PDA

View Full Version : Giáng khúc


vui_la_chinh
05-03-2005, 03:46 AM
Giáng khúc

Categories: Truyện Ngắn
Author: Vị Xuyên, Hà Giang 10/1998



Mệt quá? Tìm mãi, không thấy đâu, tưởng mất. Hai hàm răng va nhau lập cập, anh Chính nói đùa lúc đặt chân lên doi cát, khom người mặc quần áo. Đêm đen bưng chặt mắt. Hết những ngón tay bằng nước đá, gió lách vào da thịt, tuốt lên, tuốt xuống dọc sống lưng. "Anh lo mất một em lo mất mười. Vì dẫu sao, anh cũng có vợ, có con rồi". Nói cốt để anh biết tôi đang nghe anh nói, chứ thực ra, tôi đang lo cứ đi, đi mãi thế này, thì bao giờ mới tới Anh giục: "Sang đến đất Hưng Hoá rồi, chẳng còn tề điệp nữa, nhưng phải rảo chân, may ra sáng mai tới bến đò Ngọc Tháp"
Sau lưng: sông Hồng chảy nhu mì; bờ bên kia, đồi đất Trung Hà không một loé đèn. Dải cát xám mờ, thẫm dần rồi biến hút vào đêm đặc quánh. Được một quãng xa xa, tôi nói: "Anh Chính kể chuyện gì cho đỡ buồn đi". Đấy là vì sốt ruột, chứ tôi biết, dù không nài thế nào anh cũng rủ rỉ không biết bao nhiêu là chuyện về Hà Nội và những con người ở đó, từ người thân trong gia đình anh đến họ hàng, bè bạn... Tưởng chừng, cuộc đời anh là Hà Nội, là Diễm - con gái đầu lòng của anh, với một kho chuyện, kể chẳng bao giờ hết.
Lên đến Thanh Vân - Thanh Ba - Phú Thọ, tôi và anh Chính còn được ở cùng một đơn vị dăm tháng nữa. Rồi, mỗi người một ngả. Anh xuống vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên. Tôi ngược lên mạn Tuyên Quang, Hà Giang. Lúc xa anh, tôi như thấy mình bị bứng mất chỗ dựa tinh thần. Hơn tôi chục tuổi đổ lại, mà cái gì anh cũng thông tỏ, từ giáo lý sách vở đến cách đối nhân, xử thế... Với tôi, anh Chính vừa là anh cả bạn tâm giao, đồng thời cũng là nhà truyền giáo của giáo phái tình thương và ái mộ cái đẹp. Một người như thế, không tin không yêu sao được?
Tin yêu anh, tôi chẳng giữ riêng cho mình một góc khuất trong lòng. Có đêm nằm cạnh tôi trên ổ lá chuối khô, anh hỏi: "Vì sao cậu đi kháng chiến?" "Anh đừng cười chứ em chưa thật hiểu rõ yêu nước là thế nào đâu. Đi chơi Hà Nội. Sợ đòn và thương mẹ không dám về nhà. Lang thang kiếm sống qua ngày. "Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Đời mờ mịt. Giá một chữ bẻ đôi không biết, đã đi một nhẽ. Đằng này... Gặp người như anh bảo đi, em đi.
Tối hôm ấy, anh em mình quen nhau ở đầu Hàng Lọng, thầy em bảo: "Người có gan, hòn tên mũi đạn nó tránh mình, chứ mình biết đường nào mà tránh". Còn khổ, em càng không sợ. Lên chiến khu, có đoàn thể lo liệu thế này, khéo còn sướng. Thế, anh đi vì lẽ gì?". "Chuyện mình lan man hơn cậu, dần dà, cậu khắc biết. Nói hết một lần, sau còn gì để nói nữa?". Anh lảng ra. Lát sau, anh bảo: "Mình biết cậu quý mình và chẳng giấu điều gì. Tuy nhiên, mỗi nguời có một thế giới riêng và chỉ riêng của mình thôi, cũng không phải là cái gì quá tồi tệ". Lúc đó chưa thông, sau này nghĩ lại, tôi thấy anh hoàn toàn có lý.
Vì tính anh hơi khép kín thế, nên nhiều người không thích. Không thích chả phải vì hơi khép kín thì có hại cho họ. Chỉ vì muốn biết, mà không biết được những điều cũng chẳng ích gì cho họ. Bề ngoài, anh có cái vẻ dửng dưng của kẻ phí đời. Nhưng, nếu gần gũi, sẽ thấy anh là người nhạy cảm, dễ vui buồn, xúc động. Những lúc như thế, mặt anh tái bợt, vành môi giật giật, run lẩy bẩy bàn tay.
