PDA

View Full Version : Chia Tay Thôi, Columbus


NghiDung
01-07-2010, 03:09 PM
Chia Tay Thôi, Columbus
Tác Giả: Philip Roth

Philip Roth (sinh năm 1933) Nhà văn có những tác phẩm đặc trưng với đối thoại sắc bén, mối quan tâm đến đời sống của người Do Thái trung lưu, và những quan hệ bi đát giữa tình yêu trai gái và tình yêu gia đình.
Roth tốt nghiệp Đại học Chicago và bắt đầu nổi tiếng với Goodbye Columbus ( Chia tay thôi, Columbus , 1959; giải National Book Award 1960). Tiểu thuyết đầu tiên của ông, Letting Go ( Buông thả, 1962), và cuốn kế, When She Was Good ( Khi nàng còn tốt , 1967) đều không thành công lắm cho đến khi ông viết Portnoy’s Complaint ( Lời khiếu nại của Portnoy, 1969). Cuốn này được xếp vào loại kinh điển của văn học Mỹ gốc Do Thái, mô tả những đau khổ và thiệt hại mà bối cảnh văn hóa đã gây ra cho nhân vật Portnoy. Mấy tác phẩm đáng kể khác của ông là The Ghost Writer ( Kẻ viết thuê , 1979), Zuckerman Unbound ( Zuckerman vô hạn định , 1981), Anatomy Lesson ( Bài học giải phẫu , 1983), The Counterlife ( Phản sinh , 1986) và American Pastoral ( Điền dã Hoa-kỳ , 1997; giải Pulitzer 1998).
Goodbye Columbus gồm tám chương, kể về một mối tình ngắn ngủi – chỉ một mùa hè – giữa một chàng trai Do Thái nghèo sống tự lập và con gái một gia đình thị dân Do Thái trung lưu. Chàng trai luôn cảm thấy một tương lai tan vỡ cho mối tình của họ, nhưng thực ra trở ngại với anh chính là lối sống thực dụng và các thành kiến của gia đình cô gái.

- o O o -

Lần đầu tiên tôi gặp Brenda nàng nhờ tôi giữ giùm cặp kiếng. Rồi nàng bước tới mép tấm ván nhún và nhìn mơ màng xuống hồ; có thể nước đã bị tháo sạch, và Brenda cận thị chắc không hề biết điều đó. Nàng lao xuống rất đẹp, và giây lát sau đã bơi trở lại mé hồ, mái tóc hung đỏ cắt ngắn của nàng cất cao, vươn tới trước, cứ như đóa hồng trên một cuống dài. Nàng lướt tới mép hồ và thế là đến cạnh tôi. “Cám ơn nghe,” nàng nói, đôi mắt long lanh tuy không phải do nước. Nàng chìa tay nhận cặp kiếng nhưng không đeo lên cho đến khi quay lưng và bỏ đi chỗ khác. Tôi nhìn nàng xa dần. Đột nhiên nàng thò tay ra sau, bằng ngón trỏ và ngón cái, nàng kéo đũng quần và đẩy phần da thịt lộ ra trở về đúng chỗ của nó. Máu me tôi nhảy tưng một nhịp.
Tối đó, trước bữa ăn, tôi gọi cho nàng.
“Mày gọi ai vậy?” Dì Gladys của tôi hỏi.
“Cô bạn mới gặp bữa nay.”
“Doris giới thiệu hả?”
“Doris không chịu giới thiệu con với cái thằng tháo nước hồ đâu, Dì Gladys.”
“Mày đừng có lúc nào cũng chỉ trích thế. Bà con vẫn là bà con. Sao mày quen được nó?”
“Thực ra con đâu quen cô ấy. Con chỉ thấy thôi.”
“Đứa nào vậy?”
“Họ cô ta là Patimkin.”
“Patimkin tao không biết,” Dì Gladys nói, cứ như bà biết bất cứ ai trong Câu lạc bộ Green Lane Country vậy. “Mày tính gọi mà không quen biết trước gì cả à?”
“Vâng,” tôi giải thích. “Con sẽ tự giới thiệu.”
“Đồ Casanova,”[1] dì ấy phán rồi tiếp tục chuẩn bị bữa tối cho chú tôi. Nhà chúng tôi không dùng bữa với nhau: dì Gladys ăn lúc năm giờ, cô em họ Susan của tôi lúc năm rưỡi, tôi sáu giờ, còn chú tôi sáu rưỡi. Chẳng có gì giải thích được chuyện này hơn cách kết luận rằng bà dì tôi khùng.
“Danh bạ điện thoại ngoại ô đâu rồi?” Tôi hỏi sau khi lôi hết mọi cuốn sách dưới gầm bàn điện thoại ra.
“Cái gì?”
“Danh bạ điện thoại ngoại ô. Con muốn gọi tới Short Hills.”
“Cuốn mỏng teng đó hả? Ôi, bộ tao phải chứa trong nhà cái thứ đó sao, tao có bao giờ xài tới nó đâu?”
“Nó đâu rồi?”
“Dưới tủ chén chỗ chân tủ bị sút ra đó.”
“Lạy chúa tôi,” tôi kêu lên.
“Gọi cho tổng đài thì hơn. Mày vào bếp moi móc trong đó rồi làm lộn tung mấy ngăn kéo của tao cho coi. Đừng quấy tao nữa, mày biết chú mày sắp về tới mà. Tao cũng chưa cho mày ăn được nữa.”
“Dì Gladys, coi như tối nay nhà mình dùng bữa chung nghe. Trời nóng mà, vậy tiện cho dì hơn.”
“Hay dữ, tao sẽ phải dọn bốn phần ăn khác nhau một lượt. Mày ăn thịt chiên tảng, Susan ăn pho mát trắng, ông Max ăn bipstếch. Tối thứ Sáu là ăn bipstếch mà, tao không cấm ông ấy được. Còn tao thì thịt gà nguội. Tao phải tưng lên tưng xuống cả hai chục lần sao? Tao là cái gì, con ngựa cày chắc?”
“Sao cả nhà mình không cùng ăn bipstếch, hay gà nguội…”
“Tao coi sóc cái nhà này hai chục năm rồi. Đi gọi điện cho con bạn mày đi.”
Nhưng khi tôi gọi, Brenda Patimkin không có nhà. Cô nàng ăn tối ở câu lạc bộ, một giọng phụ nữ cho tôi biết như thế. Rồi cô ấy có về nhà không (giọng tôi lúc đó cao hơn giọng một cậu trong dàn đồng ca tới hai quãng tám)? Tôi không biết, giọng đó đáp, có thể nó sẽ đi chơi golf. Ai đầu dây vậy? Tôi lắp bắp vài lời… chẳng là gì cả cô ấy không biết đâu tôi sẽ gọi lại không nhắn gì đâu ạ cám ơn xin lỗi đã quấy rầy… tôi gác máy trong khi còn dang dở chuỗi lảm nhảm ấy. Rồi bà dì gọi và tôi gồng mình chuẩn bị vào bữa tối.
Bà đẩy cái quạt máy rù rì đen thui lên tốc độ cao và như thế nó làm chao đảo cả sợi dây điện lòng thòng từ cái đèn bếp.
“Mày muốn uống gì? Tao có bia gừng, nước khoáng, dâu đen, và một chai soda kem có thể khui được.”
“Không uống đâu, cám ơn.”
“Mày uống nước lạnh hả?”
“Con không uống trong bữa ăn. Dì Gladys, con đã nói với dì mỗi ngày suốt một năm nay rồi…”
“Ông Max uống được cả két chỉ với món gan bằm thôi. Ông ấy lao động cực nhọc cả ngày. Nếu mày lao động nặng thì chắc uống nhiều hơn.”
Ở chỗ lò bà chất một đĩa đầy món thịt chiên tảng, khoai tây luộc, nước chiên thịt, và đậu với cà rốt. Bà đặt đĩa trước mặt tôi và tôi có thể cảm thấy hơi nóng của thức ăn tỏa lên mặt. Rồi bà cắt hai miếng bánh mì và đặt kế bên tôi, trên bàn.
Tôi dùng nĩa tách một củ khoai tây làm hai và ăn, trong khi Dì Gladys, ngồi đối diện bên kia bàn, quan sát tôi. “Mày không thích bánh mì,” dì nói, “tao không cắt ra sợ nó mất ngon.”
“Con thích bánh mì chứ,” tôi nói.
“Mày không thích ăn chung với hạt phải không?”
Tôi xé một miếng bánh mì làm hai và ăn.
“Còn thịt thế nào?”
“Ồ, ngon.”
“Mày sẽ ngốn cả đống khoai tây với bánh mì rồi bỏ dư thịt làm tao phải đổ đi.”
Đột nhiên bà đứng bật khỏi ghế. “Muối!” Khi trở lại bàn bà dằn một lọ muối xuống trước mặt tôi – không bao giờ có tiêu trên bàn ăn trong nhà bà: bà nghe được trên chương trình của Galen Drake rằng cơ thể không hấp thụ được thứ đó và thật phiền cho Dì Gladys khi phải nghĩ rằng món gì đó do bà dọn lên lại chỉ đi qua thực quản, dạ dày và bộ ruột chỉ như đi du hành cho vui thôi.
“Mày sẽ nhặt hết đậu ra hả? Mày nói với tao vậy mà, tao không ưa nổi thứ cà rốt.”
“Con thích cà rốt,” tôi nói, “Con thích cả lũ cà rốt.” Và để chứng minh, tôi lùa cả đống cà rốt vào họng và lùa một nửa mớ đó nữa xuống quần dài.
“Heo,” dì ấy nói.
Tuy tôi rất khoái đồ tráng miệng, nhất là trái cây, nhưng tôi quyết định không ăn tí nào cả. Trong buổi tối nóng nực này, tôi muốn tránh bàn cãi việc tôi thích trái cây tươi hơn trái cây đóng hộp, hay trái cây đóng hộp hơn trái cây tươi; dù tôi thích thứ nào hơn thì Dì Gladys cũng có cả đống thứ ngược lại chất trong tủ lạnh cứ như kim cương đánh cắp vậy. “Nó thích táo đóng hộp mà tôi có đầy nguyên một tủ lạnh nho phải vứt bỏ…” Cuộc đời chỉ là việc vứt bỏ đối với Dì Gladys tội nghiệp, những niềm vui lớn nhất của dì là moi rác ra, dọn sạch tủ nhà bếp, và soạn những túi đồ cũ xì cho cái mà dì vẫn gọi là những người Do Thái tội nghiệp ở Palestine. Tôi chỉ mong dì qua đời khi tủ lạnh trống rỗng, nếu không dì sẽ phá hủy cõi vĩnh hằng của mọi người khác, dù đó là bất cứ gì, với món nho mốc xanh, và những trái cam trổ lông nấm bên dưới.
Chú Max của tôi về đến và trong khi tôi gọi số của Brenda lần nữa, tôi còn nghe được tiếng bật nút chai soda trong bếp. Lần này giọng trả lời điện thoại nghe cao, cụt lủn và mệt mỏi. “Alô.”
Tôi lao ngay vào bài diễn thuyết. “Alô-Brenda-Brenda cô không biết tôi tức là cô không biết tên tôi nhưng tôi đã giữ kiếng giùm cô chiều nay ở câu lạc bộ… Cô đã nhờ tôi làm thế tôi không phải hội viên nhưng em họ tôi Doris là hội viên ở đó Doris Klugman tôi đã hỏi cô là ai…” Tôi thở một phát, để cho nàng có cơ hội lên tiếng, và rồi nói tiếp khi thấy đầu dây bên kia vẫn im re. “Doris hả? Nó là đứa lúc nào cũng thấy đọc Chiến Tranh và Hòa Bình. Nhờ thế mà tôi biết đã tới mùa hè, mỗi khi thấy Doris đọc Chiến Tranh và Hòa Bình.” Brenda không cười; ngay từ đầu tôi đã thấy nàng là loại thực tế.
“Anh tên gì?” nàng nói.
“Neil Klugman. Tôi giữ kiếng cho cô ở chỗ cầu nhảy, nhớ hông?”
Nàng trả lời bằng một câu hỏi theo kiểu của nàng, một lối hỏi mà tôi dám chắc sẽ gây bối rối cho cả đứa xoàng xĩnh lẫn đứa điển trai. “Trông anh ra làm sao?”
“Tôi… da sậm.”
“Anh dân da đen hả?”
“Không,” tôi đáp.
“Vậy trông anh ra sao?”
“Tối nay tôi ghé chơi cho cô thấy tôi ra sao được không?”
“Hay lắm,” nàng bật cười. “Tối nay tôi chơi tennis.”
“Tôi tưởng cô đang chơi golf chứ.”
“Tôi chơi xong rồi.”
“Còn sau cữ tennis thì sao?”
“Sau cữ tennis chắc tôi mồ hôi mồ kê dữ lắm,” Brenda nói.
Câu này không phải để cảnh báo tôi hãy bịt mũi lại và chạy cho xa; mà đó là một dữ kiện, rõ ràng nó chẳng làm Brenda bối rối, nhưng nàng muốn tôi ghi nhớ.

NghiDung
01-07-2010, 03:10 PM
“Đâu hề gì,” tôi nói, hy vọng rằng cái giọng đó giúp tôi chiếm được một vị trí đâu đó lưng chừng giữa bọn ở dơ và bọn câu nệ. “Tôi đón cô được không?”
Nàng im lặng một lát; tôi nghe nàng lẩm nhẩm, “Doris Klugman, Doris Klugman…” Rồi nàng nói, “Được, ở Briarpath, tám giờ mười lăm.”
“Tôi sẽ chạy cái xe…” tôi làm lơ không nói xe sản xuất năm nào, “Plymouth nâu. Vậy là cô sẽ nhận ra tôi. Còn tôi làm sao nhận ra cô?” Tôi nói với tiếng cười tinh quái xỏ lá.
“Thấy ai đang đổ mồ hôi thì biết chứ sao,” nàng nói và gác máy.
Khi lái xe ra khỏi Newark, qua Irvington và những ngã tư rối rắm nghẹt xe cộ, những khu lụp xụp của nhân viên đường sắt, những bãi gỗ súc, và những bãi xe cũ, thì trời đêm mát mẻ hơn. Làm như những ngoại ô vượt cao hơn Newark cả năm chục mét này đem người ta tới gần thượng giới hơn, vì mặt trời coi bộ cũng bự hơn, thấp hơn, và tròn hơn, và rồi tôi lái xe dọc những bãi cỏ dài làm như đang tự rưới nước vòng vòng lên chính chúng nó, và qua những ngôi nhà chẳng có ai ngồi ngoài hàng hiên, bên trong sáng đèn nhưng chẳng cửa sổ nào mở, vì những người trong đó, vốn không chịu chia sẻ kiểu sống với bọn bên ngoài chúng tôi, đã có một đồng hồ điều tiết lượng hơi ẩm được phép tiếp cận lớp da của họ. Mới tám giờ, và tôi không muốn tới sớm, nên tôi lái xe lòng vòng các con phố mang tên các đại học miền đông, tuy rằng thị trấn này, nhiều năm xưa, khi đặt tên các thứ này, đã hoạch định số phận cho con cháu các công dân của nó.[2] Tôi nghĩ đến chuyện dì Gladys và chú Max của tôi chia nhau một thanh kẹo Mound trong bóng tối ám khói của ngõ hẻm nhà họ, trên những cái ghế băng, mỗi cơn gió mát ngọt ngào đối với họ cứ như lời hứa hẹn về một kiếp sau, và lát sau tôi đã lái xe vào những con đường trải sỏi của công viên nhỏ nơi Brenda đang chơi tennis. Trong hộc đựng găng tay trên xe tôi tấm bản đồ Các đường phố Newark làm như đã biến thành những con dế, vì những con đường tráng nhựa dài hàng dặm không còn tồn tại với tôi nữa, và những âm thanh của đêm ồn hẳn lên khi máu chạy rần rần trên thái dương của tôi.
Tôi đậu xe dưới đưới bóng xanh đen của ba cây sồi, rồi thả bộ về phía có tiếng banh tennis. Tôi nghe một giọng cáu kỉnh kêu lên, “Huề nữa.” Đó là giọng Brenda và tiếng của nàng nghe cứ như đang đổ mồ hôi tùm lum. Tôi bước lạo xạo chậm rãi trên sỏi và lại nghe tiếng Brenda. “Tôi lợi giao,” và ngay khi tôi vòng theo lối đi, nghe tiếng banh veo véo rồi tiếng Brenda, “Ăn rồi!” Cây vợt của nàng bay lộn lộn trên cao và nàng bắt lấy nó rất gọn khi tôi ló mặt tới.
“Chào,” tôi kêu.
“Chào Neil. Một ván nữa nghe,” nàng hô lên. Lời lẽ của Brenda làm như khiến đối thủ phát cáu, đó là một cô tóc nâu xinh xắn, không cao bằng Brenda, cô ta thôi không tìm trái banh đã đánh qua chỗ cô ta nữa và ban cho cả tôi lẫn Brenda một cái nhìn bực bội. Trong giây lát tôi hiểu ra lý do liền: Brenda đang dẫn trước năm bốn, và cái kiểu nàng đắc chí về việc chỉ còn một ván nữa là xong đã khơi dậy một đống bực tức ở đối thủ đủ cho cả hai chúng tôi chia nhau mà vác.
Quả nhiên Brenda thắng ván đấu đó, tuy phải đấu nhiều lượt hơn dự tính. Cô bạn kia, có tên nghe từa tựa như Simp, có vẻ khoái chí khi gỡ được sáu đều, nhưng Brenda, di chuyển, chạy, nhảy rướn lên, không chịu dừng lại, và sau cùng tôi chỉ nhìn thấy di động trong bóng tối là đôi kiếng của nàng, một ánh lấp lánh của nó, cái khoá thắt lưng, đôi vớ, đôi giày thể thao của nàng, và, thỉnh thoảng, thấy được trái banh. Trời càng tối Brenda càng điên cuồng lên lưới, vụ này coi bộ kỳ, vì tôi nhận ra lúc nãy, khi còn sáng, nàng vẫn thủ cuối sân, và ngay cả khi nàng phải chạy lên lưới, sau khi đỡ trả một cú lốp bóng, nàng trông cũng không khoái chí như thế khi tiến tới gần cây vợt của đối thủ như vậy. Niềm đam mê muốn giành được một điểm của nàng coi bộ còn thua xa niềm đam mê muốn giữ nguyên nhan sắc của nàng. Tô e rằng vết đỏ của trái banh tennis in trên má còn làm nàng đau khổ hơn cả việc mất đi mọi điểm số trên đời này. Tuy nhiên, trời tối khiến nàng cứ xông tới, và đánh dữ dội hơn, và sau cùng có vẻ như Simp bị đau cổ chân. Khi xong ván đấu, Simp khước từ đề nghị của tôi muốn cho cô quá giang về và nói rõ bằng cái giọng vay mượn từ một phim cũ xì nào đó của Katherine Hepburn rằng cô tự thu xếp được; rõ ràng tòa biệt thự của cô nàng chẳng xa quá đám cây tầm xuân gần nhất kia. Cô nàng chẳng ưa tôi và tôi cũng chẳng ưa cô ta, tuy tôi biết chắc mình có ưu tư chuyện đó nhiều hơn cô ta chút đỉnh.
“Ai vậy?”
“Laura Simpson Stolowitch.”
“Sao cô không gọi cô ấy là Stolo?” tôi hỏi.
“Simp là tên của nó ở Bennington. Thứ ngốc.”
“Cô cũng học ở đó hả?” tôi hỏi.
Nàng đang vuốt áo thun sát vào da cho khô mồ hôi. “Không. Tôi học ở Boston.”
Tôi không khoái nàng vì câu trả lời này. Mỗi khi có ai hỏi tôi học ở đâu là tôi nói ngay Đại học Rutgers, cơ sở Newark. Có thể tôi nói tên đó ra quá rổn rảng, quá nhanh, quá ngần ngừ, nhưng tôi có nói ra. Trong thoáng chốc Brenda làm tôi nhớ lại mấy thằng cà chớn mũi hếch trường Montclair vào thư viện trong những kỳ nghỉ, và trong khi tôi đóng dấu cho mượn sách, chúng nó đứng sớ rớ kéo kéo những khăn quàng cổ to xù của chúng cho đến khi nó thoòng xuống tận cổ chân, suốt từ đầu tới cuối cứ hàm ý chuyện “Boston” với “New Haven.”
“Đại học Boston hả?” tôi hỏi, mắt ngó mông lên hàng cây.
“Radcliffe.”
Chúng tôi vẫn đứng trên sân, chung quanh đầy những đường vạch trắng. Quanh những bụi cây cuối sân, những con đom đóm đang vẽ những hình số tám trong không gian có mùi gai góc và rồi, khi trời đêm bất ngờ tràn tới, những lá cây sáng lên trong giây lát, cứ như vừa được tưới một cơn mưa. Brenda ra khỏi sân, có tôi theo sau một bước. Bây giờ tôi đã quen với bóng tối, và khi nàng thôi tồn tại như một giọng nói và đã trở thành một hình ảnh rõ rệt, ít nhiều nỗi bực bội của tôi về câu trả lời “Boston” của nàng đã bay đi và tôi cho phép mình ngắm nghía nàng. Tay nàng không ngoéo vào mông nữa, nhưng hình vóc vẫn lộ ra, dù được che kín hay không, dưới cái quần kaki Bermuda bó sát của nàng. Có hai hình tam giác đẫm mồ hôi trên lưng áo thun trắng của nàng, ngay chỗ hai cái cánh sẽ mọc ra nếu nàng có cánh. Nàng còn có, cho trọn bộ, một thắt lưng kẻ ca rô, vớ trắng và đôi giày tennis trắng.
Nàng vừa đi vừa kéo dây kéo cái bao đựng vợt lại.
“Cô có gấp về nhà không?” tôi hỏi.
“Không.”
“Vậy ngồi lại đây đi. Chỗ này dễ chịu.”
“OK.”
Chúng tôi ngồi xuống một bờ cỏ đủ nghiêng để tựa lưng mà không ngả hẳn ra; ở một góc nhìn nào đó thì có vẻ như bọn tôi đang chuẩn bị theo dõi một biến cố nào đó trên trời, như lễ đặt tên cho một vì sao mới chẳng hạn, trăng còn một nửa sắp phình lên tròn đầy. Brenda cứ đóng mở dây kéo bao vợt trong khi nói chuyện; lần đầu tiên trông nàng có vẻ bồn chồn. Nỗi bồn chồn của nàng khiến tôi dịu đi, và một cách kỳ diệu, chúng tôi giờ đã sẵn sàng cho một điều mà tụi tôi có thể có được mà không biết: một cuộc gặp gỡ.
“Cô em Doris của anh trông thế nào?” nàng hỏi.
“Nó da sậm…”
“Cô ấy dân…”
“Không,” tôi nói. “Nó có tàn nhang, tóc đen và cao ráo lắm.”
“Cô ấy học ở đâu?”
“Northampton.”
Nàng không nói gì và tôi không rõ nàng đã hiểu được bao nhiêu phần trăm hàm ý của tôi.
“Chắc tôi không quen cô ấy,” lát sau nàng nói. “Cô ấy là hội viên mới hả?”
“Chắc vậy. Nhà nó mới dọn tới Livingston hai ba năm nay.”
“Ồ.”
Không có ngôi sao mới nào xuất hiện, ít nhất là trong vòng năm phút kế đó.
“Cô có nhớ tôi đã giữ kiếng cho cô không?” tôi hỏi.
“Bây giờ nhớ rồi,” nàng nói. “Anh cũng sống ở Livingston hả?”
“Không. Ở Newark.”
“Nhà tôi cũng sống ở Newark hồi tôi còn nhỏ.” nàng nói.
“Cô muốn về nhà chưa?” đột nhiên tôi thấy bực bội.
“Chưa. Cứ đi loanh quanh đã.”
Brenda đá một viên đá và đi trước tôi một bước.
“Tại sao cô chỉ xông lên lưới sau khi trời tối?” tôi hỏi.
Nàng quay lại phía tôi và mỉm cười. “Anh nhận ra rồi hả? Con Simp thì không.”
“Tại sao vậy?”
“Tôi không thích lên quá sát, trừ khi tôi biết chắc nó sẽ không trả đòn.”
“Sao vậy?”
“Tại cái mũi của tôi.”
“Cái gì?”
“Tôi mới đi chữa mũi.”
“Nó bị gì vậy?”
“Nó nổi mụn.”
“Nhiều lắm hả?”
“Không,” nàng nói, “Tôi đẹp rồi. Bây giờ còn đẹp hơn. Thằng em tôi cũng đi chữa mũi hồi mùa thu.”
“Nó cũng muốn đẹp hơn sao?”
Nàng không trả lời và tiếp tục đi đàng trước tôi.
“Tôi không có ý cười cợt. Tôi chỉ định hỏi tại sao cậu ta làm vậy.”
“Nó muốn làm… trừ khi nó trở thành giáo viên thể dục… nhưng không được đâu,” nàng nói. “Tụi tôi đứa nào cũng giống bố.”
“Ông ấy cũng chữa mũi hả?”
“Sao anh khó chịu thế?”
“Đâu có. Xin lỗi nghe.” Câu hỏi kế đó của tôi xuất phát từ ý muốn tỏ ra quan tâm hơn và nhờ đó lấy lại được vẻ lịch sự; nhưng nó không xảy ra như mong đợi – tôi hỏi thành tiếng hơi lớn. “Tốn hết bao nhiêu vậy?”
Brenda sựng lại một lát nhưng rồi nàng cũng đáp. “Ngàn đô. Nếu anh không muốn thuê một tay bán thịt.”
“Để tôi coi nó đáng đồng tiền bát gạo không?”
Nàng quay lại; nàng đứng cạnh một băng ghế và đặt vợt xuống đó. “Nếu tôi để anh hôn thì anh có dẹp màn ăn nói khó chịu như thế đi không?”
Chúng tôi đã phải tiến hành quá nhiều bước để giữ cho sự tiếp cận không quá lôm côm, nhưng chúng tôi cứ trôi xuôi theo ngẫu hứng và hôn nhau. Tôi cảm thấy bàn tay nàng trên gáy và do đó tôi kéo nàng về phía mình, có lẽ cũng hơi mạnh, và vuốt hai bàn tay dọc bên sườn của nàng và vòng ra sau lưng. Tôi sờ vào chỗ đẫm mồ hôi trên bả vai nàng, và bên dưới lớp da thịt ấy, tôi nhận thấy rõ, một xao động mơ hồ, làm như có gì đó dậy lên rất sâu trong ngực nàng, tuốt trong sâu đến độ có thể cảm thấy nó xuyên qua lớp áo. Nó giống như sự xao động của những cái cánh, những cái cánh nhỏ xíu không lớn hơn bộ ngực nàng. Tầm cỡ nhỏ bé của đôi cánh không làm tôi phiền lòng – chẳng cần đến một con đại bàng mới mang nổi tôi vượt lên năm chục thước thối tha này vốn từng làm những đêm mùa hè ở Short Hills đây mát mẻ hơn nhiều so với ở dưới Newark.

NghiDung
01-07-2010, 03:10 PM
- o O o -

[1]Casanova, Giovanni Jacopo (1725-1798) Một tay phóng đãng phiêu lưu nổi tiếng người Ý, lưu lạc khắp châu Âu, vào tù ra khám, vượt ngục, đổi tên, tổ chức cờ bạc, làm gián điệp, chen vào xã hội thượng lưu, đủ cả. Ông ta có làm thơ, viết bộ hồi ký 12 tập rất được chú ý vì nó mô tả chi tiết xã hội thượng lưu thời đó. Tên ông ta ngày nay trở thành đồng nghĩa với “phóng đãng.”
[2]Các đại học miền đông, lãnh thổ 13 bang đầu tiên của Mỹ, mặc nhiên được coi là đại học xịn, vượt xa đại học ở các tiểu bang khác vốn chỉ được coi như tỉnh lẻ. Ohio, bối cảnh của truyện này, là một bang miền trung tây, cũng mang số phận tỉnh lẻ đó. Neil không ưa kiểu phân biệt này.
Ngày kế tôi lại giữ kiếng cho Brenda, lần này không phải như một tay sai tạm thời mà là khách mời buổi chiều; hoặc có lẽ là cả hai, nhưng đó vẫn là một bước cải thiện. Nàng mặc bộ đồ đen và đi chân không, và giữa những phụ nữ khác, với những gót giày đế bằng và những bộ ngực căng cứng, những chiếc nhẫn to bằng khớp ngón tay, những chiếc mũ rơm, thứ coi y chang mấy đĩa bánh pizza to tướng đã bán cho ai rồi, và tôi nghe một bà da rám sậm vì nắng càm ràm, “từ tay một chàng bợm bảnh nhất khi bọn tôi cặp cảng Barbados,” Brenda giữa đám họ coi đơn sơ một cách dễ nể, cứ như giấc mơ của gã thủy thủ về một trinh nữ Polynesia, dù chỉ là một trinh nữ đeo kính thuốc và có họ là Patimkin. Nàng vỗ nước bì bọp khi trườn tới mép hồ, và ở mép hồ nàng thò tay lên và nắm trúng cổ chân tôi, bấu chặt và ướt mem.
“Xuống nào,” nàng ngước lên nói với tôi, hấp háy mắt. “Mình chơi đi.”
“Còn mắt kiếng,” tôi nói.
“Ôi đập quách nó đi. Ghét nó quá.”
“Sao em không đi chữa mắt?”
“Anh cũng nói vậy nữa.”
“Xin lỗi,” tôi nói. “Để tôi đưa cho Doris.”
Doris, giữa cơn kinh ngạc mùa hè, đã vượt qua được chuyện hoàng tử Andrey chia tay với vợ, và bây giờ ngồi ưu tư, té ra không phải về số phận tội nghiệp lẻ loi của công nương Liza tội nghiệp, mà về lớp da mà cô ta mới nhận thấy là đang tróc ra trên vai mình.
“Bà giữ giùm mắt kiếng cho Brenda nghe?” tôi nói.
“Ưøa.” Cô ta phủi những mẩu da mờ mờ ra khỏi vai. “Mồ tổ nó.”
Tôi đưa cặp mắt kiếng cho cô ta.
“Trời đất,” cô ta nói, “tớ không cầm nó đâu. Cứ để đó. Tớ đâu phải đầy tớ bà ấy.”
“Bà thiệt khó chịu, biết không, Doris?” Ngồi ở đó, cô ta trông hơi giống Laura Simpson Stolowitch, nhân vật đang lang thang đâu đó ở cuối hồ đàng kia, tránh mặt Brenda với tôi vì (tôi thích nghĩ vậy) Brenda đã làm cô ta bêu mặt tối hôm trước; hay có thể (tôi không thích ý nghĩ này) vì sự hiện diện kỳ cục của tôi. Dù thế nào Doris cũng phải lãnh trọn lời rủa xả của tôi cho cả Simp lẫn cô ta.
“Cám ơn,” cô nàng nói, “Sau khi tôi đã mời anh tới chơi bữa nọ.”
“Đó là hôm qua.”
“Còn năm ngoái thì sao?”
“Đúng, mẹ bà cũng nói với bà năm ngoái rồi… hãy mời cậu trai nhà Esther như thế khi nó viết thư cho bố mẹ nó rằng họ sẽ không phàn nàn là mình không chăm sóc nó. Mùa hè nào tôi cũng có lúc của mình.”
“Lẽ ra cậu phải đi với họ. Đâu phải lỗi tụi tôi. Cậu đâu phải người tụi tôi phải coi sóc,” và khi cô ta nói thế, tôi chỉ có thể hiểu rằng đó là điều cô ta nghe được ở nhà, hoặc nhận được trong một lá thư trong đợt thư vào thứ Hai nào đó, sau khi cô ta đã trở về Northampton từ Stowe, hoặc Dartmouth, hoặc có lẽ từ đợt nghỉ cuối tuần nọ khi cô ta tắm vòi sen với thằng bạn trai ở Lowell House.
“Bảo bố bà đừng có lo. Chú Aaron, ông bạn già. Tôi tự lo cho mình được,” và tôi chạy trở lại hồ, phóng xuống một phát, và trồi lên như một con cá heo bên cạnh Brenda, đôi chân tôi trườn đè lên chân nàng.
“Doris sao rồi?” nàng hỏi.
“Đang tróc da,” tôi nói. “Bà ấy sắp phải đi chữa da.”
“Dẹp màn đó đi,” nàng nói, và chúi xuống dưới cho đến khi tôi cảm thấy nàng nắm lấy gan bàn chân tôi. Tôi co chân lại rồi chúi xuống theo, và rồi, ở đáy hồ, chỉ độ hai tấc cách những đường sọc đen chập chờn dùng để chia hồ thành những làn bơi đua, tụi tôi hôn nhau giữa đám bọt khí thoát ra. Nàng mỉm cười ở đó, với tôi, tuốt dưới đáy hồ bơi câu lạc bộ Green Lane Country. Bên trên chúng tôi, những đôi chân chờn vờn trong nước và một đôi vây xanh lướt qua: con em họ Doris có lột đến hết da thì tôi cũng mặc, bà dì Gladys dọn ăn hai mươi lần mỗi tối, cha mẹ tôi cứ nướng tiêu chứng hen suyễn của họ ở cái lò lửa Arizona, những kẻ trốn lánh không xu dính túi ấy – tôi chẳng quan tâm bất cứ cái gì ngoại trừ Brenda. Tôi vươn tới kéo nàng lại gần ngay khi nàng định trồi lên; tay tôi móc trúng ngực áo nàng và nó tuột ra. Bộ ngực nàng trôi lờ lững trước mặt tôi như hai con cá mũi hồng và nàng để tôi chạm tay vào đó. Rồi, trong giây lát, ánh mặt trời hôn lên cả hai đứa tôi, và chúng tôi trồi khỏi mặt nước, quá hài lòng về nhau đến không mỉm cười được. Brenda lắc mái tóc bắn nước tung toé qua tôi và với những giọt chạm vào người, tôi cảm thấy như nàng đã có một hứa hẹn với tôi về mùa hè, và, tôi hi vọng, còn hơn thế nữa.
“Em cần mắt kiếng chưa?”
“Anh gần xịt em dư sức thấy,” nàng nói. Chúng tôi ngồi dưới một cây dù lớn màu xanh, kề bên nhau trên hai chiếc ghế dài, áo tắm và da thịt chúng tôi cứ kêu rin rít trên mặt nhựa; tôi quay đầu lại để nhìn Brenda và ngửi mùi nắng rám dễ chịu trên vai mình. Tôi lại quay nhìn lên, giống như nàng, và khi chúng tôi trò chuyện, trời bắt đầu sáng và nóng hơn, những màu sắc cứ xé ngang dọc sau mi mắt khép của tôi.
“Mọi chuyện này nhanh quá,” nàng nói.
“Chẳng có gì xảy ra cả,” tôi nói nhẹ nhàng.
“Không. Em cũng nghĩ là không. Nhưng hơi có cảm giác điều gì đó đã xảy ra.”
“Trong mười tám giờ qua?”
“Phải. Em thấy… bị theo đuổi,” nàng nói sau một lát im lặng.
“Em rủ anh mà, Brenda.”
“Sao lúc nào anh cũng có cái giọng khó ưa với em vậy?”
“Anh có giọng khó ưa sao? Anh không hề cố ý. Thiệt đó.”
“Anh có mà! Em rủ anh mà, Brenda. Vậy thì sao?” nàng nói. “Dù gì em cũng không cố tình như thế.”
“Anh xin lỗi.”
“Dẹp màn phân bua đi. Anh luôn tự động như thế, dù anh không thực lòng muốn thế.”
“Bây giờ em đang khó chịu với anh đấy,” tôi nói.
“Không. Chỉ nêu sự kiện thôi. Thôi đừng tranh cãi nữa. Em thích anh.” Nàng quay đầu đi và trông cứ như nàng mải ngưng một giây để ngửi cái mùi mùa hè trên da thịt của mình. “Em thích cái tướng của anh.” Nàng tránh không làm tôi rầu với cái giọng tỉnh bơ của nàng.
“Sao vậy?” tôi hỏi.
“Anh xoay đâu ra được đôi vai đẹp thế? Anh có chơi môn gì không?”
“Không,” tôi nói. “Anh cứ lớn lên là tự nhiên như thế thôi.”
“Em thích thân người anh. Trông đẹp lắm.”
“Nghe sướng quá,” tôi nói.
“Anh có thích thân người em không?”
“Không,” tôi nói.
“Vậy nó không dành cho anh đâu,” nàng nói.
Tôi dùng mu bàn tay vuốt tóc nàng sát vào vành tai và rồi chúng tôi im lăng một lát.
“Brenda,” tôi nói, “em không hề hỏi gì về anh cả.”
“Anh thấy làm sao? Anh có muốn em hỏi anh thấy làm sao không?”
“Muốn,” tôi nói, chấp nhận trò ma mãnh nàng bày ra cho tôi tuy có thể không vì cùng lý do mà nàng đã bày nó ra.
“Anh thấy làm sao?”
“Anh muốn bơi.”

