PDA

View Full Version : anh đỏ phụ,người anh xấu số,Lòng Mẹ


thuylam
06-12-2004, 06:22 AM
:::: Hồ Dzếnh ::::
anh đỏ phụ





Đã lâu, lâu lắm rồi, người dân xã Hòa Trường không ai còn nghe nói đến tăm hơi anh đỏ Phụ ở đâu nữa. Nhiều người đồn rằng anh đã chết bên Tân thế giới. Riêng tôi, tôi không sao quên được anh, mà không quên được anh, có nghĩa là anh vẫn sống, ít nhất là trong ký ức tôi.

Mãi đến năm hơn ba mươi tuổi, anh đỏ Phụ mới đến làm rể mẹ tôi để chờ ngày cưới chị Yên về làm vợ. Đó là một anh chàng rụt rè, nhút nhát, đối với nhà vợ rất nể sợ, nhưng lại tỏ ra hết sức tháo vát trong mọi công việc. Lui tới nhà tôi trong hơn hai năm, anh giữ gìn từng cử chỉ, lời nói, ngay cả việc giáp mặt chị Yên, anh cũng cố tránh để khỏi mang tiếng là suồng sã. Mẹ tôi thương anh vì anh nết na, cần cù, giao cho việc gì cũng làm đến nơi, đến chốn. Mẹ tôi thường nói:

- Thằng Phụ nó nghèo nhưng là cái nghèo thanh bạch. Ông Biếm lại là ông đồ nho hay chữ nhất xã.

Ông Biếm là bố anh đỏ Phụ. Vác lều chõng đi thi hỏng tú tài, thất thế, ông quay về làng mở lớp dạy học. Cái thuở "chi, hồ, giả, dã" nhanh :Dng qua đi, học trò ông Biếm sớm đổi ngọn bút lông sang ngòi bút sắt. Trong đám môn sinh thưa vắng dần, chỉ còn một người theo học, ngoan ngoãn nằm rạp trên chiếc chiếu, mài mực, chép bài. Người đó là anh đỏ Phụ, vừa là con, vừa là môn đệ của thầy.

Rồi anh Phụ cũng thôi học nốt. Vốn liếng chữ nghĩa bố ban cho, anh Phụ chỉ còn giữ lại được mươi trang luận ngữ và anh chuyển sang đọc chữ Nôm, dựa vào cuốn Kim Vân Kiều truyện khắc gỗ, in chân phương trên nền giấy bản:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Tiếng anh đỏ Phụ ngâm Kiều nghe buồn như tiếng xẻ gỗ vào những chiều nắng tà hiu hắt. Và cái nghèo, cái đói cũng len lỏi vào ba gian nhà lá thừa tự, làm hốc hác thêm nét mặt người bố và làm rạn dần hai bộ quần áo may bằng vải trúc bâu, lâu ngày sợi đã bở, của hai bố con ông Biếm.

Hồi gia đình tôi mới đến "ngụ cư" ở xã Hòa Trường này, ba tôi tìm tới kết thân với ông Biếm. Ông là người được xóm làng vị nể, họ bên ngoại ông lại trùng với họ chúng tôi. Theo một tập tục đã có từ nhiều đời, ba tôi, mỗi khi đến ngụ cư ở đâu, thường vẫn tìm những người "đồng tính", hoặc "đồng tuế", "đồng hương" để kết nghĩa. Hơn nữa, ông Biếm lại am hiểu Hán học, nên qua những câu chuyện trao đổi, ông trở thành người bạn tâm đắc với ba tôi. Mỗi lần sang nhà ông chơi, ba tôi đều dắt tôi đi theo. Đó cũng chính là đầu mối thân quen đưa đẩy anh đỏ Phụ trở thành người con rể trong gia đình chúng tôi.

Còn chị Yên, chị gái nuôi, thì mẹ tôi đặt đâu chị ngồi đó, tuổi chị cũng xấp xỉ tuổi anh Phụ, và cũng ước mong kín đáo một tấm chồng chân chỉ như anh.

Thấy anh đỏ Phụ lần nào đến với chúng tôi cũng chỉ với cái áo cánh nâu, chiếc quần nâu, tôi hiểu ngay rằng anh chỉ có độc một bộ như thế mà khi về nhà anh cởi ngay ra, để mặc vào chiếc quần vá, hoặc đóng một cái khố nâu. ở quê tôi ngày xưa, đàn ông nghèo đóng khố ra đường là chuyện thường thấy. Một lần, tôi bảo nhỏ anh Phụ:

- Anh em còn mấy bộ quần áo đấy. Hay là em lấy đưa anh mặc tạm nhé?

Tức thì anh Phụ rối rít xua tay, mặt ửng đỏ:

- Chết! Ai lại làm thế. Mẹ biết, mẹ cười cho!

ý anh Phụ muốn nói:

- ... Chị Yên biết, chị Yên cười cho.

Nhưng anh không dám nhắc đến hai tiếng "chị Yên".

Đã là người thân của anh Phụ, tôi hay sang nhà anh chơi. Nhà anh ngăn nắp nhưng có vẻ trống trải, mái lá, vách đất, sân bằng đất nện, nửa sào vườn trồng mấy hàng cây cam, cây bưởi, vài thân cau. Từ ngõ chạy vào là hai hàng rào râm bụt cắt tỉa gọn gàng. Những ngày hè oi ả, sang nhà anh chơi, tôi có cái cảm giác như được hưởng những làn gió mát rợi, làn gió thường ngày vẫn lay động nhẹ nhàng chiếc quần vải trúc bâu phơi trên dây thừng, cái quần độc nhất ông Biếm đợi khô để nương nhẹ mặc vào, mỗi khi có việc ra đường hay đi ăn cỗ. Ông Biếm sống bằng nghề viết câu đối và tính hộ ngày giờ hung cát cho những đôi lứa thành thân.