Một chiều đào hầm trú ẩn xong, tôi và anh ngồi bó gối nhìn ra đầm nước rộng. Mắt mơ màng như có sương giăng, anh thầm thào: "Tiết thu muộn như thế này, ban mai hay ngày lụi, trên mặt sóng gợn Tây Hồ, sương mờ lãng đãng buông như một tấm voan trắng mỏng. Ngồi một mình bất động trên ghế đá có khoảng khắc, mình tưởng như mình đang liên thông, giao hoà cùng trời đất. Cậu nên biết là không phải ngẫu nhiên mà người ta hay hát, hay làm thơ về mùa thu. Mỗi buổi sáng, dù mới chớm thu hay mùa thu đã úa, bao giờ mình cũng hít căng lồng ngực làn không khí tinh khiết sau một đêm tĩnh lặng, thảng khi, cũng phảng phất mùi thịt da thiếu nữ hoà quyện vời mùi nước hoa thơm thoảng từ xa đưa lại".
Bận khác, đâu như vào những ngày giáp Tết âm lịch, thấy anh có vẻ tư lự, tôi hỏi: "Anh Chính nhớ chị Duyên và cháu Diễm à? Vào xóm với em cho khuây khoả đi?". Mình đang muốn một mình để tận hưởng được cái chênh vênh, xa vắng của chiều tàn ven núi". Anh Chính là thi sĩ mới hợp, hay anh cũng có làm thơ mà tôi không biết? . Tôi đoán chừng, mỗi khi nghe anh so sánh một cách mỹ miều vẻ đẹp và các sắc thái khác nhau của những vùng quê chúng tôi đi qua với Hà Nội của anh.
Mãi đến sau này giải phóng Điện Biên, tôi mới gặp lại anh Chính. Dọc ngang những nẻo đường chiến dịch, gặp ai tôi cũng dò hỏi tin tức của anh. Tịnh chẳng ai biết. Trưa tháng năm nắng xé đất ấy, tôi cùng trung đội áp tải tù, hàng binh của quân đội viễn chinh Pháp đi qua tỉnh Tuyên Quang. Đến chỗ người ta vẫn gọi là "Cây đa nước chảy" (đúng là có cây đa và dòng nước chảy thật), thấy một con suối hẹp vắt qua đường, trên có cây cầu xi măng nhỏ, tôi cho cả đám lính thất trận dừng chân, xuống suối lấy nước uống và rửa mặt. Chợt có một toán bộ đội đi ngược lại. Có một dáng người quen quá. "ối giời, anh Chính!". Tôi ù chạy lại, ôm chặt lấy anh. "Em cứ tưởng anh làm sao rồi cơ". Nước mắt tôi lã chã trên khuôn mặt gầy xạm và nhem nhếch bụi đường. Nhìn trang phục và cung cách của anh tôi đoán anh là cán bộ cũng kha khá, đi làm công tác hậu chiến. Nắm hai vai tôi, lắc mạnh, anh nói: "Khá lắm. Trưởng thành, cứng cáp nhiều rồi, không còn như giai tỉnh lẻ nữa. Cậu trông kìa". Anh chỉ mấy tù binh gốc gà trống Gô-loa, râu tóc lồm xồm như râu ngô tẻ, "chúng cũng rớm lệ khi thấy scène (xen: cảnh) này đấy". Nói rồi, anh rút bao thuốc Mélia còn nguyên, dốc hết ra, bẻ gãy đôi, thả vào mũ. Hau háu nhìn, yết hầu nhô lên, hạ xuống, đám tù binh túm tụm quanh đó kinh ngạc trước việc làm của anh. Đoạn, thong thả, từ tốn, anh nói với một tù binh có tuổi đứng gần, một hồi dài tiếng Pháp mà tôi chỉ nghe thủng dăm ba từ, trong đó có hai từ "quá khứ và tương lai". Quay sang tôi, anh bảo: "Cậu có hiểu gì không? Mình nói là tôi chỉ có thứ thuốc lá dành cho phái yếu, các anh hút tạm để nhớ các bà, các cô phái đẹp ở Pa-ri. Về khoản khói ni-cô-tin, tôi theo trường phái tượng trưng, cũng như Pôl Va-lê-ry và Ma-lác-mê theo chủ nghĩa tượng trưng trong văn học Pháp vậy". "Anh nói thế mà sao hắn lại khóc?". "Có lẽ vì hắn thấy, rốt cuộc thì cũng có những người bên kia chiến tuyến chia sẻ được với hắn một chút gì đó. Mình còn nói thêm, đại ý là nước mắt với nụ cười, không cần phải có ai phiên dịch. Từ lúc các anh đi về xuôi trên con đường này, một quá khứ đã khép lại sau lưng, và một tương lai đang mở ra trước mắt". "Tài thật, anh nói cứ như thánh phán vậy. Chính trị viên tiểu đoàn có khác".

