PDA

View Full Version : Nhật Bản quyết xứng danh 'niềm tự hào của châu Á'


NhatAnh
05-30-2006, 06:58 PM
Cùng với Hàn Quốc, đội tuyển xứ mặt trời mọc là hy vọng của bóng đá châu Á tại Đức mùa hè năm nay. Đoàn quân của huyền thoại Zico là đội ĐKVĐ châu lục, và được Pele đánh giá không tồi.

http://vnexpress.net/Vietnam/The-thao/2006/05/3B9EA008/nhat-nh.jpg
Đã chinh phục đấu trường châu lục, Nhật hướng ra "biển lớn" World Cup. (AP)

Trong một bài viết trên tờ nhật báo Yomiuri Shimbun số ra cách đây không lâu, “Vua bóng đá” Pele đã đánh giá không thấp cơ hội qua vòng bảng của Nhật Bản tại Đức mùa hè này. Cũng theo ông, ở World Cup 2002, Nhật chỉ lọt được vào vòng 2 trong khi bên xứ Kim Chi, đoàn quân của HLV Guus Hiddink đã đi tới trận bán kết khiến cho nhiều người có suy nghĩ rằng Hàn Quốc sẽ có nhiều triển vọng hơn ở ngày hội bóng đá lần này. Nhưng “Thời điểm này sẽ có sự hoán đổi”, Pele nói. Ông đánh giá tiếp: “Nhật Bản sẽ có những bước tiến xa hơn. Zico là một HLV có nhiều kinh nghiệm, vì ông ấy đã cùng ĐTQG Brazil nhiều lần tham dự World Cup”.

Những nhận định của huyền thoại người Brazil là hoàn toàn có căn cứ, khi nhìn vào những chuyển biến tích cực của ĐTQG Nhật Bản trong thời gian gần đây, mà lâu hơn một chút là thời điểm ra đời giải bóng đá nhà nghề J-League năm 1993. Từ đó cho đến nay, “các võ sĩ Samurai” đã có những bước tiến rất đáng kể trên đấu trường châu lục, thể hiện qua việc giành được 2 chức vô địch châu Á năm 2000 và 2004. Còn trên đấu trường quốc tế, sau nhiều lần lỗi hẹn, họ cũng đã được tham dự kỳ World Cup đầu tiên vào năm 1998 tại Pháp. Và trong kỳ tiếp sau được tổ chức ngay trên sân nhà, họ đã có những bước thăng tiến kỳ diệu khi vượt qua Nga và Tunisia để lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất nhờ một lối chơi gắn kết, kiên trì với sự toả sáng của các cá nhân.

Ở vòng sơ loại của World Cup lần này, không phải lúc nào cũng giữ được phong độ ổn định nhưng cuối cùng thì Nhật Bản cũng thể hiện được trình độ của nhà đương kim vô địch châu lục, trở thành đội tuyển đầu tiên (không tính chủ nhà Đức) giành quyền vào chơi vòng chung kết. Các cầu thủ Nhật đã tạo được lợi thế tâm lý rất lớn ở vòng sơ loại đầu tiên khi đạt số điểm tuyệt đối, với 6 chiến thắng. Nhưng bước vào vòng sơ loại thứ 2, đội quân của HLV Zico có đôi chút chững lại khi phải rất vất vả mới giành được chiến thắng trước CHDCND Triều Tiên nhờ bàn thắng ở những phút bù giờ, và sau đó là thất bại 1-2 trên sân của Iran. Nhưng cũng từ đó, “Mặt trời” đã kịp bừng tỉnh để liên tiếp giành chiến thắng ở những trận còn lại, trong đó có thắng lợi quan trọng 2-0 trước CHDCND Triều Tiên trên sân trung lập Bangkok và trả được món nợ ở trận lượt đi khi tái ngộ Iran, qua đó giành ngôi đầu bảng B với 15 điểm trong tổng số 18 điểm tối đa, xếp trên Iran.