NghiDung
01-07-2010, 03:11 PM
“Được,” nàng nói.
Chúng tôi ở dưới nước suốt buổi chiều còn lại. Có tám đường vạch sơn suốt chiều dài của đáy hồ và đến cuối ngày tôi nghĩ hai đứa tôi đã trụ ở mỗi đường bơi được một lúc, đủ gần sát những vạch đen để có thể thò tay ra chạm vào chúng. Lâu lâu chúng tôi lại trở lên ghế ngồi và ngâm nga những đoạn thơ tự do êm ái, bồn chồn, dí dỏm, ngập ngừng về chuyện chúng tôi bắt đầu cảm nghĩ gì về nhau. Thực tình thì chúng tôi chẳng hề có những cảm giác mà chúng tôi nghĩ rằng mình có cho đến khi nói được chúng ra thành lời – ít nhất là tôi thấy mình như thế; nói chúng ra thành lời tức là sáng tạo và có được chúng. Chúng tôi quậy cảm giác lạ lẫm và mới quen của mình thành một thứ bọt từa tựa như tình yêu, và chúng tôi không dám đùa quá lâu với nó, nói quá nhiều về nó, e rằng nó sẽ xẹp xuống và tan đi. Nên chúng tôi hết trên ghế lại dưới nước, hết nói chuyện lại im lặng, và nếu xét theo cảm giác bồn chồn khôn nguôi của tôi trước Brenda, và những bức tường cái tôi cao vòi vọi dựng lên, cùng trụ ốp các thứ, chắn giữa nàng và nhận thức của nàng về chính mình, thì chúng tôi xoay xở cũng tạm.
Tới khoảng bốn giờ, từ đáy hồ, Brenda đột nhiên rời xa tôi và trồi lên mặt nước. Tôi trồi lên theo.
“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi.
Đầu tiên nàng vuốt tóc khỏi trán. Rồi nàng chỉ một tay xuống cuối hồ. “Thằng anh của em,” nàng nói, ho văng chút nước trong người ra.
Và đột nhiên, giống như một Proteus[1] húi cua từ dưới biển hiện lên, Ron Patimkin từ đáy sâu ngay dưới chỗ chúng tôi vừa bơi trồi lên và thù lù một đống trước mặt chúng tôi.
“Ê, Bren,” anh ta nói, và quạt bàn tay trên mặt nước khiến cả một cơn bão nhỏ hắt vào mặt tôi với Brenda.
“Anh khoái chí chuyện gì vậy?” nàng nói.
“Đội Yankees gác hai cú.”
“Vậy là mình lại ăn tối với Mickey Mantle à?” nàng nói. “Mỗi khi đội Yankees thắng,” nàng bảo tôi, bước đi dễ dàng có vẻ như nàng vừa biến chất clor thành đá hoa dưới chân mình, “chúng tôi lại đặt thêm một chỗ cho Mickey Mantle.”
“Em muốn đua không?” Ron hỏi.
“Không, Ronald. Đua một mình đi.”
Chẳng ai nói gì tới tôi. Tôi cố lặng lẽ bỏ đi, như một kẻ thứ ba, không được giới thiệu, sẽ bước sang một bên và chẳng nói gì cả, chờ đợi những điều vui thú. Tuy nhiên, tôi đã mệt vì thể thao cả buổi chiều, và cầu mong hai chị em quái qủi kia đừng tào lao tán dóc thêm nữa. May thay lúc đó Brenda lại giới thiệu tôi. “Ronald, đây là Neil Klugman. Đây là anh tôi, Ronald Patimkin.”
Từ tất cả những thứ có dưới ba thước nước, Ron thò tay ra bắt. Tôi bắt lại, không đầy ấn tượng như anh ta có vẻ trông đợi; cằm tôi chìm xuống nước mấy phân và lập tức tôi thấy mình mệt rũ.
“Muốn đua không?” Ron vui vẻ hỏi.
“Tới đi, Neil, đua với ảnh đi. Em muốn gọi điện về nhà báo là anh sẽ ghé ăn tối.”
“Anh hả? Vậy anh cũng phải gọi cho bà dì. Em đâu có nói trước. Áo quần của anh…”
“Nhà em ăn tối cởi mở lắm.”
“Cái gì?” Ronald hỏi.
“Bơi đi, cha,” Brenda nói với anh ta và tôi thấy ngứa chút đỉnh khi nàng hôn vào mặt anh chàng.
Tôi thoái thác vụ bơi đua, nói rằng phải đi gọi điện, và khi đến được mép gạch xanh của hồ bơi, tôi nhìn lại thấy Ron đang quạt những sải tay mạnh mẽ dọc hồ. Anh ta khiến mình có cảm giác rằng sau khi bơi sáu bảy lần chiều dài hồ thì anh ta sẽ được quyền uống nước trong hồ đó; tôi tưởng tượng anh ta, giống chú Max của tôi, có chứng khát nước khủng khiếp và một bàng quang to tướng.
Dì Gladys có vẻ không nhẹ nhõm hơn chút nào khi tôi bảo tối nay dì chỉ phải làm ba suất ăn thôi. Qua điện thoại dì ấy chỉ nói, “Ly kỳ.”
Chúng tôi không ăn trong bếp, mà sáu người – Brenda, tôi, Ron, ông bà Patimkin và Julie, em gái Brenda- ngồi quanh bàn trong phòng ăn, trong khi cô giúp việc Carlota, một chị da đen có nét của bộ tộc Navaho với những lỗ xỏ trên tai nhưng không đeo gì cả, dọn ăn cho chúng tôi. Tôi được xếp ngồi cạnh Brenda, nàng ăn mặc theo kiểu gọi là cởi mở của nàng: quần kaki, thứ bó, áo thun trắng, giày tennis với vớ trắng. Đối diện tôi là Julie, mười tuổi, mặt tròn, sáng sủa, cô bé mà trước giờ ăn tối, trong khi những cô bé khác còn ở ngoài đường chơi với nhau hay với bọn con trai, thì cô ở sân sau chơi đánh golf với bố. Ông Patimkin làm tôi nhớ đến bố tôi, ngoại trừ chuyện ông không bọc mỗi âm tiết trong hơi gió nặng nề. Ông ta cao, khoẻ mạnh, phi văn phạm và ăn mạnh. Khi ông tấn công món rau trộn, sau khi đã xịt ngập vào đó thứ dầu dấm Pháp đóng chai – những mạch máu dưới làn da cánh tay của ông phồng lên. Ông ăn ba suất rau trộn, Ron ăn bốn, Brenda với Julie ăn hai, chỉ có bà Patimkin và tôi mỗi người dùng một. Tôi không thích bà Patimkin, tuy bà là người xinh đẹp nhất trong bàn. Bà lịch sự với tôi một cách quá tai hại, và với đôi mắt tím, mái tóc đen, và vóc người đẫy đà, quyến rũ, bà tạo cho tôi cảm giác của một nhan sắc bị tù hãm, một công nương hoang dã, kẻ đã bị thuần hóa và biến thành gia nhân cho con gái của một ông vua – đó là Brenda.
Bên ngoài, qua khung cửa sổ lớn, tôi có thể thấy bãi cỏ sau nhà với hai cây sồi sinh đôi. Tôi gọi là sồi, tuy qua tưởng tượng, người ta có thể bảo đó là cây dụng cụ thể thao. Dưới những cành nhánh, như trái cây vừa rụng, là hai cây gậy đánh golf, một trái banh golf, một ống banh tennis, một cây gậy bóng chày, quả bóng rổ, một găng tay bóng chày, và một cái trông như cán roi quất ngựa. Xa hơn, ở chỗ những bụi cây bao quanh sở đất của nhà Patimkin và ngay trước một sân bóng rổ nhỏ, có một cái chăn vuông màu đỏ, với một chữ O trắng đính ở giữa, trông cứ như đang bốc cháy giữa thảm cỏ xanh. Ngoài đó chắc đang có gió nhẹ, vì lưới bóng rổ giao động; trong này chúng tôi ăn trong bầu khí mát mẻ nhờ máy điều hòa Westinghouse. Cảm giác thật dễ chịu, có điều là ăn uống giữa những người Brobdingnag,[2] tôi có cảm tưởng trong một lúc lâu là đôi vai tôi đã bị cắt đi cả tấc, chiếu cao của tôi bị giảm mất bảy phân, và thêm vào đó, có ai đã gỡ mất xương sườn của tôi và lồng ngực tôi đã bẽn lẽn nép sát vào lưng.
Chẳng có trò chuyện gì nhiều trong bữa ăn; việc ăn thì nặng nề, có phương pháp và nghiêm trọng, và sẽ là công bằng khi ghi lại những gì được nói ra một mạch hơn là chỉ rõ những câu bị thức ăn nhận chìm, những lời lẽ lọc ọc trong miệng đầy thức ăn, cấu trúc câu bị cắt đoạn và bỏ qua khi trút thức ăn vào dĩa, làm đổ tháo, và nhai nuốt ừng ực.
NÓI VỚI RON: Harriet gọi lúc nào?
RON: Năm giờ.
JULIE: Lúc đó sáu giờ rồi.
RON: Giờ ở chỗ họ đó.
JULIE: Tại sao giờ ở Milwaukee lại sớm hơn? Nếu như anh cứ đi máy bay từ đây tới đó suốt ngày. Anh sẽ không bao giờ già.
BRENDA: Đúng đó, cưng.
BÀ P.: Mày giải thích bậy cho nó làm gì? Đó là lý do nó phải đi học đó hả?
BRENDA: Con đâu biết tại sao nó đi học.
ÔNG P. (giọng thương yêu): Cô sinh viên.
RON: Carlota đâu rồi? Carlota!
BÀ P: Carlota, dọn thêm cho Ronald.
CARLOTA (gọi lên): Thêm cái gì?
RON: Mọi thứ.
ÔNG P: Tôi nữa.
BÀ P.: Tụi nó chắc phải lăn ông bằng xích quá.
ÔNG P. (kéo áo lên và vỗ vào cái bụng ú nụ ngăm đen của mình): Bà nói cái gì đó? Nhìn thấy chưa?
RON (tuột áo thun ra): Nhìn nè mẹ.
BRENDA (nói với tôi): Anh có muốn phơi bụng ra không?
TÔI (lại là chú bé trong dàn đồng ca): Không.
BÀ P.: Được đó, Neil.
TÔI: Dạ, cám ơn.
CARLOTA (nói qua vai tôi, như hồn ma không gọi mà tới): Anh muốn thêm không?
TÔI: Không.
ÔNG P.: Cậu ấy ăn như chim.
JULIE: Có loài chim ăn dữ lắm.
BRENDA: Chim gì?
BÀ P.: Không nói chuyện loài vật ở bàn ăn. Brenda, sao mày lại xúi nó?
RON: Carlota đâu rồi, tối nay con phải thi đấu.
ÔNG P.: Nhớ bó cổ tay lại.
BÀ P.: Cậu sống ở đâu, Bill?
BRENDA: Neil chứ.
BÀ P.: Không phải tao nói Neil sao?
JULIE: Mẹ nói ‘Cậu sống ở đâu, Bill?’ mà.
BÀ P.: Chắc là tao mải nghĩ cái gì khác.
RON: Con ghét bó lắm. Làm quái gì chơi được khi bị bó cổ tay?
JULIE: Đừng văng tục.
BÀ P.: Phải đó.
ÔNG P.: Bây giờ Mantle đánh gì?
JULIE: Ba hăm tám.
RON: Ba hăm lăm.
JULIE: Hăm tám.
RON: Hăm lăm, dẹp đi! Nó đánh trúng ba trên bốn quả trong ván hai.
JULIE: Bốn trên bốn.
RON: Trái đó bị lỗi, Minoso lẽ ra ăn quả đó.
JULIE: Em không tin.
BRENDA (với tôi): Thấy chưa?
BÀ P.: Thấy gì?
BRENDA: Con đang nói chuyện với Bill.
JULIE: Neil chứ.
ÔNG P.: Im mồm lo ăn đi.
BÀ P.: Nói ít đi một chút, tiểu qúi nương.
JULIE: Con có nói gì đâu.
BRENDA: Bả đang nói chuyện với chị, cưng.

NghiDung
01-07-2010, 03:12 PM
ÔNG P.: Cái vụ bả là sao. Mày kêu mẹ mày như thế à? Tráng miệng cái gì đây?
Điện thoại reo, và tuy chúng tôi còn chờ món tráng miệng, nhưng bữa ăn có vẻ đã chính thức kết thúc, vì Ron đã đứng dậy về phòng, Julie gào lên “Harriet!” và ông Patimkin chặn một cú ợ hơi không thành công lắm, tuy rằng thất bại ấy còn hơn cả một nỗ lực khiến tôi có thiện cảm với ông hơn. Bà Patimkin đang chỉ đạo Carlota đừng để lộn đồ bạc ăn sữa với đồ bạc ăn thịt nữa, còn Carlota nhai một trái đào trong khi lắng nghe bà ta; dưới gầm bàn tôi cảm thấy mấy ngón tay của Brenda đang khều bắp chân tôi. Tôi ứ tới cổ.
Chúng tôi ngồi dưới bóng cây sồi to nhất trong khi ngoài sân bóng rổ ông Patimkin chơi với Julie. Trên lối chạy xe Ron đang nổ máy chiếc Volkswagen. “Ai làm ơn chuyển cái Chrysler khỏi đuôi xe tôi giùm được không?” anh ta kêu lên bực bội. “Chắc tôi trễ mất.”
“Xin lỗi,” Brenda nói và đứng dậy.
“Chắc xe anh đậu sau cái Chrysler,” tôi nói.
“Vậy thì đi,” nàng bảo.
Chúng tôi de xe ra để Ron có thể phóng tốc hành tới trận đấu của anh ta. Rồi chúng tôi cho xe vào chỗ cũ và trở lại xem ông Patimkin với Julie chơi.
“Anh thích cô bé ấy,” tôi nói.
“Em cũng vậy,” nàng nói. “Em tự hỏi không biết sau này nó ra sao.”
“Thì giống em thôi,” tôi nói.
“Em không chắc,” nàng nói. “Có thể còn ngon hơn.” Rồi nàng thêm, “hoặc có thể tệ hơn. Ai mà biết được? Bố em cưng nó lắm, nhưng em sẽ để nó sống thêm với mẹ ba năm nữa… Bill,” nàng nói một cách lơ đãng.
“Anh chẳng lo điều đó,” tôi nói. “Mẹ em rất đẹp.”
“Em thậm chí chưa từng nghĩ bà là mẹ mình. Bà ghét em. Mấy đứa con gái khác, khi chuẩn bị đồ đạc trở lại trường vào tháng Chín, thì ít nhất cũng được mẹ giúp. Em thì không. Bà ấy thế nào cũng bận chuốt viết chì cho Julie khi em phải tha cái valy lòng vòng trên lầu. Và rõ ràng đó là lý do. Thực tế đó là một trường hợp điển cứu.”
“Tại sao vậy?”
“Bà ấy ghen tị. Chuyện đó chán đến nỗi em mắc cở khi phải nói ra. Anh có biết mẹ em có cú rờ-ve tuyệt nhất New Jersey không? Thực tình bà ấy là tay tennis mạnh nhất tiểu bang, cả nam lẫn nữ. Phải chi anh thấy những bức ảnh của mẹ em thời con gái. Trông bà rất khoẻ mạnh. Nhưng không núng nính hay gì cả. Bà ấy nhạy cảm, thực đó. Em yêu bà ấy trong những bức ảnh. Có khi em nói với mẹ những bức ảnh đó đẹp làm sao. Thậm chí em còn xin mẹ cho phóng mấy tấm lên để em mang theo tới trường. ‘Tiền mình phải dùng vào nhiều việc khác nữa, cô nương, thay vì tiêu vào hình với ảnh.’ Tiền! Bố em dính chết ở đây với nó, nhưng mỗi khi em mua một cái áo khoác là thế nào cũng nghe mẹ cằn nhằn. ‘Mày không cần phải tới tiệm Bonwit, tiểu thư ạ, tiệm Ohrbach có thứ vải chắc nhất có trên đời này.’ Ai cần thứ vải chắc! Sau cùng em cũng có được thứ em muốn, nhưng phải đợi đến khi bà có dịp mỉa mai em kìa. Với mẹ tiền bạc là chuyện phung phí. Thậm chí mẹ chẳng biết cách hưởng thụ nó nữa. Mẹ cứ nghĩ nhà em còn sống ở Newark.”
“Nhưng em có được thứ em muốn mà,” tôi nói.
“Phải. Nhờ bố đấy,” nàng chỉ ông Patimkin lúc đó vừa ném lọt rổ cú thứ ba liên tiếp trước vẻ rầu rĩ ra mặt của Julie, cô bé dậm chân thình thịch xuống đất làm bốc lên cả một đám bụi nhỏ quanh đôi chân rất xinh xắn của nó.
“Bố không chì lắm nhưng ít nhất bố cũng dịu dàng. Bố không cư xử với anh trai em theo kiểu mẹ cư xử với em. Cám ơn Chúa vì chuyện đó. Ôi, em mệt với chuyện cứ phải nói về họ. Ngay từ năm thứ nhất em đã nghĩ mỗi cuộc nói chuyện của em rút cuộc cũng là nói về bố với mẹ và vụ đó chán làm sao. Điều đó phổ biến lắm. Rắc rối duy nhất là họ không hề biết chuyện đó.”
Nhìn cái kiểu Julie với ông Patimkin đang cười ngoài sân thì coi bộ không có vấn đề nào có vẻ kém phổ biến hơn; nhưng, dĩ nhiên, nó phổ biến đối với Brenda, thậm chí còn có tính toàn vũ trụ nữa kìa – nó khiến bất kỳ thứ áo mỏng nào cũng thành trận chiến với bà mẹ, và cuộc đời nàng, tôi chắc chắn, bao gồm phần lớn là chuyện chiếm lấy thị trường của những thứ vải mềm mại với da thịt, đến độ có tầm cỡ của Cuộc chiến Trăm Năm[3]…
Tôi không định có những ý nghĩ phản thùng như thế, để bị xếp cùng hàng với bà Patimkin trong khi đang ngồi với Brenda, nhưng tôi không thể rũ bỏ khỏi bộ não voi của tôi cái kiểu ăn nói Mẹ- cứ- nghĩ- nhà- em- còn- sống- ở- Newark. Tuy nhiên, tôi không nói ra, e rằng cái giọng của tôi sẽ làm tan nát sự gần gũi và thoải mái sau bữa tối của chúng tôi. Thật là đơn giản khi gần gũi với làn nước vỗ về và bảo vệ mọi lỗ chân lông của mình, rồi sau đó, có nắng sưởi khô và ru ngủ các giác quan, và bây giờ, trong bóng râm và ngoài trời, mát và áo quần tươm tất trên sở đất nhà nàng, tôi không muốn nói một lời có thể đập bỏ lớp che phủ và làm lộ ra cái cảm giác dễ mích lòng mà lúc nào tôi cũng có đối với nàng, và đó là mặt dưới của tình yêu. Nhưng nó sẽ không chịu ở dưới mãi đâu – nhưng tôi cứ lao tới trước.
Đột nhiên, Julie xuất hiện trước mặt. “Muốn chơi hông?” cô bé hỏi tôi. “Bố mệt rồi.”
“Thôi nào,” ông Patimkin gọi. “Bố thôi rồi.”
Tôi ngần ngừ – tôi đã không rớ tới quả bóng rổ từ hồi rời trung học – nhưng Julie kéo tay tôi, còn Brenda nói, “Chơi đi.”
Ông Patimkin tung trái bóng về phía tôi khi tôi không nhìn và nó tưng trúng ngực tôi, để lại một dấu bụi tròn, như bóng của một vầng trăng, trên lớp áo. Tôi bật cười ngu ngơ.
“Anh không chụp được hả?” Julie hỏi.
Giống cô chị, Julie coi bộ cũng có khiếu nêu những câu hỏi thực tiễn, nghe rất chọc ngứa.
“Ờ.”
“Tới lượt anh đó,” cô bé nói. “Bố thua băm chín bốn bảy. Hai trăm là thắng.”
Trong giây lát, khi tôi đặt đầu ngón chân lên vết mòn mà qua nhiều năm đã được coi là đường biên lỗi, tôi lại thấy một trong những giấc mơ thấp thoáng giữa ban ngày thỉnh thoảng vẫn ám lấy tôi và, như nhiều bạn bè cho biết, thường phủ một lớp màng trong mắt tôi: mặt trời đã lặn, những con dế đã đến rồi đi, lá cây đã sẫm đen, mà Julie với tôi vẫn đứng lẻ loi trong sân cỏ, ném banh vào rổ; “Năm trăm thắng,” nó kêu lên, và khi nó đạt điểm đó trước tôi nó lại kêu, “Bây giờ anh phải đạt điểm đó,” và tôi làm như thế, và buổi tối cứ kéo dài, rồi nó kêu, “Tám trăm thắng,” và chúng tôi cứ chơi rồi tới lúc một ngàn mốt thắng và chúng tôi chơi tiếp và trời không bao giờ sáng.
“Ném đi,” ông Patimkin nói. “Anh thế cho tôi đó.”
Điều đó khiến tôi hoang mang, nhưng tôi cũng làm một cú ném tại chỗ và, dĩ nhiên, hụt rổ. Nhờ ơn thượng đế và cơn gió nhẹ, tôi cũng ném được một cú dội bảng vào rổ.
“Anh được bốn mốt. Đến em nghe,” Julie nói.
Ông Patimkin ngồi trên cỏ ở cuối sân. Ông đã cởi áo sơ mi và chỉ còn áo lót, và với lớp râu mọc lại trong ngày, trông ông giống một tay làm vườn chuyên ngiệp. Cái mũi trước đây của Brenda rất hợp với ông. Nó có một cái mụn trên đó, ở phía trên sống mũi trông như có một viên kim cương tám cạnh đã được cấy vào dưới da. Tôi biết ông Patimkin sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện cắt bỏ cái cục đó, nhưng tuy vậy, với lòng vui sướng và tự hào, rõ ràng là thế, ông đã chi tiền để cắt bỏ cục kim cương đó cho Brenda và vất vào bồn cầu nào đó trong Bệnh viện Đại lộ Năm.
Julie ném hụt cú ném tại chỗ, và tôi cho phép mình một cảm giác hơi hơi khoái chí.
“Cho bóng xoáy một chút,” ông Patimkin bảo nó.
“Cho em ném lại nghe?” Julie hỏi tôi.
“Ừ.” Với những chỉ đạo của ông bố đứng ở đường biên và máu lịch sự miễn cưỡng của tôi trên sân, xem ra chẳng có chút cơ hội nào cho tôi san bằng tỷ số. Và đột nhiên, tôi muốn thắng, muốn cho cô bé Julie thua tơi tả. Brenda ngả người tựa vào một khuỷu tay, dưới bóng cây, nhai một chiếc lá, đang theo dõi. Trong nhà trên kia, qua cửa sổ nhà bếp, tôi có thể thấy màn cửa đã được kéo dạt ra – lúc này mặt trời đã xuống quá thấp không còn rọi sáng những dụng cụ điện trong đó nữa- và bà Patimkin đang chăm chú theo dõi trận đấu. Và rồi Carlota xuất hiện ở bậc thềm cửa sau, nhai một trái đào và tay kia cầm một giỏ rác. Cô ta cũng dừng lại xem cuộc chơi.
Lại đến lượt tôi. Tôi ném hụt một cú ném tại chỗ và bật cười quay sang Julie rồi nói, “Cho anh ném lại nghe?”
“Không!”
Thế là tôi biết trận đấu này phải chơi như thế nào. Qua nhiều năm, ông Patimkin đã dạy cô con gái rằng những cú ném tự do thì tùy nghi xin ném lại được, ông chấp nhận cho. Tuy nhiên, với những cặp mắt xa lạ của Short Hills này đang chăm chú nhìn tôi, từ những bà nội tướng, những gia nhân, và người cung cấp, tôi ít nhiều cảm thấy mình không làm được. Nhưng tôi phải làm và đã làm được.
“Cám ơn nhiều, anh Neil,” Julie nói khi kết thúc trận đấu – ở điểm 100 – và những con dế đã tới.
“Đâu có chi.”
Dưới hàng cây, Brenda mỉm cười. “Anh để cho nó thắng phải không?”
“Anh nghĩ thế,” tôi nói. “nhưng không dám chắc.”
Có cái gì trong giọng nói của tôi khiến Brenda nói tiếp, một cách vỗ về, “Ngay đến Ron cũng để cho nó thắng.”
“Thế là quá đẹp cho Julie rồi,” tôi nói.
- o O o -

[1]Proteus: Tiểu thần biển dưới trướng Thần biển Poseidon, có phép biến hình theo ý muốn.
[2]Brobdingnag: xứ của những người khổng lồ có tầm cao khoảng 20 thước trong Gulliver Phiêu Lưu Ký.
[3]Cuộc chiến trăm năm: một cuộc chiến giữa Pháp và Anh từ 1337 đến 1453 khiến Anh mất hết nhượng địa ở Pháp, trừ Calais.

NghiDung
01-07-2010, 03:12 PM
Sáng hôm sau tôi tìm được một chỗ đậu xe trên đường Washington ngay đối diện thư viện. Do tới sớm hai mươi phút nên tôi quyết định thả bộ vào công viên hơn là băng qua đường vào làm việc; nhất là tôi không muốn nhập bọn với lũ đồng nghiệp, những đứa tôi biết chắc đang ngồi nhâm nhi cà phê ở phòng đóng bìa sách, trên người vẫn còn bốc mùi món cam vắt mà chúng uống cuối tuần đó ở công viên Asbury. Tôi ngồi trên một băng ghế và nhìn ra đường Broad và dòng xe cộ buổi sáng. Những chuyến xe lửa từ Lackawanna đang rầm rì chạy qua cách đó vài khu phố về phía bắc và tôi có thể nghe âm thanh của chúng, tôi thầm nghĩ – những toa xe màu xanh lá cây tỏa nắng, cũ mà sạch, với những cửa sổ mở suốt tuyến đường. Nhiều buổi sáng có giờ rảnh trước khi làm việc, tôi thường đi bộ xuống tận đường tàu nhìn những khung cửa mở chạy qua, trên bậu cửa là những khủyu tay trong y phục mùa hè và mép của những cái cặp, tài sản của những doanh nhân đi vào thành phố từ Maplewood, Oranges, và những ngoại ô xa hơn nữa.
Khu công viên, giáp đường Washington ở phía tây và đường Broad ở phía đông, thì vắng người, nhiều bóng râm và còn mùi cây cối, trời đêm, và tàn tích của bọn chó; và cũng thoang thoảng mùi ẩm ướt nữa, chứng tỏ cái xe tưới nước tổ bố vừa đi qua đây, chạy vội vã và làm ướt đầm những con đường chính. Trên đường Washington, tuốt phía sau tôi, là Viện bảo tàng Newark – tôi có thể thấy nó mà không cần nhìn: hai cổ bình phương Đông ở phía trước cứ như ống nhổ cho một tiểu vương, và kế đó là khu nhà phụ nhỏ mà chúng tôi đã đi qua bằng những cỗ xe bus riêng hồi còn học tiểu học. Khu nhà phụ xây bằng gạch, cũ kỹ và đầy dây leo, và luôn gợi tôi nghĩ về mối liên quan của New Jersey với buổi đầu của quốc gia này, với George Washington, người đã huấn luyện đội quân ô hợp của mình – một tấm bảng đồng nhỏ cho lũ nhóc học sinh chúng tôi biết như thế- ngay trong cái công viên tôi đang ngồi đây. Ở đầu đàng kia công viên, xa hơn cả Viện bảo tàng, là tòa nhà ngân hàng nơi tôi đã học đại học. Mấy năm trước nó được tu sửa thành một cơ sở của Đại học Rutgers; cụ thể là, ở nơi từng là phòng đợi chủ tịch ngân hàng tôi đã học giáo trình Những Vấn Đề Đạo Đức Hiện Đại. Tuy bây giờ là mùa hè, và tôi đã rời khỏi đại học ba năm rồi, tôi vẫn thấy dễ dàng nhớ ra những sinh viên khác, những bạn bè từng làm ca đêm ở hãng Bamberger và Kresge và đã dùng hoa hồng kiếm được nhờ đi gạ bán những đôi giày nữ đã hết mốt để đóng lệ phí thí nghiệm. Rồi tôi lại nhìn ra đường Broad. Nằm chen giữa tiệm sách có mặt kính đầy bụi và một tiệm bán thức ăn trưa loàng xoàng là cổng vào một nhà hát nghệ thuật nhỏ – bao nhiêu năm đã qua rồi kể từ thời tôi còn đứng ở lối cổng ấy, nói láo về năm sinh của mình để được mua vé vào xem Hedy Lamarr bơi trần truồng trong phim Ectasy; và rồi, sau khi đã nhét cho tay soát vé thêm hăm nhăm xu nữa, đã cảm thấy thất vọng làm sao trước nét đẹp đơn sơ của dân Slave ở cô ta… Ngồi đó trong công viên, tôi cảm nhận một hiểu biết sâu xa về Newark, một sự gắn bó đã ăn sâu đến độ nó chẳng thể làm gì khác hơn là phát triển thành tình cảm.
Đột nhiên đã tới chín giờ và mọi thứ vội vàng cả lên. Các cô gái gót cao ngả nghiêng xoay theo khung cửa quay của tòa nhà công ty điện thoại bên kia đường, xe cộ bấm còi cáu kỉnh, cảnh sát quát tháo và xua xe cộ chạy hướng này hướng kia. Ở nhà thờ St. Vincent đàng kia những khung cửa to tướng sẫm màu mở ra và những đôi mắt mệt mỏi vì dậy sớm dự lễ giờ hấp háy vì ánh sáng. Rồi những tín đồ bước khỏi các bậc thềm nhà thờ và phóng theo các ngả đường để đến với những bàn giấy, tủ hồ sơ, thư ký, cấp trên, và – nếu thượng đế thấy thuận tiện có thể cất bớt một ít khó nhọc cho họ- đến với cái dễ chịu của máy điều hòa không khí gắn bên cửa sổ của họ. Tôi đứng dậy và băng qua đường sang thư viện, bụng tự hỏi không biết Brenda đã dậy chưa.
Những con sư tử xi măng đứng gác không thuyết phục lắm trên bậc thềm thư viện, chịu đựng sự phối hợp giữa chứng phù chân voi với chứng xơ cứng động mạch và tôi sẵn sàng để ý tới chúng càng ít càng tốt trong suốt tám tháng qua nếu không có một chú bé da màu đứng trước một trong những con sư tử đó. Con sư tử đã gãy hết những ngón chân vào mùa hè trước do một lũ thiếu niên phá phách, và bây giờ kẻ phá hoại mới đang đứng trước nó, khum khum đầu gối và đang gầm gừ. Nó sẽ gầm gừ, trầm và dài, ngồi phịch xuống, chờ đợi, rồi gầm gừ tiếp. Rồi nó sẽ đứng thẳng dậy, và, lắc đầu, nó sẽ nói với con sư tử, “Ôi trời, mày chết nhát…” Rồi, nó lại gầm gừ.
Một ngày bắt đầu như mọi ngày. Từ sau bàn giấy trong sảnh chính, tôi quan sát lũ con gái choai choai ngực nở bước lẹ làng lên cầu thang cẩm thạch to tướng dẫn tới phòng đọc chính. Cái cầu thang này nhái theo một đường cầu thang ở đâu đó tại Versailles, tuy rằng trong những chiếc quần bò và áo cổ lọ các cô con gái của các vị thợ da Ý, thợ nấu bia Ba Lan, và nhà buôn lông thú Do Thái khó có thể là những nữ công tước. Họ cũng không phải Brenda, và mọi ham muốn lóe lên trong tôi suốt một ngày rầu rĩ chỉ là mang tính học thuật và cho qua thời gian. Thỉnh thoảng tôi lại coi đồng hồ, nghĩ tới Brenda, và chờ đến bữa trưa, khi tôi sẽ ngồi vào Bàn hướng dẫn trên lầu còn John McKee, cái gã mới hăm mốt mà đã đeo băng thun quanh tay áo, sẽ lờ đờ đi xuống tầng trệt để hì hục với việc đóng dấu sách mượn và trả. Tên John Mc Băng-Thun này đang học năm cuối Đại học Sư phạm Newark nơi hắn nghiên cứu hệ thập phân Dewey chuẩn bị cho sự nghiệp một đời của hắn. Thư viện không phải là sự nghiệp trọn đời của tôi, tôi biết thế. Tuy vậy, đã có phong thanh – từ ông Scapello, một lão thái giám già đã học được cách giả nói giọng đàn ông bình thường – rằng sau kỳ nghỉ hè tôi sẽ được giao coi sóc Phòng tham khảo, một vị trí đã bỏ trống kể từ buổi sáng nọ khi Martha Winney trong Phòng bách khoa tự điển ngã từ cái đôn cao xuống và bị gãy hết những cái xương mỏng manh hình thành nên bộ phận mà ở một phụ nữ bằng nửa tuổi bà ta chúng tôi sẽ gọi là hông.
Tôi có những đồng nghiệp kỳ lạ ở thư viện và, nói thật, có nhiều giờ liền tôi hoàn toàn không biết làm sao tôi đến được đó và tại sao mình ở lại đó. Nhưng tôi đã ở lại và sau một thời gian đã kiên nhẫn chờ đợi một ngày tôi được vào phòng nghỉ nam ở tầng chính để hút một điếu thuốc và ngắm nghía mình trong khi thổi khói thuốc vào mặt gương, được thấy rằng vào lúc nào đó trong buổi sáng mình tái nhợt đi, và thấy dưới lớp da của tôi, cũng như của McKee với Scapello và bà Winney, đã có một lớp đệm khí mỏng tách máu ra khỏi da thịt. Có ai đó đã bơm khí vào đó khi tôi đóng dấu cho mượn sách, và thế là cuộc sống từ nay sẽ chẳng còn là chuyện bỏ đi, như đối với dì Gladys, và cũng chẳng phải chuyện giành được, như với Brenda, mà là chuyện văng từ chỗ này sang chỗ kia, một sự đờ đẫn. Tôi bắt đầu thấy sợ điều này, tuy rằng, trong sự chú ý không chút sinh lực dành cho công việc, tôi hình như nhích dần tới điều đó, một cách lặng lẽ, như bà Winney vẫn thường nhích đến bộ Britanica. Cái đôn của bà hiện bỏ trống và đang chờ tôi.
Ngay trước giờ ăn trưa, cậu nhỏ luyện sư tử đá mở to mắt bước vào thư viện. Cậu đứng yên một lát, chỉ có những ngón tay động đậy, làm như đang đếm những bậc cầu thang đá hoa trước mặt. Rồi cậu e dè bước đi loanh quanh trên nền đá hoa, cười khùng khục với tiếng đế giày lạch cạch của cậu và cái kiểu những âm thanh nho nhỏ ấy vọng lên tới trần vòm của đại sảnh. Otto, ông bảo vệ ở cửa, bảo cậu đừng để giày kêu như thế, nhưng chuyện đó coi bộ không phiền gì cậu. Cậu vẫn kêu lộp cộp khi nhón gót cao lên, một cách lặng lẽ, khoái chí với cơ hội mà Otto đã cho cậu để tập luyện tư thế này. Cậu ta rón rén tới chỗ tôi.
“Nè,” cậu nói, “khu tim ở đâu?”
“Khu gì?” tôi hỏi.