Vốn liếng hàng năm của gia đình ông là hai mùa trẩy quả vườn đem ra chợ bán, chắt chiu để dành trong cái tráp gỗ sơn đen. Từ ngày được nhận làm thông gia với nhà tôi, ông Biếm mỗi năm ba bốn lần biện một món lễ sang sêu tết, có khi là mâm xôi, con gà, có khi là mấy gói chè hương, khay ngũ quả. Tôi còn nhỏ, nhưng cũng hiểu ra rằng, để sắm được một món lễ cho ra lễ như thế, ông Biếm và anh Phụ đã phải bóp bụng, bớt ăn trong nhiều ngày.

Hơn hai năm qua đi. Sắp đến ngày mãn tang ba tôi. Sắp đến ngày anh Phụ bỏ miếng trầu ăn hỏi, và thế là niềm mong ước bao lâu nay của ông Biếm đã có cơ thành sự thật. Lấy anh đỏ Phụ, chị Yên không phải sống xa nhà, chị có nhiều dịp tạt về thăm chúng tôi, cũng như tôi, bất cứ lúc nào, cũng có thể dễ dàng đến với chị. Cái hạnh phúc nhỏ bé của lòng tôi sao mà náo nức, thiết tha và gần gũi đến thế!

Chị Yên! Nếu đời chị đừng gặp một tai họa éo le, nếu chị cứ là chị Yên ước mong thầm kín một người chồng hiền lành như anh Phụ, thì đâu đến nỗi chị phải xa lìa tôi, lẩn tránh mọi người, và tôi đâu có phải viết ra câu chuyện tình đau xót hôm nay!

Cả anh Phụ nữa, sao cái bóng dáng hiền lành của anh lúc này không còn thấp thoáng hiện ra qua hàng rào cây ruối nữa, cái bóng dáng cố làm ra thản nhiên, nhưng kỳ thực là bối rối, xao xuyến, mỗi lần anh đến nhà tôi?

Chỉ còn một tháng nữa, ba mươi ngày nữa, một tuần trăng nữa, là anh đỏ Phụ sẽ đem lễ sang nhà tôi xin cưới chị Yên! Đột nhiên, như một cơn gió độc, người cậu họ tôi, không rõ từ đâu, sà xuống mái nhà chúng tôi, ở lỳ làm một vị khách báo hại. Những cái gì xấu xa, bỉ ổi xảy đến với người con gái đang khấp khởi tin vui, người con gái đau khổ, tôi đã có dịp viết hết ra trong truyện "Chị Yên".

Anh Phụ không biết gì hết.

Mọi người trong nhà tôi không ai biết gì hết.

Chỉ có hai người biết: cậu tôi - tên tội phạm - và tôi. Nhưng cậu tôi đã bỏ nhà tôi, trốn biệt. Tôi ở lại, nhưng tôi lại phải ngậm miệng, giấu tận đáy lòng một sự thật tàn nhẫn mà nếu hở ra, tôi chắc sẽ làm cho đời anh đỏ Phụ tan nát. Thà cứ để anh ấy không biết gì cả, cứ để anh ngờ vực, phỏng đoán, kín đáo dò hỏi xung quanh. Rồi không dằn lòng được mãi, một hôm anh kéo tôi lại sát gần, hỏi rất nhỏ:

- Nói thật cho anh biết đi em. Tại sao chị Yên lại bỏ nhà ra đi? Ai đánh chị hay đuổi chị?

Tôi trả lời mà đôi mắt cay sè, nóng bỏng:

- Em không biết. Em không biết thật mà. Chắc là... chắc là chị ấy bị mẹ mìn dỗ đi không chừng.

Giá như mọi lần, nghe tôi nói như thế, anh Phụ đã cười. Nhưng lần này anh không còn có thể cười được nữa. Mặt anh đanh lại. Tiếng anh nói, tôi nghe thều thào, không thật, tiếng nói như rơi vào một khoảng trống rỗng mơ hồ:

- Lạ thật em nhỉ? Sao chị Yên lại bỏ nhà ra đi?

Rồi anh nằm vật xuống giường, một tay vắt lên trán, thở dài. Đó là một dáng nằm chán chường, tuyệt vọng. Tại sao tôi không nói thẳng cho anh biết rằng chị Yên của tôi, người vợ sắp cưới của anh, đã bị một tên khốn nạn làm nhục? Tại sao? Tôi chỉ còn biết trả lời cho chính tôi nghe mà thôi.

Từ hôm chị Yên bỏ nhà ra đi, việc làm đầu tiên của mẹ tôi là sang xin lỗi ông Biếm và xin trả của lại cho ông. Mẹ tôi tính nhẩm lại những món lễ ông mang sang biếu nhà tôi, hết bao nhiêu, để mẹ tôi đáp lại bằng số tiền rộng rãi gấp bội.

Nhưng ông Biếm một mực từ chối. Đôi mắt ông vốn đã buồn, lúc này càng buồn hơn. Ông vẫn mặc bộ quần áo vải trúc bâu đã sờn để tiếp chuyện mẹ tôi, bộ cánh ngày nào ông mặc vào những lần sang sêu tết. Tôi nhận thấy ông già đi nhiều, đôi gò má nhô lên và nước da khô héo. Giọng ông run run, chậm rãi:

- Bà cũng như tôi, có ai muốn chuyện xảy ra như thế này đâu. Chỉ thương thằng Phụ nhà tôi, hơn ba chục tuổi đầu rồi mà vẫn còn chịu cảnh hẩm hiu. Chỗ đi lại thân tình từ ngày còn ông cụ, xin bà chước cho món tiền trả của.

Nói xong, ông lim dim mắt nhìn ra ngoài vườn đầy nắng gió. Vẫn là thứ gió hiền hòa, nhẹ nhàng phe phẩy ngọn cau, giậu hoa râm bụt, thứ gió đã đón tôi ngày nào tôi sang chơi với anh đỏ Phụ.