Khi nhìn lại những chiến tích ấn tượng mà Nhật Bản có được tại World Cup 2002 người ta thấy rất rõ những phần đóng góp quan trọng của các trụ cột như Nakata, Inamoto và Ono, những cầu thủ khi đó đều nổi danh ở nước ngoài. Nhưng hiện tại, họ không còn giữ được phong độ đỉnh cao và thường có những màn trình diễn thiếu ấn tượng mỗi khi ra sân trong màu áo đội tuyển. Nên trọng trách đã được san sẻ cho nhiều cái tên mới nổi trong đội hình hiện nay như: Nakamura, Yanagisawa, Takahara, hay Oguro, Ogasawa… Vì thế, giới chuyên môn đã đánh giá rất cao chất lượng đồng đều của đội hình tuyển Nhật Bản tại World Cup kỳ này. Họ không đơn thuần chỉ biết tấn công biên, và thi đấu kiên trì như trước nữa mà thêm vào đó là sự đa dạng trong lối chơi và trong từng cầu thủ đã thấy có sự nhanh nhạy, kỹ thuật cũng như những bước tiến dài về mặt thể lực. Đó hoàn toàn là do sự rõ ràng trong phương thức huấn luyện của Zico. Với ông, các cầu thủ không bao giờ được phép trông chờ thụ động vào sự hướng dẫn của HLV, họ phải tự biết cách phát huy nội lực và thi đấu tích cực. Có lẽ vì vậy mà ông luôn luôn tỏ ra tự hào khi nói rằng đó là hệ quả tích cực của sự “kết hợp văn hoá Brazil vào văn hoá và bóng đá Nhật Bản”.

Các đối thủ lớn nhất của Nhật ở vòng bảng chính là Brazil và Croatia, một đội là đương kim vô địch thế giới và một từng giành vị trí thứ 3 năm 1998. Còn Australia của HLV nổi tiếng Guss Hiddink cũng là một trở ngại không nhỏ, vì họ đang rất háo hức khi được trở lại giải đấu này sau những lần lỗi hẹn ở các kỳ trước. Vì thế, Nhật Bản dù sao cũng bị xem là yếu nhất ở bảng đấu này. Xét trên phương diện tổng quan, dù không muốn nhưng những người yêu mến bóng đá Nhật Bản phải thừa nhận đó là một thực tế phũ phàng. Tuy nhiên, thừa nhận và chấp nhận là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Đúng với tinh thần đã dạy bảo các học trò, Zico luôn luôn tỏ ra lạc quan khi cho rằng đội quân của ông vẫn có nhiều khả năng để gây bất ngờ. Phải đối đầu với đội tuyển quê hương Brazil ngay tại vòng đấu bảng không phải là điều mà Zico mong muốn, nhưng cũng không phải vì thế mà nó khiến ông phải “mất ăn mất ngủ” như nhiều người thường nghĩ. Chính đội bóng của “xứ sở hoa anh đào” từng cầm chân đội đương kim vô địch thế giới trong trận hoà 2-2 ở Confederations Cup hồi mùa hè năm ngoái. Thậm chí, Nakata còn tỏ ra mạnh dạn khi tuyên bố: “ Chúng tôi chẳng hề sợ Brazil”. Còn ông thầy Zico của anh cũng không kém phần bạo miệng khi nói rằng họ sẽ đánh bại Australia và… “lọt vào vòng trong”. Không biết “cơ sự” rồi sẽ thế nào, nhưng biết đâu người Nhật sẽ lại làm được một điều gì đó thần kỳ như họ đã thực hiện thành công với các lĩnh vực khác thì sao?