NghiDung
01-07-2010, 03:13 PM
“Khu tim. Đây không có khu tim à?”
Cậu nói giọng miền nam đặc sệt và âm duy nhất tôi nghe rõ là âm nghe như chữ tim.
“Đánh vần chữ đó làm sao?” tôi nói.
“Thì tờ im tim. Trời đất, hình vẽ đó. Sách có hình vẽ. Thứ đó để đâu?”
“Cậu muốn nói sách hội họa. In lại họa phẩm hả?”
Cậu ta đồng ý ngay với thuật ngữ loằng ngoằng của tôi. “Ờ, nó đó.”
“Ở vài ba chỗ lận,” tôi bảo cậu. “Cậu muốn xem họa sĩ nào?”
Cậu ta nheo mắt lại khiến cả khuôn mặt chỉ còn là màu đen. Cậu giật lui ra, như khi đứng trước con sư tử. “Tất cả bọn họ…” cậu làu bàu.
“Được rồi,” tôi nói. “Cậu cứ đi xem bất cứ họa sĩ nào cậu muốn. Theo cầu thang kế lên trên. Đi theo mũi tên đến chỗ ghi Dãy Ba. Nhớ không? Dãy Ba. Lên lầu rồi hỏi.”
Cậu ta chẳng nhúc nhích; có vẻ cậu ta đang xem sự tò mò của tôi về đề tài tìm hiểu của cậu như một kiểu điều tra thuế thân. “Đi đi,” tôi nói, bày ra một nụ cười trên khuôn mặt, “ngay trên kia…”
Và như một phát đạn cậu ta len lỏi và lộp cộp đi lên khu tim.
Sau bữa trưa tôi trở lại bàn mượn và trả sách và John McKee đã chờ sẵn ở đó trong áo sơ mi đeo băng thun, quần xanh nhạt và giày đen, và một cà vạt đan lớn, màu xanh lá cây, thắt kiểu Winsor thành cái nút to tướng cứ giật tưng tưng khi hắn ta nói chuyện. Hơi thở hắn thì sặc mùi dầu chải tóc còn tóc hắn sặc mùi hơi thở và khi hắn nói, nước bọt tụ lại ở khoé miệng. Tôi không ưa hắn và có những lúc tôi có thôi thúc muốn kéo giãn sợi băng thun và bắn hắn đi như bắn bằng dàn thun bay qua chỗ Otto và những con sư tử ra tới ngoài đường.
“Có thấy một cậu bé da đen ra khỏi đây không? Có giọng nói rất khó nghe? Nó chúi đầu vào sách nghệ thuật suốt sáng nay. Ông biết những đứa như vậy thường làm gì trong đó mà.”
“Tôi có thấy nó đi vào, John.”
“Tôi cũng thấy. Nhưng vấn đề là nó ra chưa kìa.”
“Tôi không để ý. Chắc ra rồi.”
“Thứ sách đó rất đắt tiền.”
“Đừng ưu tư như vậy, John. Mình biết người ta đương nhiên sẽ lục lọi sách mà.”
“Thì lục lọi,” John nói một cách nghiêm trọng, “lúc nào cũng lục lọi. Phải có ai coi chừng nó chứ. Tôi không dám rời khỏi bàn này. Ông biết họ cư xử thế nào với những dự án gia cư chúng ta dành cho họ mà.”
“Ông dành cho họ hả?”
“Thành phố chứ. Ông thấy họ làm gì ở Seth Boyden không? Họ vất đầy những chai bia, thứ lớn đó, ra bãi cỏ. Họ chiếm cả thành phố này mất.”
“Chỉ những khu da đen thôi.”
“Cười thì dễ lắm. Ông đâu có sống gần họ. Tôi sẽ báo cho văn phòng ông Scapello để kiểm tra khu nghệ thuật. Ông ấy từng tìm ra chỗ nào về nghệ thuật nhỉ?”
“Ông sẽ làm ông Scapello loét bao tử mất, ngay khi ông ấy vừa ăn sandwich với trứng có rắc tiêu. Để tôi đi kiểm tra, đằng nào tôi cũng phải lên lầu mà.”
“Ông biết là chúng vẫn làm gì trong đó mà.” John nhắc chừng tôi.
“Đừng lo, Johnny, đó là những người có chai sần đầy tay.”
“Hơ hơ. Mấy cuốn sách đó lại đắt đến…”
Vậy là ông Scapello sẽ không ghé vào chỗ cậu bé với những ngón tay đầy phấn, tôi leo ba cầu thang lên Dãy Ba, qua phòng tiếp nhận sách, nơi Jimmy Boylen mắt kèm nhèm, một ông năm mươi mốt tuổi, đang chất sách từ một xe đẩy xuống; đi qua phòng đọc, nơi dân lang thang của phố Mulberry ngủ gục trên những tờ Popular Mechanics; qua hành lang hút thuốc nơi những sinh viên trường luật trán rịn mồ hôi ngồi xả hơi, một số hút thuốc, số khác đang cố chùi thuốc màu dính trên ngón tay từ các giáo trình về tội phạm; và sau cùng, đi qua phòng tạp chí, nơi có mấy bà già được chở từ Upper Montclair xuống hiện đang co người trên ghế, rà kiếng trên những trang tin về giới thượng lưu của tờ Newark News cũ xì vàng ố. Tới Dãy Ba tôi thấy cậu bé. Cậu ngồi bệt dưới sàn giữ một cuốn sách rộng mở trên lòng, một cuốn sách, thực tình, còn bự hơn lòng cậu và cậu phải dùng hai đầu gối chõi nó lên. Với ánh sáng từ cửa sổ phía sau cậu tôi có thể thấy hằng trăm khoảng trống chen giữa hằng trăm những sợi tóc loăn xoăn lò xo của cậu. Cậu rất đen và bóng và đôi môi của cậu không có vẻ mang một màu khác mà nó trông như chưa hoàn tất và còn chờ tu sửa thêm. Đôi môi ấy hở ra, đôi mắt mở rộng, và ngay cả đôi tai coi bộ cũng có độ tiếp nhận cao. Cậu trông cực kỳ khoái chí – tức là, cho đến khi nhìn thấy tôi. Vì cậu cứ ngỡ tôi là John McKee.
“Được rồi,” tôi nói trước khi cậu kịp cử động, “tôi chỉ đi ngang qua đây thôi. Cứ đọc đi.”
“Có gì đâu mà đọc. Toàn là hình.”
“Tốt.” Tôi xem xét loanh quanh những tầng kệ thấp nhất trong một lát, giả như đang làm việc.
“Này, ông ơi,” lát sau cậu ta kêu, “cái này ở đâu?”
“Cái gì ở đâu?”
“Những hình này ở đâu? Những người này, trời, coi họ lì thiệt. Họ không kêu la gì hết trơn, ông coi nè.”
Cậu giơ cuốn sách cho tôi xem. Đó là một cuốn sách khổ lớn đắt tiền in lại tranh Gauguin. Trang cậu đang xem có in màu một bức tranh vẽ ba phụ nữ bản xứ đứng lộâi tới gối trong một dòng nước màu hoa hồng. Đó vốn là một bức tranh im lặng, cậu ta nói đúng.
“Đó là Tahiti. Một hòn đảo ở Thái Bình Dương.”
“Không phải chỗ mình tới được, đúng không? Giống một điểm du lịch hả?”
“Tới được chứ, tôi nghĩ thế. Nó xa lắm. Người ta sống ở đó…”
“Nè, coi nè, coi cái này nè.” Cậu lật ngược tới một trang có một thiếu nữ da nâu đang khom người tới trước, như đang hong tóc. “Trời,” cậu ta nói, “Thật là một cuộc đời chó đẻ.” Nỗi hào hứng trong lối ăn nói của cậu hẳn sẽ khiến cậu bị cấm cửa vĩnh viễn đối với Thư viện công cộng Newark và các chi nhánh của nó nếu như John hoặc ông Scapello – hoặc, xin Chúa thương, bà Winney nằm nhà thương – là người đi kiểm tra.
“Ai chụp những hình này vậy?” cậu hỏi tôi.
“Gauguin. Ông ta không có chụp, mà vẽ đấy. Paul Gauguin. Ông ta người Pháp.”
“Ông ấy da trắng hay da màu?”
“Ông ấy da trắng.”
“Trời trời,” cậu mỉm cười, gần như khúc khích thành tiếng, “Tôi hiểu rồi. Ông ta không chụp hình như người da trắng thường làm. Ông ta chụp hình giỏi đấy… Coi cà, coi cà, coi hình này nè. Cuộc đời vầy không chó đẻ quá sao?”
Tôi đồng ý nó là thế và bỏ đi.
Lát sau tôi nhờ Jimmy Boylen phóng xuống thang để cho McKee hay rằng mọi chuyện đều ổn. Rồi hết ngày đó cũng chẳng có chuyện gì. Tôi ngồi ở Bàn hướng dẫn nghĩ về Brenda và tự nhắc mình rằng tối hôm đó tôi phải đổ xăng trước khi đi Short Hills, nơi mà bây giờ tôi thấy rõ, bằng con mắt trí nhớ, đang lúc hoàng hôn, đỏ quạch màu hoa hồng, như một dòng nước của Gauguin.
Khi tôi đậu xe trước nhà Patimkin tối hôm đó, mọi người, ngoại trừ Julie, đang đợi tôi ở hàng hiên: ông bà chủ nhà, Ron, và Brenda, mặc một cái váy dài. Trước đây tôi chưa từng thấy nàng mặc váy dài và trong thoáng chốc nàng trông không giống cô gái tôi quen nữa. Nhưng đó mới chỉ là một nửa nỗi ngạc nhiên. Có quá nhiều sinh viên nữ té ra có giò cẳng chỉ để mặc soóc. Brenda thì không. Trong chiếc váy, trông nàng cứ như cả đời chỉ ăn mặc như thế, như thể nàng chưa từng mặc soóc, hay đồ tắm, hay áo ngủ, hay bất cứ gì khác ngoài cái váy vải gai màu nhạt ấy. Tôi bước đi hơi hăng hái ngược lên vuông cỏ, qua chỗ cây liễu già rũ nhánh, về phía nhà Patimkin đang đứng chờø mà lòng cứ áy náy phải chi mình đã đem xe đi rửa. Tôi chưa đến được chỗ họ thì Ron đã bước xuống và bắt tay tôi, nồng nhiệt, cứ như anh ta không được gặp tôi kể từ thời Diaspora.[1] Bà Patimkin mỉm cười còn ông Patimkin ậm ừ điều gì đó và cứ giật giật cổ tay, rồi giơ lên một cây gậy đánh golf tưởng tượng và quất bóng ma của một trái banh golf bay về phía dãy núi Orange, tôi tin rằng nó được gọi là Orange (màu cam) vì trong ánh sáng ngoại ô rất hay thay đổi này thì đó là màu duy nhất mà dãy núi đó không có.
“Nhà em sẽ về liền,” Brenda nói với tôi. “Anh coi chừng Julie. Carlota hôm nay nghỉ.”
“Được mà,” tôi nói.
“Nhà em đưa Ron ra phi trường.”
“Được.”
“Julie không muốn đi. Nó nói chiều nay Ron đẩy nó trong hồ tắm. Nhà em đã chờ anh đến, để khỏi trễ chuyến bay của Ron. Được chứ?”
“Được.” Ông bà Patimkin và Ron đã cho xe chạy ra, và tôi cho Brenda một cái nhìn tỏ ý bực bội. Nàng thò tay ra cầm lấy tay tôi một lúc.
“Em thích em cỡ nào?” nàng nói.
“Được chăm sóc em thì quá tuyệt. Anh có được dùng mọi thứ sữa và bánh tùy ý không?”
“Đừng bực, cưng. Nhà em sẽ về liền mà.” Rồi nàng đợi một lát, và khi thấy tôi không xẹp được cái chu mỏ bực bội, nàng cũng cho tôi một cái nhìn tóe lửa luôn, chẳng úp mở gì cả. “Em muốn nói anh thích em cỡ nào trong cái váy này!” Rồi nàng chạy về phía chiếc Chrysler, lóc cóc trên đôi gót cao như một con ngựa non.
Sau khi bước vào nhà, tôi sập khung cửa lưới cái rầm sau lưng mình.
“Đóng cửa ngoài lại luôn,” một giọng trẻ con la lên. “Có máy lạnh mà.”
Tôi vâng lời đóng luôn cửa ngoài.
“Neil hả?” Julie kêu.
“Ờ.”
“Chào anh. Chơi bóng rổ nghe?”
“Thôi.”
“Sao vậy?”
Tôi không đáp.
“Em ở phòng tivi nè,” cô bé kêu lên.
“Tốt.”
“Anh được giao ở nhà với em hả?”
“Ờ.”
Cô bé bất ngờ xuất hiện ở ngõ phòng ăn. “Muốn đọc bài tóm lược sách của em không?”
“Bây giờ thì không.”
“Thế anh muốn làm gì?” nó hỏi.
“Chẳng gì cả, bé ạ. Sao em không coi tivi đi?”
“Được rồi,” nó nói với vẻ bực bội, và dằn dỗi đi trở lại phòng tivi.
Tôi đứng một lát trong tiền sảnh, quay quắt với ý muốn lặng lẽ ra khỏi căn nhà, chui vào xe, và trở về Newark, nơi tôi có lẽ chỉ ngồi trong lối ngõ công viên và nhai kẹo một mình. Tôi cảm thấy giống Carlota; không, thậm chí cũng không được thoải mái như thế. Sau cùng tôi rời tiền sảnh và bắt đầu đi vô đi ra khắp các phòng ở tầng trệt. Cạnh phòng khách là một phòng nghiên cứu, một căn phòng lót ván thông thô đầy những ghế vuông bọc da và toàn tập bộ Information Please Almanacs. Trên tường có ba bức vẽ theo ảnh chụp; đó là loại tranh, bất kể đề tài là ai, dù họ khoẻ mạnh hay ốm yếu, già hay trẻ, thì đều có đặc trưng là má phính, môi mọng, răng trắng tinh, và mái tóc sáng bóng, như kim loại. Đề tài trong trường hợp này là Ron, Brenda và Julie vào khoảng mười bốn, mười ba và hai tuổi. Brenda có mái tóc nâu dài, cái mũi có khối kim cương, và không đeo kính; tất cả kết hợp lại để làm nàng trông cứ như một cô gái hoàng tộc mười ba tuổi vừa mới biết buồn. Ron trông mập hơn và đường chân tóc thấp hơn, nhưng lòng yêu mến các vật thể hình cầu và những sân chơi có đường biên đã nhấp nháy trong đôi mắt trẻ thơ của cậu ấy. Cô bé Julie biến mất tiu trong quan niệm quá lý tưởng về tuổi thơ của người vẽ; chút xíu chất người của cô bé bị bóp chết ngạt đâu đó đàng sau những mảng màu hồng và trắng.
Quanh đó còn có những bức ảnh khác, nhỏ hơn, chụp bằng máy Brownie Reflex trước khi trò vẽ theo ảnh chụp trở thành thời thượng. Có một bức nhỏ chụp Brenda trên lưng ngựa, một bức khác chụp Ron trong bộ đồ ngày lễ thêm sức của trẻ con Do Thái, với khăn quấn đầu và áo chùng, và hai ảnh trong cùng một khung – gồm một ảnh phụ nữ xinh đẹp, đã phai màu, mà nhìn đôi mắt tôi đoán chắc là mẹ bà Patimkin, và ảnh kia chính là bà Patimkin, mái tóc có quầng sáng, đôi mắt vui vẻ chứ không như đôi mắt hiện nay của một bà mẹ đứng tuổi chậm chạp có đứa con gái nhanh nhẹn và dễ thương.

NghiDung
01-07-2010, 03:14 PM
Tôi đi qua một cửa vòm để vào phòng ăn và đứng một lát nhìn ra cái cây dụng cụ thể thao. Từ phòng tivi sát cạnh phòng ăn, tôi nghe thấy Julie đang xem chương trình This Is Your Life. Căn bếp ở mé kia phòng ăn chẳng có ai, và rõ ràng, khi Carlota vắng mặt, nhà Patimkin đã ăn tối ở câu lạc bộ. Phòng ngủ của ông bà Patimkin ở giữa toà nhà, kế tiền sảnh, cạnh phòng ngủ của Julie, và trong thoáng chốc tôi muốn biết hai ông bà bự con ấy ngủ trên cái giường cỡ nào – tôi tưởng tượng nó rộng và sâu như cái hồ bơi – nhưng tôi phải hủy cuộc tuần tra vì Julie có nhà, và thay vào đó tôi mở cánh cửa trong bếp dẫn xuống tầng hầm.
Tầng hầm có kiểu mát mẻ khác hẳn ngôi nhà, và nó có một mùi, thứ mùi gì đó bên trên không hề có. Dưới đây có vẻ như hang hốc, nhưng hang hốc một cách dễ chịu, tựa như những cái hang nhà chòi mà trẻ con dựng cho chúng trong những ngày mưa, trong phòng xép, chui trong chăn, hoặc dưới gầm bàn ăn. Tôi bật ngọn đèn dưới chân thang và không ngạc nhiên trước lớp vách ván thông, những đồ đạc bằng tre, bàn bóng bàn và một quầy rượu gắn gương chất đủ cỡ đủ loại ly, xô đá, chai chắt rượu, bình pha rượu, que quấy rượu, ly đong rượu, tô đựng bánh qui – đủ các thứ phụ tùng nhậu nhẹt, tràn ngập, ngăn nắp, và không ai đụng đến, như chỉ có thể thấy ở quầy rượu của một kẻ nhà giàu chẳng bao giờ chiêu đãi dân nhậu mà chính y cũng không uống rượu, kẻ mà trong thực tế lãnh một cái nhìn nghi ngờ của bà vợ khi vài tháng một lần y làm một ngụm rượu mùi trước bữa ăn. Tôi đi vào sau quầy trong đó có một cái bồn rửa bằng nhôm mà nó chưa từng được nhận cái ly bẩn nào, tôi chắc chắn thế, kể từ ngày làm lễ thêm sức cho Ron, và có lẽ sẽ không nhận được cái ly nào nữa cho đến ngày mấy đứa con nhà Patimkin kết hôn hoặc đính hôn. Có thể tôi đã tự rót cho mình một ly – coi như một thứ thù lao quái qủy cho việc bị buộc phải làm thân giữ nhà – nhưng tôi không khoái việc gỡ niêm trên một chai whisky. Bạn phải gỡ niêm mới có được một cốc rượu. Trên kệ sau quầy có cỡ hai tá – chính xác là hai mươi ba- chai Jack Daniels, mỗi chai có một tờ bướm cột ở cổ chai cho người làm chủ chai rượu biết họ sang trọng cỡ nào khi uống thứ rượu này. Và phía trên mớ Jack Daniels lại có mấy bức ảnh nữa: một bản photo phóng to bức hình trên báo chụp Ron đang chặn một trái bóng rổ như một trái nho; dưới bức hình có chú thích, “Trung phong, Ronald Patimkin, Trung học Millburn, 6 ft. 4 inch, 217 cân Anh.” Lại có một bức khác chụp Brenda trên lưng ngựa, và kế đó có một tấm ván bọc nhung có đính nhiều băng vải và huy chương: Triển lãm ngựa Hạt Essex 1949, Triển lãm ngựa Hạt Union 1950, Hội chợ Garden State 1952, Triển lãm ngựa Morristown 1953, đại loại như thế – tất cả là cho Brenda, vì đã nhảy, chạy hoặc phóng ngựa hoặc bất cứ trò gì các cô vẫn làm để đoạt được các loại băng vải. Trong cả cái nhà này tôi chẳng thấy bức ảnh nào của ông Patimkin.
Phần còn lại của căn hầm, đàng sau căn phòng lót ván thông, là vách tường xi măng và nền trải vải bạt và chứa rất nhiều dụng cụ điện, trong đó có cả một tủ ướp lạnh to tướng đủ chứa cả một gia đình Eskimo. Cạnh cái tủ đó là một tủ lạnh cao đã cũ; sự có mặt lâu đời của nó nhắc tôi nhớ đến cội rễ của nhà Patimkin ở Newark. Chính cái tủ lạnh này đã từng đứng trong bếp của một căn hộ trong một ngôi nhà dành cho bốn gia đình nào đó, có lẽ ngay trong khu tôi đã sống cả đời mình, đầu tiên là với bố mẹ tôi và rồi, khi hai người đó biến đi Arizona, thì tôi sống với chú dì của tôi. Sau vụ Trân Châu Cảng, cái tủ lạnh đã chuyển tới Short Hills; sản phẩm Bồn Rửa và Bồn Tắm Patimkin đã tham gia chiến tranh; không dãy nhà trú quân mới nào là hoàn tất trước khi có được một tiểu đội bồn tắm Patimkin xếp ngay ngắn trong khu vệ sinh của nó.
Tôi mở cánh cửa của cái tủ lạnh cũ; nó không trống rỗng. Nó không còn chứa bơ, trứng, cá trích với sốt kem, bia, rau trộn cá hồi, một bó hoa nhỏ nhân dịp nào đó nữa, nhưng nó chất cả đống trái cây, tầng nào cũng đầy ứ, đủ màu, đủ vẻ, và giấu bên trong là đủ loại hột. Có mận lục, mận đen, mận đỏ, mơ, xuân đào, đào, những chùm nho dài, đen, vàng , đỏ và anh đào, anh đào tràn từ hộp ra và vấy bẩn mọi thứ với màu tía của nó. Lại còn có dưa nữa – dưa đỏ và dưa bở – và ở tầng trên cùng là nửa trái dưa hấu to đùng, một tờ giấy sáp mỏng dán sát vào bề mặt đỏ lự của nó như một cặp môi ướt. Ôi Patimkin! Trái cây mọc trong tủ lạnh nhà họ và dụng cụ thể thao rụng từ trên cây xuống!
Tôi bốc một nắm anh đào rồi thêm một quả xuân đào, và cắn một phát vào tới tận hột.
“Anh phải rửa trước nếu không là bị tiêu chảy đó.”
Julie đang đứng sau lưng tôi trong căn phòng vách ván. Nó mặc quần bò Bermuda và áo thun trắng của nó, bộ này không giống bộ của Brenda chỉ vì trong đó nó có chút tiểu sử ăn kiêng của riêng nó.
“Cái gì?” tôi hỏi.
“Mớ này chưa rửa,” Julie nói, và với một kiểu như muốn đặt cái tủ lạnh vào khu vực cấm lai vãng, có điều là chỉ với tôi thôi.
“Cũng được thôi.” Tôi nói, và ăn hết trái xuân đào, bỏ hột vào túi và bước ra khỏi phòng để tủ lạnh, tất cả chỉ trong một giây. Tôi vẫn chưa biết phải làm gì với mớ anh đào. “Anh chỉ đi xem quanh quẩn thôi,” tôi nói.
Julie không đáp.
“Ron đi đâu vậy?” tôi hỏi, bỏ mớ anh đào vào túi, chung với mớ chìa khóa và tiền lẻ.
“Miwaukee.”
“Đi bao lâu?”
“Đi thăm Harriet. Hai người yêu nhau.”
Chúng tôi nhìn nhau lâu hơn mức tôi có thể chịu đựng. “Harriet hả?” tôi hỏi.
“Ừ.”
Julie nhìn tôi cứ như nó đang cố nhìn ra sau lưng tôi, và tôi nhận ra tôi đang đứng cắp tay sau đít. Tôi bèn đưa hai tay ra trước, và, tôi thề đó, nó đã dòm lom lom xem hai tay tôi có cầm gì không.
Chúng tôi lại đối mặt nhau; nó hình như có nét đe dọa trên khuôn mặt.
Rồi nó nói. “Muốn chơi bóng bàn không?”
“Ồ, muốn chứ,” tôi nói và phóng hai bước dài tới bàn bóng. “Em giao banh đi.”
Julie mỉm cười và chúng tôi bắt đầu chơi.
Tôi không có gì để bào chữa cho chuyện xảy ra kế đó. Tôi bắt đầu thắng và khoái tợn.
“Cho em đánh lại cú này nghe?” Julie nói. “Hôm qua em bị đau ngón tay rồi khi giao banh nó đau lại.”
“Không được.”
Tôi tiếp tục thắng.
“Vậy là không công bằng, Neil. Dây giày em tuột ra rồi. Cho em đánh lại…”
“Không.”
Chúng tôi chơi, còn tôi chơi một cách hung hãn.
“Neil, anh tựa vào bàn. Vậy là phạm luật…”
“Anh không tựa và nó không phạm luật.”
Tôi cảm thấy mớ anh đào nhảy tưng tưng bên những đồng xu đồng hào của tôi.
“Neil, anh ăn gian em một điểm. Anh mười chín còn em mười một…”
“Hai mươi - mười,” tôi nói. “Giao đi!”
Nó giao banh và tôi quật banh trở lại bay quá chỗ con bé – trái banh bay khỏi bàn và vụt vào phòng tủ lạnh.
“Anh ăn gian!” nó gào vào mặt tôi. “Anh ăn gian!” Quai hàm nó run run cứ như nó đang đội một vật nặng trên cái đầu xinh xắn. “Em ghét anh!” Và nó ném vụt cái vợt đi, cây vợt đụng quầy rượu rơi xuống ngay lúc, ở bên ngoài, tôi nghe tiếng chiếc Chrysler cán sỏi lạo xạo trên lối xe chạy.
“Chưa hết ván mà,” tôi nói với nó.
“Anh ăn gian! Mà anh còn ăn cắp trái cây nữa!” nó nói, và bỏ chạy đi trước khi tôi kịp thắng ván đấu.
Khuya đó, Brenda với tôi làm tình, lần đầu tiên. Chúng tôi đang ngồi trên trường kỷ trong phòng tivi và chẳng nói với nhau lời nào trong khoảng mười phút. Julie đã đi ngủ một giấc đầy nước mắt từ lâu, và tuy chẳng ai nói gì với tôi về việc nó khóc lóc, tôi cũng không biết nó có mách chuyện tôi bốc một nắm anh đào không, mà cái mớ đó hồi nãy tôi đã cho vào bồn cầu và giật nước cho trôi sạch.
Cái tivi vẫn mở và tuy âm thanh đã bị bật câm và căn nhà yên lặng, những hình ảnh xám vẫn nhảy múa ở tuốt cuối phòng. Brenda im lặng và cái váy của nàng phủ quanh cặp giò xếp kín bên dưới. Chúng tôi ngồi im re ở đó một hồi. Rồi nàng vào bếp và khi trở ra nàng bảo nghe chừng cả nhà đã ngủ hết rồi. Chúng tôi ngồi tiếp một lát nữa, xem những nhân vật vô thanh trên màn hình đang dùng một bữa tối câm lặng trong một nhà hàng câm lặng của ai đó. Khi tôi bắt đầu cởi nút chiếc váy nàng đã kháng cự, và tôi thích nghĩ rằng đó là do nàng biết mình mặc chiếc váy ấy thì trông dễ thương đến cỡ nào. Nhưng Brenda của tôi, dù gì trông cũng dễ thương như thường, và hai đứa xếp nó lại cẩn thận và ôm nhau quấn quít và rồi chúng tôi như thế, Brenda ngả xuống, chậm rãi nhưng với một nụ cười, còn tôi chồm lên.
Làm sao tôi diễn tả được việc yêu Brenda? Nó thật ngọt ngào, cứ như sau cùng tôi đã ghi được điểm thứ hăm mốt đó.
Khi về tới nhà tôi quay số Brenda, nhưng bà dì tôi đã kịp nghe thấy và ra khỏi giường.
“Giờ này mà mày kêu ai vậy? Bác sĩ hả?”
“Không.”
“Vậy gọi điện gì lúc một giờ khuya vậy?”
“Shhh!” tôi nói.
“Nó shhh với tôi kìa. Gọi điện lúc một giờ khuya, hóa đơn điện thoại chưa đủ nặng chắc,” rồi bà lại loẹt quẹt vào giường, ở đó với tấm lòng tử vì đạo và đôi mắt nhoè nhoẹt bà đã chống lại cơn buồn ngủ ập xuống cho đến khi nghe tiếng chìa khóa của tôi ở cửa.
Brenda trả lời điện thoại.
“Neil hả?”
“Ừ,” tôi thì thào. “Em không ra khỏi giường, phải không?”
“Không,” nàng nói, “điện thoại ngay cạnh giường.”
“Tốt. Ngủ được không?”
“Ngon. Anh lên giường chưa?”
“Rồi,” tôi nói xạo, và cố sửa chữa bằng cách cầm dây kéo điện thoại lại gần phòng ngủ của tôi đến hết mức có thể.
“Em cũng ở trên giường với anh,” nàng nói.
“Đúng,” tôi nói, “anh cũng ở bên em.”
“Em đã kéo rèm xuống, nên tối hù và em không nhìn thấy anh.”
“Anh cũng không nhìn thấy em.”
“Vậy là tuyệt quá, Neil.”
“Ừ. Ngủ đi, cưng, anh ở đây đây.” Và chúng tôi gác máy mà không nói tạm biệt. Đến sáng, theo kế hoạch, tôi gọi lại, nhưng tôi khó mà nghe được tiếng của Brenda hay chính tôi, vì dì Gladys với chú Max định dự một buổi dã ngoại của Hội Workmen’s Circle vào chiều hôm đó, và có chuyện om sòm gì đó về mớ nước nho từ một cái bình trong tủ lạnh đã chảy suốt đêm và đến sáng thì nó đã rỉ xuống tới sàn. Brenda vẫn còn trên giường và do đó có thể ít nhiều chơi được trò chơi của chúng tôi, còn tôi phải kéo rèm che kín mọi giác quan để tưởng tượng tôi đang ở bên nàng. Tôi chỉ còn nước cầu mong những tối những sáng của tụi tôi sẽ đến, và chúng đã đến ngay.


- o O o -

[1] Diaspora: cuộc phân tán dân Do Thái sau thời kỳ lưu đày ở Babylone, theo Cựu Ước.

NghiDung
01-07-2010, 03:14 PM
Suốt một tuần lễ rưỡi kế đó hình như chỉ có hai nhân vật trong đời tôi: Brenda và cậu bé da màu yêu Gauguin. Mỗi sáng trước khi thư viện mở cửa, cậu bé đã chờ sẵn; có khi cậu nhảy lên ngồi trên lưng con sư tử, có khi chui dưới bụng nó, có khi cậu chỉ đứng đâu đó chọi những viên sỏi vào mái bờm sư tử. Rồi cậu sẽ vào trong, đi lộp cộp ở sảnh chính cho đến khi Otto trừng mắt khiến cậu phải nhón gót lên, và sau cùng leo hết cái cầu thang đá hoa dẫn tới Tahiti của cậu. Không phải lúc nào cậu cũng ở tới tận trưa, nhưng một ngày rất nóng nực nọ cậu đã ở đó khi tôi đến vào buổi sáng và theo tôi bước ra khỏi cửa khi tôi ra về vào buổi tối. Sáng hôm sau, té ra, cậu không ló mặt tới, và cứ như để thế chỗ cậu, một ông rất già xuất hiện, da trắng, bốc mùi thuốc Life Savers, mũi và quai hàm ông ta lộ rõ những mạch máu dưới da. “Cậu chỉ giùm khu sách nghệ thuật được không?”
“Dãy Ba,” tôi nói.
Vài phút sau, ông ta trở lại với một cuốn sách lớn bìa nâu trong tay. Oâng ta đặt nó lên bàn của tôi, rút tấm thẻ thư viện trong một cái ví dài lâu nay chẳng còn đựng tiền bạc gì và chờ tôi đóng dấu cho mượn.
“Ông muốn mượn cuốn này về à?” tôi hỏi.
Ông ta mỉm cười.
Tôi cầm thẻ của ông ta và nhét phần mép bọc kim loại vào máy đóng dấu, nhưng tôi không dập máy. “Khoan đã,” tôi nói. Rồi lấy ra một xấp hồ sơ dưới hộc bàn và làm bộ lật lật vài trang, trên đó chỉ vẽ mấy trò chơi bắn tàu và cờ ca rô tôi vẫn chơi một mình trong tuần. “Tôi e rằng nó bị giữ trước rồi.”
“Tức là sao?”
“Giữ trước. Có người gọi tới và yêu cầu chúng tôi giữ cuốn này cho họ. Hay để tôi ghi tên và địa chỉ của ông và gửi phiếu khi nó được trả về…”
Và thế là tôi có thể đưa cuốn sách về chỗ của nó, tuy cũng phải đỏ mặt một hai phát. Sau đó khi cậu bé da đen xuất hiện, nó đã nằm nguyên ở chỗ cậu bỏ lại vào chiều hôm trước.
Còn về Brenda, tôi gặp nàng mỗi tối và khi không có trận đấu đêm nào khiến ông Patimkin phải thức coi trong phòng tivi, hoặc một sòng bài nào đó lôi bà Patimkin ra khỏi nhà và chỉ về nhà vào những giờ không đoán trước được, thì chúng tôi làm tình trước màn hình tivi câm lặng. Một tối trời thấp nóng ẩm nọ Brenda rủ tôi đi bơi ở câu lạc bộ. Chỉ có hai chúng tôi ở hồ, và tất cả những ghế gổng, đèn đóm, bạt dù, ván nhảy cầu và ngay cả mặt nước hình như tồn tại chỉ để chúng tôi vui thôi. Nàng mặc một bộ đồ xanh dương mà dưới ánh đèn trông cứ như tím và khi ở dưới nước nó ánh lên lúc thì màu xanh lá cây lúc thì đen. Về khuya một cơn gió nhẹ từ sân golf thổi lên và chúng tôi cuộn chung một tấm khăn tắm lớn, kéo hai cái ghế dài lại cạnh nhau, và mặc kệ tay đứng quầy rượu cứ đi đi lại lại suốt bên cửa sổ quán bar nhìn ra hồ, chúng tôi vẫn cứ nằm bên nhau trên ghế. Sau cùng ngọn đèn trong quán cũng tắt, và rồi, tách một tiếng, những đèn quanh hồ cũng tắt luôn. Tim tôi chắc là đập nhanh hơn, hay cái gì đó, vì Brenda hình như đoán ra nỗi e dè đột nhiên của tôi – mình phải về thôi, tôi nghĩ.
Nàng nói: “Thế được đấy.”
Chung quanh tối mò, bầu trời thấp và không ánh sao, phải mất một lúc tôi mới nhìn rõ được tấm ván nhảy hơi sáng hơn trời đêm, và phân biệt được mặt nước với những ghế gổng xếp quanh mé bên kia hồ.
Tôi kéo quai áo tắm của nàng xuống nhưng nàng bảo đừng và lăn cách khỏi tôi vài phân, và lần đầu tiên trong hai tuần qua tôi thấy nàng hỏi một câu về đời riêng của tôi.
“Bố mẹ anh đâu?” nàng hỏi.
“Ở Tuscon,” tôi nói. “Sao vậy?”
“Mẹ em hỏi em.”
Bây giờ tôi nhìn rõ được cái ghế của nhân viên cứu hộ, gần như trắng.
“Vậy sao anh ở đây? Sao anh không sống với bố mẹ?” nàng hỏi.
“Anh không còn đứa trẻ nữa, Brenda,” tôi nói, gắt gỏng hơn tôi dự định. “Anh đâu phải tò tò theo bố mẹ đi bất cứ đâu.”
“Nhưng sao anh sống với chú dì anh?”
“Họ đâu phải bố mẹ anh.”
“Họ tốt hơn à?”
“Không. Tệ hơn. Anh cũng không biết sao anh lại sống với họ.”
“Tại sao?” nàng hỏi.
“Tại sao anh không biết à?”
“Tại sao anh sống với họ? Anh biết mà, phải không?”
“Chắc do công việc. Sống ở đó tiện hơn, lại đỡ tốn nữa, và nó làm bố mẹ anh yên tâm. Thực ra bà dì của anh cũng tốt… Anh có phải giải thích cho mẹ em lý do anh sống ở chỗ hiện nay không?”
“Cái này không phải cho mẹ em. Chính em muốn biết kìa. Em tự hỏi sao anh không sống với bố mẹ, vậy thôi.”
“Em lạnh không?” tôi hỏi.
“Không.”
“Em muốn về chưa?”
“Chưa, trừ khi anh muốn. Anh không thấy thoải mái sao, Neil?”
“Anh ổn chứ,” và để nàng biết tôi vẫn bình thường, tôi kéo nàng sát vào người, tuy lúc đó tôi chẳng có chút thèm muốn nào.
“Neil?”
“Cái gì?”
“Công việc thư viện ra sao?”
“Ai muốn biết điều này đây?”
“Bố em,” nàng bật cười.
“Còn em?”
Nàng im lặng không trả lời một lát. Mãi nàng mới nói, “Cả em nữa.”
“Được, muốn biết chuyện gì? Anh có thích nó không hả? Nó tốt thôi. Anh đã từng đứng bán giày và thấy thích làm thư viện hơn. Sau khi xuất ngũ bố mẹ cho anh làm thử ít tháng ở công ty địa ốc của Chú Aaron – bố của Doris đó – và anh thấy thích làm thư viện hơn…”
“Sao anh xin được việc ở đó?
“Anh có làm ở đó một thời gian khi còn ở đại học, rồi khi anh bỏ chỗ làm với chú Aaron, ồ, anh chẳng biết nữa…”
“Ở đại học anh học gì?”
“Ở cơ sở Newark của Đại học Rutgers anh theo khoa triết. Lúc đó anh hăm ba tuổi. Anh…”
“Sao anh lại ăn nói khó chịu nữa rồi?”
“Vậy sao?”
“Ừ.”
Tôi chẳng nói xin lỗi quái gì cả.
“Anh có kế hoạch sống luôn với nghề thư viện không?”
“Bren, anh chẳng kế hoạch gì cả. Anh đã chẳng kế hoạch cái gì trong ba năm rồi. Ít nhất là trong năm anh vừa xuất ngũ. Hồi trong lính anh thừơng có kế hoạch đi chơi cuối tuần. Anh… anh không phải nhà kế hoạch.” Sau tất cả những sự thật tôi đã bất ngờ cho nàng hay, hẳn tôi đã phá hủy sạch mọi thứ của mình bằng lời nói dối sau cùng đó. Tôi thêm, “Anh là kẻ sống.”
“Còn em là kẻ chín,” nàng nói.[1]
Rồi nàng dẹp trò nói giỡn ngốc nghếch sang một bên; nàng muốn nghiêm túc.
“Anh có yêu em không, Neil?”
Tôi không đáp.
“Em sẽ ngủ với anh dù anh có yêu hay không, nên cứ nói thật với em đi.”
“Như thế hơi thô đấy.”
“Đừng thối tha thế,” nàng nói.
“Không, ý anh là nói về mình thì thô quá.”
“Em không hiểu,” nàng nói, và nàng không hiểu thật, và việc nàng không hiểu khiến tôi đau; tuy nhiên tôi vẫn tự cho mình một cái cớ vớ vẩn để bỏ qua sự thiếu tinh tế của nàng. “Anh có yêu không?”
“Không.”
“Em muốn anh yêu.”
“Thế còn thư viện?”
“Thư viện thì sao?”
Lại thiếu tinh tế nữa phải không? Tôi nghĩ rằng không – và nó không thật, vì Brenda nói, “Khi anh yêu em thì chẳng có gì phải ưu tư cả.”
“Thế thì dĩ nhiên anh sẽ yêu em.” Tôi mỉm cười.
“Em biết anh sẽ yêu,” nàng nói. “Sao anh không xuống bơi, và em sẽ nhắm mắt lại đợi anh, rồi khi trở lại anh sẽ ướt mem làm em ngạc nhiên. Đi đi.”
“Em thích chơi trò chơi phải không?”
“Đi đi. Em sẽ nhắm mắt lại.”
Tôi bước tới mép hồ và phóng xuống. Nước coi bộ lạnh hơn hồi nãy, và khi tôi lao vào và mù lòa chúi xuống sâu tôi chợt thấy hơi hoảng. Trồi trở lên, tôi bắt đầu bơi dọc hồ và đến cuối hồ thì lộn người bơi trở lại, nhưng đột nhiên tôi cảm thấy chắc rằng khi tôi rời khỏi hồ thì Brenda đã đi mất. Tôi sẽ trơ trọi một mình ở cái chỗ thổ tả này. Tôi bơi về mép hồ rồi bò lên và chạy tới chỗ mấy cái ghế, Brenda vẫn còn đó và tôi hôn nàng.
“Trời,” nàng run lên, “anh bơi có chút xíu à.”
“Anh biết.”
“Đến lượt em,” nàng nói, và rồi nàng đứng dậy và một giây sau tôi tiếng nước toé lên rồi chấm hết. Không nghe thấy gì cả hồi lâu.
“Bren,” tôi gọi khe khẽ, “em ổn không?” nhưng chẳng ai trả lời.
Tôi thấy mắt kiếng của nàng trên ghế cạnh tôi và cầm nó trong tay. “Brenda?”
Im re.
“Brenda?”