*

Cuộc gặp bất ngờ, ngắn ngủi không cho phép hai anh em chúng tôi được hàn huyên lâu. Chia tay, anh dặn: "Hoà bình rồi, có địa chỉ ổn định, nhớ liên hệ với mình nhé. Còn nhớ phố, nhớ nhà mình không?". "Đến chết, em mới quên anh Chính ạ!"

*

Trải hai đợt đi học tập trung tại các trường văn hoá quân đội, tôi đã có cái bằng văn hoá hết cấp III. Về đơn vị cơ sở chưa ấm chỗ đã lại được đi học tiếp. Lần này, tôi về trường đào tạo sĩ quan chính trị: May! Người học hành theo lối cóc nhảy như tôi sao có thể theo đặng các trường kỹ thuật quân sự được. Học viên từ các đơn vị cơ sở lần lượt về trường. Có hòm thư rồi, tôi viết thư cho anh Chính. Mãi không có thư trả lời. Sốt ruột, tôi đoán già đoán non: "Hay là gia đình anh chuyển sang phố khác?". Quả nhiên thế thật. Thế mà, cái đêm cùng tôi bơi qua sông Hồng và đi bộ suốt từ Hưng Hoá lên Phú Thọ, anh nói say sưa: "Cậu biết không, mình luôn hình dung ra ngày đất nước khải hoàn. Mình trở về nhà, mở phòng văn ra, thấy mọi thứ vẫn y nguyên như buổi sáng hôm mình cất gót lên đường đi kháng chiến. Bụi thời gian phủ kín mặt bàn, mặt ghế. Cây bút máy Parker nằm cạnh lọ mực Parker cạn kiệt. Bông hồng vàng con gái tặng bố, khô xác trong bình gốm xanh men rạn. Và truyện ngắn Les étoiles (Những vì sao) của An-phông-xơ Đô-rê ở trong quyển Les conmtes du l'undi (Truyện kể ngày thứ hai) vẫn mở ra ở trang thứ nhất, chỗ người chăn cừu bắt đầu kể chuyện...". Lãng mạn đến thế là cùng!
Đúng là quá sức mong muốn của tôi: mấy tháng sau, anh Chính về trường cùng với một số cán bộ giảng dạy văn hoá và chuyên môn. Anh nói, thư tôi viết đến tay anh khá chậm, vì bưu điện phải lần theo các địa chỉ mà gia đình anh di chuyển để giảm bớt tiền thuê nhà. Lẽ ra, viết thư trả lời tôi ngay, nhưng biết sắp về dạy ở trường tôi học, anh Chính muốn giành cho tôi một niềm vui bất ngờ.

