PDA

View Full Version : Chữ "Hiếu" duy nhất


m3oc0n
08-09-2006, 02:50 AM
TTO - Câu đố quen thuộc, nhưng lần đầu nghe thầy hỏi, tôi thực sự lạ lùng: Gặp ba người chìm đò: cha mình, thầy giáo mình, và ông vua, các em cứu ai...

Khi ấy tôi học lớp 5, vừa chập chững biết bơi, lập tức suy nghĩ về trường hợp chìm đò, sức mình mà cứu người lớn thì khó. Ông vua xa lạ quá, tôi bỏ qua, băn khoăn nhất là cha mình và thầy giáo. Bọn bạn trả lời lao xao, đứa nói cứu vua để được làm phò mã nọ kia, đứa nói cứu cha, đứa nói cứu thầy, lại có đứa lơ ngơ hỏi “Ủa, thầy không biết bơi ha thầy?”.

Khi được hỏi, tôi túng quá bèn trả lời “Dạ, chắc là gần ai thì cứu người ấy trước”. Kỳ thực đó là kiểu trả lời “huề vốn” của dân gian. Thầy cười không giải đáp, kêu về tự hiểu. Tôi bứt rứt không chỉ vì ăn gian thầy, mà vì lời giải bài đố kia bị bỏ lửng. Về, tôi kể chuyện này cho bố tôi nghe, chị tôi chen ngang “À, chuyện này nói theo trật tự quân - sư - phụ đây mà. Thầy của chị giải rằng không phải cứu vua mà cứu thầy, thầy dạy mình nên người…”.

Nghe đến đó, bố tôi hỏi chị: “Thầy con dạy thế à?”. Xong, bố ngồi trầm ngâm. Chị tôi chẳng để ý sự bứt rứt của tôi, bỏ đi làm việc khác. Tôi cũng chẳng hỏi thêm. Mãi lúc lâu sau, bố đứng lên và nói như buột miệng từ những suy nghĩ: “Thầy còn thầy khác, cha thì…”. Bố bỏ lửng tại đó. Nhưng tôi kịp nghe, và tự thấy đó là lời giải của bố. Sau này tôi mới biết bố phân vân không nói ra lời giải nọ chính vì chị tôi đã có một lời giải khác, từ thầy giáo ở trường.

Câu chuyện xảy ra lúc tôi còn học lớp năm, nhưng đến năm lớp tám, khi bố mất, tôi mới kịp nhận ra mấy lời chưa nói thuở nọ: Cha thì chỉ có một trên đời.

Và cuộc sống mỗi ngày thêm bận rộn, có ai để ý suy nghĩ xem tại sao mình lại là con trong gia đình mình? Có người bạn ao ước “Giá như mình được sinh ra trong nhà của Thủ tướng, chắc là sung sướng lắm”. Nhưng kỳ thực có ai chọn được sự xuất hiện của mình.

Mỗi thành viên của xã hội, ngoài ý nghĩa truyền thừa huyết thống, còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi phát triển văn hoá đặc thù của từng dân tộc: nếp nhà. Từ những mắt xích nếp nhà quan trọng ấy, văn hoá dân tộc có được sự sâu dày, bền vững.

Khái niệm "chữ Hiếu" chính là duy trì và phát triển dòng chảy ấy.

Những tiện nghi trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu đang tạo điều kiện để con người đối xử với nhau bình đẳng, sòng phẳng hơn. Con cái nhận từ thế giới xung quanh nhiều thông tin hơn từ cha mẹ. Tuy nhiên, dẫu công nghệ có phát triển thế nào, gia đình vẫn là bước đệm đầu tiên để mỗi con người hình thành và phát triển nhân cách. Con cái hiểu được điều cha mẹ kỳ vọng sẽ là động lực đầu đời để phấn đấu. Ý tưởng từ thế hệ đi trước sẽ được hoàn thiện bởi thế hệ sau cũng là một hình thức tồn tại của hiếu trong thời nay.

Tính duy nhất một của người cha, người mẹ cũng chính là tính duy nhất một của lần hiện hữu mỗi chúng ta giữa cuộc đời này.

Cái ngập ngừng của bố tôi ngày xưa phải chăng là ở chỗ ấy, chỗ chỉ ra rằng hiếu kính cha mẹ chính là chuẩn bị cho ta một phương cách tốt để làm người - làm nhiệm vụ của một lần sinh ra giữa thế gian.

LAM ĐIỀN