân qua Đồng Khánh mùa phượng tím Hoài nhớ thuở ngây thơ Bên sân trường ngói cổ Với tháng ngày mộng mơ Đường về Nội Thành Huế Tím mùa gió lao xao Nồng thơm hương sen lạ Tịnh Tâm thoảng ngạt ngào Thừa Phủ đến Vân Lâu Vàng thu Huế tím sầu Đàn mưa rung tơ phím Nỉ non khóc tình Ngâu Đêm trăng hò mái đẩy Huế rịm tím tình thơ Nam Ai buồn ai oán Thiết tha khúc đợi chờ … Vũ Tuyết Như (Tiểu Vũ Vi) |
![]() HUẾ, THI CA VÀ TÔI Kỳ 3: Nhắc đến Huế thơ, tôi lại hoài niệm về thôn Vỹ Dạ và nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ba tôi đã có lần đưa tôi về chơi thôn Vỹ.Thôn Vỹ Dạ, nằm bên kia Đập Đá, dọc theo sông Hương tới Bến Cạn, ẩn hiện trong màn sương trắng trong, dưới những hàng cau xanh tươi quyện trong mùi hương bưởi thoang thoảng dịu êm. Trong thơ của Hàn Mặc Tử, thôn Vỹ Dạ là một thôn đẹp lãng mạn, hữu tình và rất nên thơ. Một nét đẹp mượt mà, óng ả và tình tứ với những khu vườn hoa sum suê trái xanh như lá ngọc, những phủ đệ tường đá rêu phong, một dòng sông trăng chuyên chở những khối tuyệt tình… Sao anh không về chơi thôn Vỹ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, Vườn ai mát quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền … Ơ khách đường xa khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra... Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà? (Đây thôn Vỹ Dạ- Hàn mặc Tử) Thôn Vỹ cũng là nơi mà ánh trăng đẹp nhất Huế. Trăng sáng suốt đêm thâu. Trăng tròn rồi lại khuyết nhưng tự bao đời vẫn vằng vặc tỏa bóng, lúc mờ ảo, lúc hư vô…Trăng theo cánh gió quyện hương đêm về ru tình cho hồn trang trải những nỗi sầu thương…Trăng vẫn dõi bóng đơn côi, thả ánh ngà lung linh như ngàn điệu khúc Nghê thường mê say… Ta muốn mua vầng trăng của em Từng đêm yêu dấu vẫn từng đêm Hồn ta lạc giũa vùng mê ảo Trăng vẫn ru ta giấc ngủ mềm Ta muốn mua vầng trăng nhớ thương Dấu yêu chìm đắm mộng thiên đường Ủi an ta lúc đời hiu quạnh Trăng của ân tình trăng vấn vương (Mua trăng- Khiếu Long) Tôi yêu những đêm trăng tình tự của Vỹ Dạ. Vào mùa trăng, những hương bưởi, hương cau, hương chanh, hương lài, hương sứ… đua nhau trổ hoa. Đâu đây thoang thoảng một làn hương mỏng ngọt ngào chợt vỡ trong đêm Ánh trăng nhẹ khẽ mơ theo gió Như nghiêng vành nón rủ tóc thề Buông lơi…trầm mặc…vân vê Mùi hương hoa quyện bước về dưới trăng (Thu Hằng- Mùa trăng hương nồng) Huế còn là vùng đất nổi tiếng về những món ăn ngon, vật lạ…Có lẽ Huế ngày xưa là của một thời vua chúa cho nên Huế có nhiều cao lương mỹ vị dành cho ẩm thực cung đình, nhiều đặc sản đầy hương vị. Huế đã tập cho tôi biết ăn cay. Tôi tuy đã rời xa Huế hơn một phần tư thế kỷ nhưng tôi vẫn không thể nào quên được chè bắp và cơm Hến cay thơm ngon đặc biệt ở Cồn Hến, Đã mê ớt đỏ cay nồng Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành Mời nhau buổi sáng chân thành món quê (Lục bát đặc sản Huế-Võ Quê) hay bún bò Gia Hội, bánh canh Nam Phổ, bánh khoái Thượng Tứ, bánh bèo Ngự Bình, bánh bột lọc của « Mụ Đỏ» Bột trong bọc thịt tôm hồng Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu Bánh ngon nước mắm cay nhiều Anh ơi dùng tạm bữa chiều cùng em (Quỳ Lê) Tuy đây là những món ăn bình dân nhưng đã để lại cho những người con xa xứ một nỗi