Không trả được của cho ông Biếm, mẹ tôi tính sang một chuyện khác, hy vọng có thể làm nguôi ngoai được nỗi lòng anh Phụ. Dạo đó, mẹ tôi quen biết một nhà thuyền chuyên đến khắp nẻo bến chợ, buôn bán, đổi chác các mặt hàng. Chủ thuyền là một bà trước đây ở thị xã, có một cô gái lớn chưa chồng. Họ cần một tay chèo lái. Dịp may hiếm có, mẹ tôi giới thiệu anh đỏ Phụ. Thoạt đầu, anh không bằng lòng. Mẹ tôi cố nói vào để anh xiêu lòng dần:

- Anh chịu khó xuống thuyền với họ. Họ là những người làm ăn thật thà, may ra anh cũng có phận nhờ. Con Yên nó không lấy được anh là một thiệt thòi cho nó lắm. Anh phải thương lấy ông cụ, thương lấy anh.

Mẹ tôi đã tính toán và xếp đặt rất khéo. Anh đỏ Phụ đến sống trong khoang thuyền chật hẹp, làm sao khỏi có những "ra đụng vào chạm" với cô gái con bà chủ? Trước lạ, sau quen, huống hồ anh Phụ lại là người cần cù, chịu thương, chịu khó, thì sớm hay muộn, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.

Cuộc đời sông nước của người con trai xã Hòa Trường bắt đầu từ đó. Đã nhiều canh gà lạ eo óc trên những bến sông xa. Đã nhiều lần sao hôm, sao mai thay nhau hiện ra rồi lịm tắt. Nhưng hình bóng anh đỏ Phụ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức tôi, thấp thoáng bên kia hàng rào cây ruối, mỗi lần anh đến nhà tôi. Cũng như còn nguyên vẹn cái vẻ hớt hải của chị Yên, khi chị nắm chặt cánh tay tôi lần :Dt, rồi vội vã bỏ ra đi vào một buổi sáng còn chưa rõ mặt người.

Chị Yên! Chị đi đâu đấy? Tại sao tôi không đủ can đảm nói thật tất cả cho anh đỏ Phụ biết? Tôi không dám nói ra vì đó là sự thật! "Có những sự thật không nên nói ra", ai đã viết nên câu chân lý đó?

Tôi mong cho con thuyền đưa anh Phụ trên các triền sông được thuận buồm, xuôi gió, cuộc đời anh được bình an ghé lại một bờ bến yêu thương. Mẹ tôi có lần vui vẻ nói với chúng tôi:

- Thằng cha đỏ Phụ tưởng không gặp may, thế mà lại hóa ra tốt số. Thôi thì cũng mừng cho nó.

Nhưng mẹ tôi mừng hơi vội, vì một hôm, bất ngờ, anh đỏ Phụ đã trở lại. Anh không còn là anh đỏ Phụ ngày nào nữa. Nước da anh đã sạm nắng gió. Anh gầy đi trông thấy, đôi mắt đăm chiêu mỏi mệt. Chỉ khác trước đây là anh đã có thêm bộ quần áo bằng vải thô nhuộm mầu chàm xanh lơ như mầu sông nước.

Anh trở về, nhưng không còn ghé lại nhà chúng tôi như bao nhiêu lần trước nữa. Trong ba gian nhà lá thừa tự, bên cạnh người bố già, anh sống lùi lũi như một chiếc bóng cô đơn. Đã tắt hẳn cái giọng kể chuyện Kiều kéo dài và buồn man mác. Ngay cả tôi là người anh vẫn từng tỏ ra trìu mến, anh cũng tìm cách lánh mặt, hôm tôi đến gặp anh, trước khi lên đường ra thị xã học tiếp. Tuy anh không hé môi nói vì sao anh bỏ mẹ con bà chủ thuyền để trở về với cái xã Hòa Trường heo hút này, nhưng chúng tôi đều biết rằng, một lần nữa, đời anh lại "đứt gánh". Con thuyền buôn ghé lại ăn hàng trên các bến sông, đã thay chủ, và người chủ thuê mướn anh cũng đã thay lòng. Không còn chuyện "lửa gần rơm" như hôm nào mẹ tôi từng mong ước cho anh đỏ Phụ, cho chú rể hờ.

*
* *

Tôi ra tỉnh vừa học, vừa làm "gia sư" cho một nhà hàng cơm sát ngay ga xe lửa thị xã. Tại đây, có nhiều toán người thay nhau đến ăn cơm và ngủ trọ. Hầu như ngày nào cũng diễn ra những quang cảnh lạ lùng: những đợt mộ phu đi đất đỏ cao su và sang Tân thế giới. Những tên cai mộ phu lỳ lợm, mặt cắt không ra một giọt máu, mở túi bạc trả tiền mua người theo một giá ấn định, sau khi đã cầm từng ngón tay bắt lăn và điểm chỉ lên tờ giấy cam đoan đóng sẵn con dấu nhà thầu: mười đồng một đầu phu sang Tân thế giới và năm đồng đến đất đỏ Nam Kỳ. Chỉ sau một cử chỉ khô, gọn là nhận số tiền định mạng, con người chợt thấy hoang mang, nghe như có nhát dao nào cắt đứt lìa mình khỏi cuộc đời quen thuộc, khỏi thân thích, quê hương.

Một hôm, đang đứng chứng kiến cảnh đau lòng kia, tôi bỗng giật mình nghe có tiếng ai gọi:

- Cậu! Cậu út!

Tôi đưa mắt tìm: anh đỏ Phụ! Bên cạnh anh là người chị gái nghe tin em đi phu, nên vội ra thị xã tiễn chân. Tôi chạy lại với anh. Anh vẫn mặc bộ quần áo xanh lơ màu sông nước, chỉ khác là phía trên ngực, vừa đính thêm một mảnh vải trắng mang hàng chữ số phu phen! Tôi nghẹn ngào hỏi anh:

- Anh đi đâu đấy anh Phụ? Sao anh lại ở đây?

Anh đưa ống tay áo lên gạt nước mắt, trả lời tôi:

- Tôi đi phu Tân Thế Giới cậu ạ. Ra đây tìm mãi không được việc làm. Thôi thì cũng liều một chuyến, có người, có ta, lo gì!