*

Trong những năm học ở trường, một vài tháng, tôi lại theo anh Chính về Hà Nội. Anh về với gia đình nhỏ của anh, khi đó đã có thêm thằng cu. Còn tôi thì đi bát ngát. Giữ kẽ, bảo cả nhà đừng để phần cơm, tôi nói dối: "Em đã hẹn ăn cơm ở nhà một người bà con bên nội". Lần khác, tôi bịa: "Anh trung đội trưởng cũ gặp em ngoài phố cứ kéo bằng được em về nhà để chiêu đãi". Kỳ thực, tôi ngại dùng cơm khách. Vào cửa hàng ăn uống quốc doanh, làm một xuất cơm mậu dịch, thế là xong. Chỉ bị lừa mấy lần đầu những bận sau, anh Chính bảo: "Chú mày tính khách khí thế, từ nay trở đi, đừng về chơi với anh chị và các cháu nữa. Đã về đến đây thì phải ăn nghỉ ở đây. Cơm nước xong rồi, chú muốn đi đâu thì đi, anh chị không giữ. Xe đạp của Diễm đấy, đi cho bõ những ngày trèo đèo lội suối..."
Những ngày ấy tôi mới có dịp biết cô bé Diễm trong ảnh ngày xưa. Gọi là "cô bé" vì tôi tự cho phép mình thuộc hàng cha chú Diễm. Dù là chú hay anh, trong con mắt của người đàn ông chưa vợ như tôi, lúc đó Diễn có sức ám ảnh lạ lùng; cô vừa như kéo nhẹ người ta lại gần, lại vừa như đẩy mạnh người ta ra xa. Vì lẽ đó, tôi cảm mến Diễm như cảm mến cái bóng của cô, cái bóng linh động, khi trải dài ra đến mờ ảo phía xa; khi thu ngắn lại, đến đứng tròn bóng nơi gót chân, rồi lại ngả ra ở hướng khác. Dầu thế nào, Diễm cũng thành một cái cớ nữa, để tôi thường xuyên về chơi hay đi qua Hà Nội, để tôi gần gụi và thấm hiểu thành phố này hon, ở cả những mặt cao sang, quý phái lẫn các góc khuất tăm tối, ê chề.
Chiêm nghiệm lại lòng mến yêu Hà Nội mà anh Chính đã truyền sang tôi trong những năm tháng chiến tranh, giờ đây, tôi bắt đầu nhìn thành phố này ở tư thế khác, bằng một con mắt khác, như thể tôi được sinh thành ở đất kinh kỳ hay kẻ chợ vậy. Cũng vào một lần về Hà Nội chơi như thế, lúc chỉ có tôi với anh Chính uống trà ở nhà, đột nhiên anh hỏi: "Cậu thấy con Diễm nhà mình thế nào". "ý anh định nói về vấn đề gì?". Tôi thận trọng hỏi lại. Loanh quanh một hồi, cuối cùng anh nói lửng lơ đại ý là vợ chồng anh rất quí mến tôi, mà Diễm có vẻ như cũng quí mến tôi không kém. Lờ mờ, mà cũng chẳng lờ mờ nữa, đoán được ý định tốt đẹp của anh Chính, tôi nói đùa, bỗ bã theo kiểu con nhà lính: "A' à, em nói không phải, anh bỏ quá cho. Anh định bắt em gọi anh bằng bố, gọi chị Duyên bằng mẹ chứ gì? Không được! Chú đâu có chú hư thân mất nết thế". Thoáng bóng ba mẹ con chị Duyên đi chợ về, anh Chính nháy mắt, rủ tôi ra phố. Anh tiếp tục: "Cậu gàn bát sách. Con Diễm nó gọi cậu bằng chú, chẳng qua là vì cậu là đồng đội của bố nó, chứ so tuổi cậu chỉ là đàn anh. Hơn chín, mười tuổi mà dám nhận là chú thật à? Nếu thế, mình cũng là chú của cậu chắc?". Tôi chớp ngay câu anh nói hớ: "Đấy, chính anh nói đấy nhé, chưa đáng tuổi chú mà anh lại muốn em gọi anh bằng bố".