nhớ khắc khoải về một mùi hương vị cay nồng, ấm nóng nặng tình nước non, về người con gái Huế khéo léo, đảm đang, công dung ngôn hạnh vẹn toàn như những nàng Tấm thảo hiền… Những năm tháng tôi ở Huế, chiến trận vẫn tiếp diễn, ngày càng khóc liệt hơn…Tôi đã từng như ba tôi chứng kiến, đau đớn và xót xa với mỗi vết thương của Huế…Tôi cũng đã từng tự hào mỗi khi người dân Huế kiên cường vươn lên từ trong thảm nạn điêu tàn đổ nát của chiến tranh hay thiên tai. Tôi không phải là người Huế nhưng lại yêu và nhung nhớ Huế vô cùng…Tôi yêu cái huyền ảo hư hư thực thực của Huế mộng Huế mơ. Tôi yêu cái mong manh lụa là tợ như sương khói của Huế thơ…Tôi yêu cái tâm Huế kín đáo bình dị chịu thương chịu khó. Nhà văn Trần Doãn Nho đã gói trọn một góc trời Huế trong những dòng sau : « … dù thay ngôi đổi chủ, Huế vẫn là Huế bún bò, Huế cơm hến, Huế mưa dầm, Huế phượng đỏ, Huế gió Lào, Huế những cơn bão rớt, Huế lội nước lụt, Huế lăng tẩm hẹn hò, Huế răng tê mô rứa, Huế cao sang và nghèo hèn, Huế hòa bình và sục sôi tranh đấu, Huế cao thượng và hẹp hòi, nghiệt ngã, Huế những mối tình đài các và những thành kiến triền miên, Huế chiếc nón bài thơ và Huế ngủ đò, Huế ở thì buồn xa thì nhớ, Huế tôn nữ và Huế bình dân… ». Phải, Huế mà tôi yêu là như thế đó ! Huế thương nhớ ơi, xin cho tôi gửi trọn tấm chân tình về một cố đô thơ mộng, mơ huyền đã đem cho tôi bao cảm xúc, bao rung động, bao mơ ước, bao khát khao thầm kín…, đã cùng chia sẻ với tôi một quãng thời thơ ấu dưới bom đạn…Giờ đây, cho dù ở nơi đất khách quê người, tôi vẫn gửi trăm nhớ ngàn thương về Huế, về một cõi ru tình: Tương tư Huế Đã lâu lắm không về thăm xứ Huế Thăm lại Hương giang duyên dáng mơ màng Như nàng Tôn Nữ tóc huyền buông xỏa Nghiêng vành nón e ấp nét đài trang Nghe lại trong đêm hồn thơ Thúc Giạ Bạc sông mơ rung động khúc nguyệt cầm O lái đò ngọt ngào hò mái đẩy Ghé dốc Nam giao thương điệu Nam bình Nhớ về Đồng khánh xinh tà áo mỏng Chiều Nội Thành tha thướt gót hài nhung Sương Gia Hội nồng nàn thơm hương sứ Nhịp Tràng tiền tà huy tím thủy chung Về nghe gió tự tình bên thôn Vỹ Bập bềnh thuyền ai đậu bến sông trăng Nừa vầng bán cung nghiêng tình Mặc Tử Mưa giăng Núi Ngự trắng lụa phù vân Trông về nơi cũ, hoen dòng lệ liễu Sông Hương Núi Ngự đọng sầu tương tư Tiểu Vũ Vi HẾT ![]() Ai ra xứ Huế Tiếng Hát : Quang Lê - Ngọc Hạ Viết tại Paris, một đêm nhớ Huế 2/6/2006 Vũ Tuyết Như (Tiểu Vũ Vi) |
![]() Em còn nhớ Huế không Tiếng Hát : Hương Lan Sáng tác: Trần Nguyên Lộc Em chừ, em chừ gởi bóng nơi mô! Cầu bao nhiêu nhịp, em còn, còn nhớ không? Sông Hương, sông Hương nước chảy êm đềm Giọng hò Mái Nhị ngân dài nỗi nhớ thương... Em còn, em còn nhớ Huế không em? Ðường vô thành Nội mát rượi cả bước chân Vân Lâu, Vân Lâu bến đợi bến chờ Ðường về Vỹ Dạ hai bờ nghe lá reo... ĐK: Huế ơi! Ơi Huế ơi...! Nhớ tiếng "dạ thưa" của em răng ngọt lịm!!! Nhớ nón nghiêng nghiêng che đôi má em hồng Nhớ nắng sân trường áo như bướm lượn Anh ngẩn ngơ ngồi dạo khúc Nam Bình ** Em chừ, em chừ gởi bóng nơi mô Đường xưa phố nhỏ mơ hoài một bóng em Ai đi, ai đi không hẹn quay về Ðò thương nhớ thỏa tấm lòng bao ước mơ Ðò thương nhớ thỏa tấm lòng bao ước mơ...! |
Ui, Lỳ mê Huế lắm sis TVV ơi !
