PDA

View Full Version : Hồi ký kính tặng mẹ.


GloomySunday
09-24-2009, 07:21 PM
1

Năm đó, vì không chịu nổi áp lực, cha tôi đã mang 5 chị em tôi hồi hương. Mẹ tôi không nỡ bỏ đàn con, đành thôi việc tại viện nghiên cứu dược Pasteur mà theo về. Nhà nội giàu lắm, có ruộng cò bay thẵng cánh cho thuê, có trại hòm, trại gổ, có nhà máy xay sát lúa.... Dù nhà nằm sâu lút trong bưng, chung quanh là sông, là nước, ông tôi vẩn gìn giử được nếp sống địa chủ, phong lưu, suốt ngày ông chỉ chơi đàn, viết liển, trồng mai, trồng kiểng... Ông chưa hề thích người con dâu thành thị có học vấn cao này bao giờ nên không ngừng xúi cha tôi bỏ vợ, rồi ông tìm cho vợ khác, cho ruộng, cho đất mà làm.... Hổ phụ sinh hổ tử, cha tôi cũng phong lưu như ông nội tôi vậy, ngày khi thì ra đồng xem công thợ, lúc lên nhà máy kiểm tra chi thu, lúc lại đi thu tiền này, tiền nọ cho trại gổ, trại hòm và tối tối thì bù khú với các bà trong xóm, người có tiền, có của mà, nay bà nay, mai bà kia, khắp trong làng, trong xóm, đâu đâu cũng nhẵn mặt. Mẹ con tôi thì được ông nội thí cho cái chuồng bò bỏ hoang ngay sau nhà , dựng thêm phên, thêm líp, che mưa, chắn gió mà ở. Cũng chẵng biết vì sao, cha tôi đã không bỏ mẹ tôi mà vẩn cứ sống tiếp vậy cùng ông trên nhà lớn.
Chẵng riêng gì ông nội, cô tôi, hàng xóm láng giềng của ông tôi đều không ưa mẹ tôi, và mổi một người là một cách không ưa cũng như lý do không ưa khác nhau mà từ đó thái độ cư xử của họ đối với mẹ con tôi cũng khác nhau.
Ông nội tôi thật ra có đến bảy người con, nhưng đến thời điểm này chỉ sót lại hai người bên cạnh, đó là cô tư và cha tôi. Bác hai bị mất tích trong một lần máy bay ném bom, bác ba chết lúc ra đời, chú sáu đi buôn rồi lập nghiệp tỉnh khác, (Nghe đâu bị ông nội tôi từ) chỉ thĩnh thoãng lắm mới ghé về vào những dịp tết nhất hay giổ quải. Ông nội tôi còn có bà hai, bà ba nữa, bà hai sinh cho ông được hai người con, người đầu chết khi mới ra đời, người thứ 2, nghe đồn bị bà ba giết vì ganh tị. Bà hai, mà tụi tôi vẩn thường gọi là bà nội nhỏ, hiện vẩn sống một mình và tụi tôi thĩnh thoãng vẫn lên thăm. Bà ba sau bị một căn bệnh lạ, suốt ngày cứ nấc cục, người đờ đẩn, mất hồn, người ta bảo rằng bà bị trời trả báo, vì đã giết con bà hai. Riêng bà nội lớn nghe đâu vì uất ức mà sinh bệnh, qua đời.
Cha tôi trỡ thành con trai một, ác thay, mẹ tôi lại sinh toàn con gái, "lũ vịt trời" ông nội vẩn gọi chúng tôi như vậy.
Năm đó, mẹ tôi sinh đứa con thứ sáu, đứa con trai thừa tự giòng dõi, cũng chẵng rõ cha tôi có vui không và ông nội tôi có bớt khó chịu không, chỉ biết rằng nhân dịp này, ông nội tôi giao cho cha tôi mấy công ruộng tốt.
Cha tôi đâu chừng chí thú làm ăn hơn, ngoài chuyện ruộng vườn, cha tôi còn học thêm nghề thú y, chữa bệnh, tiêm thuốc cho heo, bò, và trong nhà có thêm một cái chuồng heo.
Tôi nhớ, lần đó heo đẻ lứa đầu, tôi và mẹ tôi thức cả đêm để canh chừng, heo đẻ được 9 con, và con thứ 9 không chịu thở ngay, lúc lọt lòng, tôi buồn lắm, lau sạch nhớt nhau cho nó rồi ôm nó vào lòng mà thiếp đi vì mệt mõi. Sáng ra tiếng ủn ỉn của con heo con khiến tôi thức giấc, trong lòng tôi, con heo đã ngọ nguậy chừng như khát sửa, ai cũng vui và lấy làm lạ, mẹ tôi bảo cho tôi con heo này, mai mốt nó lớn, bán có tiền mà làm của hồi môn để lấy chồng....