Từ phút gặp lại nhau, anh đỏ Phụ và tôi không lúc nào còn muốn rời nhau ra nữa. Cả hai chúng tôi cùng nằm chờ tàu ngoài sân ga, suốt một đêm dài. Chúng tôi yên lặng nhiều hơn là nói chuyện, những câu chuyện ngày xưa vô cùng, vô tận, nhưng lại đứt đoạn, rời rạc, vì tâm trạng chúng tôi đang ở vào một cực độ hoang mang. Cũng như tôi, anh Phụ tránh không nhắc đến tên chị Yên, tuy anh có hỏi thăm mẹ tôi.

Đêm đó, tôi mong cho con tàu đừng đến, mong anh Phụ đổi ý, trở về. Nhưng tất cả chỉ là ước mơ hờ hão. Anh đỏ Phụ đã lăn tay, đã điểm chỉ rồi. Anh đã dúi vào bàn tay người chị gái tờ giấy bạc con công năm đồng, nửa số tiền bán đời mình để gửi về phụng dưỡng bố.

Và con tàu đang lù lù tiến đến, sau một hồi còi thét lên, xé ruột. Anh đỏ Phụ đứng bật dây. Tôi ôm ghì lấy anh, khóc nức nở. Một bàn tay chắc nịch kéo tôi ra, ấn anh Phụ và toán phu vào trong cái toa sắt đen ngòm, cái toa thường ngày vẫn dùng chở súc vật, khóa lại.

Khi đoàn tàu lừ lừ chuyển bánh, từ giữa đám người còn hoang mang, ngơ ngác, chị gái anh đỏ Phụ vụt lao ra, đâm bổ chạy theo tàu, chạy theo em, chạy thật nhanh, gào khóc, vẫy gọi, như muốn giằng lại khối thép, cho đến khi đứt hơi, chị nằm ngã vật xuống bên đường.

Con tàu mở hết tốc lực, phun khói mịt mù.

Từ phút đó, không bao giờ tôi còn gặp lại anh đỏ Phụ nữa.

10 - 1941
Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc.
Nhà xuất bản Văn học Hà Nội, 1989.



END

thuylam
06-12-2004, 06:23 AM
:::: Hồ Dzếnh ::::
người anh xấu số





Trong ba anh em chúng tôi, mẹ tôi thương anh hai tôi nhất. Mẹ tôi thương anh vì anh khổ, vì anh, vẫn theo lời mẹ tôi, đã từng biết qua trong thuở đầu xanh những ngày đào củ chuối, nấu cháo cám ăn trừ cơm.

Nhưng lòng người mẹ càng nghiêng xuống đứa con thứ bao nhiêu thì lại càng xa đứa con cả bấy nhiêu. Mẹ tôi ví chúng tôi như cây mía có ba đốt đều nhau, sinh cách nhau đúng bảy tuổi, ba đốt mà một đã bị sâu, còn hai đốt kia thì "chưa biết".

Có lần, tôi hỏi mẹ tôi:

- Tại sao anh cả con lại là đốt mía cuối bị sâu đục hả mẹ? Sao anh hai lại được là đốt giữa?

Mẹ tôi gắt:

- Rồi mày liệu, không lại sâu nốt, con ạ.

Mà kể ra anh hai tôi cũng xứng đáng là đốt mía giữa thật. Anh có vẻ dịu dàng và phong nhã. Miệng anh cười rất xinh, làm núng hai đồng tiền ở má. Anh hai tôi ít nói, mà đã nói thì hết sức chắc chắn. Mẹ tôi yêu anh và gửi gắm vào anh những ngày già sắp rụng. Anh tôi chải tóc lật ra hai phía gáy, làm nổi rõ lên cái đường ngôi thẳng tắp. Bắt chước anh, tôi nhất định nuôi tóc để chải cho đẹp, nhưng mỗi lần thấy hàng thợ húi rong đi qua, mẹ tôi hay nhìn đầu tôi mà bảo:

- Bé định búi tóc hay sao mà chưa thiến bớt nó đi?

Nhìn cái tăng đơ tàn nhẫn cày từng mảng tóc âu yếm của tôi lên, tôi hùng hổ bảo người thợ:

- Sao anh không cắt mẹ nó cái đầu tôi đi luôn thể?

- Bà dạy thế. Vả lại cắt ngắn tóc cho mát, cậu ạ.

Tôi không nén nổi tiếng khóc vì bực tức:

- Hu hu... nhưng tôi muốn... bức kia mà!

Cuối năm ấy, ba anh em chúng tôi được chụp ảnh chung với nhau để gửi về quê nội. Bức ảnh đó, tôi vẫn còn giữ được, tuy thời gian đã làm phai nước đi. Cách một ngày trước hôm chụp ảnh, anh hai tôi đã lo lắng về quần áo. Anh cả tôi lớn rồi nên tỏ vẻ lãnh đạm. Tôi thì chỉ suốt ngày ngắm anh hai tôi.

Rồi sáng hôm sau, chững chạc quá, anh hai tôi diện một bộ quần áo sọc, mái tóc chải dẹt xuống, hai mắt tươi cười, tay cầm một chiếc mùi soa.

Đến anh cả tôi mới thật khiếp! Anh mặc một bộ quần áo tây của ba tôi sửa lại, vai cứ dốc xuống, đôi ống quần bó lấy bắp chân như xà cạp. Tôi đã mất công lục hết rương hòm, rồi để chịu mặc một cái áo rộng tay và cái quần ngắn cỡn, vì có bao giờ mẹ tôi may cho tôi được một bộ quần áo nào vừa ý đâu. Cái thì rộng, cái thì hẹp, cái làm tôi đang gầy hóa béo, đang lớn hóa lùn. Nhưng cái nào cũng đẹp hết, vì mẹ tôi bảo: áo tàu mặc thế nào cũng... chững!

Ba chúng tôi ra ngoài sân với một cái ghế. Anh cả tôi ngồi giữa, tay cầm quyển sách. Anh hai tôi đứng chống nạnh bên cạnh. Tôi nhỏ, đứng vòng tay cho có vẻ lễ phép, đôi mắt đờ nhìn vào ống máy ảnh. Mẹ tôi ngắm kỹ ba chúng tôi rồi bỗng giận dữ:

- Trông con mắt thằng cả! Cứ long lên sòng sọc thế kia, trách nào!