Sis TVV cũng gốc Huế hah? Con gái Huế nói giọng ngọt lịm, ngọt tới chết người luôn. Thanks sis for sharing ! Lỳ love those poems, so sweet ! |
Trích:
Cám ơn đã thưởng thức...Quê Nội Vi ở Bắc Ninh, quê ngoại ở Bến Tre, Vi sinh ra và lớn lên ở Sài gòn...Nhưng lại rất yêu Huế vô cùng...Có lẽ vì Vi biết Huế trong những năm tháng chiến loạn...cho nên càng yêu Huế hơn...Dạ đúng như LLT nói con gái Huế công dung ngôn hạnh đều hoàn mỹ...Lần đầu tiên ra Huế nghe con gái Huế nói chẳng hiểu mô tê chi rứa cả...Nhưng 3 năm sau thì Vi nói được cả giọng huế đó... Mến chúc một cuối tuần an vui... Vi |
![]() Huế, mùa mưa lũ Huế tôi nghèo lắm ai ơi Mùa hè nắng hạn thu thời lũ mưa Tháng mười bão nổi gió đưa Hương Giang cuồn cuộn sóng lùa sông trăng Mù trời mưa trắng mây giăng Từng cơn xối xả xoay vần Túy Vân Vỡ bờ lụt đất nước dâng Mưa chìm Gia Hội níu chân Tràng Tiền Mưa se lạnh thắt nỗi niềm Rây rây ngàn sợi chênh nghiêng tứ bề Mưa dài rả rích lê thê Cho sầu phủ kín dầm dề Kim Long Mưa Ngâu giọt nhớ chờ mong Âm ba trầm lắng giữa lòng cố đô Giọt thương tình tự bên hồ Hỏi người biền biệt nơi mô chưa về Vũ Tuyết Như (Tiểu Vũ Vi) |
![]() Mưa trên phố Huế Thơ: Tôn Nữ Thụy Khương Nhạc: Minh Kỳ Trình Bày: Ngọc Hạ Chiều nay mưa trên phố Huế Kiếp giang hồ không bến đợi Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ aỉ Ngày chia tay hôm nao còn đây Nước trên sông Hương còn đầy Tình đã xa gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài Chiều nay trên Kinh Ðô Huế Tiếng mưa còn vương kỷ niệm Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không? Chợ Ðông Ba khi mình qua Lá me bay bay là đà Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua Hò...ơị..!!! Ơị..hò...!!! Chiều mưa phố buồn Chiều mưa phố xưa u buồn có ai mong đợi Một người biền biệt nơi mô Ðể nhớ với thương một ngườị Chiều nay mưa trên phố Huế Biết ai đã quên ai rồi Mà mưa sao vẫn rơi rơi đều cho lòng u hoàị Ngày xưa mưa rơi thì sao Bây chừ nghe mưa lại buồn Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn. |
Múi giờ GMT. Hiện tại là 03:44 AM. |
Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2025, Jelsoft Enterprises Ltd.