Năm đó tôi đâu chừng 6-7 tuổi. Người ngoài nhìn vào, họ luôn nghĩ rằng đời sống mẹ con tôi rất khá, vì cha tôi mát tay, nên luôn có việc với đám gia súc trong làng, đến nổi xã mời ra làm cán sự thú y, việc không bao giờ ngớt, đồng ra, đồng vào rũng rỉnh, ruộng lại luôn đuợc mùa, đời sống xem chừng sung túc và họ mỉa mai mổi khi gặp mẹ con tôi gánh rau ra chợ bán. Họ nào biết rằng, để có chút tiền xài, chút tiền gạo, mẹ con tôi ngày ngày phải dậy lúc 2h sáng để kịp đưa rau , trái ra chợ Cầu, cách nhà 5km hoặc ra chợ huyện cách nhà 15km.
Muốn bán được rau, phải đi sớm vậy đó, vì đi sớm thì bán được cho bạn hàng bán lẽ lại, chứ đi trễ, họ có đủ đế bán trong ngày rồi thì mình phải ngồi bán lẽ, có khi đến 10, 11h trưa vẩn không bán hết nổi, lại phải gánh về, và ngày nào lỡ đi muộn, lại phải chạy thêm chục km đường đất nữa ra chợ huyện.
Đường từ nhà ra chợ là đường đất, gặp ngày nắng thì còn đỡ, ngày mưa, đường trơn trượt, từ nhà ra chợ phải qua hơn chục cái cầu bằng thân dừa vắt ngang mương đưa nước vào ruộng, không ít lần, vì gáng nặng, mẹ tôi trợt chân té xuống mương, những lúc đó tôi sợ lắm, giúp mẹ trèo lên rồi mẹ con hì hục lôi gánh rau sũng nước nặng ì, và lần nào tôi cũng khóc...
Ông nội có lẽ là một nghệ nhân thời đó, ông vẽ rất đẹp, viết câu liển, câu đối rất hay và biết chơi cả đờn kìm, đờn cò, cha tôi ngoài chơi guitare ra, tân thời hơn chút, ông thổi được cả Armonica. Một tháng cũng vài ba lần, nhà ông nội lại có khách, khách đển mua liển treo, nhờ viết câu đối hoặc đơn giãn hơn thì cùng nhau ngâm thơ, ca hát, ăn uống linh đình. Tôi thích nghe lắm và nhất là tiếng song lan, cứ mổi lần vậy tôi lại lắng nghe và nhẩm tính xem tiếng song lang rơi vào nhịp nào, nhưng ít khi đoán trúng được. Thích là thích vậy thôi, chứ chưa bao giờ bọn tôi được thò mặt lên nhà trước, và trong khi tôi lén lén trốn mẹ, nấp mình sau bụi dâm bụt nhìn vào cũng là lúc mẹ và các chị tôi quay quần với nhau bên mâm cơm đạm bạc, hoặc bó gối thẩn thờ nhìn cảnh trời đêm in trên dòng nước sau nhà. Những lần lén trốn ra như vậy, mẹ tôi biết cũng chẵng nói gì, nhiều lắm cũng chỉ là thở dài, còn ông tôi càng lạ hơn, mổi khi phát hiện tôi lén nhìn ông chơi đàn, ông chỉ tảng lơ như không thấy... Tôi còn khờ dại lắm, chưa hiểu nhân tình thế thái là gì, cũng chẵng thắc mắc vì sao mẹ con tôi cứ phải sống trong cái chuồng bò bỏ hoang chật hẹp trong khi trên nhà lớn rộng rãi, thênh thang chỉ có mổi hai người đàn ông cư ngụ, cho đến một ngày tôi bắt đầu biết hận. Trưa đó, nhà không còn gạo, thằng em tôi đâu 5 hay 6 tuổi gì đó kêu đói, mẹ tôi xúi nó lên nhà xin ông nội chút cơm, đang ăn cơm, ông chẵng tỏ vẽ gì khó chịu còn bảo nó chờ, "Chờ đi, tao ăn xong, dư gì thì mày mang dìa mà ăn". Thằng em tôi ngoan ngoãn cầm chén đứng chờ, ngoài hè, tôi hồi hộp không kém, vì trên mâm ê hề cá, thịt, rau xào, ông làm sao môt mình ăn cho hết được, phen này chắc có thức ăn ngon rồi, chứ thường ngày mẹ con tôi nhiều lắm chỉ thêm được cái trứng luộc dầm nước mắm chấm rau thôi, mà có ngày nào thật sự được ăn no đâu, thằng em tôi nhẩn nại đứng chờ, tôi sốt ruột, cứ đảo qua, rồi lượn lại sau đám dâm bụt. Ông nội tôi vẩn thong thả ăn, thong thả đến mức tôi nghĩ rằng ông đã quên béng sự có mặt của thằng nhỏ em tôi và sự có mặt của tôi sau đám dâm bụt, mà chắc chắn rằng ông đã nhìn thấy. Cuối cùng thì ông cũng buông đũa, thằng em tôi nhấp nhõm, tôi nôn nao không kém, nước bọt cứ tràn ra không nuốt kịp trỡ vào... nào ngờ, ông gọi bà ở mang ra một cái thau nhôm, từ tốn ông vét tất cả đồ thừa, từ cơm, rau, thịt cá, xuơng xẩu.... và bảo mang ra hè cho con chó ông nuôi, rồi thật như chẵng còn biết đến sự có mặt của thằng em tôi bên cạnh với cái chén không, sự có mặt của tôi sau rặng dâm bụt, ông bỏ ra hàng hiên uống trà, xỉa răng.