Về chuyện đó, anh Chính còn trở lại với tôi nhiều lần, khiến tôi ngượng ngùng. Ngượng vì anh nói có lý và trúng tim đen của tôi? Quả thực, tôi cũng mên mến Diễm. Mến nhưng không dám. Kể cả dám nhìn hơi lâu. Vậy mà sao anh Chính đoán biết được những xốn xang thầm lén trong tôi? Tài thật!.
Còn Diễm? Cô có để ý đến sự để ý của tôi chăng? Và cô nghĩ về tôi thế nào? Giá Diễm không phải là con anh Chính, thì tôi đã đánh bạo nói một cách úp mở tình cảm của mình với cô. Nếu không được hưởng ứng, thì cũng chỉ sượng sùng đến nóng đần mặt ra như có bận tôi đã bị một cô bé ở xã Thanh Vân - Thanh Cù cười phá lên khi nghe tôi ngỏ lời là cùng chứ gì. Lẽ ra, như người khác, khi đã được "vẽ đường cho hươu chạy" thì tôi phải tiếp xúc với Diễm nhiều hơn, tạo cơ hội thuận lợi để thăm dò tình cảm, ý tứ của cô. Đằng này, với mặc cảm tự ti cố hữu, tôi ngại gặp Diễm. Tôi yêu Diễm từ xa.
Thừa hưởng từ cha dáng nguời thanh mảnh, khuôn mặt trái xoan nhẹ nhõm, thoảng buồn; từ mẹ cặp mắt có hàng mi rợp mát, sống mũi cao thanh, nét môi do dự, đôi má mai mái trắng dưới lớp lông măng mờ xám, Diễm luôn khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một Đức Mẹ đồng trinh. Khi yêu, người ta dễ trở thành thi sĩ qua những vần thơ tự biểu hiện mình, được chép nắn nót trong những cuốn sổ tay. Và khi yêu, người ta cũng dễ trở thành hoạ sĩ, không phải qua những gì anh ta vẽ để ai nhìn cũng thấy được mà qua những bức tranh đẹp dại khờ trong tâm tưởng. ở góc nhìn nay, tôi chính tông là một hoạ sĩ kỳ tài. Diễm mang vẻ đẹp kiêu sa, vời vợi mà những kẻ như tôi chỉ có thể đứng xa chiêm vọng, ước ao. Một thiếu nữ vừa biết thêu thùa, vừa nho nhỏ hát những ca khúc Pháp, làm sao có thể tương đồng, hoà điệu được với một người cục mịch thô ráp như tôi? Đến ngay như cái việc ăn uống, tôi cũng tự thấy mình thuộc loại xô bồ, trong khi Diễm và cả gia đình anh Chính ăn quá chừng thanh cảnh. Còn nhớ bữa cơm nhà anh: món nào nom cũng ngon lành, sạch sẽ, đẹp đẽ, từ đĩa thịt rang cháy cạnh, vàng sậm nước hàng, bát cà pháo dầm xì dầu không vương hạt, đến đĩa rau muống luộc óng xanh nằm