Tôi nghe anh cả tôi thở dài một cái. Tôi biết trong nhà sắp có chuyện, nên đưa mắt liếc anh hai tôi. Lúc người thợ ảnh sửa lại dáng điệu cho chúng tôi, mẹ tôi lại nhìn anh cả tôi, lè bã trầu ra ngoài miệng, giọng gắt gỏng:

- Người thì cứ sừng sững ra ấy!

Anh cả tôi vùng đứng dậy, bước ra ngoài, vất lại mấy tiếng:

- Để cho hai đứa nó chụp!

Mẹ tôi nóng tiết, quăng que củi cầm trong tay theo anh, gắt ầm nhà. Anh hai tôi bấm vào đít tôi một cái, dấu hiệu giữ mình chúng tôi vẫn báo cho nhau vào giờ phút nghiêm trọng. Mẹ tôi bảo ông thợ ảnh:

- Ông cứ chụp cho hai cháu cũng được. Thằng con đầu của tôi chết rồi!

Do một sự hớ hênh rất có ý nghĩa của người thợ ảnh, tấm hình được chụp ra với cái chỗ trống anh cả tôi bỏ lại. Đôi mắt tôi, mỗi lần đặt lên bức ảnh, chợt thấy thiếu một cái gì, và điều này làm tôi bồi hồi, cảm động. Tôi chạnh lòng, thấy số phận của anh cả tôi hẩm hiu quá. Ngày xưa cũng như ngày nay, người anh đau khổ ấy vẫn bước những bước cô quạnh trong cuộc đời, sống với mình hơn là sống với người xung quanh, nóng nảy và liều lĩnh.

Một lần đang ngồi ăn cơm với nhau, không nhớ tôi nói hỗn điều gì, anh cả tôi ném ngay cái bát vào mặt tôi. Cơn nóng nổi lên, tôi quăng trả cái chén, và cứ thế, chúng tôi nhảy vào nhau, đấm nhau, cắn nhau.

Thường thường, sau những phút giận dữ như trên, tôi thấy lương tâm bị giày vò, day dứt. Tôi dịu ngọt làm thân với anh cả tôi, nhưng chỉ được vài ngày, chúng tôi lại xem nhau như thù địch. Có điều mãi đến nay tôi vẫn lấy làm lạ, là càng ghét anh bao nhiêu, tôi lại càng thương anh bấy nhiêu.

Trước đây, anh cả tôi có quen biết một người con gái mà đôi mắt, tôi còn nhớ, tròn như đôi mắt bồ câu. Nhưng tình yêu vốn là thứ hay vỡ vì bất cứ một cái chạm nhẹ nào, anh tôi đã thấy chết mối tình đầu âm thầm và vô vọng, rồi về quê nội lấy một người vợ mà tôi chắc rằng anh không yêu lắm.

Đây là một đoạn đời bất thường của anh cả tôi ở bên quê nhà do chính anh thuật lại:

- ... "Thế rồi đến lượt anh. Anh bị trói gô vào một xâu cùng với những người khác, chỉ vì anh là người lạ mặt lạc vào thành phố, đúng cái hôm nổ ra cuộc cách mạng đánh đổ nhà Mãn Thanh. Cây súng, anh còn nhớ rõ, cây súng có cái nòng ngắn, nhưng anh thấy nó đen ngòm và sâu không đáy. Bốn người bên anh đã ngã gục xuống, và sắp đến lượt anh..."

Tôi sợ quá, nhảy chồm lên, hỏi:

- Thế người ta có bắn anh không?

Anh hai tôi đang nghe chuyện, vênh mặt lên bảo anh cả tôi:

- Bé nó hỏi thật dở nhỉ? Đã bắn rồi thì làm gì còn sống mà ngồi kể chuyện nữa!

Anh cả tôi kể tiếp:

- ..."Thế rồi đến lượt anh. Nhưng lúc cây súng sắp giơ lên thì cũng là lúc cây súng... hạ xuống. Khi ấy là vào đúng ban trưa, vì anh nhớ rõ là trời nắng lắm. Thì ra hôm anh bị bắt, ông nội chúng mình đi vắng. May ông về kịp, hối hả gom góp được một món tiền và thuốc phiện lên biếu quan huyện. Thế là quan sai lính phi ngựa ra pháp trường, hô tên anh là Ho Yan lên, và cứu thoát!"

Nghe xong chuyện, anh hai tôi bấm tôi ra chỗ vắng mà bảo:

- Anh cả anh ấy bị một mẻ mất vía, nên từ đó anh mất vía luôn. Cứ buổi trưa trở đi là anh như người lẩn thẩn, và đêm nào cũng lảm nhảm nói mê.

Anh cả tôi có một tâm trạng đúng như vậy. Chị dâu tôi cứ việc yên lặng nằm bên cạnh mà cũng biết hết anh đã làm gì, nghĩ gì hay bậy bạ gì trong ngày hôm ấy.

Một lần, mẹ tôi mất năm chục bạc. Đến đêm, anh cả tôi tự khai ngay ra:

- Còn khoắng một mẻ nữa là ít. Ngần ấy đã ăn thua gì!

Đại để là thế. Ban ngày, anh tôi tính toan gì trong bụng, thì đến đêm nói hết ra ngoài miệng. Tâm hồn anh như căn lều trống, gió thổi qua không vướng một bức vách, thổi một mạch, thổi vù vù.

Trước đây mấy năm, và đây cũng là nguyên do khiến mẹ tôi ghét anh, một chiều đi học về, tôi ngạc nhiên thấy một quang cảnh đổ vỡ bừa bãi. Mẹ tôi, bên cạnh là người đầy tớ trai, đang giận dữ ném các đồ vật vớ được về phía anh, dồn anh vào một góc tường. Anh tôi không kêu, không khóc, nhưng nét mặt xạm lại, một nỗi hằn học lẫn đau đớn vỡ tràn trong cặp mắt ngầu đỏ.