.....
2

Nhiều năm, sau khi ông qua đời, tôi vẩn không quên được cái dáng ngồi uống trà bình thãn, vô tư, như tách biệt với vạn vật của ông lần đó. Mẹ con chúng tôi cũng không còn phải vật lộn với gió mưa trong cái chuồng bò bỏ hoang sau ngôi nhà lớn. Năm đó ông tôi nhuốm bệnh, khắp người ông nổi lên những cục bứu, cái nhỏ như hạt tiêu, cái lớn như quả trứng cút và chúng cứ dài ra, lòng thòng, lủng lẵng. Cô tư viện cớ mang ông nội sang bên nhà để tiện bề săn sóc, đã cho người đến khuân đi tất cả vật dụng của ông, nào đồ cổ, tủ, giường, bàn, ghế, thậm chí cái cửa lớn, cái cột nhà, tất cả những gì được làm từ gổ qúi cô đều cho người sang dở xuống mang về và thay vào đó loại gổ tạp rẽ tiền. Ngôi nhà trỡ nên trống trãi, tiêu điều, cha tôi cho dời mẹ con tôi vào trú ngụ.
Vốn bản tính nhu nhược, sợ tranh chấp, lại mang phận làm em, cha tôi không nữa lời phản đối, khi ba công ruộng mầu mỡ bị đổi thành bãi đất hoang, nữa ruộng, nữa gò sau nhà ông nội, nơi rậm rì cỏ tranh, cỏ lác, ngổn ngang đá sỏi, nơi đuợc dùng làm mộ phần của ông cố, bà sơ trong giòng họ, hàng bao đời qua. Nhà máy lúa, xưỡng gổ, trại hòm, lần lượt bị cô tư cho đóng cửa. Tất cả những gì còn lại chỉ là căn nhà lớn xiêu vẹo, cái gò mả đầy cỏ tranh cùng đá sỏi. Cha tôi trỡ nên lầm lì, ít nói, sự bất bình, phẩn nộ người chị, người cha, biến ông thành cộc cằn, thô lổ và ông trút nó lên người vợ con ông bằng những lời chửi rủa, những cái đánh, cú đá man rợ, tàn nhẩn, bất kỳ lúc nào, cũng như bất kể lý do gì.
Sau một lần hư thai vì công việc đồng áng cực nhọc, mẹ tôi lại cho ra đời một bé gái. Chúng tôi vậy là bảy chị em, chị hai đã phải bỏ học từ năm lớp ba để phụ giúp mẹ tôi chăm lo đàn em, chị tư và chị năm, vốn là một cặp sinh đôi cùng trứng, giống nhau như hai giọt nước, học hành không khá, nhà lại quá nghèo, mẹ tôi đành gửi họ cho người dì trên thành phố, nói tiếng là nhận làm con nuôi, kỳ thực là giảm bớt gánh nặng cho gia đình và phụ giúp dì trong việc buôn bán. Trong số bảy chị em, cha tôi đặt biệt quan tâm, thương yêu người con gái thứ hai của ông. Chị ba tôi vốn xinh đẹp, lại thông minh, học hành giỏi giang, luôn tự tin, ứng đáp trôi chãy, rành mạch trong mọi trường hợp. Trong lúc mọi người ngoài giờ học phải cật lực lao động, phụ giúp việc gia đình, đồng áng, chị ba chẵng phải làm gì cả, và tất cả những gì tốt nhất, đẹp nhất, ngon nhất, ông đều dành cho chị ba. Cha tôi có cây viết paker, kỹ niệm hồi ông còn đi lính, ông quý nó lắm, chẵng dùng bao giờ, mà chỉ để chưng trong tủ kính, một lần thằng em tôi táy máy cầm vào, ông bắt gặp, đã thẵng tay tát nó một cái văng vào tường, chết ngất. Năm đó, để động viên con cái học hành, ông hứa sẽ tặng cây viết cho đứa nào đạt đuợc từ hạng 1 đến hạng 3, còn ngược lại sẽ phải ở nhà làm ruộng. Chúng tôi ráo riết học hành, vì thích cây viết thì ít, mà vì sợ bị cho thôi học, ờ nhà làm ruộng thì nhiều, kết quả năm đó tôi đạt hạng ba, trong khi chị ba chỉ đạt được hạng năm, ông lẵng lặng trao cây viết cho chị ba, để rồi không đầy hai tháng chị ba đánh mất nó, khi biết chuyện ông cũng chẵng la một lời.