Các trận đấu của Nhật tại vòng bảng World Cup 2006 (bảng F):

Gặp Australia, ngày 12/6 ở Kaiserslautern
Gặp Croatia, 18/6 Nuremberg
Gặp Brazil, 22/6 Dortmund

Vài nét về HLV trưởng Zico:
Ngày sinh: 3/3/1953, tại Brazil


http://vnexpress.net/Vietnam/The-thao/2006/05/3B9EA008/zico.jpg

Zico không bao giờ cho rằng những thành quả mà ông có được trong quá khứ và hiện tại là phải nhờ đến may mắn. Nhà cầm quân này tâm niệm: “Mọi thành công đều là do sự chăm chỉ luyện tập, cùng với niềm đam mê và tinh thần thi đấu lạc quan”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Rio de Janeiro, Arthur Antunes Coimbra được người hâm mộ biết đến nhiều hơn dưới cái tên thân mật Zico. Ông được đánh giá là một trong những cầu thủ hay nhất mà thế giới bóng đá từng sản sinh. Năm 2004, ông đã được “Vua” Pele xếp vào hàng ngũ 125 cầu thủ vĩ đại nhất, và được rất nhiều người Brazil bình chọn là cầu thủ chơi hay nhất sau thời kỳ của Pele và Garrincha.

Sự nghiệp HLV

Cấp CLB: 1995-2002, Kashima Antlers của Nhật (gồm cả thời gian làm Giám đốc kỹ thuật )

Cấp đội tuyển: từ năm 2002, ĐTQG Nhật

Năm 2002, Zico rời Kashima để thế chỗ của Philippe Troussier đảm nhận cương vị HLV trưởng ĐTQG Nhật Bản. Sau màn khởi đầu không thật suôn sẻ, mọi chuyện đã dần đi vào ổn định, và ông cũng nhanh :Dng đáp ứng được mong mỏi của người hâm mộ, khi giúp các cầu thủ Nhật đăng quang tại giải vô địch châu Á năm 2004 (đánh bại chủ nhà Trung Quốc 3-1 ở chung kết). Sau đó, ông tiếp tục đưa Nhật Bản đến với vòng chung kết World Cup lần thứ 3.

Những thông tin khác về đội tuyển Nhật

Trận đấu quốc tế đầu tiên: Nhật Bản 0-5 Trung Quốc (9/5/1917 tại Tokyo)

Trận thắng đậm nhất: Nhật Bản 15-0 Philippines (27/9/1967 tại Tokyo)

Trận thua đậm nhất: Nhật Bản 2-15 Philippines (10/9/1917 tại Tokyo)

Các cầu thủ nổi tiếng hiện nay: Hidetoshi Nakata, Shinji Ono, Naohiro Takahara

Các kỳ World Cup đã tham gia : 1998 ( vòng bảng) , 2002 (vào vòng 16 đội)

Thành tích tốt nhất Vô địch châu Á năm 1992, 2000, 2004

Danh sách 23 tuyển thủ Nhật tới Đức:

Thủ môn - Yoshikatsu Kawaguchi (Jubilo Iwata), Yoichi Doi (FC Tokyo), Seigo Narazaki (Nagoya Grampus Eight)

Hậu vệ - Tsuneyasu Miyamoto (Gamba Osaka), Alex (Urawa Reds), Yuji Nakazawa (Yokohama F-Marinos), Makoto Tanaka (Jubilo Iwata), Akira Kaji (Gamba Osaka), Keisuke Tsuboi (Urawa Reds), Yuichi Komano (Sanfrecce Hiroshima), Koji Nakata (FC Basel)

Tiền vệ - Hidetoshi Nakata (Bolton Wanderers), Shunsuke Nakamura (Celtic), Shinji Ono (Urawa Reds), Junichi Inamoto (West Bromwich Albion), Takashi Fukunishi (Jubilo Iwata), Mitsuo Ogasawara (Kashima Antlers), Yasuhito Endo (Gamba Osaka)

Tiền đạo - Atsushi Yanagisawa (Kashima Antlers), Naohiro Takahara (Hamburg), Masashi Oguro (Grenoble), Keiji Tamada (Nagoya Grampus Eight) Seiichiro Maki (JEF United Chiba)