Cuối cùng, tôi thấy anh cả tôi kêu lên một tiếng, ngã xuống: một dòng máu chảy ra trên vai anh, thấm vào manh áo rách. Trong cảnh hỗn loạn, bỗng nhiên, anh tôi vớ được một thanh mác, thứ khí giới phòng kẻ trộm hồi ba tôi còn sống, lao về phía trước mặt. Mũi mác cắm phập vào chiếc tủ đứng, và tiếng mẹ tôi la lên:

- Nó giết, nó giết tôi, các ông, các bà ơi!

Thực ra đó chỉ là cách chống đỡ điên cuồng và tuyệt vọng của một người bị thương, gần như loạn óc. Sau tiếng kêu của mẹ tôi, tôi nóng mắt, sẵn hòn gạch vớ được, ném về phía anh...

Từ đấy, mẹ tôi vẫn dùng hai tiếng "sát nhân" gán cho anh, mỗi lần tức giận. Lòng mẹ tôi đã gần như mất hết thiện cảm đối với giọt máu của mình, đốt mía sâu đục. Còn tôi, tôi không thiếu tình thương hại mỗi lần tôi nghĩ đến người anh đau khổ, nghĩ đến cái gì không tươi đẹp đã làm hoen ố cả một quãng đời của ba chúng tôi.

*
* *

Rồi anh Cả tôi mất vào một năm lụt lội, đói kém. Anh bỏ nhà, đi lên miền ngược, tìm lại những người bạn ngày xưa, vì anh vừa đói cơm trắng lại vừa đói cơm đen. Nhưng anh đã chết ở dọc đường vì kiệt sức. Dân địa phương đi qua, làm phúc vùi tạm xác anh ở một góc rừng đâu đó.

Hôm được tin anh chết, tôi ở xa không về được, chỉ có chị dâu tôi và đứa cháu đầu lòng thất thểu kéo nhau đi tìm xác anh. Mẹ tôi thì già yếu, nhặt nhạnh được một thúng lá chuối khô, dặn chị tôi mang theo.

Tôi thương anh tôi khi anh còn sống, hơn là khi đã chết. Chết như anh là thoát. Tôi thương những giọt nước mắt mẹ tôi chắt ra từ đáy lòng để khóc lần cuối cùng đứa con dại dột. Và tôi hay nghĩ đến bó lá chuối khô của mẹ, thứ "cây nhà lá vườn", không tốn tiền mua, mà chị dâu tôi mang theo để gói hài cốt của chồng.

1942
Rút từ tập Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc.




--------------------------------------------------------------------------------

thuylam
06-12-2004, 06:23 AM
:::: Hồ Dzếnh ::::
Lòng Mẹ





Quê mẹ tôi ở Trung Bộ. Nhà người -- tôi không làm thơ đâu -- ở bên kia một dòng sông nhỏ, êm kín với hai bờ lau xanh. Chính ở nơi này, lúc người mới mười lăm tuổi, thì một tình duyên đẹp đẽ gây nên sự gặp gỡ giữa hai người xa lạ.

Mẹ tôi thường thuật lại cho tôi nghe cuộc nhân duyên ngày trước, thuật lại bằng một giọng rất thờ ơ, hình như cho sự kết hôn với ba tôi là một điều không đáng nói. Tôi lọt lòng mẹ tôi đã ngót bốn mươi tuổi, thế nghĩa là tôi biết tò mò hỏi đến chuyện tâm tình của người, thì người đã già.

Câu hỏi luôn luôn của tôi là:

-- Hả mẹ, mẹ lấy ba có xe ô tô đi đưa dâu không mẹ? Mẹ tôi cười, một cái cười chua chát cực điểm:

-- Có con ạ. Mẹ lấy ba con có những ba mươi chiếc ô tô kia!

Tuy nhỏ, tôi hiểu ngay đó là một lời than kín. Thực ra, mẹ tôi lấy chồng trong một hoàn cảnh túng thiếu hết sức. Ba tôi hồi ấy còn nghèo, như phần nhiều những người bạn cùng nước mới sang đây. Ngày còn nhỏ, tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn. Người chìu tôi, có lẽ vì người đoán thấy ở tôi một số phận thiếu êm vui. Tôi đòi gì là người cho. Tôi muốn gì là người chìu ý. Sự nâng niu ấy rõ rệt đến nỗi ba tôi thường phải kêu:

-- Cứ chìu nó như thế, thì chưa biết nó hư ngày nào.

Câu nói ghẻ lạnh làm tôi tủi nhục, nhiều lần òa lên khóc. Mẹ tôi sợ tôi bị đòn, vẫy giấu tôi ra một nơi, ôm lấy tôi mà vuốt ve. Cứ thế, mỗi lần sự khắc khổ của người cha làm tôi đau đớn, thì một bàn tay âu yếm lại xoa dịu lòng tôi ngay. Tâm tình của trẻ con rất đơn sơ mà cũng rất phức tạp. Tôi làm nũng mẹ tôi luôn để thấy cái thú làm lành của người sau những cơn thịnh nộ. Tôi chạy nhảy cùng nhà, la hét cốt để mọi người biết tôi có quyền la hét, hay muốn làm gì thì làm.

Năm lên tám, tôi cắp sách vào học tại một trường huyện. Nhà trường gần ngay chợ. Mẹ tôi, mỗi lần dọn hàng về, đều dừng lại trước cổng trường đưa bánh cho tôi vào những giờ nghỉ. Có một lần mẹ tôi vô ý gọi to lên, giữa khi tôi đang ngồi trong lớp học.

-- Con ơi, ra lấy bánh, mau!

Tôi giật mình nhìn ra thì thấy cái bánh giò đặt trên tay mẹ tôi, đưa qua hàng rào. Dưới nắng vàng vọt của buổi chiều hè, tôi nhận thấy mẹ tôi vui mừng một cách đáng thương. Một tay người giữ chiếc nón, còn tay kia thì run run. Người lách mình, cho khỏi bị gai ở hàng rào vướng. Quần áo người tiều tụy nhuộm ánh nắng xế chiều:

-- Mau ra lấy bánh cho mẹ về, con!