Cuộc sống ngày càng vất vả, công việc thú y trên xã phải bỏ dở, ông lao đầu vào việc cải tạo mãnh đất gò đầy tranh và sỏi đá sau nhà. Cuộc sống càng khó khăn, mối quan hệ vợ chồng, cha con càng phức tạp, mổi khi ông về đến nhà, trừ chị ba, cả bọn chúng tôi trốn chui, trốn nhủi vào công việc như đám chuột nhắt ngửi thấy hơi mèo, tìm hang, tìm hốc mà chạy, chiều tối ông vác áo lên vai và khi trở về, người đầy mùi rượu, cặp mắt lừ lừ, vằn đỏ hung tợn, ông lần vào phòng tìm mẹ tôi. Kết quả là chúng tôi có thêm hai đứa em, một trai, một gái.
Trong căn phòng nhỏ tối tăm, tách biệt với gian nhà lớn, căn phòng mà mổi khi ai đó có việc cần đi ngang, đều phải bưng mủi, rảo bước. Ông nội tôi nữa mê, nữa tĩnh, miệng luôn thều thào gọi xin nước uống, khi có bóng người thoáng qua. Những mụn bứu trên người ông lần lượt thối rửa, rơi rụng, đàn kiến đen ngày ngày siêng năng, chăm chỉ thay phiên nhau đến tha chúng về tổ làm thức ăn dự trữ mùa mưa, cũng như "bầu bạn" cùng ông sớm tối. Thân thể ông thối rửa quá nữa rồi, một vài nơi xương đã lộ ra khõi da. Đám người làm công cho cô tư cũng chỉ qua loa, chiếu lệ đến dội nước mổi khi ông ỉa, đái.
Bàng hoàng khi nghe tin, mẹ tối tất tả sang nhà cô. Mang tiếng là chị chồng, em dâu, họ rất ít khi chạm mặt, lời chào, tiếng hỏi cũng còn hiếm, chứ đừng nói chi đến chuyện thăm viếng. Chào hỏi qua loa, mẹ tôi xin phép được vào thăm ông cụ. Tình cảnh thảm thương, bà không cầm được nước mắt, xin vội thau nước, cái khăn, bà nhẹ nhàng lau dọn, tắm rửa cho ông - người cha chồng vốn một đời luôn căm ghét, khinh khi, hành hạ bà. Xuất thân ngành y, bà không ngại, không tởm, không xa lánh người bệnh như bao kẽ khác. Chết thì ông cụ cầm chắc cái chết rồi, bà chỉ mong sao đở đần, san sẽ với ông cụ, hầu cho ông đến với cái chết được nhẹ nhàng. Bà xin với cô tư cho phép bà mang ông cụ về bên nhà để tiện việc săn sóc, người cô chỉ trể môi xì một tiếng, ra hiệu tiển bà về. Vậy là ngày ngày, sau việc đồng áng, nhà cửa, con cái, mẹ tôi lại mang theo tôi đến nhà cô tư để tắm rửa, chăm sóc ông cụ. Đây cũng là lần đầu tiên sau bao năm, tôi tiếp xúc với đám người được gọi là anh họ, chị họ, đám người thừa ăn, thừa để, tuy cũng trạc tuổi tôi, họ đã biết trang điểm, soi gương, làm duyên, làm dáng và ngoài việc học hành điều duy nhất họ phải làm là xài tiền.
Được một tuần, ông tôi đã khá nhiều, ông đã có thể gượng gạo trỡ người khi tê mõi và thì thào nói những gì ông cần, ông muốn. Ông năn nỉ mẹ tôi đừng để ông lại một mình, năn nỉ mẹ tôi thường xuyên tới thăm nom, chăm sóc cho ông, để ông đỡ bị đàn kiến đen hành hạ. Có vẽ vì chướng mắt, cô tư đành nuốt hận, nuốt nổi nhục mang tiếng bỏ rơi cha ruột và cho phép mẹ tôi mang ông về nhà.
Hơn một năm sau, thì ông mất. Đêm đó mọi người trong nhà vây quanh ông bên giường bệnh, ông nghẹn ngào xin mẹ tôi tha thứ, tha thứ cho ông đã đối xử tệ với mẹ tôi, tha thứ cho ông đã không thể ngờ rằng, người con dâu mà ông một đời ghét bỏ lại cưu mang, săn sóc ông trong suốt hơn một năm qua, điều mà chính đứa con gái ruột, đứa con gái duy nhất của ông đã không làm được. Ông thọ 70 tuổi và ba năm cuối đời vật vả trên giường bệnh cùng nổi đau thể xác, nổi hối hận trong tâm hồn. Tôi như thoát được gánh nặng hận thù đã đeo đuổi tôi trong suốt bấy năm trời.