gọn ghẽ trong lòng đĩa sứ Giang Tây, bát nước chấm nhỏ xíu, vắt chanh cốm và thả đôi ba lát ớt thái mỏng. Chỉ mỗi tội ít. Sức vóc như tôi, ăn phàm như tôi, quơ một đũa là nhẵn thín. Biết ý, anh Chính chọn ghế ngồi đầu bàn để đón bát, xới cơm cho tôi. Anh bảo: "Cậu ăn uống thoải mái như ở trên đơn vị. Cơm nấu nhiều đấy. Thức ăn vẫn còn trong bếp". Ngon miệng, lại được khích lệ, tôi ăn thả sức, không nhớ là bao nhiêu bát nữa, chỉ biết đứng lên, bụng vẫn chưa căng ních mà miếng cháy cũng không còn. Cả nhà cười thích thú. "Biết chú có sức ăn thế này lần sau chị nấu gấp đôi, xem chú có chở hết không?", Chị Duyên nói với giọng người nhà. Anh Chính đưa mắt nhìn chị: "Lính tráng chúng tôi không ăn thế, lấy đâu sức mà chiến đấu, học hành, luyện tập đêm ngày. Ăn uống gảy gót như các bà, làm dáng không xong". Dẫu biết gia đình anh là chỗ thân tình, tôi vẫn cảm thấy xấu hố, đỏ rần mặt. Còn Diễm thì như không hay biết gì. Dẫu sao thì bữa cơm đó cũng là một bài học đáng giá.
Mấy năm học ở trường sĩ quan, được sống gần anh Chính trôi nhanh, tưởng như chỉ vừa mới qua một đợt tập huấn vậy. Ra trường, tôi về Bộ tư lệnh một quân khu, vì thế anh em ít có dịp gặp nhau. Tuy vậy, hễ công tác qua Hà Nội, tôi đều ghé thăm gia đình anh. Thường thì chỉ có chị Duyên, Diễm và bé Phúc - con trai út của anh chị ở nhà. Diễm vẫn chưa xây dựng gia đình. Cô cũng trên dưới ba mươi tuổi rồi còn gì. Dẫu năm tháng đã tỉ mẩn, nhẫn nại gấp được nhiều nếp nhăn nhỏ li ti trên đuôi mắt và khoé miệng, Diễm vẫn là cô gái đẹp dịu dàng, nhân hậu. Một vẻ đẹp thấp thoáng, mơ hồ bóng nắng những ngày thu phai. Mắt Diễm buồn hoang vắng, đến nỗi tôi không dám nhìn lâu. E nhìn lâu, cái ngấn long lanh chỉ chực ứa ra kia sẽ hoá thành nước mắt. Hay không phải thế mà tôi nhìn ra thế. Hay cái ngấn ấy đọng trong mắt tôi mà tôi không biết?
ít lâu sau, anh Chính chuyển ngành, nghe đâu làm công tác quản lý hành chính ở một công ty bông vải sợi Hà Nội. Thế là cũng phải. Anh Chính vốn gày yếu, lại bị sốt rét vàng da hay đau thận, đau gan gì đó hồi đóng quân ở cây số 9 trên đường lên Hà Giang rẽ vào. Về trường, cũng hai lần anh phải đi quân y viện điều trị ngắn ngày. Lần sau cùng, qua vài tháng vừa nghỉ ngơi dưỡng sức, vừa soạn lại giáo án, anh nhận được quyết định chuyển sang dân sự, trở về nơi anh đã ra đi. Những tập giáo án công phu kia, anh tặng lại cho một cán bộ trong tổ bộ môn, xem như kỷ niệm của một người đã về đích trước.