Tôi đưa mắt nhìn thầy giáo rồi lại nhìn mẹ tôi. Sau cùng tôi đánh bạo nên xin phép:

-- Thưa thầy, thầy cho con ra để mẹ con hỏi.

Thầy giáo tôi đã mải xem quyển sách, gắt:

-- Không đi đâu cả, ngồi đấy!

Nói xong, thầy bình tĩnh lẩm nhẩm: “C'est parfait! parfait!” Tôi về chỗ, đưa tay ra hiệu cho mẹ tôi ném bánh xuống đất, vì tôi không ra được, mẹ tôi không hiểu lại gọi to thêm. Lần này, thầy giáo ngoảnh mặt lên, nhìn ra ngoài rồi hỏi mẹ tôi:

-- Bà kia muốn gì?

Tôi đứng ngay dậy thưa:

-- Thưa thầy... Mẹ con...

-- Xin cho nghỉ à!

Tôi cuống lên, run run đáp:

-- Thưa thầy, không ạ, mẹ con... mẹ con đưa bánh!

Thầy giáo tôi buông dài một tiếng "ôi chao" như hơi gió và bảo tôi:

-- Cút ra ăn đi, rồi vào ngay, nghe không?

Tôi sung sướng, suýt nhảy qua cửa sổ. Ra đến nơi, mẹ tôi hỏi:

-- Sao lâu thế?

Tôi phụng phịu:

-- Mẹ gọi to làm thầy giáo gắt. Từ rày có thấy con ra chơi mẹ hẵng đưa, còn không thì mẹ đem về cất vào ngăn kéo khóa lại kỹ cho con.

Mẹ tôi mỉm cười nhìn tôi -- Ôi! cái mỉm cười của một người mẹ -- dặn mấy câu rồi quay đi.

Chiếc bánh hôm ấy, tôi ăn một cách ngon lành và hơi vội Lúc tôi vừa ném mớ lá xuống đất, thì tiếng trống bắt đầu báo giờ ra chơi.

-- Mày ăn cái gì đấy? A, thằng này xỏ, nó ăn mau lắm anh em ạ.

Câu nói sau cùng làm tôi vụt cười, sặc ra ngoài miếng bánh ngậm trong miệng. Thuở thơ ấu của tôi phần lớn là những ngày buồn bã, cái buồn bã không đâu, đến bây giờ còn theo dõi tôi mãi. Thỉnh thoảng tôi mới vui, nhưng cái vui, ác hại! lại dồn dập giống như giông tố, bỏ rớt lại một nỗi trống rỗng thiểu não trong lòng tôi sau khi tan đi . Tôi vui đấy mà buồn ngay đấỵ Tôi lưu luyến một cái gì xa quá, hư huyền quá, nhưng không phải là thú vui tìm kiếm trong gia đình hay trong đời sống. Bạn bè tôi lại rất hiếm. Vài ba gương mặt phảng phất lắng trong quá khứ thiếu tươi vui, vài tình cảm xưa cũ lẽo đẽo theo tôi trên đường đời. Có thế thôi, và thường thường tôi chỉ sống bằng mộng. Tôi không bằng lòng ai cả, hình như tôi cũng không bằng lòng cả tôi. Tôi phải kiếm cớ luôn luôn cho lòng mình thắc mắc, trong thứ tin tưởng quái gở là mọi người không ai yêu tôi. Đó thực là một cực hình cho kẻ nào, như tôi, chịu ảnh hưởng sự khủng hoảng tinh thần do chính mình gây ra, do chính mình ham thích.

Cách đây mấy năm, có lần tôi đã chép đoạn thơ của Baudelaire dán ở bàn viết, ngay trước mặt: Il me semble parfois que mon sang coule à flots Ainsi qúune fontaine aux rythmiques sanglots, Je l'entends bien qui coule avec un long murmure, Mais je me táte en vain pour trouver la blessurẹ (Đôi lúc hình như máu xối nguồn . Tựa như lòng nước tiếng vang thương. Ta nghe máu chảy sầu rười rượi . Khốn nỗi không tìm thấy vết thương).

Đậu bằng tiểu học xong, tôi lên tỉnh học. Trước khi thi vào ban thành chung và còn những ba tháng nghỉ hè thênh thang trước mặt, tôi theo chúng bạn đến học tư với một thầy giáo tú tài. Tôi trọ ở nhà người chú, mỗi tháng chỉ phải đem gạo ở nhà quê ra thay tiền. Tôi không hỏi ý kiến mẹ tôi, vì tôi cho việc học lúc ấy rất cần. Học được ba ngày thì thầy giáo tôi lễ phép nhắc với học trò bằng tiếng Pháp:

-- Tôi mong rằng các anh trả tiền học trong vài hôm sắp tới đây, và tôi xin cảm ơn trước.

Học trò ai nấy nhốn nháo lên. Có vài người trong bọn móc ngay tiền túi mang lên trả. Các anh khác xin khất đến mai. Riêng tôi, tôi buồn lắm. Chỉ mãi đến lúc ấy, tội nghiệp, tôi mới nhớ đến mẹ tôi, tôi mới nhớ đến cái vốn liếng ít ỏi của người. Bốn đồng! Tính theo giá tiền ở Trung Bộ vào thời bình là hai mươi quan! Tôi làm một cái tính nhẩm và rùng mình biết rằng đó là một số tiền cắt cổ. Điều cần thiết là tôi phải mượn ở đâu lấy mấy đồng hào về nhà quê trình bày mọi sự với mẹ tôi. Cái tráp tiền của chú tôi đóng lại với con cháu rất chắc. Hầu bao của các bạn cũng không thể mở được vì một cử động nhân từ nào. Tôi đành xin nghỉ một hôm, cuốc bộ về nhà lấy tiền trả cái “nợ học”.

Thấy tôi về bất thần, mẹ tôi ngừng tay xay lúa, hỏi tôi:

-- Sao con lại về? Con không ở ngoài tỉnh mà học à? Tôi bậm môi lại để nén tiếng khóc. Tôi không đủ can đảm nói cái số tiền học quá lớn kia nữa. Mẹ tôi thì lại ngờ rằng tôi bị hắt hủi nên hỏi nựng:

-- Hay là bọn nó làm gì con?