.....
3

Cha tôi vốn mạnh mẽ, lực lưỡng, lại cần cù siêng năng, ham học hỏi, ngoài việc cải tạo hai công ruộng, ông trồng cam, bầu, bí, dưa, cà... mọi thành viên trong gia đình (trừ chị ba) đều phải dốc sức lao động, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, ông khuếch trương gia sản, mua thêm đất, cất thêm chuồng trại gia súc, gia cầm. Cực thật đó, nhưng đời sống có phần sung túc hơn, có cái ăn, cái mặc, có đồng ra đồng vào, chi phí, trang trãi cho việc học. Vật chất tuy có khá hơn trước, nhưng không vì vậy mà chúng tôi hạnh phúc hay vui vẽ hơn. Có tiền thì phải xài tiền. Ông trỡ lại phong lưu như thuở nào. Lần này ông công khai chung sống với một người đàn bà khác, nhà chỉ cách chổ chúng tôi sống vài trăm mét, ông chẵng mấy khi về nhà, chẵng mấy khi ngó ngàng đến mẹ con tôi, nhưng như vậy lại tốt hơn, vì mổi lần ông ghé lại nhà, thì không đánh đập, cũng chửi mắng mẹ con chúng tôi với đủ mọi lý do. Thu nhập chính của mẹ con tôi vẩn chỉ dựa vào số trứng gà bà nuôi, số rau quả bà trồng, mà mổi ngày tôi và chị hai phải chèo xuồng từ mờ sáng đưa ra bán ở chợ Cầu.
Những thành viên trong gia đình chúng tôi sẽ trưỡng thành ra sao, nếu cuộc sống cứ mãi tiếp nối theo chiều hướng hiện tại? Câu hỏi này, vĩnh viển không có câu trả lời, có ai biết trước được ngày mai kia chứ?!
Vào một ngày chiều muộn, cha tôi đột ngột trỡ về, ông đi thẵng vào bếp, sự xuât hiện quá đột ngột của ông khiến mọi người trong chúng tôi như bị trời trồng, không kịp lẩn trốn, không kịp tìm ra bất cứ một công việc nào đó khã dĩ giấu được thân, giấu được sự bối rối, sợ hãi, đến ngay con chó của ông nội tôi nuôi ngày xưa, luôn bám theo cha tôi với vẽ nịnh nọt, thuần phục, cũng không kịp vẩy đuôi mừng. Kéo mẹ tôi vào góc bếp, họ thì thầm to nhỏ, lời thì thầm lớn dần và biến thành một cuộc cãi vả. Cha tôi đang cần tiền, cần tiến gấp để bỏ trốn. Mẹ tôi làm gì có tiền kia chứ, chừng ấy năm rồi, cứ mổi năm, mẹ tôi ráng lắm cũng chỉ dành dụm nổi vài cái vé xe để đưa chúng tôi lên sài gòn vào mùa hè, thăm ngoại, cũng như phụ giúp mấy dì trong chuyện nhà cửa, quán xá, đổi lấy ít tiền quần áo, tiền tập vỡ và lần nào cũng vậy, hai mẹ con họ lại ôm nhau khóc, khóc đến hàng giờ đồng hồ, khóc đến khô cả nước mắt, và cũng chỉ là cái điệp khúc cũ kỷ, quen thuộc, ngoại xin mẹ tôi hãy ở lại, còn mẹ thì xin ngoại đừng lo, đừng buồn, đừng ép mẹ tôi phải xa đàn con... Tiếng cải vả cứ lớn dần, bọn tôi nhốn nháo như lủ gà con lạc mẹ gặp phải diều, và họ bắt đầu đánh nhau, ngạc nhiên trước sự phản kháng chưa từng có của mẹ tôi, cha tôi đã tiện tay với lấy con dao phai trên bếp chém mẹ tôi một nhát vào đầu. Máu tuôn xối xả, mẹ tôi nằm bất động trên vũng máu, cả bọn chúng tôi oà lên khóc, chị hai, chị ba, tôi... đến ngay cả thằng út chưa đầy hai tuổi chẵng hiểu chuyện gì cũng khóc thét lên theo, tiếng khóc vang cả nhà, cả xóm, cả vạt dừa nước rậm rì, mờ tối ven nhánh sông cụt, sau nhà...