NghiDung
01-07-2010, 03:15 PM
“Gọi hoài thì đâu có công bằng,” nàng nói và ngả thân hình ướt mem vào tôi. “Tới lượt anh,” nàng nói.
Lần này tôi lặn dưới nước một hồi lâu và khi trồi lên buồng phổi tôi muốn nổ tung. Tôi hất đầu ra sau để hít hơi và thấy bầu trời trên đầu, thấp tè như một bàn tay đang đè xuống, và tôi bắt đầu bơi như muốn thoát khỏi áp lực của nó. Tôi muốn trở lại với Brenda, vì tôi lại thấy lo âu – và chẳng có bằng chứng nào, phải không? – cho biết rằng nếu tôi bỏ đi quá lâu thì nàng sẽ không còn ở đó khi tôi trở lại. Tôi nghĩ phải chi mình cầm cái kiếng của nàng theo, để nàng phải chờ tôi đưa nàng về. Tôi biết mình đang có những ý nghĩ điên khùng, nhưng chúng vẫn có vẻ tất yếu trong cái cõi tối đen và xa lạ ở đây. Ôi tôi muốn từ dưới hồ này gọi tên nàng quá, nhưng tôi biết nàng sẽ không đáp và tôi cố ép mình bơi suốt hồ lần thứ ba, rồi lần thứ tư, nhưng bơi nửa chừng tua thứ năm thì tôi lại cảm thấy nỗi lo sợ quái gở đó, thoáng có ý nghĩ rằng chính mình sẽ tiêu ma, nên khi trở lại tôi đã ôm nàng cứng ngắc hơn cả mức hai đứa trông đợi.
“Buông ra nào,” nàng bật cười, “tới lượt em…”
“Nhưng Brenda…”
Nhưng nàng đã biến đi và lần này cứ như nàng không bao giờ trở lại. Tôi ngồi đó và đợi cho mặt trời tỏa sáng trên lỗ golf thứ chín, cầu mong nó sớm mọc cứ như chỉ vì thèm ánh sáng của nó, và sau cùng khi Brenda trở lại tôi sẽ không cho nàng bỏ đi nữa, và cái ướt lạnh của nàng đã ít nhiều bò qua tôi và khiến tôi rùng mình. “Vậy thôi. Brenda. Đừng chơi nữa mà,” tôi nói, và rồi khi lập lại tôi đã ôm nàng thật chặt đến mức như chìm hẳn vào người nàng, “Anh yêu em,” tôi nói, “Thật đó.”
Thế là mùa hè tiếp tục. Tôi gặp Brenda mỗi đêm: chúng tôi đi bơi, đi dạo, lái xe đi chơi, lên núi xa và lâu đến độ khi quay về sương mù đã tụ trên cây và tràn vào lòng đường, và tôi phải nắm chặt tay lái còn Brenda phải đeo kiếng vào để canh đường sơn trắng giữa lộ cho tôi. Và chúng tôi ăn – một vài tối sau khi tôi khám phá ra cái tủ lạnh thì chính Brenda dẫn tôi vào đó. Chúng tôi lấy từng tô đầy nhóc anh đào, và trên những đĩa để dọn món bò nướng chúng tôi chất ú hụ những lát dưa hấu. Rồi chúng tôi đứng dậy theo cửa sau của tầng hầm để ra bãi cỏ sau nhà rồi ngồi dưới gốc cây dụng cụ thể thao, ở đó nguồn ánh sáng duy nhất cho chúng tôi là từ phòng tivi. Có những lúc lâu âm thanh duy nhất chúng tôi nghe được là tiếng hai đứa phun hột trái cây. “Ước gì qua đêm là chúng mọc thành cây để đến sáng là có cả đống dưa hấu với anh đào.”
“Nếu chúng mọc được ở sân này, cưng, thì người ta đã trồng tủ lạnh với tủ đá Westinghouse Preferred rồi. Anh không định khó ưa đâu,” tôi vội vàng nói thêm, và Brenda sẽ cười, rồi nói nàng thích mận lục, tôi sẽ biến xuống tầng hầm và tô anh đào biến thành tô mận lục, rồi tới một tô xuân đào, rồi tới một tô đào, cho đến khi, cái này nói thật, tôi no muốn bể bụng, và chắc nguyên một tối hôm sau phải rầu rĩ nhịn không uống gì cả. Chúng tôi cũng ra ngoài để ăn sandwich bò muối, pizza, bia với tôm, soda kem và hamburger. Một tối nọ chúng tôi đi hội chợ của Câu lạc bộ Lions và Brenda thắng được một cái gạt tàn nhờ ném bóng vào rổ ba cú liên tiếp. Và khi Ron từ Milwaukee trở về thỉnh thoảng chúng tôi lại đi xem anh ta chơi bóng rổ trong giải mùa hè cho dân bán chuyên nghiệp, và chính trong những tối đó tôi thấy mình là kẻ xa lạ với Brenda, vì nàng biết tên mọi đấu thủ, và tuy phần lớn bọn họ thì xoàng và chân tay lóng ngóng, nhưng có một tay tên Luther Ferrari thì không, đó là anh chàng Brenda đã hẹn hò trong suốt một năm hồi trung học. Hắn là bạn thân nhất của Ron và tôi nhớ được tên hắn từng xuất hiện trên tờ Newark News: hắn là một trong những anh em nhà Ferrari lừng danh, tất cả bọn họ đều chơi ít nhất hai môn thể thao. Chính Ferrari là người gọi Brenda là Buck, một biệt danh chắc là có từ thời nàng giành được mấy sợi băng vải. Giống Ron, Ferrari lễ phép thái quá, làm như đó là chứng bệnh của những đứa cao hơn một mét chín; hắn cực kỳ lịch sự với tôi và lịch lãm với Brenda, và sau một thời gian là tôi bàn ra ngay mỗi khi có đề nghị đi xem Ron chơi bóng. Và rồi một đêm chúng tôi khám phá ra rằng cứ mười một giờ là người bán vé rạp hát Hilltop ra về còn ông chủ rạp thì biến vào văn phòng, nên mùa hè đó chúng tôi xem được đoạn cuối của ít nhất là mười lăm bộ phim, và khi lái xe về nhà – tức là, về nhà Brenda – chúng tôi sẽ cố dựng lại đoạn đầu bộ phim. Đoạn sau tụi tôi thích nhất là của phim Ma and Pa Kettle in the City, trái cây tụi tôi thích nhất, mận lục, và người tụi tôi thích nhất, duy nhất thích, là đứa này đối với đứa kia. Dĩ nhiên thỉnh thoảng tụi tôi cũng gặp người này người nọ, một số bạn là của Brenda, và thảng hoặc, một hai người bạn của tôi. Một đêm tháng Tám kia chúng tôi còn vào một quán rượu nằm tuốt ở đường số 6 cùng với Laura Simpson Stolowitch và anh chồng chưa cưới của cô ta nữa, nhưng đó là một buổi tối mắc mửa. Brenda với tôi hình như không có nghề nói chuyện với người khác, cho nên chúng tôi cứ khiêu vũ suốt, nhờ đó mà nhận ra chúng tôi chưa từng làm chuyện này với nhau. Anh bồ ruột của Laura uống cocktail một cách nặng phần trình diễn còn Simp – Brenda muốn tôi gọi cô ta là Stolo nhưng tôi không chịu – Simp uống một thứ pha trộn làng nhàng những thứ như bia gừng với soda. Mỗi khi bọn tôi trở lại bàn là lại nghe Simp nói về “buổi khiêu vũ” còn bạn trai cô nói về “bộ phim” cho đến khi sau cùng Brenda phải hỏi “Phim nào?” và rồi chúng tôi khiêu vũ cho đến giờ đóng cửa. Và khi về tới nhà Brenda tụi tôi lấy đầy một tô anh đào mang vào phòng tivi và ăn lép nhép một hồi; và sau đó, trên trường kỷ, hai đứa yêu nhau và khi tôi đi từ căn phòng tối đèn vào phòng tắm tôi luôn cảm hấy chân mình dẫm phải hột anh đào. Về đến nhà, cởi quần áo lần thứ nhì đêm đó, tôi còn thấy những vết ửng đỏ dưới gan bàn chân mình.
Còn bố mẹ nàng nghĩ sao về chuyện này? Bà Patimkin tiếp tục mỉm cười với tôi còn ông Patimkin cứ nghĩ tôi ăn như chim. Khi được mời tới ăn tối, tôi thường, vì muốn tốt cho ông, cố ăn gấp đôi những món tôi thích, nhưng sự thực có vẻ là sau khi ông xếp loại khả năng ăn uống của tôi lần đầu thì ông chẳng bao giờ thèm xem xét lại. Tôi có thể ăn gấp mười lần lượng bình thường của mình, hay sau cùng tử vong vì thức ăn, thì ông vẫn xem tôi chẳng phải đàn ông mà chỉ là một con én. Không ai có vẻ rầu vì sự có mặt của tôi, tuy Julie có lạnh nhạt đáng kể; sau cùng, khi Brenda đề nghị với bố nàng rằng cuối tháng Tám tôi sẽ tới chơi một tuần ở nhà nàng, ông ta ngẫm nghĩ một lát, chọn cây gậy golf số năm, quất phát khởi đầu, rồi nói “Được.” Và khi nàng thông báo lại với mẹ nàng về quyết định của ông Bồn Tắm Patimkin, thì bà Patimkin chẳng còn làm gì được. Nên, nhờ sự dàn xếp của Brenda, tôi đã được mời.
Vào sáng thứ Sáu đó, vốn là ngày làm việc cuối trong tuần, dì Gladys thấy tôi chuẩn bị hành lý và bà hỏi tôi tính đi đâu. Tôi nói bà nghe. Bà không nói gì và tôi thấy có gì kỳ kỳ trong đôi mắt hoảng loạn viền đỏ đó – tôi đã thay đổi nhiều kể từ ngày bà nói “Ly kỳ.” với tôi qua điện thoại.
“Mày đi bao lâu, tao phải biết để tính chuyện đi chợ tao sẽ không mua quá nhiều. Mày cứ để lại cho tao đầy một tủ lạnh sữa nó sẽ chua lên rồi ám mùi cả cái tủ…”

NghiDung
01-07-2010, 03:17 PM
“Một tuần,” tôi nói.
“Một tuần à?” bà hỏi. “Người ta có phòng cho cả tuần sao?”
“Dì Gladys, họ đâu có sống bên trên một cửa hàng.”
“Tao sống bên trên cửa hàng tao không mắc cở. Tạ ơn Chúa là mình luôn có một mái nhà. Nhà tao chưa bao giờ phải đi xin ngoài đường,” bà nói trong khi tôi nhét vào bị cái quần Bermuda mới mua, “Susan em mày tụi tao cũng cho đi học đại học được, Chú Max phải sống và khoẻ mạnh. Tụi tao đâu có tống nó đi trại hè trong tháng Tám, nó không có được giày dép ngay khi nó muốn, không có một ngăn tủ đầy áo cổ lọ…”
“Con có nói gì đâu, dì Gladys.”
“Ở đây mày không có đủ cái ăn hả? Có khi mày bỏ mứa tao có chỉ cho chú Max mày xem thiệt là xấu hổ. Một đứa nhỏ châu Âu có thể lấy mớ mày bỏ mứa làm thành một bữa ăn bốn món đó.”
“Dì Gladys.” Tôi bước đến chỗ bà. “Ở đây con có mọi thứ cần thiết. Con chỉ đi nghỉ một chuyến thôi. Con không đáng hưởng một kỳ nghỉ sao?”
Bà ôm lấy tôi và tôi thấy người bà run run. “Tao đã nói với mẹ mày tao sẽ chăm sóc Neil của bà ấy bà ấy đừng lo. Mà bây giờ mày bỏ đi…”
Tôi vòng tay ôm và hôn lên đỉnh đầu bà. “Kìa, Dì.” Tôi nói, “Dì đừng có kỳ như thế. Con đâu có bỏ đi. Con chỉ đi chơi một tuần, đi nghỉ thôi mà.”
“Mày để lại số điện thoại cầu Chúa đừng để mày bệnh hoạn.”
“Được rồi.”
“Họ sống ở Millburn hả?”
“Short Hills. Con sẽ để lại số điện thoại.”
“Dân Do Thái đến sống ở Short Hills từ hồi nào vậy? Họ không phải Do Thái thứ thiệt tin tao đi.”
“Họ Do Thái thiệt mà.” Tôi nói.
“Chừng nào tao thấy mới tin.” Bà đưa mép tấm tạp dề lên lau mắt, ngay khi tôi kéo dây hai bên valy. “Đừng đóng vội. Tao gói cho mày một ít trái cây mang theo.”
“Được rồi, dì Gladys,” và trên đường đi làm sáng hôm đó tôi ăn trái cam và hai trái đào bà đã bỏ vào bị cho tôi.
Vài giờ sau ông Scapello thông báo với tôi rằng khi tôi đi nghỉ đợt lễ Lao động[2] về tôi sẽ được tống lên cái đôn của bà Martha Winney. Chính ông ta, ông ta nói, đã có một bước thăng cấp như vậy mười hai năm trước, nên có vẻ như nếu tôi có thể xoay xở giữ được thăng bằng thì một ngày nào đó tôi sẽ là ông Scapello. Tôi cũng sẽ được tăng lương tám đô, thế là tới năm đô cao hơn mức tăng mà ông Scapello nhận được nhiều năm trước. Ông ta bắt tay tôi và rồi đi trở lên đường cầu thang đá hoa dài thậm thượt, mông đít ông ta chập chờn sau vạt áo vest cứ như cái vòng rổ của môn bóng rổ. Ông ta vừa đi khỏi thì tôi ngửi thấy mùi bạc hà và ngẩng lên thấy ông già có mũi và quai hàm nổi gân đỏ.
“Chào chàng trai,” ông ta nói vui vẻ. “Cuốn sách đó trở lại chưa?”
“Sách nào?”
“Cuốn Gauguin đó. Tôi đi mua đồ và ghé vào đây hỏi thăm. Tôi vẫn chưa nhận được thẻ. Mà đã hai tuần rồi.”
“Chưa,” tôi nói, và khi đó tôi thấy ông Scapello dừng lại trên cầu thang và quay lại cứ như đã quên chưa dặn tôi điều gì đó. “Ông hiểu cho,” tôi nói với ông già, “nó sẽ trở lại đây một ngày nào đó bất kỳ.” Tôi nói với giọng chung kết đến mức gần như gắt gỏng, và tôi cảnh giác liền, vì đột nhiên tôi thấy sẽ xảy ra chuyện gì: ông già sẽ làm um sùm lên, ông Scapello từ trên cầu thang phóng xuống, ông Scappelo lục lọi các dãy kệ, Scapello phát cáu lên, Scapello tuôn trào các thứ, Scapello chủ tọa buổi đăng quang của John McKee lên chiếc đôn của bà Winney. Tôi quay sang ông già, “Sao ông không để lại số điện thoại và tôi sẽ cố đặt trước cuốn đó cho ông ngay chiều nay…” nhưng nỗ lực quan tâm và ân cần của tôi đã là quá trễ, và ông già gầm gừ những câu về bọn công chức, gửi thư cho Thị trưởng, bọn trẻ phách lối, và tạ ơn Chúa, ông ta rời thư viện đúng một giây trước khi ông Scapello trở lại chỗ tôi để nhắc tôi rằng mọi người đang góp tiền để mua quà cho bà Winney và nếu tôi muốn góp thì để lại nửa đô trên bàn ông ta trong hôm nay.
Sau bữa trưa cậu bé da đen lại tới. Khi cậu đi qua chỗ bàn tôi để tới cầu thang, tôi gọi nó. “Lại đây nè,” tôi nói. “Đi đâu vậy?”
“Khu tim.”
“Cậu đang đọc cuốn nào?”
“Thì cuốn Go-again đó. Mà tôi đâu làm gì bậy. Tôi đâu có viết gì vào sách. Ông xét tôi đi…”
“Tôi biết cậu không làm gì bậy. Nghe nè, nếu cậu thích cuốn đó như thế sao không mượn về nhà? Cậu có thẻ thư viện không?”
“Không, tôi đâu có mượn gì.”
“Không, thẻ thư viện là do chúng tôi cấp để cậu mượn sách về nhà. Như thế cậu khỏi phải tới đây mỗi ngày. Cậu có đi học không?”
“Có chứ. Trường Miller Street. Nhưng đang nghỉ hè mà. Tôi không tới trường đâu có sao. Đâu ai bắt tôi phải tới trường lúc này.”
“Tôi biết. Miễn còn đi học là có thể làm thẻ thư viện. Cậu có thể mượn sách về nhà.”
“Sao ông cứ xúi tôi mang sách về nhà hoài vậy? Ở nhà thế nào cũng có đứa làm hư sách.”
“Thì cậu giấu ở đâu đó, trong hộc bàn…”
“Trời trời,” nó nói, liếc mắt nhìn tôi, “sao ông không muốn tôi tới đây?”
“Tôi đâu có nói là cậu đừng tới đây.”
“Tôi thích tới đây. Tôi thích mấy cái cầu thang.”
“Tôi cũng thích vậy,” tôi nói. “Nhưng rắc rối là sẽ có người mượn cuốn đó về nhà.”
Cậu ta mỉm cười. “Đừng lo,” nó nói với tôi. “Tới giờ vẫn đâu có ai mượn,” rồi nó đi lộp cộp lên cầu thang tới Dãy Ba.
Vậy mà bữa đó tôi đổ mồ hôi! Đó là ngày mát nhất trong mùa hè, nhưng khi rời chỗ làm vào buổi tối lưng áo tôi đã dính sát vào da. Trong xe tôi mở túi đồ, và trong khi dòng xe cộ giờ cao điểm ồ ạt trên dường Washington, tôi chúi vào băng sau thay một cái áo sạch để khi đến Short Hills tôi trông cũng có vẻ đáng được hưởng một đợt xả hơi ở ngoại ô. Nhưng chạy xe theo đại lộ Central tôi không thể nghĩ gì về kỳ nghỉ của mình, và do đó không tập trung được vào việc lái xe: trước sự bực bội của người đi bộ cũng như người lái xe khác, tôi quậy cần số, lấn vào đường của người đi bộ, chần chừ ở đèn xanh cũng như đèn đỏ. Tôi cứ nghĩ rằng trong khi tôi đi nghỉ tay già quai hàm bự sẽ trở lại thư viện, rồi cuốn sách của cậu bé da đen sẽ bị mượn mất, rằng tôi sẽ mất chỗ làm mới của mình, thực ra là chỗ làm cũ – nhưng sao tôi lại phải ưu tư về tất cả những chuyện đó: thư viện đâu phải sự nghiệp một đời của tôi.


- o O o -

[1]Tác giả chơi chữ. Neil nói, “I’m a liver” với liver nghĩa là người [chỉ biết] sống, sau khi anh ta nói “I’m not a planner”. Nhưng liver còn có nghĩa là lá gan. Và Brenda nói, “I’m a pancreas,” (Em là tụy tạng) để đùa chữ liver. Vụ này chuyển ngữ không nổi, nên đành dịch tạm như trên.
[2]Lễ Lao động ở Mỹ được tổ chức vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín, chứ không phải vào ngày 1 tháng 5 như ở Việt Nam.

NghiDung
01-07-2010, 03:17 PM
“Ron sắp lấy vợ!” Julie gào lên với tôi khi tôi bước qua cửa. “Ron sắp lấy vợ!”
“Bây giờ hả?” tôi hỏi.
“Lễ Lao động! Anh ấy cưới Harriet, anh ấy sắp cưới Harriet.” Nó bắt đầu ê a câu đó như một bài ca lúc nhảy dây, với giọng mũi và nhiều tiết điệu. “Mình sẽ là em chồng!”
“Chào,” Brenda nói, “Mình sẽ là em chồng.”
“Anh cũng nghe thế. Chừng nào vậy?”
“Anh ấy mới nói chiều nay. Họ nói chuyện đường dài với nhau cả bốn mươi phút tối qua. Tuần tới chị ấy sẽ bay qua đây, và sẽ có một đám cưới to đùng. Bố mẹ em đang chạy cuống cuồng. Họ phải thu xếp mọi chuyện trong vòng một hai ngày. Mà bố em muốn cho Ron đi làm với ông – nhưng anh ấy phải bắt đầu với hai trăm một tuần rồi leo lên từ từ. Mà chuyện đó tháng Mười mới bắt đầu.”
“Anh nghĩ anh ta sẽ làm giáo viên thể dục.”
“Trước đây thì vậy. Nhưng bây giờ anh ấy có nhiều trách nhiệm…”
Và trong bữa tối Ron cứ lan man với chủ đề trách nhiệm và tương lai.
“Tụi con sẽ có con trai,” cậu ta nói, khiến bà mẹ hài lòng, “rồi khi nó chừng sáu tháng, con sẽ cho nó ngồi trước một trái bóng rổ, một trái banh bầu dục với một trái bóng chày, nó chụp cái nào thì tụi con sẽ tập trung vào môn đó.”
“Nếu như nó không chọn cái nào cả,” Brenda nói.
“Đừng nói ngốc, qúi nương,” bà Patimkin nói.
“Con sẽ là bà cô,” Julie ê a, rồi nó lè lưỡi ra với Brenda.
“Chừng nào Harriet tới?” ông Patimkin nhồm nhoàm với một miệng đầy khoai tây.
“Một tuần nữa tính từ hôm qua.”
“Chị ấy ngủ ở phòng con được không?” Julie kêu. “Được không?”
“Không, ở phòng cho khách chứ…” bà Patimkin cất tiếng, nhưng rồi chợt nhớ ra tôi – với một cái liếc nhìn gây khó chịu từ đôi mắt tím ấy, và nói tiếp, “Dĩ nhiên.”
Được, tôi quả là ăn như chim. Sau bữa tối, túi của tôi được mang lên – do chính tôi – phòng dành cho khách đối diện với phòng Ron và cách phòng Brenda cả một hành lang. Brenda đi theo để chỉ đường cho tôi.
“Cho anh coi giường ngủ của em, Bren.”
“Để sau đi,” nàng nói.
“Vậy được không? Ngay trên đây à?”
“Chắc được,” nàng nói. “Ron ngủ say như khúc gỗ.”
“Anh ở lại suốt đêm được không?”
“Em đâu biết.”
“Anh sẽ dậy sớm trở lại phòng anh. Mình sẽ để đồng hồ báo thức.”
“Vậy là làm cả nhà thức dậy. Không được đâu.”
“Anh sẽ nhớ thức dậy. Anh làm được mà.”
“Em không nên ở trên đây quá lâu với anh,” nàng nói. “Mẹ dễ nổi cơn lắm. Em chắc mẹ bồn chồn chuyện anh ở đây.”
“Anh cũng vậy. Anh chưa biết gì nhiều về nhà em. Em nghĩ anh nên ở đây cả tuần à?”
“Cả tuần? Khi Harriet tới đây thì mọi thứ sẽ lung tung beng lên và anh có thể ở luôn hai tháng.”
“Vậy sao?”
“Ừ.”
“Em muốn anh ở lại không?”
“Muốn,” nàng nói, và xuống nhà để mẹ nàng an tâm.
Tôi lấy đồ ra và bỏ quần áo vào một ngăn tủ trống rỗng ngoại trừ một gói những tấm vải lót nách và một cuốn kỷ yếu trung học. Đang lúc tôi soạn đồ ra, Ron lộp cộp lên cầu thang.
“Chào,” anh ta gọi vọng vào phòng tôi.
“Xin chúc mừng,” tôi đáp lại. Lẽ ra tôi phải hiểu bất cứ câu lễ nghi nào cũng dẫn tới màn bắt tay với Ron; anh ta ngưng ngay bất cứ gì đang định làm trong phòng mình để bước vào phòng tôi.
“Cám ơn.” Anh ta bơm tôi. “Cám ơn.”
Rồi anh ta ngồi xuống giường và quan sát trong khi tôi kết thúc tiết mục soạn đồ. Tôi có một cái sơ mi mang nhãn Brooks Brothers và tôi lần khân để nó trên giường lâu một tí; mấy cái áo Arrows thì tôi xếp đống trong ngăn kéo. Ron ngồi đó chà sát cánh tay và nhe răng cười. Một lát sau sự im lặng làm tôi bối rối thiệt tình.
“Rồi,” tôi nói, “vậy đó.”
Anh ta đồng ý, nhưng đồng ý với cái gì thì tôi không biết.
“Thấy nó ra sao?” tôi hỏi, sau một lúc lâu im lặng.
“Khá hơn. Ferrari quất trúng banh ngay dưới bảng chắn.”
“Ô, trời,” tôi nói. “Thấy chuyện lấy vợ ra sao kìa?”
“À, ổn thôi, chắc vậy.”
Tôi dựa vào bàn và đếm những mũi đan móc trên tấm thảm.
Sau cùng Ron cũng liều một cuộc phiêu lưu đối thoại. “Anh có biết gì về âm nhạc không?” anh ta hỏi.
“Có, một chút gì đó.”
“Nếu muốn thì anh nghe bằng máy của tôi cũng được.”
“Cám ơn, Ron. Tôi không ngờ là anh thích nhạc.”
“Thật mà. Tôi có mọi đĩa từng phát hành của Andre Kostelanetz. Anh thích Mantovani không? Tôi cũng có toàn bộ tác phẩm luôn. Tôi thích dòng bán cổ điển. Anh có thể nghe đĩa Columbus của tôi nếu thích…” anh ta nhạt chuyện dần. Sau cùng anh ta bắt tay tôi và đi ra.
Dưới nhà tôi nghe Julie hát. “Em sẽ là bà c-c-cô,” còn bà Patimkin nói, “Đừng, út cưng, con sẽ là em chồng. Hát vậy đó, đi,” nhưng Julie tiếp tục hát, “Em sẽ là bà c-c-cô,” rồi tôi nghe giọng Brenda hòa theo nó, hát rằng “Mình sẽ là bà c-c-cô,” và Julie hát theo, và sau cùng bà Patimkin phải gọi ông Patimkin, “Ông bảo nó đừng có xúi con bé…” và màn song ca bế mạc.
Rồi tôi lại nghe tiếng bà Patimkin. Tôi không nghe rõ từng lời nhưng có Brenda trả lời bà. Giọng họ dần to lên, sau cùng tôi nghe rõ mồn một. “Tao cần một nhà đầy bạn bè vào lúc như thế này chắc?” Đó là bà Patimkin. “Con hỏi mẹ rồi mà, mẹ.” “Mày hỏi bố mày thì có. Lẽ ra mày phải hỏi tao trước. Ông ấy đâu có biết tao phải làm thêm bao nhiêu việc…” “Chúa ơi, mẹ, mẹ nghĩ mình không có Carlota với Jenny chắc.” “Carlota với Jenny đâu thể làm hết mọi việc. Đây không phải Đội Cứu tế!” “Ý mẹ muốn nói quái gì thế?” “Coi chừng mồm miệng đó, qúi nương. Vậy chắc là hay với bạn bè trong trường lắm.” “Ôi, thôi đi, mẹ!” “Đừng có lên giọng với tao. Có bao giờ mày động đậy một ngón tay để tiếp việc nhà không?” “Con đâu phải đầy tớ… Con là con gái bố mẹ mà.” “Mày phải biết một ngày công nghĩa là gì.” “Tại sao?” Brenda nói. “Tại sao?” “Bởi vì mày làm biếng,” bà Patimkin đáp, “và mày nghĩ mọi người phải nuôi mày sống.” “Ai nói thế?” “Mày phải kiếm ít tiền mà tự sắm lấy quần áo.” “Tại sao? Chúa ơi, mẹ, chỉ cần mớ cổ phiếu là bố sống ngon lành rồi. Mẹ còn ca cẩm gì nữa?” “Lần cuối cùng mày rửa chén là khi nào!” “Chúa ơi!” Brenda gân cổ lên, “Carlota rửa chén chứ!” “Đừng có Chúa ơi với tao!” “Ôi, mẹ!” và Brenda bật khóc. “Sao mẹ lại hóa ra thế này chứ!” “Vậy đó,” bà Patimkin nói “cứ khóc trước mặt bạn mày đi…” “Bạn con…” Brenda nức nở, “Sao mẹ không tới quát vào mặt anh ấy luôn đi… tại sao ai cũng khó chịu với con như vậy…”
Từ bên kia hành lang, tôi có thể nghe Andre Kostelanetz cho vài ngàn cây vĩ cầm tuôn ra bài “Night and Day.” Cửa phòng Ron mở ngỏ và tôi thấy anh ta nằm dài ra, bề thế, trên giường mình; anh ta đang hát theo đĩa. Lời là của bài “Night and Day,” nhưng tôi không nhận ra giọng của Ron. Ngay sau đó anh ta nhấc điện thoại lên và xin một số ở Milwaukee. Trong khi tổng đài nối máy, anh ta lăn người qua và tăng âm lượng đĩa hát, nên nó có thể vọng xa tới chín trăm dặm về phía tây.
Tôi nghe tiếng Julie dưới nhà. “Hơ hơ, Brenda khóc, hơ hơ, Brenda khóc.”
Và rồi Brenda chạy lên cầu thang. “Rồi sẽ tới lượt mày đó, đồ tiểu qủi!” nàng kêu lên.
“Brenda!” bà Patimkin gọi.
“Mẹ-ẹ!” Julie gào. “Chị Brenda chửi con kìa.”
“Bà kêu tôi hả, bà P.?” Carlota kêu.
Còn Ron, bên phòng kia, nói, “Chào Har, anh đã nói với cả nhà…”
Tôi ngồi lên cái áo Brooks Brothers và gọi tên tôi thành lời.
“Mẹ quái đản quá!” Brenda nói với tôi khi nàng đi tới đi lui trong phòng tôi.
“Bren, em có nghĩ rằng anh nên đi…”
“Shhh…” nàng bước tới cửa và lắng nghe. “Họ đi thăm người ta rồi, cám ơn Chúa.”
“Brenda…”
“Shhh… Họ đi rồi.”
“Cả Julie hả?”
“Ừ,” nàng nói. “Ron trong phòng anh ấy hả? Cửa phòng anh ấy đóng.”
“Anh ta ra ngoài rồi.”
“Ở đây anh đâu nghe được ai đi ra đi vô. Ai cũng dùng giày đế mềm hết. Ôi, Neil.”
“Bren, anh hỏi này, có lẽ anh chỉ nên ở tới mai rồi về.”
“Ồ, mẹ đâu có bực anh.”
“Anh đâu biết làm sao.”
“Đó là tại Ron, thật đó. Chuyện anh ấy lấy vợ làm mẹ quay lơ. Em cũng vậy. Bây giờ có bà chị Harriet dễ thương ở đây thì mẹ sẽ quên ngay là có em trên đời.”
“Vậy không ổn cho em sao?”
Nàng bước tới cửa sổ và nhìn ra ngoài. Trời tối và mát; đám cây lao xao và giao động cứ như những tấm vải được treo phơi cho khô. Mọi thứ bên ngoài gợi nhớ tới tháng Chín và lần đầu tiên tôi nhận ra chúng tôi đã gần kề thế nào với ngày Brenda rời nhà để đi học.
“Phải không, Bren?” nhưng nàng không nghe tôi.
Nàng bước tới một cánh cửa cuối phòng. Nàng mở nó ra.
“Anh cứ nghĩ đó là phòng xép,” tôi nói.
“Lại đây.”
Nàng giữ cửa mở và chúng tôi nhìn vào bóng tối và nghe được tiếng gió lạ lùng rít dưới mái hiên.
“Cái gì trong đó vậy?” tôi hỏi.
“Tiền.”
Brenda bước vào. Khi cái bóng đèn 60 watt tờ mờ được bật sáng, tôi thấy chỗ này đầy những đồ đạc cũ – hai cái ghế bành lưng cao có đường viền, một trường kỷ ở giữa nệm gồ u lên, một cái bàn chơi bài kèm hai chiếc ghế lòi cả lớp độn bên trong ra, một cái gương tróc lớp tráng thủy, những cái đèn không có chụp đèn, những chụp đèn không có đèn, một bàn cà phê với mặt kiếng rạn nứt, và một đống những tấm rèm cuộn lại.
“Cái gì vậy?” tôi hỏi.
“Phòng kho. Đồ đạc cũ trong nhà.”
“Cũ chừng bao lâu?”
“Từ hồi ở Newark,” nàng nói. “Lại đây.” Nàng bò trên đầu gối trước trường kỷ và lật lớp nệm lên để nhìn xuống bên dưới.
“Brenda, mình làm quái gì trong đây đây? Bẩn người em hết.”
“Không có ở đây.”
“Cái gì?”
“Tiền. Em nói anh rồi.”
Tôi ngồi xuống cái ghế lưng cao, làm bốc lên chút bụi. Ngoài kia trời bắt đầu mưa, và chúng tôi có thể ngửi thấy cái ẩm ướt của mùa thu lan vào qua lỗ thông hơi ở cuối phòng kho. Brenda đứng dậy rồi ngồi xuống trường kỷ. Đầu gối và nguyên cái quần Bermuda dính bẩn và khi nàng vuốt tóc ra sau nàng làm bẩn luôn cái trán. Ở đó giữa sự bừa bộn và bụi bặm tôi chợt có cảm giác kỳ lạ của việc nhìn thấy chúng tôi, cả hai đứa, bị đặt giữa chốn bừa bộn và bụi bặm này: chúng tôi trông giống một cặp vợ chồng trẻ vừa mới dọn vào một căn hộ mới; chúng tôi đã đột nhiên kiểm kê lại các đồ đạc, các khoản tiền bạc, và tương lai, và điều duy nhất chúng tôi có thể cảm thấy dễ chịu là cái mùi sạch sẽ ngoài kia, nó nhắc chúng tôi nhớ rằng chúng tôi đang sống, nhưng khi cần, nó không nuôi được chúng tôi.