Tôi lắc đầu, khóc:

-- Thầy giáo... thầy giáo đòi tiền học!

Mẹ tôi cười điềm nhiên:

-- Tưởng gì chứ đòi tiền học thì để mẹ đưa. Mấy hào?

Tôi giật mình nhìn mẹ:

-- Hàng đồng kia!

-- Ừ thì bao nhiêu?

-- Bốn đồng!

Tôi thấy mẹ tôi lặng người đi, không nói được nữa. Nhưng có lẽ cảm động vì tấm lòng thương mẹ của tôi, người gượng gạo:

-- Con cứ lên nhà nằm nghỉ, rồi để mẹ đưa cho.

Mẹ tôi nói dối. Mẹ đuổi tôi lên nhà, để mẹ tôi khóc.

Lúc tôi chạy xuống bếp lục cơm ăn thì thấy đôi mắt mẹ tôi đỏ ngầu, vạt áo ướt đẫm. Tôi ngả vào lòng người, rồi mếu máo:

-- Con không đi học nữa mẹ ạ.

Mẹ tôi xoa đầu tôi, cười như thở dài:

-- Dại nào! Con học đang giỏi thế kia mà. Để mẹ đưa tiền cho. Đừng sợ

Sáng mai thấy tôi sửa soạn ra tỉnh, người băn khoăn:

-- Con cứ ra khất với thầy giáo vài hôm nữa, rồi mẹ mang tiền ra trả sau.

Tôi hiểu ngay là mẹ tôi còn phải chạy tiền nên ngoan ngoãn ra học lại Cả lớp đã trả tiền hết, trừ tôi. Tuy ngồi ở cuối lớp áp lưng vào tường, tôi vẫn tưởng nghe sau mình những tiếng cười chế giễụ. Tôi đâm ngượng, cái ngượng của người học trò không thuộc bài, nghênh ngang đứng trước mọi con mắt, tay xếp vòng tròn, vê mãi cúc áo của mình.

-- Thế nào...? Thầy giáo hỏi tôi.

-- Thưa thầy, thầy cho con khất đến hai hôm nữạ.

-- Nếu hai hôm nữa chưa có tiền học thì anh nghĩ sao? Tôi đáp rất chắc chắn:

-- Thưa thầy có ạ, thế nào cũng có, mẹ con đã bảo đúng ngày kia đưa tiền ra .

Tôi vừa học, vừa sợ. Ngày tháng chạy mau thêm. Hai tờ lịch rơi :Dng quá. Nhưng may, mẹ tôi ra đứng đợi tôi ngoài cửa nhà học, vì nơi học chính là một cái nhà thật. Mẹ tôi cắp cái thúng trong đựng mười quan tiền. Tôi ái ngại bảo mẹ:

-- Trả tiền học bằng tiền, thầy giáo không nhận đâu mẹ ạ.

Tôi chưa kịp cản, thì mẹ tôi đã cắp thúng đến trước mặt thầy giáo, và đặt trên bàn mười quan tiền, và hai tờ giấy bạc lấy ở nút buộc ruột tượng ra, làm tôi đỏ cả mặt. Mẹ tôi kể lể như khi kể lể với một người bạn thân:

-- Cháu nó bảo thầy không tiêu tiền kẽm nên ngăn tôi không cho đem vào. Thầy tính, cháu nó còn nhỏ, tâm tính như con gái, hay sợ vơ sợ vẩn...

Thầy giáo sai người cất tiền đi, và chừng như động lòng trước cảnh ngheò túng của chúng tôi, thầy cầm lấy tay tôi, thành thực:

-- Em chịu khó mà học đi . Em học khá đấỵ. Tháng sau thầy bớt tiền học cho.

Ra ngoài, tôi vui vẻ hỏi mẹ tôi:

-- Sao mẹ có nhiều tiền thế, mẹ?

Mẹ tôi cười, nửa buồn nửa vui:

-- Mẹ chỉ có mười quan thôi. Hai đồng bạc ấy là của thím con. Mẹ thấy rơi ở đầu giường thím nằm nên mượn tạm!

Tôi rụng rời cả mình mẩỵ. Tôi thấy tất cả cái thành phố quê hương của tôi quay đảo trước mặt, nhà chất lên cây, cây chất lên nhà.

Tôi hỏi mẹ:

-- Sao mẹ lại lấy như thế, thím ấy nói cho.

Mẹ tôi cười gần như khóc:

-- Người ta giàu, mình mượn tạm rồi trả sau cũng không sao. Mà thím ấy có nói thì nói mẹ, việc gì đến con mà con khóc.



Vừa đặt chân vào nhà, tôi nghe tiếng thím tôi réo:

-- Tôi có ba đồng bạc để ở đầu giường, đứa nào lấy mất hai rồi ?

Tôi toan cất tiếng, thì mẹ tôi vội bấu tay tôi, nói khẽ:

-- Mặc nó!

Nhưng tôi không nghẹ Tôi bảo thím:

-- Cháu lấy đấy, thím ạ. Cháu trót đánh mất rồị. Thím tôi lườm tôi, nghiến răng lại:

-- Cháu giỏi nhỉ ? Đồ ăn cắp.

Tôi chưa kịp nói thêm được gì, thì mẹ tôi đã đứng lên:

-- Tôi mượn của thím đấy, để vài hôm nữa tôi mang ra trả lại.

Thím tôi bĩu môi, thõng thẹo:

-- Ừ, bà mượn thế thì ai chả mượn được!

Câu chuyện trên đây theo dõi tôi như một ám ảnh cực nhục. Mỗi lần nhớ đến mẹ tôi, hay xét mình phạm tội, tôi thường đem nó ra để tự hình phạt. Nhiều năm đã rơi theo nhiều năm, và bây giờ, trong những đêm Hà Nội, cái thành phố hoa lệ chỉ quen tiêu bạc với hào, tôi vẫn rờn rợn nghe thấy âm thanh của mười quan tiền kêu lanh lảnh...