Số phận chị em chúng tôi rồi sẽ ra sao, nếu mẹ tôi không qua được tai nạn lần này? chị hai tôi lúc đó chưa đầy mười lăm tuổi, liệu chị có thể thay thế vị trí một người mẹ mà lo tiếp cho chúng tôi? Tất cả những gì chúng tôi có thể làm cho người mẹ đang nằm bất động trên nền đất là gào khóc, chị hai quì trên đất lay gọi mẹ, những người khác xúm quanh, tất cả rên rĩ, „Mẹ ơi, mẹ ơi dậy đi...“ thằng út không hiểu chuyện gì, thấy mọi người gào khóc, sợ quá, lại hét lên, (hắn hét như heo bị đâm cổ vậy, giờ nghĩ lại không khỏi bật cười) và tiếng thét đó đã cứu sống mẹ tôi.
Nông dân vùng này lên giường rất sớm, họ lên giường như cùng lúc với gà lên chuồng, khi trời nhập nhoạng tối. Bị tiếng thét cũa thằng út phá rối, họ xách đèn, đốt đuốc chạy sang, lập tức, họ chèo xuồng, đưa mẹ lên trạm xá Chợ Cầu, sau khi cầm máu tạm cho mẹ. Đêm đó cả đám bọn tôi quay quần với nhau trong căn phòng nhỏ của mẹ, chẵng ai nói gì, chẵng ai bàn luận, hay có ý kiến gì, sự sợ hãi, hoang mang như vượt quá sức chịu đựng non nớt của cả bọn. Theo thói quen, tôi khe khẽ hát ru thằng út, nó đeo tôi khi mới lọt lòng và sẽ không ngủ được khi thiếu tiếng hát của tôi, con chị nó bốn tuổi, cuộn tròn người trong lòng chị hai. Đêm như dài vô tận....
Vài ngày sau, chị hai chèo xuồng đón mẹ về, bà xanh xao, vàng vọt, trên đầu là hai mươi tám mủi kim, che đậy sơ sài dưới lớp băng trắng ngà, nhớp nháp bẩn, loại băng được tái sử dụng nhiều lần. Bà ngồi đó, dịu dàng, mệt mỏi ra chỉ thị cho chị hai, những gì phải thực hiện ngay và những gì có thể chờ.
Sau đó là hàng loạt những cuộc viếng thăm, trát đòi, thư mời... người ta ép mẹ tôi ra tòa chỉ chứng cha tôi tội đánh đập, hành hung con cái, tội ngoại tình, cố sát vợ, tội giựt nợ, lừa đảo...
Ủy ban xã mở phiên tòa sơ thẩm. Hôm đó cha tôi râu không cạo, tóc không chải, áo quần xóc xếch, dơ bẩn, ngồi lọt thỏm, nhỏ bé giữa hai nhân viên công an, ông lơ đãng nhìn ra cửa sổ, như chừng đang dõi theo gợn mây trắng lơ lững trên nền trời xanh trong, đầy nắng.
Mọi người ngạc nhiên, rồi phẩn nộ khi mẹ tôi trước tòa đã công khai phủ nhận mọi tội trạng của cha tôi, bà khẵng định với mọi người rằng cha tôi vẩn luôn là một người cha rất tốt, sự nóng nãy vì cuộc sống khó khăn, là điều xãy ra trong mọi gia đình chứ không riêng gì gia đình bà, sự cố vừa qua, không chỉ là lổi của ông mà chính bà cũng có phần, vì nóng nãy đã nói không ít lời xúc phạm đến ông, thay vì cùng nhau bàn bạc cách giải quyết vấn đề, và đó chỉ là sự nóng giận nhất thời, không kiềm chế được và bằng chứng là, nếu ông thật sự muốn giết bà, thi chắc chắn rằng bà đã không còn cơ hội đứng đây với mọi người, số nợ ông gây ra chỉ vì nhẹ dạ, nghe lời xúi giục của bạn bè mà cầm cố ruộng đất, đầu tư buôn bán và người đàn bà ngoài giá thú của ông cũng phải gánh phần trách nhiệm khi chứa chấp ông dù biết rõ ông có vợ, có con. Số nợ đó bà sẽ thu xếp, thay ông thanh toán cho mọi người, bà chỉ cầu xin một điều, rằng ủy ban can thiệp dùm, đừng bắt bà phải trả lãi quá cao, và cho bà trả góp hàng tháng, từng đợt một. Không gian chùng lại, ngột ngạt, cánh côn trùng vi vu trong góc phòng, cha tôi ngồi bất động, mắt vẩn hướng về gợn mây trắng xa xa, hồn như thơ thẩn đâu đó trên bầu trời, hai dòng nước mắt chậm lăn, dài theo hốc má nhăn nheo, lởm chởm râu.
...

4

„Xem chừng chúng ta phải cất cái nhà này lại rồi ông à“. Bất chợt mẹ tôi buông đũa lên tiếng.
