PDA

View Full Version : Indonesia: Số người chết có thể vượt quá 100.000


NgocNghech
01-02-2005, 02:20 PM
Số người chết đã được xác nhận tại Indonesia hiện là 79.940 người, song Bộ trưởng Y tế Siti Fadilah Supari cho biết con số đó có thể vượt quá 100.000.
>Toàn cảnh thảm hoạ sóng thần châu Á

Theo thống kê được các nước công bố tối qua, trận đại hồng thủy hôm 26/12 đã cướp đi sinh mạng hơn 100.000 người ở các nước châu Á và châu Phi. Trong khi đó, khoảng 5 triệu người sống sót đang lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng nước sạch, nơi ở, lương thực, điều kiện vệ sinh và thuốc men.
Tại thành phố Banda Aceh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất ở Indonesia, các phi công đang tiếp tục thả lương thực cho người dân địa phương bị mắc kẹt giữa đống đổ nát và thi thể bốc mùi. Cảnh sát tại thủ phủ tỉnh Aceh này cũng đã phải ra tay trước nạn cướp phá và hôi của có dấu hiệu bùng phát.

Bên cạnh đó, các máy bay và tàu quân sự Indonesia không ngừng tiếp tế đồ cứu trợ cho các bờ biển gặp thảm họa trên đảo Sumatra. Vô số xác chết tại đây đang bốc mùi nồng nặc dưới thời tiết nóng nực, gây ra bầu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguy cơ bùng nổ dịch bệnh là mối lo ngại hàng đầu của chính quyền địa phương và cộng đồng quốc tế hiện nay.

Các máy bay Mỹ cũng tiếp tục vận chuyển nhân viên y tế tới Sri Lanka và đưa 1.400 túi đựng thi thể đến Thái Lan. Một căn cứ không quân tại Thái Lan, nơi từng là điểm tập kết của các pháo đài bay B-52 trong chiến tranh Việt Nam, giờ đã trở thành trung tâm của hoạt động cứu trợ do quân đội Mỹ tiến hành.
Lực lượng cứu hộ và các chuyên gia pháp y đến từ Australia, Nhật Bản, Đức, Israel và một số nước khác cũng đang tỏa đi khắp các vùng biển bị sóng thần của Thái Lan để tìm người sống sót và xác nhận danh tính những nạn nhân xấu số. Thái Lan là quốc gia có nhiều người nước ngoài thiệt mạng nhất trong thảm họa thiên nhiên vừa qua.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, tính đến hôm qua, chính phủ các nước và một số tổ chức trên thế giới đã đóng góp được hơn 500 triệu USD tiền viện trợ những quốc gia bị sóng thần tàn phá. Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Liên Hợp Quốc cũng lập ra một liên minh quốc tế để điều phối hoạt động cứu trợ và tái thiết đối với khu vực gặp thảm họa.

Hiện con số người thiệt mạng được thống kê ở châu Á và châu Phi trong trận sóng thần 26/12 vẫn tiếp tục tăng vì người ta không ngừng tìm thấy thêm các xác chết. Riêng tại Indonesia đã xác định có 79.940 người thiệt mạng, Sri Lanka 27.268 người, Ấn Độ 7.330, Thái Lan 2.394 và tổng cộng hơn 300 nạn nhân ở các nước Malaysia, Myanmar, Bangladesh, Maldives, Somalia, Tanzania, Seychelles và Kenya.

credit for vnexpress.net

NgocNghech
01-02-2005, 02:25 PM
Đêm giao thừa thành lễ cầu nguyện nạn nhân sóng thần

Các nước đêm qua cùng tổ chức đón chào năm 2005, nhưng hoạt động lễ hội diễn ra giản dị hơn mọi năm do ám ảnh vụ sóng thần ở châu Á. Tại nhiều nơi, mọi người thắp nến và cầm hoa để tưởng niệm cho những nạn nhân trong thảm họa 26/12

Tại quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của sóng thần là Indonesia, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã hủy các nghi lễ truyền thống ở Jakarta và thông qua bài phát biểu thường niên kêu gọi đoàn kết dân tộc. "Hãy đón chào năm mới mà không có bữa tiệc nào, bởi giờ đây chúng ta đang khoả đầy sự lo lắng và nỗi buồn. Hãy cùng cầu nguyện và hy vọng Thánh Allah sẽ không bắt chúng ta phải chịu thêm thảm hoạ khác nữa", ông Yudhoyono bày tỏ.

Dọc các bờ biển của Thái Lan, người dân địa phương và khách du lịch cầm nến để cầu nguyện cho những người xấu số. Đêm giao thừa tại đây đã qua đi một cách lặng lẽ và u ám, một bầu không khí hoàn toàn trái ngược so với mọi năm trước.

Các hoạt động chính thức mừng năm mới ở Ấn Độ và Sri Lanka cũng bị hủy bỏ. Tất cả các ngọn đèn treo ở dinh tổng thống ở thủ đô New Delhi được tắt đi trong đêm giao thừa. Quốc đảo Sri Lanka tổ chức một ngày để tang các nạn nhân thiệt mạng trong trận đại hồng thuỷ

Truyền hình quốc gia Trung Quốc cũng quyết định không phát sóng chương trình gala nghệ thuật mừng năm mới như kế hoạch. Người dân Malaysia thì tập trung trong các nhà thờ và thánh đường Hồi giáo để tổ chức một buổi cầu nguyện đặc biệt trong ngày đầu năm.

Còn tại Paris, những dải khăn đen treo dọc đại lộ trung tâm Champs-Elysees. Một số thành phố lớn của châu Âu khác quyết định dành toàn bộ số tiền vốn dùng cho hoạt động bắn pháo hoa mừng năm mới để ủng hộ nạn nhân sóng thần.

Thủ tướng Goran Persson của Thụy Điển, quốc gia có khoảng 2.500 công dân còn mất tích trong vụ sóng thần tuyên bố: "Chưa bao giờ những bước chân tiến vào năm mới lại cảm thấy nặng nề hơn lúc này". Thuỵ Điển cùng Na Uy, Phần Lan và Đức quyết định treo cờ rủ trong đêm giao thừa để tưởng niệm các nạn nhân.

Người dân thành phố Sydney, Australia vẫn được chứng kiến màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng bên Cầu Cảng, nhưng trước đó họ đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân sóng thần. Vài giờ trước, một chuyến tàu của hải quân Australia cũng nhổ neo từ bến cảng này để chở hàng cứu trợ tới tỉnh Aceh của Indonesia. Tương tự như vậy, thành phố London của Anh dành hai phút mặc niệm trước khi bắn pháo hoa bên bờ sông Thames.

Đêm qua cũng là thời điểm tròn một thế kỷ lễ đón giao thừa được tổ chức trên Quảng trường Thời đại ở New York. Vẫn có rất nhiều người đổ về trung tâm này như mọi năm để chờ đón thời khắc của năm mới 2005. Nhưng cả quảng trường đã im lặng trong một phút để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng ở châu Á.

credit for vnexpress.net