PDA

View Full Version : Chuyện chúng ta bắt đầu - Tobias Wolff


da1uhate
12-13-2012, 05:00 AM
PNO - Khi bàn về văn hóa đọc, ý kiến của GS Ngô Bảo Châu được nhiều bạn đọc tâm đắc.

Theo ông, “Mỗi chúng ta đều bị giam cầm bởi những hạn chế vô hình. Ai giải phóng chúng ta khỏi những hạn chế vô hình đó nếu không phải những người thầy, những người bạn và những cuốn sách hay”.

Một trong những cuốn sách hay đó, theo GS là tập truyện ngắn Chuyện chúng ta bắt đầu (Nguyên bản: Our story begins) của nhà văn Mỹ Tobias Wolff. Tác phẩm này vừa được NXB Trẻ ấn hành qua bản dịch của Phan Việt.

http://image.phunuonline.com.vn/news/2012/20121212/fckimage/s/NXBTreStoryFull_09342011_023440RRRRRRRRRRr.jpg

Tập truyện ngắn của Tobias Wolff mở ra nhiều chủ đề khác nhau và gần gũi với người đọc. Đó là tâm lý của một người đi xin việc hoặc chuyến đi săn của ba người bạn trong bão tuyết; chuyện giằng co của đôi vợ chồng không thể yêu nhau nữa, v.v… Qua đó, chúng ta thấy sống quả là lý thú và cũng có nhiều điều mới mẻ mà lâu nay ta vẫn cứ tưởng nhàm chán.

Chẳng hạn, khi xem một bộ phim dở, nhân vật của ông tắt máy truyền hình và tự nhủ: “Bộ phim của tôi sẽ kể về một đoàn thám hiểm, gồm cả đàn ông và phụ nữ; họ rời bỏ nhà cửa, công việc và gia đình, rời bỏ tất cả những gì họ từng biết. Họ băng qua biển và tàu của họ bị đắm gần bờ một mảnh đất không hề có trên bản đồ của họ. Một người trong số họ chết đuối. Một người khác bị thú rừng tấn công và ăn thịt. Nhưng những người khác vẫn tiếp tục đi. Họ vượt sông và đi qua một núi băng khổng lồ bằng xe chó kéo. Họ đi ròng rã nhiều tháng trời. Ở trên núi băng, họ cạn lương thực và có một lúc, tưởng như họ sẽ cắn xé ăn thịt lẫn nhau, nhưng không, họ không làm thế. Cuối cùng, họ thống nhất là sẽ ăn thịt những con chó. Đấy là phần buồn của bộ phim”.

Thì ra, trong tình huống nào chúng ta cũng tìm được cách nhìn sự việc lạc quan hơn.

Khi viết tập Chuyện chúng ta bắt đầu, nhà văn Tobias Wolff thổ lộ ý tưởng rằng: “Mỗi câu chuyện được kể theo một lối có thể hé lộ những hoàn cảnh thách thức suy nghĩ của chúng ta, buộc ta phải lựa chọn như chúng ta vẫn phải làm trong cuộc sống thực: tức là lựa chọn không phải giữa những phiên bản trắng - đen của cái tốt và xấu mà giữa những sắc xám. Nếu những lựa chọn đạo đức lúc nào cũng rõ ràng với chúng ta thì cuộc sống sẽ trở nên dễ hơn rất nhiều”.

Tập sách này khiến người đọc nhìn nhận lại cuộc sống theo một chiều hướng tích cực hơn.

K.B