NghiDung
01-07-2010, 03:18 PM
“Tiền gì?” tôi hỏi.
“Mấy tờ trăm đô. Từ hồi em còn nhỏ…” nàng hít thở thật sâu. “Hồi em còn nhỏ và nhà em mới dọn khỏi Newark, một bữa ba em dẫn em lên đây. Ông đưa em vào phòng này rồi nói nếu có gì xảy ra cho ông, thì ông muốn em biết chỗ nào có một ít tiền bạc để em dùng. Ông bảo số tiền đó chẳng dành cho ai khác ngoài em, và bảo em không được nói cho ai biết, kể cả Ron. Hay mẹ em cũng vậy.”
“Có chừng bao nhiêu?”
“Ba tờ một trăm đô. Trước đó em chưa từng thấy. Lúc đó em mới chín tuổi, cỡ Julie bây giờ. Em tưởng nhà em chỉ sống ở đây chừng một tháng. Em nhớ mình thường lên đây khoảng mỗi tuần một lần, khi không có ai ở nhà ngoài Carlota, rồi chui xuống gầm trường kỷ để kiểm tra chắc là nó còn đó. Và lúc nào nó cũng còn đó. Bố không hề nhắc tới nó lần nào nữa. Không hề.”
“Nó ở đâu? Có thể ai đã ăn cắp rồi.”
“Em không biết, Neil à. Em nghĩ chắc bố đã lấy lại.”
“Khi nó mất,” tôi nói, “Chúa ơi, em không cho bố biết sao? Có thể Carlota…”
“Em không hề biết nó mất, cho đến lúc này. Em nghĩ em đã thôi không kiểm tra nó một đôi lần… Rồi em quên nó luôn. Hay chỉ đơn giản không nghĩ về nó nữa. Ý em là em lúc nào cũng đủ tiền xài, em không cần đến khoản này. Chắc bố một lúc nào đó đã cho rằng em không cần đến nó nữa.”
Brenda bước tới khung cửa sổ hẹp đầy bụi và vẽ tên tắt của nàng lên đó.
“Thế sao bây giờ em cần nó?” tôi hỏi.
“Em không biết…” nàng nói rồi bước tới tắt đèn.
Tôi không rời khỏi ghế và Brenda, trong chiếc áo thun và quần soóc bó sát, cứ như đang trần truồng đứng cách tôi vài bước. Rồi tôi thấy đôi vai nàng run run. “Em muốn tìm được mớ tiền đó rồi xé nát ra bỏ cái mớ chết tiệt đó vào ví của mẹ! Nếu nó còn đó, em thề là em sẽ làm thế.”
“Anh không để em làm đâu, Bren.”
“Anh không chịu sao?”
“Không.”
“Yêu em đi, Neil. Ngay bây giờ.”
“Ở đâu?”
“Làm đi! Ngay đây. Trên cái trường kỷ thối tha thối tha thối tha này.”
Và tôi nghe lời nàng.
Sáng hôm sau Brenda làm bữa sáng cho hai đứa tụi tôi. Ron đã đi làm ngày đầu tiên – tôi có nghe anh ta hát ê a trong phòng tắm độ một giờ sau khi tôi trở lại phòng mình; thực sự, tôi đã thức khi chiếc Chrysler ra khỏi nhà xe, mang theo ông chủ và anh con trai xuống cơ xưởng Patimkin ở Newark. Bà Patimkin cũng không có nhà, bà đã lấy xe và đi tới đền thờ để nói chuyện với giáo sĩ Kranitz về vụ đám cưới. Julie đang ở sân sau chơi trò giúp Carlota phơi quần áo.
“Anh biết sáng nay em muốn làm gì không?” Brenda nói. Chúng tôi đang ăn bưởi chùm, chia nhau một cách hơi bầy hầy, vì Brenda không tìm ra con dao xẻ, nên chúng tôi quyết định cứ lột nó ra như cam rồi ăn từng múi một.
“Cái gì?” tôi hỏi.
“Chạy,” nàng nói. “Anh có bao giờ chạy không?”
“Em muốn nói trên đường đua hả? Ồ, có chứ. Hồi học trung học mỗi tháng tụi anh phải chạy một dặm. Nên tụi anh hết còn bám váy mẹ. Anh nghĩ buồng phổi mình càng lớn thì chắc mình càng ghét mẹ mình.”
“Em muốn chạy,” nàng nói, “và muốn anh chạy nữa. Được không?”
“Ồ, Brenda…”
Nhưng một giờ sau, sau bữa điểm tâm gồm một trái bưởi nữa, coi bộ đó là tất cả những gì mà một tay chạy bộ nên ăn trong buổi sáng, chúng tôi lái chiếc Volkswagen lại trường trung học, phía sau đó có đường chạy một phần tư dặm. Mấy đứa trẻ đang chơi với một con chó ở bãi cỏ bên trong đường chạy, và ở tuốt đàng kia, gần bìa rừng, một bóng người mặc quần soóc trắng có đường xẻ bên đùi, không mặc áo, đang quay, quay, rồi đẩy một quả tạ đi bằng hết sức mình. Đẩy tạ khỏi tay, anh ta làm một màn loạng choạng trong khi nhìn theo nó bay vòng rồi rơi xuống đàng xa.
“Anh biết không,” Brenda nói, “anh trông giống em. Có điều bự hơn.”
Chúng tôi mặc đồ giống nhau, giày đế mềm, vớ dày, quần kaki Bermuda, áo thun dài tay, nhưng tôi có cảm giác Brenda không nói chuyện tình cờ ăn mặc giống nhau – nếu đó là tình cờ. Tôi chắc nàng muốn nói rằng ít nhiều tôi đã bắt đầu nhìn sự việc theo kiểu nàng muốn. Giống như nàng.
“Để xem ai nhanh hơn,” nàng nói, rồi chúng tôi khởi hành theo đường chạy. Trong phần tám dặm đầu tiên ba đứa bé với con chó của chúng chạy theo bọn tôi. Khi qua chỗ có anh chàng ném tạ, anh ta vẫy tay chào; Brenda kêu lên “Chào!” và tôi mỉm cười, chuyện đó, bạn có thể biết hoặc không, khiến những ai muốn chạy một cách nghiêm túc cảm thấy quá sức ngốc nghếch. Được một phần tư dặm thì mấy đứa trẻ bỏ cuộc và trở vô bãi cỏ, con chó quay đầu chạy theo hướng ngược lại, và tôi thấy nhoi nhói bên hông. Tôi vẫn chạy ngang với Brenda, ở vòng thứ hai nàng lại kêu “Chào!” với anh chàng ném tạ may mắn, anh này đã nằm xuống cỏ, nhìn theo chúng tôi, và xoa quả tạ cứ như một trái cầu pha lê. A, tôi nghĩ, thể thao là thế.
“Mình thử ném tạ chơi không?” tôi thở hổn hển.
“Để sau đã,” nàng nói, và tôi thấy những giọt mồ hôi bám ở những đuôi tóc phất phơ sau tai nàng. Khi chúng tôi được nửa dặm Brenda đột nhiên rời đường đua tạt vào bãi cỏ và ngồi phịch xuống; việc nàng bỏ ngang khiến tôi ngạc nhiên và tôi vẫn chạy tiếp.
“Ê, Bob Mathias,” nàng gọi, “nằm phơi nắng đi…”[1]
Nhưng tôi làm như không nghe nàng gọi và tuy tim tôi đập muốn văng lên tới cổ họng và miệng khô như bị hạn hán, tôi vẫn bắt chân tôi chạy, và thề không dừng lại cho đến khi chạy xong một vòng nữa. Khi qua chỗ anh chàng ném tạ lần thứ ba, tôi kêu “Chào!”
Nàng rất hào hứng khi sau cùng tôi dừng lại bên nàng. “Anh hay quá,” nàng nói. Hai tay tôi chống nạnh và tôi nhìn xuống đất và cố hớp lấy không khí – hay đúng hơn, không khí hớp lấy tôi, tôi chẳng có gì nhiều để nói.
“Ừ hứ,” tôi thở ra.
“Sáng nào cũng chạy vầy đi,” nàng nói. “Mình sẽ dậy rồi ăn hai trái bưởi, và anh sẽ ra đây chạy. Em sẽ tính giờ cho. Trong hai tuần anh sẽ vượt mức bốn phút, được không, cưng? Em sẽ mượn đồng hồ bấm giờ của Ron.” Nàng đang hào hứng như vậy – nàng chuồi người trên cỏ và kéo mép vớ qua mắt cá và bắp chân ướt đẫm của tôi. Nàng cắn vào xương bánh chè của tôi.
“Được thôi,” tôi nói.
“Rồi mình sẽ về và ăn một bữa sáng đàng hoàng.”
“Được.”
“Anh lái xe về nghe,” nàng nói, và đột nhiên nàng bật dậy chạy trước tôi, và rồi chúng tôi hướng ra chỗ đậu xe.
Sáng hôm sau, miệng tôi vẫn còn tê tê vì mấy múi bưởi thì chúng tôi đã tới đường chạy. Tụi tôi mang theo đồng hồ bấm giờ và một cái khăn lớn, để dùng khi tôi chạy xong.
“Chân anh hơi nhức,” tôi nói.
“Làm vài động tác thể dục đi,” Brenda nói. “Để em tập với anh.” Nàng xếp khăn để trên cỏ và chúng tôi cùng làm động tác gập người, đứng lên ngồi xuống và hít đất, và đưa cao đầu gối tại chỗ. Tôi cảm thấy cực kỳ sung sướng.
“Hôm nay anh chỉ chạy nửa dặm thôi, Bren. Để xem anh làm được gì…” và tôi nghe Brenda bấm đồng hồ, và rồi khi tôi chạy vòng tới bên kia, mây trôi theo tôi trên cao cứ như cái đuôi trắng mềm mại của tôi, tôi thấy Brenda ngồi dưới đất, ôm đầu gối, hết nhìn theo tôi lại xem đồng hồ. Chỉ có hai chúng tôi ở đó, và tất cả gợi tôi nhớ lại một trong những cảnh của các phim về đua ngựa, trong đó một tay luyện ngựa già như Walter Brennan với một thanh niên đẹp trai tính giờ cho con ngựa của một cô gái xinh đẹp vào buổi sáng sớm ở Kentucky, để xem nó có thật là con ngựa hai tuổi nhanh nhất trên đời này không. Dĩ nhiên cũng có những khác biệt – một trong số đó đơn giản là ở mức phần tư dặm Brenda la lên với tôi, “một phút mười bốn giây,” nhưng nó thật dễ chịu và sôi động và sạch sẽ và khi tôi chạy xong Brenda đã đứng dậy chờ tôi. Thay vì chạm đứt một sợi băng ở mức đến thì tôi có da thịt ngọt ngào của Brenda để chạm vào, và tôi đã làm như thế, và đó là lần đầu tiên nàng nói nàng yêu tôi.
Chúng tôi chạy – tôi chạy – mỗi sáng, và đến cuối tuần đó tôi chạy một dặm hết bảy phút lẻ hai giây, và lúc nào ở mức đến cũng có tiếng bấm click ở đồng hồ và vòng tay của Brenda.
Ban đêm, tôi thường mặc đồ ngủ đọc sách, trong khi Brenda, bên phòng nàng, cũng đọc, và chúng tôi chờ cho Ron đi ngủ. Có đêm chúng tôi phải chờ lâu hơn mọi khi, và tôi nghe được tiếng lá reo bên ngoài, vì cuối tháng Tám trời đã mát hơn, và ban đêm máy điều hòa được tắt đi và chúng tôi được phép mở cửa sổ. Sau cùng Ron cũng chuẩn bị ngủ. Anh ta sẽ đi thình thịch trong phòng và ra cửa chỉ với quần soóc với áo thun và vào phòng tắm đứng trong đó đái um sùm và đánh răng. Sau khi anh ta đánh răng tôi cũng vào đánh răng. Chúng tôi sẽ chạm mặt nhau ở hành lang và tôi dành cho anh ta một câu “Chúc ngủ ngon” thành thật và chân tình. Khi đã vào phòng tắm, tôi sẽ dành một lát để ngắm làn da rám nắng của mình trong gương; ở phía sau tôi có thể thấy khố bảo vệ hạ bộ của Ron phơi trên những núm nước nóng và lạnh của vòi hoa sen. Chẳng ai thắc mắc tính thẩm mỹ của nó trong vai trò vật trang trí, và sau vài đêm thì tôi cũng chẳng buồn để ý tới nó luôn.
Trong khi Ron đánh răng còn tôi nằm trên giường chờ đến lượt mình, tôi có thể nghe máy quay đĩa chơi trong phòng anh ta. Thường thường, sau khi đi chơi bóng rổ về, anh ta sẽ gọi cho Harriet – người chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới đây- và rồi cắm cúi vào tờ Sports Illustrated và nhạc Mantovani; tuy nhiên, khi ra khỏi phòng để làm vệ sinh buổi tối, tôi thường không nghe thấy nhạc Mantovani, mà là một cái gì khác, rõ ràng đó là món anh ta có lần gọi là đĩa Columbus. Tôi tưởng tượng đó là đĩa tôi đang được nghe, vì tôi không thể xác định gì nhiều qua những đoạn nhạc cuối. Tôi chỉ nghe được những tiếng chuông rền rĩ đều đều và nền nhạc ái quốc nhè nhẹ, và lướt trên tất cả là một giọng hát u uẩn trầm đục theo kiểu của Edward R. Murrow: “Và thế là chia tay thôi, Columbus,” giọng hát cứ rầu rầu, “… chia tay thôi, Columbus… chia tay thôi…” rồi sau đó là im lặng và Ron sẽ trở lại phòng; đèn sẽ tắt và chỉ trong vòng vài phút tôi có thể nghe tiếng anh ta rơi vào giấc ngủ sung sướng, đầy sinh tố, đầy sức phục hồi mà tôi nghĩ vận động viên nào cũng hưởng được.
Một sáng kia gần đến giờ chuồn về phòng tôi có một giấc mơ và khi tỉnh lại được thì ánh bình minh đã rọi vào phòng đủ cho tôi nhìn rõ màu tóc Brenda. Tôi chạm vào nàng lúc còn ngủ đó, vì giấc mơ đã khiến tôi bất an: nó diễn ra trên một con tàu, một tàu buồm cũ như thứ thường thấy trong những phim cướp biển. Cùng với tôi trên con tàu đó là chú bé da đen ở thư viện – tôi là thuyền trưởng còn cậu là thuyền phó, và cả thủy thủ đoàn chỉ có hai chúng tôi. Đó là giấc mơ dễ chịu được một lúc; chúng tôi buông neo trong một cảng của một hòn đảo Thái Bình Dương và trời nhiều nắng. Trên bờ biển có nhiều thiếu nữ da màu xinh đẹp, và không ai trong bọn họ cử động; nhưng đột nhiên chúng tôi, tức là con tàu của tôi, di chuyển, rời khỏi cảng, và những cô gái da đen chậm chạp đi xuống bãi và bắt đầu ném những vòng hoa về phía chúng tôi rồi nói “Chia tay thôi, Columbus… chia tay thôi, Columbus… chia tay thôi…” và tuy chúng tôi không muốn đi, cả cậu bé và tôi, nhưng con tàu vẫn trôi dần và chúng tôi không làm gì được, và cậu ta quát tháo rằng đó là do lỗi của tôi còn tôi quát đó là lỗi của cậu vì đã không có thẻ thư viện, nhưng chúng tôi chỉ phí hơi, vì chúng tôi ngày càng xa dần hòn đảo, và rồi chẳng còn người dân đảo nào nữa. Không gian hoàn toàn mất cân đối trong giấc mơ, và các sự vật có kích cỡ và vuông cạnh không theo bất cứ kiểu nào tôi từng thấy, và tôi nghĩ chính điều đó chứ không phải cái gì khác đã đẩy tôi tỉnh dậy. Tôi không muốn rời chỗ nằm cạnh Brenda sáng hôm đó, và tôi rờ rẫm một điểm nhỏ trên gáy nàng, chỗ tóc bị cắt ngắn đi. Tôi đã ở lại lâu hơn mức cho phép, và sau cùng khi trở về phòng tôi gần như đâm sầm vào Ron khi anh ta đang chuẩn bị cho một ngày làm việc ở xưởng Bồn rửa và Bồn tắm Patimkin.


- o O o -

[1]Bob Mathias: vận động viên 10 môn phối hợp, huy chương vàng năm 1948 và 1952

NghiDung
01-07-2010, 03:19 PM
Sáng hôm đó được coi là sáng cuối cùng tôi lưu lại nhà Patimkin; tuy nhiên, khi tôi bắt đầu nhét đồ vào túi lúc cuối ngày, Brenda lại bảo tôi có thể bỏ đồ ra – bằng cách nào đó nàng đã xoay xở thuyết phục bố mẹ nàng đồng ý một tuần nữa, và tôi có thể ở luôn đến Lễ Lao động, khi Ron làm đám cưới xong; rồi, sáng hôm sau đó Brenda sẽ trở lại trường đại học còn tôi đi làm tiếp. Vậy là chúng tôi sẽ ở bên nhau cho đến phút cuối cùng của mùa hè.
Điều này lẽ ra phải khiến tôi vui mừng quá đỗi, nhưng khi Brenda chạy xuống cầu thang để cùng cả nhà ra phi trường – họ đi đón Harriet – tôi lại không thấy vui mà chỉ thấy rầu thúi ruột, vì tôi có ý nghĩ ngày càng rõ rằng khi Brenda trở lại Radcliffe, đó sẽ là dấu chấm hết cho tôi. Tôi thấy chắc rằng ngay cả cái đôn của bà Winney cũng không đủ cao cho tôi nhìn thấu tới Boston. Tuy nhiên, tôi vẫn móc đồ ra vất vào các ngăn kéo và sau cùng, đã có thể tự nhủ rằng Brenda chưa hề có dấu hiệu gì tỏ vẻ kết thúc chuyện của hai đứa, và mọi cảm giác nghi ngờ, mọi khó chịu tôi có, chỉ sinh sôi trong con tim bất định của tôi. Rồi tôi vào phòng Ron để gọi điện cho bà dì.
“Alô?” bà lên tiếng.
“Dì Gladys,” tôi nói, “dì khoẻ không?”
“Mày bệnh à.”
“Không, con đang vui cực kỳ. Con muốn cho dì hay con sẽ ở chơi thêm một tuần nữa.”
“Sao vậy?”
“Con nói rồi. Con đang vui cực kỳ. Bà Patimkin bảo con ở chơi đến Lễ Lao động.”
“Mày có đủ đồ lót sạch không?”
“Con giặt mỗi tối. Ổn thôi mà, dì Gladys.”
“Giặt tay không sạch được đâu.”
“Sạch được mà. Kìa, dì Gladys, con đang vui cực kỳ mà.”
“Thằng ngốc đi ăn nhờ ở đậu mà bảo tôi đừng lo.”
“Chú Max thế nào?” tôi hỏi.
“Ông ấy phải thế nào nữa? Chú Max vẫn là chú Max. Mày. Tao không thích cái giọng mày nói.”
“Sao? Bộ giọng con nghe cứ như đang mặc đồ lót dơ hả?”
“Mày lanh dữ. Rồi mày sẽ biết.”
“Cái gì ạ?”
“Mày nói cái gì nghĩa là sao? Mày sẽ hiểu ra. Mày ở đó lâu thì sẽ là quá tốt cho vợ chồng tao.”
“Không đời nào, dì yêu,” tôi nói.
“Có thấy thì tao mới tin.”
“Ở Newark mát không, dì Gladys?”
“Trời đang có tuyết,” bà ấy nói.
“Cả tuần không mát chút nào sao?”
“Mày ngồi không cả ngày thì thấy mát. Còn với tao thì bây giờ đâu phải tháng Hai, tin tao đi.”
“Được rồi, dì Gladys. Cho con gửi lời chào mọi người.”
“Mày có thư của mẹ mày đấy.”
“Hay quá. Chừng nào về con sẽ đọc.”
“Mày không chạy xe về mà đọc được sao?”
“Đâu có gì gấp. Con sẽ gửi thư cho bố mẹ con. Dì đừng cáu mà,” tôi nói.
“Còn vớ mày thì sao?”
“Con đi chân không. Tạm biệt, dì thân yêu.” Và tôi gác máy.
Ở dưới bếp Carlota đã chuẩn bị xong bữa tối. Tôi luôn ngạc nhiên vì công việc của Carlota hình như không bao giờ ảnh hưởng tới cuộc sống của cô. Cô khiến công việc nội trợ nhàm chán thành những hoạt động minh họa cho bất cứ điều gì cô đang hát, thậm chí, như lúc này, với bài “I Get a Kick out of You.” (Có anh em thích quá). Cô ta đi từ lò sang máy rửa chén bát – cô nhấn các nút, xoay mặt số, dòm qua cửa kính của lò nướng, và thỉnh thoảng lại ngắt một trái nho đen từ một chùm đặt trong bồn rửa. Cô ta nhai liên tục, vừa nhai vừa hát âm ư, và rồi, theo một cách cẩu thả có tính toán, cô phun bắn vỏ và hạt vào giỏ đựng rác. Tôi chào cô khi theo cửa sau ra ngoài, và tuy cô không chào lại, tôi vẫn cảm thấy một sự gần gũi với một người, giống như tôi, đã ít nhiều bị mê hoặc và chinh phục bởi trái cây nhà Patimkin.
Ra ngoài sân cỏ tôi ném bóng rổ một hồi; rồi tôi nhặt một cây gậy golf và quất một trái banh golf bay khật khừ vào không gian đầy nắng; rồi tôi đá một trái banh về phía cây sồi; rồi tôi lại thử ném rổ phạt đền. Chẳng gì khiến tôi bận trí được – tôi cảm thấy bụng dạ trống hoác, cứ như tôi không ăn gì suốt mấy tháng vậy, và dù tôi trở vào nhà và trở ra với một nắm nho, cảm giác ấy vẫn tiếp tục, và tôi biết rằng nó chẳng liên quan gì tới lượng thức ăn tôi đưa vào cơ thể; nó chỉ là một lan truyền của sự trống rỗng vẫn xuất hiện khi Brenda vắng mặt. Dĩ nhiên, ý nghĩ về sự ra đi của nàng đã có trong tôi từ lâu, nhưng đột nhiên nó khoác màu sắc u ám hơn. Một cách kỳ lạ, sự u ám ấy lại ít nhiều dính dáng đến Harriet, vợ sắp cưới của Ron, và có lúc tôi đã nghĩ chẳng qua là sự xuất hiện của Harriet đã trầm trọng hóa chuyện thời gian đang qua: chúng tôi đã đề cập chuyện đó và đột nhiên nó đến gần kề – giờ lên đường của Brenda té ra đã tới trước khi chúng tôi kịp nhận ra.
Nhưng còn hơn thế nữa: việc Harriet kết hợp với Ron nhắc tôi nhớ rằng sự chia cách không nhất thiết là tình trạng miên viễn. Người ta có thể cưới nhau, cho dù họ trẻ! Và tuy Brenda với tôi chưa từng đề cập chuyện hôn nhân, có lẽ ngoại trừ đêm đó ở hồ bơi khi nàng nói, “Khi anh yêu em, mọi chuyện sẽ ổn.” Phải, tôi yêu nàng, và nàng yêu tôi, nhưng mọi chuyện coi bộ không ổn gì cả. Hay là tại tôi bịa ra những rắc rối? Tôi nghĩ lẽ ra mình phải thấy số phận mình được cải thiện rất nhiều; tuy nhiên, trên bãi cỏ này, trời tháng Tám trông quá đẹp và mau qua đến chịu không nổi, và tôi muốn Brenda lấy tôi. Nhưng kết hôn không phải là điều tôi đề nghị với nàng khi nàng lái xe tới trước nhà, một mình, độ mười lăm phút sau đó. Lời đề nghị đó hẳn phải cần tới một kiểu can đảm mà tôi nghĩ là mình chưa có được. Tôi cảm thấy mình chưa chuẩn bị cho bất cứ câu trả lời nào ngoài câu “Lạy Chúa tôi!” mọi kiểu trả lời đồng ý khác sẽ không làm tôi thỏa mãn, và mọi câu từ chối, kể cả kiểu che giấu sau những lời lẽ như, “Mình hãy chờ đã, cưng,” cũng có nghĩa là kết thúc với tôi. Nên tôi tưởng tượng đó là lý do tại sao tôi đề nghị một chuyện khác, mà sau cùng nó té ra còn kinh khủng hơn mức tôi nghĩ vào thời điểm đó.
“Chuyến bay của Harriet bị trễ, nên em lái xe về,” Brenda nói.
“Thế mọi người đâu?”
“Họ chờ và ăn tối ở phi trường. Em phải cho Carlota hay,” và nàng đi vào trong.
Vài phút sau nàng xuất hiện trên thềm. Nàng mặc một cái váy màu vàng cổ khoét hình chữ U ra tới hai vai, và làm lộ ra toàn bộ phần da rám nắng phía trên bộ ngực nàng. Ra đến bãi cỏ nàng bỏ đôi giày cao gót và đi chân trần tới chỗ tôi ngồi dưới bóng cây sồi.
“Phụ nữ lúc nào cũng đi giày cao gót sẽ bị lệch buồng trứng,” nàng nói.
“Ai bảo em thế?”
“Em không nhớ. Em thích nghĩ mọi sự vẫn đâu vào đấy trong đó.”
“Brenda, anh muốn yêu cầu em một việc…”
Nàng kéo cái mền có chữ O to tướng lại chỗ tôi và ngồi xuống.
“Cái gì?” nàng hỏi.
“Anh biết vụ này hơi bất ngờ, tuy thực ra không phải vậy… Anh muốn em mua một cái màng tránh thai. Cứ tới bác sĩ nào đó hỏi mua một cái.”
Nàng mỉm cười. “Đừng lo, cưng, mình rất cẩn thận. Mọi chuyện đều ổn.”
“Nhưng thế là an toàn nhất.”
“Mình an toàn mà. Việc đó chỉ lãng phí.”
“Tại sao lại để bị rủi ro?”
“Nhưng mình đâu bị rủi ro. Anh cần đến bao nhiêu thứ?”
“Kìa cưng, anh đâu có quan tâm đến khối lượng. Thậm chí đó không phải là an toàn nữa.”
“Anh chỉ muốn em có một cái, phải vậy không? Như cây gậy cầm tay, hay cái nón bảo hiểm…”
“Brenda, anh muốn em có một cái vì… chỉ để sướng thôi.”
“Sướng? Ai sướng? Bác sĩ hả?”
“Anh sướng,” tôi nói.
Nàng không đáp, chỉ rà ngón tay dọc gờ xương đòn để chùi những hạt mồ hôi li ti đột nhiên hiện ra ở đó.
“Không, Neil, chuyện đó thật ngốc.”
“Tại sao?”
“Tại sao? Nó chỉ vậy thôi.”
“Em biết tại sao nó ngốc mà, Brenda – bởi vì anh yêu cầu em làm chuyện đó.”
“Vậy lại còn ngốc hơn.”
“Nếu em muốn anh mua một cái màng tránh thai thì mình chỉ cần lật Những trang vàng và tìm một tay bác sĩ phụ khoa có làm việc chiều thứ Bảy.”
“Em chẳng bao giờ yêu cầu anh làm chuyện đó.”
“Đó là sự thật,” tôi nói, tuy đang mỉm cười. “Đó là sự thật.”
“Không phải,” nàng nói, rồi đứng dậy và đi ra sân bóng rổ, ở đó nàng bước trên lằn vôi trắng mà ông Patimkin mới vạch hôm trước.
“Trở lại đây đi,” tôi nói.
“Neil, chuyện đó ngốc và em không muốn nói chuyện đó nữa.”
“Sao em ích kỷ vậy?”
“Ích kỷ? Anh mới là người ích kỷ chứ. Chính vì cái sướng của anh mà…”
“Được rồi. Cái sướng của anh. Tại sao không chứ!”
“Đừng lên giọng như thế. Carlota ơi.”
“Bước lại đây giùm coi,” tôi nói.
Nàng bước về phía tôi, để lại dấu chân trắng trên cỏ. “Em không nghĩ anh là sinh vật trần tục vậy,” nàng nói.
“Em không ngờ sao?” tôi nói. “Anh chỉ nói cho em nghe điều em phải biết. Anh thậm chí không hề nói tới chuyện khoái lạc xác thịt.”
“Vậy thì nói thẳng, em không biết anh đang nói về cái gì. Tại sao anh lại lo nghĩ vậy. Thứ mình xài chưa đủ sao?”
“Anh lo nghĩ chỉ vì anh muốn em tới một bác sĩ và mua một màng tránh thai. Vậy thôi. Không giải thích. Chỉ làm thế thôi. Hãy làm vì anh yêu cầu.”
“Anh không chút hợp lý…”
“Mẹ kiếp, Brenda!”
“Mẹ kiếp chính anh thì có!” nàng nói và đi luôn vào nhà.
Tôi nhắm mắt, dựa ra sau và trong mười lăm phút, hoặc ít hơn, tôi nghe tiếng ai vụt trái banh golf. Nàng đã thay quần soóc và áo thun và vẫn đi chân không.
Chúng tôi chẳng nói gì với nhau, nhưng tôi nhìn nàng giơ cây gậy tới mang tai, cằm nàng nghếch lên theo đường bay mà một trái banh golf bình thường sẽ bay qua.
“Cú đó năm trăm thước,” tôi nói.
Nàng không đáp nhưng đi theo trái banh và lại sẵn sàng cho một cú vụt khác.
“Brenda. Lại đây giùm đi mà.”
Nàng bước lại, kéo lê cây gậy trên cỏ.
“Gì vậy?”