Cha tôi thở dài bâng quơ nhìn chổ ngói bị gió giật đêm qua: „Tiền đâu mà làm, để tui tìm mấy tấm lá lợp tạm, ráng thêm một mùa nữa rồi tính“. Ông thở dài, nhìn quanh, cột, kèo gổ tạp, chưa được mấy mùa đã mục, mái ngói theo năm tháng oằn cong, trong nhà, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, nhìn chổ nào cũng thấy tre và tre, cơ man nào là tre lớn chống cột, tre nhỏ chịu mái, „Kiểu này có ngày cả nhà bị chôn sống.“ Ông lẩm bẩm. „Giờ chỉ còn cách giở bỏ ngói, thay lá vô, rồi tới đâu hay tới đó.“ Ông lại thở dài.
Lá cũng đâu có rẽ, giờ lợp hết lại bằng lá tốn cũng không ít, mà mấy cây đòn tay cũng phải thay, mẹ tôi nhẩm tính rồi lặp lại: „Cũng một lần công thợ, thôi hay mình làm lại hết, thay luôn cái cột, mấy tấm vách cũng phải tô, trét lại, thôi thì làm hết lại cho rồi, đàng nào cũng phải làm, chấp vá cũng mấy năm nay rồi còn gì, ông nghe tui một lần đi, tui tính được thì làm được, miển ông chịu.“ Mẹ nhỏ nhẹ thuyết phục. „Ừ bà làm gì thì làm đi, tui không có ý kiến đâu, chỉ sợ bà tính không tới, rồi bỏ dở nữa chừng, nhà không ra nhà, chòi không ra chòi, coi chiều nhắc sấp nhỏ ra tưới phụ tui mấy cây cam, tưới nhiều vô, đất gò, tưới ít quá tuị nó không chịu nổi, chiều tui sang chị tư xịt sâu, bà với mấy đứa nhỏ khỏi chờ cơm.“ Nói xong, cha tôi khoát cái áo lên vai lững thững ra ruộng, con chó cụp tai, vẩy đuôi chạy theo, ông xoa đầu nó, ra hiệu cho nó ở lại nhà.
Hè năm đó, không chỉ tôi, mà chị ba cũng phải hành trang cùng tôi lên Sài gòn, năm nào cũng vậy mà, tôi quen rồi và thích thú là khác, mổi khi hè đến, tôi sẽ lại được lên thăm ngoại, nhà ngoại giờ không còn giàu có như thời ông ngoại còn sống. Nhà, đất, ngày xưa nhiều lắm, giờ bán cũng sắp hết rồi, gần nhà có cái nghĩa địa nhỏ, sau mỗi bửa cơm trưa tôi hay cùng mấy chị, con dì ra đó mắc võng ngủ, mát lắm, nghĩ ngơi vài ngày rồi sang nhà mấy dì phụ bán quán, mẹ tôi thứ mười, nhà ngoại lại toàn con gái, phần đông họ mở quán, quán cà phê, quán cơm, quán nhậu, và hè nào tôi cũng lên làm chung với chị tư, chị năm, nay nhà dì này, mai nhà dì kia, vui lắm, dân sài gòn nhiều tiền, họ uống một ly cà phê thôi đã bằng tiền công tôi nhổ cỏ lúa hàng nữa ngày trời.
Chỉ khác là lần này mẹ không đi cùng. Chị ba trợn tròn mắt khi nghe quyết định của mẹ, chị tưỡng mẹ đùa, rồi bắt đầu nhảy tửng lên, ban đầu thì phản đối, nài nỉ và dần chuyển sang nguyền rủa. „Tui tội tình gì mà bắt tui lên sài gòn ở đợ?“ „Hồi nào giờ, tui đâu có phải làm mấy cái việc này.“ „Mấy người sẽ hối hận....“ Rồi chị ba quay sang cha, „Cha“ chị hét lên, „Ông nói gì đi chứ, Ông cũng bắt tui lên sài gòn, ở đợ cho người ta?“ Chị gào, chị khóc, hình như tiếng gào, khóc này còn thảm thương hơn cả cái hồi mẹ lâm nạn. Cha tôi lặng thinh, ông đứng đó ngữa mặt nhìn trời, như đoán xem thời tiết, mưa nắng thế nào. Tính ra cũng mấy năm rồi cha tôi không còn tham dự vào công việc trong nhà, ngoài lúc làm việc đồng áng, ông quanh quẩn sau hè, khi sửa cái chuồng gà, lúc vét cái ao cá, lúc trồng rau, trồng cải, hay sửa lại cái giàn bí, giàn bầu.