*

Nằm trên giường bệnh trắng tinh, trông anh Chính mỏng dính như tàu lá. Lồng ngực anh nặng nhọc nhô lên, hạ xuống dưới tấm vỏ chăn bộ đội bạc màu. Khẽ đặt bàn tay lên vầng trán anh, tôi giật mình thấy người ớn lạnh và ướt rịn mồ hôi. Anh sốt lạnh, nhiệt kế chỉ 35 độ rưỡi. Dấu hiệu rất đáng ngại.
Cúi xuống thật thấp, tôi nói: "Anh Chính. Đã lâu em không được gặp anh, nhưng mọi chuyện của anh, em đều được biết. Sáng nay, có dịp qua Hà Nội, em tìm đến anh ngay. Thật chẳng ngờ anh lại sớm đến nông nỗi này...". Dừng lại, tôi sợ mình lỡ lời. Anh gắng gượng mỉm cười chào tôi và định giơ tay ra bắt, nhưng cánh tay rơi phịch xuống cạnh người. Ngồi cuối giường, Diễm vội bước tới, khẽ kéo chăn đắp lên tay bố. "Thế là cuối cùng mình lại được gặp cậu. Nói xong, mệt quá anh thiếp đi một giấc dài.
Buổi chiều, cả chị Duyên và cháu Phúc cùng vào viện thăm anh. Tỉnh táo lạ thường, anh đòi ngồi dậy uống trà với tôi. Cả nhà vui mừng ra mặt. Tôi thì lại lo không ra mặt. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người ốm nặng, bỗng nhiên tươi tỉnh, minh mẫn hẳn lên, dễ là điềm xấu. Sợ không kịp nói hết những điều ấp ủ bấy lâu, anh Chính nói nhiều. Và nhanh. Hoàn toàn khác lời trăn trối. Đó là những lời tâm sự cuối cùng của một người thấu triệt giới hạn sinh mạng của mình. Bỗng, như chợt nhớ ra, anh bảo tôi đưa tay trái cho anh nắm. "Cả Diễm nữa, con đặt tay phải của con vào lòng tay bố đi nào". Rồi anh hổn hển: "Khi khoẻ mạnh cũng như lúc lâm chung, bao giờ bố cũng chỉ mong cho con và nguời bạn của bố, đồng thời cũng là bạn của con đây, được hạnh phúc. Diễm, con có dám hứa sẽ thực hiện niềm mong ước cuối cùng của bố không?". "Con sẽ cố...?" Diễm oà lên nức nở.
Anh Chính đã đạt tới cái vô cùng.
*
Hứa thế... Nhưng làm được thế... Khó thế? Anh Chính mất được một năm, đúng ngày giỗ đầu, tôi có đến thăm gia đình anh. Vì còn bốn, năm người đi cùng xe con, ở lại e không tiện cho tất cả mọi người, tôi xin phép không ăn cơm, hứa vài ngày nữa sẽ còn quay lại. Vài ngày. Rồi vài tháng... Toan tính những chuyện hạnh phúc trần thế khi nấm mộ một người nằm xuống mới chỉ kịp xanh một lứa cỏ đầu, có điều gì giống sự lãng quên và tàn nhẫn. Nín lặng là hơn. Diễm cũng không nói gì. Thế lại hoá hay. Vả chăng, trước đó, tôi với Diễm nào đã có gì đâu. Nói ra, chắc càng khó xử. Nơi tận nơi sâu kín của lòng mình, tôi thấy tôi và Diễm quá đỗi khác vời. Hạnh phúc chỉ là mong ước.
Hơn năm sau, tôi xin chuyển về tỉnh đội địa phương. Được bạn bè mối lái, tôi lấy vợ sau vài mươi ngày, kể từ buổi xem mặt người sẽ ăn đời ở kiếp với mình. Vợ tôi là một cô gái quê xinh giòn và mau mồm, mau miệng. Thế, có phải là hợp với tôi hơn không?

*

Buổi chiều hôm thứ hai lên Hà Nội, sau khi được bác sĩ chuyên khoa khi khám, bảo bệnh của cháu không đáng lo ngại, chỉ cần điều trị vài ngày nữa là ổn, để vợ bế con nằm nghỉ ở bệnh viện, tôi đến thăm gia đình anh Chính. Chỉ có mình Diễm ở nhà. Mới có dăm năm không gặp mà Diễm đã già nhiều. Băm nhăm, băm sáu rồi còn gì. Vẫn ở với mẹ và cậu em trai chưa vợ. Thắp hương cho anh Chính xong, quay lại, thấy Diễm đỏ hoe mắt. Mắt tôi cũng nhoè đi. Trước mặt, vẫn như là cô bé Diễm thời mười tám đôi mươi, mảnh mai, hiền thục. Chợt, Diễm vịn vai tôi tức tưởi, không thành tiếng. Lúng túng, tôi chẳng biết nói gì. Đoạn, lau mắt, ngượng nghịu Diễm cười. Suýt nữa tôi buột miệng hỏi chuyện riêng tư của cô thế nào. E sự quan tâm của kẻ yên phận rồi dễ làm người còn lênh đênh buồn tủi. Nên thôi.

*

Vợ chồng tôi vừa bế con về đến nhà thì nhận được bức điện: "Tối mai "cháu" lấy chồng. Đừng chúc mừng gì vội. Diễm".
Chừng không yên tâm với mười từ điện tín khô khan kia, Diễm viết cho tôi một bức thư dài, vài ngày sau đó.
Ngoài những dòng nhắc nhở lại tình cảm, kỷ niệm giữa tôi và gia đình anh Chính trong suốt mấy chục năm qua, Diễm nói cô ưng thuận một hôn nhân chưa tình yêu, theo sự sắp xếp của gia đình, họ mạc. Và cô hi vọng một tình yêu rồi sẽ đến. Như tổ chim sẵn có sẽ gọi chim về. Biết sao mà nói trước…