NghiDung
01-07-2010, 03:20 PM
“Anh không muốn tranh luận với em.”
“Em cũng không muốn,” nàng nói. “Đây là lần đầu.”
“Anh yêu cầu chuyện đó là khó chịu lắm sao?”
Nàng gật đầu.
“Bren, anh biết có lẽ chuyện đó hơi bất ngờ. Chuyện đó là vì anh. Nhưng tụi mình đâu còn trẻ con nữa.”
“Neil, đơn giản là em không muốn làm. Mà cũng không phải vì anh yêu cầu nữa. Em không hiểu anh kiếm đâu ra ý nghĩ đó. Nó không phải vậy.”
“Vậy nó là tại sao?”
“Ồ, tại mọi thứ. Em chỉ cảm thấy mình chưa đủ già để phải xài thứ đó.”
“Tuổi tác thì có dính gì với vụ này?”
“Em không ám chỉ chuyện tuổi tác. Em chỉ muốn ám chỉ – ơ, chính em. Em thấy chuyện đó trơ tráo quá làm không được.”
“Dĩ nhiên là quá trơ tráo. Chính xác là thế. Em không thấy sao? Nó sẽ biến đổi chúng ta.”
“Nó sẽ biến đổi em.”
“Cả hai đứa. Với nhau.”
“Neil, anh biết em cảm thấy thế nào khi phải nói láo với bác sĩ không.”
“Em có thể tới phòng khám Margaret Sanger, ở New York. Họ không hỏi han gì cả.”
“Anh đã từng làm chuyện này rồi à?”
“Không,” tôi nói. “Anh chỉ biết vậy thôi. Anh có đọc Mary McCarthy.”[1]
“Hết sức đúng. Đó là điều em cảm thấy về mình, như một ai đó thoát thai từ bà ấy.”
“Đừng bi thảm hóa,” tôi nói.
“Anh mới là người bi thảm hóa. Anh nghĩ chuyện này sẽ có vẻ hết sức qua đường. Mùa hè rồi, tao có chơi với con nhỏ đó, tao biểu nó đi mua…”
“Ôi, Brenda, em đúng là con ngựa ích kỷ lấy mình làm trung tâm! Em chính là người nghĩ chuyện ‘mùa hè rồi’, về kết thúc cho chuyện hai đứa ta. Sự thực, đó là toàn bộ vấn đề, không phải nó…”
“Đúng thế. Tôi là con ngựa. Tôi muốn chuyện này kết thúc. Thế cho nên tôi mới kêu anh ở chơi thêm một tuần nữa, và cho anh ngủ với tôi ngay trong nhà tôi. Anh có vấn đề gì vậy ! Sao anh với mẹ tôi không thay phiên nhau luôn đi – bữa nay bà ấy hành, bữa kế tới anh…”
“Thôi đi !”
“Qủi tha ma bắt hết mấy người đi !” Brenda nói, và bây giờ nàng bật khóc và khi nàng bỏ chạy đi tôi biết tôi sẽ không thấy mặt nàng cho đến hết buổi chiều đó, và quả thực như vậy.
Harriet Ehrlich khiến tôi có ấn tượng cô ta như một tiểu thư hoàn toàn không ý thức gì về một động cơ ở chính cô hoặc người khác. Tất cả là bề ngoài, và cô ta có vẻ thật xứng với Ron, và với cả nhà Patimkin luôn. Sự thực, bà Patimkin đã cư xử y như Brenda đã tiên đoán: Harriet xuất hiện, và bà mẹ Brenda nhấc một bên cánh lên rồi kéo cô gái vào chỗ ấm áp cạnh người bà, nơi mà chính Brenda chắc cũng muốn rúc vào. Harriet có vóc dáng giống Brenda, tuy hơi có ngực hơn, và cô ta gật đầu bền bỉ mỗi khi có ai nói gì. Đôi khi cô ta thậm chí còn nói theo bạn mấy từ cuối câu, tuy không thường xuyên lắm; chủ yếu là cô ta gật đầu và khoanh hai tay lại. Suốt buổi tối, trong khi nhà Patimkin bàn chuyện cặp vợ chồng mới cưới này sẽ sống ở đâu, phải mua sắm đồ đạc gì, bao lâu thì phải có em bé – suốt lúc đó tôi cứ nghĩ Harriet đang đeo găng trắng, nhưng thực ra là không.
Brenda với tôi chẳng liếc nhìn hay nói với nhau một lời; chúng tôi ngồi đó, lắng nghe, Brenda té ra thiếu kiên nhẫn hơn tôi. Gần cuối buổi Harriet bắt đầu gọi bà Patimkin là “Mẹ”, và có một lần, gọi là “Mẹ Patimkin,” và đó là lúc Brenda đi ngủ. Tôi ngồi lại, hầu như bị mê hoặc vì kiểu mổ xẻ, phân tích, xem xét, và sau cùng, cách bao quát những tiểu tiết. Rồi ông bà Patimkin cũng lục tục đi ngủ, và Julie, cô bé đã ngủ gục ngay trên ghế, được Ron bế lên phòng. Còn lại là hai kẻ không mang họ Patimkin chúng tôi.
“Anh Ron nói anh có một công việc thú vị.”
“Tôi làm việc trong thư viện.”
“Tôi lúc nào cũng thích đọc.”
“Thế tuyệt quá, việc kết hôn với Ron đó.”
“Ron thích nhạc.”
“Phải,” tôi nói. Tôi đã nói gì nhỉ?
“Đầu tiên anh phải thử sức với những tác phẩm bán chạy nhất,” cô ta nói.
“Đôi khi.” Tôi nói.
“Rồi,” cô ta nói, vỗ hai tay lên đầu gối, “tôi chắc mình sẽ rất vui với nhau. Ron với tôi hy vọng anh với Brenda sẽ sớm bước cặp với tụi tôi.”
“Nhưng tối nay thì không,” tôi mỉm cười. “Hẹn gặp lại. Xin phép cô nhé?”
“Chúc ngủ ngon. Tôi rất thích Brenda.”
“Cám ơn,” tôi nói khi bắt đầu bước lên thang.
Tôi gõ nhẹ cửa phòng Brenda.
“Em ngủ rồi.”
“Anh vào được không?” tôi hỏi.
Cửa phòng nàng hé ra một chút và nàng nói. “Ron lên liền bây giờ đó.”
“Mình sẽ để cửa mở. Anh chỉ muốn nói chuyện.”
Nàng để tôi vào và tôi ngồi trên cái ghế quay mặt vào giường.
“Em thích bà chị dâu không?”
“Em đã gặp chị ấy trước rồi.”
“Brenda, em đâu cần ăn nói căng thẳng thế.”
Nàng không đáp và tôi chỉ ngồi đó kéo dây rèm cho nó chạy lên chạy xuống.
“Em vẫn còn giận hả?” sau cùng tôi hỏi.
“Ừ.”
“Đừng mà,” tôi nói. “Em có thể quên đề nghị của anh đi. Nó chẳng đáng nếu chuyện tụi mình xảy ra thế này.”
“Thế anh mong nó xảy ra thế nào?”
“Chẳng mong gì cả. Anh không nghĩ nó lại kinh khủng đến thế.”
“Đó là do anh không hiểu được phía bên em.”
“Có lẽ.”
“Không có lẽ gì trong vụ này cả.”
“Thôi được,” tôi nói. “Anh chỉ mong em nhận ra em đang giận cái gì. Em không giận cái đề nghị của anh, Brenda ạ.”
“Không phải à? Thế em giận cái gì?”
“Giận chính anh.”
“Ôi, đừng tiếp tục kiểu đó nữa, được không? Dù nói gì thì em cũng không thắng được.”
“Có, em thắng chứ,” tôi nói. “em đã thắng.”
Tôi bước ra khỏi phòng nàng, khép cửa lại sau lưng và không chạm lại vào nó cả đêm ấy.
Khi tôi xuống nhà vào sáng hôm sau thì mọi người đang tíu tít công việc. Trong phòng khách tôi nghe bà Patimkin đọc cho Harriet một danh sách trong khi Julie chạy ra chạy vào các phòng để tìm một cái khóa vặn ốc giày trượt băng. Carlota đang hút bụi tấm thảm; mọi dụng cụ trong bếp đều đang sôi lụp bụp, xoay tròn, và rung lắc bần bật. Brenda chào tôi với một nụ cười hết sức thoải mái và trong phòng ăn, nơi tôi bước vào để nhìn ra sân sau xem thời tiết thế nào, nàng khẽ hôn vào vai tôi.
“Chào,” nàng nói.
“Chào.”
“Sáng nay em phải đi với Harriet,” Brenda bảo tôi. “Nên mình không chạy bộ được. Trừ khi anh muốn chạy một mình.”
“Không. Anh sẽ đọc hay làm gì đó. Em đi đâu vậy?”
“Tụi em đi New York. Mua sắm. Chị ấy mua áo cưới. Để sau lễ cưới chị mặc nó đi hưởng tuần trăng mật.”
“Còn em định mua gì?”
“Một cái váy làm phù dâu. Nếu em đi với Harriet thì em có thể tới Bergdorf mà không bị mẹ càm ràm chuyện phải mua ở Ohrbach.”
“Mua cho anh một món, được không?” tôi nói.
“Ôi, Neil, anh lại nói chuyện đó nữa à!”
“Anh chỉ đùa thôi. Thậm chí anh chẳng còn nghĩ tới nó nữa.”
“Thế sao anh nói vậy?”
“Ôi Chúa ơi !” tôi nói, rồi đi ra ngoài lái xe tới trung tâm Millburn để ăn sáng với trứng và cà phê.
Khi tôi trở về, Brenda đã đi khỏi, và chỉ còn bà Patimkin, Carlota và tôi ở nhà. Tôi cố tình không bước vào phòng nào có mặt họ, nhưng sau cùng té ra tôi với bà Patimkin lại ngồi đối diện nhau trong phòng tivi. Bà đang kiểm lại các tên họ trên một tờ giấy dài cầm trên tay; cạnh bà, trên bàn, là hai cuốn sổ ghi số điện thoại mà thỉnh thoảng bà lại lật ra xem.
“Người mệt nhọc chẳng được nghỉ ngơi gì cả,” bà nói với tôi.
Tôi nhe răng cười, chấp nhận câu tục ngữ cứ như bà Patimkin vừa mới chế ra nó. “Phải, dĩ nhiên,” tôi nói. “Bác cần cháu giúp không? Cháu có thể giúp bác kiểm tra cái gì đó.”
“Ồ, không,” bà nói với cái lắc đầu từ chối, “Nó là cho hội Hadassah.”
“Ồ,” tôi nói.
Tôi ngồi và nhìn bà cho đến khi bà hỏi, “Mẹ cậu có trong hội Hadassah không?”
“Cháu không rõ bây giờ mẹ cháu còn sinh hoạt không. Mẹ cháu đã sống ở Newark mà.”
“Bà ấy là hội viên hoạt động hả?”
“Cháu đoán vậy, trước mẹ cháu luôn trồng cây ở Israel cho ai đó.”
“Vậy sao?” bà Patimkin nói. “Mẹ cậu tên gì?”
“Esther Klugman. Bây giờ mẹ cháu đang ở Arizona. Ở đó có chi hội Hadassah không?”
“Ở đâu có phụ nữ Do Thái là có.”
“Vậy cháu nghĩ mẹ cháu còn sinh hoạt. Mẹ cháu ở với bố cháu. Họ sống ở đó để đỡ bệnh suyễn. Cháu đang sống với bà dì ở Newark. Bà ấy không tham gia Hadassah. Nhưng bà dì Sylvia của cháu thì có. Bác biết họ không, Aaron với Sylvia Klugman? Họ cùng hội với bà. Họ có đứa con gái tên là Doris…” tôi không dừng lại được, “… Họ sống ở Livingstone. Có thể dì Sylvia không tham gia Hadassah. Cháu nghĩ đó là một tổ chức bài lao nào đó. Hay ung thư. Có lẽ là loạn dưỡng cơ. Cháu biết dì ấy quan tâm tới thứ bệnh tật gì đó.”
“Vậy là rất tốt,” bà Patimkin nói.
“Ồ đúng vậy.”
“Họ làm việc tốt lắm đấy.”
“Cháu hiểu.”
Bà Patimkin, tôi nghĩ, đã bắt đầu thấy thích tôi; đối mắt tím của bà thôi không nhìn nheo nheo nữa mà chỉ nhìn quanh mọi sự mà không phê phán gì cả. “Cậu có quan tâm đến B’nai Brith không?” bà hỏi tôi. “Ron sắp vào hội đó, ngay khi lấy vợ xong.”
“Cháu cũng cố đợi tới lúc đó,” tôi nói.
Nản chí, bà Patimkin trở lại với mấy cái danh sách, và tôi nhận ra mình thật ngốc khi dám bông đùa với bà trong những chuyện dính tới dân Do Thái. “Bác cũng hoạt động tích cực trong đền thờ chứ?” tôi hỏi với tất cả vẻ quan tâm có thể huy động được.
“Phải,” bà nói.
“Cậu đi đền thờ nào?” bà hỏi sau một lát.
“Nhà cháu thường đi đền Hudson Street. Từ hồi ba mẹ cháu đi, cháu chẳng sinh hoạt gì nhiều.”
Tôi không rõ bà Patimkin có nhận ra giọng vờ vịt của tôi không. Bản thân tôi thì nghĩ rằng mình đã đóng trò rầu rĩ thú nhận rất ngon lành, nhất là khi tôi kể lại thời kỳ vô tín ngưỡng trước khi bố mẹ tôi đi xa.Nhưng bà Patimkin đã hỏi ngay – và coi bộ rất chiến lược – “Nhà tôi luôn đi lễ tối thứ Sáu. Sao cậu không đi chung? Ý tôi là, cậu thuộc phái chính thống hay bảo thủ?”
Tôi ngần ngừ. “Ơ, cháu không sinh hoạt lâu nay… Cháu đã đổi…” tôi mỉm cười. “Cháu chỉ là người Do Thái,” tôi nói đầy thành thật, nhưng như thế cũng đã đẩy bà Patimkin trở về với cái hội Hadassah của bà. Tôi tuyệt vọng cố nghĩ ra cái gì đó để thuyết phục bà rằng tôi không phải kẻ rối đạo. Sau cùng tôi hỏi: “Bác biết công trình của Martin Buber không?”
“Buber… Buber,” bà nói, mắt vẫn nhìn danh sách Hadassah. “Ông ấy chính thống hay bảo thủ?” bà hỏi.
“Ông ta là triết gia.”
“Bộ ông ta cải cách hả?” bà hỏi, bực bội vì kiểu tránh né của tôi hoặc vì khả năng Buber có thể dự lễ tối thứ Sáu mà không đội mũ, và bà Buber chỉ có một bộ chén dĩa trong bếp.
“Chính thống,” tôi nói yếu xìu.
“Thế thì tốt,” bà nói.
“Dạ.”
“Đền Hudson Street cũng chính thống hả?” bà hỏi.
“Cháu không biết.”
“Tôi tưởng cậu là giáo hữu ở đó.”
“Cháu làm lễ thêm sức ở đó.”
“Và cậu không biết nó là chính thống?”
“Có. Cháu biết chứ. Nó chính thống.”
“Vậy cậu cũng phải là chính thống.”
“Dạ, phải,” tôi nói. “Còn bác thì sao?” tôi buột miệng, đỏ cả mặt.
“Chính thống. Ông nhà tôi thì bảo thủ,” tôi suy ra vậy có nghĩa là, ông ta chẳng quan tâm. “Brenda chắc cậu biết, chẳng theo gì cả.”
“Ồ?” tôi nói. “Không, cháu không biết vụ đó.”
“Nó là đứa học tiếng Hebrew giỏi nhất mà tôi từng gặp,” bà Patimkin nói, “nhưng rồi, dĩ nhiên, nó trở nên quá tự phụ.”
Bà Patimkin nhìn tôi, và tôi tự hỏi phép lịch sự có yêu cầu tôi phải tán thành hay không. Sau cùng tôi đành nói, “Ồ, cháu không biết.”
“Tôi đã nói Brenda là phái bảo thủ. Có lẽ hơi cải cách nữa…”
Điện thoại reo, cứu thoát tôi, và tôi thầm đọc một lời cầu nguyện chính thống với Thượng Đế.
“A lô,” bà Patimkin nói. “… không… Tôi không thể. Tôi còn phải gọi điện cho cả hội Hadassah…”
Tôi vờ như đang lắng nghe lũ chim bên ngoài, tuy cửa sổ đóng kín chẳng để lọt chút âm thanh thiên nhiên nào.
“Bảo Ronald chở nó lên… Nhưng mình không chờ được, không thể được nếu mình muốn nó đúng giờ…”
Bà Patimkin liếc nhìn tôi; rồi bà lấy tay che ống nói. “Cậu chạy xe về Newark giùm được không?”
Tôi đứng dậy. “Được chứ bác.”
“Ông ơi?” bà lại nói vào điện thoại, “Neil sẽ xuống chở… Không, Neil, bạn con Brenda đó… Ừ… Tạm biệt.” Rồi bà quay sang tôi. “Ông Patimkin có mấy mẫu đồ bạc mà tôi muốn coi. Cậu chạy xe về đó chở nó về đây được không?”
“Dĩ nhiên.”
“Cậu biết xưởng chỗ nào không?”
“Biết ạ.”
“Đây,” bà nói, đưa xâu chìa khóa cho tôi, “Lấy cái Volkswagen mà đi.”
“Xe cháu đậu ngay ngoài kia.”
“Lấy cái này đi,” bà nói.
Xưởng Bồn rửa và Bồn tắm Patimkin nằm ngay giữa khu da đen của Newark. Nhiều năm trước, vào giai đoạn di dân dữ dội, nó từng là khu Do Thái, và đến giờ người ta vẫn còn thấy những cửa hàng cá nhỏ bé, những tiệm bán đồ ăn kiêng theo luật Do Thái, những nhà tắm kiểu Thổ, nơi ông bà tôi đã mua sắm và tắm táp hồi đầu thế kỷ. Ngay cả mùi của chúng vẫn còn đâu đây: mùi cá hồi trắng, thịt bò muối, cà chua ngâm dấm – nhưng bây giờ, trùm lên tất cả, là mùi dầu mỡ của các xưởng phế liệu xe hơi, mùi chua lè của xưởng bia, mùi khen khét của xưởng thuộc da, và trên đường phố, thay vì tiếng Do Thái, người ta thường nghe tiếng la hét của trẻ con da đen chơi ở bãi Willie Mays với một cái cán chổi và nửa trái banh cao su. Khu lân cận đã thay đổi: những người Do Thái già như ông bà tôi đã phấn đấu và đã chết, con cháu họ đã phấn đấu và giàu lên, và đã chuyển đi ngày càng xa về phía tây, về phía ngoại vi Newark, rồi vượt khỏi đó, lên sườn núi Orange, cho đến khi họ lên tới đỉnh và bắt đầu đi xuống sườn bên kia, tràn vào vùng lãnh thổ phi-Do-Thái giống như dân Ireland và Scotland đã tràn qua đèo Cumberland. Thực ra, bây giờ người da đen cũng đang làm một cuộc di cư như vậy, theo bước chân người Do Thái, và những ai còn ở lại khu quận Ba này đã sống một đời cực kỳ khốn khổ và nằm trên những tấm nệm bốc mùi của họ để mơ tới mùi cây thông của những đêm tại Georgia.
Tôi tự hỏi, chỉ trong giây lát, liệu mình có gặp cậu bé da màu ở thư viện ngay trên những đường phố ở đây không. Dĩ nhiên, tôi không gặp tuy tôi chắc rằng cậu sống ở một trong những tòa nhà nhếch nhác, lở lói kia lúc nào cũng có chó, trẻ con, và đàn bà quấn tạp dề đi tới đi lui. Trên tầng thượng, những cửa sổ mở toang, và những người rất già, vốn từ lâu chẳng còn lụm cụm lê theo những cầu thang dài thượt để xuống tới mặt đường, được đặt ở đâu thì cứ ngồi yên chỗ đó, bên trong những cửa sổ không lưới, tựa khuỷu tay trên những cái gối xẹp lép, và đầu họ rũ tới trước, nhìn theo cuộc bon chen của đám thanh niên và những phụ nữ có mang và lũ thất nghiệp. Ai sẽ tiếp bước người da đen? Ai bị bỏ lại? Chẳng ai cả, tôi nghĩ, và một ngày nào đó những con phố này, nơi bà nội tôi uống trà nóng trong một cái ly cũ kỹ, sẽ hoàn toàn vắng người và tất cả chúng tôi hẳn đã dời lên tận đỉnh dãy Orange, và lúc đó bộ những người chết nằm trong hòm sẽ không ngừng đá vào lớp ván sao?
Tôi đậu cái Volkswagen ngay trước một cổng gara lớn với bảng hiệu chạy ngang đàng trước:
XƯỞNG BỒN RỬA VÀ BỒN TẮM PATIMKIN
“Đủ cỡ – Đủ kiểu”
Bên trong tôi có thể thấy một văn phòng gắn kiếng kín mít nằm giữa một nhà kho mênh mông. Hai xe tải đang được chất hàng ở phía sau, và ông Patimkin, khi tôi thấy, đang ngậm một điếu xì gà và quát tháo với ai đó. Người đó là Ron, đang mặc áo thun có in dòng chữ Hiệp hội Điền kinh bang Ohio trước ngực. Tuy anh ta cao hơn ông Patimkin, và cũng to con ngang ngửa, nhưng đôi tay anh ta thả xuôi xị bên mình cứ như của một chú nhóc; điếu xì gà bập phà trên miệng ông Patimkin. Sáu anh da đen đang chất hàng cho một trong mấy chiếc xe tải bằng cách thảy chuyền cho nhau – ruột tôi thót lại – những cái bồn rửa tay.
Ron rời khỏi chỗ ông Patimkin và trở lại chỉ đạo đám nhân công. Anh ta vung tay tán loạn nhưng nhìn chung trông anh ta có vẻ khá bối rối, anh ta coi bộ không hề lo chuyện ai đó sẽ làm rớt cái bồn sứ. Đột nhiên tôi lại thấy chính mình đang điều khiển đám thợ da đen đó – trong một giờ chắc tôi đã bị một khối loét. Tôi hầu như nghe được tiếng đồ men sứ vỡ tan dưới sàn. Và tôi nghe mình la: “Coi chừng, cha nội. Cẩn thận chút, được không? Ốiii! Làm ơn… coi chừng! Coi chừng! Ô!” Giả sử như ông Patimkin sẽ tới bên tôi và nói, “Được rồi, con trai, cậu muốn cưới con gái tôi, để coi cậu làm được gì.” Được, ông sẽ coi: trong chốc lát sàn nhà sẽ là một bức tranh ghép vỡ tan tác, một lối đi toàn mảnh sứ vụn. “Klugman, cậu là thứ thầy thợ nào vậy? Cậu làm cứ như ăn!” “Đúng rồi, đúng rồi, tôi là con chim sẻ, để tôi đi thôi.” “Thậm chí cậu cũng không biết chất hàng đổ hàng nữa hả?” “Ông Patimkin, ngay cả việc thở với tôi cũng gian nan, ngủ cũng làm tôi kiệt sức, để tôi đi thôi…”
Ông Patimkin đã quay trở lại căn phòng lắp kiếng để trả lời điện thoại, và tôi rùng mình thoát khỏi cơn mơ màng và cũng đi về phía văn phòng. Khi tôi bước vào, ông Patimkin ngước lên nhìn; điếu xì gà ướt nhẹp trên tay vẫy về phía tôi, một lời chào. Ở ngoài tôi nghe được Ron gào lên, “Mấy ông đâu có nghỉ ăn trưa một lượt được. Mình đâu còn nhiều thời gian!”
“Ngồi đi,” ông Patimkin bảo tôi, tuy khi ông ta tiếp tục điện đàm thì tôi thấy trong phòng chỉ có một cái ghế, dành cho ông ta. Người ta không ngồi ở Bồn tắm Patimkin – ở đây bạn kiếm ra đồng tiền rất cực nhọc, ở tư thế đứng. Tôi bèn xoay ra ngắm mấy cuốn lịch treo ở mấy tủ hồ sơ; chúng in tranh vẽ những phụ nữ phơi đùi phơi ngực trông rất mộng mơ và ly kỳ đến độ không thể gọi là khiêu dâm được. Đám họa sĩ vẽ ra lũ con gái trên lịch này cho mấy thứ như “Công ty xây dựng Lewis” rồi “Xưởng sửa chữa xe hơi Earl” và “Hãng hộp giấy Grossman và Con trai” đã bịa ra một giống thứ ba tôi chưa từng được thấy.
“Được rồi, chắc ăn mà,” ông Patimkin nói vào điện thoại. “Ngày mai, đừng nói với tôi ngày mai. Ngày mai thế giới nổ tung rồi.”
Đầu dây bên kia có người đang nói. Ai vậy? Lewis ở công ty xây dựng? Earl ở xưởng sửa chữa xe hơi?
“Tôi đang điều hành một doanh nghiệp, Grossman, chứ không phải một cơ sở từ thiện.”
Vậy là Grossman đang bị rủa xả ở đầu dây bên kia.
“Ỉa vào đó,” ông Patimkin nói. “Ông đâu phải tay duy nhất ở xứ này, bạn già,” và ông ta nháy mắt với tôi.
Ah-ha, một âm mưu chống lại Grossman. Giữa tôi với ông Patimkin. Tôi mỉm cười một cách đồng lõa theo kiểu tôi biết.
“Thôi được rồi, chúng tôi còn ở đây tới năm giờ… Không trễ hơn.”
Ông ta viết cái gì đó vào một mẩu giấy. Đó chỉ là một chữ X tổ bố.
“Con trai tôi sẽ có mặt ở đây,” ông ta nói. “Phải, nó cũng vô nghề rồi.”
Grossman nói gì đó bên đầu dây kia khiến ông Patimkin bật cười. Rồi ông gác máy mà không nói tạm biệt gì ráo.
Ông ta nhìn ra phía sau coi Ron làm ăn ra sao. “Bốn năm đại học mà nó không dỡ hàng một cái xe tải được.”
Tôi không biết phải nói gì nhưng sau cùng tôi chọn sự thật. “Chắc cháu cũng không làm được.”
“Mình học được. Tôi là cái gì, thiên tài chắc? Tôi học. Chăm chỉ thì chẳng ai chết cả.”
Tôi đồng ý điều đó.
Ông Patimkin nhìn điếu xì gà. “Làm việc chăm chỉ thì người ta có được cái gì đó. Cứ ngồi một chỗ thì chẳng đi đến đâu cả, cậu biết đó… Những người bảnh nhất nước này cũng phải lao động chăm chỉ. Kể cả Rockfeller. Thành công không phải tự nhiên mà tới…” Ông ta không nói đến cỡ này khi ông nghĩ ra nó trong lúc giám sát lãnh địa của mình. Ông ta không phải mẫu người mê chữ nghĩa, và tôi có cảm giác rằng điều đã dẫn ông đến hàng lô những nhận định tổng quát này có lẽ là kết hợp giữa sự có mặt của tôi và hiệu quả công việc của Ron – tôi, người ngoài mà một ngày kia có thể thành kẻ trong gia đình. Nhưng liệu ông Patimkin có xét đến khả năng đó không? Tôi chẳng biết; tôi chỉ biết rằng vài lời ông ta nói ra khó có thể chuyển tải toàn bộ sự thỏa mãn và ngạc nhiên của ông với cuộc sống mà ông đã xoay xở tạo dựng được cho chính ông và gia đình.
Ông lại nhìn ra chỗ Ron. “Nhìn nó kìa, nếu nó chơi bóng rổ kiểu đó thì người ta đuổi mẹ nó ra khỏi sân rồi.” Nhưng khi nói thế ông ta lại mỉm cười.
Ông đi đến bên cửa lớn. “Ronald, cho họ đi ăn trưa đi.”
Ron la đáp, “Con tính cho một nhóm đi, rồi một nhóm ăn sau.”
“Sao vậy?”
“Vậy thì lúc nào cũng có người…”
“Đừng vớ vẩn,” ông Patimkin quát. “Tất cả nghỉ ăn trưa liền.”
Ron quay lại. “Thôi được, mình ăn trưa!”
Ông Patimkin lại nhìn tôi. “Sáng dạ, hả?” ông tay vỗ vào đầu. “Vụ đó cần cái đầu, ha? Nó không hết lòng với công việc. Nó lý tưởng quá,” và lúc đó tôi nghĩ ông Patimkin đột nhiên nhận ra tôi là ai, và hăng hái điều chỉnh để đừng làm tôi mích lòng. “Thôi được, cậu biết đó, nếu cậu là thày giáo, hoặc như cậu là sinh viên hay đại loại như thế. Ở đây cậu cần có chút chất gonif trong người. cậu hiểu chữ gonif mà, phải không?”
“Trộm cắp,” tôi nói.
“Anh hiểu biết hơn mấy đứa con tôi đó. Tụi nó còn con nít, chỉ hiểu được cỡ đó thôi.” Ông ta nhìn nhóm thợ da đen đi ngang qua văn phòng và la lên với họ, “Một tiếng không lâu đâu, phải không? Một tiếng trở lại nghe!”
Ron bước vào văn phòng và dĩ nhiên là bắt tay tôi.
“Anh có mớ đó cho bà Patimkin chưa?” tôi hỏi.
“Ronald, lấy cho cậu ấy mấy mẫu đồ bạc.” Ron quay đi và ông Patimkin nói, “Hồi tôi lấy vợ, tụi tôi mua dao nĩa ở cửa hàng năm tới mười đô. Bọn trẻ bây giờ đòi ăn với dao nĩa bằng vàng kìa,” nhưng ông không có chút giận dữ, mà còn ngược lại kìa.
Chiều hôm đó tôi lái xe của mình lên vùng núi, và đứng một lát ở hàng rào kẽm gai ngắm lũ hươu phóng chạy thong dong, ngần ngừ ăn cỏ dưới những tấm bảng ghi dòng chữ, ĐỪNG CHO HƯƠU ĂN, Ban Bảo Tồn Núi Nam. Dọc hàng rào kế bên tôi là hơn chục đứa trẻ, chúng cười rinh rích và ré lên khi con hươu liếm món bắp rang trên tay chúng, và rồi rầu rĩ khi tiếng la hào hứng của chúng lại khiến chú hươu con phóng đi về cuối cánh đồng nơi những con hươu mẹ lông vàng nâu đứng đường bệ ngắm dòng xe cộ bò lên con đường núi. Những bà mẹ trẻ trắng trẻo, khó mà già hơn tôi, và nhiều bà còn trẻ hơn, ngồi trong xe mui trần đậu sau lưng tôi tán gẫu, và thỉnh thoảng nhìn ra xem bọn trẻ ở đâu. Trước đây tôi đã gặp họ, khi Brenda với tôi đi ăn cái gì đó vào buổi chiều, hoặc lái xe lên đây ăn trưa: từng nhóm ba bốn người họ ngồi trong những quán hamburger thô sơ nằm rải rác trong khu bảo tồn trong khi con cái họ ăn ngấu nghiến hamburger và bột ngũ cốc pha sữa, rồi bọn trẻ được cho mấy xu lẻ để nhét vào máy chơi nhạc. Tuy chẳng đứa nào trong bọn trẻ đủ lớn để đọc được tựa bản nhạc, nhưng hầu hết đều có thể gào theo bài hát, và chúng làm vậy thật trong khi mấy bà mẹ, có vài người tôi nhận ra học trung học cùng thời với tôi, trao đổi về chuyện da rám nắng, siêu thị và những kỳ nghỉ. Ngồi đó trông họ như bất tử. Tóc họ sẽ giữ nguyên màu sắc họ mong muốn, quần áo sẽ đúng loại vải và sắc độ; trong nhà họ sẽ có đồ Thụy Điển hiện đại khi chúng là hợp thời trang, nếu cái kiểu barốc to kềnh xấu xí hợp mốt trở lại thì xin mời cái bàn cà phê chân gầy đi ra và thay vào là đồ theo kiểu Louis mười bốn. Họ là những nữ thần, và nếu tôi có là Paris[2] thì cũng không thể chọn được ai trong bọn họ vì họ hầu như chẳng khác gì nhau. Số phận đã đổ họ chung thành một đống. Chỉ có Brenda tỏa sáng. Tiền bạc và tiện nghi sẽ không xóa được vẻ độc đáo của nàng – không xóa, hay chưa xoá được? Tôi tự hỏi mình đang yêu cái gì đây, và vì tôi không phải kẻ có thể tự thọc dao mổ vào người mình, nên tôi đành lật lật bàn tay bên hàng rào và để cho một con hươu cái liếm sạch những suy nghĩ của mình đi.
Khi tôi trở lại nhà Patimkin, Brenda đang ở trong phòng khách trông xinh đẹp hơn bao giờ hết. Nàng đang mặc thử chiếc với mới cho Harriet và mẹ nàng coi. Ngay cả bà Patimkin cũng có vẻ dịu lại khi ngắm nàng; làm như bà đã được chích một loại thuốc an thần nào đó, cả những bắp thịt cáu gắt với Brenda quanh mắt và miệng bà cũng dãn ra.
Brenda, không đeo kính, đã mặc váy xong đâu vào đấy; khi nàng nhìn tôi thì cái nhìn có vẻ mệt mỏi và lờ đờ, và tuy những người khác có thể lý giải đó là do thiếu ngủ, nhưng trong thâm tâm tôi lại nghĩ đó là sự thèm khát. Sau cùng bà Patimkin cũng phát biểu rằng nàng đã mua một cái váy rất đẹp còn tôi nói trông nàng rất dễ thương và Harriet bảo nàng rất đẹp và lẽ ra nàng phải là cô dâu, thế là có một khoảng im lặng khó chịu khi mọi người thầm hỏi ai sẽ là chú rể của nàng.
Khi bà Patimkin đã kéo Harriet vào bếp, Brenda đến bên tôi và nói, “Lẽ ra em phải là cô dâu.”
“Đúng thế, em cưng.” Tôi hôn nàng, và đột nhiên nàng bật khóc.
“Chuyện gì vậy, em yêu?” tôi hỏi.
“Mình ra ngoài đi.”
Ở bãi cỏ, Brenda thôi khóc nhưng giọng nàng nghe rất mệt mỏi.
“Neil, khi ở New York em đã gọi cho Dưỡng đường Margaret Sanger.” nàng nói.
Tôi không đáp.
“Neil, họ hỏi em đã có gia đình chưa. Chúa ơi, cái bà đó ăn nói y hệt mẹ em…”
“Rồi em nói sao?”
“Em nói chưa.”
“Rồi bà ta nói gì?”
“Em không biết. Em gác máy.” Nàng bỏ đi và vòng quanh cây sồi. Khi ló ra sau gốc cây, nàng đã bỏ giày và bám một tay lên cây, cứ như đang khiêu vũ vòng quanh cây cột kết hoa trong lễ hội mùa xuân.
“Em có thể gọi lại mà,” tôi nói.
Nàng lắc đầu. “Không, em không thể. Thậm chí em không hiểu tại sao mình lại gọi họ nữa. Tụi em đang mua sắm và tự nhiên em bỏ đi, xem lại số điện thoại và gọi cho họ.”
“Vậy em có thể tới gặp một bác sĩ nào đó.”
Nàng lại lắc đầu.
“Coi kìa, Bren,” tôi nói, bước vội lại chỗ nàng, “Mình sẽ cùng đi, tới gặp bác sĩ. Ở New York…”
“Em không muốn tới mấy cái phòng mạch bẩn thỉu đó…”
“Không đâu. Mình sẽ tìm một tay phụ khoa bảnh nhất New York. Một tay có phòng nhận bệnh to bằng cái thương xá. Em thấy sao?”
Nàng cắn môi.
“Anh sẽ đi với em chứ?” nàng hỏi.
“Anh sẽ đi.”
“Tới phòng mạch luôn?”
“Em cưng, ông chồng không vào phòng mạch.”
“Không à?”
“Ông ta bận đi làm.”
“Nhưng anh đâu có bận.” Nàng nói.
“Anh đang kỳ nghỉ,” tôi nói, nhưng tôi không trả lời vào câu hỏi. “Bren, anh sẽ chờ và khi em làm xong tụi mình sẽ uống mừng. Mình sẽ đi ăn tối.”
“Neil, lẽ ra em không nên gọi Margaret Sanger – thật sai lầm.”
“Không sai đâu, Bren. Đó là việc đúng nhất mà mình có thể làm.” Nàng bước đi và tôi thấy kiệt sức với việc năn nỉ. Tôi có cảm giác lẽ ra tôi đã thuyết phục được nàng nếu tôi khôn khéo hơn chút đỉnh; nhưng tôi không muốn sự khôn lanh làm nàng đổi ý. Tôi im lặng khi nàng trở lại, và có lẽ chính cái đó, việc tôi chẳng nói gì cả đấy, đã khiến nàng sau cùng thốt ra, “Em sẽ hỏi mẹ coi mẹ muốn mình rủ Harriet đi cùng không…”


- o O o -

[1]Mary McCarthy (1912-1989) nữ văn sĩ Mỹ, quan tâm tới nữ quyền.
[2]Paris: con trai của vua Priam ở thành Troy. Theo truyền thuyết, anh ta được thần Zeus cử ra để chấm xem ba nữ thần – Hera, Athena và Aphrodite – ai là người đẹp nhất. Anh ta chọn Aphrodite (thần tình yêu và sắc đẹp) vì nữ thần này hứa cho anh ta quyến rũ được người đàn bà đẹp nhất dưới trần.

NghiDung
01-07-2010, 03:21 PM
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái nóng bức và nhớp nháp của buổi chiều đó khi chúng tôi lái xe tới New York. Đó là ngày thứ tư kể từ bữa nàng ghé Margaret Sanger- nàng cứ trì hoãn đi trì hoãn lại, nhưng sau cùng vào hôm thứ Sáu, ba ngày trước lễ cưới của Ron và bốn ngày trước hôm trở lại đại học, chúng tôi đã chạy xe qua đường hầm Lincoln, nó có vẻ dài hơn và nhiều khói hơn bao giờ hết, cứ như một địa ngục lót gạch men vậy. Sau cùng chúng tôi cũng đến New York và lại chết ngộp vì một ngày ngột ngạt. Tôi đảo vòng một anh cảnh sát chỉ mặc sơ mi trần đang điều khiển giao thông và chạy lên phía trụ sở Cục quản lý cảng để đậu xe.
“Em có tiền trả taxi không?” tôi hỏi.
“Anh không đi với em sao?”
“Anh tính ngồi quán chờ em. Ngay đây, tầng dưới.”
“Anh có thể đợi trong công viên Central. Phòng mạch ông ấy ngay bên kia đường.”
“Bren, có khác gì…” nhưng khi thấy ánh mắt của nàng tôi đành từ bỏ quán rượu máy lạnh để cùng nàng đi xuyên thành phố. Trời đột nhiên mưa ra khi taxi của chúng tôi chạy vào trung tâm, và khi mưa tạnh, đường phố ướt át và lấp lóa, và bên dưới lề đường là tiếng rầm rì của xe điện ngầm, và nói chung thì cứ như chúng tôi đang đi vào lỗ tai của một con sư tử.
Phòng mạch bác sĩ nằm trong cao ốc Squibb, đối diện thương xá Bergdorf Goodman và như thế là một chỗ ngon lành cho Brenda sắm thêm quần áo. Vì lý do gì đó chúng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện Brenda tới một bác sĩ ở Newark, có lẽ vì như thế là quá gần nhà và có khả năng bị phát hiện. Khi Brenda đến cánh cửa xoay nàng quay lại nhìn tôi; mắt nàng long lanh, cho dù sau lớp kính cũng thấy, và tôi không nói một lời, e rằng một lời, bất kỳ lời nào, cũng có thể gây hậu quả. Tôi hôn tóc nàng và ra hiệu rằng tôi sẽ ở chỗ vòi nước quảng trường ngay bên kia đường, và tôi nhìn theo nàng đi qua cánh cửa xoay. Ở ngoài đường xe cộ di chuyển chậm chạp cứ như cái ẩm ướt đã biến thành một bức tường chặn mọi thứ lại. Ngay cả cái vòi nước hình như cũng đang phun nước sôi lên những người ngồi quanh đó, và trong một thoáng tôi quyết định không băng qua đường mà theo Đại lộ Năm xuôi về phía nam và bắt đầu đi trên lề đường nóng hổi đến nhà thờ St. Patrick. Ở bậc thềm phía bắc nhà thờ một đám đông đã tụ lại; mọi người đang nhìn một cô người mẫu đứng cho chụp hình. Cô nàng mặc một chiếc váy màu vàng chanh với mũi chân chìa ra như một vũ viên ballet, và khi đi vào nhà thờ tôi nghe một bà nói, “Nếu tôi ăn pho mát trắng mỗi ngày mười lần thì tôi không gầy gò thế này.”
Bên trong nhà thờ mát hơn nhiều, có thể sự yên tĩnh và những ngọn nến chập chờn khiến tôi nghĩ thế. Tôi chọn một chỗ tuốt phía sau và do tôi không muốn qùi xuống nên đành chồm tới tựa vào lưng ghế phía trước, rồi chắp hai tay và nhắm mắt lại. Tôi tự hỏi mình trông giống một người Thiên chúa giáo không, và trong nỗi hoang mang tôi bắt đầu một bài diễn văn nho nhỏ với chính mình. Những lời đầy ý thức ấy của tôi có thể gọi là lời cầu nguyện không? Dù gì tôi vẫn gọi người lắng nghe tôi là Thượng Đế. Thưa ngài, tôi nói, con đã hăm ba. Con muốn làm tốt mọi chuyện. Bây giờ bác sĩ sắp gả Brenda cho con, mà con không hoàn toàn chắc chắn rằng đây là điều tốt nhất. Con yêu cái gì vậy, Chúa ơi? Tại sao con lựa chọn? Brenda là ai? Cuộc đua đã đến mức chóng mặt. Con có nên ngừng lại để suy nghĩ không?
Tôi chẳng nhận được câu trả lời nào, nhưng cứ tiếp tục. Nếu chúng con được gặp ngài, Thượng Đế ạ, ấy bởi vì chúng con là người phàm, và tham lam, và do đó có phần của ngài. Con là phàm trần, và con biết ngài chấp thuận, con chỉ biết thế. Nhưng làm sao con thành phàm trần được? Con tham lam. Bây giờ con biết trông vào đâu trong cơn tham lam này? Chúng ta gặp nhau ở đâu? Ngài là phần thưởng gì?
Đó là một cuộc suy ngẫm sáng suốt, nhưng đột nhiên tôi thấy xấu hổ. Tôi đứng dậy và đi ra ngoài, và âm thanh ngoài Đại lộ Năm đem lại cho tôi câu trả lời:
Mày nghĩ phần thưởng nào, thằng ngốc? Dụng cụ ăn bằng bạc, những cái cây dụng cụ thể thao, những quả đào, những bãi hủy rác, những cái mũi sạch mụn, Bồn Patimkin…
Nhưng mẹ kiếp, Thượng Đế ạ, chính là ngài đấy!
Và Thượng Đế chỉ cười, cái thằng hề đó.
Trên những bậc thềm quanh vòi nước tôi ngồi trong một đường cầu vồng nhỏ mà nắng hắt lên qua làn nước phun. Và rồi tôi thấy Brenda bước ra khỏi cao ốc Squibb. Nàng chẳng cầm gì theo, cứ như một phụ nữ chỉ đi ngắm hàng bày sau cửa kính, và trong thoáng chốc tôi thấy vui vì sau cùng nàng đã cưỡng lại ước muốn của tôi.
Tuy nhiên, khi nàng băng qua đường, cảm giác hơi bông lơn đó qua đi và tôi lại là chính mình như cũ.
Nàng bước tới chỗ tôi và nhìn xuống nơi tôi đang ngồi; khi nàng hít vào, nàng căng cả người ra, và rồi nàng thở ra thành tiếng “Phuù!”
“Nó đâu?” tôi hỏi.
Ban đầu, câu trả lời cho tôi chỉ là cái nhìn đắc thắng của nàng, cái nhìn nàng dành cho Simp vào buổi tối nàng đánh bại cô ta, cái nhìn tôi nhận được vào buổi sáng tôi chạy vòng thứ ba một mình. Sau cùng nàng nói, “Em đeo nó rồi.”
“Ồ, Bren.”
“Ông ấy hỏi để tôi gói lại hay cô mang vô luôn?”
“Ôi Brenda, anh yêu em.”
Tối hôm đó tụi tôi ngủ với nhau, và hai đứa bồn chồn với món đồ chơi mới tới độ chúng tôi làm ăn cứ như con nít ở nhà trẻ, hoặc (theo ngôn ngữ của xứ đó) giống như một trận đấu bóng thối tha mà chúng tôi là hai kẻ bị đuổi khỏi sân. Và ngày hôm sau hầu như chúng tôi không gặp nhau, vì với đủ chuyện giờ chót của đám cưới cứ loạn cả lên, nào điện báo, la hét, quát tháo, kêu khóc, chạy nháo nhào – tóm lại, điên khùng hết. Ngay cả những bữa ăn cũng mất đi cái vẻ ê hề kiểu Patimkin, và chỉ rặt mấy thứ như pho mát, hành, xúc xích, gan bằm và cốc tai trái cây. Suốt đợt cuối tuần đó thật nhộn nhạo, và tôi đã cố hết sức để tránh xa trung tâm bão, ở đó Ron, vụng về và toe toét cười, với Harriet, thẹn thùng và lễ phép, ngày càng quấn lấy nhau. Đến tối Chủ nhật sự mệt mỏi đã tới mức khủng hoảng và cả nhà Patimkin, trong đó có Brenda, đã đi ngủ sớm. Khi Ron vào phòng tắm đánh răng tôi quyết định cũng đi đánh răng luôn. Khi tôi đứng trước bồn rửa thì anh ta sờ thử khố lót xem còn ướt cỡ nào rồi vắt nó lên nút vòi sen và hỏi tôi có thích nghe mấy đĩa nhạc của anh ta một lát không. Tôi nhận lời chẳng phải vì cô đơn hay chán đời, mà vì thấp thoáng bắt gặp lại tình bạn thời còn đi học giữa những thứ xà bông nước nôi gạch men này, và tôi nghĩ có lẽ lời rủ rê của Ron xuất phát từ mong ước được sống những phút sau cùng của đời độc thân với một tay độc thân khác. Nếu tôi đoán đúng thì đó là khẳng định thực sự đầu tiên của anh ta dành cho chất đàn ông của tôi. Sao tôi từ chối được?
Tôi ngồi trên cái giường đôi bỏ không.
“Muốn nghe Mantovani không?
“Muốn chứ,” tôi nói.
“Anh thích ai hơn, tay này hay Kostelanetz?”
“Tay nào cũng được.”
Ron đi lại cái tủ. “Nè, còn đĩa Columbus thì sao? Có bao giờ Brenda cho anh nghe không?”
“Chưa. Chắc vậy.”
Anh ta rút đĩa trong vỏ bọc ra, và giống một gã khổng lồ với một cái vỏ sò, anh ta cẩn thận đặt nó vào máy quay đĩa. Rồi anh ta mỉm cười với tôi và nằm ngửa ra trên giường. Hai tay anh ta xếp sau gáy và mắt dán lên trần, “Đứa nào ra trường cũng được một đĩa, cùng với cuốn kỷ yếu…” nhưng anh ta im lặng ngay khi nghe âm thanh trỗi lên. Tôi nhìn Ron và lắng nghe.
Ban đầu chỉ có một loạt tiếng trống, rồi im lặng, rồi trống dồn tiếp… và rồi nhẹ nhàng, một bản hành khúc, tiết tấu nghe rất quen thuộc. Khi bản nhạc kết thúc, tôi nghe những tiếng chuông, nhẹ vang vang, rồi dịu nhẹ lại. Và sau cùng là một giọng nói, trầm và xa xôi, kiểu giọng thường nghe thấy trong những phim tài liệu về sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít.
“Năm là năm 1965. Mùa là mùa thu. Địa điểm là Đại học bang Ohio…”
Tổng tấn công! Ngày phán xét cuối cùng! Thượng Đế đã giáng gậy xuống, và Đội hợp xướng bang Ohio đang vây lấy khuôn viên đại học cứ như linh hồn của họ tùy thuộc vào đó. Sau một đoạn đồng ca dữ dội, nó rơi xuống, tuy vẫn còn gào thét, vào cõi hôn mê vô tận, và giọng nói lại vang lên.
“Lá đã bắt đầu úa màu và đỏ cạch lên trên cây. Những đống lửa um khói sáng lên dọc Dãy nhà Hội sinh viên, khi những chuẩn hội viên quét gom những chiếc lá và tung chúng vào màn sương mờ. Những khuôn mặt cũ đón chào những khuôn mặt mới, những khuôn mặt mới gặp gỡ những khuôn mặt cũ, và một năm học mới đã bắt đầu…”
Aâm nhạc. Dàn hợp xướng trở lại huy hoàng. Rồi vẫn giọng nói ấy: “Địa điểm, hai bờ sông Olentangy. Sự kiện, trận đấu cựu sinh viên, 1956. Đối thủ, bọn Illini cực kỳ nguy hiểm…”
Tiếng gào la của đám đông. Giọng nói khác – của Bill Stern: Illini nhận banh. Giao banh. Linday lui ra sau để chuyền banh, anh ta phát hiện đồng đội không bị kèm, anh ném bóng dài dọc theo sân – và NÓ BỊ ĐÓN CHẶN BỞI SỐ 43, HERB CLARK CỦA BANG OHIO! Clark thoát qua một hậu vệ truy cản, thoát qua một đối thủ nữa khi đến được giữa sân. Bây giờ anh đang đảo qua một hậu vệ, anh chạy xuống tới vạch 45, rồi 40, và 35…”
Và khi Bill Stern ép vào Clark, và Clark, Bill Stern, Ron, nằm trên giường, với thân thể cựa quậy chút đỉnh, đẩy Herb Clark qua vạch khung thành.
“Và bây giờ Ohio dẫn trước 21- 19. Trận đấu quá hay!”
Giọng nam trung của lịch sử lại xen vào: “Nhưng mùa giải hết thăng lại trầm, và đến lúc những bụi tuyết đầu tiên phủ trên mặt cỏ, thì âm thanh nhồi banh lách chách và tiếng gào Tiến lên, nhào vô! Lại vang vang khắp nhà thi đấu có mái che…”
Ron nhắm mắt lại.
“Trận Minnesota,” một giọng nam cao khác thông báo, “và đối với một số sinh viên năm cuối của chúng ta thì đây là trận cuối cùng của họ trong màu áo đỏ trắng… Các đấu thủ đã sẵn sàng ra sàn đấu trước sự chờ đợi của khán giả. Sẽ có tiếng vỗ tay vang dội từ đám đông sôi nổi này vì một số đấu thủ sẽ không còn xuất hiện trong năm tới nữa. Đây, Larry Gardner số 7, đã bước ra sân đấu, Big Larry từ Akron, Ohio…”
“Larry…” tiếng loa phóng thanh thông báo; “Larry,” đám đông gào đáp lại.
“Và đây là Ron Patimkin thong thả chạy ra. Ron, số 11, từ Short Hills, New Jersey. Trận đấu cuối cùng của Big Ron, và phải rất lâu thì các fan hâm mộ của đội Buckeyes mới quên được anh…”
Big Ron cứng người trên giường khi loa phóng thanh gọi tên anh ta; tiếng hoan hô của anh ta hẳn đã khiến những mành lưới rung lên. Rồi tên các đấu thủ khác cũng được xướng lên, rồi mùa bóng chày cũng qua đi, và đến Tuần tôn giáo, Dạ hội sinh viên năm cuối (Billy May gào vang mái nhà thi đấu thể dục), Đêm liên hoan của Hội sinh viên, thi sĩ E.E. Cummings đọc cho sinh viên nghe (thơ, im lặng, hoan hô); và rồi, sau cùng, là lễ phát bằng tốt nghiệp:
“Khuôn viên đại học lặng đi trong ngày đặïc biệt này của tất cả mọi ngày. Với mấy ngàn thanh niên thiếu nữ đây là một ngày rất vui mà cũng rất nghiêm trang. Với cha mẹ của họ đó là một ngày của tiếng cười và cũng là ngày của nước mắt. Đó là một ngày xanh ngát, ngày bảy tháng sáu năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy và với những người Mỹ trẻ tuổi này đây là ngày xao xuyến nhất trong đời của họ. Với rất nhiều sinh viên, đây sẽ là lần cuối trong nhiều, rất nhiều năm sắp tới, họ còn được ngắm nhìn khuôn viên đại học này, ngắm nhìn Columbus. Cuộc đời vẫy gọi chúng ta, và chúng ta bước vào thế giới này một cách náo nức nếu không muốn nói là bồn chồn và rời xa những niềm vui giữa các bức tường leo đầy dây thường xuân này. Nhưng không rời xa ký ức về nó. Nó sẽ là đồng hành, nếu không muốn nói là nền tảng, cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta sẽ chọn chồng chọn vợ, chúng ta sẽ chọn nghề nghiệp và mái ấm, chúng ta sẽ có con có cháu, nhưng chúng ta sẽ không quên ngươi, bang Ohio. Trong bao năm sắp tới chúng ta sẽ luôn mang theo những kỷ niệm về ngươi, bang Ohio ơi…”
Chậm rãi, dịu dàng, dàn đồng ca Đại học bang Ohio cất lên bài hành khúc của trường rồi chuông vang báo giờ khắc cuối cùng ấy. Dịu, rất dịu, vì đó là mùa xuân.