Năm đó, toà ngoài xã phạt cha tôi lao động công ích bốn tháng, khi thì lấp hố bom, lúc vét mương, xây trường học, ở đó ông quen một mục sư, họ trò chuyện, tâm sự thế nào không rõ, ngày trở về, ông thay đổi hẳn tính tình, ông bỏ rượu, bỏ thuốc lá, trở nên ít nói, thỉnh thoãng chỉ cười, cái cười nữa như vui vui, nữa như ngượng ngượng, và từ đó mỗi chủ nhật, bốn giờ sáng ông lội bộ mười lăm cây số lên chợ huyện, ở đó ông đi nhóm, sau một thời gian, ông làm lễ Baptem, theo hẳn đạo Tin lành. Mọi việc trong nhà, ông để mẹ quyết định, ngay cả tiền bạc, ông cũng không hề hỏi đến. Được một thời gian, mọi người trong gia đình tôi cũng theo ông đi nhóm, và tin Chúa...
Mẹ trao cho tôi tiền xe, và một lá thư cho ngoại, tui cùng chị ba lên đường. Chỉ sau một ngày dì tôi không chịu nổi chị ba nữa, đành mang chị gửi sang bên ngoại cho đến cuối hè.
Trong số chúng tôi, chị ba là người học giỏi nhất, hầu như năm nào chị cũng được lãnh thưởng và sau tốt nghiệp chị thi vào trường trung học ngân hàng ở Sài gòn, từ đó chị vĩnh viển không còn xem mình là con trong gia đình. Học xong, chị tìm được việc làm và ở luôn trên Sàigòn, cứ vài tháng, chị lại về thăm nhà một lần, và lần nào, chị cũng mang chút tiền về cho mẹ, nhưng lại chở đi vài chục ký gạo, hàng lố cây trái, thậm chí gà qué, chị cũng không tha, mỗi lần đưa tiền vậy, chị lại nhắc, „Nè, trả lại tiền hồi xưa nuôi tui ăn học đó nhe“ Mẹ tảng lơ như không nghe, còn cha thỉnh thoãng lại than: „Con này như chén nước cơm“.
Đuợc ít lâu, cha mẹ tôi lần lượt ngã bệnh, lần đó, cha tôi lên nhà chị ba ở Sài gòn để mổ bứu, mẹ cũng vừa mổ tử cung, bà dặn con gái phải chi chút tiền, để người ta chăm nom, săn sóc cha đàng hoàng, „Bộ bà tưởng ai cũng ham tiền như bà sao?“, chị trả lời. Hai năm sau, bệnh tái phát, ung thu đã đến giai đoạn cuối, ông nằm liệt giường, đau đớn.
Chuyện đồng áng cực nhọc, nhà lại toàn con gái, nên từng người một trong số chị em chúng tôi bỏ lên Sàigòn tìm việc, vật giá ở Sàigòn đắt đỏ, tôi lại xài rộng, nên chẳng mấy khi có tiền cho mẹ, chỉ có chị hai là đều đặn gửi tiền về cho mẹ nuôi ba đứa nhỏ còn lại trong nhà, cũng như trả cái số nợ, mà ngày xưa mẹ mượn, nuôi chị ba ăn học hàng mấy năm trời.
Rồi chị ba có chồng, lần đó, chị về, đưa cho mẹ tôi xấp tiền, biểu mẹ tôi xây lại nhà lần nữa, phải tôn mát, nền gạch, phải có tường có vách, phải ngăn phòng cho hợp lý, phải xây cầu tiêu, nhà tắm trong nhà.... phải làm coi cho được để chị mang chồng về ra mắt mọi người, chồng chị là một người mỷ, già hơn chị gần ba chục tuổi. Cha mẹ tôi bàn tính, chị cũng lớn tuổi rồi, tính tình lại ương bướng, cao ngạo, may mà tìm được tấm chồng, thôi thì đành vậy, để chị có nơi mà nương tựa, ổn định cuộc sống.
Cha tôi bán đi hai công ruộng và xây lại nhà, lúc này tôi cũng đã có chồng, hai vợ chồng tôi, tuy không khá giả gì, nhưng cũng có chút tiền dành dụm cho mấy đứa nhỏ, tôi lén chồng, gửi hết về cho mẹ. Nhà cửa khang trang, cha tôi qua đời.
Đám cưới chị ba, đứa con gái, mà cha tôi thương nhất, niềm hãnh diện của cha tôi ngày đó, đã không có ông tham dự. Đám cưới xong, chị ba lên đường sang Mỷ, không một lời từ biệt mẹ, không một chút tiền, chút quà cho mẹ, „Tôi hận mẹ, bà đã khiến tôi mất niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân, chỉ có Cha là đáng kính trọng, tôn thờ.“ Chị biện bạch với mọi người. Sáng hôm đó chị bay, chị tổ chức buổi tiệc đưa tiễn long trọng, mời tất cả mọi người trong vòng gia đình, bè bạn. Mẹ một mình, ngồi bó gối ngoài hàng hiên dưới quê, mắt đẩm nước, bà ngẩng mặt nhìn trời: „Đến giờ con tôi bay rồi, mong Chúa phù hộ, giử gìn nó....“

Sài gòn Tháng 8. 2009

(Hết)