NghiDung
01-07-2010, 03:21 PM
Đôi tay nổi rõ gân máu của Ron mọc gai ốc khi giọng nói tiếp tục. “Chúng tôi hiến thân mình cho ngươi, rồi cho cả thế giới, và tìm về ngươi để tìm lẽ sống. Và với ngươi, bang Ohio, với ngươi Columbus, chúng tôi xin nói lời cảm ơn, cảm ơn và tạm biệt. Chúng tôi sẽ rất nhớ ngươi, vào mùa thu, mùa đông, mùa xuân, nhưng một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở lại. Còn từ giờ cho đến ngày đó, xin tạm biệt, bang Ohio, chia tay thôi, màu trắng đỏ, chia tay thôi, Columbus… Chia tay thôi, Columbus… chia tay thôi…”
Cặp mắt Ron nhắm lại. Ban nhạc tuôn ra đoạn nhạc hoài niệm cuối cùng, và tôi rón rén ra khỏi phòng, cùng nhịp chân bước với 2163 sinh viên của khóa 1957 ấy.
Tôi đóng cửa phòng lại, nhưng rồi lại mở ra và nhìn qua phòng Ron: anh ta vẫn còn âm ư trên giường. Ôi trời! Tôi thầm nghĩ, ông anh vợ của tôi!
Đám cưới.
Cho tôi bắt đầu với đám họ hàng.
Có gia đình bên bà Patimkin: gồm bà em là Molly, một mụ béo tốt vú to đùng có cổ chân phì đại phủ xuống đôi giày, và là kẻ sẽ nhớ mãi đám cưới của Ron chẳng vì lý do nào khác ngoài chuyện bà ta phải hy sinh bàn chân mình trong đôi giày gót cao cả tấc, rồi có ông chồng mập lù của bà Molly là Harry Grossbart, một kẻ đã làm giàu nhờ lúa mạch với bắp ngô để nấu rượu trong thời kỳ cấm rượu.[1] Bây giờ ông ta hoạt động tích cực trong Đền thờ và lúc nào gặp Brenda ông ta cũng vỗ vào mông nàng; tôi đoán đó là một cung cách của dân buôn rượu lậu đã được coi là cách bày tỏ tình cảm gia đình. Lại còn có Marty Kreiger, ông anh của bà Patimkin nữa. Đó là ông vua ngành sản xuất thức ăn nhanh Kosher,[2] một ông to tướng có mấy lớp cằm thì cũng có bấy nhiêu lớp bụng, và lúc này, ở tuổi năm mươi lăm, ông ta đã có số lần tai biến tim mạch bằng số lớp cằm và lớp bụng cộng lại. Ông ta vừa mới đi nghỉ dưỡng ở Catskills về, ông ta nói ở đó ông chẳng ăn gì khác ngoài món All-Bran và chơi bài gin rummy thắng được 1.500 đô. Khi anh thợ chụp ảnh tới hành nghề, Marty đặt tay lên bộ ngực xẹp lép của bà vợ và nói, “Ê, chụp vầy coi đã chưa!” Sylvia, bà vợ, là một phụ nữ ốm yếu còm nhom với khung xương mảnh mai như xương chim. Bà ta khóc suốt lễ cưới, và thực tình đã nức nở tồ tồ khi giáo sĩ tuyên bố Ron và Harriet là “vợ chồng trước mặt Thượng Đế và Bang New Jersey.” Sau đó, trong bữa tiệc, bà ta đã cứng cỏi trở lại đủ để đập vào tay chồng khi ông này tính nhón lấy một điếu xì gà. Tuy nhiên, khi ông ta quàng vai để đặt tay lên ngực bà, bà chỉ trông hơi hoảng hốt thôi và chẳng phản đối gì cả.
Kế đến là hai bà chị sinh đôi của ông Patimkin, Rose và Pearl, cả hai có tóc bạch kim, y như màu chiếc Lincoln mui trần, và có giọng mũi, họ có hai ông chồng đi theo nhưng chỉ nói chuyện với nhau, cứ như bà chị lấy cô em còn hai ông chồng kia lấy nhau. Hai ông này tên là Earl Klein và Manny Kartzman, ngồi cạnh nhau lúc làm phép cưới, rồi ở bàn tiệc, có một lần, khi ban nhạc chơi trong khi chờ dọn món kế tiếp, họ đã đứng dậy, cả Klein và Kartman, cứ như để khiêu vũ, nhưng họ lại đi về cuối đại sảnh rồi cùng nhau đếm bước theo chiều rộng của đại sảnh. Sau này tôi mới biết Earl buôn bán thảm, và rõ ràng ông ta đang cố tính ra mình sẽ kiếm được bao nhiêu nếu Khách sạn Prince làm phước mua thảm của ông ta.
Về phía họ nhà ông Patimkin thì chỉ có mỗi Leopold, anh em ghẻ của ông. Leopold cưới một bà tên là Bea, người mà coi bộ chẳng có ai nói chuyện. Bà Bea cứ chạy tới chạy lui trong bữa tiệc và ghé lại bàn của lũ trẻ để xem Sharon, con gái bà ta, có được chăm sóc tử tế không. “Tôi đã bảo bà ấy đừng dẫn con theo. Mướn một cô giữ trẻ đi, tôi bảo vậy.” Leopold kể lể với tôi trong khi Brenda khiêu vũ với anh phù rể Ferrari. “Bà ấy nói ông nghĩ mình là ai, triệu phú chắc? Không, lạy Chúa, nhưng ông anh tôi lấy vợ cho con, tôi có thể ăn mừng chút đỉnh chứ. Không, mình sẽ mang đứa bé theo. Aah, để có chuyện cho bà ấy làm!…” Ông ta nhìn quanh đại sảnh. Trên sân khấu Harry Winters (tên thật là Weinberg) đang chỉ huy ban nhạc chơi một liên khúc từ các bài trong phim My Fair Lady; dưới sàn nhảy, đủ lứa tuổi, kích cỡ, kiểu dáng, đang khiêu vũ. Ông Patimkin nhảy với Julie, váy của con bé đã tuột khỏi vai làm lộ ra khoảng lưng nhỏ mềm mại, và cái cổ dài, giống như cổ Brenda. Ông ta nhảy trong những ô nhỏ và rất cố gắng để đừng dẫm vào ngón chân Julie. Harriet, như mọi người nói, là một cô dâu xinh đẹp, đang khiêu vũ với cha ruột. Ron nhảy với mẹ vợ, Brenda với Ferrari, và tôi đã ngồi một hồi lâu trên một ghế trống cạnh Leopold để tránh bị lôi vào chuyện khiêu vũ với bà Patimkin vốn là đích nhắm của mọi vật thể chuyển động.
“Anh là bạn của Brenda, hử?” Leopold hỏi.
Tôi gật đầu – từ đầu hôm tôi đã thôi cái trò đưa ra những giải thích sặc mùi bẽn lẽn. “Ngon ăn đó, cậu trai,” Leopold nói, “đừng làm hỏng chuyện.”
“Cô ấy rất đẹp,” tôi nói.
Leopold tự rót một ly sâm banh, và chờ đợi cứ như ông ta mong có một cái đầu sẽ mọc lên ở đó; khi chẳng có cái nào mọc ra, ông rót tràn tới miệng ly.
“Đẹp, không đẹp, có khác gì đâu. Tôi là người thực tế. Tôi đang ở tuốt dưới đáy, nên tôi phải vậy. Nếu anh là Aly Khan thì anh mới lo nghĩ chuyện cưới ngôi sao màn bạc. Tôi rành chuyện đó quá mà… Anh biết hồi lấy vợ tôi bao nhiêu tuổi không? Ba mươi lăm. Tôi không hiểu mình lúc đó đang vội vã cái quái qủi gì.” Ông ta cạn ly và lại rót đầy. “Để tôi kể anh nghe, một chuyện tốt đẹp xảy đến với tôi trong cả một đời. Có thể là hai điều. Trước khi từ nước ngoài trở về tôi nhận được thư của vợ – lúc đó cô ấy chưa là vợ tôi đâu. Mẹ vợ tôi kiếm được một căn hộ ở Queens cho tụi tôi. Sáu mươi hai đô rưỡi một tháng. Đó là chuyện tốt đẹp sau cùng từng đến với tôi.”
“Còn chuyện thứ nhất?”
“Thứ nhất nào?”
“Thì ông nói có hai chuyện.”
“Tôi không nhớ. Tôi nói có hai bởi vì vợ tôi cứ nói tôi là đứa chua cay và hoài nghi. Kiểu như vậy có lẽ bà ấy không hề nghĩ tôi khôn ngoan cỡ nào.”
Tôi thấy Brenda và Ferrari tách ra, nên cáo lỗi và cất bước về phía nàng, nhưng ngay lúc đó ông Patimkin rời Julie và trông cứ như hai tay đó sắp đổi bạn nhảy cho nhau. Nhưng té ra cả bốn cứ đứng trên sàn nhảy và khi tôi đến gần thì họ đang cười và Julie thốt lên, “Mắc cười thiệt!” Ferrari nói “Chào” với tôi và kéo Julie đi, làm con bé này bật lên cười khanh khách.
Ông Patimkin đặt một tay lên lưng Brenda và đột nhiên tay kia đặt lên lưng tôi. “Hai đứa vui chơi thoải mái không?” ông hỏi.
Chúng tôi hơi đong đưa thân hình, cả ba người, theo bài hát “Get Me to the Church on Time.”
Brenda hôn bố nàng. “Dạ,” nàng nói. “Con say đến độ cái đầu không cần đến cổ nữa.”
“Đám cưới quá tuyệt, bác Patimkin ạ.”
“Có cần gì cứ nói với tôi…” ông bảo, chính ông cũng ngà ngà. “Hai đứa tốt lắm… Con thấy thích chuyện anh mình lập gia đình không?… Hử?… Kia là con gái hay đây là con gái?”
Brenda mỉm cười, và tuy rõ ràng nàng nghĩ bố nói về mình, nhưng tôi tin chắc ông đang nói tới Harriet.
“Bố thích đám cưới không, bố?” Brenda hỏi.
“Bố thích đám cưới của con bố…” Ông ta vỗ vào lưng tôi. “Hai đứa, có cần gì không? Cứ vui chơi thoải mái nhé. Nhớ nghe,” ông nói với Brenda, “Con là con gái cưng của bố…” Rồi ông ta nhìn qua tôi. “Bất cứ gì con gái tôi muốn thì cũng tốt đẹp cho tôi hết. Không có chuyện làm ăn nào quá lớn đến độ không thể xài thêm một cái đầu nữa.”
Tôi mỉm cười, tuy không hẳn là cười với ông ta, và đàng xa tôi còn thấy được Leopold đang cạn ly sâm banh và nhìn ba người chúng tôi; khi gặp ánh mắt tôi ông ta đưa tay ra dấu với ngón cái và ngón trỏ làm thành một vòng tròn, ngụ ý, “Nó đó, nó đó!”
Sau khi ông Patimkin bỏ đi, tôi với Brenda ôm nhau khiêu vũ, và chúng tôi chỉ ngồi xuống khi các anh bồi bàn bắt đầu đi vòng vòng mời món chính. Bàn tiệc chính rất ồn, nhất là ở đầu bàn phía chúng tôi nơi bọn thanh niên hầu hết là đồng đội của Ron, ở môn thể thao này hoặc môn nọ; bọn họ ăn cả đống bánh kếp cuộn. Tank Feldman, bạn cùng phòng của Ron, từ Teledo bay về dự đám cưới, cứ bắt anh bồi đi lấy thêm bánh cuộn, cải, ô liu, và lúc nào cũng làm hài lòng Gloria Feldman, vợ hắn ta, một con mụ thiếu dinh dưỡng, nhộn nhạo, lúc nào cũng nhìn xuống ngực cứ như bên dưới lớp áo ấy đang tiến hành một công trình xây dựng nào đó. Gloria và Tank, thực ra, có vẻ là chỉ huy tự phong ở đầu bàn này. Họ hô hào uống mừng, ồ ồ lên hát, và cứ liên tục gọi tôi với Brenda là “đôi uyên ương.” Brenda nhe nanh cười trước kiểu nói đùa này và tôi moi được một vẻ mặt hào hứng từ cái tâm nhĩ lừa đảo nào đó của con tim tôi.
Và đêm cứ tiếp tục: chúng tôi ăn, chúng tôi uống, chúng tôi nhảy – Rose và Pearl nhảy điệu Charleston với nhau (trong khi hai ông chồng của họ đi nghiên cứu đồ gỗ và các chùm đèn), và rồi đến tôi nhảy Charleston với chẳng ai khác hơn mụ Gloria Feldman, mụ này trong lúc nhảy cứ bày ra với tôi một bộ mặt thẹn thùng bẽn lẽn thấy phát ớn. Lúc gần tàn cuộc, Brenda, nãy giờ đã uống sâm banh y như ông chú Leopold, biểu diễn sô lô một màn tango theo kiểu Rita Hayworth, còn Julie đã ngủ gục trên một mớ dương sỉ nó gom từ bàn tiệc chính và rải thành một lớp nệm ở cuối đại sảnh. Tôi thấy một cảm giác tê cứng lan tới vòm miệng, và đến ba giờ sáng thì người ta mặc cả áo khoác để khiêu vũ, những qúi bà chân không giày đang gói những miếng bánh cưới vào khăn ăn để dành làm bữa trưa mai cho lũ trẻ, và sau cùng Gloria Feldman đi lại cuối bàn chỗ chúng tôi và hỏi, một cách tươi tỉnh, “Nào, cô sinh viên Radcliffe thông minh của tôi, suốt mùa hè cô làm gì nè?”
“Nuôi một con ‘cu’.”
Gloria mỉm cười và biến đi mau lẹ như khi xuất hiện vậy, còn Brenda không nói thêm một lời khật khưỡng đi về phía phòng vệ sinh nữ để nhận phần thưởng cho việc quá chén. Nàng vừa đi khỏi là Leopold đến bên tôi liền, một tay cầm ly, tay kia là một chai sâm banh mới nguyên.
“Không thấy cô dâu chú rể đâu hết hả?” ông ta nói, nháy nháy mắt. Đến lúc này ông ta hết phát âm nổi những phụ âm và đang cố hết sức với những nguyên âm dài, ướt nhẹp. “Được rồi, kế tiếp là anh, nhóc ạ, tôi thấy điều đó qua những quân bài… Anh đâu phải thứ dễ qua mặt…” và ông ta thúc cổ chai vào hông tôi, làm đổ cả sâm banh ra chiếc áo vest đi thuê của tôi. Ông ta đứng thẳng dậy, rót thêm một mớ nữa ra ly và bàn tay, nhưng đột nhiên ông ta ngưng lại. Ông ta nhìn chằm chằm vào những bóng đèn được giấu bên dưới một tràng hoa dài trang trí phía trước bàn. Ông ta lắc lắc cái chai như để làm nó sủi bọt lên. “Cái thằng chó đẻ chế ra đèn huỳnh quang chết tươi đi cho rồi!” Ông ta đặt chai xuống và uống.
Trên sân khấu Harry Winters cho nhạc công nghỉ. Tay đánh trống đứng dậy, vươn vai, và cả bọn bắt đầu mở hộp cất nhạc cụ đi. Dưới sàn nhảy, bà con, bạn bè, đồng sự, bá vai quàng hông nhau, và những đứa bé đeo vào chân bố mẹ chúng. Có vài đứa chạy ra chạy vào, gào la chơi rượt bắt, cho đến khi một đứa bị người lớn nắm lại và đét mấy phát ra trò vào đít. Nó bật khóc, rồi từng cặp rời sàn nhảy. Cái bàn của chúng tôi là một đống hỗn độn đủ thứ: khăn ăn, trái cây, hoa; có cả những chai whisky đã cạn, những cành lá héo rũ, và mấy cái dĩa lầy nhầy món kem dâu ăn bỏ dở, đã trở nên nhơn nhớt. Ở cuối bàn ông Patimkin ngồi cạnh vợ, cầm tay bà ta. Đối diện họ, trên hai ghế kéo lại cạnh nhau, là ông bà Ehrlich. Họ nói chuyện lặng lẽ và đều đều, cứ như họ đã biết nhau qua vô số năm. Lúc này mọi sự đã chậm lại, và thỉnh thoảng lại có người đến bên ông bà Patimkin và Ehrlich để chúc mừng họ, rồi kéo bầy cả gia đình bước ra ngoài bầu trời đêm tháng Chín, có ai đó nhận xét trời mát và nhiều gió, khiến tôi nhớ ra chẳng bao lâu nữa là tới mùa đông và tuyết giá.
“Nó chẳng bao giờ hư, mấy thứ đó, anh biết mà,” Leopold trỏ những đèn huỳnh quang sáng sau đám hoa lá. “Nó xài được tới mấy năm. Tụi nó làm được cả một chiếc xe hơi như thế nếu muốn, thứ không bao giờ hư. Nó cứ cháy bất chấp mưa mùa hè hay tuyết mùa đông. Nhưng tụi nó không làm thế, mấy cha trùm đó là vậy… Còn tôi nè,” Leopold nói, làm văng sâm banh ra ngực áo, “Tôi bán một bóng đèn tốt. Anh không kiếm ra loại bóng đèn tôi bán trong một tiệm tạp phẩm đâu. Đó là bóng đèn chất lượng. Nhưng tôi là thứ tép riu. Chẳng có được một cái xe nữa. Đi đâu cũng bằng xe lửa. Tôi là thằng duy nhất mỗi mùa đông đi mòn ba đôi ủng cao su. Hầu hết người ta mua cái mới khi mất cái cũ. Còn tôi thì đi tới mòn luôn. Coi đó,” ông ta nói, chồm về phía tôi, “Tôi có thể bán thứ bóng đèn dổm, đâu hại gì cho tôi. Nhưng làm ăn như thế không bền.”
Vợ chồng nhà Ehrlichs và Patimkin cùng đẩy ghế ra và bỏ đi, ngoại trừ ông Patimkin bước về phía tôi với Leopold.
Ông ta vỗ vào lưng Leopold. “Sao, khoẻ không, bợm?”
“Khỏe thôi, Ben. Khoẻ thôi…”
“Đã đời chưa?”
“Anh được một chuyện vui đấy, Ben, chắc cũng tốn bộn tiền, tôi nói thiệt…”
Ông Patimkin bật cười. “Mỗi khi khai thuế lợi tức là tôi đi kiếm Leopold. Nó biết rõ tôi xài bao nhiêu tiền… Muốn quá giang về không?” ông ta hỏi tôi.
“Không, cám ơn bác. Cháu chờ Brenda. Cháu có xe mà.”
“Chúc ngủ ngon,” ông Patimkin nói.
Tôi nhìn theo ông ta bước khỏi bục kê bàn tiệc chính, và đi về phía lối ra. Bây giờ trong sảnh – một gian sảnh tan hoang – chỉ còn tôi, Leopold, bà vợ ông ta cùng đứa nhỏ đang ngủ, cả hai, gối đầu lên tấm khăn bàn cuộn tròn lại ở một cái bàn trước mặt chúng tôi. Brenda vẫn chẳng thấy đâu.
“Khi anh giành được nó,” Leopold nói, chà những ngón tay vào nhau, “anh có thể ăn nói như một tay tai to mặt lớn. Ai còn cần đến thằng như tôi nữa. Dân chào hàng, anh cứ nhổ vào bọn họ. Anh cứ tới siêu thị là mua được đủ thứ. Ở chỗ bà xã tôi đi mua sắm anh còn mua được cả vải trải giường với áo gối nữa. Tưởng tượng đi, chỉ là một cửa hàng tạp phẩm! Còn tôi, tôi bán hàng cho trạm xăng, nhà máy, doanh nghiệp nhỏ, lên xuống khắp bờ biển phía đông. Đương nhiên, anh có thể bán cho một thằng cha nọ ở trạm xăng một bóng đèn vớ vẩn xài một tuần là bứt. Vì trong các trụ bơm xăng mà tôi đang nói đó, nó cần một loại bóng đèn nào đó. Một bóng đèn thông dụng. Được thôi, nên anh bán cho y một bóng đèn dổm, và một tuần sau y gắn cái mới, và trong khi gắn y vẫn nhớ tên anh. Tôi thì không như thế. Tôi bán một bóng đèn chất lượng. Nó cháy được một tháng, năm tuần, thì mới bắt đầu bị nhấp nháy, rồi nó còn sáng cho anh thêm vài ba ngày nữa, có thể hơi mờ, nhưng cũng đỡ cho anh khỏi phải lần mò. Nó cầm cự được, đó là thứ bóng đèn chất lượng. Trước khi nó đứt bóng anh sẽ nhận thấy nó yếu dần, nên anh kịp mua cái mới. Cái mà người ta không ưa là mới sáng trưng đó lát sau đã tối hù. Phải cho nó tờ mờ vài ngày và họ đỡ cảm thấy khó chịu. Chưa có ai vất bóng đèn của tôi đi… họ cứ nghĩ có thể để dành được, có thể lúc kẹt lấy ra xài đỡ. Có khi tôi hỏi một thằng cha, ông có bao giờ vất đi một bóng đèn mua của Leopold Patimkin chưa? Mình phải xài tâm lý. Bởi thế nên tôi mới cho con học đại học. Thời buổi này mà không biết chút đỉnh tâm lý là tiêu…”
Ông ta giơ một tay lên chỉ về bà vợ rồi ông ta ngồi thụp xuống ghế. “Aaach!” ông ta kêu rồi làm một hơi hết nửa ly sâm banh. “Để tôi nói cho anh nghe, tôi đi đến tận New London, Connecticut. Tôi sẽ đi xa cỡ đó, và khi đêm xuống trở về nhà đầu tiên là tôi ghé lại làm vài ly. Rượu Martini đấy. Tôi làm hai ly, có khi ba. Vậy là vừa, phải không? Nhưng với bà ấy thì một hớp hay cả một bồn tắm thì cũng bốc mùi như nhau. Bà ấy bảo nếu tôi về nhà sặc sụa hơi men thì không tốt cho con cái. Nó còn nhỏ xíu, lạy Chúa tôi, bà ấy nghĩ tôi là phải có mùi như vậy. Một thằng bốn mươi tám tuổi với một đứa nhỏ ba tuổi! Với con bé ấy bà ta làm tôi bị nghẽn mạch máu mất. Mụ vợ tôi, bà ấy muốn tôi về nhà sớm và chơi với con trước khi nó đi ngủ. Bà ấy bảo cứ về nhà rồi tôi làm cho ông một ly. Hàa! Tôi phải cả ngày hít hơi xăng, lom khom dưới mui xe ở New London, cố mà gắn một bóng đèn phải gió vào ổ gắn… Tôi sẽ tự tay vặn nó vào, tôi bảo họ vậy… vậy mà bà ấy nghĩ tôi muốn về nhà và uống một miếng martini bằng cái ly nhựa vớ vẩn gì đó hả! Bà ấy nói ông định ngồi trong quán rượu bao lâu. Cho đến khi một cô Do Thái thành Hoa Hậu Rhinegold chắc!”
“Vậy đó,” ông ta nói tiếp sau khi cạn một ly nữa, “Tôi yêu con mình giống như Ben yêu Brenda của hắn vậy. Không phải là tôi không muốn chơi với nó. Nhưng nếu tôi chơi với con và tối lên giường ngủ với vợ, thế thì bà ta đừng mong có được điều bất ngờ gì ở tôi. Được cái này thì mất cái kia. Tôi đâu phải ngôi sao điện ảnh.”
Leopold nhìn cái ly đã cạn của mình và đặt nó lên bàn; ông ta dốc ngược chai và uống sâm banh cứ như nước sôđa. “Anh nghĩ mỗi tuần tôi kiếm được bao nhiêu?” ông ta hỏi.

NghiDung
01-07-2010, 03:22 PM
“Tôi không biết.”
“Đoán thử coi.”
“Một trăm đô.”
“Chắc cú, và ngày mai người ta sẽ thả sư tử khỏi mấy cái chuồng ở Công viên Central. Anh nghĩ tôi kiếm được bao nhiêu?”
“Không đoán được.”
“Một thằng tài xế taxi còn kiếm được nhiều hơn tôi. Thực vậy đó. Thằng em vợ tôi là tài xế taxi, nó sống ở Kew Gardens. Và hắn không kiếm ăn vớ vẩn đâu, không thưa ngài, không phải đám tài xế taxi đó đâu. Tuần rồi có một tối trời mưa và tôi bảo mẹ kiếp nó, mình sẽ vẫy một cái taxi. Tôi đã ở suốt ngày tại Newton, Massachusetts. Tôi thường không đi xa thế, nhưng buổi sáng ngồi trên xe lửa tôi tự nhủ, cố lên, hãy đi xa hơn, nó sẽ có một thay đổi. Và lúc đó tôi vẫn biết mình đang tự đùa cợt mình. Tôi thậm chí sẽ không kiếm được gì bù cho khoản lộ phí tăng thêm này. Nhưng tôi cứ kiên trì. Và đến tối tôi còn ế tới mấy hộp, nên khi thằng cha đó đậu xe trước Grand Central, có gì giống như thần thánh trong tôi bảo tôi hãy lên xe. Tôi thậm chí liệng đại thùng bóng đèn vào xe, chẳng cần biết chúng có vỡ hay không. Và cha tài xế nói, Tính làm gì vậy cha nội, làm rách mặt da hả? Tôi mới bọc lại nệm ghế đó. Đâu có, tôi nói. Chúa ơi, y nói, một số tay thổ tả. Tôi chui vào và cho hắn một địa chỉ ở Queens để y câm miệng đi, nhưng không, suốt dọc đường y cứ Chúa ơi với tôi mãi. Trong xe thì nóng, nên tôi mở một cửa sổ và thế là y quay lại nói, Tính làm gì đó cha nội, cho tôi lạnh gáy hả? Tôi vừa hết một đợt cảm cúm mặc dịch xong…” Leopold nhìn tôi, cặp mắt lờ đờ. “Thành phố này điên hết rồi! Nếu có chút tiền là tôi biến khỏi đây liền. Tôi sẽ đi California. Ở đó trời đất sáng sủa người ta không cần bóng đèn. Tôi đã từ San Francisco đi New Guinea hồi thế chiến. Chà chà,” ông ta thốt lên, “có một chuyện tốt đẹp nữa xảy đến với tôi, đêm đó ở San Francisco với Hannah Schreiber. Tức là cả hai vợ chồng nó, anh hỏi thì tôi sẽ nói – căn hộ mà mẹ vợ kiếm cho tụi tôi, và Hannah Schreiber này. Chỉ một đêm thôi. Tôi dự một buổi khiêu vũ B’nai Brith cho lính dưới tầng hầm một đền thờ lớn nọ, và tôi gặp cô ấy. Lúc đó tôi chưa lập gia đình, nên đừng có nhíu mày như vậy.”
“Tôi thì không đâu.”
“Cô ấy có một căn phòng nho nhỏ xinh xinh. Cô ấy sẽ đi học làm cô giáo. Tôi biết có điều gì đó đang xảy ra vì lúc ở trong taxi cô ấy cho tôi sờ bên trong quần lót. Nghe tôi này, tôi ăn nói cứ như lúc nào cũng đi taxi. Có lẽ trong đời tôi chỉ được hai lần khác nữa thôi. Nói thật tôi cũng không khoái gì chuyện đó. Lúc nào ngồi xe tôi cũng nhìn đồng hồ tính tiền. Ngay cả những lạc thú tôi cũng không hưởng được!”
“Còn Hannah Schreiber thì sao?”
Ông ta mỉm cười, lộ răng vàng lấp lánh. “Anh thấy thích cái tên đó không? Cô ấy chỉ là một thiếu nữ, nhưng lại có cái tên của một qúi bà. Trong phòng cô ấy nói với tôi là cô tin ở chuyện yêu nhau bằng mồm. Tôi chả hiểu cô ấy muốn nói cái quái qủi gì. Tôi mường tượng cô ấy thuộc hội Những nhà khoa học Thiên chúa giáo hay giáo phái gì đó đại loại như thế. Nên tôi nói, thế còn những người lính, bọn trai trẻ bị đưa ra nước ngoài và có thể bị giết, cầu Chúa thương họ.” Ông ta nhún vai. “Tôi chẳng phải thằng thông minh nhất trên đời. Nhưng hồi đó mới gần hai mươi, tôi còn ngu ngơ lắm. Nói thật với anh, thỉnh thoảng vợ tôi – anh biết đó, cũng làm cho tôi chuyện y hệt Hannah Schreiber đã làm. Tôi không thích bắt buộc bà ấy, bà ấy làm rất cực. Chuyện đó với bà ấy cũng như cái taxi với tôi vậy. Tôi sẽ không ép buộc bà ấy. Tôi còn nhớ rõ từng lần một. Thật đó. Một lần sau ngày kỷ niệm Xuất Hành,[3] mẹ tôi vẫn còn sống, cầu mong bà được yên nghỉ. Vợ tôi lên đây cùng với Mogen David. Sự thực là có tới hai lần sau lễ Xuất Hành. Aachhh! Những chuyện tốt đẹp trong đời tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Cầu chúa thương đừng khiến ai để lại cho tôi một triệu đôla, tôi sẽ thậm chí không cởi giầy ra nữa. Tôi có cả một bàn tay nữa mà.”
Ông ta cầm cái chai sâm banh gần cạn chỉ những ngọn đèn huỳnh quang. “Anh bảo đó là ngọn đèn hả? Đó là đèn để đọc sách hả? Thật báng bổ, lạy Chúa tôi! Một nửa số người mù trên thế giới này đã tự hại mình bằng những thứ khốn kiếp đó. Anh biết ai sau lưng nó không? Bọn bán kính thuốc đó! Để tôi nói cho anh nghe, nếu có ai trả tôi vài trăm cho toàn bộ số hàng và địa giới kinh doanh của tôi, thì mai tôi bán liền. Đúng thế, Leopold A. Patimkin, một học kỳ kế toán, lớp đêm Đại học City, sẽ bán hết thiết bị, địa giới kinh doanh, uy tín. Tôi sẽ cho đăng năm phân quảng cáo trên tờ Times. Địa giới kinh doanh là từ đây cho đến bất kỳ đâu. Tôi muốn đi đâu là đi, mình làm chủ mình, chẳng có thằng nào dạy bảo tôi phải làm gì. Anh biết Kinh Thánh chứ? Chúa phán, ‘Hãy có ánh sáng… và hãy có Leopold Patimkin!’ Đó là nhãn hiệu của tôi, tôi cũng bán luôn. Tôi bảo cho họ câu khẩu hiệu đó, họ nghĩ tôi đã đặt ra nó. Thông minh thì ích gì trừ phi anh còn cơ may thăng tiến. Trong ngón út của tôi còn có nhiều chất xám hơn nguyên một cái đầu của Ben. Vậy mà hắn lên tới đỉnh còn tôi thì ở dưới đáy! Ôi trời! Tin tôi đi, nếu anh sinh ra may mắn, thì anh sẽ may mắn!” Thế rồi ông ta ngồi im như thóc.
Tôi có cảm giác rằng ông ta sắp khóc, nên tôi nghiêng người qua thì thầm với ông ta, “Ông nên về đi.” Ông ta đồng ý, nhưng tôi phải đỡ ông ta đứng dậy và kè tay dìu ông ta tới chỗ bà vợ với con gái. Không đánh thức đứa con gái dậy được nên Leopold với Bea nhờ tôi trông chừng cô bé một lát để họ ra hành lang lấy áo khoác. Khi họ trở lại, Leopold coi bộ đã ngoi được trở lại mức giao tiếp bình thường. Ông ta bắt tay tôi với tình cảm thực sự. Tôi cũng rất cảm động.
“Anh sẽ tiến xa,” ông ta nói với tôi. “Anh là đứa thông minh, anh sẽ chơi an toàn được. Đừng làm hỏng mọi chuyện.”
“Không làm hỏng đâu.”
“Lần sau gặp lại mong sẽ là đám cưới của anh.” Rồi ông ta nháy mắt với tôi. Bea đứng gần đó, cứ lầm bầm tạm biệt trong khi ông ta nói chuyện. Ông ta lại bắt tay tôi rồi bế đứa con đang nằm trên ghế lên và họ đi ra cửa. Nhìn từ đàng sau, vai rũ, nặng nề, bế con cái, trông họ cứ như những người đang trốn chạy khỏi một thành phố bị chiếm đóng.
Tôi tìm thấy Brenda ngủ gục trên một trường kỷ ngoài tiền sảnh. Lúc đó đã gần bốn giờ sáng và chỉ hai đứa tôi với nhân viên tiếp tân là còn có mặt trong tiền sảnh khách sạn. Ban đầu tôi không đánh thức Brenda, vì trông nàng nhợt nhạt và mệt mỏi và tôi biết nàng đã bệnh. Tôi ngồi cạnh nàng, vuốt mái tóc của nàng ra sau tai. Tôi tự hỏi làm sao mà mình quen biết nàng, vì khi nàng ngủ tôi cảm thấy mình chẳng biết gì về nàng hơn những gì tôi có thể thấy trong một bức ảnh chụp. Tôi nhẹ nhàng lay nàng dậy và trong cơn ngái ngủ nàng bước cùng tôi ra xe.
Khi ra khỏi đường hầm Lincoln phía Jersey thì trời đã gần sáng. Tôi hạ đèn từ pha xuống cốt và chạy vào đường cao tốc, và ngoài kia trước mắt tôi là những đồng cỏ xâm xấp nước trải dài hết dặm này sang dặm khác, đẫm nước, loang lổ cỏ, nồng hương, như một chốn bị Thượng Đế bỏ quên. Tôi nghĩ đến một điều bị bỏ quên khác, Leopold Patimkin, ông em ghẻ của Ben. Trong mấy giờ nữa ông ta hẳn đã ở trên một chuyến xe lửa lên phương bắc, và khi đi qua những cánh đồng White và Scarsdale ông ta sẽ ợ hơi và thấy lại vị sâm banh và sẽ để mùi đó lưu lại ít lâu trong miệng. Trên ghế bên cạnh ông ta, như những hành khách khác, sẽ là những thùng bóng đèn. Ông ta có thể rời tàu ở New London, hoặc có thể, hứng chí vì hình ảnh ông anh ghẻ, ông ta sẽ đi tiếp, hy vọng tìm được cơ may mới ở miệt cực bắc. Vì địa giới kinh doanh của Leopold là cả thế giới, mọi thành phố, mọi đầm lầy, mọi con đường và xa lộ. Ông ta có thể đi tiếp đến Newfoundland nếu muốn, hay Vịnh Hudson, rồi lên tuốt Thule, và thả dốc qua mé bên kia địa cầu và gõ vào những khung cửa sổ đầy băng tuyết trên những thảo nguyên nước Nga, nếu ông ta muốn. Nhưng ông ta sẽ không muốn đâu. Leopold đã bốn mươi tám và ông ta đã hiểu ra. Ông cứ theo đuổi nỗi buồn và cảnh thiếu tiện nghi, được thôi, nhưng nếu bạn có đầy tâm sự khi tới New London, thì bạn còn mong tìm kiếm thảm cảnh nào nữa ở tận Vladivostok?
Ngày hôm sau gió đưa mùa thu về và những cành liễu rũ đã chạm xuống tận bãi cỏ trước nhà Patimkin. Buổi trưa tôi lái xe đưa Brenda ra xe lửa, và nàng chia tay tôi.


- o O o -

[1]Thời kỳ cấm rượu: Giai đoạn 1920-33 luật Liên bang Mỹ cấm sản xuất, chuyên chở và bán đồ uống có cồn, cũng là cơ hội làm giàu của giới buôn rượu lậu.
[2]kosher: loại thức ăn làm theo luật của dân Do Thái.
[3]Xuất hành (exodus): cuộc di cư của người Do Thái ra khỏi đất Ai Cập.

NghiDung
01-07-2010, 03:23 PM
Mùa thu đến thật nhanh. Trời lạnh và ở Jersey lá cây đổi màu và sau một đêm là rụng sạch. Ngày thứ Bảy kế tôi lại lên đó ngắm hươu nữa, và thậm chí không ra khỏi xe vì đứng bên hàng rào thì quá lạnh, thế nên tôi ngắm lũ thú đi và chạy trong bóng lờ mờ buổi chiều tàn, và một lát sau mọi thứ, ngay cả những vật thể thiên nhiên, những cội cây, đám mây, cỏ, rêu, đều gợi tôi nhớ đến Brenda, và tôi lái xe về Newark. Chúng tôi đã trao đổi những lá thư đầu tiên và một khuya nọ tôi có gọi điện cho nàng, nhưng trong thư và qua điện thoại chúng tôi khó mà khám phá được nhau; chúng tôi chưa có được phong cách ấy. Đêm đó tôi gọi cho nàng, và ai đó ở cùng tầng bảo nàng đã ra ngoài đến khuya mới về.
Khi trở lại thư viện làm việc tôi bị ông Scapello hạch hỏi về cuốn Gauguin. Cái ông quai hàm bự đã gửi một lá thư thối tha nói về chuyện bất lịch sự của tôi, và tôi chỉ có thể gỡ rối cho mình bằng cách bịa ra một câu chuyện lộn xộn bằng một giọng cau có. Sự thực, tôi còn xoay xở lật ngược được thế cờ khiến ông Scapello phải xin lỗi khi dẫn tôi đến chỗ làm việc mới, giữa đám bách khoa tự điển, sách tiểu sử, các bảng tra và chỉ dẫn. Trò cáu gắt ấy làm tôi ngạc nhiên, và tôi tự hỏi phải chăng tôi đã học được ít nhiều trò này từ buổi sáng tôi thấy ông Patimkin rủa xả Grossman qua điện thoại. Có lẽ tôi đã nhiễm máu doanh nhân nhiều hơn tôi nghĩ. Nghe chừng tôi có thể dễ dàng học được cách trở thành người trong nhà Patimkin…
Ngày trôi qua chậm chạp; tôi không bao giờ gặp lại cậu bé da màu ấy nữa, và một trưa nọ khi tôi nhìn qua các kệ sách, cuốn Gauguin đã biến mất, rõ ràng sau cùng ông quai hàm bự đã mượn được nó. Tôi tự hỏi cái ngày cậu bé da màu khám phá ra cuốn sách đã biến mất thì như thế nào. Cậu ta có khóc không? Vì lý do nào đó tôi tưởng tượng rằng cậu sẽ oán trách tôi vì chuyện này, nhưng rồi tôi nhận ra mình đang lẫn lộn giấc mộng của mình với thực tại. Rất có thể cậu ta đã khám phá ra những người khác, Van Gogh, Vermeer… Nhưng không, họ không phải loại họa sĩ cậu thích. Có thể cậu đã chán chuyện vào thư viện và đã trở lại chơi bóng chày trên đường phố. Tôi nghĩ cậu sẽ thấy vui sướng hơn. Cứ mang những giấc mơ về Tahiti trong đầu thì thật vô nghĩa, nếu mình không đủ tiền để tới đó.
Xem nào, tôi còn làm gì khác nữa? Tôi ăn, tôi ngủ, đi xem phim, chuyển những cuốn sách long gáy tới chỗ đóng bìa – tôi làm mọi chuyện từng làm trước đây, nhưng bây giờ mỗi hoạt động bị vây kín bằng một hàng rào, tồn tại một mình, và cuộc đời tôi là chuyện nhảy cóc từ hàng rào này sang hàng rào kế. Không có dòng trôi chảy nào cả, vì đã có Brenda.
Và rồi Brenda viết thư nói rằng nàng có thể về nhân dịp tết Do Thái vốn chỉ độ một tuần nữa là tới. Tôi vui mừng đến nỗi muốn gọi điện cho ông bà Patimkin, chỉ để cho họ hay về nỗi vui mừng của tôi. Tuy nhiên khi đến bên điện thoại và đã quay được hai số đầu, tôi biết rằng bên đầu dây kia sẽ ngớ ra; nếu có gì để nói thì chỉ có chuyện bà Patimkin sẽ hỏi, “Thế cậu muốn gì?” Còn ông Patimkin chắc đã quên luôn tên tôi rồi.
Đêm đó, sau bữa tối, tôi hôn dì Gladys và bảo bà không cần phải cực nhọc đến thế.
“Còn chưa đầy một tuần là tới Rosh Hashana, mà nó bảo tôi đi nghỉ. Tao phải chăm sóc mười người. Mày nghĩ gì vậy, con gà tự tắm rửa được hả? Tạ ơn Chúa, một năm mới có một cái tết, tao chắc già trước tuổi quá.”
Nhưng rồi dì Gladys chỉ phải coi sóc chín người, vì chỉ hai ngày sau khi tôi nhận lá thư Brenda đã gọi điện.
“Ôi Chúa ơi!” dì Gladys kêu lên. “Điện thoại đường dài!”
“A lô?” tôi hỏi.
“A lô, cưng hả?”
“Phải,” tôi đáp.
“Cái gì vậy?” dì Gladys kéo áo tôi. “Cái gì vậy?”
“Điện của con mà.”
“Ai vậy?” dì Gladys hỏi, trỏ vào ống nghe.
“Brenda,” tôi đáp.
“Sao?” Brenda hỏi.
“Brenda?” dì Gladys hỏi. “Sao nó lại gọi đường dài, tao thiếu điều đau tim luôn.”
“Vì cô ấy ở Boston,” tôi đáp. “Dì Gladys, làm ơn đi mà…”
Và dì Gladys bỏ đi, lầm bầm, “Tụi nhỏ bây giờ…”
“A lô,” tôi nói vào điện thoại.
“Neil, anh khoẻ không?”
“Anh yêu em.”
“Neil, không ổn rồi. Tuần này em không về được.”
“Nhưng, em, tết Do Thái mà.”
“Anh yêu,” nàng bật cười.
“Em không nói rõ được sao, phải có cớ gì chứ?”
“Thứ bảy em có bài kiểm tra, và một bài luận văn, và anh biết đó nếu về nhà thì em làm bài không xong…”
“Làm được mà.”
“Neil, em làm không được. Mẹ sẽ bắt em đi đền thờ, và em sẽ không có giờ gặp anh.”
“Ôi trời, Brenda.”
“Cưng?”
“Sao?”
“Anh không lên đây được sao?” nàng hỏi.
“Anh phải đi làm.”
“Tết Do Thái mà,” nàng nói.
“Em yêu, anh không đi được. Năm ngoái anh cũng không nghỉ được, anh không thể…”
“Anh cứ nói là đã cải đạo.”
“Với lại, bà dì anh tổ chức tiệc cho cả gia đình, và em biết với bố mẹ anh thì…”
“Lên với em đi, Neil.”
“Anh không xin nghỉ hai ngày được, Bren. Anh vừa được thăng chức và tăng lương…”
“Dẹp quách vụ tăng lương đi.”
“Em yêu, đây là việc làm của anh.”
“Suốt đời hả?” nàng hỏi.
“Không.”
“Vậy thì đến đây đi. Em đặt một phòng khách sạn.”
“Cho anh?”
“Cho tụi mình.”
“Em đặt được sao?”
“Được và không. Người ta làm vậy hoài.”
“Brenda, em đang dụ anh đó.”
“Cứ bị dụ đi.”
“Anh có thể đón chuyến tàu thứ Tư ngay khi tan sở.”
“Anh có thể ở đến tối Chủ nhật.”
“Bren, không được đâu. Thứ Bảy anh phải trở lại làm việc.”
“Trong tuần anh không có ngày nghỉ nào sao?” nàng hỏi.
“Thứ ba.” Tôi nói rầu rĩ.
“Chúa ơi.”
“Với Chủ nhật nữa.” Tôi thêm.
Brenda nói gì đó nhưng tôi không nghe được vì dì Gladys kêu, “Mày nói chuyện đường dài cả ngày sao?”
“Im lặng giùm!” tôi quát lại.
“Neil, anh đến nghe?”
“Mẹ kiếp, đến.” Tôi nói.
“Anh bực hả?”
“Không phải thế đâu. Anh sẽ đến.”
“Ở tới Chủ nhật.”
“Để tính sau.”
“Đừng ưu tư, Neil. Nghe giọng anh ưu tư quá. Ngày tết Do Thái mà. Ý em là anh phải được nghỉ.”
“Được rồi,” tôi nói. “Anh là dân Do Thái chính thống, lạy Chúa tôi, anh phải lợi dụng điều đó.”
“Đúng thế,” nàng nói.
“Có chuyến tàu nào khoảng sáu giờ không?”
“Chắc mỗi giờ đều có chuyến.”
“Vậy anh sẽ đi chuyến sáu giờ.”
“Em sẽ đón ở ga,” nàng nói. “Làm sao em nhận ra anh?”
“Anh sẽ cải trang thành một tay Do Thái chính thống.”
“Em cũng vậy,” nàng nói.
“Ngủ ngon, cưng,” tôi nói.
Dì Gladys kêu trời khi tôi nói sẽ đi chơi xa trong dịp Rosh Hashana.
“Trong khi tao đang chuẩn bị một bữa tiệc lớn,” dì ấy nói.
“Thì dì cứ chuẩn bị.”
“Thế tao nói sao với mẹ mày?”
“Con sẽ nói với mẹ con, dì Gladys ạ. Làm ơn đi mà. Dì đâu có quyền bực bội…”
“Tới lúc mày có gia đình mày sẽ hiểu chuyện đó ra làm sao.”
“Bây giờ con có gia đình rồi.”
“Có chuyện gì,” dì ấy nói và hỉ mũi một cái, “mà con bé ấy không về thăm nhà được trong ngày tết?”
“Cô ấy đang học, nên không thể…”
“Nếu nó yêu gia đình nó sẽ thu xếp được. Mình đâu có sống tới sáu trăm năm.”
“Cô ấy yêu gia đình mà.”
“Thế thì mỗi năm một lần mày phải thấy thương và về thăm.”
“Dì Gladys, dì không hiểu.”
“Chắc chắn rồi,” dì ấy nói, “khi hăm ba tuổi tao sẽ hiểu mọi chuyện.”
Tôi bước tới hôn dì và dì ấy bảo, “Mày xéo đi, cứ phóng tới Boston ấy…”
Sáng hôm sau tôi khám phá ra rằng ông Scapello cũng không muốn tôi nghỉ lễ Rosh Hashana, nhưng tôi nghĩ mình đã làm ông ta chới với bằng cách hàm ý rằng việc ông ta lạnh lùng khi tôi muốn nghỉ hai ngày này có thể là dấu hiệu của tư tưởng bài Do Thái được che giấu kỹ, nên nhìn chung ông ta cũng dễ thu xếp hơn. Đến giờ ăn trưa tôi đi bộ tới nhà ga Penn và rút lấy một tờ lịch giờ tàu chạy tới Boston. Đó là cái để tôi đọc trước khi ngủ trong ba đêm kế tiếp.
Nàng trông không hề giống Brenda, ít nhất là trong phút đầu tiên. Và có lẽ với nàng tôi cũng trông không giống tôi. Nhưng chúng tôi hôn và ôm lấy nhau, và cảm giác của những lớp áo khoác dầy cộm giữa hai chúng tôi nghe thật lạ.

NghiDung
01-07-2010, 03:27 PM
“Em đang để tóc dài,” nàng nói trong taxi, và thực sự suốt đoạn đường nàng chỉ nói có thế. Mãi đến khi đỡ nàng ra khỏi xe tôi mới để ý thấy một sợi băng màu vàng mỏng trên bàn tay trái của nàng.
Nàng lui ra sau, loanh quanh trong đại sảnh trong khi tôi ký sổ thuê phòng với tên “ông và bà Klugman,” và khi vào trong phòng chúng tôi lại hôn nhau.
“Tim em đập quá trời,” tôi nói với nàng.
“Em biết,” nàng nói.
“Em bối rối sao?”
“Không?”
“Em làm chuyện này bao giờ chưa?” tôi hỏi.
“Em đọc trong Mary McCarthy.”
Nàng cởi áo khoác ra và thay vì treo trong tủ, nàng vất nó trên ghế. Tôi ngồi xuống giường, nàng thì không.
“Có chuyện gì vậy?”
Brenda hít một hơi dài và bước tới cửa sổ, và tôi nghĩ tốt nhất là mình đừng hỏi gì cả – để chúng tôi quen dần với sự có mặt của nhau trong im lặng. Tôi treo áo khoác của nàng và của tôi trong cái tủ trống rỗng, và cứ để valy – của nàng và của tôi – ở cạnh giường.
Brenda đang qùi ngả ra trên ghế, nhìn ra cửa sổ cứ như nàng muốn mình đang ở ngoài đó. Tôi đến sau lưng nàng, vòng tay ôm nàng và đặt tay lên bộ ngực, và khi cảm thấy luồng gió lạnh lùa dưới khe cửa sổ, tôi nhận ra đã bao lâu rồi từ cái đêm ấm áp đầu tiên khi tôi vòng tay ôm nàng và cảm thấy đôi cánh nhỏ xíu vỗ vỗ trên lưng nàng. Và rồi tôi nhận ra tại sao mình đến Boston – cũng khá lâu rồi. Đã đến lúc thôi không đùa về chuyện hôn nhân nữa.
“Có chuyện gì hả?” tôi hỏi.
“Ừ.”
Đó không phải câu trả lời tôi chờ đợi; thực ra tôi chẳng chờ đợi câu trả lời nào, tôi chỉ muốn làm nàng bớt bồn chồn bằng vẻ quan tâm của mình thôi.
Nhưng tôi vẫn hỏi, “Chuyện gì vậy? Sao không nghe em nói lúc điện thoại?”
“Mới xảy ra hôm nay.”
“Chuyện ở trường?”
“Ở nhà. Ba mẹ em biết hết chuyện tụi mình rồi.”
Tôi xoay khuôn mặt nàng về phía tôi. “Thế cũng tốt. Anh cũng nói với bà dì là anh đến đây. Có gì khác vậy?”
“Về mùa hè. Về chuyện tụi mình ngủ với nhau.”
“Hả?”
“Phải.”
“… Ron hả?”
“Không.”
“Đêm đó, ý em là, có phải Julie…”
“Không,” nàng nói, “Không tại ai hết.”
“Anh không hiểu.”
Brenda đứng dậy và đi tới giường và ngồi xuống mép. Tôi ngồi trên ghế.
“Mẹ em tìm thấy cái đó.”
“Cái màng tránh thai?”
Nàng gật đầu.
“Hồi nào?” tôi hỏi.
“Bữa kia, em đoán vậy.” Nàng bước tới bàn và mở ví ra. “Đây, anh có thể đọc theo thứ tự mà em nhận được.” Nàng thẩy một phong bì cho tôi; nó nhàu nát và lấm lem ở góc, làm như đã bị nàng nhét túi rồi móc ra nhiều lần. “Em nhận được nó sáng nay,” nàng nói. “Giao bảo đảm.”
Tôi rút lá thư ra và đọc:
BỒN RỬA VÀ BỒN TẮM PATIMKIN
“Đủ cỡ – Đủ kiểu”
Brenda thân yêu,
Đừng để ý Lá thư của mẹ làm gì khi con nhận được nó. Ba yêu con cưng khi con muốn áo khoác ba sẽ mua cho Con áo khoác. Lúc nào con cũng có được những thứ con muốn. Ba mẹ luôn tin ở con nên con đừng bối rối về những điều mẹ nói trong Thư. Dĩ nhiên mẹ con có hơi hoảng loạn vì cú sốc này và mẹ lâu nay đã Làm việc chăm chỉ đến thế cho Hadassah. Mẹ con là Đàn bà và thật khó để bà hiểu được những cú Sốc trong cuộc sống. Dĩ nhiên ba không thể nói là Ba mẹ không hề ngạc nhiên vì ngay từ đầu ba đã tử tế với cậu ta và Nghĩ rằng cậu ta sẽ trân trọng kỳ nghỉ tốt đẹp mà chúng ta đem lại cho cậu ấy. Một số Người chẳng bao giờ cư xử như mình mong muốn và cầu xin nhưng ba sẵn sàng tha thứ và cho rằng Cái gì qua hãy Cho nó qua, Cho đến nay con vẫn là đứa con ngoan và được Học hành tử tế và Ron lúc nào cũng là đứa con ngoan mà ba mẹ muốn, quan trọng nhất nó là đứa Tử tế. Hãy tin ba vào lúc già đời này ba sẽ không ghét bỏ máu mủ của mình. Về lỗi lầm của con thì phải có Hai người mới làm nên tội lỗi này và bây giờ thì con đã ở trường và xa cậu ta và việc gì con làm con có lẽ sẽ làm tốt ba luôn có niềm tin ở con. Mình phải có niềm tin ở con cái mình cũng như niềm tin vào Công việc hoặc bất kỳ chuyện nghiêm túc nào và không có gì tệ hại đến nỗi ba mẹ không thể tha thứ nhất là khi dính đến ruột thịt của Ba mẹ. Chúng ta có một gia đình gắn bó và tại sao không??? Hãy hưởng một kỳ Nghỉ đẹp và ở Đền thờ ba sẽ cầu nguyện cho con như ba vẫn làm mỗi năm. Thứ Hai ba muốn con đi Boston và mua môâït cái áo khoác hay bất cứ thứ gì con cần bởi vì ba biết ở chỗ con trời sẽ Lạnh đến cỡ nào… Cho ba gửi lời thăm Linda và nhớ dẫn nó về chơi với con vào dịp lễ Tạ ơn giống hồi năm ngoái. Hai đứa con đã có những ngày thoải mái đến thế. Ba chưa bao giờ nói gì tệ về bất kỳ người bạn nào của con hay của Ron và chuyện này xảy ra cũng chỉ là cái ngoại lệ chứng minh cho qui tắc thông thường. Hãy Hưởng một Kỳ lễ Thoải mái.
BA CỦA CON
Và nó đã được ký tên là BEN PATIMKIN, rồi bị gạch bỏ và ở dưới lại viết “Ba của con” một lần nữa, như một tiếng vọng, những chữ đó, “Ba của con.”
“Linda là ai vậy?” tôi hỏi.
“Bạn cùng phòng của em, năm ngoái.” Nàng thẩy ra một lá thư nữa cho tôi. “Thư này, em nhận hồi chiều. Gửi đường hàng không.”
Đó là thư của mẹ Brenda. Tôi bắt đầu đọc và rồi để xuống một lúc. “Em nhận thư này sau hả?”
“Ừ,” nàng nói. “Khi nhận thư ba em chẳng hiểu đã xảy ra chuyện gì. Đọc thư của mẹ đi.”
Tôi đọc lại.
Brenda thân yêu:
Mẹ chẳng biết phải bắt đầu làm sao. Mẹ đã khóc cả buổi sáng và đã phải bỏ buổi họp ủy ban của mẹ chiều nay vì mắt mẹ đỏ hết rồi. Mẹ chẳng bao giờ nghĩ chuyện này sẽ xảy ra với một đứa con gái của mình. Mẹ tự hỏi con có hiểu ý mẹ không, nếu ít nhất nó cũng làm con áy náy lương tâm, nên mẹ sẽ không làm khổ cả hai mẹ con bằng việc kể lể đầu đuôi. Mẹ chỉ có thể nói rằng sáng nay khi mẹ dọn dẹp các ngăn kéo và cất dọn quần áo mùa hè của con thì mẹ bắt gặp một món ở ngăn tủ dưới cùng của con, bên dưới mấy cái áo cổ lọ mà chắc con nhớ đã để ở đó. Mẹ bật khóc ngay khi trông thấy nó và tới lúc này mẹ cũng không hết khóc được. Ba con mới gọi điện về và bây giờ đang chạy xe về đây vì qua điện thoại ba nghe mẹ có vẻ choáng váng quá.
Mẹ không biết ba mẹ đã làm gì mà con đối xử như thế với ba mẹ. Ba mẹ đã cho con một mái ấm với tất cả tình yêu và trân trọng mà một đứa con cần. Mẹ lúc nào cũng tự hào rằng khi còn là một bé gái con đã biết thu xếp cho mình rất tốt. Khi mới mười bốn tuổi con đã chăm sóc Julie giỏi đến độ nhìn thấy cũng sung sướng. Nhưng con đã xa dần gia đình, tuy rằng ba mẹ đã gửi con đến những ngôi trường tốt nhất và cho con những thứ tốt nhất mà tiền bạc có thể mua được. Tại sao con lại đối xử vậy với ba mẹ vẫn là câu hỏi mẹ sẽ mang tới ngày xuống mộ.
Mẹ chẳng nói gì về anh bạn của con cả. Cậu ta thuộc trách nhiệm của bố mẹ cậu ta và mẹ không thể tưởng tượng cậu ta đã có đời sống thế nào trong gia đình để đến nỗi cậu ta cư xử như vậy. Rõ ràng đó là cách trả ơn rất hay cho lòng hiếu khách mà ba mẹ đã dành cho cậu ấy, một kẻ lạ hoàn toàn. Chuyện hai đứa bay làm như thế trong nhà của chính ba mẹ thì trong đời mẹ chẳng thể nào hiểu được. Thời đại chắc chắn đã thay đổi nhiều từ khi mẹ còn là con gái đến nỗi chuyện kiểu này có thể xảy ra. Mẹ cứ tự hỏi mình ít nhất liệu con có nghĩ tới ba mẹ trong khi con làm như thế không. Nếu không gây ra cho mẹ thì làm sao mà con lại gây chuyện đó cho ba? Cầu Chúa đừng để Julie biết được chuyện này.
Chỉ có Chúa mới biết con đã làm những chuyện gì trong bấy nhiêu năm ba mẹ tin tưởng ở con.
Con đã làm tan nát trái tim ba mẹ và con phải biết điều đó. Đây là một kiểu cám ơn đối với những gì ba mẹ đã đem lại cho con đấy.
MẸ
Bà ấy chỉ ký là “Mẹ” một lần, và viết bằng một nét rất nhỏ, như một lời thì thầm vậy.
“Brenda,” tôi gọi.
“Cái gì?”
“Em khóc hả?”
“Không. Em khóc rồi.”
“Vậy đừng khóc nữa.”
“Em cố không khóc.”
“Được rồi… Brenda, anh hỏi em một câu được không?”
“Hỏi gì?”
“Sao em bỏ nó ở nhà?”
“Vì em đâu tính sử dụng nó ở đây, vậy đó.”
“Giả sử anh lên đây. Ý anh là lẽ ra anh lên đây, thì sao?”
“Em định em sẽ về dưới đó trước.”
“Vậy là để lúc đó em khỏi phải mang nó theo? Như bàn chải đánh răng vậy hả?”
“Anh đang cố nói đùa đó hả?”
“Không. Anh chỉ hỏi sao em lại bỏ nó ở nhà thôi.”
“Em đã nói rồi,” Brenda nói. “Em nghĩ em sẽ về nhà.”
“Nhưng, Brenda, chuyện đó vô lý. Giả sử như em về nhà, rồi em trở lên. Em cũng không mang nó theo được sao?”
“Em không biết.”
“Đừng có bực bội,” tôi nói.
“Anh mới là người bực bội thì có.”
“Anh chới với, anh không bực bội.”
“Em cũng chới với vậy.”
Tôi không đáp mà đi lại cửa sổ nhìn ra ngoài. Trăng sao đã mọc, sáng bạc và khô cứng, và từ cửa sổ tôi có thể nhìn thấy tận khu đại học Harvard sáng đèn và có vẻ như nhấp nháy sau hàng cây lá đong đưa.
“Brenda…”
“Gì?”
“Biết mẹ em thường nghĩ gì về em, thì chuyện bỏ nó ở nhà không phải là ngu ngốc sao? Đầy rủi ro?”
“Chuyện mẹ nghĩ gì về em thì có liên quan gì?”
“Em không thể tin cậy mẹ em.”
“Tại sao không?”
“Em không thấy sao? Em không thể.”
“Neil, mẹ em chỉ dọn dẹp mấy ngăn kéo.”
“Em không biết trước là mẹ em sẽ làm chuyện đó sao?”
“Trước đây mẹ chưa từng làm việc đó. Hoặc có thể mẹ đã làm. Neil, em đâu thể dự trù mọi chuyện. Mình ngủ với nhau hết đêm này sang đêm khác mà đâu có ai nghe được hay nhận ra…”
“Brenda, tại cái quái qủi gì mà em luôn làm rối tung mọi chuyện lên vậy?”
“Em không có làm rối!”
“Được rồi,” tôi dịu giọng. “Được rồi mà.”
“Anh mới là người làm rối mọi chuyện,” Brenda nói. “Anh cứ làm như em muốn mẹ tìm thấy cái đó vậy.”
Tôi không đáp.
“Anh tin điều đó không?” nàng nói, sau khi cả hai đứa chẳng nói gì suốt một lúc.
“Anh không biết.”
“Ôi, Neil, anh điên rồi.”
“Còn cái gì điên hơn chuyện để cái món mắc dịch đó ở nhà?”
“Đó là sơ sót.”
“Bây giờ thì là sơ sót, còn trước đó nó là cố ý.”
“Đó là sơ sót không tính trước chuyện dọn dẹp ngăn kéo. Không phải sơ sót bỏ quên nó ở nhà.” Nàng nói.
“Brenda, em yêu, mang nó trong người không phải là cách an toàn nhất, khôn ngoan nhất và đơn giản nhất sao? Phải chưa?”
“Dù sao nó cũng chẳng thay đổi gì được?”
“Brenda, đây là cuộc tranh luận nản chí nhất trong đời anh!”
“Anh cứ làm như em muốn mẹ em tìm ra nó vậy. Bộ anh nghĩ em cần đến nó sao? Phải không? Thậm chí em chẳng còn mặt mũi nào mà về nhà nữa kìa.”
“Vậy sao?”
“Ừ!”
“Không đâu,” tôi nói. “Em vẫn có thể về… ba em sẽ chờ ở nhà với hai cái áo khoác và nửa tá váy áo.”
“Còn mẹ em thì sao?”
“Với bà ấy thì cũng vậy thôi.”
“Đừng vô lý thế. Làm sao em dám gặp mặt họ?”
“Sao em không dám? Em có làm gì sai đâu?”
“Neil, nhìn vào thực tế mọi chuyện coi, được không?”
“Em có làm gì sai không?”
“Neil, ba mẹ em nghĩ chuyện đó là sai. Đó là ba mẹ em.”
“Nhưng em có nghĩ nó sai…”
“Chuyện đó không thành vấn đề.”
“Nó là vấn đề với anh đó, Brenda…”
“Neil, sao anh cứ lẫn lộn mọi chuyện? Anh cứ kết tội em đủ thứ.”
“Mẹ kiếp, Brenda, em có lỗi trong một số chuyện.”
“Chuyện gì?”
“Chuyện bỏ cái màng tránh thai mắc dịch đó ở nhà. Vậy mà còn gọi đó là sơ suất nữa!”
“Ôi, Neil, đừng có dở thứ lý sự phân tâm học đó ra nữa!”
“Thế thì tại sao em làm thế? Em muốn mẹ em tìm thấy nó!”
“Tại sao?”
“Anh không biết, Brenda, tại sao?”
“Ôi trời!” Nàng nói, rồi nhặt một cái gối lên và ném lại vào giường.
“Bây giờ tới chuyện gì, Brenda?” tôi hỏi.
“Vậy nghĩa là sao?”
“Vậy đó thôi. Bây giờ tới chuyện gì?”
Nàng lăn xuống giường và giấu mặt đi.
“Đừng có khóc mà,” tôi nói.
“Em không khóc.”
Tôi vẫn còn cầm hai lá thư và rút thư của ông Patimkin ra khỏi phong bì.
“Sao ba em cứ viết hoa lung tung vậy?”
Nàng không đáp.
“‘Về lỗi lầm của con,’” tôi đọc lớn cho Brenda nghe, “’thì phải có Hai người mới làm nên tội lỗi này và bây giờ thì con đã ở trường và xa cậu ta và việc gì con làm con có lẽ sẽ làm tốt ba luôn có niềm tin ở con. Ba của con. Ba của con.’”
Nàng quay lại nhìn tôi; nhưng vẫn im lặng.
“‘Ba chưa bao giờ nói gì tệ về bất kỳ người bạn nào của con hay của Ron và chuyện này xảy ra cũng chỉ là cái ngoại lệ chứng minh cho qui tắc thông thường. Hãy Hưởng một Kỳ lễ Thoải mái.’” Tôi ngưng lại; trên gương mặt Brenda rõ ràng không có nguy cơ nước mắt nào; đột nhiên trông nàng rắn chắc và cương quyết. “Rồi, em định sẽ làm gì?” tôi hỏi.
“Chẳng làm gì cả.”
“Em định dẫn ai về dịp lễ Tạ ơn… Linda?” tôi hỏi. “Hay anh?”
“Em còn dẫn được ai về nữa, Neil?”
“Anh không biết, em dẫn được ai?”
“Em dẫn anh về được không?”
“Anh không biết,” tôi nói, “em dám không?”
“Đừng có lập lại câu hỏi nữa!”
“Chắc cú là anh không thể trả lời em.”
“Neil, thực tế chút đi. Sau vụ này em còn dẫn anh về được sao? Anh không thấy bọn mình không còn làm gì được nữa sao?”
“Anh không thể nếu em không thể, anh làm được nếu em làm được.”
“Anh lại dở giọng Thiền ra đó hả, Chúa ơi!”
“Brenda, lựa chọn không ở phía anh. Em có thể dẫn Linda hoặc anh. Em có thể về hoặc không về. Đó là một lựa chọn khác. Mà em thậm chí không cần phải ưu tư về chuyện chọn giữa anh với Linda nữa kìa.”
“Neil, anh không hiểu. Họ vẫn là ba mẹ em. Họ đã cho em học ở những trường tốt nhất, đúng không? Họ đã cho em mọi thứ cần thiết, phải chưa?”
“Phải.”
“Vậy làm sao em không về nhà được? Em phải về nhà.”
“Tại sao?”
“Anh không hiểu rồi. Bố mẹ anh chẳng còn lo gì về anh nữa. Anh may mắn.”
“Ồ, phải. Anh sống với bà dì khùng, thật là tiện lợi.”
“Gia đình thì khác. Anh không hiểu.”
“Mẹ kiếp. Anh còn hiểu hơn em tưởng. Anh hiểu tại cái quái gì mà em cứ bỏ bừa cái món đó. Phải không? Em không cộng hai với hai được sao?”
“Neil, anh đang nói cái khỉ gì vậy? Anh mới là người không hiểu. Anh là người ngay từ đầu đã kết tội em đủ thứ, nhớ không? Không phải vậy sao? Sao em không đi chữa mắt? Sao em không đi sửa cái này, chữa cái kia? Cứ như em không đi chữa là lỗi của em vậy. Anh cứ cư xử làm như bất cứ lúc nào em cũng sắp bỏ anh. Bây giờ anh lại làm thế nữa, bảo rằng em cố tình bỏ cái đó lại cho mẹ thấy.”
“Anh yêu em, Brenda, nên anh lo nghĩ.”
“Em yêu anh. Bởi thế nên ngay từ đầu em đã chịu dùng cái đó.”
Và rồi chúng tôi nghe ra sự căng thẳng trong câu chuyện và cả hai chìm vào ý nghĩ riêng và im lặng.
Vài phút sau tôi nhặt túi của mình lên và mặc áo khoác vào. Tôi cũng nghĩ Brenda đang khóc khi tôi bước ra khỏi cửa.
Thay vì đón ngay một cái taxi, tôi lại đi bộ dọc theo phố và hướng về phía khu đại học Harvard mà tôi chưa từng được thấy trước đó. Tôi bước vào một trong những cánh cổng rồi đi theo một con đường, dưới tàng cây mùa thu mệt mỏi và bầu trời đêm. Tôi muốn được một mình, trong bóng tối; chẳng phải vì tôi muốn suy nghĩ về bất cứ điều gì, mà có lẽ vì, chỉ trong nhất thời, tôi chẳng muốn suy nghĩ gì cả. Tôi đi xuyên qua khu đại học và lên một quả đồi nhỏ và rồi đứng trước Thư viện Lamont, nơi đây, Brenda có lần nói với tôi, có lắp những bồn tắm Patimkin trong mấy phòng vệ sinh của nó. Từ ánh sáng đèn dọc con đường phía sau, tôi có thể thấy bóng mình phản chiếu trên mặt tiền lắp kính của tòa nhà. Bên trong tối om và chẳng thấy bóng dáng sinh viên nào, chẳng có nhân viên thủ thư nào. Đột nhiên, tôi muốn đặt va ly xuống, nhặt một cục đá và ném cho vỡ toang lớp kính, nhưng dĩ nhiên tôi không làm thế. Tôi chỉ nhìn bóng mình trong mặt kính loang loang ánh đèn. Tôi chỉ là thứ chất liệu đó, tôi nghĩ, những chân tay đó, khuôn mặt đó mà tôi nhìn thấy trước mắt. Tôi nhìn, nhưng vẻ ngoài của tôi cho biết rất ít về phần bên trong của tôi. Tôi ước chi mình có thể đi vòng ra mặt sau lớp kính, nhanh hơn ánh sáng hay âm thanh hay Herb Clark trong Ngày Cựu sinh viên, để tới được phía sau hình ảnh đó và bắt gặp cái vật thể đang nhìn bằng đôi mắt kia. Cái gì ở trong tôi đã biến việc theo đuổi và nắm giữ thành tình yêu, rồi lại lộn ngược nó ra? Cái gì đã biến thắng thành thua, và thua – ai biết được – thành thắng? Tôi biết chắc mình đã yêu Brenda, tuy rằng đứng ở đây, tôi biết mình không thể yêu nàng nữa. Và tôi biết rằng phải một thời gian dài tôi mới yêu được bất cứ ai theo cái kiểu tôi đã yêu nàng. Với bất kỳ ai khác, liệu tôi có được một nỗi đam mê như thế không? Cái gì đã tạo ra tình yêu tôi dành cho nàng thì nó có tạo ra nỗi khát khao như thế không? Nếu như nàng hơi ít chất Brenda đi một chút… nhưng rồi lúc đó tôi có yêu nàng không? Tôi nhìn kỹ vào hình bóng mình, vào cõi tối tăm của mặt thủy tinh, rồi tia nhìn của tôi thấu qua đó, qua sàn nhà mát lạnh, đến một bức tường nham nhở những sách, được chất lên kệ một cách thiếu ngay ngắn.
Tôi nhìn tiếp một lúc không lâu lắm, rồi đón chuyến xe lửa đưa tôi về đến Newark ngay khi mặt trời đang lên cho ngày đầu tiên của dịp tết Do Thái. Tôi trở về còn dư khối thì giờ trước khi đi làm lại.


Kết Thúc (END)